Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Tòa Thánh gửi Sứ điệp nhân Lễ Deepavali 2018



Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn 
gửi các tín đồ Ấn giáo nhân Lễ Deepavali 2018

VATICAN – Nhân dịp Lễ Deepavali hằng năm của Ấn giáo, còn gọi là Diwali (Lễ hội Ánh sáng), ngày lễ đánh dấu ngày khởi đầu năm mới trong lịch Ấn giáo – năm nay là thứ Tư 7 tháng Mười Một 2018–, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại liên tôn đã gửi sứ điệp chúc mừng các cộng đoàn tín đồ Ấn giáo trên toàn thế giới. Chủ đề của sứ điệp năm nay là “Kitô hữu và người Ấn giáo: bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong xã hội”.

Sau đây là toàn văn Sứ điệp:

***

Kitô hữu và người Ấn giáo: bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong xã hội

Thành phố Vatican,

Các bạn tín đồ Ấn giáo thân mến, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại liên tôn xin gửi đến các bạn lời chào thân ái và lời nguyện chúc nhân dịp các bạn mừng lễ Deepavali vào ngày 7 tháng Mười Một sắp tới. Ước mong những cử hành trong dịp lễ này sẽ củng cố tinh thần bằng hữu và tình huynh đệ giữa các bạn; và luôn là nguồn an vui nơi gia đình và cộng đồng của các bạn!

Kinh nghiệm trực tiếp, và cả những tin tức thời sự trên báo chí và cổng thông tin điện tử hằng ngày đều cho thấy những khó khăn của các thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội của chúng ta: người nghèo, người đau yếu, người già, khuyết tật, người thiếu thốn, người bị bỏ rơi và di dân, cũng như những người bị gạt ra bên lề và bị loại trừ trong các lĩnh vực xã ​​hội, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ. Những nạn nhân của lạm dụng và bạo lực, nhất là phụ nữ và trẻ em, là những người bất lực và không có khả năng tự vệ, thường bị khước từ và lãng quên bởi một xã hội ngày càng dửng dưng, và thậm chí vô cảm trước những nhu cầu và đau khổ của con người: ở khắp nơi trên thế giới những người dễ bị tổn thương cũng là những người chịu đau khổ nhiều nhất. Chính qua lăng kính của bối cảnh đáng lo ngại này mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một suy tư về cách mà người Ấn giáo và Kitô hữu chúng ta có thể dấn thân vào việc bảo vệ và nâng đỡ những người này.

Nghĩa vụ luân lý buộc chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương xuất phát từ xác tín chung của chúng ta rằng mọi người đều là thụ tạo của Thiên Chúa, và vì thế, là anh chị em của nhau, bình đẳng về phẩm giá, chịu trách nhiệm về nhau. Nghĩa vụ này cũng do chúng ta ý thức rằng đôi khi chính chúng ta cũng bị tổn thương, và cần đi tìm ai đó để giúp đỡ mình. Một nhận thức đúng đắn về thân phận chung của con người và về nghĩa vụ luân lý đối với tha nhân sẽ thúc đẩy chúng ta thăng tiến [điều kiện sống của] họ, bằng cách làm tất cả những gì có thể để giảm bớt nỗi thống khổ của họ, bảo vệ quyền lợi và khôi phục phẩm giá của họ.

Về vấn đề này, chắc chắn đã có nhiều nỗ lực đáng khen ngợi của các cá nhân, các nhóm và cộng đồng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, vì số người dễ bị tổn thương rất đông và việc đáp ứng những nhu cầu của họ cũng thường phức tạp, nên những nỗ lực này như là muối bỏ biển. Dẫu vậy, những cơ hội giúp đỡ họ lại ở ngay bên chúng ta, những người dễ bị tổn thương sống trong mọi cộng đồng và xã hội. Cần có thêm nhiều nỗ lực, do cảm thức về tình liên đới thúc đẩy, để bày tỏ “sự hiện diện của những người anh chị em biết quan tâm đến họ, và khi mở rộng cánh cửa trái tim và cuộc sống của họ, coi họ như những người bạn và người thân thuộc” (Đức giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ hai, 18 tháng Mười Một 2018). Thước đo thực sự cho nền văn minh của mọi xã hội lại chẳng phải là phương cách đối xử với các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội đó sao?

Cần phải quan tâm và hợp tác, không chỉ để bảo vệ chỗ đứng và các quyền hợp pháp của những người dễ bị tổn thương trong xã hội, mà còn để nuôi dưỡng một nền văn hóa chăm sóc và trợ giúp họ. Trong các gia đình của chúng ta cũng thế, phải cố gắng để đừng ai cảm thấy mình là người không được ưa thích, không được yêu thương, quan tâm hay bị gạt ra ngoài. Ở mọi cấp độ xã hội, nhất là các nhà lãnh đạo chính trị và chính phủ, và những người có khả năng cung cấp trợ giúp cụ thể nhất, phải thể hiện một khuôn mặt và trái tim con người đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội và đến với những người bị gạt ra bên lề và bị đàn áp. Sự quảng đại ấy không được là một cử chỉ hình thức, nhưng phải là cử chỉ được ơn trên thúc đẩy, nhằm giải thoát thực sự những người dễ bị tổn thương, đem lại hạnh phúc cho họ và bảo vệ họ.

Là những tín đồ đâm rễ sâu trong truyền thống tâm linh của mình và là những cá nhân chia sẻ cùng những mối quan tâm về hạnh phúc của mọi người, mong sao chúng ta biết liên kết với các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác và với mọi người thiện chí trong một nỗ lực phối hợp chung, để đem lại một hiện tại vui vẻ và một tương lai hy vọng cho những người anh chị em dễ bị tổn thương của chúng ta!

Xin chúc tất cả các bạn một ngày lễ Deepavali vui tươi!

Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư ký
Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn

00120 Vatican City
Điện thoại: +39 06 6988 4321
Fax: +39 06 6988 4494
http://www.pcinterreligious.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét