WHĐ (20.01.2016) – Chúa nhật 17 tháng Giêng 2016, tại Tu viện Emmanuel ở Bethlehem đã diễn ra một Hội nghị về tình hình đại kết hiện nay. Cha Frans Bouwen, Dòng Thừa sai châu Phi –là chuyên gia về các Giáo hội Đông phương và đối thoại với các Giáo hội Kitô giáo Đông phương– đã trình bày sự tiến triển của công cuộc đối thoại đại kết trong năm 2015.
Như mọi năm kể từ 1972, trước Tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu –diễn ra tại Jerusalem một tuần saucác nơi khác trên thế giới để các Kitô hữu Armenia mừng Giáng sinh– đều có một Hội nghị do cha Frans Bouwen chủ trì, nói về tình hình đại kết của năm trước. Cha Bouwen đã trình bày tình trạng chung của đối thoại đại kết bằng cáchkhai triển ba trục: một cái nhìn toàn cầu về đại kết trên thế giới, tiếp theo là tình hình đại kết tại Trung Đông, và sau đótại Jerusalem.
Cha Bouwens nhắc lại một số sự kiện lớn trong năm 2015 như kỷ niệm 50 năm xoá bỏ vạ tuyệt thông cho nhau (giữa Roma và Constantinopolis), công bố thông điệp Laudato Si’ của Đức giáo hoàng Phanxicô, trong đó lần đầu tiên một vị giáo hoàng đã trích dẫn Thượng phụ Bartholomaios I của Constantinopolis, là người quan tâm sâu sắc đến vấn đề bảo vệ tạo thành. Việc công bố Thông điệp này đã tác động rất tích cực vào các cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo vàToà Thượng phụ Constantinopolis. Mục tiêu của Đức giáo hoàng Phanxicô là nhằm đem lại những giải pháp chung để công việc giữ gìn hành tinh của chúng ta đạt hiệu quả hơn. Về vấn đề này, Đức giáo hoàng đã ấn định Ngày cầu nguyện cho việc bảo vệ tạo thành sẽ diễn ra vào ngày 01 tháng Chín, cùng một ngày cho tín hữu Chính thống cũng như Công giáo, theo như Giáo hội Chính thống đã khởi xướng: “Hiệp thông cầu nguyện với những người anh em Chính thống của chúng ta và với tất cả mọi người thiện chí, chúng ta muốn giúp tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay mà nhân loại đang phải đối mặt” (Lời Đức giáo hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung thứ 100).
Tiếp tục đối thoại ở Trung Đông
Cha Bouwen cũng nêu lên tiến trình đối thoại đang lớn mạnh ở Trung Đông, qua các trao đổi thư từ thường xuyên hơn giữa Đức giáo hoàng Phanxicô và Giáo chủ Chính thống giáo Copt Tawadros II vào những ngày đại lễ, hoặc qua lời kêu gọi thống nhất ngày mừng lễ Phục Sinh của Đức Thượng phụ Copt. Ngài đề nghị một ngày duy nhất cho tất cả các Kitô hữu (Chúa nhật thứ ba trong tháng Tư, theo tuyên bố của Giáo chủ Alexandria), để đáp lại yêu cầu của các tín hữu ở Bắc Phi và Trung Đông. Đề nghị này hiện đang được xem xét.
Dịp kỷ niệm một trăm năm cuộc diệt chủng người Armenia là một trong các sự kiện của năm 2015, cả ở Roma và Jerusalem. Quả vậy, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắc đến cuộc diệt chủng người Armenia hồi tháng Tư, trong một Thánh lễ cử hành cho các Kitô hữu nghi lễ Armenia với sự có mặt của các đại diện các giáo hội Armenia. Trong dịp này, Đức giáo hoàng đã gửi một sứ điệp cho người Armenia, kêu gọi sự tha thứ: “Xin Chúa thương ban ơn để con đường hòa giải giữa dân tộc Armenia và dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ được tái lập...” Kỷ niệm này cũng được tổ chức tại Jerusalem bằng một cử hành tại Mộ Thánh với sự hiện diện của các đại diện của các Giáo hội tại Jerusalem vào ngày 24 tháng Tư 2015.
Ngày càng có thêm nhiều sáng kiến của các tín hữu
Cuối cùng cha Bouwen nhấn mạnh rằng ngày càng có nhiều tín hữu cầu nguyện với nhau thường xuyên hơn, tổ chức các cuộc hành hương chung hoặc có nhiều trao đổi hơn giữa các tu viện. Điều này cũng được Đức giám mục William Shomali có mặt tại Hội nghị xác nhận; ngài nói rằng “các giáo dân ngày càng có nhiều sáng kiến. Các tiến bộ đạt được trong việc cải thiện quan hệ giữa người Công giáo và Chính thống giáo ngày càng thấy rõ nơi các tín hữu”. Đức cha Shomali kể ra những sáng kiến chung khác của nhiều trường học Kitô giáo trong số nhiều sáng kiến và ngài kết luận: “Một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ không phải lúc nào cũng đến từ các giáo sĩ”.
(Thomas Charrière, http://fr.lpj.org)
Minh Đức
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/doi-thoai-dai-ket-trong-nam-2015-tien-trien-ra-sao/7615.57.7.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét