Ý NGHĨA LỄ ĐỨC MARIA PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU
Lòng tôn kính Đức Maria dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu” đã có từ lâu trong Giáo hội. Tuy nhiên, Giáo hội chính thức thiết lập lễ kính Đức Mẹ Phù hộ trong phụng vụ vào ngày 24 tháng Năm, bắt đầu từ năm 1816, đúng 200 năm trước đây.
Vào những năm đầu của thế kỷ 19, Hoàng đế Napoleon Bonaparte đã bắt giam Đức Thánh Cha Piô VI và quản thúc Ngài trong tù. Ngài đã chết ở đó. Sau đó, Đức Thánh Cha Piô VII lên kế vị và Ngài cũng bị Napoleon tống giam. Từ năm 1809 đến năm 1812, tức trong suốt 5 năm trời, Ngài bị giam lỏng ở thành phố Savona nước Ý. Đức Thánh Cha liên tục khấn xin Đức Mẹ ‘Đấng Phù hộ các giáo hữu’ che chở và giải cứu Ngài. Tại thành phố này, Ngài đến đặt một triều thiên trên tượng ‘Đức Mẹ của lòng Thương xót’ và xin Mẹ giúp Ngài được giải thoát.
Đến năm 1812, Ngài bị đưa sang Paris nước Pháp và tiếp tục bị giam giữ tại Fontainbleau. Trong trại giam, Đức Thánh Cha bị hoàng đế Napoleon đối xử rất tồi tệ và vị tướng quân cao ngạo này đã dùng nhiều hình thức để lăng nhục Ngài. Ngài không thất vọng, nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng vào sự phù trợ của Đức Maria.
Chúa quan phòng đã an bài thật nhiệm mầu. Đến năm 1814, quân đội của Napoleon liên tục bị thất trận và quyền lực của ông bắt đầu suy yếu. Dưới áp lực của dân chúng, Napoleon bắt buộc phải phóng thích Đức Thánh Cha để Ngài trở về Rôma.
Trên con đường trở về điện Vatican, Ngài dừng chân tại Ancona và đến trước tượng “Nữ vương các thánh”, dâng lên Mẹ một cây phủ việt bằng vàng để tôn vinh quyền lực của Đức Maria, đồng thời diễn bày lòng tri ân Mẹ vì đã giải cứu Ngài. Vì thế, chúng ta thấy trên tượng Đức Mẹ Phù hộ có mũ triều thiên và một phủ việt cầm trên tay.
Dân chúng rất vui mừng đón chào Đức Thánh Cha trở về Rôma. Đi đến đâu, Ngài luôn được cả đám đông khổng lồ vây kín, diễn bày tâm tình hoan vui cũng như lòng biết ơn đối với Đức Mẹ. Ngày 24 tháng Năm năm đó, Ngài chính thức tiến vào Vatican trong sự nô nức cuồng nhiệt của đông đảo dân chúng.
Để tri ân Người đã giải cứu mình, Đức Thánh Cha Piô VII chính thức thiết lập phụng vụ mừng kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu vào ngày 24 tháng 05 hằng năm, đồng thời cũng ghi nhớ ngày Ngài được Đức Mẹ giải thoát và trở về Rôma. Năm nay đúng 200 năm kỷ niệm biến cố lịch sử này.
Đây cũng là thời điểm Don Bosco được sinh ra và lớn lên. Ngài luôn cổ xúy lòng yêu mến Đức Mẹ dưới tước hiệu trên. Ngài cũng hằng ghi nhớ sâu đậm giấc mơ 9 tuổi với hình ảnh một bà giáo là chính Mẹ Maria, người đã luôn đồng hành và dẫn dắt Ngài trong suốt cuộc đời. Cha Thánh cũng kể lại một giấc mơ nổi tiếng về con thuyền Giáo hội lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng gió. Con thuyền đó đã được gìn giữ an toàn khi được neo chặt vào 2 cột trụ. Cột thứ nhất có Thánh Thể ở trên với hàng chữ ‘Salus Credentium’ (Ơn cứu độ của những người tin) và trên cột bên kia có Đức Maria với hàng chữ ‘Auxilium Christianorum’ (Sự phù trợ của các Kitô hữu). Với những trải nghiệm sâu xa trong cuộc sống, Don Bosco đã nói với các con cái mình : “Cứ tin tưởng vào Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria phù hộ, chúng con sẽ biết phép lạ là gì”. Don Bosco cũng thành lập một dòng tu nam có tên là Tu hội Thánh Phanxicô Salêsiô (SDB) và một dòng tu nữ có tên là Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ (FMA). Tháng 12 năm 1862, Cha Thánh quyết định xây dựng một Vương cung Thánh đường dâng kính Mẹ Phù hộ ở Tôrinô. Sáu năm sau, ngôi Thánh đường vĩ đại này đã hoàn tất. Ngày 21 tháng 05 năm 1868, Đức Tổng Giám mục giáo phận Tôrinô đã đến thánh hiến Thánh đường ấy. Don Bosco đã nói với các con cái mình: “Đức Trinh nữ rất thánh, đấng mà chúng ta tôn vinh dưới tước hiệu Mẹ phù hộ đã ra tay can thiệp để bảo vệ đức tin các tín hữu trong những thời điểm khó khăn nhất như tại vịnh Lepanto, tại Vienna, tại Savone hay tại Rôma. Xin Mẹ luôn là Mẹ của Giáo hội, là Mẹ của Tu hội chúng ta, là đấng bảo trợ tất cả các công cuộc mà chúng ta thực hiện để phục vụ giới trẻ”.
Ngày nay, lòng sùng kính Đức Mẹ với tước hiệu ‘Phù hộ các giáo hữu’ đã lan tỏa khắp nơi trong Giáo hội Công giáo. Ngay ở Việt Nam, tại La vang hay tại Trà kiệu, Đức Mẹ cũng đã ra tay can thiệp để che chở giáo dân, và khi hiện ra tại những nơi này, Đức Mẹ cũng mang hình dáng của “Đấng Phù trợ các tín hữu”. Xin Mẹ bảo toàn đức tin nơi mỗi người chúng ta.
G.B. Trần Văn Hào SDB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét