WGPSG -- "Ut unum sint" (Xin cho tất cả nên một). Sự hợp nhất đã bắt nguồn từ chính Đức Kitô trong lời cầu nguyện tại Bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một,như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21).
Trong một cộng đoàn, mọi hồng ân, mọi chức vụ, mọi hành động khác nhau đều xuất phát từ chính một Thiên Chúa. Thần khí Chúa ban cho mỗi người mỗi khác: người được ban cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh; người khác được đức tin; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng… tất cả trong cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện (x. 1Cr 12, 4-11).
Dấu chỉ để nhận ra hồng ân của Thánh Thần trong cộng đoàn chính là sự yêu thương, hiệp nhất. Mỗi thành viên đều được Thánh Thần ban cho ít, nhiều khả năng nào đó. Nhờ những khả năng đó mà họ yêu thương cộng đoàn, khiêm tốn và tôn trọng những khả năng của người khác trong tinh thần hiệp nhất. Nếu ai vin vào khả năng này nọ để gây chia rẽ cộng đoàn cũng như không yêu thương, phục vụ anh em thì những khả năng đó chỉ xuất phát từ tà khí chứ không do Thần khí Chúa.
Trong đoàn thể, tình yêu Chúa Kitô đưa chúng ta đến chỗ tránh mọi hình thức chỉ trích anh chị em. Nếu cần góp ý, ta có thể góp ý một cách chân tình và tế nhị. Hãy nói về mọi người và mọi việc họ làm một cách hiền từ nhẹ nhàng, đặc biệt khi nói về những anh chị em lãnh đạo đã được mình đề cử. Lời phê bình gay gắt hoặc tức tối rất gần với lời nói hành hoặc vu khống.
Hãy khiêm tốn và tập thói quen dẹp bỏ đi cái tôi to lớn và những ý hướng tham vọng về chức tước, địa vị và quyền lực tiềm ẩn trong thâm tâm có sẵn trong mỗi người. Nếu biết được một thành viên nào đó trong đoàn thể có thể gây gương mù, gương xấu, chúng ta hãy cầu nguyện và góp ý cho họ. Nếu anh chị em nào có vô tình hay cố ý xúc phạm đến mình, hãy lấy Lòng Thương Xót mà tha thứ, hòa giải với nhau.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói không phải niềm tự hào hay khả năng có thể phục vụ để xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội. Thay vào đó, tính dịu dàng, sự khiêm hạ và rộng lượng có thể xây dựng nên sự hiệp nhất.
Chúa Giêsu đã nêu ra một dấu chỉ mà thế gian nhờ đó sẽ nhận ra các môn đệ đích thực của Người: người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau. Thánh Phaolô đã kêu gọi các tín hữu giáo đoàn Galata: Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin. Thánh Phêrô cũng viết những lời tương tự: Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh chị em (x. 1Pr 2,17).
Chúng ta cũng được mời gọi tập sống hiệp thông trong đoàn thể của mình với tình yêu thương huynh đệ qua những sinh hoạt thường kỳ: những giờ kinh Đền tạ luân phiên, những giờ kinh Tôn Vương, những buổi học tập, hội họp, những khi thực hành bác ái… Chúng ta đừng ngần ngại khi thể hiện những cử chỉ tế nhị quan tâm, giúp đỡ nhau. Đừng băn khoăn khi nói những lời tử tế, chân thành để động viên, khích lệ nhau. Đó sẽ như là muối men và ánh sáng giúp biến đổi đời sống cộng đoàn; nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên một đoàn thể môn đệ đích thực của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất 2016
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160120/33648
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét