1. Thứ Tư Lễ Tro, 1-3-2017, Hội Thánh phủ lên mình màu tím của sám hối và bắt đầu bước vào Mùa Chay thánh. Cũng ngày hôm ấy, Giáo phận Phan Thiết khoác lên mình màu trắng của khăn tang vì mất đi người cha chung của giáo phận. Hội đồng giám mục Việt Nam vừa tiễn đưa Đức Cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa đáng kính, nay lại càng đau buồn vì mất đi một thành viên luôn vui tươi, nhiều tài năng, giàu nhiệt huyết. Và bản thân tôi mất một người bạn. Dường như cả không gian đang phủ kín một màu tang tóc, u buồn.
2. Nhưng chính thời điểm Mùa Chay thánh lại ban tặng ánh sáng và ý nghĩa mới. Bởi lẽ kết điểm của Mùa Chay không phải là sự buồn thảm của Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng là niềm vui chan chứa của Chúa nhật Phục Sinh. Mầu nhiệm Phục Sinh ban tặng ánh sáng mới để trong ánh sáng đó, người ta khám phá ý nghĩa mới và động lực mới cho cuộc đời: những cánh cửa đóng kín nay mở toang (x. Ga 20,19-23), những bước chân buồn thảm xuôi về Emmaus nay trở thành những bước chân vội vã quay lại Giêrusalem để loan báo tin vui (x. Lc 24,13-25).
Cũng ánh sáng ấy đã quật ngã một người trẻ có tên Saulê khỏi lưng ngựa và biến đổi toàn diện con người anh (x. Cv 9,1-19), để từ kẻ thù của ông Giêsu, anh trở thành người say mê Đức Kitô đến độ nói được rằng: “Sống, đối với tôi, là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”, và “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi... Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2Cr 5,14-15).
3. Dọc suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, có hàng triệu người trẻ cũng được thúc bách như thế, dù âm thầm nhưng không kém mãnh liệt, và một trong những người trẻ đó có tên gọi Giuse Vũ Duy Thống. Được tình yêu thúc bách nên xin vào Tiểu chủng viện Têrêxa, Long Xuyên. Đã từng rời chủng viện để về đời nhưng rồi lại tiếp tục vào một nhà dòng vì dòng ấy rõ ra là dòng của Chúa Giêsu (Dòng Tên). Trong hoàn cảnh mới của xã hội, lại xin vào chủng viện và là sinh viên xuất sắc về nhiều mặt. Người trẻ đó cuối cùng hiến dâng đời mình trong sứ vụ linh mục và sau này là giám mục.
Cũng vì tình yêu thúc bách nên Đức cha Giuse vận dụng năng lực trí thức và năng khiếu nghệ thuật Chúa ban để loan báo Tin Mừng Đức Kitô. Những suy tư và cảm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, những vũ điệu của ngôn từ và hình ảnh, những dòng nhạc mượt mà lắng đọng... tất cả chỉ vì tình yêu thúc bách. Dẫu có lúc chất nghệ sĩ dường như lấn át vai trò điều hành, thì tự thâm tâm vẫn luôn là ước mong theo chân Đức Kitô, từng bước một thôi, để rao giảng Tin Mừng gỡ rối cho đời như nút vòng xoay, để gieo yêu thương và hạnh phúc cho người như hạt nắng vô tư.
4. Vậy thì, cùng với tiếng khóc than vì thương nhớ, hãy hân hoan đọc lại lời Kinh Thánh: “Và tôi thấy trời mới đất mới vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn. Và tôi thấy Thành thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: Đây là Nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,1-5). Những ai để cho tình yêu Đức Kitô chiếm hữu thì người ấy sẽ được tình yêu ban tặng sự sống mới và dẫn đưa vào thế giới mới, trời mới đất mới.
5. Và làm sao có thể quên Đức Mẹ Tàpao? Vào giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu nhìn vào Mẹ Maria và nói với thánh Gioan: “Đây là Mẹ của con”. Và “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Đức cha Giuse đã rước Đức Mẹ về ngôi nhà giáo phận Phan Thiết. Tiếp nối công trình của các vị tiền nhiệm, ngài đã dành biết bao năng lực và công sức để chỉnh trang, xây dựng Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao thành trung tâm hành hương lớn nhất trong giáo tỉnh Sài Gòn, ở đó biết bao tín hữu Công giáo – và cả những anh chị em ngoài Công giáo – tìm lại được nghị lực trong yếu đuối, niềm vui khi đau khổ, và bình an trong cuộc sống cá nhân cũng như gia đình.
Đức cha Giuse đã “rước bà về nhà mình”, chắc chắn Mẹ Maria cũng đang đồng hành với ngài trên đường về quê: “Trên con đường về quê mà có bóng Mẹ, con vững tin cậy trông, bước trong bình an”.
Vâng, anh Thống, anh hãy đi bình an và xin nhớ đến người còn ở lại.
02/03/2017
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/tuong-nho-mot-nguoi-anh-em-duc-cha-giuse-vu-duy-thong/8644.63.8.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét