“Ở đâu người ta có thể học cách luôn luôn phục vụ và phục vụ tất cả mọi người? Tôi tin là người ta học được điều này nơi Chúa Giêsu. Ngài đã dạy điều này khi nói: ‘Nếu anh em không yêu thương người khác thì làm sao có thể nói là mình yêu mến Thiên Chúa?’ Người ta có thể đến với Thiên Chúa bằng nhiều cách, nhưng một trong những cách mà Chúa Giêsu nói đến rất nhiều là đến với Chúa qua tha nhân.” Cha Luigi D’Errico, cha xứ giáo xứ các thánh tử đạo Uganda ở Roma đã tâm niệm điều này và giáo xứ của ngài đã được hướng dẫn bởi những lời của vị chủ chăn và trở nên một nơi đón tiếp mọi người cách nồng ấm.
Thật vậy, vào một Chúa nhật mùa đông, thời tiết giá lạnh, nhưng chỉ là ở bên ngoài, còn trong cộng đoàn giáo xứ các thánh tử đạo Uganda ở Roma, dường như có một mặt trời rực rỡ sưởi ấm những trái tim đau khổ nhất. Nhà thờ đông kín giáo dân và một bầu khí lễ hội tràn ngập khiến cho cả những tín hữu nhút nhát nhất cũng cảm thấy được khích lệ bởi điều này. Các hàng ghế đầy các ông bà, cha mẹ cô chú, các giáo dân. Những đứa trẻ ngồi trên nền nhà xung quanh bàn thờ và một em không thể kềm được sự ngưỡng mộ của mình nên thốt lên “Cha này thật là mạnh mẽ!” Ngồi giữa lòng cộng đoàn đông đảo hôm đó có một chàng trai cao ráo khỏe mạnh đang tham dự Thánh lễ thật sốt sắng. Đó là Stephano, chàng ta đang chờ đợi đến giây phút mình yêu thích, đó là dâng lễ vật.
Trước khi tìm được ngôi nhà của mình tại giáo xứ này, Stephano và gia đình đã trải qua những khó khăn đau khổ. Khi Stephano được 2 tuổi, cậu bé đã có những dấu hiệu của một đứa trẻ tự kỷ. Những chữa trị kiên trì lâu dài đã giúp cho cậu bé có những tiến bộ về khả năng nhận thức cũng như giao tiếp. Ban đầu Stephano không nói được nhưng giờ đây cậu có thể nói vài lời, biết đọc biết viết, chơi bóng bầu dục. Hôm mùng 8 tháng 12 năm vừa qua (2017), Stephano được lãnh nhận bí tích Thêm sức.
Ông Angelo Piero Paci, cha của Stephano, hiểu rất rõ con mình và biết là tuy không nói được, nhưng cậu bé hiểu tất cả và biết nhận ra ngay lập tức những thái độ khiển trách, thiếu khoan dung và khinh khi, cũng như biết nhận ra sự chân thật và những cảm tình dành của ai đó dành cho mình. Ông Angelo cùng với vợ mình là bà Miriam luôn ao ước thông truyền đức tin cho hai con của họ là Francesco và Stephano. Điều này là điều bình thường đối với nhiều gia đình nhưng đối với họ lại là một hành trình khổ công và đầy thất vọng. Khi họ đi tham dự Thánh lễ ở nhà thờ, luôn có một ai đó chỉ xem Stephano như một đứa trẻ khó dạy và phán xét cậu bé cách nghiêm khắc, nhưng không chịu để ý rằng bệnh tình của cậu là lý do của cách cư xử khó thương của cậu.
Vì trò đùa của số phận hay do một bản năng muốn giao tiếp, trong những trường hợp như thế, Stefano không tỏ ra được điều tốt nhất của mình, và trước cái nhìn xét đoán và cứng rắn của họ, cậu bé trở nên căng thẳng và la to, bỏ chạy và dậm bàn chân dữ dội. Một lần, một linh mục đã phải dừng bài giảng nửa chừng và yêu cầu bà Mariam đưa Stephano ra ngoài. Trước cái nhìn kinh ngạc của chồng, bà Miriam đã đi đến bàn thờ và bà xin lỗi, giải thích rằng con trai của bà bị tự kỷ. Bà cũng cho biết là gia đình bà dự định tham dự Thánh lễ tại giáo xứ nơi mà con trai đầu tiên của bà đã được rước lễ lần đầu, nhưng vì họ không được đón nhận nên họ sẽ đi khỏi đó. Vị linh mục hoàn toàn đứng yên như bị đóng băng.
Sau đó gia đình Stephano đã đi hết nhà thờ này đến nhà thờ khác với hy vọng tìm được một nơi họ có thể tự do thờ phượng và thực hiện việc thông truyền đức tin cho con cái, một nơi mà Stephano được đón nhận như chính cậu, không làm phiền, cản trở hay gây rối cho một ai. Và khi mà họ tin là mình đã tìm được một nơi như thế thì lại có những người không thong cảm xuất hiện cản trở hành trình hội nhập của họ. Khi mà họ hầu như mất hết hy vọng thì vào một ngày lễ Giáng sinh, một người bạn của ông Angelo, đã từ lâu không liên lạc, điện thoại cho ông Angelo. Mẹ của người bạn này là một giáo lý viên và ông hỏi có cháu nào con của ông Angelo ở độ tuổi rước lễ lần đầu hay không. Stephano đang ở vào tuổi đó. Thế là gia đình họ đi dến giáo xứ các thánh tử đạo Ugan và mọi sự bắt đầu thay đổi.
Cha xứ và các giáo lý viên của giáo xứ này rao giảng những lời yêu thương và điều quan trọng hơn là họ thực hiện những lời này. Stephano không còn bị xem như một trái banh ở dưới chân bị người ta đá lăn lung tung, nhưng sự hiện diện của cậu bé là hình ảnh phong phú của cộng đoàn. Stephano được đến một môi trường thoải mái và có những điều kiện tốt nhất để cống hiến sự tốt đẹp của mình. Stephano được đón nhận sinh hoạt chung với các trẻ em bình thường khác và được các em này đón tiếp, cùng nhau chuẩn bị cho việc rước lễ lần đầu. Ông Angelo nói về điều này như sau: “Từ sự kiện này tôi thấy rằng lời của Chúa Giêsu khi nói với người mù từ thuở mới sinh đã được thực hiện: ‘Không phải vì tội của anh ta cũng không phải vì lỗi của cha mẹ anh ta, nhưng là để công trình của Chúa được tỏ hiện nơi anh.”
Gần đến giữa Thánh lễ, sơ Yuliana Hinostrosa mời các trẻ em tiến lên bàn thờ. Sơ Yuliana là tác giả của bài hát “Điệu vũ của Kitô hữu”. Các trẻ em thuộc lòng bài hát này và cộng đoàn cũng tập và biết hát trong phút chốc. Trong bầu khí vui tươi của cộng đoàn các thánh tử đạo Uganda, Stephano mỉm cười và cùng mọi người nhịp chân theo điệu nhạc vui tươi của bài hát và rồi cách can đảm, cậu bé cùng mọi người múa hát.
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2018/01/30/b%E1%BA%A7u_kh%C3%AD_y%C3%AAu_th%C6%B0%C6%A1ng_c%E1%BB%A7a_c%E1%BB%99ng_%C4%91o%C3%A0n_gi%C3%A1o_x%E1%BB%A9_c%C3%A1c_th%C3%A1nh_t%E1%BB%AD_%C4%91%E1%BA%A1o_uganda_%E1%BB%9F_roma/1361004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét