fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2018-03-13
Được cho là giáo hoàng cải cách, Đức Phanxicô vừa lôi cuốn, vừa chất vấn. Nhân năm năm triều giáo hoàng của ngài, bà Christiane Rancé, nhà khảo luận và tác giả quyển sách “Phanxicô, một giáo hoàng giữa các con người” trả lời cho báo Aleteia về hình ảnh, hành động và các thách thức ngài phải thực hiện.
Ngày 13 tháng 3 – 2013, Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires được bầu làm giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội công giáo. Ngài lấy tên Phanxicô, tên của Thánh Phanxicô Axixi. Được bầu với nhiệm vụ cải cách Giáo hội và Giáo triều, ngài làm thúc đẩy và đảo lộn. Bà Christiane Rancé, nhà khảo luận và tác giả quyển sách “Phanxicô, một giáo hoàng giữa các con người” trả lời cho báo Aleteia về năm năm hoạt động của ngài.
Aleteia: Làm thế nào để bà mô tả “phong cách” Phanxicô?
Christiane Rancé: Phong cách Phanxicô là phong cách của các cha xứ Ý ở vùng Piémont của thế kỷ vừa qua, những người giữ đạo vừa sốt sắng vừa dấn thân hết mình lo cho người nghèo. Các linh mục theo gương của Cha Gioan Bosco, người con của gia đình nông dân nghèo ở Castelnuovo, quê hương gốc của gia đình Bergoglio. Cha Gioan Bosco là nhà sáng lập Dòng Salê Bosco, cha được Đức Piô XI phong thánh năm 1934. Là người hiền từ, vừa dịu dàng, vừa cương nghị, vừa thân tình theo nghĩa cao thượng của những từ này, người thúc đẩy những người mình bảo trợ để họ làm tốt nhất cho chính bản thân họ. Một người làm hết mình khi cảm thấy Giáo hội bị đe dọa. Phong cách này là phong cách của bà nội Rosa Margarita của Đức Phanxicô, người tạo rất nhiều cảm hứng cho ngài. Jorge Mario Bergoglio được nuôi dạy, lớn lên trong sự ngưỡng mộ các việc làm của Thánh Bosco, vị thánh tận tâm tận tụy hết lòng cho trẻ em bị bỏ rơi ở Turin, ngài giáo dục các em, cũng như lo cho những người vất va vất vưởng, tất cả những gì là ngoại vi của xã hội ở các thành phố kỹ nghệ đầu tiên. Khi được phong làm Tổng Giám mục Buenos Aires, Bergoglio còn nhớ. Ngài đi xe điện ngầm. Ngài xin giáo dân gọi mình là cha xứ và mỗi buổi chiều ngài đi thăm rất nhiều khu vực ổ chuột mọc lên như nấm ở Buenos Aires từ những năm 1990.
Theo bà, đâu là các hành động mạnh của Đức Phanxicô?
Hành động mạnh đầu tiên của ngài là ngay lập tức nối kết sợi dây dịu dàng và tin tưởng với giáo dân. Khi lần đầu tiên xuất hiện ở ban-công, ngài đơn sơ, khiêm tốn xin giáo dân cầu nguyện cho mình, rồi ngài chúc họ một buổi chiều an bình và ăn ngon. Chỉ trong vài phút, ngài xóa tan ngờ vực của một số lớn người công giáo đối với Giáo hội của mình, một Giáo hội họ chỉ toàn nghe những chuyện tai tiếng. Hành động mạnh thứ hai của ngài là khi rời Nhà Nguyện Sixtine, ngài lên xe buýt đi cùng với các hồng y khác, ngài vẫn xem mình là một người như họ, từ chối ở dinh tông tòa, ngài vạch trần một Thể chế càng ngày càng chướng mắt, mà sau này ngài lên án là chiều theo thói thời thượng. Sau đó, ngài loan báo ý muốn cải cách Giáo triều càng ngày càng bị thỏa hiệp, càng cách biệt với các mong chờ của tín hữu, nhất là các vấn đề về gia đình. Thay vì nghỉ hè theo như truyền thống, ngài xin tất cả ở lại Vatican để làm việc trong các công trường lớn mà ngài cho là ưu tiên. Cuối cùng, ngài chọn đến Lampedusa trong chuyến đi chính thức đầu tiên của mình, biểu tượng cho sự đau khổ của những người di dân, ngài luôn đặt họ vào trọng tâm mục vụ, và ngài muốn đây là một trong các dấu ấn triều giáo hoàng của mình.
Theo bà, trong lãnh vực nào hành động của ngài là mạnh nhất?
Trong ý muốn thấy Giáo hội đi ra khỏi chính mình để đến với thế giới, một thế giới không giới hạn trong số những người được rửa tội. Ngài noi theo gương của các dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Luca, Thánh Mát-thêu, dụ ngôn con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu, cũng như ngài noi gương Thánh Phanxicô Axixi mà ngài đã chọn làm tên gọi, một tên gọi lần đầu tiên có trong lịch sử. Ngài muốn các mục tử của Giáo hội đến với những người nghèo nhất, những người đi lạc, những người thiếu thốn nhất trong tất cả mọi nghĩa của từ này. Ngài mở rộng vòng tay cho tất cả họ. Cũng như Thánh Phanxicô Axixi, ngài đến gặp người hồi giáo. Thánh Phanxicô Axixi đã liều mạng sống, băng qua làn ranh kẻ thù để gặp giáo sĩ hồi giáo Malik al-Kamil ở Damiette trong cuộc thập tự chinh đẫm máu lần thứ năm.
Theo bà, Đức Phanxicô được những người ở ngoài công giáo nhìn như thế nào?
Rất tuyệt vời. Điều không chối cãi là hiện nay không có một quyền uy tôn giáo nào mà lời nói mang một tầm quan trọng như lời nói của ngài. Ngài được nghe nhiều. Ít nhất các tuyên bố của ngài được tất cả giới truyền thông loan lại và được nghe trên toàn thế giới. Người ta lắng tai nghe lời ngài, ngài thú nhận rõ ràng, ngài muốn dấn thân trong các vấn đề chính trị. Ngược lại, ngài được bên ngoài Giáo hội nghe nhiều hơn là bên trong, bên trong có những dè chừng và chống đối chưa từng thấy, bởi vì đa số những lời chỉ trích này, dù đúng hay sai, không phải là của những nhóm bị cho là cực đoan. Không có báo động, không ai đe dọa Giáo hội với sự chia rẽ hay phân ly. Kitô giáo chưa bao giờ biết đến một sự tiến triển như thế, tiếc thay sự tiến triển này lại kèm theo con số tín hữu tử đạo gia tăng. Và làm thế nào mà Đức Phanxicô lại không gặp một vài kháng cự? Những gì ngài làm, những gì ngài đòi hỏi đặt chúng ta phải đối diện với chính mình, đòi hỏi chúng ta một sự hoán cải tận căn làm xáo trộn sự tiện nghi của chúng ta.
Đâu là thách thức chính chờ Đức Phanxicô trong năm năm sắp tới?
Ở Âu châu có cơn khủng hoảng ơn gọi các linh mục. Rất nhiều người, nhiều hơn chúng ta nghĩ, muốn đến nhà thờ của mình nhưng cửa đóng vì không có linh mục. Về mặt toàn cầu, cần nhiều câu trả lời cho những tàn phá của chủ nghĩa siêu-tự do, một tình trạng chung, càng ngày mọi người càng thờ Thần Tài, cũng như các tiến bộ kỹ thuật được giới thiệu dưới màu sắc huy hoàng của tiến bộ mà việc chuyển giới không phải là chuyện nhỏ. Và theo tôi, thách thức lớn nhất trong các thách thức là làm sao lời kêu gọi Hòa bình phải được nghe, lời kêu gọi luôn được Giáo hội kitô giáo đưa ra trong một thế giới mà bạo lực lan tràn dưới mọi hình thức,và các hang ổ hiếu chiến tăng lên gấp bội. Thách thức của ngài sẽ là hoán cải để càng ngày càng có nhiều người quay về với chân lý của Tin Mừng, những người có cùng quyết tâm chung duy trì hòa bình trên Quả đất này. Chúng ta nhớ lại câu ngạn ngữ mà Kitô giáo đòi hỏi, không phải trời như thế nào, nhưng làm sao đi đến trời.
Đâu là cái nhìn của bà về năm năm qua của Đức Phanxicô?
Một cái nhìn thán phục. Về các lý do cá nhân: tôi đã theo Đức Phanxicô từ khi ngài còn ở Argentina, khi ngài còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, tôi đã thấy lòng can đảm, việc làm của ngài và các ơn gọi ngài đã tạo ra. Về các lý do khách quan: trong năm năm, khi các nhà vatican học tiên đoán ngài sẽ bất lực trong việc cải cách Giáo triều thì ngài đã tiến hành rất nhiều công trường lớn, đã có những cải cách đáng kể, kể cả trong lãnh vực tài chánh. Tuy nhiên sự ngưỡng phục này không ngăn tôi không sáng suốt. Trong sự gần gũi mà ngài mong muốn và trong những lần ngài lên tiếng, đã có những lời nói vội vã, những phán đoán gay gắt, và một thái độ thiếu yêu thương đối với các Giáo hội Âu châu và tín hữu của họ. Ngoài ra còn vấn đề ấu dâm, ngài phải tiếp cận không run rẩy, với lòng can đảm và quyết tâm hơn, cũng như với tất cả các vấn đề khác mà ngài đã tấn công. Đây là thách thức lòng tin tưởng nơi ngài và nơi Giáo hội của ngài, và còn hơn nữa, khả thể một niềm tin không thể đánh bại vào Giáo hội, niềm tin mà Giáo hội cần để vực lên tất cả thách thức mà tín hữu kitô của thế kỷ 21 này phải đối diện.
Marta An Nguyễn dịchNguồn: https://phanxico.vn/2018/03/15/nam-nam-giao-hoang-toi-thay-su-can-dam-va-cac-on-goi-cua-ngai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét