Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Cha mẹ ơi, xin cho con được sống!


Nếu gõ cụm từ “phá thai” trong Google, người ta dễ dàng thấy hàng triệu kết quả liên quan đến vấn nạn này bằng Tiếng Việt. Có cái nhìn chống đối lẫn đồng thuận. Người phò sự sống thì cho rằng phá thai là đi ngược lại với giá trị nhân bản của con người. Số khác lại đồng ý với việc phá thai vì cho rằng nó có thể giải quyết được nhiều hệ quả đau lòng. Giữa những cuộc tranh luận xôn xao ấy, con số ca nạo phá thai vẫn gia tăng mỗi ngày tại Việt Nam mà số liệu dễ dàng được tìm thấy trên Internet.

Mới đây một số bạn trẻ phát động một chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con!” với mong muốn pháp luật can thiệp không cho phá thai một cách vô tội vạ. Tuy với ý hướng tốt lành: cứu những thai nhi vô tội, họ vẫn bị cộng đồng mạng “ném đá” và dường như ước nguyện ấy chưa thể thực hiện. Những luồng ý kiến ấy đủ cho thấy phá thai luôn là vấn đề phức tạp hơn người ta tưởng. Phức tạp vì tùy góc nhìn mà người ta đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối.

Trước hết chúng ta hẳn đồng ý với nhau về một nền tảng chung của con người là: Chúng ta yêu mến sự sống. Đó là giá trị tự nhiên của mỗi người khi được hiện hữu trên mặt đất này. Tiếng nói lương tâm trong bản tính con người luôn vang vọng thứ âm thanh yêu mến sự sống ấy. Nó thường nhắc cho con người: đừng gây tổn hại cho chính mình và người khác. Nếu là một người tốt, chắc hẳn phá thai luôn là một điều gì đó tàn nhẫn bạo tàn. Thương tâm có thể xảy đến cho chính bản thân của người cha, người mẹ, và ác tâm với chính bào thai mà người mẹ đang cưu mang. Tôi tin rằng chính người cha người mẹ trước khi phá thai cũng không ít lần lắng nghe được tiếng lương tâm ấy. Họ bị dằn vặt rất nhiều trước khi đưa ra quyết định phá thai. Trong đầu họ luôn có hai luồng ý hướng: phá bỏ hay giữ lại!

Nhiều người thông cảm và chấp nhận hành vi phá thai với nhiều lý do. Trước ý kiến chống đối phong trào trên đây, dường như họ có lý khi cho rằng phá thai không chỉ quy hết lỗi lầm cho người mẹ, nhưng cả người cha và những ai tham gia vào vụ việc này cũng cần nhắc tới. Hơn nữa, việc phá thai dường như chỉ là vấn đề ngọn, đằng sau đó là những vấn đề xã hội cấp thiết cần phải giải quyết: giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản, tiếp cận phương pháp tránh thai an toàn, văn hoá tình dục, chăm sóc sức khoẻ cho thai phụ và trẻ sơ sinh… Những điều cần này tiếc là chưa được quan tâm đúng mức nên hệ quả là phá thai nở rộ như giải pháp cuối cùng.

Một điều đáng ghi nhận là phá thai có thể giúp người mẹ, người cha được “giải thoát” khỏi trách nhiệm với bào thai ngoài ý muốn. Trước áp lực của cộng đồng, gia đình và trước trách nhiệm với đứa con (nếu sinh ra), dường như đó là gánh nặng quá lớn khiến đôi bạn không thể và không dám gánh vác. Trong chiều hướng này, nơi cuốn tự truyện có tên “Người Mẹ Can Đảm” ra mắt hồi tháng 7-2014 ở Bồ Đào Nha, bà Santos tiết lộ từng muốn phá thai khi bà mang thai Cristiano Ronaldo. Thời điểm đó, gia đình bà đang rất nghèo. Sau cùng mẹ của siêu sao bóng đá tâm sự: “Chúa đã không muốn điều đó (phá thai) xảy ra và tôi thật may mắn vì Chúa đã không trừng phạt tôi.”

Thực tế cho thấy phá thai tuy giải quyết được hệ quả trước mắt, nhưng không ít biến chứng từ thể lý cho đến tinh thần để lại nơi người mẹ, người cha. Biết bao chuyện thương tâm mà báo chí thường đưa tin liên quan đến việc các bà mẹ bị tổn thương sau khi phá thai. Nhiều nỗi ám ảnh đáng sợ khi người cha hồi nhớ về đứa con họ loại bỏ. Đó là những di chứng tâm lý mà đương sự thường gặp phải. Tôi tự hỏi trước khi phá thai không biết đương sự có lường trước được những hệ quả về sau không? Chắc là có ít nhiều, nhưng để giải thoát tình cảnh trước mắt, họ vẫn bất chấp.

Nhiều người thường nại đến tình yêu gia đình, mối tình phụ tử, mẫu tử để chống đối việc phá thai. Nếu đặt trong hoàn cảnh của đương sự, nguồn tình yêu ấy dường như phai nhòa, không đủ mạnh để họ can đảm giữ bào thai lại. Tuy nhiên thực tế cũng không ít cha mẹ nhất quyết cho con mình được mở mắt chào đời. Dù họ có thai ngoài ý muốn, dù bào thai có bị thương tật, dù thai phụ đang mắc bệnh, dù gặp nhiều cản trở, nhưng lúc ấy tình yêu ruột thịt, mối tình mẫu tử khiến họ vượt qua tất cả để sinh con ra! Người ta ngả mũ ca ngợi trước quyết định bảo vệ bào thai đến cùng của người cha, người mẹ ấy. Có người cho rằng điều ấy quá lý tưởng đến nỗi chỉ một số người mới làm được. Dẫu sao, tình yêu và mối dây thiêng liêng máu mủ ấy đã giúp biết bao thai nhi được nhìn thấy mặt trời. Khi nghe mẹ Ronaldo kể về chuyện suýt phá thai, CR7 nói đùa với mẹ rằng: “Mẹ đã không muốn sinh con ra. Nhưng giờ mẹ thấy đấy! Con đang có mặt ở đây để giúp đỡ mọi người”. Đó là kết quả hạnh phúc may mắn mà không phải ai cũng có được!

Chắc hẳn mỗi người đều có quyền đưa ra nhận xét, hành động trước vấn nạn phá thai này. Riêng tôi, là con người dường như chúng ta không có quyền xâm phạm đến bất kỳ sự sống nào của chính mình và người khác. Xin đừng quên thai nhi luôn bất lực để bảo vệ chính mình; bào thai chưa thể nói lớn tiếng van xin mọi người đừng giết bỏ chúng. Hy vọng những tiếng nói lương tâm, những giá trị đạo đức, tình yêu và mối dây liên kết giữa người với người, giữa cha với con, giữa mẹ với thai nhi… cho các em được sinh ra trong kiếp này.

Ước mong nhiều người vào cuộc bằng cách này hay cách khác để gióng lên hồi chuông trước nạn phá thai đang gia tăng. Tôi tin lúc ấy chúng ta có thể hiểu nhau hơn, có giải pháp hợp tình, hợp lý hơn. Sự thật và tình yêu sẽ luôn bảo vệ thai nhi, tôi tin như thế, nếu chúng ta chân thành nhìn nhận vấn đề này và cùng nhau xây đắp một nền văn minh tình thương và sự sống. Được như thế, người ta luôn để tâm lắng nghe những tiếng kêu gào ngày đêm của vô số thai nhi: “Cha mẹ ơi, xin cho con được sống!”

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét