Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Tỏa lan tinh thần Dũng Lạc trên miền cao nguyên

Ảnh: Yên Lam 

Với khoảng 1.700 giáo dân, trong đó có hơn 600 tín hữu dân tộc thiểu số, qua 65 năm hình thành, phát triển, giáo xứ Dũng Lạc (GP Ban Mê Thuột) là tổ ấm vững chãi cho đoàn chiên và là ngọn đèn sáng thu hút thêm nhiều người đến với Chúa.

Quay về thời mới hình thành, nơi đây chỉ có một nhà nguyện nhỏ do các chủ đồn điền người Pháp cùng một ít công nhân của CHPI (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois - Công ty Cao nguyên Ðông Dương) góp sức dựng nên để có chỗ quy tụ sinh hoạt tôn giáo. Khi Ðức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi của giáo phận Ban Mê Thuột, ngài đã đặt tên cho họ đạo là giáo xứ Ban Mê Thuột ngoại thành. Từ giữa thập niên 1970, các sinh hoạt bị gián đoạn. Ðầu năm 1991, cha Antôn Ðỗ Văn Tài, quản xứ Phú Long đến đây dâng lễ khi nhà thờ mở cửa trở lại. Sau đó, linh mục Gioan Bùi Quang Ðạo được trao trách nhiệm coi sóc giáo xứ. Ngài khôi phục lại các sinh hoạt và đổi tên mới cho nhà thờ là tên của thánh tử đạo Anrê Trần An Dũng Lạc, được gọi tắt là giáo xứ Dũng Lạc như hiện nay. Từ lúc cha Antôn Vũ Thanh Lịch được thuyên chuyển về xứ, ngài đã lên kế hoạch và tiến hành khởi công xây dựng mới mái nhà chung của họ đạo. Ngày 28.4.2016, sau 3 năm xây dựng, ngôi thánh đường mới đã được khánh thành. Nhà Chúa với dáng dấp lấy cảm hứng từ những ngôi nhà dài của đồng bào sắc tộc mang theo trong đó mong ước quy tụ đông đảo đoàn chiên về bên Cha. Phía trái cổng nhà thờ là nhà lọc nước sạch miễn phí, như món quà tặng sẻ chia của cộng đoàn với tha nhân trong vùng.


Đức Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột Vinhsơn Nguyễn Văn Bản 
làm phép viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường Dũng Lạc, ảnh Gx Dũng Lạc

Cha chánh xứ cho biết trung bình mỗi năm Dũng Lạc lại đón nhận thêm khoảng 50 tín hữu gia nhập đạo. Con số này có thể không lớn lắm nhưng là minh chứng cụ thể cho sự lan rộng của Lời Chúa trên miền cao nguyên trung phần. “Mọi người rất tích cực cộng tác với chúng tôi mỗi khi xứ đạo cần, đặc biệt là trong việc loan báo Tin Mừng dù gặp nhiều khó khăn”, cha Lịch nói thêm. Nói là khó khăn bởi như rất nhiều nơi khác ở Ban Mê, nơi đây có cộng đồng dân cư là người Kinh và người Êđê sống cùng nhau, song lại có phong tục, tập quán khác nhau. Rồi vài năm gần đây, khi giá tiêu, cà phê - hai loại cây trồng chủ lực - liên tục lao dốc lại nhuốm thêm màu âu lo cho cuộc sống thường ngày. Lớp trẻ trong xứ người đi học, kẻ đi làm ở Sài Gòn, Bình Dương… Những tưởng rằng bầu khí trì trệ sẽ bao trùm, nhưng không phải. Bằng nỗ lực và sự nhiệt thành, mỗi thành viên trong xứ cùng nhau thổi lên ngọn lửa mến để sức trẻ của họ đạo được kéo dài mãi thôi.

Ai từng lên Ban Mê cách đây vài chục năm giờ quay lại sẽ khó nhận ra những cung đường mình đã đi ngày trước. Hình ảnh nắng gió thổi tung bụi đường ngày nắng hay những đôi chân dính đầy đất đỏ ngày mưa ít còn gặp được. Ban Mê hôm nay là thành phố sầm uất, hiện đại, đường sá nhộn nhịp xe cộ. Theo dòng phát triển của xã hội, bộ mặt Dũng Lạc nay cũng khác nhiều. Có nhiều thuận lợi về giao thông, các vị chủ chăn đã sắp xếp giờ lễ phù hợp, các thánh lễ đủ đầy nhưng không lê thê, dài dòng để mọi người đến Nhà Chúa nhiều hơn. Chiều thứ Sáu hằng tuần, cha sở dâng lễ bằng tiếng Êđê để góp phần giữ lại bản sắc riêng của những con chiên dân tộc ít người trong họ đạo. Thêm vào đó là nhiều hoạt động được tổ chức để khơi cho lửa mến tin, liên kết chặt chẽ mọi thành phần dẫu lớn hay nhỏ. Từ đó làm nên hình ảnh một giáo xứ sống động trong nhịp sống hiện đại hối hả.

Thiếu nhi giáo xứ vui Tết Trung Thu - ảnh: Gx Dũng Lạc

Không thể không kể đến đội ngũ “cộng tác viên” rao truyền Lời Chúa của Dũng Lạc. Họ là ông Y’Duê, ông Y’Jiếp, ông Y’Nôn cùng nhiều người khác nữa, là những tín hữu đã “được rửa tội và được sai đi” để đem hạt Tin Mừng vùi sâu trong lòng buôn làng, trong môi trường sống của mình và vun đắp cho hạt giống ấy trổ bông. Họ là cánh tay nối dài của các chủ chăn và là “phương tiện” giới thiệu Chúa, làm cho đời sống trong hai buôn Păn Lăm và Kosia từng chút, từng chút một được Phúc Âm hóa. Chính họ là nhân chứng và người đồng hành với những tân tòng trên đường đến với đạo và sống đạo. Bằng những gì có trong mình, những con người ấy làm cho mùa xuân truyền giáo của họ đạo được triển nở bất chấp vất vả cuộc sống.

Trên miền cao nguyên đất đỏ tỉnh Ðắk Lắk, Dũng Lạc với những con người đong đầy tâm huyết vẫn ngày ngày miệt mài đem tình yêu người, đem Phúc Âm vào lòng dân tộc, để mở mang Nước Trời giữa trần gian.

YÊN LAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét