Đã thành thông lệ, trong ngày 20 Tháng Mười Một, các thầy cô được tặng hoa, quà và những lời chúc tụng nồng nhiệt. Trong mức độ nhất định, đó là cách thể hiện đáng quý của một truyền thống tốt đẹp ở Việt Nam. Tuy nhiên, những diễn tả rầm rộ bề ngoài trong một ngày như thế cũng không che lấp được hiện trạng đáng buồn: tinh thần ‘tôn sư trọng đạo’ của người Việt dường như đang mai một đi, mà bằng chứng là các trường hợp xung đột giữa thầy - trò hoặc giữa giáo viên - phụ huynh diễn ra ngày một nhiều. Nói đúng hơn, theo thiển ý của người viết, quan niệm về ‘tôn sư trọng đạo’ đang phần nào bị lệch lạc. Cụ thể, ý niệm này dường như chỉ còn được hiểu, hay được chú trọng ở một vế là phần ‘tôn sư’ mà thôi. Ngày nay, người ta thường hay trích dẫn câu ‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’ (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy) nhằm nhắc nhau phận sự tôn trọng người có công mang lại tri thức cho mình. Kỳ thực, nếu quay lại truyền thống của cha ông, vế ‘trọng đạo’ mới là trọng tâm của ý niệm đó, và chính nó làm nên tinh thần ‘tôn sư’ đúng nghĩa. Vì vậy, hướng đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam, chúng ta thử lạm bàn đến vấn đề này, không phải chỉ để gìn giữ một truyền thống, mà vì tính chất quan trọng của nó đối với nền giáo dục hiện tại, và do đó, đối với vận mệnh quốc gia.
‘Tôn sư trọng đạo’ của người Việt hẳn chịu ảnh hưởng lớn từ Nho giáo. Ở thời khởi đầu, nghĩa của chữ ‘đạo’ dường như được nhấn mạnh ở khía cạnh nhân văn và tri thức. Trong sách Đại Học, Đức Khổng nói: “Đạo của cái học lớn (đại học) là: làm sáng đức sáng, đổi mới mọi người, ở yên nơi chỗ toàn thiện… Vật có gốc, ngọn; việc có đuôi, đầu. Biết trước sau, tức gần với Đạo vậy… Biết chu đáo ở tại tìm đến cùng sự vật”.[1] Về sau, khi đã phát triển thành một hình thức tôn giáo, chữ ‘đạo’ trong Nho giáo được mở rộng đến rất nhiều tầng nghĩa: một phương thế, một con đường, một nền đạo đức (lề luật), một mục đích, một nguyên lý siêu hình, vụ trụ, tâm linh, một lối sống, một cách thế cư xử, một nguyên lý sống, vv.[2] Một cách chung, trong phạm vi của giáo dục, thiết tưởng nghĩa của chữ ‘đạo’ về cơ bản có thể tìm thấy ngay trong nghĩa của chữ ‘Nho’. Trong Hán tự, chữ 儒 (Nho) gồm chữ ‘Nhân’ (người) đứng gần chữ ‘Nhu’, nhằm ám chỉ vai trò uốn nắn, giáo hoá của những người đọc sách thánh hiền, giúp người đời biết ăn ở hợp luân thường đạo lý. Vì vậy, chữ ‘đạo’ có thể hiểu chung nhất là lẽ sống để xứng đáng là một con người theo chuẩn mực của Lễ, tức thành kẻ có văn hoá, biết tuân theo lễ nghĩa, sống phù hợp các chuẩn mực luân lý của Đạo Nhân – Đạo Trời.
Người xưa gọi một người là thầy không phải chỉ vì người ấy uyên bác về tri thức, mà vì tư cách đạo đức khiến người ấy có khả năng trao truyền ‘Đạo’ cho học trò. Vì lẽ đó, người ta phải ‘tầm sư học đạo’, tức tìm thầy tốt để học chính đạo. Bởi xem thầy như cha của mình, người học trò gọi thầy là ‘sư phụ’. Vì vậy, kính trọng thầy không phải chỉ vì thầy mang lại con chữ, nếu như con chữ đó chỉ được xét theo nghĩa của tri thức thuần tuý. Ngược lại, kính trọng thầy đúng nghĩa phải xét theo lý do này: vì thầy đã chuyển tải đạo làm người cho học trò. Nói cách khác, kính trọng thầy đồng nghĩa với việc sống đúng theo đạo lý, chứ không chỉ dừng lại ở biểu hiện yêu mến thầy trong tâm hồn, lại càng không phải chỉ là thực hiện những lời xưng tụng hay trao tặng quà cáp mang tính đãi bôi cho thầy.
Ở chiều ngược lại, cũng vì vai trò quan trọng như thế, nên bản thân người thầy luôn phải gìn giữ tư cách đạo đức của mình. Sách Lễ Ký – Học Ký viết, “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; Đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học.” Tạm dịch: thầy nghiêm, thì Đạo được tôn kính; Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học. Theo nghĩa đó, người thầy phải ý thức rằng ông không phải đang làm một ‘công việc’ của một ‘nghề nghiệp’, mà đang mang lấy một sứ mạng: trở thành trung gian chuyển tải Đạo Trời-Đạo Nhân cho người khác. Vì thế, bản thân ông tiên vàn phải yêu mến và sống theo đúng Đạo đã.
Ôn cố tri tân! Có lẽ chúng ta phải tìm cách trở lại với ý nghĩa này của tinh thần ‘tôn sư trọng đạo’, nhất là trước hoàn cảnh đất nước hiện nay.
Trong một bài viết ngắn, nhà báo Nguyễn Tiến Tường phát biểu khá xác đáng rằng giá trị một quốc gia được đo định ở sự phồn thịnh, nhưng sự tồn vong quốc gia phụ thuộc vào độ dày phẩm cách của quốc gia đó, vốn được hun đúc từ phẩm hạnh của các cá nhân trong xã hội. Ông cũng nhận định thêm rằng nếu so với thời trước, tức thời Phong Kiến, phẩm cách quốc gia của chúng ta hiện đã bị “trượt dài từ gừng cay muối mặn đến mạnh ai nấy sống […] linh khí quốc gia đang dần rệu rã.”[3] Tôi cho rằng, nếu có thao thức nào về việc chấn hưng sự suy vong này thì niềm hy vọng lớn nhất mà chúng ta có thể tìm thấy chính là ở giáo dục.
Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng đã học hết đạo của thầy. Học trò Tử Cống thấy vậy liền dò ý Khổng Tử trong trường hợp nếu Mỗ có các dự định về làm quan, làm tướng, hoặc thậm chí làm giặc. Nhưng Khổng Tử chẳng lấy gì làm lo lắng về những chuyện đó. Tuy nhiên, khi nghe Tử Cống cho biết rằng Mỗ xin về nước chỉ để làm thầy dạy học, Khổng Tử liền vội chạy đi mà không kịp xỏ giày hay buộc giải. Tử Cống chạy theo hỏi nguyên do, thì Khổng Tử vừa thở vừa đáp: “thầy sang ngay nước Đằng để ngăn không cho tên Mỗ làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!”
Ngẫm lại, lời nói của Đức Khổng quả không sai! Ngày nay, dường như chẳng ai có thể phản bác vai trò nền tảng này của giáo dục. Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela phát biểu: “để phá huỷ bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.” Khi hệ thống giáo dục tệ hại, xã hội phải mang lấy đủ thứ ung nhọt, quốc gia sẽ đi đến chỗ điêu tàn. Vì thế, chấn hưng giáo dục là điều căn bản nhất khi nghĩ đến việc chấn hưng quốc gia.
Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Thiết tưởng, tinh thần ‘tôn sư trọng đạo’ của người xưa đã hướng cho ta câu trả lời, vì xét cho cùng, căn cốt của giáo dục là để giúp dân sống trọn vẹn đạo làm người. Giáo dục không phải chỉ để mở mang trí tuệ, mà quan trọng nhất là để mở rộng tâm hồn, có lòng quý trọng từng sinh mệnh lẫn lòng tôn kính Đấng Tạo Hoá. Cổ nhân tôn kính người thầy, vì thầy có đạo, vì thầy giúp trò khởi xướng lòng nhân và sống theo mệnh Trời. Thầy không tự hào vì mình có con chữ, mà vì mình có sứ mệnh gìn giữ và truyền lại sự tôn nghiêm của Đạo. Vì thế, cả thầy lẫn trò đều phải tu dưỡng đạo đức cao thượng, để xã hội phát triển theo luân lý, và để đạo nghĩa bừng nở cho muôn đời sau.
[1] Khổng Tử, Đại Học – Trung Dung – Luận Ngữ, bản dịch Việt ngữ của Trần Công Tiến (California: Văn Gia, 2000), tr. 3-7.
[2] Trần Văn Đoàn, “Nguyên lý Sinh của Hiếu Đạo trong Đạo Thờ Kính Tổ Tiên,” đăng tại: <http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/TRIETHOC/Hieu%20Dao%20trong%20Nho%20Giao.htm>. cập nhật 11/11/2019.
[3] Nguyễn Tiến Tường, “Phẩm Cách Quốc Gia, Phẩm Hạnh Con Người,” đăng tại: https://www.facebook.com/nguyentuong.tuongnguyen.5, ngày 3/11/2019.
Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét