Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa gặp nhau để kêu gọi hòa bình


Trưa Thứ Sáu, giờ địa phương, máy bay chở Đức Giáo Hoàng tông du Mễ Tây Cơ sẽ cất cánh từ Rôma. Giữa đường, nó sẽ đáp xuống phi trường Havana của Cuba lúc 2 giờ chiều và tại đây, Đức Giáo Hoàng sẽ hội kiến với Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Theo dự tính, máy bay chở Đức Giáo Hoàng sẽ lại cất cánh lúc 5 giờ 30 chiều để đi Mexico City và sẽ tới đó lúc 7 giờ 30 tối. Như thế, cuộc hội kiến giữa hai vị giáo chủ sẽ diễn ra ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Hai vị sẽ kết thúc cuộc hội kiến bằng một tuyên bố chung.


Cuộc hội kiến trên sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử việc một vị giáo hoàng và một vị thượng phụ của Giáo Hội Chính Thống Nga gặp nhau trực diện. Theo nhà báo John Allen, hạn từ “lịch sử” dùng ở đây không có gì là quá đáng cả. Vì cuộc hội kiến này đúng là diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc hội kiến do nhiều thập niên thương thảo nhiêu khê mới có, đến độ, nhiều người không tin là đời họ được chứng kiến nó. 

Tâm thức ấy không hẳn vô căn cứ, vì sự đề kháng mãnh liệt từ phía Giáo Hội Chính Thống Nga: họ vẫn sợ chủ nghĩa đại kết của Công Giáo buộc họ phải lệ thuộc thẩm quyền giáo hoàng, dù nhiều lần, Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và nay Đức Phanxicô nhấn mạnh tới “tính đa dạng hòa giải” (reconciled diversity). 

Thái độ đề kháng trên để lộ nguyên hình trong buổi lễ phái đoàn đại kết cao cấp của Giáo Hội Công Giáo, do Đức Gioan Phaolô II phái qua Mạc Tự KHoa năm 2004 để trao lại cho Giáo Hội Chính Thống Nga bức ảnh Đức Mẹ Kazan mà họ rất sùng kính: hệ thống âm thanh trong Nhà Thờ Chính Tòa Mạc Tư Khoa bị tắt điện để tín hữu không nghe thấy lời phát biểu của phái đoàn Công Giáo! Không những thế, phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ còn lên truyền hình để nói rằng cho tới khi Rôma ra khỏi Ukraine, tất cả những cử chỉ thân thiện này đều vô nghĩa. 

Ba yếu tố hòa dịu

Tuy nhiên, từ ngày Thượng Phụ Kirill được bầu hồi tháng Hai năm 2009, bầu khí đề kháng đã dịu đi. Trước khi được bầu, Thượng Phụ Kirill vốn là chủ tịch văn phòng đối ngoại của Tòa Thượng Phụ và được các nhà chuyên môn coi là cởi mở đối với mối liên hệ đại kết. Có lúc phải tuyên bố cứng rắn thì chỉ là vì để làm vừa lòng phe bảo thủ mà thôi. Nay, sau 7 năm cầm đầu Giáo Hội ở đây, Thượng Phụ chắc chắn cảm thấy tự tin hơn để theo đuổi chính sách riêng của mình. 

Thứ hai, trong mấy thập niên gần đây, các liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống đã có những tiến bộ vượt bực, nhất là đối với Tòa Thượng Phụ Constantinople. Đã đành, Mạc Tư Khoa đóng vai trò rất quan trọng trong thế giới Chính Thống (hai phần ba trong số 225 triệu tín hữu là người Nga), nhưng nếu cứ tiếp tục đứng ở vòng ngoài việc cải thiện này, chẳng hóa ra mình tự cô lập mình, nhất là trong viễn ảnh Công Đồng Tòan Chính Thống sắp tới tại Crete? Thân thiện với Rôma trong lúc này chỉ có thể tăng vị thế của Tòa Mạc Tư Khoa tại Công Đồng này mà thôi. 

Sau cùng, chính sách ngoại giao của Đức Phanxicô phần lớn phù hợp với các quyền lợi của người Nga. Tháng Chín năm 2013, ngài hợp lực với Vladimir Putin trong việc ngăn chặn cuộc tấn công quân sự của Tây Phương nhằm loại bỏ Bashar al-Assad của Syria. Từ đó, Đức Phanxicô và Putin từng gặp nhau ở Vatican và tìm được cơ sở chung cho nhiều vấn đề, trong đó có việc bảo vệ Kitô hữu tại Trung Đông và việc tái xuất hiện của Cuba trong cộng đồng các dân tộc. 

Ưu thế của Đức Giáo Hoàng không ảnh hưởng gì tới cuộc hội kiến

Bầu khí hòa dịu do bối cảnh trên tạo ra đã được phản ảnh trong những ngày gần tới cuộc hội kiến. Thực vậy, theo Interfax, Giáo Hội Chính Thống Nga không tin rằng sự ưu thế của Đức Giáo Hoàng mà người Công Giáo vốn dành cho ngài sẽ gây một ảnh hưởng đối với nghi thức và tinh thần của cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và Thượng Phụ Kirill. 

Hôm Thứ Năm qua, nói trên chương trình truyền hình Rossiya-24, Hieromonch Stephan, thư ký Phân Bộ về Công Đồng của Văn Phòng Đối Ngoại, cho rằng: “Trong thời Giáo Hội chưa chia rẽ, Tổng Giám Mục của thành phố Rôma quả là vị thứ nhất trong danh sách các giáo chủ các Giáo Hội Kitô Giáo”.

Ông nhận định thêm: hoàn cảnh trên quả có dấu ấn đối với nghi thức truyền thông giữa các nhà lãnh đạo Kitô Giáo, “nhưng nghi thức này đã được đơn giản hóa hết sức đáng kể dưới triều đại của vị giáo hoàng hiện nay”. 

Hai vị giáo chủ đồng ý về bản tuyên bố chung

Cũng theo tin Interfax, Thượng Phụ Kirill và Đức Phanxicô đã thỏa thuận với nhau về lời văn của bản tuyên bố chung. 

Trước khi tháp tùng Thượng Phụ Kirill đi Havana, Cuba, Tổng Giám Mục Hilarion, đứng đầu Văn Phòng Đối Ngoại của Tòa Thượng Phụ, tuyên bố tại phi trường Vnukovo hôm Thứ Năm rằng “Lời văn của Bản Tuyên Bố đã được hai bên thương thảo mãi cho tới khuya đêm qua. Các tu chính sau cùng đã được đưa vào. Nay ta cần hy vọng rằng văn kiện trong hình thức đã thỏa thuận này sẽ được đệ trình trong cuộc hội kiến của Thượng Phụ và của Đức Giáo Hoàng”. 

Việc bách hại các Kitô hữu sẽ nổi bật trong nghị trình cuộc hội kiến. Vì tình hình tại Trung Đông và Phi Châu, hai Giáo Hội đã nhất quyết để qua một bên các bất đồng hiện nay của mình và hợp nhất các cố gắng nhằm cứu các Kitô hữu khỏi họa diệt chủng. Hai vị giáo chủ cũng sẽ thảo luận việc từ bỏ các giá trị Kitô Giáo, hiện rất hiển nhiên tại Âu Châu ngày nay.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/179619.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét