Lối sống xanh theo chân Đức Phanxicô không chỉ dừng lại ở những bài lý thuyết nhưng dần đi vào lối sống của người trẻ qua những chọn lựa cho Năm Mới.
Những cảnh báo nghiêm trọng về môi trường không còn quá xa lạ với Việt Nam. Chẳng hạn bụi mịn đưa Việt Nam lên top đỉnh về ô nhiễm không khí; hoặc tổ chức Climate Central của Mỹ còn dự báo 30 năm nữa Sài Gòn sẽ biến mất vì nước biển dâng nếu ta vẫn dậm chân tại chỗ. Rừng Amazon cháy, tiếp đó, rừng cháy ở Úc trong tháng qua. Thiên tai lẫn nhân tai năm Kỷ Hợi đi qua để lại cho thế hệ sau một tương lai mờ mịt như làn bụi mịn.
Tờ The Guardian của Anh bắt đầu gửi newsletter về Green light (Điểm tin xanh) cho độc giả. La Croix, La vie những tờ báo Công giáo hàng đầu của Pháp cũng không nằm ngoài chiến dịch truyền thông xanh vì một tương lai sáng cho thế hệ Laudato Sì. Trước thềm năm mới và giữa hàng lũ dồn dập hàng sale (giảm giá), những người trẻ Công giáo cần những hướng đi nào để bước cùng Đức Thánh Cha qua lời mời gọi về ngôi nhà chung?
Có lẽ không thiếu những sáng kiến từ nhiều người quan tâm đến môi trường. Nhưng giá như môi trường cũng là một ưu tiên trong lối sống của tất cả những ai đang sống trên trái đất này.
Giữa nhiều sáng kiến tích cực, chúng ta cũng có thể giảm bớt gánh nặng cho Mẹ Trái Đất qua những cử chỉ cụ thể cho những ngày Tết.
Hàng địa phương
Ngày Tết, đôi khi người ta thích có điều gì đó đặc biệt - mỗi năm có một lần mà - nên thích chọn mua những mặt hàng nhập khẩu hơn thay vì dùng đồ nội địa. Có thể vì hàng ngoại tốt, nhưng cũng có thể chỉ là nghĩ như thế. Nhưng dù là thật hay chỉ là nghĩ, thì vì một tương lai xanh và bền vững, con người cần chọn lựa một ưu tiên khác xanh hơn. Việc sản xuất hàng loạt và vận chuyển sản phẩm đường dài, xuyên lục địa, tiêu tốn nhiều năng lượng vốn đang cạn kiệt và góp phần không nhỏ làm trái đất nóng lên. Đó là một trong những nguyên nhân mà bài viết của Cameron Shingleton nói đến sự liên hệ giữa việc ăn bò beefsteak tại Việt Nam và cháy rừng ở Úc.
Bài viết này không nhằm quảng cáo hàng Việt. Nhưng nếu xét một cách khách quan và công bằng, nhiều sản phẩm địa phương, made in Vietnam, có chất lượng không kém hàng ngoại. Nếu ưu tiên của bạn là sống xanh, thì thế nào bạn cũng sẽ tìm cho mình được những sản phẩm Việt vừa ý, hoặc ít nhất là đủ hài lòng với chọn lựa sống xanh của mình.
Có một điều may mắn, chợ quê ở Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn bị “máy móc hóa”. Mặc dù chợ quê ngày Tết có nhập hàng loạt đồ công nghiệp nhanh từ Trung Quốc nhưng vẫn không thể lẫn vào đâu được những hàng đào, hàng chuối, cô bán trà, bán rượu “ngon như nhà làm”. Đây không phải là một chọn lựa “quê mùa” hơn so với việc kéo giỏ đi siêu thị nhưng giữa những nét đẹp văn hoá, ở đây còn nhìn thấy một hành động xanh.
Bạn có biết rằng tại Pháp và các nước Châu Âu, người dân bắt đầu quay lại với lối chợ địa phương nhiều hơn, thay vì mua đồ ở cửa hàng tiện lợi và siêu thị với hàng nhập khẩu đựng trong vô vàn túi nilon. Chợ quê Tết với hàng hóa địa phương không chỉ là một nét văn hóa nhưng là một lối sống xanh mà các cụ đã từng làm. Và chúng mình sẽ tiếp tục làm.
Mua thông minh
Không ít bạn trẻ đã bắt đầu ý thức về môi trường với việc chọn lựa những bộ quần áo, trang phục từ chất liệu tự nhiên và sản xuất thủ công. Đây cũng là một chọn lựa thời trang bền vững từ việc chọn nguyên liệu tự nhiên và địa phương; nhân công làm việc trong môi trường ít nhiễm độc hại và được trả lương công bằng. Đây cũng là một chọn lựa thông minh thay cho việc chạy theo những mặt hàng thời trang nhanh, vốn được sản xuất ở xưởng công nghiệp độc hại từ khâu nhập đến khâu xuất, mà đôi khi chúng ta giả vờ quên.
Bên cạnh đó, có một chọn lựa cũng còn thú vị hơn nữa là trao đổi đồ dùng hoặc tìm hàng second-hand (hàng đã qua sử dụng). Tại Hà Nội và Sài Gòn đều có những nơi để có thể tìm được những mặt hàng còn tốt đã qua sử dụng. Hơn nữa, mạng xã hội cũng đóng góp không những cho việc tích cực này; đặc biệt có những hội trao đổi đồ cũ trên mạng xã hội, là nơi để bạn có thể thực tập việc trân trọng đồ đạc. Hãy để cho đồ đạc của bạn có cơ hội “sống thọ” hơn!
Nói chuyện về môi trường
Ngày Tết là dịp để người thân, bạn bè, xóm giềng… trò chuyện và cả tám chuyện với nhau. Giữa bao câu chuyện làm quà của ngày Tết, thì những thao thức về môi trường, những sáng kiến và khích lệ sống xanh cũng là một đề tài chung thú vị đấy chứ, sao lại không nhỉ?
Trong thông điệp Laudato Sì, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta hãy chiêm ngắm thiên nhiên trong vẻ đẹp của tạo hóa. Đó là cả một công trình tạo dựng trong sự mầu nhiệm. Mỗi ngày, ngài nhắc nhở chúng ta về “sự hoán cải” môi sinh. Liệu việc mua sắm của tôi có làm ảnh hưởng đến môi trường sống của động vật, thực vật và con người không?
Tết là một dịp đặc biệt với người Việt để đón nhận những điều mới mẻ. Sự mới mẻ không chỉ dừng lại ở đồ đạc, quần áo. Đó còn là thời gian để chiêm ngắm sự sống nảy chồi trong vạn vật. Khi có những chiêm ngưỡng tự nhiên ấy, một cành đào trong vườn, một tách trà và dĩa mứt tự làm cũng đủ để có một cái Tết thật đầy.
Thiết nghĩ, thế hệ Laudato Sí bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như thế.
An Duyên - CTV Vatican News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét