Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Đức Giêsu kêu gọi người trẻ



Tuổi trẻ là thời gian đứng giữa ngã ba đường để lựa chọn hướng đi. Đó là thời gian của những quyết định. Lựa chọn nào cũng khó khăn và đòi hỏi nhiều can đảm. Là người trẻ Công giáo, lựa chọn ấy không chỉ là sự nghiệp, tương lai hay địa vị. Giữa những bộn bề đó, lời mời gọi của Thiên Chúa cũng khiến người trẻ rối bời suy nghĩ.
Với tựa đề bài viết, chúng ta đừng nghĩ Đức Giêsu chỉ kêu gọi bạn trẻ đi tu, chọn con đường dâng hiến. Nếu thế thì nguy lắm, bởi không còn đời sống gia đình nữa! Nhưng với tựa đề đó, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn trao cho mỗi người một sứ mạng cao cả, để cùng làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị. Nói như chân phước John Henry Newman: “Tôi được định mệnh cho làm một người hoặc sự gì mà không ai khác được gọi để làm, tôi có một chỗ trong chương trình của Thiên Chúa và trên trái đất của Người mà không ai khác có được.” Nói cho cùng, ơn gọi kitô hữu là ơn gọi nên thánh. Bởi vậy, anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5,48).
Ví dụ, khi bắt đầu sứ mạng công khai, Đức Giêsu quy tụ một số bạn trẻ làm môn đệ, cả nam lẫn nữ. Trong số ấy, Người chọn 12 Tông Đồ. Trong số này có rất nhiều người trẻ trạc tuổi như chúng ta. Họ ở với Giêsu, rồi Thầy Giêsu dạy dỗ họ kĩ càng và trao cho họ nhiệm vụ “rao giảng Nước Chúa, và chữa bệnh cho dân” (Lc9, 2). Ơn gọi của họ hết sức đặc biệt, vì họ trược tiếp được Giêsu tuyển chọn, dạy dỗ và sai đi.
Sau khi Chúa Giêsu về trời, các Tông Đồ tiếp tục sứ mạng của Giêsu để chăm sóc và dựng xây Giáo Hội. Dĩ nhiên lúc này Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người theo một cách thức khác. Lời gọi ấy thì thầm trong tâm hồn mỗi người. Vấn đề là làm sao để ta có thể nghe được và đáp lại lời mời gọi của Giêsu. Như cha Ronrolheiser, dòng OMI, lưu ý ta rằng vấn đề ơn gọi không phải là kiểu đoán sao cho đúng, nhưng đúng ra là trao đi bản thân trong đức tin và đức ái cho hoàn cảnh mà ta đã chọn. Trong hành trình ấy, Thiên Chúa không ngừng yêu thương và mong muốn cho ta hạnh phúc. Điều này quan trọng lắm, vì chỉ có ai nghe được và thi hành ý Chúa, người ấy mới tìm được hạnh phúc đích thực. Ngược lại, khi sống vất vưởng, không chu toàn ơn gọi của mình, cuộc đời người ấy thường xáo trộn bất an.
Thường thì tiếng gọi của Chúa vang lên mạnh nhất vào tuổi thanh thiếu niên. Độ tuổi ấy, các bạn thường đối diện với câu hỏi: Tôi là ai? Tôi nên làm gì? Và tương lai tôi sẽ ra sao? Có bạn thích lập gia đình với một ai đó, có người thích đi tu làm linh mục hoặc làm ma-sơ, có người thích ở vậy. Đó là những dấu chỉ Thiên Chúa đang kêu gọi bạn. Vấn đề bối rối là các bạn không chắc Thiên Chúa có muốn mình lập gia đình, hay đi tu. Bởi đó, thật quý biết bao để các bạn trò chuyện với một ai đó có kinh nghiệm lắng nghe tiếng Chúa. Họ có thể giúp bạn thấy rõ vấn đề hơn.
Một cách vắn tắt các bạn thấy có ba ơn gọi trong Giáo Hội mà Thiên Chúa muốn bạn bước vào. Ơn gọi gia đình, ơn gọi tu trì và ơn gọi độc thân giữa đời. Cả ba ơn gọi đều cao quý và có giá trị ngang nhau. Tuy nhiên thực thế nhiều người Việt Nam lại cho rằng đi tu thì “có giá hơn” hai bậc sống kia. Không chính xác! Có chăng lời nhận xét ấy chỉ đúng một phần vì ơn gọi tu trì luôn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong mọi thời và mọi nơi. Có thể nói hôn nhân là một ơn gọi tự nhiên. Trong khi đó, đi tu là một ơn gọi đặc biệt vì Thiên Chúa đòi hỏi họ khắt khe hơn. Họ sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khó Nghèo, Khiết Tịnh và Vâng Phục. Mở ngoặc ở đây để các bạn phân biệt đi tu có hai loại: tu triều làm linh mục, Chúa chỉ trọn người nam; và đi tu sống đời thánh hiến. Tu sĩ mới khấn ba Lời Khấn. Tương tự, đời sống gia đình cũng đòi hỏi đôi bạn trọn đời chung thủy. Họ cam kết với nhau trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn trong ngày lễ cưới. Đồng thời khi bước vào đời sống gia đình, họ hạnh phúc đảm nhận những đòi hỏi của đời hôn nhân. Nói chung ơn gọi nào cũng xuất phát từ một tiếng gọi yêu thương của Chúa dành cho người nam, người nữ. Do đó chúng ta cần lắng nghe và quảng đại dấn bước cộng tác với Chúa.
Có bạn nói với tôi, Thiên Chúa thật phiền phức, đòi hỏi bạn ấy phải làm theo ý Người! Chút càm ràm như thế bởi bạn ấy chưa biết Thiên Chúa gọi mình vào bậc sống nào. Ngược lại có những bạn cảm thấy Thiên Chúa gọi mình kết hôn, sống đời gia đình. Sau vài năm chung sống, đôi bạn thấy quá nhiều thách đố trong đời hôn nhân. Họ lưỡng lự không biết Chúa có gọi mình vào con đường này không. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta thấy ơn gọi luôn là một màu nhiệm, và là một tiến trình. Màu nhiệm vì nói như Chân phước Charles de Foucauld: “Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.” Trong bối cảnh đó, Chúa liên lỉ mời gọi ta theo một tiến trình lớn lên, nhờ ơn Chúa.
Ước gì người trẻ chúng ta dám quảng đại lắng nghe, phân định và sống ơn gọi mà Đức Giêsu dành cho mình. Để kết thúc, chúng ta lắng nghe lời chia sẻ của ĐGH Phanxicô với các bạn trẻ: “Hôm nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi tha nhân theo Ngài. Chúng ta không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới, và sau cùng hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho chúng ta.” (Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018).  
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét