Khoá bồi dưỡng kéo dài từ 06 đến 18-07, tổ chức Toà Giám mục Đà Lạt với chủ đề “Thế tục hóa và việc đào tạo linh mục tại Việt Nam”.
Đây là lần thứ hai Khóa này được tổ chức tại Việt Nam. Trước đây một khóa bồi dưỡng 3 tuần lễ đã được tổ chức tại Roma từ ngày 28 tháng Sáu đến 16 tháng Bảy 2006 với 21 tham dự viên, và tại Paris từ ngày 05 đến 25 tháng Bảy 2008 với 30 tham dự viên. Năm 2012, Khoá bồi dưỡng cũng được tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 01 đến 15 tháng Bảy.
Khóa Hội thảo lần này quy tụ 42 linh mục giáo sư của 10 Chủng viện: Hà Nội, Bùi Chu, Thái Bình, Vinh, Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Xuân Lộc, Cần Thơ và Đà Lạt; 20 linh mục thuộc các dòng tu và tu hội: Chúa Cứu Thế, Chúa Thánh Thần, Don Bosco, Đa Minh, Ngôi Lời, Phanxicô, Thánh Thể, Xitô Châu Sơn, tu hội Truyền giáo thánh Vinh Sơn và tu hội Tận Hiến; 29 linh mục phụ trách việc đào tạo thuộc 24 giáo phận.
Thánh lễ khai mạc được tổ chức tại Nhà thờ chính toà Đà Lạt vào chiều Chúa nhật 06-07, lúc 18 giờ với sự tham dự của cộng đoàn dân Chúa.
Trước Thánh lễ, cha Tổng Đại diện giáo phận Đà Lạt Phaolô Lê Đức Huân đã thay mặt Đức cha Antôn - giám mục giáo phận Đà Lạt, chào mừng quý cha tham dự Khoá bồi dưỡng và xin cộng đoàn cầu nguyện cho Đức cha Antôn, hiện đang đau bệnh và điều trị tại Sài Gòn, sớm bình phục. Cha Tổng Đại diện cũng mời gọi cộng đoàn xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên quý cha hướng dẫn và quý cha tham dự để Khoá bồi dưỡng đạt kết quả tốt đẹp; đồng thời cầu xin cho có nhiều bạn trẻ biết lắng nghe và quảng đại đáp lại lời mời gọi dấn thân phục vụ trong ơn gọi linh mục tu sĩ.
Trong bài chia sẻ* (soạn sẵn của Đức cha Antôn, do cha Tổng đại diện đọc), Đức cha Antôn tóm lược các ý tưởng chính trong chương đầu của Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục về đạo tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay,Pastores dabo vobis (năm 1992), của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Tiếp đến Đức cha Antôn nêu lên thực tế lạc quan về ơn gọi tại Việt Nam: năm nay có khoảng 3.000 ứng sinh linh mục vào các Đại chủng viện và dòng tu, trên 300 linh mục chuyên lo việc đào tạo. Nhờ đó, chúng ta có thể tin tưởng và hy vọng trước sự thiếu hụt trầm trọng linh mục ở những miền khác trên thế giới.
Giáo hội luôn quan tâm đào tạo các linh mục tương lai, đó là trách nhiệm rất quan trọng và đặc biệt tế nhị. Qua việc đào tạo này, Giáo hội tiếp nối công cuộc của Chúa Kitô. Tuy nhiên ngày nay, cần có những phương thức mới, bởi những biến đổi sâu xa và nhanh chóng của xã hội và văn hoá trong thời đại chúng ta, nơi mà Giáo hội có trách nhiệm loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Vì thế mà Khóa bồi dưỡng năm nay đã chọn chủ đề “Thế tục hóa và việc đào tạo linh mục tại Việt Nam”.
Kết thúc bài chia sẻ, Đức cha Antôn lặp lại lời Đức Thánh Cha gởi đến mọi tín hữu và các nhà đào tạo linh mục:
“Giờ đây, tôi ngỏ lời với con tim của mọi tín hữu và mỗi tín hữu, đặc biệt là con tim của các linh mục và những ai dấn thân trong công tác tế nhị là đào tạo các linh mục. Qua Tông huấn này, tôi ước mong gặp lại tất cả các linh mục và từng linh mục thuộc giáo phận hoặc dòng tu…
Đầy lòng biết ơn và thán phục, chúng tôi hướng về anh em, là những người cộng tác hàng đầu của chúng tôi trong tác vụ tông đồ. Vai trò của anh em trong Giáo hội thật là cần thiết và không thể thay thế được. Chính anh em là những người mang gánh nặng của tác vụ linh mục và tiếp cận trực tiếp với các tín hữu. Anh em là những thừa tác viên của bí tích Thánh Thể, là người ban phát lòng thương xót của Thiên Chúa trong bí tích Sám hối, là người an ủi các tâm hồn và là nhà hướng dẫn mọi tín hữu trong cơn lốc những khó khăn của cuộc sống hôm nay.
Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với anh em. Và chúng tôi khuyến khích anh em kiên trì trên con đường sứ vụ với niềm vui và lòng phấn khởi. Đừng nản chí! Nhiệm vụ của chúng ta không phải là của riêng mình mà là của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta và sai chúng ta đi, và ở với chúng ta mọi ngày trong suốt cuộc đời”.
––––––––––––––––––––––––––––––––––
* Bài chia sẻ của Đức cha Antôn
tóm lược từ trang www.simonhoadalat.com
WHĐ
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/khoa-boi-duong-cac-nha-dao-tao-linh-muc-nam-2014/6183.63.8.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét