31-1: THÁNH GIOAN BOSCO
Linh mục
Gioan Bosco sinh ngày 16-8-1815 tại nông trại Becchi, con của Phanxicô Bosco và Magarita Ochiena. Anh cùng cha khác mẹ của Gioan Bosco là Antôniô, và người anh cùng cha mẹ với Gioan Bosco là Giuse Bosco.
NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI
Khi Gioan Bosco mới hai tuổi, thì cha cậu là ông Phanxicô bị mắc chứng sưng phổi, đã qua đời để lại cho vợ là bà Magarita 3 người con trai và một bà nội cao tuổi và ốm yếu để chăm sóc. Đó là những năm thực khó khăn đối với mẹ Magarita; nhiều người chết vì đói và bệnh dịch. Mẹ Magarita cùng với con cái mình sống sót nhờ mua lúa gạo với giá mắc từ nơi cha Vittorio Amede, được coi là người cho vay nặng lãi đích danh.
Lên chín tuổi, cậu bé Gioan Bosco có một giấc mơ mà chính ngài vẫn coi là có tính cách tiên tri, và đã nhiều lần kể lại cho các học sinh ”Nguyện xá” của Ngài: “Cha như thấy mình ở gần nhà, trên một cái sân rất rộng, cả một lũ đông các trẻ vui chơi: Chúng cười, giỡn, và chửi rủa phạm thượng. Thế là cha lao vào chúng, dùng đấm và lời lẽ. Lúc ấy một Đấng uy nghi hiện ra cho cha, mặt Ngài sáng ngời, nhìn chẳng nổi. Ngài gọi cha bằng tên và ra lệnh cho cha đứng đầu lũ trẻ. Ngài còn nói thêm: “Con hãy làm cho mình thành bạn hữu, không phải với những cú đấm đá, mà với sự dịu dàng và bác ái. Hãy nói với chúng phạm tội là điều dữ, và tình bạn hữu cùng Chúa là điều quí báu”.
Nhưng cha xấu hổ, vì mình chỉ là đứa bé dốt nát, nghèo hèn, không thể nói về tôn giáo cho lũ trẻ này. Lũ trẻ im ắng trở lại, bu quanh người lạ đó. Cha thì hỏi: “Ông là ai, sao ông nói cho cháu những chuyện không thể làm được đó?” “Chính vì là những chuyện không thể làm được mà con phải làm cho thành có thể với sự vâng lời và việc đạt thấu đƣợc khoa học”. ”Sao con có thể làm được?”
“Ta sẽ ban cho một bà giáo, bà sẽ làm cho con trở nên khôn ngoan”. “Vậy ông là ai?”. “Ta là Đấng mà mẹ con chào mỗi ngày ba lần” ”Mẹ con không cho phép con nói chuyện với ngƣời xa lạ.” “Vậy con hỏi tên ta với mẹ của ta”. Cha liền thấy một bà uy nghi, áo rực rỡ, như đầy các ngôi sao trên đó. Thấy cha mội lúc một xấu hổ, bà cầm tay cha thân ái mà nói: “Con hãy nhìn nè!”. Lũ trẻ biến đi, thay vào đó là vô số dê, chó, mèo, gấu, và nhiều con vật khác. Bà nói với cha: “Đấy là cánh đồng hoạt động của con. Hãy lớn lên, khiêm nhường, kiên cường và mạnh mẽ. Con sẽ làm cho chúng biến thành các con của mẹ!”. Và này chúng bỗng biến thành các con chiên hiền lành chạy giỡn quanh ông đó và bà lạ đó! Cha bỗng bật khóc, chẳng hiểu gì. Bà liền cầm lấy ta cha và nói: “Tới đúng thời, con sẽ hiểu”.
Cả nhà cha nghe cha kể lại giấc mơ. Anh Giuse nói: Em sẽ là đứa chăn chiên. Mẹ cha nói: Có lẽ con sẽ trở thành linh mục. Anh cả Antôniô thì nói: Mày sẽ thành tướng cướp. Lời sau cùng của bà nội, người không biết đọc biết viết: Đừng có tin vào mộng mị! Cha cũng nghĩ như bà nội. Nhưng kể từ đó giấc mơ này chẳng bao giờ để cho cha được yên lòng cả!
VIỆC HỌC HÀNH CỦA GIOAN BOSCO
Tiếp theo giấc mơ, bé Gioan quyết theo học làm linh mục. Ở làng Capriglio gần đó có cha Lacqua dạy học, nhưng ngài không nhận trẻ con ở làng khác. May thay người nữ giúp việc cho cha qua đời, và dì của bé Gioan Bosco đến giúp việc cho cha. Qua sự can thiệp của dì, bé Gioan được cha Lacqua nhận vào học cách miễn cưỡng, nhưng sau đó khi gặp gỡ bé lâu ngày, ngài vô cùng mến thương em!
Để giúp cho trẻ em thôn Becchi cầu nguyện và dự Thánh lễ, bé Gioan học làm xiếc, ma thuật, và trước buổi thao diễn, bé Gioan luôn cất kinh lần hạt và đọc lại bài Phúc Âm chúa nhật cho chúng nghe. Lũ trẻ hoàn toàn say mê thứ trò ảo thuật kỳ diệu của bé Gioan!
Năm 1826, bà nội qua đời. Vì bà nội đủ sức cầm cương dàn hòa cả ba đứa trẻ. Nhưng bây giờ bà mất, mẹ Magarita sợ mọi chuyện sẽ đổ vỡ, nên vội xin cha xứ cho bé Gioan được rước lễ sớm hơn một năm, ở tuổi mười một. Vậy là ngày 26-3-1826, ngày lễ Phục sinh, bé Gioan đƣợc rước Mình Thánh lần đầu tiên.
Mùa đông năm đó thật là ảm đạm. Anh cùng cha khác mẹ Antoniô bực tức vì bé Gioan đi học và lại làm xiếc mua vui cho lũ trẻ trong thôn, nên hay gây gổ, nhiều lần Gioan phải lanh lắm mới thoát bị anh đánh. Me Magarita buộc phải cho bé Gioan đi ở thuê cho nông trại gần đó của ông Lu-y và bà Đorôtea Moglia từ năm 1827 đến năm 1829.
Vào tháng 9 năm 1829, cha Gioan Calosso, một vị linh mục 70 tuổi, về Morialdo. Thấy cậu bé Gioan thông minh, tốt lành, liền chấp nhận dạy cậu văn phạm Latinh để chuẩn bị làm linh mục. Nhưng 21 tháng 11 năm 1930, ngài bị vỡ mạch máu não qua đời. Lúc hấp hối ngài trao chìa khóa hòm tiền cho Gioan với số tiền là 7000 lia, đủ để hoàn tất việc học làm linh mục của cậu. Khi người cháu của cha Calosso đến, Gioan đã chọn việc trao chìa khóa thừa kế lại cho người cháu, thân nhân của cha.
Ngày 21 tháng 3 năm 1831, anh Antoniô lập gia đình, nên mẹ Magarita quyết định chia phần gia sản cho anh. Thế là Gioan được trở về gia đình và tới theo học tại Castelnuovo, ở bán trú tại nhà ông thợ may và nhạc sĩ Gioan Roberto, người chấp nhận truyền nghề may và âm nhạc cho cậu. Cuối năm cậu quyết định lên thành phố Chieri theo học, mùa hè thì về nông trại mới của anh Giuse kiếm thêm tiền để đào sâu việc học hành.
Nhờ cha Emanuele Virano, thầy dạy của cậu, Gioan Bosco lấy lại được những thời gian mất học. Nhưng khi cha Nicola Moglia thay thế ngài, thì vì tuổi cao, ngài không giữ nỗi kỷ luật được cho đám học sinh, nên Gioan chẳng còn học được mấy. Bù lại, cậu có dịp học hỏi thêm về các nghề may và nghề thợ rèn với Robertô và Evasio Savio.
TRÊN ĐƯỜNG TIẾN TỚI CHỨC LINH MỤC
Tại Chieri, cậu theo học và làm tạp vụ kiếm tiền như trông coi tiệm bán hàng, làm bồi bàn, coi chuồng ngựa... Tại đây, cậu cũng lập ”Hội Vui” trong đó cậu cùng với các bạn thiện chí giúp các bạn đồng trang lui tới với việc cầu nguyện qua các trò chơi xiếc của mình. Có lần cậu đã thắng được người làm xiếc chuyên nghiệp. Cũng trong những năm này, cậu kết tình bạn với Lu-y Comollo, người cháu của cha xứ Cinzano. Cậu bé này có tính tình dễ thương và chịu đựng, trong khi Gioan Bosco thì không thể nào chịu đựng nỗi khi thấy bạn mình bị các bạn hữu khác hà hiếp, nên đứng ra bảo vệ. Những lời lẽ dịu dàng và việc cầu nguyện không ngừng của Comollo khuấy động tâm hồn cậu cách sâu xa. Cậu phải thú nhận: ”Với anh ấy, tôi mới thực sự học sống đời Kitô hữu”. Nhờ gương sáng của thái độ hiền hòa, vô tội của bạn, vị thánh tương lai thâm tín được nỗ lực phải nên thánh và cứu các linh hồn, sau này nó được đúc kết trong câu châm ngôn ”Xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác xin Chúa cất đi”.
Hai năm học tại Chieri, Gioan hoàn tất các chương trình trung học. Cậu đã xin và được chấp nhận vào dòng Phan Sinh, nhưng có lẽ vì muốn nâng dỡ mẹ già về kinh tế trong tương lai, nên cậu lại gia nhập Đại Chủng viện. Sau năm năm theo học thần học, cậu đã trở thành linh mục. Suốt những năm học thần học, cậu lại được gặp gỡ người bạn Comollo xưa. Hai người kết ước với nhau nếu ai chết trƣớc, thì sẽ trở về báo tin mình có được cứu rỗi hay không. Comollo đã chết trước và cuộc hiện ra báo tin được cứu rỗi của anh tạo nên một kinh nghiệm khủng khiếp cho Gioan Bosco về việc tiếp xúc với thế giới đời sau!
Trở thành linh mục, có nhiều đề nghị hậu hĩnh cho tương lai của cha Gioan. Nhưng cuối cùng cha tiếp tục theo học trong ba năm tại trường giáo sĩ do cha Lu-y Guala và cha Cafasso đảm nhận, để hoàn tất việc chuẩn bị cho mục vụ linh mục của mình.
NHỮNG CUỘC GẶP GỠ ĐẦU TIÊN VỚI GIỚI TRẺ
Tại Torinô, cha Gioan Bosco chứng kiến cảnh các thanh thiếu niên cà bơ cà bất lên thành phố kiếm việc làm, không được ai chăm sóc về nghề nghiệp cũng như tôn giáo. Thống kê cho thấy có tới 7184 em dưới 10 tuổi đời kiếm việc làm tại các công xưởng. Các em rất tôn kính và yêu quí người đứng ra yêu thương và bảo vệ các em. Cùng với cha Cafasso, cha Bosco còn thăm các tù nhân thanh thiếu niên phạm pháp.
Ngày 8 tháng 12, năm 1841, lần đầu tiên cha Gioan Bosco gặp một thiếu niên không biết tí gì về giáo lý, tên là Garelli, rồi ba anh em Buzzetti đến từ miền quê Carono Varesino, ngủ gật trong suốt bài giảng của cha.
Những em này sau đó kéo theo đám trẻ tới với cha ngày một đông Với các bạn thanh thiếu niên trợ giúp, và các cha Carbano, Ponte, Trivero, cha Don Bosco bắt đầu công cuộc tông đồ thanh thiếu niên độc đáo của ngài dƣới hình thức ”Nguyện xá”, một hình thức giáo xứ di động thay thế nhà xứ chính thức, để phục vụ cho các em từ quê lên thành phố, lang thang không được ai chăm sóc về tôn giáo, việc làm, học hành và vui chơi giải trí.
LÀM VIỆC GIÚP ĐỠ CHO NỮ BÁ TƯỚC BAROLO
Mùa thu năm 1844, cha Cafasso loan báo cho Don Bosco chuẩn bị hành trang sang phục vụ tại nhà thương thánh Philômena của nữ bá tước Barolo. Cha Cafasso muốn người bạn linh mục trẻ của ngài quen biết với cha Gioan Borel, vị linh mục có liên quan tới nhà vua, là người có thể giúp đỡ Don Bosco tiếp tục tiến hành công cuộc Nguyện xá. Còn cha Borel thì trở thành vị giám đốc trên danh nghĩa của hiệp hội Nguyện xá này.
Ngày 12-4-1846, lễ Phục sinh, Don Bosco cuối cùng tìm được nơi định cư cho công cuộc của ngài tại căn nhà Pinardi ở Valdocco. Năm 1854, Don Bosco khai sinh Tu hội Salêdiêng, qua đó ngài có được sự bền vũng cho các công cuộc và cho tình thần phục vụ giới trẻ của ngài trong tương lai. Mười năm sau, ngài đặt viên đá đầu tiên cho Đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Năm 1872, với thánh Maria Đomenica Mazzarello, ngài sáng lập Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ nhằm giáo dục cho các thanh thiếu nữ với cùng một tinh thần trên.
CÁC ĐỢT PHÁT XUẤT TRUYỀN GIÁO SANG ÁCHENTINA
Năm 1875 là đợt xuất phát truyền giáo Salêdiêng đầu tiên sang Áchentina, vùng đất di dân Ý lớn nhất vào thế kỷ thứ XIX. Trong thời gian đó Don Bosco cũng thiết lập Hội Cộng tác viên Salêdiêng được ngài coi là ”các Salêdiêng giữa đời”. Việc hiện diện truyền giáo của các Salêdiêng tại đây là do Đức Cha Aneiros yêu cầu. Được ông lãnh sự Ý tại Áchentina là Gioan Tẩy giả Gazzolo báo tin về công việc của các Salêdiêng, Đức Cha đã đề nghị Don Bosco tiếp nhận việc điều hành giáo xứ tại Buenos Aires và một trường học các trẻ em trai tại San Nicolás de Los Arroyos. Don Bosco tiếp nhận lời thỉnh nguyện. Trong một lễ nghi long trọng tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Torinô, ngày 11-11-1875, đoàn truyền giáo đầu tiên lên đường. Dưới sự dẫn đầu của cha Cagliero, các nhà truyền giáo của Don Bosco xuống tàu tại Genova ngày 14-11-1875. Tại Buenos Aires, họ tiếp nhận một giáo xứ dành cho các di dân Ý.
Đợt xuất phát truyền giáo thứ hai xảy ra vào ngày 14-11-1876. Cha Phan Sinh Bodrato dẫn đầu đoàn truyền giáo. Với họ, một trường dạy nghề mới tại Buenos Aires được mở, với các nghề may, mộc đóng sách.
Cuộc xuất phát truyền giáo III xảy ra vào năm 1877. Lần này cùng với các Salêdiêng, còn có cả các Con Đức Mẹ Phù Hộ (nữ Salêdiêng), do sơ Angela Vallese dẫn đầu. Tuy nhiên giấc mơ của Don Bosco về Áchentina hướng về Pantagonia (Dải đất lửa) Sau những năm chờ đợi, vào năm 1879 cơ hội đã đến, chính phủ Áchentina trao cho tướng Julio Roca hành quân nhằm chinh phục vùng đất hoang sơ sa mạc này. Đức Cha Espinosa, Giám mục phó của Buenos Aires và các Salêdiêng là cha Giacomo Castamagna và thầy tư giáo Botta đi theo đạo quân trong tư cách các vị tuyên úy. Thế là cuộc truyền giáo Pantagonia khởi sự.
Carmen de Patagones là công cuộc Salêdiêng thứ nhất. Sau này còn có công cuộc được mở tại Malal, Bahía Blanca, Junín de los Andes, và nhiều nhà khác nữa. Các nhà truyền giáo vĩ đại như cha Milanesio và cha Fagnano dấn thân đầy sức sáng tạo mục vụ vào vùng đất quảng đại này và vào trong lòng dân chúng tại đây, nhất là các người dân da đỏ tại các cánh đồng hoang. Năm 1884, cha Cagliero được bổ nhiệm làm Giám mục ngày 7 tháng 12 cùng năm.
Hoạt động truyền giáo của Don Bosco bắt đầu có những kết quả trong lòng Hội Thánh. Tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa Salêdiêng vào vùng Nam Mỹ được biểu lộ trong bản tăng- gô “Chiếc thuyền nan của các thương gia”, viết và phổ nhạc bởi nhạc sĩ Enrique Santos Discepolo, trong đó Don Bosco đƣợc giới thiệu như là nhà thể thao đầu tiên của Quốc hội Áchentina và là anh hùng của quốc gia này.
Một sự góp mặt đáng kinh ngạc tại đây chính là dung mạo của Artemide Zatti, một di dân trẻ Ý vào Áchentina, đã trở thành Salêdiêng, với một công việc khiêm cung và quí báu là một y tá đậm hương vị của một nền linh đạo sâu sắc và một đức ái hăng nồng. Thêm vào đó là hai dung mạo gốc Áchentina là Ceferino Namuncura (da đỏ) và Laura Vicunha (nữ sinh của dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ) qua đời năm 13 tuổi. Cả ba vị này đều đựợc phong Chân phước.
CÔNG CUỘC DON BOSCO NỞ RỘ KHẮP NƠI
Đương thời của Don Bosco, các công cuộc của ngài không chỉ trên khía cạnh truyền giáo, mà còn được rộng mở khắp Âu châu, là Ý, Pháp, Tây Ban Nha... Trong ba người đồ đệ trực tiếp của Don Bosco lên kế vị ngài trong chức vụ Bề trên cả, có hai người được Hội Thánh phong Chân phước là Á thánh Micae Rua và Á thánh Rinalđi.
CÁI CHẾT VÀ VIỆC PHONG THÁNH CHO DON BOSCO
Don Bosco qua đời sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1888 và nay được chôn cất tại Đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ, trong một nhà nguyện ở cánh phải. Sứ điệp giáo dục của ngài tổng kết lại trong ba chữ: Lý trí, tôn giáo và tình yêu thương. Ở tận nền tảng của hệ thống giáo dục dự phòng của ngài chính là một tình yêu sâu sắc dành cho thanh thiếu niên, là chìa khóa của công cuộc giáo dục của ngài.
Ngày 2-6-1929, Đức Thánh Cha Piô XI phong Á thánh cho ngài, và công bố ngài là Hiển thánh vào ngày 1-4-1934, nhằm vào lễ Chúa Phục sinh.
MỘT ÍT CÂU TRÍCH CỦA DON BOSCO
“Ngưng lại một sự ưu ái tạo nên một hình phạt kích thích việc thi đua trong đàng nhân đức”
“Một ánh nhìn yêu thương trên một em nào đó tạo nên một hiệu quả to lớn hơn là một cái tát”
“Tuyệt đối cấm đánh đập dưới bất cứ hình thức nào, việc bắt quì gối trong một tư thế đau đớn, việc kéo mang tai hay những hình phạt tương tự như thế, bởi vì luật pháp dân sự cấm, và cũng bởi vì chúng gây bực dọc trong lòng thanh thiếu niên và chúng hạ thấp người giáo dục.”
(Trích dẫn cuốn sách nhỏ: “Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng” của Don Bosco).
Tiên tri Isaia đã viết: ”Những lời Ta đặt vào miệng Ngươi, Ngươi đừng để rời khỏi miệng; lễ vật của Ngươi đặt trên bàn thờ Ta sẽ được Ta chấp nhận "( Is 59, 21 ). Chúa đã sai thánh Gioan Bosco đến để giáo dục thanh thiếu niên và yêu thương các trẻ em mồ côi. Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia quả đúng với cuộc đời thánh nhân.
LỜI NGUYỆN CẦU
Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gioan Bosco. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu rỗi (Lời nguyện Nhập lễ, lễ thánh Gioan Bosco).
Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB
(Trong Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB, Vườn thánh thiện 1, tr. 42-51).
Nguồn: http://loichua.donboscoviet.net/index.php/suy-nie-m-ca-c-nga-y-le/chu-tha-nh/item/655-ng%C3%A0y-31-th%C3%A1ng-1-th%C3%A1nh-gioan-bosco
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét