LSVN Một tầm nhìn mới về vấn đề giáo dục giới trẻ công giáo từ góc nhìn đông phương của Thầy Lý Minh Tuấn, Giáo Sư Triết Học Đông Phương, sẽ là một đóng góp đáng kể cho hướng đi của Giáo Hội Việt Nam trong việc giáo dục giới trẻ, mầm non của Giáo Hội và xã hội. Mặc dù tuổi cao nhưng thầy Tuấn vẫn dành nhiều thời giờ để đào tạo sinh viên thần học tại các học viện, vì ước mong của thầy là chia sẻ cho giới sinh viên thần học công giáo một hướng nhìn đông phương về thần học để góp nhặt hành trang đào luyện những người rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ tại Việt Nam.
Vấn đề giáo dục giới trẻ Công Giáo dưới nhãn quan Đông Phương
Gs. Lý Minh Tuấn
I. Khó Khăn Trong Vấn Đề Giáo Dục
Ngày nay, nói đến giáo dục giới trẻ là cả một vấn đề thiên nan vạn nan. Giới trẻ chỉ thị lớp thanh niên trong độ tuổi từ 15 tới 30. Từ 30 tuổi trở lên, bao gồm giới trung niên và giới cao niên; cứ gọi chung là giới cao niên cho đơn giản, tuy rằng có nhiều người, mặc dù đã ở trong độ tuổi 60 mà vẫn chưa nhận mình là già.
Khi giới cao niên chúng ta nói rằng giới trẻ cần được giáo dục tử tế, thì giới trẻ có thể đáp lại: “Vậy giới già của các ông đã được giáo dục tử tế chưa? Các ông đã sống tốt để có thể dạy dỗ chúng tôi được chưa?”.
Tưởng tượng ra câu hỏi chất vấn này của giới trẻ, giới cao niên chúng ta khó trả lời. Suy đi nghĩ lại một cách thành thật, quả thật giới cao niên chúng ta sống chưa tốt, chưa là mẫu mực hoàn hảo cho giới trẻ, làm sao chúng ta có thể nói tới vấn đề giáo dục giới trẻ cho được, mà lại là giáo dục giới trẻ Công Giáo? Chúng ta đành câm lặng hay sao? Hay là chúng ta bắt chước Khổng Tử trả lời cho Tử Cống: “Dư dục vô ngôn. Thiên hà ngôn tại? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yêu. Thiên hà ngôn tại? - Ta muốn không nói. Trời có nói đâu? Bốn mùa chuyển đổi, mọi vật sinh sôi. Trời có nói đâu?”(Luận ngữ: Dương hóa). Khổng Tử không muốn nói, bởi vì thấy khó nói quá!
Tuy vậy, ngài cũng đã nói vô số lời; và các môn đệ đã chép lại trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Thế thì, nói đi rồi phải nói lại. Mặc dù giới cao niên chúng ta chưa được giáo dục tốt, chưa sống tốt để nêu gương cho giới trẻ, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên nói để chúng ta có cơ hội nhìn lại mình và cùng với giới trẻ tìm ra một lối sống, khiến cho thế gian này bớt khổ, xã hội bớt rối loạn. Để rồi cả già lẫn trẻ cùng với nhau phấn khởi tiến đến một thế giới mới mà sách Khải Huyền của Thánh Gioan gọi là “trời mới đất mới”; trong đó nước mắt nhân loại được Thiên Chúa lau khô.
Thực ra, nên nhắc lại, giáo dục giới trẻ hay giáo dục con người nói chung là một việc rất khó, đến nỗi các bậc thánh hiền xưa đã không muốn nói hoặc nói một cách bất đắc dĩ! Vào thế kỷ VI trước Công Nguyên, tương truyền rằng sau khi chứng đạo dưới cội bồ đề, Đức Phật Thích Ca đã không muốn thuyết pháp; bởi vì thấy những điều mình chứng được về chân lý khó lòng được người đời chấp nhận và thực hành theo. Điểm quan trọng nhất trong chân lý ngài chứng được là nhận ra “Ái dục” là căn nguyên của mọi tội lỗi, mọi đau khổ trên thế gian. Ái dục là lòng luyến ái ham muốn. Do luyến ái ham muốn mà nẩy ra Tam độc (Tham, Sân, Si). Tham Sân Si là đầu mối tội lỗi và gây ra đau khổ cho mọi người. Tuy nhiên, dạy người ta từ bỏ “Ái dục” thì khó khăn biết chừng nào! Kể từ khi lý trí phát triển sự phân biệt, Ái dục luôn đeo bám con người.
Đức Phật đã nhận ra rằng Ái dục phát sinh do một thức năng hùng hậu, mãnh liệt, cố kết từ những con người đầu tiên trên trái đất. Phật Giáo gọi nó là “Mạt Na thức” (Mana). Đó là thức năng âm thầm chấp ngã (bám chặt vào cái tôi), từ đó phát sinh ra Ái dục. Nói theo ngôn ngữ Công Giáo, đó là thứ “tội tổ tông truyền”, đề cao chính mình (chấp ngã), không còn biết đến Chúa và tha nhân nữa!
Dạy người ta từ bỏ Ái dục, Đức Phật cảm thấy là quá khó; cho nên ngài đã không muốn thuyết giảng về giáo lý từ bỏ ấy. Nhưng rồi, đưa mắt nhìn tổng quát thế gian, ngài thấy mọi người chìm đắm trong tội lỗi và thống khổ; đồng thời mọi người ra sức vẫy vùng thoát khổ tương tự như những cọng sen chen nhau trồi lên khỏi chỗ bùn lầy nước đọng nhơ bẩn để đón ánh dương; cái nào vọt lên được thì trổ bông trắng tinh hay hồng tươi, tỏa hương thơm ngát. Hình ảnh đó tượng trưng cho những con người thành tâm thiện chí muốn cải tà qui chánh để được hưởng chân hạnh phúc. Vì thế, Đức Phật không đành giải thoát lấy một mình, mà vất vả đem giáo lý vào đời để giác ngộ chúng sinh, trong vòng 45 năm.
Tương tự như vậy, Lão Tử mặc dù đã thấu tỏ chân lý về Đạo Cả nhiệm mầu, nhưng ngài cảm thấy khó lòng cảm hóa dân chúng Trung Hoa thời Xuân Thu, đang chạy theo vật chất ào ào như thác đổ; do đó, tương truyền, ngài đã bỏ chức quan Thủ Tàng Thất (quan thủ thư viện) của nhà Chu mà ra cửa Hàm Cốc để tu tiên một mình. Thế rồi, đã nán lại đó, viết cuốn Đạo Đức Kinh để nói về Đạo Cả và sự cần thiết phải sống theo Đạo.
Không khác gì hơn, Khổng Tử đã từng thất vọng sau khi chu du liệt quốc trong 13 năm, thuyết minh về chính đạo cho các nước chư hầu thời Xuân Thu. Chẳng ai buồn nghe nói về đạo quân tử của ngài cả; người ta chỉ thích dùng mưu thuật quỉ quyệt để tranh lợi và quyền bính. Cuối cùng, ngài phải quay về cố hương để giảng dạy cho đám người “cuồng quyến” (có chí cao và có khít iết), hy vọng đám người này sẽ giữ được đạo thống cho các thế hệ về sau. Khổng Tử nói: “Bất đắc trung hành như dĩ chi, tất dã cuồng quyến hồ. Cuồng giả tiến thủ; quyến giả hữu sở bất vi dã: Chẳng được những người đi trong trung đạo để mà giao thiệp, chỉ có hạng người có chí cao và có khí tiết thôi. Hạng người có chí cao thì tiến lên; hạng người có khí tiết thì có chỗ không làm” (Luận Ngữ: Tử Lộ, 21).
Còn đối với Chúa Giêsu, thấy người đời ngoan cố trong tội ác, cho nên Người đã dùng dụ ngôn để gần như thách thức mọi người, bởi vì biết rằng lời dạy dỗ của mình ít được người đời đáp ứng. Chúa Giêsu đã nhắc lại lời sấm của Isaia để nói về họ như sau: “Các ngươi có lắng tai nghe mà cũng sẽ không hiểu, các ngươi có trố mắt nhìn, mà cũng sẽ không thấy. Ấy vì lòng dân này đã ra đần độn: chúng đã bưng tai lại, chúng đã nhắm mắt lại...” (Mt 13, 14-15).
Các trường hợp của Đức Phật, Lão Tử, Khổng Tử và Chúa Giêsu đã nói lên rằng việc giáo dục con người nói chung và giới trẻ nói riêng chẳng phải dễ dàng và ít được đáp ứng. Trong thời đại ngày nay, tại sao giới trẻ ít lắng nghe và không chịu đáp ứng?
II. Cơn Lốc Xoáy Của Vật Đạo
Vật đạo chỉ thị đường lối chạy theo vật chất; mọi giá trị của con người đều được cân đo, đong đếm trên sự chiếm hữu, tích lũy vật chất. Thời đại chúng ta đang bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy của Vật đạo. Cơn lốc này có sức mạnh kịch liệt, sức cuốn hút phi thường, khiến người ta khó lòng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nó. Chúng ta có thể dùng hình ảnh cơn lốc xoáy với tốc độ 400 km một giờ vừa xảy ra ở tiểu bang Kansas bên Hoa Kỳ làm ví dụ. Sau cơn lốc, cây cối trốc gốc, ngả nghiêng; nhà cửa nát vụn... chẳng còn gì! Cũng vậy, cơn lốc xoáy của Vật đạo phá tan hết mọi giá trị đạo đức, giá trị tinh thần của con người. Các Nho gia xưa đã gọi tình trạng con người chạy đuổi theo vật chất là “táng vu vật” (chôn trong vật). Vật đạo này không mới mẻ gì. Nó đã từng lôi cuốn vô số người trong quá khứ. Chẳng vậy mà Chúa Giêsu đã từng cảnh cáo dân Do Thái về sự tham lam của cái thế gian, là những thứ bị mối mọt đục khoét; đồng thời Người khuyên bảo người ta hãy tích trữ những của cải tinh thần, là những phẩm hạnh, nhân đức, những thứ có thể theo người ta về đời sau.
Tuy nhiên, ngày nay Vật đạo đã được thượng tôn hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại. Với sự cạnh tranh mang theo mỹ hiệu phát triển kinh tế, người ta đã chế tạo ra đủ thứ hình thái vật chất đáp ứng và thúc đẩy các nhu cầu của thân xác. Người ta khuyến mãi để kích thích sức tiêu thụ, tạo thêm nhiều nhu cầu và tìm cách khoét sâu các nhu cầu đó vào cơ cấu thân tâm con người. Trong cơn lốc xoáy đó, người ta chen vai thích cánh vào siêu thị sắm đồ, đua nhau sử dụng các gia vị, các hóa chất để nấu các món ăn mới lạ, đua nhau vào vũ trường, uống thuốc lắc và nhảy nhót thâu đêm đến rã rời, đua nhau uống bia rượu và thưởng thức các món đặc sản, đua nhau tuôn xe ra các xa lộ để xả khói đầy trời, đua nhau du lịch để thưởng thức cảnh lạ, vật lạ, và đua nhau dùng các tân dược đắt tiền để trị các bệnh mới phát sinh do sự chạy đuổi theo Vật đạo đó...
Bây giờ phải giáo dục làm sao đây? Phải đem cái gì ra giảng dạy cho giới trẻ Công Giáo ngày nay?
III. Hướng Giáo Dục Ngày Nay
Lịch sử nhân loại thường được phân ra xưa và nay, nhưng về phương diện đạo lý, không hề có vấn đề xưa và nay. Điều đó có nghĩa là những bài học về đạo lý ngày xưa vẫn cần phải đem giảng dạy và áp dụng cho ngày nay. Không có gì khác.
Từ lâu rồi, loài người vẫn chạy theo Vật đạo; chính Vật đạo đã khiến con người vong thân trong vật. Do vong thân trong vật mà mọi tội lỗi đã sinh ra, làm cho con người khốn khổ không nguôi. Vật chất là cát bụi, là những thứ thuộc về thế gian. Nói theo ngôn ngữ Nho Giáo thì vật chất thuộc về Địa. Con người cần vươn lên yếu tố Thiên mới có thể thiết lập một nền minh triết Tam Tài: Thiên, địa, nhân. Đạt tới minh triết Tam Tài, con người mới có thể trở nên một bậc Vương đế, một bậc Nhân chủ, nghĩa là trở nên con người lý tưởng.
Kết hợp cả minh triết Nho Giáo và minh triết Công Giáo, chỉ khi nào con người trở nên Vương đế hay Nhân chủ, con người mới “phối Thiên”, mới trở nên con Thiên Chúa, kết hợp với Vương Chủ Thiên Chúa. Bấy giờ con người mới có thể hạnh phúc viên mãn được.
Yếu tố Thiên trong Tam Tài: Thiên Địa Nhân là “ánh sáng siêu nhiên” của Trời (Thượng Đế hay Thiên Chúa). Ánh sáng siêu nhiên chiếu rọi vào tâm hồn con người tạo nên những giá trị tinh thần thiêng liêng. Đó là yếu tố thánh thiêng có khả năng nâng con người lên khỏi yếu tố Địa, tức là vật chất. Tuy vật chất cũng cần thiết cho con người, nhưng chỉ có một giá trị tương đối. Người ta không thể có hạnh phúc viên mãn khi chỉ trầm mình trong vật chất, trong việc thượng tôn yếu tố Địa. Giá trị tuyệt đối đem con người tới hạnh phúc viên mãn phải là yếu tố thánh thiêng.
Trong đạo lý nền tảng này, Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái xưa như sau: “Vì thế Ta bảo các ngươi: Chớ áy náy cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, hay về thân xác: lấy gì mà mặc. Há mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc ư? Hãy nhìn xem chim trời, kìa! Chúng không gieo, không gặt, không thu tích đầy lẫm thế mà Cha các ngươi trên trời vẫn nuôi chúng! Thế mà các ngươi không hơn chúng ư? Nào ai trong các ngươi lo toan áy náy mà có thể thêm cho đời mình một gang tay nữa không? Còn về áo mặc, thì cũng lo lắng làm gì? Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi; nhưng Ta bảo các ngươi, ngay Salômôn với tất cả vinh quang của ông cũng không ăn vận sánh tày được với một đóa hoa đó. Nếu có đồng hoa nội, nay còn, mai đã quăng lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho như thê, thì huống chi là các ngươi, hỡi kẻ yếu tin!
Vậy các ngươi chớ áy náy mà rằng: chúng ta sẽ ăn gì, sẽ uống gì, sẽ lấy gì mà mặc? Đã hẳn các điều đó, Dân Ngoại nong nả kiếm tìm. Nhưng Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, rõ biết là các ngươi cần hết những điều đó. Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Trời, cùng sự công chính của Người, và mọi điều đó sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt 6, 25-33).
Của ăn, của uống, của mặc được Chúa Giêsu đề cập đến trong đoạn Tin Mừng trên là những yếu tố vật chất. Đối chiếu sang Đông Phương, Nho Giáo gọi là Địa. “Nước Trời cùng sự công chính của Người” là yếu tố Thiên. Đi tìm kiếm Nước Trời là Linh Đạo. Vì vậy, hướng giáo dục ngày nay phải đi là Linh đạo; dùng Linh đạo để đối trị sự cuốn hút quá mạnh của Vật đạo. Dĩ nhiên, đối trị Vật đạo không phải là xóa bỏ hoàn toàn vật chất, nhưng đặt vật chất trong một giới hạn nào đó, khiến cho vật chất chỉ đóng một vai trò khiêm nhường, không thể vật hóa con người hoàn toàn được. Minh triết Đông Phương không hề bao giờ xóa sổ một yếu tố nào làm nên con người, mà luôn luôn đặt con người trong một thế quân bình tương đối. Trong Công Giáo, khi Kinh Thánh nói rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ bánh” (Lc 4, 4), có nghĩa rằng vật chất (bánh) giữ vai trò tương đối, đóng góp một phần cho sự sống con người. Với ý nghĩa đó, khi Chúa Giêsu thấy dân chúng theo mình bị đói, Người dùng quyền năng hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Nếu hoàn toàn chối bỏ vật chất, chối bỏ ăn uống vật thực, sức khỏe con người sẽ suy kiệt, thể xác ra bệnh hoạn rồi chết. Cũng vì điểm này mà Đức Phật Thích Ca đã từ bỏ phép tu khổ hạnh để tu theo Trung đạo.
Để thiết lập thế quân bình giữa hai yếu tố Thiên và Địa hay giữa Linh đạo và Vật đạo, Nho Giáo đưa ra con số 5. Số 5 là huyền số cốt lõi của Hà Đồ, Lạc Thư (hai lược đồ tiên thiên và hậu thiên về cơ cấu vũ trụ nhân sinh).
Hà Đồ (Tiên Thiên) Lạc Thư (Hậu Thiên)
Số 5 chỉ thị năng lực Thái Cực tiềm tàng trong vạn vật. Thái Cực là đại năng lực của Thực Tại Tối Cao (Thượng Đế) bao hàm sự liên kết Âm Dương lý tưởng trước khi triển khai ra vạn vật.
5 = 2 + 3
Trong đó, 2 chỉ thị năng lực Âm, 3 chỉ thị năng lực Dương. Một cách cụ thể: 2 là độ số dành cho giá trị vật chất: Âm, 3 là độ số dành cho giá trị tinh thần: Dương (ánh sáng siêu nhiên). Nói một cách khác, 2 dành cho yếu tố Địa, 3 dành cho yếu tố Thiên. Con người lý tưởng (nhân giả) là người biết liên kết hai yếu tố Địa và Thiên một cách quân bình hoàn hảo (2+3=5) để thể hiện nhân tính hoàn thiện, nghĩa là cùng với Thiên Địa (ánh sáng siêu nhiên và vật chất) kết hợp thành Tam Tài: Thiên Địa Nhân; nói theo ngôn ngữ phổ thông là: ba tài năng “trời đất người”.
Như thế, theo Nho Giáo, đạo Trời đã sắp đặt sẵn dành cho Linh đạo (đường lối về ánh sáng siêu nhiên: Thiên) trội vượt hơn Vật đạo (đường lối hướng về vật chất: Địa) một mức (3 lớn hơn 2).
Nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh Công Giáo: “Người ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng còn nhờ vào mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa”(Mt 4, 4). Bánh chỉ thị khái niệm về Địa, Lời Thiên Chúa chỉ thị khái niệm Thiên trong Nho Giáo vậy.
Hiện nay, nhân loại nghiêng quá nhiều về nền giáo dục theo hướng Vật đạo. Đó là con đường hướng Địa, hướng ngoại, con đường của khoa học thực nghiệm, đi sâu vào thế giới hiện tượng để tìm hiểu sự vật, chinh phục và cũng là để phong phú hóa sự vật và hoàn chỉnh sự vật. Nếu chỉ có thế thôi thì nền giáo dục ấy còn thiếu sót; và nhân loại đang có nguy cơ bị vật chất trùm lấp. Giới trẻ nói chung và nhất là giới trẻ Công Giáo cần phải được ưu tiên giáo dục theo hướng Linh đạo, mới có thể trở thành con người lý tưởng hoàn thiện, mới tìm thấy hạnh phúc đích thực được.
Linh đạo là con đường thiêng liêng, con đường siêu nhiên dẫn con người trở về cội nguồn chân lý, về sự sống chân thực an lạc, không quá lệ thuộc vào cơm áo và các tiện nghi vật chất, mà Kinh Thánh chỉ thị chung trong một tiếng là “bánh”. Linh đạo cũng là con đường tâm linh nội hướng với sự sáng soi của “ánh sáng siêu nhiên”, giúp con người quay vào thẳm cung lòng mình để nhận ra bản tâm chân tính mà người Phật Giáo gọi là “Bản lại diện mục” (bộ mặt từ trước đến sau). Đó là “cái tôi đích thực” của mỗi người chúng ta. Nhận ra “cái tôi đích thực”, con người mới có thể tiếp cận hoặc bắt gặp Thực Tại Siêu Hình (Thiên Chúa) và tham dự vào siêu nhiên giới. Từ đó, tuy sống trong thế gian mà con người cảm thấy thân xác nhẹ nhõm, thảnh thơi tự tại với đôi tay “sạch”, với tâm hồn hạnh phúc viên mãn trong sáng. Xưa nay, người ta vẫn thường hiểu Linh đạo là con đường tu đức nghiêm ngặt, giúp con người tự sửa sai những lỗi lầm quá khứ để tiến đến toàn thiện. Tuy nhiên, điều đó chỉ là mặt tiêu cực của Linh đạo. Mặt tích cực của Linh đạo là dẫn con người thoát ra khỏi cái tôi chật chội, cái vỏ ốc cá nhân nhỏ nhoi, khô cứng đóng kín để nhận ra mình là con người lý tưởng siêu việt, có chiều kích vô biên, cùng với mọi người trong nhân loại là một đại thể duy nhất trong cái nôi vũ trụ của Thực Tại Vĩnh Hằng vô thủy vô chung. Nói theo ngôn ngữ Công Giáo, con người đó là bạn của Chúa Giêsu Kitô, là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô. Đông Phương Cổ Đại, các thánh hiền đã nhận ra hướng Linh đạo đó và tất cả học thuyết của các ngài đều đưa ra những phương thế giáo dục giúp người ta khỏi lệ thuộc vào vật chất, dẫn người ta tìm ra con người lý tưởng. Bên Ấn Độ, các đạo sĩ trong phái Upanishad đã dùng biện pháp thực nghiệm tâm linh để tìm ra Chân ngã Atman, cho rằng mọi kiến thức thuộc về thế gian, về Vật đạo đều là tiểu trí; biết về Chân ngã Atman, về Đại ngã Brahman mới là đại trí. Đức Phật Thích Ca, với một giáo lý phong phú, sâu sắc đã kêu gọi người ta hãy vượt thoát khỏi tấm thân “Ngũ uẩn” chìm đắm trong dục vọng để đạt tới Chân Tâm (Phật tính). Khổng Mạnh trong Nho Giáo đã hết mức đề cao nhân nghĩa, đem người ta ra khỏi điều lợi, tức là rời khỏi sự tranh chấp về cơm áo và các tiện nghi vật chất để Thiên Mệnh (tính) được xuất hiện trong dòng đời, hay phát huy Minh Đức giữa nhân gian. Lão Tử thì lên án nặng nề việc ngụp lặn trong vật chất. Ông nhận định về đa số nhân loại như sau: “Chúng nhân hy hy như hưởng thái lao, như xuân đăng đài: mọi người hớn hở như hưởng cỗ thịt, như lên đài xuân” (Đạo Đức Kinh: chương 19). Để dân chúng bớt sa vào Vật đạo, Lão Tử kêu gọi nhà cầm quyền: “Bất quí nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo; bất hiện khả dục, sử dân loạn: đừng quí của hiếm, khiến dân không trộm cướp; đừng phô bày cái gì gợi lòng ham muốn, khiến dân không rối loạn” (Đạo Đức Kinh: chương 3). Còn trong đạo Công Giáo, các ngôn sứ trong Cựu Ước đều lên án sự lệ thuộc vào của cải, lên án những kẻ giàu, thượng tôn vật chất, bóc lột người nghèo. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu kêu gọi hãy bước vào “cửa hẹp, đường chật”, xa lánh cửa rộng là nơi đề cao sự phóng túng trong vật chất. Người nói: “Hãy vào cửa hẹp. Vì rộng rãi và thênh thang tức là đường dẫn đến hư vong, và người vào đó lại nhiều. Còn cửa hẹp và đường chật, tức là cửa, là đường dẫn đến sự sống, thì ít người kiếm ra nó” (Mt 7, 13-14).
Vào cửa hẹp tức là tự chế phục chính mình, tự giải thoát mình khỏi những dục vọng không đáy, làm điên đảo con người và gây ra sự điên đảo, khủng hoảng trong xã hội, trong thế giới. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca cũng chỉ thu gom vào việc tiêu diệt “Ái dục” mà ngài cho là đầu mối của mọi nỗi khổ trên thế gian, khiến cho con người không thể đạt tới hạnh phúc Niết Bàn được.
Thế mà đa số nhân loại ngày nay chẳng những đã không tự chế ngự dục vọng mà còn khuyếch đại dục vọng, tìm ra những cách thế phát triển dục vọng của mình và của người khác, tìm đủ mọi cách để thỏa mãn những khao khát vật chất. Như thế, nhân loại đang rủ nhau đi vào con đường “rộng rãi và thênh thang” vậy. Con đường rộng rãi và thênh thang trong Tân Ước, ngày nay chúng ta mệnh danh là Vật đạo. Trong tinh thần hạn chế lệ thuộc vào Vật đạo, Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ cầu nguyện, chỉ “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày...”, không cần xin cho ngày mai, bởi vì “ngày mai sẽ lo cho ngày mai...”
Cần phải hạn chế lệ thuộc vào Vật đạo, bởi vì người nào đi sâu vào Vật đạo sẽ bị vật chất cuốn hút khắc nghiệt, khiến cho khao khát khôn nguôi. Khao khát vật chất thì không khác gì khát nước. Con người khao khát tiêu biểu được nói đến trong Tân Ước đó là người phụ nữ xứ Samari; nàng đã có năm đời chồng và hiện đang sống với một người đàn ông không phải là chồng. Thế thì, hai chữ “khát nước” trong Tân Ước chỉ thị sự khao khát trong Vật đạo, tức là khao khát hạnh phúc trần gian. Thế mà trần gian thì vô thường như những đợt sóng trên đại dương, làm sao trần gian có thể đáp ứng được niềm khao khát vô biên của con người. Muốn khỏi khát, người ta phải đi vào hướng Linh đạo. Linh đạo cũng là Tâm đạo, tức là hướng quay trở về nội tâm của mình để tìm gặp Thiên Chúa tiềm tại trong lòng những người sống trong Tinh Thần và Chân Lý. Đó là sống dưới sự soi tỏ của “Ánh sáng siêu nhiên” và sống trong lẽ thật.
Tóm lại, đạo thống của nhân loại từ Đông sang Tây, từ ngàn xưa tới ngàn sau đều qui kết vào hướng Linh đạo, chứ không phải Vật đạo. Vì thế, việc giáo dục giới trẻ Công Giáo ngày nay cũng là hướng con người trở về Linh đạo. Giới trẻ Công Giáo đã được học Linh đạo từ nhỏ, tuy nhiên vẫn chưa tiếp thu sâu sắc, vẫn chưa thành tựu con người lý tưởng; có lẽ các bạn trẻ ở trong tình trạng tâm lý “gừng nhà không cay, Bụt nhà không thiêng”, mà còn muốn thao thức đi tìm chân lý ở đâu đâu.
Một câu truyện có thật xảy ra cách đây trên 10 năm với một thanh niên Công Giáo đã bỏ đạo lâu năm. Anh ta là người có thiện chí, đã thao thức đi tìm chân lý qua các học thuyết, các tôn giáo cũ, mới. Ngày kia, anh ta đến xin học Thiền với một đại đức Phật Giáo trong một khu vườn điều vắng lặng. Khi biết anh này là một người gốc Công Giáo, vị đại đức đó nói: “Anh đã ở trong Công Giáo mà anh không tìm thấy chân lý thì còn tìm ở đâu nữa! Tôi đề nghị với anh khi ngồi Thiền, nên lấy Chúa Giêsu làm đề tài chiêm niệm!” Thế rồi, người thanh niên đó đã tìm lại được niềm tin của mình vào Chúa Giêsu qua sự chỉ dẫn phép tu Thiền của một Thiền sư. Cho nên, lúc này hơn lúc nào hết, giới trẻ Công Giáo cần được hội nhập, cần được tiếp cận với nền Minh Triết Đông Phương để tìm thấy những giá trị chân lý trong nền Minh Triết ấy cũng gần gũi với giáo lý của mình. Bởi vì cái gì thuộc chân lý đều thuộc về Thiên Chúa, do Thiên Chúa mạc khải.
Nền văn minh vật chất đã lôi kéo con người lún sâu vào Vật đạo thì cần phải đem con người trở về hướng Linh đạo bằng cách đào sâu giáo lý của Chúa Giêsu trong Tin Mừng cùng với những lời giảng dạy đầy tính minh triết của các thánh hiền Đông Phương trong Nho Giáo.
Thiên Văn
(Theo Bản Tin Hiệp Thông Số 41)
Nguồn: http://lsvn.info/modules.php?name=News&op=viewst&sid=284
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét