Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 20-09 tại thủ đô La Habana
WHĐ (20.09.2015) - Sáng Chúa nhật 20-09-2015, trong khuôn khổ chuyến tông du Cuba từ 19 đến 22-09-2015, sáng Chúa nhật 20-09, tại quảng trường Plaza de la Revolución, thủ đô La Habana, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh lễ cùng đông đảo giám mục, linh mục và 300.000 giáo dân.
Sau đây là toàn văn bài giảng trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha.
* * *
Tin Mừng thuật lại Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ một câu hỏi có vẻ tọc mạch: “Dọc đường các con bàn tán gì vậy?”. Đó cũng có thể là câu hỏi Chúa đặt cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Hằng ngày các con bàn chuyện gì?”, “Các con ước ao gì?”. Tin Mừng cho chúng ta biết các môn đệ “không trả lời vì dọc đường họ tranh cãi với nhau ai là người trọng nhất”. Các môn đệ xấu hổ không dám kể lại cho Chúa Giêsu chuyện họ đã nói với nhau. Như các môn đệ ngày xưa, chúng ta hiện cũng có thể tranh cãi với nhau: ai là người trọng nhất?
Chúa Giêsu hỏi vậy thôi, Người không buộc các ông phải kể lại những điều họ nói với nhau dọc đường. Nhưng câu hỏi của Chúa không những vẫn vương vấn trong đầu mà còn nơi cõi lòng các môn đệ.
Ai là người trọng nhất? Đó là câu hỏi sẽ vương vấn suốt đời, khiến chúng ta phải đưa ra câu trả lời vào những lúc khác nhau trong cuộc đời. Chúng ta không thể tránh né câu hỏi đó, bởi nó đã được ghi khắc vào cõi lòng chúng ta. Tôi nhớ những lúc gia đình quây quần, người lớn hỏi trẻ con: “Con thương ai hơn, Mẹ hay Bố?” Như vậy cũng chẳng khác gì hỏi chúng: “Con thấy ai quan trọng hơn?” Phải chăng đây chỉ là trò chúng ta bày ra để chơi với con? Lịch sử nhân loại đã được ghi dấu ấn bởi câu trả lời của chúng ta đối với câu hỏi này.
Chúa Giêsu không sợ những câu dân chúng hỏi mình; Người không sợ nhân loại hoặc những điều chúng ta đang tìm kiếm. Trái lại, Chúa biết những “lắt léo” của lòng dạ con người, và, như một nhà mô phạm tài ba, Người luôn sẵn sàng khích lệ và nâng đỡ chúng ta. Bao giờ cũng vậy, Người đều đón nhận những điều chúng ta tìm kiếm, mong mỏi và mang lại cho chúng một chân trời mới. Bao giờ cũng vậy, bằng cách này cách khác, Người tìm câu trả lời có thể đặt ra thách đố mới, đặt sang một bên “những câu trả lời đúng”, những hồi đáp chuẩn mực chúng ta vẫn mong được mang lại. Bao giờ cũng vậy, Chúa Giêsu đều đặt trước chúng ta thứ “logic” của tình yêu. Một cách nghĩ, cách tiếp cận hướng đến sự sống mà mọi người có thể thực hành vì thấy nó có ý nghĩa.
Hoàn toàn xa lạ với chủ trương chỉ nhắm đến giới tinh hoa, chân trời Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta đi tới không dành cho một số linh hồn được đặc quyền nào đó mới có thể đạt tới tầm cao của sự hiểu biết hoặc những tầm vóc của đời sống thiêng liêng. Chân trời được Chúa Giêsu chỉ ra phải được chúng ta thực hiện bằng cuộc sống hằng ngày, tại đây, trên “hòn đảo” của chúng ta, những điều giúp cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta được mang hương vị của sự vĩnh cửu.
Ai là người trọng nhất? Chúa Giêsu trả lời đơn giản: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Ai muốn làm lớn thì phải phục vụ mọi người, chứ không phải được mọi người phục vụ.
Chúa Giêsu đã đưa ra ý kiến rất khác người khi các môn đệ tranh cãi nhau ai là người giữ vị trí cao nhất, ai được chọn để nhận những đặc quyền, ai là người sẽ đứng trên luật chung, chuẩn chung, để nổi bật khi dành quyền làm cấp trên mọi người. Ai sẽ leo nhanh nhất lên nấc thang chiếm được công việc mang lại lợi nhuận.
Chúa Giêsu lật ngược “logic” của họ, suy tính của họ một cách đơn giản khi bảo họ phải thực sự sống dấn thân cụ thể cho những người sống bên cạnh chúng ta.
Chúng ta phải lưu tâm đến lời mời gọi hãy phục vụ cách cụ thể. Phục vụ tha nhân chủ yếu là lưu tâm đến tình trạng dễ bị tổn thương của họ. Quan tâm đến người yếu ớt trong gia đình chúng ta, xã hội chúng ta, người dân chúng ta. Sự yếu ớt của họ mang gương mặt thống khổ, mong manh, thất vọng Chúa Giêsu bảo chúng ta phải chú ý và dạy chúng ta phải yêu thương. Mọi hành động và quyết định của chúng ta phải toát lên tình yêu thương. Mọi nhiệm vụ chúng ta được kêu gọi đảm nhận với tư cách công dân phải được thực hiện với tình yêu thương. Những con người bằng xương bằng thịt, những con người với cuộc đời và những câu chuyện của chính mình, với tất cả những yếu đuối: chính họ là những người Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta bảo vệ, chăm sóc, phục vụ. Là Kitô hữu, chúng ta phải cổ võ phẩm giá của anh em, chị em mình, phải tranh đấu và sống cho phẩm giá đó. Vì lẽ đó, các Kitô hữu không ngừng được mời gọi hãy gạt sang một bên những mong mỏi và khao khát của riêng mình, sự theo đuổi quyền lực, thay vào đó, hãy nhìn đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Có một loại “phục vụ” thực sự là phục vụ, vì thế chúng ta cần chú ý đừng để sa vào loại gọi là “phục vụ” nhưng chỉ là “phục vụ bản thân mình”. Đó là loại phục vụ chỉ biết quan tâm giúp “người của tôi”, “người của chúng ta”. Loại phục vụ này luôn luôn loại “người của anh” ra ngoài, làm nảy sinh sự loại trừ.
Qua ơn gọi làm Kitô hữu, tất cả chúng ta được mời gọi sống phục vụ thực sự, đồng thời giúp nhau đừng rơi vào cám dỗ của loại “phục vụ” mà thực chất chỉ là “phục vụ chính mình”. Tất cả chúng ta đều được Chúa Giêsu yêu cầu, kể cả thúc giục, hãy đem hết tình yêu thương quan tâm đến nhau. Không cần nhìn quanh để xem người bên cạnh mình có làm hay không. Chúa Giêsu nói với chúng ta “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Chúa không nói: nếu người hàng xóm của ngươi muốn làm người đứng đầu, hãy để hắn làm kẻ phục vụ! Chúng ta phải lưu ý tránh cái nhìn xét đoán và biết canh tân niềm tin của mình thành cái nhìn có sức biến đổi Chúa đang mời gọi chúng ta.
Việc đem hết lòng yêu thương săn sóc mọi người không phải là làm nô lệ, mà là đặt anh em, chị em mình vào vị trí trung tâm. Phục vụ luôn luôn nhìn vào gương mặt của anh chị em mình, chạm vào phần xác của anh chị em mình, cảm nhận họ rất gần gũi và kể cả nhiều lúc cố “nén lòng” giúp họ. Phục vụ không bao giờ mang tính ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ những ý tưởng, mà phục vụ những con người.
Dân thánh thiện và trung tín của Thiên Chúa tại Cuba là một dân tộc thích họp mặt, bạn bè, và những điều đẹp đẽ. Đó là một dân tộc đang đều bước với những khúc tụng ca. Một dân tộc có những vết thương, như mọi dân tộc khác, nhưng biết cách đứng dậy với cánh tay rộng mở, tiếp tục tiến bước trong hy vọng, vì có một ơn gọi cao quý. Hôm nay tôi mong anh chị em hãy chăm sóc cho ơn gọi này của anh chị em, chăm sóc những ơn Chúa ban cho anh chị em, và trên hết tôi mời gọi anh chị em quan tâm và phục vụ những anh chị em yếu đuối của mình. Đừng bỏ mặc những anh chị em này cho những kế hoạch có thể hấp dẫn nhưng lại không quan tâm đến khuôn mặt con người bên cạnh anh chị em. Chúng ta biết, chúng ta là những chứng nhân cho sức mạnh khôn sánh của sự sống lại, sức mạnh phục sinh “ở khắp nơi làm phát sinh những hạt giống cho một thế giới mới (x. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 276, 278).
Chúng ta đừng quên bài Tin Mừng hôm nay: tầm quan trọng của những con người, của dân tộc, và tầm quan trọng của những cá nhân, luôn được đặt trên nền tảng của cách họ tìm kiếm nhằm phục vụ những anh em, chị em yếu đuối của mình. Tại đây chúng ta gặp một trong những thành quả của nhân loại đích thực. “Ai không sống phục vụ, thì chẳng phục vụ cho sự sống”.
Thành Thi chuyển ngữ
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-tong-du-cuba-%E2%80%9Cai-khong-song-phuc-vu-thi-chang-phuc-vu-cho-su-song%E2%80%9D/7313.57.7.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét