WGPSG -- Chúa nhật 27/7/2014, từ sáng sớm, từng đoàn người lũ lượt kéo về Nhà Nguyện Đắc Lộ để mừng lễ Thánh Y Nhã, bổn mạng Nhà Nguyện. Hôm nay cũng là một trong những ngày được hưởng ơn Toàn xá trong Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam.
Khoảng 7g30, hơn 300 người đã tràn ngập sân Nhà Nguyện chuẩn bị dự Thánh lễ ngoài trời. Mọi người chào hỏi nhau vui vẻ. Ngoài những giáo dân thân quen còn có các thành viên của 16 nhóm đang sinh hoạt tại Đắc Lộ như: nhóm Linh Thao, gia đình Y Nhã, nhóm Xa Quê, ca đoàn Đắc Lộ, sinh viên Hiệp Thông v.v..
Đúng 8g00, Thánh lễ bắt đầu với lời chào mừng của cha Bề trên Antôn Nguyễn Cao Siêu, chủ tế. Đồng tế với ngài có các cha Julian Elizalde, Vinhsơn Đinh Trung Nghĩa, Giuse Hoàng Văn Quảng, Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Tiến, Giuse Bùi Ngọc Thắng, Phêrô Lê Trọng Hải và Gioan Baotixita Trần Văn Nhủ.
Trong bài giảng, cha Giuse Hoàng Văn Quảng, lấy thần hứng từ câu Phúc Âm thánh Luca 12,49: “Thầy đã đem lửa đến trần gian, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” Cha đã quảng diễn nghĩa của 480 từ “Lửa” qua từng thời kỳ trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, lửa là Thiên Chúa (bụi gai lửa, cột lửa dẫn đường…). Qua Tân Ước, lửa là sức mạnh của Chúa Thánh Thần (lưỡi lửa). Lửa còn tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu hủy (quăng vào lửa) và phán xét (mưa lửa). Nhưng trên hết, lửa chính là tình yêu nồng cháy của Chúa Giêsu thiêu đốt các Tông đồ, làm nóng lòng 2 môn đệ Emmau. Nói cách khác, lửa ấy chính là Chân lý, là Thần khí, là Tình yêu, là Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã ném vào thế gian và ước mong sao cho ngọn lửa ấy bùng lên.
Lửa ấy đã cháy xém vào Y Nhã, một thanh niên ham mê danh vọng trần thế, say sưa với những chiến công oanh liệt để làm hài lòng vua chúa và làm “lé mắt” các mỹ nhân; lửa ấy đã biến Y Nhã trở thành một chiến sĩ chiến đấu dưới lá cờ của Chúa Kitô, từ bỏ hết danh vọng, địa vị. Lửa ấy cũng cháy lan đến 6 người bạn đầu tiên (hình thành Dòng Tên) và trải qua dòng lịch sử, đến ngày 18/1/1615, 3 nhà truyền giáo Dòng Tên đã bước chân lên Hội An, đem ngọn lửa Tin Mừng đó vào Việt Nam.
Đến nay, trải qua 400 năm, ngọn lửa ấy đã thiêu đốt trong lòng biết bao nhiêu giáo dân Việt Nam, trong đó có hàng trăm nghìn vị Thánh Tử Đạo, can đảm theo Chúa đến cùng. Ngày hôm nay, chúng ta, những vận động viên chạy tiếp sức, cũng được mời gọi chuyền ngọn lửa ấy đến cho thế gian, thực hiện điều Chúa Giêsu mong muốn: “Làm cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên”. Nhất là trong năm nay, giáo hội Việt Nam đã tập trung vào việc tái Phúc Âm hóa các gia đình; lửa tình yêu của Chúa Giêsu phải được lan tỏa cho từng thành viên trong gia đình chúng ta, phải được tỏa sáng bằng cuộc sống tình yêu, bác ái. Ngày xưa, người ta gọi những người theo đạo Công giáo là “những người theo đạo yêu nhau” thì ngày nay, chúng ta càng cần phải củng cố niềm tin ấy: “Cứ theo dấu này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”. Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con, là linh mục, là tu sĩ, là giáo dân, biết đốt lên ngọn lửa tình yêu ấy trong gia đình, trong xã hội, trong môi trường sống của mổi người chúng con.
Cuối lễ, trước khi ban ơn Toàn xá, cha chủ tế kêu gọi mọi người hãy hồi tâm lắng đọng lòng mình, trở về với Chúa Giêsu đang ngự trong tâm hồn và hứa với Ngài quyết tâm không phạm lại những tội hay phạm. Khi tâm hồn mọi người vừa quyết cũng là lúc phép lành Toàn xá được trao ban trong niềm vui, xúc động và cháy lửa yêu mến.
Sau lễ, mọi người dùng bữa tiệc thân hữu và tham gia các tiết mục văn nghệ. Lúc nắng lên chói chang cũng là lúc mọi người bắt đầu thưởng thức những đóa hoa rực rỡ được tung lên bởi quý bà cao niên trong điệu múa “Mẹ là bến đợi”, vũ điệu uốn người của sinh viên Hiệp Thông, điệu nhảy rộn ràng của ca đoàn Emmanuel, tiếng hợp ca nhẹ nhàng của Đắc Lộ, sự khuấy động của nhóm Xa Quê…
Buổi văn nghệ kết thúc lúc 11g30. Mọi người ra về trong niềm vui, ôm ấp ngọn lửa yêu mến trong tim, sẵn sàng làm bùng cháy lên ở bất cứ nơi nào họ đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét