Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - Bổn mạng Giáo khu 4

Image result for hình mẹ thiên chúa

TÍN ĐIỀU “ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA”

Dẫn nhập

Hình ảnh Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đã có chỗ đứng trong Giáo Hội, trong lòng người tín hữu trải qua dòng lịch sử. Vấn đề cần đặt ra ở đây: niềm tin của mỗi tín hữu được xây dựng trên định hướng nào? Từ niềm tin bình dân đến định tín của Giáo Hội là một tiến trình dài của suy tư và sống, với trăm chiều thuận nghịch. Vậy, để hiểu rõ hơn tín điều Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của đề tài, người viết tìm hiểu nền tảng Kinh Thánh, tiến trình hình thành tín điều, và tầm quan trọng của tín điều này trong đời sống người Kitô hữu.

1. Nền Tảng Kinh Thánh

Tín điều Mẹ Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh.
Tiên tri Isaia loan báo: “một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Giáo hội hiểu đây là lời tiên báo về Đức Maria. Đức Maria sinh ra Đấng Emmanuel, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời tiên tri được thực hiện khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu… Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31-35).
Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã sai con mình đến sinh bởi người nữ và sinh dưới chế độ lề luật” (Gl 4,14). Trong Tin Mừng Gioan, Mẹ Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (2,1; 19,26), và trong Tin Mừng Luca, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đến thăm bà Elizabeth (1,43).
Các Kitô hữu thời sơ khai được các Tông Đồ hướng dẫn, luôn có một niềm tin vững chắc vào thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Điều này được chứng tỏ bằng những việc tôn kính phổ quát như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ[1].

2. Tiến Trình Tín Điều Mẹ Thiên Chúa

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tín lý này đã được Phúc âm thánh Luca minh hoạ rõ ràng, và từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism. Các giáo phụ dựa trên tín lý phẩm chức Thiên Mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion lạc giáo: "Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa. Thân xác và sự đản sinh làm chứng lẫn nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có thân xác. Hoặc là không có thân xác thì không có sự đản sinh”.

Sang thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh chúc tụng Mẹ Thiên Chúa. Năm 325, Công Đồng Nicea I lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt Kinh Tin Kính. Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công Đồng Ephêsô sau này.

Đến thế kỷ V, trong khi tín lý Mẹ Thiên Chúa đang được các Giáo phụ rao giảng rất minh bạch và phấn khởi, thì Nestoriô, thượng phụ giáo chủ thành Constantinopôli lên tiếng trong các bài giảng phản đối, vì ông chủ trương rằng: Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa. Năm 430, một hội đồng tại Rôma lên án lạc giáo Nestôriô, và Đức Celestinô I viết một bức thư khuyến cáo Nestôriô. Nestôriô tâu xin hoàng đế Thêôdôsiô I triệu tập Công Đồng Êphêsô năm 431. Nhưng Thánh Cyrillô, Thượng phụ giáo chủ thành Alexandria, được Đức Celestinô uỷ nhiệm chủ toạ Công Đồng gồm khoảng 250 giám mục Đông phương, một giám mục Tây phương và một phó tế thành Carthage cùng với ba đặc sứ của Đức Celestinô. Mặc dù sự phản kháng của 68 giám mục tán đồng lạc giáo Nestôriô và sự cản ngăn của Candidianô, sứ giả của hoàng đế Thêôdôsiô, Công Đồng vẫn khai mạc ngày 22 tháng 6 tại đền thờ Đức Mẹ ở Êphêsô. Công Đồng minh định Chúa Giêsu có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa. Rồi Công Đồng long trọng tuyên tín: "Nếu ai không tuyên xưng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông". Đồng thời, các Nghị phụ ký giấy ra vạ cho Nestôriô: "Vì Chúa Giêsu Kitô bị Nestôriô xỉ nhục, Thánh Công Đồng đã tuyên bố Nestôriô bị loại trừ khỏi chức phẩm giám mục và khỏi mọi hiệp thông linh mục".

Tại Công Đồng, thánh Proclô thẳng thắn chống lạc giáo Nestôriô. Giám mục Thêôdôtê Ancyre (446) triệt để ủng hộ thánh Cyrillô và tố cáo buộc tội Nestôriô rối đạo. Trong khi Công Đồng đang diễn tiến, thánh Cyrillô viết cho giám mục Acaciô Beroea nói đến năm giáo phụ cũng lên án Nestôriô: Đó là hai Thượng phụ Alexandria: Athanasiô và Thêôphilê, hai Thượng phụ Constantinopôli: Grêgôriô và Atticô. Vị thứ năm là thánh Basiliô.

Ngay chiều hôm đó, toàn dân thành Êphêsô phấn khởi nô nức thắp đuốc tưng bừng, rực sáng, tổ chức một cuộc rước đuốc vĩ đại reo mừng sự vinh thắng của Mẹ Thiên Chúa, và hoan hô các nghị phụ Công Đồng Êphêsô. Họ cũng đem đuốc hộ tống các ngài về đến tận nhà.

Tín điều Mẹ Thiên Chúa do Công Đồng Êphêsô long trọng tuyên tín, như một luồng gió xuân tươi mát dịu dàng trào thổi từ Êphêsô sang khắp các miền Alexandria, Constantinopôli, Antiôkia, sang Rôma, khắp Âu Châu rồi dần dần ra khắp hoàn cầu. Lòng sùng kính mến yêu Mẹ Maria dưới tước hiệu Mẹ Thiên Chúa trở nên phổ quát: Nhà thờ Đức Mẹ nơi diễn tiến Công Đồng Êphêsô đã trở thành Vương cung thánh đường Mẹ Thiên Chúa.

Năm 432, Đức Sixtô III xây cất lại và cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilinô tại Rôma mà Đức Liberiô xây cất năm 352 cho Mẹ Thiên Chúa, và nâng lên bậc Vương cung thánh đường.

Năm 451, Công Đồng Chalceđônia cũng tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Thánh Pulcheria nữ hoàng Byzantin, kiến thiết hai đền thờ Mẹ Thiên Chúa tại Constantinopôli. Năm 534, Đức Gioan II tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa. Năm 553, Công Đồng Constantinopôli II tái tuyên nhận tín lý chức phẩm Thiên Mẫu. Từ đó nhiều nhà thờ dâng kính Mẹ Thiên Chúa được xây cất tại Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức, Anh, và Pháp. Riêng Pháp có năm đền thờ Mẹ Thiên Chúa ở Reims, Coutances, Tours, Poitiers, và Toulouse. Ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa cũng được phổ biến khắp nơi, đặc biệt là ảnh Mẹ Thiên Chúa do thánh Luca minh hoạ.

Năm 1215, Công Đồng Lateranô IV tuyên nhận chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Năm 1427 trong một bài giảng, thánh Bênađinô đọc lời cầu nguyện: "Ave Maria Jesus, Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis". Câu "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử" được đưa vào kinh do các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy) năm 1514, các đan sĩ Dòng Camaldolesia năm 1515 và Dòng Phanxicô năm 1525. Năm 1568, Đức Piô V chính thức xác định như chúng ta thường đọc ngày nay[2].

Công Đồng Vatican II (1962-1965) dạy: "Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa... Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội.. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô"[3].

3. Tầm Quan Trọng Của Tín Điều Mẹ Thiên Chúa Trong Đời Sống Kitô Hữu

a. Trên bình diện Giáo Hội

Công Đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium xác định chỗ đứng của Mẹ Thiên Chúa trong đời sống của Giáo Hội như sau:Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô…Như một Evà mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ”[4].

Giáo Hội khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo Hội trung thành lãnh nhận: Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành. Tính cách làm Mẹ đồng trinh của Ðức Maria chính là bí tích, dấu hiệu hoặc hình ảnh của Giáo Hội đồng trinh, cũng thụ thai và sinh dưỡng các con cái mình. Tính cách làm mẹ của Giáo Hội, noi theo Ðức Maria, là việc đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn. Ðón nhận có nghĩa là thực hành. Như thế Giáo Hội trở thành mẹ của một cuộc sống bất tử, nhờ Thần Khí của việc sáng tạo mới. Sự đồng trinh của Giáo Hội - là điều kiện để sinh nhiều con cái - hệ tại việc trung thành thực thi các nhân đức đối thần, theo gương Mẹ Thiên Chúa và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần[5].

Công Đồng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của đức Maria như một chuẩn mực cho các Kitô hữu bắt chước:Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Eph 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn…Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại”[6].

Vì thế trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì dấu chỉ tuyệt vời lòng từ nhân của Ngài, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Thiên Chúa mỗi người chúng ta, gia đình, cộng đoàn, toàn thể Giáo Hội và thế giới[7].

b. Trên bình diện cá nhân

Từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu và ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ Công Đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương như lời kinh Magnificat: "Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại" (Lc 1,48-49)[8].

Mẹ là dấu hiệu cậy trông. Bởi Mẹ cũng đã phải chịu thử thách nên do kinh nghiệm riêng mà biết được gánh nặng của chúng ta. Tình thương Mẹ dành cho chúng ta sẽ khuyến khích chúng ta cố gắng không ngừng[9].

Trong tình nghĩa mẫu tử, người Kitô hữu được mời gọi khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các thần thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa[10].

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI kêu gọi các tín hữu tín thác nơi Mẹ Thiên Chúa giữa những thử thách trong cuộc sống: "Mỗi khi chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của mình và cám dỗ, chúng ta có thể hướng về Mẹ và tâm hồn chúng ta nhận được ánh sáng và an ủi. Cả trong những thử thách của đời sống, trong những bão tố làm lung lay niềm tin cậy, chúng ta hãy nghĩ mình là con của Ðức Mẹ và căn cội cuộc sống của chúng ta ăn rễ sâu trong ơn thánh vô biên của Thiên Chúa. Cả Giáo Hội, dù bị những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới, luôn tìm được nơi Mẹ ngôi sao hướng dẫn và bước theo con đường Chúa Kitô đã chỉ"[11].

Kết

Chung quy, tín điều Mẹ Thiên Chúa được rút ra từ kho tàng Kinh Thánh, đã đi sâu vào niềm tin của người tín hữu từ buổi bình minh Kitô Giáo. Trải qua tiến trình dài trở thành niềm xác tín chung của Giáo Hội dựa trên nền tảng Kinh Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo Hội. Tín điều Mẹ Thiên Chúa được mở ra trong suy tư thần học và chiêm ngưỡng của đức tin của muôn thế hệ. Vấn đề được đặt ra cho người tín hữu nói chung và những người làm thần học nói riêng, một sự kết hợp giữa suy tư và sống với Mẹ Thiên Chúa trong bối cảnh văn hóa riêng. Là một người tín hữu, tu sĩ, chúng ta ôm ấp giáo huấn của Giáo Hội về Mẹ Thiên Chúa, diễn tả bằng văn hóa Việt Nam trong suy tư cá nhân làm nền tảng khả dĩ cho đời sống tu trì và đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam. Trong bối cảnh sùng kính mến yêu Mẹ Maria của người giáo dân Việt Nam, thì chuẩn mực về đạo lý Mẹ Thiên Chúa luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra cho những người làm thần học ở Việt Nam. 

Túy Văn

Tài Liệu Tham Khảo
Kinh Thánh Tân Ước. Bản dịch và chú thích có hiệu đính do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.
Công Đồng Vaticanô II. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Phan Tấn Thành. Magnificat. Học Viện Đa Minh, 2010.
Tài Liệu Internet:
1. Giuse Nguyễn Hữu An. Thời Gian Là Hồng Ân. Truy cập ngày 15-12-2013; http://lamhong.org/2012/12/30/thoi-gian-la-hong-an-le-me-thien-chua-2013.
2. G. Trần Ðức Anh. Tín Thác Nơi Mẹ Thiên ChúaTruy cập ngày 20-12-2013; http://daminhvn.net/tin-giao-hoi/tin-giao-hoi-hoan-vu/601-etc-moi-goi-ca....
3. L.m. Phêrô. Lễ Mẹ Thiên Chúa. Truy cập ngày 15-12-2013; http://www.xuanha.net/MEMARIA/1-1methienchua.htm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét