Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Vị tử đạo tiên khởi thời hiện đại của Công giáo Ấn Độ

Vị tử đạo tiên khởi thời hiện đại của Công giáo Ấn Độ
Nữ tu dòng Phanxicô Clarist viếng thăm một phụ nữ trong làng Udainagar thuộc bang Madhya Pradesh, 
nơi nữ tu Rani Maria sẽ được tôn phong chân phước vào ngày 4-11. 
Ảnh: Saji Thomas/ucanews.com

Lễ tôn phong chân phước sắp tới cho một nữ tu Ấn Độ bị sát hại cách đây hơn 20 năm sẽ là nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu bị ngược đãi ở Ấn Độ, theo các lãnh đạo Giáo hội địa phương.

Người Công giáo Ấn Độ đang chuẩn bị cho lễ tôn phong chân phước cho nữ tu Rani Maria Vattalil vào ngày 4-11. Chị bị một kẻ tấn công dùng dao đâm chết ngày 25-2-1995 khi đi xe buýt gần thành phố Indore, trên đường về quê nhà Kerala nghỉ phép.

Nữ tu Rani Maria thuộc dòng Phanxicô Clarist bản xứ trong giáo phận Indore, thuộc bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ. Lúc bị sát hại, chị được 41 tuổi.

“Rõ ràng tôn phong chân phước cho sơ sẽ là một nguồn cảm hứng lớn lao cho Giáo hội tại Ấn Độ vốn đối mặt tình trạng ngược đãi”, theo Paul Abraham, nhà văn Công giáo ở Madhya Pradesh, nơi thường xuyên báo cáo xảy ra các vụ tấn công Kitô hữu.

Abraham, cựu nhà báo theo dõi sát sao án phong thánh cho nữ tu anh hùng này, cho biết cuộc đời và cái chết của chị sẽ trở thành tâm điểm cho các cộng đồng Kitô hữu địa phương.

“Việc chị tận tâm giúp đỡ người nghèo khiến các địa chủ có quyền lực tức giận, và việc chị cương quyết chống lại các mối đe dọa đối với sứ mạng Kitô giáo của mình cho đến chết” sẽ truyền cảm hứng cho các Kitô hữu địa phương vốn đối mặt tình trạng quấy rối “hàng ngày”, ông nói.

Tháng 3 năm nay, Vatican thông báo tôn phong chân phước cho chị là vị tử đạo và như thế chị sẽ trở thành vị tử đạo tiên khởi trong thời hiện đại của Giáo hội Công giáo Ấn Độ. Vị thánh tiên khởi của Ấn Độ là Thánh Gonsalo Garcia đến từ Vasai gần Mumbai bị giết chết năm 1597 trong khi làm thừa sai tại Nhật Bản. Ngài được tuyên bố tử đạo năm 1862.

Samunder Singh, kẻ giết nữ tu, đã đâm chị trên xe buýt và trên đường lúc chị chạy ra khỏi xe. Tổng cộng chị bị đâm 54 nhát.

Singh được những kẻ cho vay tiền thuê giết nữ tu Rani Maria vì phản đối việc chị giúp đỡ dân làng nghèo có khả năng tự lực hơn. Sau đó ông hối hận trong tù và nói muốn gặp gia đình nữ tu. Chị của sơ Rani cũng là một nữ tu, đã cột rakhi (một sợi chỉ tượng trưng cho tình anh chị em ruột) lên tay Singh, chấp nhận ông vào gia đình mình.

Các nhóm Ấn giáo cực đoan

Các lãnh đạo Kitô hữu nói các nhóm Ấn giáo cực đoan ở Madhya Pradesh nhắm vào các tôn giáo thiểu số như Kitô hữu kể từ khi đảng ủng hộ Ấn giáo Bharatiya Janata lên nắm quyền trong bang cách đây 14 năm.

“Lễ tôn phong chân phước sẽ cổ võ tất cả các Kitô hữu, không chỉ người Công giáo, phản đối tình trạng bạo lực và quấy rối vì đức tin của mình. Nữ tu Rani Maria sẽ là mẫu gương”, Abraham phát biểu.

Riêng năm nay Kitô hữu đã ghi nhận ít nhất 80 vụ bạo lực trong bang này, bao gồm các vụ tấn công nhắm vào mục sư, nhà thờ và nhà nguyện. Ngoài ra còn có những lời vu khống liên quan đến vi phạm một đạo luật trong bang nói về cải đạo.

Silvester Gangle, lãnh đạo Công giáo, nói lễ tôn phong chân phước cho nữ tu còn giúp người dân trên khắp Ấn Độ hiểu được bản chất của các thừa sai Kitô giáo làm việc trong các làng mạc. Gangle cho biết những kẻ Ấn giáo cực đoan tuyên truyền rằng công tác xã hội của Kitô hữu chỉ là hoạt động bề ngoài dùng để cải đạo người dân nghèo.

Lễ tôn phong chân phước này “sẽ là một đặc ân vì Giáo hội Công giáo đang chịu áp lực nặng nề từ các nhóm cuồng tín tiếp tục tuyên truyền chống lại các thừa sai Kitô giáo”, theo Gangle.

Abraham, cũng cùng quê Kerala với nữ tu, cho biết nữ tu xuất thân từ một gia đình giàu có và đáng lẽ có thể chọn “một cuộc sống gia đình thoải mái”.

“Nhưng chị đã quyết tâm đi tu, chọn các giáo điểm ở miền bắc Ấn Độ và trở thành tiếng nói đại diện cho những người thấp cổ bé họng”, ông nói.

Kitô hữu chỉ chiếm chưa đến 0,3% trong số khoảng 73 triệu dân trong bang Madhya Pradesh, còn lại đa số (90%) là người Ấn giáo, theo cuộc điều tra dân số ở Ấn Độ năm 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét