WGPSG -- Sau khi đi tham dự Đại hội thế giới các Gia Đình năm 2015 và Thượng Hội đồng Giám mục kỳ XIV trở về, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã dành cho các phóng viên trang web của Tổng Giáo phận TP.HCM (tgpsaigon.net) một cuộc phỏng vấn như sau:
***
Phóng viên: Đức Tổng vừa thực hiện một chuyến công tác khá dài: tham dự Đại hội thế giới các Gia Đình năm 2015 và Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 14 về Gia Đình. Xin Đức Tổng vui lòng cho chúng con biết những cảm nhận đặc biệt của Đức Tổng về Đại hội thế giới các Gia Đình lần này ở Philadelphia, cũng như những ấn tượng của Đức Tổng về Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 14 tại Vatican.
Đức Tổng Giám mục: Cảm tưởng sâu sắc nhất của tôi tại Philadelphia đó là: Nước Mỹ, một nước rất văn minh, cũng có nhiều khó khăn, nhưng giáo dân và Giáo hội bên đó lại rất dấn thân. Đức Thánh Cha đến đấy, được đón tiếp rất nồng hậu và mang lại niềm vui rất lớn. Chỉ có điều, về việc giữ an ninh, theo cái nhìn của tôi, là hơi quá chặt chẽ. Còn về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới thường kỳ thứ XIV tại Vatican, tôi có cảm tưởng năm nay các nghị phụ bình tĩnh hơn, đối thoại với nhau cũng thẳng thắn nhẹ nhàng hơn, và tranh luận cũng sôi nổi nhưng trong tình bác ái yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Tôi rất vui mừng nhìn thấy bầu khí của Thượng Hội đồng là bầu khí huynh đệ của tông đồ đoàn.
Phóng viên: Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 14 về Gia Đình đã kéo dài suốt 3 tuần lễ. Xin Đức Tổng vui lòng cho chúng con biết thêm về phương pháp làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục lần này?
Đức Tổng Giám mục: Phương pháp làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua gồm hai loại, một loại là họp chung tất cả các nghị phụ, và một loại khác là họp riêng theo nhiều tổ. Khi họp chung, các nghị phụ thuyết trình, mỗi nghị phụ một bài tham luận, lần này giới hạn có 3 phút mà thôi, nên phải nói rất vắn tắt, nói điều cốt yếu mà thôi. Ngoài việc đọc tham luận, mỗi nghị phụ còn có thể phát biểu tự do vào buổi tối, tức là vào cuối buổi chiều, khoảng từ 6g đến 7g tối. Nhiều nghị phụ phát biểu tự do rất vui, rất sôi nổi và thẳng thắn. Còn khi họp tổ thì làm việc rất mệt, rất siêng năng, có thể nói là rất khẩn trương. Mỗi tổ khoảng 20 thành viên, có một nghị phụ được bầu lên làm tổ trưởng. Ở tổ của tôi, Đức Hồng y Sarah, hiện giờ làm ở Bộ Phụng Tự, làm tổ trưởng. Và các thành viên thuộc nhiều nước khác nhau. Tổ của tôi nói tiếng Pháp. Tổ của Đức cha Đạo nói tiếng Anh. Đức cha Đạo biết tiếng Pháp nhưng ngài chọn tổ tiếng Anh. Tôi cũng biết tiếng Anh, nhưng tôi chọn tiếng Pháp bởi vì tôi rành tiếng Pháp hơn. Nói chung, cách làm việc là như vậy. Cuối cùng là bỏ phiếu trên những đúc kết của các tổ. Sửa đi sửa lại rất kỹ lưỡng và cuối cùng bỏ phiếu bằng cách bấm nút điện tử. Bỏ phiếu cho từng số trong 94 số của tài liệu cuối cùng. Chỉ nguyên đọc 94 số này không thôi cũng đã mất 2 tiếng đồng hồ, sau đó bỏ phiếu, làm việc kỹ lưỡng như vậy đấy!
Phóng viên: Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 14 về Gia Đình có bàn về sứ mạng và linh đạo gia đình. Xin Đức Tổng vui lòng giải thích cho chúng con về hai đề tài này.
Đức Tổng Giám mục: Sứ vụ của gia đình nằm trong chủ đề của Thượng Hội đồng: “Ơn gọi và sứ vụ của Gia đình trong Giáo hội và trong thế giới hôm nay”. Vì thế mà Thượng Hội đồng bàn rất kỹ về sứ vụ của các gia đình. Đặc biệt kỳ này, Thượng Hội đồng nhấn mạnh đến vai trò chủ động của các gia đình. Các gia đình không chỉ là đối tượng săn sóc của giáo hội mà thôi, nhưng còn là chủ thể của việc mục vụ. Chủ đề của tôi, “La famille, sujet de la pastorale”, cũng nằm trong đó: Gia đình là chủ thể của mục vụ cho nên gia đình phải hết sức tích cực mà đến với các gia đình khác, làm mục vụ tông đồ cho các gia đình khác, đặc biệt là các gia đình trẻ. Ở đây Giáo hội khuyên kết hợp giữa mục vụ gia đình và mục vụ giới trẻ. Còn về linh đạo gia đình thì đương nhiên dựa trên bí tích hôn phối, dựa trên tình yêu bất khả phân ly của bí tích hôn phối, sự trung thành yêu thương nhau cho đến cùng. Đặc biệt kỳ này nhấn mạnh đến linh đạo của lòng Chúa thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa phải đi sâu vào trong Giáo hội và đi sâu vào trong gia đình, để với lòng thương xót đó, người ta mới dễ tha thứ cho nhau trong lòng giáo hội, trong mỗi gia đình.
Phóng viên: Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 14 về Gia Đình đã kết thúc vào ngày 25-10-2015 và đã đưa ra được một bản Tóm lược Phúc trình chung kết. Theo Đức Tổng thì, trong bản Tóm lược này, những điểm nào nổi bật nhất, quan trọng nhất, cần phải được ghi nhớ và thực hành nhiều nhất?
Đức Tổng Giám mục: Trong bản Tóm lược Phúc trình gồm 49 số có 3 phần, phần thứ ba - phần sứ vụ của gia đình - chính là phần mà tôi cho là nổi bật nhất, cần phải được lưu tâm nhiều nhất. Trong phần thứ ba này có những chương rất quan trọng, ví dụ chương thứ nhất là chương đào tạo gia đình. Đào tạo để mà chuẩn bị hôn nhân. Đào tạo các cặp vợ chồng trong những năm đầu của cuộc sống gia đình. Phải đào tạo ngay cả những linh mục và những thừa tác viên làm mục vụ gia đình nữa. Nhấn mạnh tối đa việc đào tạo; và trong việc đào tạo, nhấn mạnh đến sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm. Một điểm nữa cần nhấn mạnh đó là sự đồng hành giữa những người làm mục vụ gia đình với các gia đình. Mục vụ gia đình có thể hiểu là được thực hiện bởi các giám mục, các linh mục; cũng có thể hiểu là bởi các giáo dân: các gia đình lớn hơn đồng hành với các gia đình non trẻ hơn.
Phóng viên: Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 14 về Gia Đình có giải quyết rõ rệt những vấn đề cụ thể nào hay không, thưa Đức Tổng?
Đức Tổng Giám mục: Có một vấn đề xem ra ai cũng muốn có hướng giải quyết cụ thể, đó là: những người ly dị rồi tái hôn bất hợp pháp có được xưng tội rước lễ hay không? Cái này, đối với Giáo hội, rất là khó. Giáo hội chỉ nêu lại một số nguyên tắc thôi, là phải tôn trọng ý nghĩa của các bí tích, bí tích của sự hợp nhất. Nếu không hợp nhất với nhau mà ly dị, thì làm sao có thể lên rước lễ được. Về điểm này, theo như tôi thì Giáo hội dứt khoát không cho.
Phóng viên: Xin Đức Tổng cho chúng con biết những đóng góp cũng như những tham luận của hai nghị phụ Việt Nam là Đức Tổng và Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo trong Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 14 về Gia Đình.
Đức Tổng Giám mục: Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo thì đọc tham luận trước tôi. Ngài nhấn mạnh rất nhiều về thập giá và ân sủng. Các gia đình phải đi qua thập giá thì mới nhận được ân sủng của Chúa và mới sống đời sống gia đình cho thật là tốt. Ngài trình bày khá rõ ràng. Có một lần khi góp ý tự do, ngài nhấn mạnh về thập giá một lần nữa. Có thể do điều kiện sống của Giáo phận Xuân Lộc mà ngài phát biểu như thế. Còn phần của tôi, chủ đề của bài tham luận là “Gia đình là chủ thể của mục vụ”. Mục vụ ở đây là mục vụ gia đình, trong này có mấy điểm tôi nhấn mạnh. Điểm thứ nhất là phải gây ý thức cho các gia đình về việc họ thuộc về Giáo hội. Nếu gia đình ý thức họ nằm trong lòng Giáo hội, yêu mến Giáo hội, gắn bó với Giáo hội thì bấy giờ mình sẽ dễ đồng hành với họ, giúp đỡ họ, chăm sóc họ và thúc đẩy họ làm việc tông đồ, làm mục vụ gia đình. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai mà tôi nhấn mạnh, đó là cố gắng tạo nên những cộng đoàn nhỏ gồm một số những gia đình rất thân thiện với nhau, yêu thương nhau để nhóm gia đình đó làm chứng cho niềm vui của Phúc Âm, giá trị của Phúc Âm. Các gia đình đó không phân biệt giàu nghèo, cùng nhau chia sẻ Phúc Âm, chia sẻ đời sống và cầu nguyện với nhau. Đó là điều thứ hai tôi nhấn mạnh. Điểm thứ ba là, ở Việt Nam có rất nhiều gia đình sẵn sàng dấn thân vào sứ vụ truyền giáo. Ví dụ, trong giáo xứ thật lớn, có hai nghìn gia đình, nghĩa là có khoảng mười mấy ngàn giáo dân, họ có thể dấn thân đi truyền giáo, đặc biệt là những gia đình trẻ. Dĩ nhiên, sứ vụ gia đình sẽ đòi hỏi dữ lắm, đòi hỏi một sự hoán cải không ngừng của Giáo hội, của chúng ta…
Phóng viên: Chúng con chân thành cám ơn Đức Tổng!
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20151105/32662
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét