Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Khám phá phế tích Kitô Giáo dưới lãnh thổ trước đây do ISIS chiếm đóng


Theo nữ ký giả Hollie McKay của Fox News, trong hơn 2 năm, các lực lượng ISIS, từng chiếm đóng Manbij, một thành phố phía bắc Syria, ít lưu ý tới đỉnh một chiếc cổng xưa trên một mô đất trống nơi người ta đổ rác. 

Chúng không hay biết gì việc chiếc cổng chạy xuống sâu dưới đất khoảng mấy bộ Anh, vì nếu biết, chắc chắn chúng đã phá hủy nó rồi. Đây là phế tích của một nơi trú ẩn của các Kitô hữu ngày xưa, hoặc một nhà thờ, có thể có từ các thế kỷ đầu tiên của thế giới Kitô Giáo, thời Đế Quốc Rôma.

Abdulwahab Sheko, đứng đầu Ủy Ban Tìm Tòi của Hội Đồng Phế Tích ở Manbij cho Fox News hay khi hướng dẫn phóng viên của Đài này đi thăm một vòng phế tích: “Tôi hết sức phấn khởi, tôi không thể tả nổi. Tôi đang nắm được mọi sự trong tay”.

Trong số các tạo tác tìm được chứng minh đây là một địa điểm quan trọng đối với các Kitô hữu, người ta thấy một số hình thánh giá khác nhau được khắc vào cột hay tường, nhiều chữ viết khắc vào đá. 

Sheko giải thích khi bước qua điều mà ông gọi là “nơi thứ nhất” của địa điểm: “Nơi này rất đặc biệt. Đây là nơi tôi nghĩ một cảnh vệ đứng ở cổng để canh chừng bất cứ chuyển động nào ở bên ngoài. Anh ta có thể cảnh cáo người khác phải đi ra qua ngả khác nếu họ phải ra ngoài”.

Phế Tích Kitô Giáo Thời Đế Quốc Rôma, được khám phá sau khi ISIS bị đẩy lui

Không gian cổ xưa này được đẽo thành những đường hầm hẹp, hoàn tất với những lỗ thông lấy ánh sáng từ bên ngoài mà người ta tin là các hành lang để người thờ phượng qua lại. Cũng có rất nhiều lối thoát ra ngoài trong các đường hầm này, trong đó, có những tảng đá lớn có thể được dùng làm cửa chắn. Cũng có cả 3 bậc lởm chởm dẫn tới chỗ được Sheko cho là một bàn thờ.

Theo một nhà khảo cổ hàng đầu của Hoa Kỳ, thì việc khám phá ra điều gọi là “một nhà thờ bí mật” có từ thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư công nguyên là một khám phá quan trọng. 

John Wineland, giáo sư sử học và khảo cổ học tại Đại Học Southeastern nói rằng “Chúng cho thấy có một dân số Kitô Giáo đáng kể tại khu vực cảm thấy mình cần phải che dấu các hoạt động của mình. Đây có lẽ là dấu chỉ việc chính quyền Rôma bách hại, một điều rất thông thường vào lúc ấy”. 

Wineland cho rằng các Kitô hữu bị nhà cầm quyền Rôma bách hại “thoạt đầu còn lác đác, nhưng sau đó càng ngày càng có tính hệ thống hơn”. Kitô giáo là tôn giáo bất hợp pháp trong Đế Quốc Rôma cho tới khi việc thờ phượng của nó được Hoàng Đế Constantinô hợp pháp hóa năm 313 công nguyên. 

Wineland cho rằng các Kitô hữu thời ấy “gặp nhau trong bí mật, dưới đất, để tránh rắc rối. Nhưng người Rôma lại sợ bất cứ nhóm nào hội họp bí mật”.

Ông nói thêm: “Người Rôma hiểu lầm nhiều thực hành của Kitô hữu và thường kết án họ về nhiều thứ tội như tội ăn thịt người chẳng hạn”. Ông cho rằng các lời kết án này thường phát xuất từ việc “người Rôma hiểu lầm việc Kitô hữu rước lễ, trong đó, Chúa Kitô truyền cho họ ăn thịt và uống máu của Người”. 

Chiến binh ISIS không biết tới sự hiện hữu của ciếc cổng (Fox News)

Vì càng ngày càng khai quật và nghiên cứu được nhiều phế tích hơn, nên chưa rõ việc khám phá này quan trọng ra sao. 

Sheko cho biết: ông bắt tay với nhiều nhà khảo cổ và cơ quan quốc tế kể từ ngày nhóm của ông bắt đầu khai quang địa điểm này vào mùa thu năm ngoái, và cần sự giúp đỡ để nhận diện các tạo tác và để “thử nghiệm xương” của những hài cốt người được tìm thấy ở đây. Nhưng cho đến nay, đáp ứng từ ngoại quốc thấy rõ trong câu tuyên bố này: rất nguy hiểm để gửi các nhóm khảo cổ tới phần đất vẫn còn chiến tranh tàn phá này. 

Sheko nói ông cũng hy vọng Tòa Thánh Vatican sẽ “biết đến các khám phá này” và sớm gửi một ai đó tới để thanh tra phế tích. 

Địa điểm này rất may thoát được được sự chú ý của ISIS. Sheko cho hay ông đang nghiên cứu khu vực này thì nhóm nổi tiếng chống Kitô Giáo xâm lăng năm 2014. Ông tìm đủ cách để giữ nó được bí mật cho tới lúc ISIS bị đẩy lui trong một cuộc tấn công đẫm máu năm 2016 của Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF) được Hoa Kỳ yểm trợ. 

Vì khu vực này hiện đầy mìn bẫy, nên việc thu dọn và đào xới rộng lớn tại khu vực chỉ có thể bắt đầu từ tháng Tám năm rồi. Đến tháng Ba năm nay, việc khai quật đã mang lại đủ tư liệu để Sheko và nhóm của ông có thể tổ chức “một ngày hội” để người địa phương có thể tới và thăm viếng. 

Các chuyên viên nay đang nghiên cứu địa điểm Kitô Giáo cổ xưa (Fox News)

Trên thực tế, chính các người địa phương đã dẫn tới “nơi thứ hai” mới được khám phá gần đây, một nơi vẫn còn rất nhiều côn trùng và rác rưởi, thậm chí có cả một con chó hoang đang nằm ngủ. Bên trong nơi thứ hai này, bên dưới 11 bậc đá lởm chởm và dẫn tới một cái hang có rất nhiều phòng, người ta thấy nhiều biểu tượng Kitô Giáo rải rác khắp nơi, được khắc vào tường đá và cả trên các trần vòng cung. 

Chỉ vào các biểu tượng, Sheko giải thích “chúng tôi nghĩ sau Kitô Giáo, nơi này không còn là nơi bí mật nữa”. 

Wineland đồng ý và nói rằng dựa vào các hình chụp do Fox News cung cấp, ông tin rằng các thánh giá được đẽo vào tường, cùng với những mẫu hình học phù hợp với thời Rôma, dường như đã được thêm vào sau, sau khi Kitô Giáo đã được nhìn nhận rộng rãi. 

Ông nói: “Đó là điều ta có thể gọi là việc sử dụng đệ nhị đẳng của nơi này, và rất có thể là nơi các Kitô hữu gặp nhau để thờ phượng”.

Sâu hơn chút nữa xuống mê lộ địa đạo là một “nghĩa trang”, theo Sheko, có lẽ dành cho các giáo sĩ. Mỗi ngôi mộ tại đấy có “chiếc gối cao bằng đá” để tựa đầu.

Một biểu tượng Kitô Giáo được đẽo vào đá tại địa điểm cổ xưa (Fox News)

Bên trong các ngôi mộ, vẫn còn hài cốt người. Một cư dân địa phương nói với Fox News: ông tới thăm phế tích thường xuyên và thực sự đã đụng vào xương người và thấy chúng “vữa ra” trước mắt ông.

Diễn trình dọn dẹp “nơi thứ hai” bắt đầu hồi tháng Chín năm 2017, đòi hỏi 7 người đàn ông, dụng cụ đào xới và một forklift (xe nâng hàng). 

Sheko cho hay còn nhiều phế tích hơn nữa cần đựợc đào xới nhưng các nhà dân ở phía trên chúng khiến việc khai quật phức tạp hơn nhiều. 

Hiện nay, các địa điểm này được canh giữ bởi 1 thanh niên 21 tuổi, vận thường phục với khẩu AK-47 trong tay. Và bên ngoài văn phòng Hội Đồng Phế Tích không có chữ viết, các tạo tác qúy giá nằm ngổn ngang ngay trên đường, vì thiếu tài nguyên bảo quản và theo Sheko, “không có bảo tàng để chứa”.

Các tạo tác này bao gồm một hình nổi thuộc thời Rôma tạc vào một khối xây dựng bằng đá vôi, các bia mộ, các mảnh khung vòm và chân cột. Một trong các tạo tác này có khắc chữ Hy Lạp trên một khối kiến trúc. 


Chữ Hy Lạp tại địa điểm cổ xưa (Fox News)

Wineland nói “chữ Hy Lạp là ngôn ngữ chung của Đế Quốc Rôma phía Đông, điều này giải thích tại sao Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp thời Đế Quốc Rôma”. 

Hassan Darwish, người chịu trách nhiệm về văn khố và địa hình, cũng cho biết việc họ cố gắng thu hồi một số vật chủ yếu bị ISIS khám phá và đem bán ở các thị trường địa phương. Đó là những tranh ghép (mosaics) cổ xưa, một số bị ISIS phá nát các khuôn mặt trước khi rút lui.

Manbij, nằm trong Khu Cai Trị Aleppo phía Tây Bắc gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và cách Euphrates 18 dặm về phía tây, từ lâu vốn được coi là một trong những thị trấn cổ xưa nhất và quan trọng nhất. Vì sự nổi bật của khu vực trong nhiều thế kỷ sau khi Kitô Giáo được thành lập, các nhà khảo cổ tin rằng còn nhiều địa điểm Kitô Giáo nữa có thể được khai quật tại các khu vực vừa thoát khỏi ISIS. 

Phần lớn lãnh thổ của Syria hiện nay đã bị Cộng Hòa Rôma sát nhập năm 64 trước công nguyên. Trong nhiều thế kỷ nó là một trung tâm giao thương và thương mại chủ yếu của Đế Quốc Đông Phương hay Byzantine. 

Tuy nhiên, qua thế kỷ thứ 7, Hồi Giáo bắt đầu lan rộng do các cuộc chiến thắng của người Ả Rập, và cuối cùng, Syria trở thành Hồi Giáo một cách áp đảo.

Lúc bắt đầu có cuộc nội chiến, các Kitô hữu chiếm 10% dân số Syria. 

Manbij nằm ở Aleppo phía đông bắc, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Fox News)

Wineland nói rằng các khám phá gần đây nhắc ông nhớ tới việc bách hại nặng nề đối với các Kitô hữu tại Syria và Iraq hiện nay. “Việc này dẫn đến việc suy giảm đáng kể con số các Kitô hữu ở trong vùng. Một số người bị giết, số khác phải trốn chạy, và nhiều người khác buộc phải trở lại Hồi Giáo”.

Tuy nhiên, bất chấp lịch sử khó khăn của Kitô Giáo tại Syria, Sheko cho hay ông muốn minh xác cam kết của ông trong việc khai quật và bảo vệ bất cứ phế tích nào ông và nhóm của ông có thể tìm ra.

Ông nói: “chúng tôi là người Hồi Giáo, nhưng chúng tôi không phải Hồi Giáo theo kiểu ISIS. Chúng tôi chăm sóc các phế tích Kitô Giáo. Chúng tôi tôn kính chúng. Chúng tôi tôn kính nhân loại”.

Vũ Văn An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét