Cách đây hơn 5 năm khi tôi còn làm việc tại giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm, giáo hạt Gia Định, Giáo phận Sài Gòn, một người tân tòng là cha của hai đứa trẻ, đến nói với tôi rằng “Thưa cha, vợ con lỡ kế hoạch mang thai đứa thứ ba. Vì lỡ kế hoạch nên vợ con mang thai rất gần với đứa thứ hai, chỉ cách có 8, 9 tháng. Hai lần trước vợ con đều sinh mổ, vết thương chưa ổn hoàn toàn. Bác sỹ bảo: Nếu muốn an toàn cho mẹ thì vợ con phải phá thai vì nếu để, thai nhi lớn dần lên và vết mổ có thể sẽ bị nứt, tính mạng của cả mẹ và con đều nguy hiểm. Chúng con hết sức hoang mang, không biết phải làm thế nào”.
Nghe anh nói, tôi thực sự băn khoăn. Là mục tử, tôi bảo anh làm theo lời khuyên của bác sỹ để vợ anh an toàn thì không được, vì làm thế là tôi đã cộng tác vào việc phá thai. Tôi, anh và cả vợ anh đều bị phạt vạ tuyệt thông tiền kết nếu hậu quả xảy ra là thai nhi bị phá (x. Gl 1398). Nếu tôi bảo chị giữ thai nhi lại, lỡ sự cố xảy ra như lời bác sỹ nói thì thật cũng không ổn: anh mất vợ, hai đứa con thơ của anh mất mẹ. Tôi đành nói với anh rằng: “Con chờ cha cầu nguyện một chút xem Thiên Chúa soi sáng thế nào”.
Quả thật, lời cầu nguyện chân thành cất lên trong những hoàn cảnh khó khăn giá trị biết bao! Tôi nói với anh: “Con ạ! Cha và con là người có đức tin. Đức tin cho ta lòng can đảm chấp nhận mọi thử thách trong cuộc đời. Đức tin chân thật có thể biến rủi ro thành may mắn, ít thành nhiều, không thành có… Đức tin mạnh mẽ có thể biến đau khổ, nước mắt thành niềm vui nụ cười, biến thập giá đau thương thành vinh quang rạng ngời. Đức tin và lòng mến có thể biến điều bình thường thành phi thường và nhất là phép lạ có thể xảy ra nhờ đức tin”.
“Vậy cha và con cùng phó thác chuyện của gia đình con cho Chúa. Nếu con cái là hồng ân Chúa ban thì Ngài có đủ quyền năng thu xếp mọi chuyện ổn thoả. Nếu Ngài muốn chúng ta đón nhận thập giá thì cha và con cùng đón nhận. Cha, con và vợ con cùng cầu nguyện để Chúa lo liệu”. Anh đã phần nào an tâm ra về. Thú thật là sau khi động viên và khuyên bảo anh, tôi vẫn lo lắng. Tôi cầu nguyện và nhờ nhiều người khác cùng tha thiết cầu nguyện cho gia đình anh. Ngoài việc cầu nguyện, cứ vài ba tuần tôi lại gọi điện thoại hỏi thăm động viên gia đình. Anh cho tôi biết sức khoẻ của vợ anh vẫn tốt và thai nhi cũng phát triển bình thường. Rồi mọi sự tiến triển tốt đẹp cho đến thời điểm vợ anh sinh con. Đến ngày sinh, vết mổ do sinh lần trước không sao. Tạ ơn Chúa “mẹ tròn con vuông”, chị sinh thêm một bé trai kháu khỉnh trong an bình hạnh phúc.
Đến ngày cháu lãnh nhận bí tích Rửa tội, anh đến xin tôi đỡ đầu cho cháu. Anh nói: “Thưa cha, nhờ cha mà cháu được sinh ra trên đời. Xin cha thương đỡ đầu cho cháu. Con hy vọng sau này cháu sẽ theo cha làm linh mục”. Tôi không thể từ chối lời đề nghị tha thiết của anh. Tôi đỡ đầu cho cháu, chăm chỉ cầu nguyện cho cháu và nhắc nhở anh chị giáo dục đức tin cho cháu và thường xuyên đưa cháu đến nhà thờ. Tạ ơn Chúa những gì tôi dặn dò đều được anh chị giữ gìn cẩn thận và nhất là anh chị cố gắng sống tốt để làm gương sáng đức tin cho các con.
Câu chuyện này làm tôi nhớ đến Bản Tuyên Ngôn của Hội Thánh về những quyền của gia đình. Theo số 4 của Bản Tuyên Ngôn, “Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối ngay từ khi thụ thai. Do đó, nghiêm cấm việc nạo phá thai, thí nghiệm và khai thác trên phôi thai người, can thiệp trên yếu tố di truyền của con người mà không nhằm đến việc điều chỉnh những trạng thái bất thường. Điều này cũng đòi buộc sự giúp đỡ cách đặc biệt đối với con cái và các bà mẹ trước và sau khi sinh từ phía chính quyền và người khác. Các trẻ em dù được sinh ra trong hay ngoài giá thú đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau để chúng được phát triển toàn diện”.
Hội Thánh làm thế vì tin rằng con cái là hồng ân cao quý nhất của hôn nhân và mang lại tối đa niềm hạnh phúc cho các cha mẹ. Chính Thiên Chúa đã phán: “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18); Ngài là Đấng “thuở ban đầu đã làm ra con người có nam có nữ” (Mt 19,4); chính Ngài muốn ban cho con người được tham gia đặc biệt vào công trình tạo dựng của Ngài, nên Ngài đã chúc lành cho người nam và người nữ. Ngài phán: “Hãy sinh sôi nảy nở” (St 1,28)
[1]. Vì sự sống phát xuất từ Thiên Chúa, là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân nên con người không được huỷ hoại sự sống vì bất cứ lý do gì “Ai thi hành việc phá thai và việc phá thai có kết quả sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết”[2].
Như vậy, mọi tín hữu đều có trách nhiệm bảo vệ và tôn trọng sự sống. Chúng ta bảo vệ sự sống bằng cách không trực tiếp hay gián tiếp phá thai, không cộng tác hay đồng tình với ý định phá thai của người khác, thuyết phục và giúp đỡ những người có ý định phá thai giữ lại thai nhi. Trong khả năng, các tín hữu phải tìm đủ cách để bảo vệ sự sống dù sự sống ấy ở độ tuổi nào. Về điểm này, nhiều giáo xứ và Giáo phận đã thành lập nhóm, các hội đoàn bảo vệ sự sống và an táng thai nhi. Hơn nữa, chúng ta cần giúp các bạn trẻ sống lành mạnh để việc mang thai ngoài ý muốn không xảy ra. Nói cách khác, chúng ta phải nỗ lực giáo dục đức tin cho các kitô hữu trẻ để họ không bị cuốn vào lối sống dễ dãi, phóng khoáng và hưởng của xã hội hiện đại.
Nói đến bảo vệ sự sống, người kitô hữu còn phải nghĩ đến sự sống siêu nhiên. Sự sống ấy đến từ Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội và triển nở theo năm tháng nhờ nỗ lực giáo dục đức tin của người hữu trách. Vì thế mà sau khi sinh, cha mẹ phải đem con đến nhà thờ để chúng được lãnh nhận bí tích Rửa tội. Cha mẹ không được bỏ bê việc giáo dục đức tin cho con cái cùng với các chủ chăn của mình. Họ giáo dục đức tin cho con bằng cách dạy con đọc kinh, cầu nguyện, đưa con đến nhà thờ, nhắc nhở con tuân giữ luật Chúa, động viên kịp thời khi con gặp khủng hoảng trong cuộc sống thường ngày cũng như trong đời sống đức tin… Làm như thế là các kitô hữu vừa thực hiện bổn phận bảo vệ sự sống tự nhiên vừa chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng sự sống siêu nhiên, sự sống đời đời rất chân quý nhất mà chính Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.
Sự sống là món quà tuyệt diệu nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Sự sống ấy gồm cả tự nhiên lẫn siêu nhiên. Vì sự sống đến từ Thiên Chúa, thuộc quyền Thiên Chúa nên con người không được huỷ diệt sự sống dưới bất cứ hình thức nào. Trái lại, họ phải gìn giữ và làm triển nở nó trong cả lĩnh vực tự nhiên lẫn siêu nhiên. Do đó, xúc phạm đến sự sống là xúc phạm đến chính Thiên Chúa, tác giả và cùng đích của sự sống; giết chết sự sống ở độ tuổi nào thì cũng là hỗn xược cướp quyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Ước mong cho mọi kitô hữu ý thức về sự cao quý của hồng ân sự sống cả tự nhiên lẫn siêu nhiên để bằng mọi giá họ không ngừng nỗ lực bảo vệ và làm cho sự sống được triển nở.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh
Nguồn: Giáo phận Bùi Chu
Đăng lại từ: http://www.ubmvgiadinh.org/article/b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-s%E1%BB%B1-s%E1%BB%91ng-t%E1%BB%B1-nhi%C3%AAn-v%C3%A0-l%C3%A0m-tri%E1%BB%83n-n%E1%BB%9F-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BB%A9c-tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét