Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Hội đồng Giám Mục Pháp quyết định sửa lại một chữ trong kinh Lạy Cha


Đại hội đồng thường niên của Hội đồng Giám mục Pháp nhóm họp tại Lộ Đức ngày 03/11, bế mạc hôm nay (08/11/2017), quy tụ 116 giám mục. Các vị trưởng giáo giáo phận (éparchie) Arméniens, Ukrainiens, Maronites cùng tham dự.


Trong chương trình nghị sự, các vị giám mục Pháp đã quyết định kể từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng (03/12/2017), kinh Lạy Cha sẽ được sửa lại một chữ theo đúng bản gốc tiếng Hy Lạp, vì Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng bắt đầu năm phụng vụ. Theo ý kiến của Hội đồng các Hội thánh Kitô giáo tại Pháp, viết tắt CÉCEF, kinh Lạy Cha cần có một bản dịch đại kết chung cho các Hội thánh Kitô giáo trên nước Pháp, theo tinh thần hiệp nhất (Ga 17,21).

Câu ‘‘Ne nous soumets pas à la tentation’’ từ ngày 03/12/2017 sẽ được đổi lại là ‘‘Ne nous laisse pas entrer en tentation’’, theo bản gốc tiếng hy lạp : Καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (Mt 6,13 và Lc 11,4).


Trong lời kinh tiếng Việt , ‘‘Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’’ có hai từ ‘‘sa’’ và ‘‘chước’’, cả hai đều là tiếng Việt cổ :

- SA : gốc chữ hán là 蹉 (tha), còn một phát âm khác là ‘‘sa’’. Tha điệt (蹉 跌) : vấp ngã. 

- CHƯỚC : gốc chữ hán là 计 (kế) : Quỷ kế thần mưu (鬼计神谋).

‘‘Sa chước cám dỗ’’ : vấp ngã vào mưu kế của quỷ.

Theo thiển ý, bản dịch tiếng Việt hoàn toàn trung thực với bản gốc tiếng hy lạp nên không cần sửa đổi. Tuy nhiên, mỗi khi đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Pháp do Giám mục hoặc Linh mục người Pháp chủ lễ, cộng đoàn Giáo xứ Việt Nam tại Paris nên đọc văn bản sửa đổi để nói lên sự hiệp thông với Giáo hội Pháp. 

Paris, ngày 08/11/2017

Lê Đình Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét