WGPSG -- "Xả rác là một tội lỗi, cần phải thú nhận và sám hối", rất nhiều linh mục đã có ý kiến như thế trong hai ngày thường huấn 7/6 và 8/6/2016 của linh mục đoàn Sài Gòn. Hai ngày này đều khởi đầu bằng nguyện gẫm, kinh sáng, thánh lễ, lấy máu để xét nghiệm sức khoẻ, chụp hình làm thẻ Celebret (Chứng nhận Linh mục) và ăn sáng.
Vào ngày 7/6, buổi sáng có bài thuyết trình “Ô nhiễm rác rưởi và văn hoá thải bỏ” của linh mục Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng và Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hà; sau đó là trao đổi chung với các thuyết trình viên về 3 lãnh vực thần học, luân lý, khoa học và mục vụ của việc bảo vệ môi trường. Buổi chiều, các linh mục họp thảo luận theo 14 giáo hạt. Sau kinh tối, các linh mục đã có những khoảnh khắc gặp gỡ giao lưu thân thiết với nhau tại sảnh lớn của tầng trệt Đại chủng viện.
Vào ngày 8/6, buổi sáng có phần báo cáo về truyền giáo, giới thiệu phương pháp Billings trong giáo lý hôn nhân. Buổi chiều, có phần tổng kết của Ban Thư ký khoá Thường huấn, một số thông báo của Ban Bảo vệ Môi trường và Ban Tương trợ Linh mục, sau đó là báo cáo của Uỷ Ban Văn Hoá / HĐGMVN.
Khoá Thường huấn đã kết thúc với một số công bố của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (ĐTGM) và Chầu Thánh Thể. ĐTGM công bố một số quyết định về kỷ luật mục vụ và phụng vụ, đồng thời cho biết hướng mục vụ sắp tới của giáo phận là hướng về loan báo Tin Mừng, nhấn mạnh mục vụ môi trường, gia đình, xã hội và thể hiện lòng thương xót.
Khoá Thường huấn bế mạc vào lúc 16g30.
Dưới đây là một số Đề Nghị và Áp Dụng được Ban Thư ký Khoá Thường huấn ghi lại trong bản “Đúc kết những ý kiến của các linh mục trong 14 Giáo hạt”:
I. Nhận thức rõ hơn về môi trường và giáo huấn trong Laudato Si’
1. Đề nghị
- Tiếp tục đào sâu đề tài này
- Trình bày thêm lợi ích tâm linh của việc bảo vệ môi trường
- Cần thực hiện cụ thể, cấp bách và kiên nhẫn.
2. Áp dụng
- Phổ biến tinh thần thông điệp Laudato Si’ cho giáo dân
- Ban Caritas và Truyền Thông cộng tác với nhau để thực hiện và phổ biến các video clip về ô nhiễm môi trường, đồng thời tổ chức các buổi thuyết trình về môi trường tại các giáo hạt và giáo xứ.
II. Hiện trạng ô nhiễm nặng nề
1. Đề nghị
- Phát động phong trào phân loại rác
- Cần có luật khai thác theo hướng bảo vệ môi trường
- Ngăn chận văn hoá “vứt bỏ và loại trừ”
- Có panô và hình ảnh bảo vệ môi trường ở các khu vực chung.
2. Áp dụng
- Tiết kiệm năng lượng điện và xăng dầu, giảm bớt khí thải trong khi hoạt động và di chuyển (ví dụ: tắt máy xe khi xe dừng 20 giây, cổ võ đi xe đạp…)
- Tiết kiệm tiêu xài, mua sắm, du lịch…
- Giảm thiểu việc sử dụng hộp nhựa, bao ny lông
- Phân riêng các loại rác còn tái sử dụng được và các loại rác độc hại
- Giữ vệ sinh chung, tôn trọng gia đình bên cạnh
- Sống giản dị, bớt hưởng thụ, biết chia sẻ cho người khác, nhất là người nghèo.
III. Chiều kích thiêng liêng trong việc bảo vệ môi trường
1. Đề nghị
- Có Thánh lễ và Chầu Thánh Thể cầu cho việc bảo vệ môi trường
- Dùng Lời Chúa để làm sạch tâm hồn
- Đào sâu thần học môi trường.
2. Áp dụng
- Cần thực hiện ngay những việc trong tầm tay: có các thùng rác chung quanh khu vực nhà thờ và nhà xứ; gìn giữ sạch đẹp khuôn viên nhà thờ, nhà xứ…
- Giảng dạy nhiều về bảo vệ môi trường và các linh mục phải làm gương.
IV. Coi trọng việc giáo dục ý thức và hành động trong giáo phận và giáo xứ
1. Đề nghị
- Tự sám hối vì đã huỷ hoại môi trường
- Giáo dục ý thức, đẩy lui sự vô cảm về môi trường
- Xin Hội đồng Giám mục có tiếng nói chung, lập trường thẳng thắn rõ ràng, đưa ra chương trình hành động cụ thể và đồng bộ về bảo vệ môi trường
- Có tập sách hỏi thưa về đề tài này
- Website giáo phận có chuyên mục bảo vệ môi trường
- Đối thoại với các tôn giáo bạn và chính quyền về môi trường, an toàn thực phẩm.
2. Áp dụng
- Giáo xứ có các giờ học và thi đua về môi trường
- Giáo xứ và gia đình thường xuyên nhắc nhở và nêu gương sáng
- Giáo dục và rèn luyện trẻ em ngay từ bé có tập quán giữ vệ sinh chung.
Linh Hữu
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160608/35121
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét