Xã hội sẽ lụi tàn nếu thiếu những người hết lòng dấn thân. Hội Thánh cũng sẽ thiếu sức sống nếu thiếu các Kitô hữu nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ con người. Vì thế, dấn thân là yếu tố quan trọng trong ơn gọi của con người làm thăng tiến xã hội và là dấu chỉ sự hiện diện sống động của Hội Thánh giữa lòng thế giới vì thiện ích của nhân loại. Ý thức được tầm quan trọng của việc dấn thân xã hội, ngày 26.01.2019, cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J, Viện trưởng Học viện Dòng Tên, đã kết hợp cùng ban tông đồ trí thức của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam tổ chức chuyên đề Sứ Mạng Dấn Thân Xã Hội.
Chuyên đề này gồm hai đề tài. Đề tài đầu tiên: Giáo Hội Dấn Thân Vào Đời Sống Xã Hội – Nền Tảng Thần Học Theo H.U.Balthasar và Hệ Luận Mục Vụ do Tiến sỹ Thần học Tín lý, cha Fx. Nguyễn Hai Tính S.J trình bày và Tiến sỹ Thần học Linh đạo, cha Antôn Phạm Trung Hưng S.J, Giáo sư đại học Santa Clara, Hoa Kỳ, phản biện. Đề tài thứ hai: Dấn Thân Xã Hội, Chiều Kích Đặc Trưng Của Ngôn Sứ do Thạc sỹ, ứng viên Tiến sỹ Chú giải Thánh Kinh tại Học viện Thánh Kinh Giáo Hoàng (Biblicum), cha Giuse Cao Gia An S.J trình bày. Phản biện đề tài thứ hai là Tiến sỹ Thần học Thánh Kinh, soeur Agnes Nguyễn Thị Cảnh Tuyết – Dòng nữ Đaminh Tam Hiệp. Buổi chuyên đề đã quy tụ khoảng hơn 200 nam nữ tu sỹ, quý bề trên từ các Học viện và các Hội Dòng khác nhau.
Trong đề tài đầu tiên, cha Hai Tính đã trình bày về vấn nạn liệu Giáo Hội có nên dấn thân vào các vấn đề chính trị-xã hội, nền tảng thần học của việc dấn thân, và định hướng mục vụ trong dấn thân xã hội. Theo cha, Giáo Hội noi gương Đức Giêsu, nhất thiết cần phải dấn thân vào trong đời sống và các hoạt động của xã hội, để thực hiện và tiếp nối công trình cứu độ của Thiên Chúa, làm cho phúc lộc của Ngài được trổ sinh hoa trái. Việc dấn thân này không biến Giáo Hội thành những cơ quan hay những thế lực xã hội thuần tuý, hoặc không chỉ để gia tăng của cải cho thế giới nhằm giúp đời sống con người tốt hơn, nhưng là để giúp con người có sự tiến bộ đích thực, trở về với Thiên Chúa và có tương quan cá vị với Ngài – Đấng là cùng đích của loài người. Như vậy, khi dấn thân xã hội, Giáo Hội vừa cần sống tinh thần cầu nguyện, phụng tự, luyện tập nhân đức để nhạy bén với Thánh Ý Chúa, vừa nỗ lực, “tự lập” sinh hoa trái giúp xã hội tiến bộ đích thực.[1]
Trong phần thuyết trình, cha Gia An đã nhấn mạnh đến chiều kích sứ mạng dấn thân xã hội của ngôn sứ. Theo cha: “Dấn thân xã hội của Giáo Hội không phải là một tùy chọn nhưng là căn tính của Giáo Hội, một sứ mạng được trao từ chính Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội không chỉ trở nên những tư tế, những vương đế nhưng còn là những ngôn sứ của Thiên Chúa.”
Đâu là những mẫu gương các ngôn sứ để lại cho mỗi Kitô hữu? Các ngôn sứ đã sống, đã hòa đồng với cả xã hội, cả đất nước của mình. Các ngài đã sống chung với vận mệnh của đất nước, chia sẻ với những nỗi thống khổ của dân. Từ đó, các ngôn sứ không chỉ phê bình, lên án những bất công xã hội nhưng các ngài còn là những tác nhân từ bên trong để xây dựng tình liên đới, tình hiệp nhất, tình người trong dân tộc. Không những thế, các ngôn sứ còn an ủi và khơi dậy niềm hy vọng cho dân trong những hoàn cảnh bế tắc, khó khăn. Cuối cùng, sự hiện diện, tiếng nói, sự giáo dục của họ nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa trong dân. Như thế, ngôn sứ không chỉ là trung gian nói thay Chúa, nhưng còn là trung gian nói thay cho con người.
Có thể nói, mọi người trong mọi thời dù thời bình hay thời chiến, thời hưng thịnh hay khó khăn… đều cần dấn thân xã hội, cần sống sứ mạng của ngôn sứ. Nhưng dù dấn thân xã hội, Giáo Hội và “mỗi ngôn sứ” sẽ không gắn liền với thể chế chính trị, hay đảng phái nào. Các tổ chức xã hội là những phương tiện tạm thời để ngôn sứ, Giáo Hội loan báo sứ điệp của Thiên Chúa và Lời Chúa đến toàn dân.
Cuối buổi hội thảo, quý thầy Học viện Dòng Tên đã trình bày tiết mục Mùa Xuân Đầu Tiên của nhạc sỹ Văn Cao với thông điệp “Vui đón Mùa Xuân hạnh phúc với Đất Trời và với tình người.”
[1] Tiến bộ là hiện tượng của tinh thần, không hoàn toàn đồng nghĩa với vật chất. Tinh thần luôn muốn vươn lên mãi theo chiều dọc tới Đấng siêu việt; còn phát triển là hiện tượng thuộc vật chất, chỉ lặp lại, sao chép nhờ sự khai thác. Tiến bộ đi đôi với phát triển, nhưng phát triển chưa chắc là dấu hiệu của tiến bộ.
Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J
Quý vị có thể xem thêm hình ảnh tại: https://photos.app.goo.gl/S1s4W9Csc4HGHXhT8
Nguồn: https://dongten.net/2019/01/27/su-mang-dan-than-xa-hoi/
Nguồn: https://dongten.net/2019/01/27/su-mang-dan-than-xa-hoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét