Lời Chúa: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19).
Ý cầu nguyện: Xin cho gia đình ơn đạo đức, siêng năng tham dự Thánh lễ và sống mầu nhiệm hi tế trong những thực tại hàng ngày.
Bài ca ý lực: Hãy đến với Ta (CLĐ 485).
1. Thánh Thể là nguồn mạch của hôn nhân và dưỡng nuôi gia đình
- “Bí tích Thánh thể chính là nguồn mạch của hôn nhân kitô giáo. Quả thế, hi lễ Thánh Thể hiện tại hóa giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được kí kết bằng máu của Người trên thập giá (x. Ga 19,34). Chính hi lễ của Giao ước mới và vĩnh cửu ấy là nguồn mạch từ đó tuôn trào ra giao ước hôn phối của các đôi vợ chồng kitô hữu, chính từ đó hôn ước của họ được hình thành nên từ bên trong và không ngừng được tác sinh”[1].
- Thánh Thể tiếp tục dưỡng nuôi gia đình xây dựng trên hôn nhân bí tích. Cũng như cơm bánh ba bữa hàng ngày là lương thực phần xác nuôi sống gia đình và làm cho gia đình nên “tổ ấm”, cũng thế Thánh Thể là lương thực siêu nhiên nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng của gia đình và biến gia đình thành “Hội Thánh tại gia”. Chiếc bàn ăn làm cho nơi cư ngụ bằng gạch kia thành “nhà”, những người cùng sống dưới mái nhà đó thành “gia đình”. Bàn tiệc Thánh Thể làm cho ngôi nhà bằng đá kia thành “Nhà thờ” và những người cùng tham dự bàn tiệc đó thành “Hội Thánh”, thành anh chị em “người nhà của Thiên Chúa”. Linh hồn của tình “hiệp thông” trong gia đình đó chính là bác ái, ơn ban từ Thánh Thể, từ một Tấm Bánh ban sự sống duy nhất được bẻ ra cho mọi người trong gia đình Thiên Chúa.
- Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Được kết hợp với Đức Kitô Thánh Thể, các tín hữu được kết hợp với nhau thành một thân thể duy nhất là Hội Thánh. Điều này càng ý nghĩa hơn nữa đối với gia đình, “hội thánh tại gia”. “...Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể” (1Cr 10,16-17).
Được kết hợp với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, Giao ước mới và vĩnh cửu, Hội thánh được sinh hạ thành Hiền thê của Người. “Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25). Hiến thân đã là tha thứ. Tha thứ đã là sáng tạo: một sáng tạo mới. Tình yêu phu thê bởi thế là TÌNH YÊU CHỊU ĐÓNG ĐINH được tôn vinh bởi cái chết tự hiến và phục sinh. Từ Thánh Thể đôi vợ chồng được ban cho tình yêu phu thê khởi đầu và tiếp nối mãi, tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh. Đôi bạn được chúc phúc bởi được ban tặng phẩm là chính Thiên Chúa đến gặp gỡ và ở lại với họ mọi ngày trong suốt cuộc đời. Sự hiện diện ấy, nếu được thờ kính và không bị làm hoen ố bởi tội lỗi, tạo nên một bầu khí thánh thiêng và thánh thiện trong gia đình. Đôi bạn học sống mỗi ngày sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa họ. Khi họ sống hiệp thông biểu lộ qua “sự phục tùng lẫn nhau”[2] như thế, thì không còn chỉ là họ sống mà là chính Hội Thánh sống mầu nhiệm hiệp thông ấy. Không còn là chuyện riêng tư nhưng trở thành thực tại Hội Thánh, vì từ nay tình yêu ấy thuộc về mầu nhiệm cao cả Tình Yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh. Đôi bạn yêu thương nhau không chỉ nhân danh mình mà nhân danh Chúa Kitô.
2. Gia đình cùng Hội Thánh dâng Hi lễ Thánh Thể
- Khi dâng Thánh lễ, “Hội Thánh tại gia” cùng toàn thể Hội Thánh dâng hi tế ca ngợi, qua cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô, để tạ ơn vì tất cả những gì là chân, thiện, mĩ trong công trình tạo dựng của Chúa và trong nhân loại, cách riêng vì những ơn Chúa đã ban cho gia đình.
- Gia đình, cùng với Hội Thánh, trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa Giêsu: «các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy» (1Cr 11,24-25), như từ buổi đầu Hội Thánh tại Giêrusalem đã “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Mệnh lệnh này Chúa Giêsu truyền phải lặp lại những cử chỉ và lời nói của Người “cho tới khi Chúa đến” (1Cr 11,26). Mệnh lệnh này nhắm đến việc cử hành phụng vụ, do các Tông Đồ và những người kế nhiệm các ngài, để tưởng niệm Đức Kitô, tưởng niệm cuộc đời của Người, cái Chết và sự Sống lại của Người, và việc chuyển cầu của Người bên Chúa Cha[3].
- «Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội». Thánh Lễ hay bí tích Thánh Thể cũng là một Hi tế vì tái diễn (hay hiện tại hóa) hi lễ Thập giá xưa của Chúa Giêsu bởi phép Đức Chúa Thánh Thần qua cử hành của linh mục với cộng đoàn.
- Trong Thánh Lễ xưa, cũng như nay, chỉ một chủ tế dâng của lễ (là Chúa Giêsu) và chỉ có một của lễ dâng tiến (cũng là Chúa Giêsu). Trong Thánh Lễ hôm nay, Chúa dâng với Hội Thánh Người, qua trung gian linh mục và cộng đoàn dự lễ. Khi dâng Thánh lễ, nhờ phép Rửa, vợ chồng và con cái Kitô hữu nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, của lễ hi sinh và là tư tế dâng chính mình vì sự sống của tha nhân.
3. Gia đình kính tôn Thánh Thể
- Thánh Thể là nguồn mạch và trung tâm của đời sống Kitô hữu, và gia đình kitô hữu. Chúa Giêsu hiện diện thật và hiện diện theo bản thể trong bí tích Thánh Thể, nên Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất, ta phải có lòng thờ phượng và kính tôn đặc biệt. Phải có sự chuẩn bị, nghĩa là, dọn mình thật kĩ lưỡng để đón nhận Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể[4].
- Cách riêng, những ai “mà hoàn cảnh và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Kitô và Hội Thánh” (vd. người li dị tái hôn) vì sự vâng phục đức tin mà tuân giữ kỉ luật của Hội Thánh, dẫu rất ước muốn, họ không nên rước lễ. Trong khi vẫn thuộc về Hội Thánh, họ vẫn có thể và nên tham dự bàn tiệc Lời Chúa trong phụng vụ.[5] Làm thế họ góp phần loan báo đức tin vào sự bất khả phân li của hôn ước bí tích.
- Hội Thánh luôn tôn thờ Thánh Thể không những trong mà còn ngoài Thánh Lễ nữa. Hội Thánh ý thức ý nghĩa của sự thinh lặng tôn thờ Đức Kitô hiện diện trong các hình dạng Thánh Thể. Vì thế, gia đình được khuyến khích thường xuyên cùng tham gia giờ Chầu Thánh Thể và rước kiệu Thánh Thể cùng cộng đoàn[6].
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
- Vợ chồng tôi, và con cái tôi có dự lễ và rước lễ thường xuyên hay không? Gia đình tôi có thỉnh thoảng hay thường tham dự thánh lễ cùng nhau không?
- Anh/ chị nhận thấy trong xã hội, giáo xứ hay giáo phận mình, những lí do nào thường ngăn trở người ta không rước lễ?
- Anh/ chị có quan tâm chuẩn bị “lễ vật” (thiêng liêng hay vật chất) cho thánh lễ chúa nhật hay lễ trọng mình sẽ tham dự với gia đình, với cộng đoàn hội thánh không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét