Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Khởi đi từ lòng mến

Vẫn thường nói, đốm sáng không ở đâu xa. Có người dày công mở cửa hàng quần áo 0 đồng, để những ai khó khăn cần đến. Chỗ nọ, mấy bạn trẻ chung tay họp thành nhóm nhặt ve chai hằng tuần, góp tiền cho trẻ em nghèo. Xứ khác, đôi vợ chồng lập những chuyến xe từ thiện giúp bà con từ quê lên thành phố khám bệnh mà không mất lộ phí. Nhiều lắm, những việc làm ý nghĩa nhưng thầm lặng từ những người quanh ta. Ông Augustinô Trần Cao Khải, giáo dân giáo xứ Trung Mỹ Tây, TGP TPHCM thì chọn cách gắn đời mình với việc Nhà Chúa, phục vụ giáo xứ qua 5 đời cha sở. Mỗi lúc, ông lại có những hình thức đóng góp khác nhau…

Về xứ Trung Mỹ Tây, hỏi nhà thầy Khải, ai cũng biết. Phần, vì ông hoạt động khá nổi bật trong họ đạo. Phần khác bởi ngôi nhà ông ở sát bên nhà thờ. Cách chừng mươi bước. Giáo dân dự lễ, sinh hoạt, ai gần xa có dịp tới thánh đường hẳn đều đi ngang cửa nhà ông Khải. Nhiệt tình, cởi mở có lẽ là ấn tượng đầu tiên dễ nhìn thấy ở cụ ông 70 tuổi này với những người lần đầu tiếp xúc.

HĂNG HÁI VIỆC ÐẠO
Hỏi ra mới biết, ông là em ruột của Ðức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, nguyên Giám mục Chánh tòa giáo phận Long Xuyên. Sinh ra trong gia đình đạo đức, ông cố từng làm chánh trương; từ nhỏ, ông Khải cũng đã sốt sắng chuyện nhà thờ nhà thánh, tham gia giúp lễ, phụ việc nhà xứ. Năm 11 tuổi, cậu bé Khải nối gót anh mình, nhập học Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Một thời gian dài gắn bó tu tập cho đến khi làm thầy.
Nhưng Chúa không muốn ông sống đời tu trì mà đặt định ông theo ơn gọi gia đình để trở thành người tông đồ giáo dân, làm chứng tá cho Tin Mừng ngay giữa dòng đời. Năm 26 tuổi, ông kết hôn. Chính nhờ đời sống hôn nhân với nhiều trải nghiệm thực tế, cộng với vốn kiến thức thần học, triết học… đã được đào tạo một cách chuẩn mực từ trước thôi thúc ông dấn thân phục vụ cộng đồng. 24 năm liền ông đảm nhận việc dạy giáo lý Hôn nhân và Dự tòng tại xứ đạo. Biết bao nhiêu đôi lứa, bao nhiêu bạn trẻ thành vợ thành chồng, vững vàng đạo nghĩa để sống hôn nhân Kitô giáo nhờ vào sự nhiệt tâm của ông. “Ðể hoàn thành tốt bài dạy đòi hỏi mình phải bỏ nhiều công sức từ khâu soạn bài cho tới khi đứng lớp. Người dạy phải uyển chuyển, đi theo nhu cầu của người học, vì các cặp đôi đều là những bạn trẻ, còn phải đi làm, đi  học…, nên giờ dạy phải sắp xếp theo họ. Mỗi thời cha sở lại có tài liệu giảng dạy khác nhau. Dù được giao phần nào, mảng nào, mình cũng phải tìm tòi rồi kết hợp minh họa bằng những câu chuyện ở đời thực chứ không phải lý thuyết, để các bạn trẻ dễ nắm bắt, lớp học cũng nhẹ nhàng, thú vị”, ông hồi tưởng. Mãi đến năm 2014, ông Khải mới thôi đảm nhận các lớp giáo lý.
Trong dòng chảy của câu chuyện, ông lại nhớ về một thời vừa dạy giáo lý vừa kiêm luôn phụ trách giới trẻ giáo xứ. Ðộ 20 năm trước, khi người trẻ trong xóm đạo bắt đầu có dấu hiệu “lơ là, ít gắn bó với Nhà Chúa”, được sự ủy thác của cha Phêrô Phạm Văn Tân, dòng Don Bosco, quản nhiệm xứ Trung Mỹ Tây khi ấy, ông đứng ra quy tụ các bạn sinh hoạt, tổ chức quy củ trở lại. Thoạt tiên, ông lập ban điều hành, mời gọi một số bạn trẻ có tinh thần để nối kết số đông. Mỗi tháng, giới trẻ có thánh lễ riêng và chương trình vui chơi, học hỏi. Ðể đến gần với người trẻ, hiểu được những tâm tư của họ, ông còn thực hiện cuộc khảo sát với quy mô trong toàn giáo xứ. Trong bảng hỏi, ông để các bạn trình bày những cảm nghĩ về đạo, về Chúa; chia sẻ khó khăn trong cuộc sống hay trong sinh hoạt cộng đoàn cần trợ giúp. Ông lên kế hoạch cụ thể cho từng việc một. Nhờ thế, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giới trẻ đã khởi sắc.
Thường xuyên tra cứu tài liệu, cập nhật kiến thức để các bài viết có chất lượng

CHÚT NỖI NIỀM SAN SẺ
Lòng mến Chúa luôn bừng cháy trong ông cách liên lỉ. Là giáo dân, ông trở nên tông đồ bằng chính đời sống thường nhật. “Không là linh mục, mình vẫn có thể sống đạo tốt”, ông Khải khẳng định. Từ năm 2010, ông đã cộng tác với truyền thông giáo phận Long Xuyên, viết bài cho tập san Tĩnh Tâm của địa phận này. Mỗi kỳ ông gởi bài chia sẻ về mảng hôn nhân, gia đình vốn là thế mạnh của mình. Với lòng yêu mến những bài viết suy tư của Ðức Giám mục G.B Bùi Tuần, ông còn tập hợp lại, làm thành sách, gởi tặng cho mọi người cùng đọc. Lúc rảnh rỗi, ông Khải cũng viết lên những thao thức chuyện đời, chuyện đạo của chính mình rồi in thành sách làm quà cho tha nhân.
Những năm gần đây, khi internet phát triển rộng rãi đến mọi thành phần xã hội, ông nhận ra nhu cầu loan báo Tin Mừng qua mạng nơi chính môi trường của mình trở nên cấp thiết. “Trên mạng có nhiều nguồn thông tin sai sự thật hoặc không có căn cứ, những bài viết ấy đến với người Công giáo thật không hay. Mình phải viết về Chúa, về đời sống đạo cho nhiều người biết”, ông chia sẻ. Thế là ông cũng cộng tác với các trang truyền thông khác, lấn sân vào không gian mạng. Qua theo dõi, có thể thấy sự tương tác cao của người đọc với các sản phẩm của ông. Có hàng ngàn lượt thích, trao đổi. Trong đó, có các linh mục, tu sĩ… Theo từng thời điểm, ông thường chọn đề tài mang tính thời sự, có sức ảnh hưởng rộng tới cộng đồng hoặc các vấn đề thực hành đức tin mà đa số mọi người thắc mắc.
Ông nói viết về sinh hoạt nhà đạo với một giáo dân là điều không hề dễ, đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng: “Viết cái gì, viết như thế nào để ai cũng hiểu mà lại gãy gọn, súc tích? Nhưng để viết tốt, mình phải vững giáo lý, vững giáo luật, cập nhật cả thông tin mới của Hội Thánh”. Nghĩ thế, nên đối với ông, việc trau dồi Kinh Thánh, thần học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Không biết từ lúc nào, những quyển sách đạo trong “thư viện” nhà ông ngày càng nhiều. Ông Khải cũng tiết lộ, khi cần bổ túc hay làm sáng thêm một vấn đề mình chưa chắc chắn, ông thường tìm đến người anh của mình là Ðức cha Giuse Trần Xuân Tiếu xin trao đổi ý kiến và nhờ ngài giới thiệu sách tham khảo.
Sống và phục vụ, phục vụ bằng những gì mình có với tất cả tình yêu mến, đó dường như là quan niệm sống đạo của ông Khải - người tín hữu nhiệt thành. Một ai đó trong xóm đạo Trung Mỹ Tây nói về ông rằng: “Ừ, đúng, ông Khải có tinh thần lắm, ông cũng am hiểu nhiều nữa, lại niềm nở, dễ gần với anh em!”. Còn ông Khải nhìn nhận những gì ông làm, san sẻ chỉ là… góp chút hương cho đời!
Hùng Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét