Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Ghi chép từ nơi an nghỉ của Đức cha Jean Cassaigne

Một ngôi mộ được thiết kế với tấm bia nằm sát mặt đất, trên thảm cỏ xanh, phía sau có cây thánh giá tạo bằng khúc gỗ đơn sơ, cạnh bên tháp chuông và căn nhà nguyện nhỏ xinh, mang đậm nét núi rừng cao nguyên.  Ðó là ấn tượng đọng lại trong tôi và có lẽ nhiều người khác khi đến thăm nơi an nghỉ của Ðức cha Jean Cassaigne.

Mấy lần đi Ðà Lạt nhưng lần ấy tôi mới có dịp ghé ngang thăm trại phong Di Linh. Hôm đến đây vào Chúa nhật nên nơi này khá vắng vẻ, tĩnh lặng giữa cơn mưa lâm râm. Theo chân người nữ tu già đi rảo qua thăm từng khu, sơ cho biết, bệnh phong bây giờ không còn nằm trong “tứ chứng nan y” nữa, số lượng bệnh nhân ở đây giờ cũng giảm đi nhiều so với trước, phần lớn là điều trị ngoại trú. Những người ở lại để được chăm sóc thường xuyên chủ yếu là người già, neo đơn... Ði qua một dãy hành lang, sơ chỉ về phía trước, đan xen với khung cảnh thiên nhiên cỏ cây là những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh - nhà của các gia đình bệnh nhân phong. Quả đồi này như đã là của họ.

Cũng trong khuôn viên của trại phong, chúng tôi vào thăm căn phòng nhỏ nằm kế bên nhà nguyện. Nơi đây, ai nấy được dịp xem lại những kỷ vật của Ðức cha Jean Cassaigne, vị mục tử sinh ra tại Pháp từ năm 1895 nhưng đã dành phần lớn cuộc đời sống giữa những người bệnh phong ở Di Linh này để phục vụ họ. Tôi dừng lại khá lâu bên chiếc bàn làm việc của ngài và chăm chú nhìn vào chiếc máy đánh chữ cũ kỹ. Trong đầu tôi thoáng hình dung về sự cần mẫn, chăm chỉ của Ðức cha. Ở góc phòng, chiếc tủ cá nhân vẫn còn lưu giữ những chiếc áo lễ ngài đã từng mặc. Chiếc giường Ðức cha nằm thường ngày, từ khi còn khỏe đến lúc đau bệnh, cũng là hiện vật sống động được gìn giữ bao năm qua. Trên tường là những hình ảnh ghi lại các hoạt động của vị mục tử nhiệt thành một thời. Tất cả những kỷ vật còn lưu lại qua thời gian đã minh chứng cho sự tận tụy dấn thân của vị “giám mục của người phong cùi” trên dải đất cao nguyên này.
Mộ của Ðức cha nằm gần bên ngôi nhà nguyện, với tấm bia sát mặt đất, trên đó, bên cạnh những thông tin về ngày tháng năm sanh; nơi sanh; ngày thụ phong linh mục, tấn phong giám mục; ngày thành lập trại phong và ngày qua đời tại đây; trên đầu bia mộ còn có câu khẩu hiệu “Caritas et amor” (Bác ái và tình yêu). Nhìn lại câu khẩu hiệu cùng những dòng chữ như “lý lịch trích ngang” của vị mục tử đến từ nước Pháp xa xôi, tôi thầm cảm phục con người giản dị, có tấm lòng nhân hậu ấy. Di ảnh của Ðức cha trên tấm bia với khuôn mặt xương gầy cùng chòm râu, từ xa lạ, bỗng trở nên gần gũi hơn trong yêu thương.

Gần một thế kỷ trôi qua, từ ngày trại phong Di Linh này được thành lập, tinh thần yêu thương của Ðức cha Jean Cassaigne đã đem đến sự ấm áp cho bao con người đau bệnh, bị xã hội kỳ thị một thời. Tinh thần ấy còn lan tỏa đến bao thế hệ hậu sinh để vẫn có những người theo chân Ðức cha, tiếp tục con đường phục vụ bệnh nhân.
Rời trại phong và nơi an nghỉ của ngài, trên đường về, tôi nghĩ nhiều về những tu sĩ đã chọn cách dấn thân qua việc chăm sóc cho những người bất hạnh, bệnh tật đeo đẳng, nhất là những căn bệnh mà chỉ nghe tên thôi, đã cảm giác bị người đời xa lánh. Những trại phong đây đó hay các trung tâm, bệnh viện cho người HIV/AIDS là nơi đã và đang có phần lớn các nữ tu bám trụ, như ở Di Linh này với các sơ áo xanh của dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn. Dù cái thời căn bệnh đáng sợ của Hàn Mạc Tử đã qua nhưng nghĩ tới các trại phong từ Bến Sắn, tới Di Linh, Quy Hòa…, hình ảnh các tu sĩ phục vụ quên mình vẫn mang lại niềm an ủi, là một chứng từ rõ nét cho thấy tôn giáo góp phần xoa dịu nhiều nỗi đau của cuộc đời.
Tại kỳ họp lần thứ 14 vừa qua của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ðức cha Jean Cassaigne là một trong những vị thừa sai được bàn đến tiến trình xin phong thánh cùng với các đấng tử đạo Việt Nam trong trong hồ sơ của Tòa Thánh. Với không ít người từng biết rõ Ðức cha một thời thì trong tâm tư họ, ngài đã thực sự nên thánh từ chính cuộc sống của mình. Còn thế hệ sinh sau đẻ muộn như tôi, được nghe kể và đọc về đời dấn thân của Ðức cha, cũng dành cho ngài một tình cảm trân quý và mong sớm được xướng tên ngài trong hàng ngũ các vị thánh Công giáo!
Ðức cha Jean Cassaigne sinh ngày 30.1.1895 tại Pháp, thụ phong linh mục ngày 19.2.1925. Năm 1927, ngài là linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris được bổ nhiệm vào công cuộc truyền giáo cho người dân tộc ở Di Linh - Việt Nam. Ðến đây, cha Cassaigne đã học nói tiếng của người dân tộc, một ngôn ngữ quá mới mẻ và không có chữ viết nên cha phải mày mò ký tự từng chữ. Tháng 12.1929, cha Cassaigne đã xuất bản Từ điển Pháp - K’ho - Việt, đây là cuốn từ điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ K’ho; 8 năm sau đó, cha lại cho ra cuốn Phong tục tập quán của người dân tộc K’ho; và năm 1938, xuất bản tiếp tập Giáo lý cho người K’ho. Chính nhờ hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán K’ho, cha Cassaigne đã thực sự trở thành người khai phá, ông tổ của công cuộc truyền giáo cho người dân tộc thuộc các buôn làng ở cao nguyên Di Linh - Langbiang.
Năm 1929, cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh phong lại và thành lập Trại Phong Di Linh.
Ngài được tấn phong Giám mục ngày 24.6.1941, với khẩu hiệu “Bác ái và yêu thương”. Ðức cha phục vụ địa phận Sài Gòn trong sứ vụ Ðại diện Tông tòa đến năm 1955 thì bệnh phong phát tác, ngài xin được trở lại trại phong Di Linh và đã dành trọn cuộc đời còn lại để chăm lo cho các bệnh nhân phong đến khi qua đời vào năm 1973. Mộ phần của ngài được an táng trong khuôn viên của trại phong Di Linh (nay thuộc xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng).
LIÊN GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét