Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018: Đồng hành với các gia đình trẻ - Bài 4: Một hôn nhân hạnh phúc


Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018: 
Đồng hành với các gia đình trẻ

Bài 4: MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC
Vợ chồng sau nhiều năm vẫn còn còn sống với nhau, nhưng họ có hạnh phúc không là một chuyện khác. Hôn nhân hạnh phúc là điều hết sức quan trọng, vì đó là lý do chuẩn mực để đôi bạn tiếp tục ở lại trong hôn nhân. Nhưng làm sao ta biết một đôi vợ chồng thực sự hạnh phúc trong hôn nhân? Người ta hiểu thế nào là hạnh phúc trong hôn nhân, hạnh phúc gia đình? Phải lấy thước nào để đo hạnh phúc gia đình?
Dù chúng ta không có một con số thống kê chính thức chính xác về các gia đình hạnh phúc, nhưng ta nhận thấy vẫn có nhiều cặp rất hạnh phúc trong hôn nhân của họ. Chúng ta ít nghe nói đến các cặp hôn nhân hạnh phúc vì người ta thường chú ý đến các chuyện hôn nhân đổ vỡ hơn. Chuyện các nhân vật của công chúng như nghệ sĩ, chính trị gia … ly hôn, chia tay với bạn đời, bạn tình, thường gây chú ý dư luận. Nhưng trước hết điều quan trọng và hữu ích là biết thế nào là một hôn nhân hạnh phúc.

Hạnh phúc có hay không?

Hạnh phúc là cái gì đó tốt đẹp đáng ước ao mà ta đang có trong tầm tay, lúc này tại đây, ta quyết giữ không để nó vuột mất. “Đừng từ chối không hưởng một ngày vui, hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất” (Hc 14,14). Hạnh phúc là một cảm nghiệm gắn liền với việc ta đang sở hữu một điều tốt lành đáng ước ao và quyết nắm giữ. Có thể sánh nó với một kho báu chôn trong đất ruộng, một người tìm thấy và chôn nó trở lại, người ấy vui mừng đi bán hết tất cả những gì anh có và mua thửa ruộng ấy (Mt 13,44).
Đôi bạn lộ rõ rất hạnh phúc ngày cưới. Người này cũng như người kia vốn yêu thương hết mực con người đáng quý yêu kia và ước ao được có nhau, thuộc về nhau. Tình thương yêu xác nhận giá trị cao vời của người yêu, một thiện hảo nơi nhân vị đáng khao khát. Trong khi yêu thương người này nhận biết cảm xúc, tình cảm của mình đối với người kia. Chàng biết nàng là con người đặc biệt nhất mình khát mong. Chàng có thể dấn thân yêu thương đến cùng và thực hiện điều đó bất luận ra sao vì người mình yêu, người mình xem là quan trọng nhất đời. Người yêu chính là chìa khóa dẫn vào hạnh phúc cũng như chàng có thể là chìa khóa mở lối cho nàng vào hạnh phúc.

Hạnh phúc có thể mất?

Thế nhưng, là người, đôi vợ chồng chắc chắn có những giới hạn, yếu kém, bất toàn. Họ phải lụy thuộc vào thời gian, không gian và sự thay đổi. Có những điều cũng tác động đến con người, tình trạng sống của hai người như sức khỏe thể lý hay tâm lý, các thực tại văn hóa – xã hội, các khuynh hướng tâm linh và chính trị, v.v… Có thể, dẫu cả hai tự mình đều đáng quý đáng yêu nhưng, với thời gian đã không được người kia tỏ lòng quý trọng đúng mực do chú ý quá đến những thiếu sót, yếu đuối, bất toàn của người phối ngẫu. Chồng dù yêu thương vợ, nhưng có thể bắt đầu tỏ lộ lạnh nhạt dần khi cảm thấy khó chịu vì những thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm của nàng. Sự ham muốn nhau có thể giảm dần. Hoặc cũng có thể do người này đi làm ăn xa gia đình trong một thời gian dài, sa ngã trước cám dỗ tìm thấy một người phụ nữ khác hấp dẫn hơn vợ mình. Trong những trường hợp đó, hạnh phúc có thể mất.
“Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên đi hạnh phúc rồi” (Ac 3,17).
Hạnh phúc hôn nhân mong manh cho đôi bạn ý thức tính tương đối của nó, nhưng điều đó không ngăn cản họ mưu cầu hạnh phúc. Tương đối, nhưng không có nghĩa là ảo tưởng, không biện chính cho giải pháp ly thân hay ly dị khi gặp khó khăn thử thách. Hạnh phúc không hoàn hảo nhắc nhở đôi bạn phải sẵn sàng đối diện với những biến chuyển của cuộc sống, như chuyển biến từ tình trạng hạnh phúc thành không hạnh phúc, và ngược lại. Họ phải làm hết sức để duy trì và khôi phục lại hạnh phúc hôn nhân – gia đình. Một khi đã chọn nhau và tuyên bố ưng thuận thành hôn trước mặt Chúa và cộng đoàn Hội thánh, họ không thể muốn rời khỏi hôn ước. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Họ không thể nói không còn hạnh phúc nữa thì chia tay thôi. Cả hai cùng có trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình của họ. Cả hai chịu trách nhiệm trước mặt Chúa việc họ mất hạnh phúc và hơn thế nữa, việc họ đánh mất tình yêu thương dành cho nhau và cho gia đình. “Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4).

Hôn nhân hạnh phúc

Vợ chồng hạnh phúc khi có nhau lúc mới kết hôn, mà vẫn tiếp tục quý trọng, yêu thương nhau như kho báu tìm được bằng giá trả cả một đời sống, là điều đẹp lòng Chúa.
Có ba điều tôi hết lòng ao ước, cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta: anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (Hc 25,1).
Vợ chồng không chỉ coi nhau như kho báu phải giữ gìn, mà còn tìm sự bảo đảm cho hôn nhân hạnh phúc của họ; kẻo phải cứ lo sợ thường xuyên bị mất nhau trước khi ngày đời chấm dứt. Họ sẽ không bao giờ mất hạnh phúc chừng nào họ còn đáp ứng khát khao của nhau. Do đó, hạnh phúc hôn nhân dẫu có tương đối và bất toàn, nhưng có thể được nâng đỡ, duy trì, tiến triển chừng nào còn nhìn thấy nhau như là một phúc lành cho nhau. Hiện có và sẽ luôn có “phúc lành” ấy là người bạn đời. Hạnh phúc không chỉ vì họ có nhau nhưng còn bởi có một “phúc lành lớn hơn” là chính hôn ước của họ. Chúa Giêsu dạy rõ ràng chính Thiên Chúa thiết lập hôn phối giữa chồng và vợ, và bởi thế đó là một phúc lành tự bản chất.
[Chúa Giêsu nói:] “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’ và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6).
Không ai được phép hạ giá hôn nhân Thiên Chúa đã thiết lập từ thuở ban đầu. Vợ chồng nên “một xương một thịt” trọn đời. Các đôi vợ chồng Kitô hữu được kêu gọi giữ gìn và bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân của họ qua thực hiện lời hứa kết hôn. Cả khi họ phải đi qua gian nan, thử thách, những khó khăn đó trở thành cơ hội cho họ đạt được phúc lành lớn lao hơn, là hôn ước của hai vợ chồng. Hạnh phúc của vợ chồng là ở chỗ họ thực hiện được ước nguyện không có gì có thể chia cắt họ được ngoài sự chết.
Lạy Chúa, xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chia lìa chúng con”.
Lời cầu nguyện này dự phóng trước trong cuộc sống hôn nhân có thể xảy ra những sự kiện tiêu cực hay tích cực, nhưng đôi bạn vẫn có thể hạnh phúc, không bởi hoàn cảnh khách quan trong đó họ đang trải qua, mà do tình trạng hiệp nhất một lòng một ý một linh hồn của họ. Hẳn nhiên, vợ chồng trông mong được hạnh phúc hơn những lúc vui sướng, thịnh vượng, khỏe mạnh, nhưng họ có lý do hạnh phúc hơn nữa nếu họ vẫn một ý một lòng, một linh hồn hiệp nhất yêu thương khi phải cùng nhau chịu đựng những hoạn nạn, khốn khó, và đi qua thành công. “Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì!” (Gc 5,11).
Cuối cùng, hạnh phúc trọn vẹn nhất chỉ khi hạnh phúc trong Thiên Chúa. Bởi thế, đôi bạn phải đưa nhau ra trước mặt Chúa, và khẩn cầu “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con” vì khát khao được dự phần vào hạnh phúc thật chỉ có trong Thiên Chúa. Quả thật, không có hạnh phúc hôn nhân nào lớn lao hơn thấy cả hai người hiện diện trước Chúa “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào” (x. Ep 5,25-28).
Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:
1. Bạn có thấy vui hơn khi ở cùng vợ/chồng bạn không? Tại sao hay tại sao không?
2. Cả hai vợ chồng bạn có sẵn sàng hy sinh vì nhau không? Tại sao hoặc tại sao không?
3. Hai vợ chồng bạn có cầu nguyện chung với nhau không? Cầu nguyện có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ phu thê và gia đình bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét