Ở đất Nam bộ, Cái Bè là một họ đạo tầm trung với số dân khoảng 2.300 người, nhưng hạt giống Lời Chúa đã cắm rễ từ lâu. Lược sử giáo xứ trích dẫn một báo cũ thuật lại, trước khi giáo xứ Cái Bè được chính thức khai sinh, khoảng năm 1828 có một số giáo dân chạy trốn cuộc bắt đạo của vua Minh Mạng, đã đến địa hạt Cái Bè, cất một nhà thờ đơn sơ gần cầu thị trấn Cái Bè (cầu Sắt) hiện nay. Ít lâu sau, họ lại chạy đến Cái Mây, là nơi hẻo lánh để cho an toàn và cất một nhà thờ nữa. Mãi đến năm 1861 mới có cha thừa sai đến giúp. Còn theo tài liệu của cha P. Laurent (cha Bình), từ xứ đạo Cù Lao Giêng nghe tin có bắt đạo ở Châu Ðốc, ông Giuse Trần Bá Phước đem cả gia đình đi lánh nạn ở Mỹ Tho, khoảng 15 người đến định cư tại Cái Bè. Lúc đó giáo xứ Cái Bè trực thuộc giáo xứ Cái Nhum do cha sở P. Tournier (cha Thu) cai quản. Cha Thu thường qua lại Cái Bè dâng lễ và ban các bí tích cho cả họ đạo Cái Thia và Cái Mây. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1868, ông Phước đến trình cha sở xin lập giáo xứ Cái Bè. Cha Thu nhận lời và được phép bề trên, ngày hôm sau, cha gởi thầy sáu Phêrô Nguyễn Ðức Nhi đến giúp thành lập giáo xứ và ngụ tại nhà ông Phước, cùng ông quy tụ những người dự tòng để dạy giáo lý. Cuối năm 1869, cha Thu rửa tội cho 338 dự tòng. Cùng với gia đình ông Phước, tổng số giáo dân lúc đó lên đến 350 người. Cũng trong năm ấy, thầy Sáu Nhi được thụ phong linh mục và được Ðức cha Michel đặt làm cha phó tiên khởi của giáo xứ Cái Bè. Với các cứ liệu trên thì giáo xứ Cái Bè chính thức được thành lập vào cuối năm 1869 với 350 giáo dân.
Sáng 15.8.2019, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho đã đến chủ sự thánh lễ tạ ơn mừng 150 năm thành lập giáo xứ, 90 năm xây dựng nhà thờ Cái Bè. Ðồng tế với Ðức cha có cha sở Bênêđictô Nguyễn Công Tuyển, các cha trong giáo phận, các tu sĩ, cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Cái Bè và các xứ thân cận. Trong ngày kỷ niệm này, Ðức cha Phêrô đã nhắn gởi giáo hữu Cái Bè tích cực sống bác ái, giữ lửa đức tin: “Sống tinh thần cha ông, xây dựng gia đình giáo xứ Cái Bè thành gia đình cộng đoàn Phúc Âm hóa từ gia đình riêng đến cộng đoàn giáo xứ, từ đó, ánh sáng Phúc Âm sẽ lan tỏa cho mọi người xung quanh... Nhà thờ Cái Bè có kiến trúc nổi tiếng, có giá trị văn hóa cao, được cả giáo phận trân trọng nên phải được gìn giữ, bảo tồn, khi sửa sang cần nghiên cứu cẩn thận”. Trước đó, đêm 14.8.2019, họ đạo đã tổ chức văn nghệ, diễn nguyện.
Cái Bè hiện có nhiều hội đoàn lớn nhỏ: Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Gia đình phạt tạ Thánh Tâm, Giáo lý viên - Huynh trưởng, Thiếu nhi Thánh Thể, Lễ sinh, Hội Các bà mẹ Công giáo, Ca đoàn… cùng hợp sức phát triển giáo xứ, giáo dân sống đạo trong chan hòa, yêu thương.
Anh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét