Tòa Thánh vừa cho công bố bản tổng kết phiên họp toàn thể thứ ba của THĐ về Gia Đình, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha và của 184 nghị phụ.
Chủ đề theo thứ tự trong Tài Liệu Làm Việc là “Tin Mừng Gia Đình và Luật Tự Nhiên” (Phần I, chương 3) và “Gia Đình và Ơn Gọi Của Con Người Trong Chúa Kitô” (Phần I, chương 4). Khởi đầu phiên họp, THĐ được loan báo rằng Mật Nghị Hội Thông Thường, do Đức Thánh Cha triệu tập vào thứ Hai, ngày 20 tháng Mười, sẽ chú tâm vào tình hình ở Trung Đông, dựa trên kết quả một cuộc hội họp của các Đại Diện của Đức Giáo Hoàng và Bề Trên của nhiều Sở Bộ có năng quyền, được tổ chức tại Vatican từ 2 tới 4 tháng Mười. Chủ đề của mật nghị hội sẽ được Đức HY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Pietro Paroli, trình bày. Cuộc hội họp này cũng được sự tham dự của 6 Thượng Phụ Đông Phương và Thượng Phụ La Tinh của Giêrusalem, Đức Fouad Twal. Cuộc tranh luận chung sau đó đã tiếp diễn liên quan tới các vấn đề đã nêu ở trên. Mọi người đồng ý rằng cần phải có sự chuẩn bị hôn nhân nhiều hơn, để cuộc hôn nhân không những thành sự mà còn sinh hoa trái nữa. Có gợi ý cho rằng không những phải tìm phương thuốc cho sự thất bại của việc kết hợp vợ chồng mà còn phải tập chú vào những điều kiện giúp nó thành sự và sinh hoa trái nữa. Điều cần là truyền tải một viễn kiến về hôn nhân không coi nó như một đích diểm mà đúng hơn như một con đường dẫn tới một mục đích cao hơn, một con đường dẫn tới tăng trưởng con người và cặp vợ chồng, một nguồn sức mạnh và năng lực. Quyết định kết hôn là một ơn gọi đích thực và trong tư cách ấy, đòi có lòng trung thành và gắn bó để trở thành địa điểm thực sự của tăng trưởng và bảo vệ con người nhân bản. Vì lý do trên, phải đồng hành với các cặp vợ chồng xuyên suốt hành trình đời sống của họ, bằng một nền chăm sóc mục vụ gia đình thâm hậu và mạnh mẽ. Con đường chuẩn bị bí tích hôn phối, do đó, cần phải dài, được bản vị hóa và cũng phải nghiêm khắc nữa, không sợ vì thế mà giảm con số đám cưới cử hành trong Giáo Hội. Nếu không, sẽ có nguy cơ tràn ngập các tòa án bằng nhiều vụ án hôn phối. Một điểm nữa cũng đã xuất hiện trong cuộc thảo luận là ảnh hưởng của truyền thông đại chúng, đôi lúc có tính rất xâm phạm, trong việc trình bày những ý thức hệ trái ngược với tín lý Giáo Hội liên quan tới gia đình và hôn nhân. Về phương diện này, có người cho rằng người Công Giáo phải được che chở nhưng cũng phải được chuẩn bị tốt hơn: Giáo Hội phải cung hiến giáo huấn của mình một cách bén nhọn hơn, trình bày tín lý của mình không phải chỉ như bản danh mục các lệnh cấm, mà còn phải xích lại gần hơn với tín hữu, như Chúa Giêsu vốn làm. Với cung cách hành động tương cảm và dịu dàng này, ta sẽ có thể rút ngắn hố phân cách giữa tín lý và thực hành, giữa các giáo huấn của Giáo Hội và cuộc sống hàng ngày của các gia đình. Điều cần không phải là chọn lựa giữa tín lý và lòng thương xót, mà đúng hơn là bắt đầu một nền chăm sóc mục vụ thông sáng nhằm, trên hết, khuyến khích các gia đình đang gặp khó khăn, đôi lúc có cảm thức không thuộc về Giáo Hội. Cuộc tranh luận hôm nay, sau đó, đã một lần nữa hướng về các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn và những người ly dị và tái hôn dân sự. Có người cho rằng Giáo Hội không nên đem lại cho những người này sự phê phán mà là sự thật, với một cái nhìn thông cảm, vì con người lúc nào cũng muốn đi theo sự thật, và họ sẽ đi theo Giáo Hội nếu Giáo Hội biết nói sự thật. “Thuốc viên” thương xót cung hiến chấp nhận, chăm sóc và hỗ trợ. Cũng vì có người chứng tỏ rằng các gia đình đang đau khổ không tìm các giải pháp mục vụ chớp nhoáng, và họ không muốn chỉ là những con số thống kê, mà đúng hơn họ cảm thấy nhu cầu được gợi hứng, đựợc cảm nhận là mình được chào đón và yêu thương. Phải dành nhiều chỗ hơn cho hình thức luận lý bí tích hơn là luận lý pháp chế. Liên quan tới việc cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ, đã có sự nhấn mạnh rằng đây không phải là bí tích dành cho người hoàn hảo, mà đúng hơn cho những người đang đi đường. Giống như buổi chiều hôm qua, cuộc tranh luận tập chú vào nhu cầu đổi mới ngôn ngữ của việc công bố Tin Mừng và việc truyền tải tín lý: Giáo Hội phải cởi mở hơn với đối thoại, và phải lắng nghe trải nghiệm của các cặp vợ chồng cách thường xuyên hơn, vì không thể làm ngơ các cuộc đấu tranh và các thất bại của họ; đàng khác, các đấu tranh và thất bại này có thể là cơ sở cho một nền thần học đích thực và chân thực. Một lần nữa, liên quan tới vấn đề ngôn ngữ, một số bối rối đã được biểu lộ khi đề nghị cần phải đào sâu ý niệm vốn thuộc linh hứng Thánh Kinh là “trật tự tạo dựng” (order of creation), nếu có thể được nên đổi lại là “luật tự nhiên” cho có ý nghĩa hơn: ý kiến cũng thêm rằng thay đổi từ ngữ là điều không đủ nếu cây cầu đối thoại hữu hiệu với giáo dân không được xây dựng trước. Theo chiều hướng này, có người cho rằng nhu cầu thay đổi được tiên đoán rất nhiều và được nhiều người biết đến phải được hiểu như một hồi tâm mục vụ nhằm làm cho việc công bố Tin Mừng hữu hiệu hơn . Trong Phiên Họp, ba chiều kích chuyên biệt về gia đình đã được trình bày: ơn gọi phục vụ sự sống, khía cạnh truyền giáo hiểu như làm chứng cho Chúa Kitô qua việc hợp nhất gia đình, và chấp nhận người khác, vì gia đình vốn là trường đầu tiên dạy về “sự khác” (otherness), là nơi ta học được lòng kiên nhẫn và sự từ từ (slowness), ngược với cảnh ngược xuôi xô bồ của thế giới đương đại. Một chiều kích khác của đơn vị gia đình là sự thánh thiện, vì gia đình được giáo dục về thánh thiện là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Giáo Hội tiểu gia phục vụ phúc âm hóa, là tương lai của nhân loại. Các điểm khác được trình bày trong phiên toàn thể thứ ba liên quan tới tầm quan trọng của việc dạy giáo lý cho các gia đình, nhất là cho các trẻ em, và việc cầu nguyện trong bốn bức tường gia đình, để nó phát sinh ra một thế hệ đức tin đích thực, biến việc truyền tải đức tin từ cha mẹ xuống con cái thành khả hữu. Cuối cùng, nhu cầu đào tạo các linh mục và các giáo lý viên cách thấu đáo hơn cũng đã được nhấn mạnh. |
Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/130089.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét