Noyelles-sur-Mer là một ngôi làng bình thường với một nghĩa địa nổi tiếng của thời Thế chiến II. Nằm ở cửa sông Somme, Noyelles là bản doanh của Quân đoàn Lao động Trung Quốc trong Thế chiến thứ nhất, điều này giải thích tại sao số mộ ở nghĩa địa này cũng gần bằng số dân trong làng.
Người ta có thể ngạc nhiên khi thấy mộ của rất nhiều người không phải là quân nhân lại ở xa nhà đến thế, nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là quá một nửa trong số 841 người an nghỉ tại Noyelles đã chết sau Ngày Đình Chiến. Từ Sung Hsi P’eng, người qua đời vào ngày 11 tháng 11 năm 1918, cho đến Chiu Hsiu Feng, qua đời vào ngày 23 tháng 3 năm 1920, hơn 450 người lao động đã chết khi cuộc chiến tranh đã thực sự chấm dứt. Cái gọi là “Cúm Tây Ban Nha” đã gây ra cái chết của một số người, nhưng cũng thật khủng khiếp khi người ta gọi nó một cách văn hoa là “dọn dẹp chiến trường”. Tai nạn nối tiếp tai nạn, những người lao động Trung Quốc sống sót sau những năm chiến tranh lại sớm bị đẩy xuống mồ khi dọn dẹp bom đạn chưa nổ còn sót lại thời hậu chiến.
Cuộc đại chiến thực sự là một cuộc chiến tranh thế giới, tác động toàn cầu của nó vươn đến tận Đông Á. Khi chiến tranh bắt đầu vào năm 1914, nước Cộng hòa Trung Hoa mới thành lập đã chọn con đường trung lập, sợ rằng sẽ bị kéo vào một cuộc chiến không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, xung đột đâu có dễ dàng tránh được như vậy.
Vào tháng 11 năm 1914, cảng Thanh Đảo (Qingdao) ở Đông Bắc, do nước Đức cai trị từ năm 1898, bị quân đội Nhật và Anh chiếm đóng. Ngay sau đó, khi Nhật Bản yêu cầu kiểm soát toàn bộ tỉnh Sơn Đông, người Trung Quốc nhận ra hy vọng duy nhất của họ để giành lại quyền kiểm soát là chiếm được một chỗ trong cuộc đàm phán hòa bình khi chiến tranh kết thúc. Để đạt mục tiêu ấy, nhà lãnh đạo Trung Quốc cung cấp 50.000 quân cho Anh Quốc. Đề nghị này bị từ chối.
Năm sau, người Trung Quốc lại đề nghị cung cấp hàng ngàn lao động không vũ trang để đổi lấy một ghế tại hội nghị hòa bình. Sau những miễn cưỡng ban đầu, và dù muộn hơn nhiều so với người Pháp và Nga, cuối cùng người Anh cũng chấp nhận lời đề nghị, cho phép hàng chục ngàn lao động Trung Quốc sang châu Âu từ năm 1916 trở đi để sửa chữa xe tăng, lắp ráp đạn dược và đào giao thông hào.
Đóng góp của những người lao động Trung Quốc cho cuộc chiến này rất lớn nhưng, mặc dù làm việc và chết cho Anh Quốc đến năm 1920, người Trung Quốc đã không đạt được điều họ muốn tại Hội nghị Hòa bình Versailles. Trước sự sững sờ của người Trung Quốc, Sơn Đông đã được giao cho người Nhật.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Trung Hoa tại Hội nghị Versailles là Bộ trưởng ngoại giao nổi tiếng, Lu Zhengxiang. Mặc dù phải chịu áp lực rất lớn, ông đã từ chối ký Hiệp ước Versailles, và là đại biểu duy nhất có thái độ dũng cảm như thế.
Theo nhiều cách, cuộc đời của ông Lu đã phản ánh đời sống của đất nước ông trong nửa đầu thế kỷ 20. Sinh ra trong một gia đình Tin Lành, ông đã sớm dành tình yêu cho phương Tây, và ông đã phục vụ đất nước mình trong vai trò đại sứ tại Hà Lan và Nga. Ông kết hôn với một phụ nữ Bỉ và nhờ ảnh hưởng của bà, ông trở thành tín hữu Công giáo vào năm 1911.
Những năm sau chiến tranh là thời gian thất vọng ê chề về chính trị cho Cộng hòa Trung Hoa và cho ông Lu, mặc dù Sơn Đông cuối cùng đã trở về Trung Quốc vào những năm 1920. Khi nước cộng hòa bắt đầu tan rã, vợ ông Lu ngã bệnh, khiến ông quyết định nghỉ hưu, rời khỏi chính trường. Sau một thời gian ngắn làm thủ tướng Trung Quốc, ông Lu chuyển đến Thụy Sĩ để chăm sóc vợ và làm đại sứ tại Thụy Sĩ và Hội Quốc Liên.
Khi sức khỏe của vợ ông xấu đi, ông đọc cho bà nghe sách của Elisabeth Leseur và đi hành hương Roma thay cho bà. Khi bà qua đời vào năm 1926, cõi lòng ông tan nát và một năm sau, như một nghĩa cử của lòng thủy chung, ông đã quyết định xin vào tu tập tại Đan viện Saint-André ở gần Bruges, để trở thành một đan sĩ Dòng Biển Đức.
Nếu Trung Quốc khi đó bị cô lập về mặt chính trị, thì ông Lu cũng bước vào giai đoạn sống ẩn dật của chính mình. Tuy nhiên, giai đoạn cô lập này của Trung Quốc cuối cùng đã chấm dứt khi Nhật Bản một lần nữa nắm quyền kiểm soát một phần lục địa Trung Quốc; sự kiện này đã được đưa vào một cuốn sách của một trong những người bạn của ông Lu. The Blue Lotus của Hergé, tập thứ năm trong bộ sách “Những cuộc phiêu lưu của Tintin”, được gợi hứng rất nhiều từ tình bạn của tác giả với vị đan sĩ Trung Quốc.
Sau khi Đức Quốc xã xâm chiếm Bỉ, ông Lu bị cuốn vào cơn lốc chính trị. Khi các đan sĩ bị trục xuất khỏi đan viện, ông bắt đầu viết một cuốn sách tuyệt vời, “Từ Khổng Tử đến Đức Kitô”, và đóng một vai trò công khai tại Bruges cho đến khi Gestapo đột kích một trong những buổi nói chuyện của ông và bắt giữ các thính giả. Ông đành phải chọn tránh xa những nguy hiểm khi chiến tranh vẫn còn.
Khi ông Lu qua đời vào đầu năm 1949, Quân đoàn Lao động Trung Quốc và vai trò của ông tại Hội nghị Hòa bình Versailles đều bị lãng quên. Nhưng lịch sử có cách phục hồi ký ức thật lạ lùng. Vào Ngày Đình Chiến này, chúng ta cần nhắc nhớ không chỉ những người lính đã chết cho đất nước mình mà cả những người lao động đã giúp đỡ họ, và một nhà chính trị đã trở thành đan sĩ Biển Đức, con người đã vượt lên những khó khăn của thời đại mình.
Tác giả: Roy Peachey*
(Nguồn: Tạp chí Catholic Herald, số 6889, xuất bản 9/11/2018, truy cập bản điện tử ngày 15/11/2018)
Chuyển ngữ: Minh Đức
*Roy Peachey là tác giả của Out of the Classroom and Into the World (Ra khỏi Lớp học và Đi vào thế giới). Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, chủ yếu nói về Quân đoàn Lao động Trung Quốc, sẽ được Eyrie Press xuất bản vào năm tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét