Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Kinh nghiệm thần nghiệm và đời sống hàng ngày của chúng ta


Ronald Rolheiser, 2020-09-07


Đâu là những điều giúp chúng ta có được trải nghiệm thần nghiệm trong đời sống? Gần đây có người hỏi tôi câu hỏi này và tôi đã trả lời ngay lập tức và không suy nghĩ: Tất cả những gì làm bạn rơi nước mắt, dù đó là nỗi buồn có thật, niềm vui có thật, nhưng câu trả lời này dựa trên nhiều chuyện.

Thế nào là thần nghiệm? Điều gì làm nên trải nghiệm thần nghiệm?

Trong đầu óc người bình dân, chữ thần nghiệm không được hiểu đúng. Chúng ta thường có khuynh hướng xem thuyết thần nghiệm đồng nghĩa với cái gì phi thường và huyền nghiệm, và cũng xem đó như một cái gì dành cho giới tinh hoa tâm linh. Với đa số, thần nghiệm có nghĩa là tầm nhìn thiêng liêng và trải nghiệm xuất thần đưa chúng ta ra khỏi ý thức bình thường.

Đôi khi thần nghiệm có thể là các trạng thái ý thức thay đổi hoặc trạng thái xuất thần, dù bình thường nó không liên quan gì đến thị kiến. Đúng hơn là nó liên quan đến một tâm trí và một trái tim sáng tỏ vô cùng. Các kinh nghiệm thần nghiệm thường là các kinh nghiệm cắt xuyên qua những thứ thường chận không cho chúng ta chạm vào tận sâu thẳm lòng mình, và chúng rất hiếm bởi vì thông thường ý thức của chúng ta bị cắt đứt khỏi bản thể sâu đậm của chúng ta, đích thực và trinh nguyên, không bị ảnh hưởng của bản ngã, tổn thương, lịch sử, xã hội, áp lực, ý thức hệ, nỗi sợ sai lầm, và tất cả những ảnh hưởng khác nhau mà chúng ta mắc phải và trút bỏ như trút bỏ quần áo. Hiếm khi chúng ta tiếp xúc với nơi sâu thẳm nhất của mình, không bộ lọc, thuần túy; nhưng khi chúng ta tiếp xúc được thì đó là một trải nghiệm thần nghiệm.

Nữ tu Dòng Kín Ruth Burrows định nghĩa thần nghiệm là được Chúa chạm đến một cách vượt quá lời nói, trí tưởng tượng và cảm giác. Thiên Chúa như chúng ta biết, là Duy Nhất, Chân, Thiện, Mỹ. Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta thực sự cảm động trước sự duy nhất, chân, thiện, mỹ mà không có điều gì làm sai lệch nó thì chúng ta sống trải nghiệm thần nghiệm. Nó giống như thế nào?

Nữ tu Ruth Burrows kể, trải nghiệm thần nghiệm đã làm đời của sơ thay đổi hoàn toàn khi sơ mười tám tuổi, học sinh lớp cuối của trường nữ trung học tư thục do một nhà dòng nữ điều hành. Sơ tĩnh tâm để chuẩn bị thi tú tài và chưa trưởng thành mấy. Sơ và một trong các bạn không xem tuần tĩnh tâm này nghiêm túc, hai người chuyền thư tay cho nhau và chơi đùa trong kỳ tĩnh tâm. Đến một lúc, các trò hề của họ làm phiền nhóm, các nữ tu phải kéo họ ra khỏi phòng, bắt họ ngồi im lặng trong một nhà nguyện do một giáo viên hướng dẫn, mỗi khi lớp có buổi nói chuyện. Sơ Burrows thú nhận, lúc đầu họ tiếp tục đùa giỡn, nhưng thời gian thì dài và và cuối cùng im lặng làm họ mệt sức. Ngồi một mình, buồn chán, bứt rứt, một trải nghiệm thần nghiệm ập đến, không mời mà đến và rất bất ngờ. Và nó đến không như một thị kiến hay ở trong trạng thái xuất thần nhưng cảm nhận như một thấu suốt đau nhói. Vào một lúc, sơ ngồi một mình, sơ nhìn thấy bản thân mình với một sự rõ ràng tuyệt đối về con người thật của sơ, trong sự non nớt và trong tất cả lòng tốt của mình. Điều này đã thay đổi cuộc đời của sơ. Từ đó sơ biết mình là ai – vượt lên bản ngã, tổn thương, vượt lên sự non nớt, áp lực từ bạn bè, ý thức hệ và tất cả mọi ảnh hưởng. Trong khoảnh khắc đó, sơ biết được bản thân sâu thẳm nhất của mình (và điều phi thường nhất là sự trong sáng đến lạ thường của nó).

Vậy, những chuyện gì có thể tạo ra các trải nghiệm thần nghiệm trong cuộc sống chúng ta? Câu trả lời ngắn gọn: bất cứ chuyện gì làm chúng ta vượt lên bản ngã, các tổn thương, các ảnh hưởng, các áp lực xã hội mạnh mẽ mà chúng ta phải chịu, có nghĩa là bất cứ điều giúp chúng ta tiếp xúc với con người thật của mình và làm cho chúng ta muốn trở thành người tốt hơn. Và đây có thể là nhiều thứ. Nó có thể là một quyển sách chúng ta đọc; có thể là một phong cảnh thiên nhiên; có thể là khi nhìn một em bé sơ sinh, một em bé đang khóc, một con vật bị thương, gương mặt của một người đang đau khổ; hoặc có thể khi chúng ta cảm nhận trong sâu thẳm lời bày tỏ tình thương, lời chúc lành, lời ăn năn chân thật hoặc chia sẻ sự bất lực của mình. Nó có thể là rất nhiều thứ.

Cách đây vài năm, khi tôi đi dạy, tôi kể cho sinh viên một số sách để đọc, trong số đó có quyển sách của tác giả Christopher de Vinck, Chỉ có trái tim mới biết làm sao để tìm thấy – Những kỷ niệm quý giá cho thời gian không có đức tin (Only the Heart Knows How to Find them – Precious Memories for Faithless Time). Đây là một loạt các bài tiểu luận tự truyện, trong đó tác giả De Vinck thân tình chia sẻ đời sống vợ chồng, con cái và gia đình của ông. Vào cuối học kỳ, một cô sinh viên trẻ cầm quyển sách của De Vinck trên tay, cô nói với tôi: “Thưa cha, đây là quyển sách hay nhất mà con từng đọc. Con luôn nghĩ mình là người rất tự do, phóng khoáng và con đã sống qua nhiều thành phố, nhưng bây giờ con nhận ra, những gì con muốn là những gì người đàn ông này có. Con muốn tình dục đưa con về nhà. Con muốn có một ngôi nhà. Con muốn chiếc giường hôn nhân. Bây giờ con biết mình cần gì!”

Đọc quyển sách của Christopher de Vinck đã làm cho cô có trải nghiệm thần nghiệm, không khác gì trải nghiệm của sơ Ruth Burrows. Còn tôi là quyển Câu chuyện của một tâm hồn của Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu cho tôi trải nghiệm được kinh nghiệm thần nghiệm.

Vì vậy, đây là lời khuyên của tôi: hãy tìm những gì làm điều này cho tôi. Nó không cần phải làm cho chúng ta rơi nước mắt, chỉ cần nó hướng chúng ta về nhà một cách rõ ràng nhất!

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét