Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Chín điều phi lý của tờ Rolling Stone khi nói tới Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô


Như mọi người đã biết, tờ Rolling Stone đã dành một bài ở trang bìa để trịnh trọng ca ngợi Đức Phanxicô. Trong cảnh loạn xà ngầu của truyền thông thế tục hiện nay, khi người ta dành bài ở trang bìa để thoả mãn tính hiếu kỳ của độc giả, việc làm của Rolling Stone đáng lý ra phải được đánh giá cao mới phải. Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Thánh đã lên tiếng nặng nề chỉ trích và gọi đây là một thứ “báo chí hời hợt”. 

Chín điều nực cười

Damon Linker nêu ra chín điều nực cười của Rolling Stone trong dịp này.

1. Tờ báo này viết: “Trong bối cảnh phi lý, hoa mỹ một cách hết sức kỳ cục của Vatican… việc bầu Đức Phanxicô biểu tượng cho… ‘một xúc phạm của tính bình thường’ (scandal of normality)”.

Hồng Y áo đỏ và chiếc mũ kỳ cục, hàng mẫu Anh đá hoa cương, những cơ mật viện đầy bí ẩn chỉ thông tin bằng dấu hiệu khói. Đối với người không Công Giáo, những điều ấy quả kỳ dị, lạ lẫm, chẳng hợp với cuộc sống hiện đại chút nào. Nhưng bình tĩnh mà xét: bất cứ định chế hay thực hành ngoại quốc nào cũng đều lạ lẫm đối với ta, mà nào ta có bảo chúng “phi lý” đâu. Như thế, chẳng hóa ra Đạo Công Giáo thuộc một phạm trù khác?

2. Nó còn viết: "sau triều đại đầy thảm hại của Đức Bênêđíctô, một người duy truyền thống trung kiên, giống như người mặc sơ mi vằn đeo găng tay có ngón nhọn như dao, chuyên hù họa các thiếu niên trong cơn ác mộng của chúng…”

Hãy bỏ ngoài tai việc Đức GH Bênêđíctô XVI, thực ra, không phải là một người Công Giáo duy truyền thống, một danh xưng có nghĩa rất chuyên biệt trong Giáo Hội mà là một người bênh vực Công Đồng Vatican II một cách nhất quán và không mệt mỏi. Thay vào đó, ta chỉ cần xét tới việc một nhà báo dám ví một vị quốc trưởng và là nhà lãnh đạo tinh thần của hơn 1 tỷ người với nhân vật giả tưởng Freddy Krueger (1) cũng đủ thấy cái hỗn xược, láo khoét của nhà báo này. Không hẳn vì ngài có thói quen khủng bố thanh thiếu niên, mà vì ngài giống nhân vật hư cấu đầy táng đởm này. 

3. Tờ báo viết thêm: “khi dành phần lớn giáo huấn đầu tiên trên giấy của ngài để gay gắt chỉ trích thị trường tự do vô giới hạn của chủ nghĩa tư bản, Đức Giáo Hoàng đã cho thấy các ám ảnh của ngài (ngược với các ám ảnh của Đức Bênêđíctô) phù hợp với tư cách con ông chủ (boss’ son) hơn”. 

Như thế, Đức Phanxicô giống Chúa Kitô hơn người đã soạn bộ sách 3 cuốn về cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu? Có thể lắm. Nhưng nhận định trên cho thấy tác giả của nó dốt như thế nào về lịch sử các công bố của giáo hoàng về kinh tế. Điều này đem ta tới điểm nhận định sau của tờ Rolling Stone.

4. “Hồi tháng 11, Đức Phanxicô gây chấn động thực sự khi ban hành tông huấn hay giáo huấn viết chính thức đầu tiên của mình. Các tông huấn dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô có khuynh hướng giáo điều (TH Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II nhắc lại giáo huấn chính thống của Giáo Hội về kiểm soát sinh đẻ và gia đình truyền thống) hay không vững chắc (TH Sacramentum Caritatis của Đức Bênêđíctô dành 32,000 chữ để chỉ nói về Phép Thánh Thể). Trong bối cảnh này, các tấn công sắc bén đối với trạng thái bất quân bình về thu nhập trong TH Niềm Vui Tin Mừng nghe vang lên như tiếng bom”

Chỉ cần đưa ra nhận xét sau đây: Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô viết tất cả 4 thông điệp về kinh tế. Mỗi thông điệp đều mang theo nó thẩm quyền giáo huấn cao hơn một tông huấn và thường dài hơn 32,000 chữ. Mỗi thông điệp trong bốn thông điệp này đều có những đoạn phê phán chủ nghĩa tư bản vô giới hạn hệt như cung cách phê phán của Đức Phanxicô. Sở dĩ như thế, vì giáo huấn của Giáo Hội về kinh tế vốn hết sức nhất quán kể từ ngày có thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum) năm 1891 của Đức Lêô XIII cho tới nay. 

Nói một cách đại khái, giáo huấn này dạy rằng các hình thức nguyên tuyền của chủ nghĩa tư bản chuộng thị trường tự do và chủ nghĩa xã hội kiểu cộng sản, thẩy đều thiếu sót trầm trọng về phương diện luân lý. Thay vào đó, Giáo Hội cổ vũ một hệ thống phối hợp giữa quyền tư hữu, các cơ quan bác ái công và tư do địa phương kiểm soát, nghiệp đoàn hóa công nhân, và qui định của chính phủ cũng như các chương trình phúc lợi. Lời lẽ của Đức Phanxicô, vì thế, không phát ra như trái bom. Chúng vang lên như lời một lời vọng lại. 

5. Tờ báo viết tiếp: “Theo tôi, nếu có nhóm nào tỏ ra không mấy hứng khởi đối với vị tân giáo hoàng Dòng Tên, thì nhóm ấy hẳn là Opus Dei (một tổ chức giáo dân cực kỳ bảo thủ), và bởi thế, một chiều kia, tôi đã tìm gặp Cha John Wauck, một linh mục Opus Dei người Mỹ… Wauck, người xem ra không mấy bảo thủ đến thế đối với một thành viên của Opus Dei… nhưng vẫn không coi trọng lời Đức Giáo Hoàng kêu gọi phải ngưng cuộc chiến tranh văn hóa hiện nay”. 

Khoa báo chí cơ bản (Journalism 101) là: nếu bạn muốn tìm nguồn để chứng minh cho luận đề của mình nhưng nguồn này phá hoại luận đề của bạn, thì hoặc bạn phải duyệt lại luận đề của mình hay không sử dụng nguồn này trong bản thảo cuối cùng. Không điều gì Rolling Stone cho rằng Wauck nói hay mô tả là nói mà không cho thấy ngài là một linh mục cực kỳ chính thống của Opus Dei. Tuy nhiên việc ngài không phẫn nộ phản đối vị tân giáo hoàng đã là dấu hiệu cho thấy có lẽ Đức Phanxicô ít cấp tiến hơn là tác giả bài báo giả thiết trong suốt bài báo của mình. 

6. Về Thần Học Giải Phóng, Rolling Stone cho rằng “Tập chú có tính Mácxít [của Thần Học Giải Phóng] về đấu tranh giai cấp và các lời kêu gọi công khai làm cách mạng - một số linh mục thực sự đã cầm vũ khí và tham gia các nhóm như Sandinistas – đã làm những nhà duy truyền thống Công Giáo thất đảm… [Nguyên Tổng Giám Mục Jorge Mario] Bergoglio cũng thù nghịch đối với phong trào này… dù tinh thần của thần học giải phóng rõ ràng đã ảnh hưởng đối với triều giáo hoàng của ngài”. 

Có ảnh hưởng gì đâu. Thần Học Giải Phóng quả là phong trào cấp tiến tả khuynh chịu ảnh hưởng sâu xa của Mác. Nó mưu tìm cách mạng, và đúng, một số thành viên dấn thân nhất của nó, kể cả các linh mục, đã cầm vũ khí. Đó là lý do khiến Đức Gioan Phaolô II lên án nó, và cũng khiến cả Đức TGM Bergolgio lên tiếng bác bỏ. Một lần nữa, không điều gì trong các tuyên bố của Đức Phanxicô về bất bình đẳng và bất công kinh tế đi sai lệch giáo huấn chính thống Công Giáo. 

7. "Dù bề ngoài vẫn chính thống, Bergoglio…” 

Phải chăng tác giả bài viết biết điều gì đó mà không chia sẻ với ta? Tuy nhiên, nào có thấy chứng cớ gì trong bài báo cho thấy Đức Phanxicô chỉ nhái lại giáo huấn chính thống cho công chúng “tiêu thụ” đâu. 

8. "Đức Phanxicô thay thế (Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, HY Tarcisio) Bertone bằng TGM Pietro Paralin, người từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng việc linh mục độc thân không phải là một tín điều của Giáo Hội, có nghĩa, có thể thay đổi được”.

Đức TGM Parolin quả có nói rằng việc linh mục độc thân không phải là một tín điều của Giáo Hội vì nó vốn không phải là một tín điều của Giáo Hội. Chỉ có thế. Và đúng, nó có thể thay đổi, nhưng không phải với một múa may của chiếc đũa thần giáo hoàng. 

9. "Còn lập trường riêng của Đức Thánh Cha về (hôn nhân đồng tính và phá thai) thì sao? Cú né tránh khôn khéo của Đức Giáo Hoàng khiến tôi khâm phục, y hệt giọng điệu của Clinton. ‘đó là lập trường của Giáo Hội’ Đức Phanxicô chỉ nói thế. ‘Và tôi là con cái của Giáo Hội’. Ngài không nói thêm, vì ngài không cần phải nói thêm, rằng hiện nay ngài cũng là cha nữa”. 

Rõ ràng, việc nánh tré khôn khéo và theo kiểu Clinton như thế, hình như chỉ có tác giả mới khám phá ra. Đối với chúng ta, Đức Thánh Cha chỉ nói điều người ta mong ngài nói, tức là: lập trường của tôi về hôn nhân đồng tính và phá thai là lập trường của Giáo Hội Công Giáo! Bất kể các nhà báo thiếu thông tri muốn tin cách nào khác.

Viên đá (lăn) thợ xây đã vứt bỏ

Linh mục Sam Sawyer, Dòng Tên, thì có bài với tựa đề hài hước The (Rolling) Stone That the Builders Rejected, bắt chước kiểu nói trong Thánh Kinh. 
Đối với cha Sawyer, bài báo của Rolling Stone không có gì mới lạ, người ta đã “xiên xẹo” trong lối so sánh giữa Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô từ lâu rồi. Nên phản ứng đầu tiên của cha là “ngáp dài”. Cha đồng ý với cha Lombardi khi gọi thứ báo chí này là hời hợt, chẳng ích lợi gì dù là với Đức Phanxicô, người biết rõ Giáo Hội mang ơn vị tiền nhiệm của mình biết mấy. 

Điều thực sự đáng thương là trí tưởng tượng của tờ Rolling Stone nghèo nàn đến nỗi chỉ biết ca ngợi người mình cảm phục bằng cách so sánh “méo mó” với người mình ghét bỏ. Đâu có chú ý đến sự thật hiển nhiên này:”hiệu quả Phanxicô” sở dĩ có được duy nhất là nhờ việc Đức Bênêđíctô từ chức, một việc mà cha Sawyer coi là “hoàn toàn cấp tiến đối với chức vụ giáo hoàng hơn bất cứ thay đổi nào đã qua và sẽ tới của Đức Phanxicô”. 

Theo Leah Libresco, trí tưởng tượng của họ cũng nghèo nàn ở chỗ không dám trực diện phê phán Đức Bênêđíctô, Đức HY Dolan, Opus Dei và nhiều người khác mà phải dựa vào “uy thế” của Đức Phanxicô, dùng ngài như chiếc dùi cui đánh phá những vị kia. 

Libresco cũng cho rằng Rolling Stone đã biến tất cả các vị trên, kể cả Đức Phanxicô, thành “lớn hơn” hoặc “bé hơn” những con người trong thực tế. Họ biến các vị biến thành những nguyên mẫu chứ không còn là những con người thực nữa. Đức Bênêđíctô chắc chắn không tươi cười, nhưng biểu lộ một niềm vui trông thấy trong ba cuốn sách liên tiếp nói về cuộc đời Chúa Giêsu. 

Điều Libresco muốn nhấn mạnh là “tính thông thường” (normality) nơi Đức Phanxicô. Ai cũng nhớ việc ngài tự mang lấy vật dụng cá nhân của mình lên chuyến máy bay đi Rio de Janeiro khiến cả thế giới “thắc mắc”. Ngài bảo: “tôi vẫn làm như thế… Chuyện bình thường mà. Ta cần phải bình thường… Ta phải quen với việc sống bình thường, cái bình thường của cuộc sống”.

Nghịch thường một điều là dù trích dẫn được nhận xét của nhà báo Á Căn Đình Elisabetta Piqué, người vốn quen biết Đức HY Bergoglio từ lâu, rằng: việc bầu Đức Phanxicô quả là một “xúc phạm của tính bình thường” mà Rolling Stone vẫn không nắm được tinh thần của ngài.

Một trong các bài học được Cha Sawyer nhân dịp này nêu ra là đừng tự mãn với những lời thế tục “khen ngợi” một Giáo Hoàng. Điều ấy quả có tích cực, vì nó cho thấy “thiên hạ” đang lưu ý tới những gì chúng ta nói. Nhưng đừng coi việc người ta thích giáo hoàng như là một thành công. Điều ấy có thể là thứ “tính đời thiêng liêng” (spiritual worldliness) mà Đức Phanxicô từng nói tới trong Niềm Vui Tin Mừng. Phải lợi dụng điều này như một cơ may để truyền giảng Tin Mừng. 
_________________________________________________________________________________________________
(1) Vai giết người hàng loạt có khuôn mặt dị hình và găng tay với các ngón tay nhọn như lưỡi kéo, do Wes Craven tạo ra.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/121418.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét