Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

TGP New Orleans có thêm 2 giáo xứ Việt Nam - Tiệc gây qũy cho việc phong chân phước ĐHY Nguyễn Văn Thuận


GIÁO ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TỔNG GIÁO PHẬN NEW ORLEANS

Trong khi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ hân hoan đón mừng ngày trọng đại: Đại Lễ Tôn phong Hiển Thánh 2 Vị đại Giáo hoàng: Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại Châu thành Ngọc Lân (New Orleans) bang Louisiana hiệp cùng Giáo Hội hoàn vũ và đón nhận tin vui: Ngày 15.4.2014, trong lịch trình Tuần Thánh, Đức Tổng Giám mục Gregory M. Aymond công bố: Thành lập 2 Giáo xứ thể nhân cho Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam: Giáo xứ Thánh Giuse (Woodlawn) do Cha Chánh xứ Jos. Trần Đình Thắng và Giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời (Avondale) do Cha Chánh xứ P. Nguyễn Thanh Hoài. Cả hai Cha sở mới với nhiệm kì 6 năm và có thể vẫn tiếp tục nhiệm kì kế tiếp do nhu cầu Mục vụ. Như vậy, hiện nay, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại New Orleans có 4 Giáo xứ: Gx Maria Nữ Vương Việt Nam và Đền Thánh Đức Mẹ La Vang, Gx Thánh Lê Thị Thành, Gx Thánh Giuse và Gx Đức Mẹ Lên Trời.

Ngược dòng thời gian, ngay sau đợt người Việt đầu tiên tị nạn tại Hoa Kì sau biến cố 30.4.1975, vào tháng 9.1975, có khoảng 20 gia đình Việt Nam từ trại tạm cư Fort Chaffee (Arkansas), Indiantown Gap (Pennsylvania) về cư trú tại Versailles Arms Appartments, thuộc New Orleans East. Cuối năm 1975, đã có 600 người Việt cư ngụ tại Châu thành Ngọc Lân nhỏ bé thân thương này. Nhận thấy nhu cầu Mục vụ cấp bách cho Cộng đồng Người Việt Công Giáo tại đây, Đức Tổng Giám mục Philip M. Hannan đã ngỏ ý mời Cha Trần Công Nghị về New Orleans để lo Mục vụ cho khối Giáo dân đông đảo này. Đó là lí do hình thành Trung tâm Mục vụ cho Người Việt tại đây. Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại New Orleans được khai sinh đi tiên phong trong công tác mục vụ tông đồ riêng cho người tị nạn Việt Nam dù trong hoàn cảnh khó khăn lúc ban đầu.

Ngày hôm nay, gần 4 thập niên (1975-2014) Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam đã lớn mạnh với Đức Tin kiên vững, kiện toàn những cơ sở vững chắc cả về Tôn giáo lẫn duy trì Văn hoá Dân tộc. Thành quả này đạt được là do Hồng ân của Chúa và Mẹ Maria từ ái cùng với lòng quảng đại bao dung của Đức TGM Philip M. Hannan và công sức của các Linh mục khai phá lúc ban đầu và những thế hệ Linh mục kế tiếp cũng như toàn thể Cộng đồng Dân Chúa.

Để đáp lại nguồn Hồng ân vô biên, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam New Orleans đã tổ chức Mừng kính ngày Đại Lễ Tôn phong Hiển Thánh nói trên rất long trọng bởi: Hai Vị Đại Giáo hoàng đã thương Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, thể hiện tình Phụ tử một cách rất đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Nhân dịp này, các Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam gồm các Linh mục Việt Nam, các Hội đồng Mục vụ, các Đoàn thể Công Giáo Tiến hành, một số Thương gia có tâm huyết và toàn thể Cộng đồng Dân Chúa New Orleans cùng chung tay nỗ lực tổ chức Dạ Tiệc Gây Quĩ Tiến trình Phong Chân Phước Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận vào buổi tối Chúa Nhật 27.4.2014. Hai Cha sở Trần Văn Nam và Nguyễn Văn Nghiêm đã là những đầu tầu cho buổi tổ chức thành công mãn nguyện này. Khách đặc biệt trong buổi Dạ tiệc này là Bà Thu Hồng (em gái út Đức Hồng Y)…

Sau đây, người viết xin được ghi lại đôi dòng về Hai Vị Đại Giáo hoàng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam:

ĐẠI LỄ TÔN PHONG 2 THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII & GIOAN PHAOLÔ II

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN 23

Đức Gioan XXIII tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, ra đời ngày 25.11.1881, tại làng Sotto il Monte, ngoại ô Bergamo, trên đồi miền bắc Italy, là trưởng nam sau ba cô con gái của ông bà Giovanni và Marianna Roncalli. Cha mẹ Ngài có 9 người con và sinh sống bằng công việc nông trại. Chú Angelo (Thiên thần) gia nhập Tiểu Chủng viện Bergame năm 11 tuổi (1892), Đại Chủng viện năm 1895. Hết năm Thần học II, Thầy Angelo vào Học viện Thần học Roma đầu năm 1901 (20 tuổi). Ngài là một Đại Chủng sinh xuất chúng. Dù bị gián đoạn việc học hành trong 2 năm, từ cuối năm 1901 đến 1902 vì nghĩa vụ quân sự, Ngài đã chịu chức Phó Tế vào năm sau đó và Linh mục vào ngày 10.6.1904.

Sau khi Ðức Piô XII tạ thế vào năm 1958, các Hồng Y được triệu hồi về Vatican. Thế giới ngạc nhiên sửng sốt vô cùng, khi Đức Roncalli được bầu lên ngôi Giáo Hoàng ngày 28.10.1958, lúc Ngài đã 77 tuổi. Ngài đã lấy danh hiệu Giáo Hoàng "Gioan XXIII", COI NHƯ KIM CHỈ NAM của Ngài về đời sống đạo đức: Thánh Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ Chúa Kitô và Gioan, Người Thương Mến (John the Beloved), môn đồ Chúa Kitô.

Do sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, Đức Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng Vaticano II, một Hội nghị Cách mạng hoá Giáo Hội, canh tân Phụng vụ, mở cửa đối thoại với các Tôn giáo khác và thẩm định: Dân tộc Do thái không chịu trách nhiệm tập thể về sự tử nạn của Chúa Yêsu Kitô, vị sáng lập Thiên Chúa giáo.

Ngày 7.12.1959, sau hơn một năm cai quản, Ðức Gioan XXIII đã chính thức đặt tên cho Công Ðồng là "Vaticano II, Một Lễ Hiện Xuống Mới" và chọn ngày 5.6.1960, đúng ngày Lễ Hiện Xuống, để thành lập 12 Ủy ban và 3 Văn phòng Đặc trách chuẩn bị Công đồng. Với Tông huấn "Humanae Salutis" ban hành ngày 25.12.1961, Ngài quyết định triệu tập Công đồng năm 1962 và tự sắc "Concilium" ký ngày 2.2.1962, đã ấn định ngày khai mạc Công đồng là ngày 11.10.1962. Ngài chỉ chủ toạ được kì họp thứ I, từ ngày 11.10 đến ngày 8.12.1962. Ba kì họp sau, đã được diễn tiến dưới Triều vị kế nhiệm, Ðức Phaolô VI.

Ðức Gioan XXIII đã khiêm tốn nói rằng: Công đồng Vaticano chỉ "mở cánh cửa sổ để luồng gió tươi mát thổi vào Giáo Hội. Nhưng Thế giới đều nhìn nhận, đó là "một biến cố lớn lao trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Ngài trị vì Giáo Hội chỉ trong 5 năm. Qua bệnh ung thư, Ngài đã được gọi về Thiên quốc ngày 3.6. 1963. Tuy thời gian rất vắn vỏi, Ngài đã được lịch sử đánh giá là "một vị Giáo Hoàng cải cách rất được yêu mến của thời đại mới." Quần chúng Ý gọi Ngài là "Vị Giáo Hoàng của lòng nhân hậu”.

Đối với Giáo Hội Công Giáo VN luôn ghi ơn Ngài:

* Ngày 16 - 18.2.1959, cử Hồng Y Đặc sứ Agagianian, chủ toạ Đại hội Thánh mẫu toàn quốc lần đầu tiên trong lịch sử tại thủ đô Sàigòn.

* Ngày 24.11.1960, Đức Gioan XXIII đã kí Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập

Hàng Giáo phẩm Công Giáo VN với 3 Giáo Tỉnh:

- Giáo Tỉnh Hà Nội: TGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê
- Giáo Tỉnh Huế: TGM Phêrô Mạctinô Ngô Đình Thục.
- Giáo Tỉnh Sàigòn: TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Đồng thời thành lập 3 Tân Giáo phận: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên. Bổ nhiệm 4 Tân Giám mục: Gm Trần Văn Thiện (Mỹ Tho), Gm Nguyễn Văn Thiện (Vĩnh Long), Gm Nguyễn Kim Điền (Cần Thơ), Gm Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên.

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Đức Gioan Phaolô II tên thật là Karol Józef Wojtyła sinh vào ngày 18.5.1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan (Poland). Là con cựu Sĩ quan trong quân đội Habsburg. Rửa tội ngày 20.6.1920. Ngài lớn lên với cha mẹ ở Rynek. Sau, gia đình chuyển tới Krak Via Tyniecka. Rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi và lãnh Bí tích Thêm sức lúc 18 tuổi.

Thời niên thiếu, Ngài có tiếp xúc nhiều lần với nhóm người Do Thái tại Kraków. Trong thời Đức quốc xã chiếm Ba Lan trong Đệ nhị Thế chiến, Ngài đã làm việc trong một mỏ đá và một nhà máy hoá học. Khi còn trẻ, Ngài đã là một vận động viên, một diễn viên, một nhà soạn kịch và một nhà ngôn ngữ học (Ngài biết đến 11 ngôn ngữ). Từ năm 1941, quyết tâm giã từ kịch trường và gia nhập ứng sinh Chủng viện Kraków và phân Khoa Thần học của Ðại học Jagiellonia. Karol Wojtyła được phong chức Linh mục ngày 1.11.1946. Sau đó, Karol Wojtyla du học Roma, tại Ðại học Angelicum của Dòng Ða minh và tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học.

Năm 1948, về Ba Lan, giảng dạy môn Luân lí tại Đại học Bách khoa Jagiellonian và sau này tại Đại học Công Giáo Lublin. Ngày 4.7.1958, Ngài được Đức Pio XII bổ nhiệm Giám mục Phụ tá Hồng Y Wyszynski, Giáo phận Kraków và 4 năm sau – ngày 30.12.1963 Đức Phaolô VI bổ nhiệm Tổng Giám mục Kraków. Ngày 26.6.1967, được Đức Phaolô VI vinh thăng Hồng Y.

*Lúc 16:30 Thứ Bảy 14.10.1978, được đề cử là vị Giáo Hoàng thứ 264 kế vị Thánh Phêrô, ở tuổi 58.

Ngày 22.6.1980, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tới Foyer Phát Diệm (Roma) thăm các Giám mục VN tới Visita ad Limina Apostolorum. Đức TGM Nguyễn Kim Điền đang tường trình lên Đức Thánh Cha những khó khăn của Giáo Hội VN. Đức ông Trần Ngọc Thụ bên phải ĐTC.

ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II & Giáo Hội Công Giáo VIỆT NAM

* 26.5.1979: Vinh thăng TGM Giuse Trịnh Văn Căn lên Hồng Y, Tổng Giám mục Hà Nội.
* 7.01.1998: Chọn Đức ông V. Trần Ngọc Thụ làm Đệ nhị Bí thư. Đây là vinh dự duy nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
* 19.6.1988: Tại Đền Thánh Phêrô, Roma: Tôn phong 117 Anh hùng Tử đạo Việt Nam lên bậc Hiển Thánh.
* 24.11.1994: Vinh thăng TGM PJ Phạm Đình Tụng lên Hồng Y, Tổng Giám mục Hà Nội.
* 24.6.1998: Bổ nhiệm TGM FX Nguyễn Văn Thuận: Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lí & Hoà bình.
* 21.2.2001: Vinh thăng TGM Nguyễn Văn Thuận lên Hồng Y tại Giáo triều Roma.
* 21.10.2003: Vinh thăng TGM GB Phạm Minh Mẫn lên Hồng Y, Tổng Giám mục Sàigòn.
* 25.4.2004: Bổ nhiệm Đức ông Dom. Mai Thanh Lương - người Việt đầu tiên tại Hoa Kì - Giám mục phụ tá Giáo phận Orange, California.
* 2.4.2005: Đức Gioan Phaolô II qua đời sau một thời gian dài chịu đựng những cơn bệnh hiểm nghèo.
*** Trong suốt Triều đại Giáo hoàng (1978 - 2005) Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm 40 Vị gồm Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Giám quản… trên khắp 3 Miền Đất nước của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Muôn ngàn đời Tạ ơn Ba Ngôi Cực Thánh đã ban cho Giáo Hội một Vị Đại Giáo Hoàng, một Vĩ nhân của thời đại – Deo Gratias.

Châu thành Ngọc Lân (New Orleans) Louisiana – Lễ Chúa Phục sinh 4.2014 Nhịlangsơn lược thuật

TỪ “TÔI TỚ CHÚA” ĐẾN “ĐẤNG ĐÁNG KÍNH”: ĐHY PX. NGUYỄN VĂN THUẬN

Trong Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ, đặc biệt từ năm 1983, tiến trình Phong Thánh cho một tín hữu phải trải qua nhiều giai đoạn và trong mỗi giai đoạn có một danh xưng khác nhau:

* Tôi Tớ Chúa (Servant of God)
* Đấng Đáng Kính (Venerable)
* Chân Phước (Blessed). Trước đây còn được gọi là Á Thánh.
* Thánh (Saint)

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện có 4 vị đang thuộc một trong các giai đoạn kể trên:

1. Chân phước Andrê Phú Yên, Thày Giảng thuộc Dòng Tên (Jesuit Catechist), vị Tử Đạo đầu tiên ở Việt Nam (Protomartyr of VN), 1624-1644.
2. Tôi tớ Chúa Phanxicô Trương Bửu Diệp, Linh mục, Giáo phận Cần Thơ, 1897-1946.
3. Tôi tớ Chúa “Marcel” Joakim Nguyễn Tân Văn, Tu sĩ, Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorist – C.Cs.R.), 1928-1959.
4. Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y, 1928-2002.

Chân Phước Andrê Phú Yên đã được kể là Vị Tử Đạo (Martyr) nên tiến trình Phong Thánh của Ngài khác với Đức Hồng Y Thuận và Thày Marcel Văn, hai vị này được gọi là các “Đấng Tuyên Xưng Đức Tin” (Confessors). Riêng Cha Bửu Diệp đang được thỉnh cầu để cũng được Toà Thánh chấp nhận là Vị Tử Đạo.

Mặc dù qua đời sau, nhưng tiến trình Phong Thánh của ĐHY Nguyễn Văn Thuận đã đạt kết quả sớm hơn Cha Diệp và Thày Văn. Giai đoạn điều tra cấp Giáo phận ở Roma (Diocesan Inquiry) của Ngài đã kết thúc ngày 5 tháng 7, 2013. Từ đây, vị Cáo Thỉnh viên (Postulator), ông Hilgeman Waldery, sẽ tổng hợp tất cả các hồ sơ về Đức Hồng Y Thuận trong một “tập Luận án” (Positio) để trình lên Bộ Phong Thánh (Congregation for the Causes of Saints).

Sau những nghiên cứu thêm và nhiều cuộc hội họp của một Ủy ban gồm các Hồng Y và Giám mục trong Bộ Phong Thánh, nếu mọi sự xuôi thuận, Ủy ban này sẽ đệ trình lên Đức Thánh Cha để Tôn phong danh xưng Đấng Đáng Kính cho Ngài. Từ thời điểm này, tiến trình phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Thuận sẽ bao gồm một phép lạ, được Bộ Phong Thánh điều tra kĩ lưỡng và Toà Thánh chấp nhận phép lạ đó là có thật, do Đấng Đáng Kính, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bầu cử. Kế đó, Đức Thánh Cha sẽ ban Sắc chỉ (decree) tôn phong Ngài là Chân phước. Nghi thức phong Chân Phước sẽ được cử hành cách trọng thể tại Đền Thánh Phêrô (Saint Peter Basilica) ở Roma. Một phép lạ thứ hai sẽ “nâng” Ngài lên bậc Hiển Thánh.

Tiệc gây qũy cho tiến trình phong chân phước ĐHY Thuận (photo: Phạm Mân)


LỊCH SỬ CÁC VỤ ÁN PHONG THÁNH

Các Đấng Tử Đạo (Martyrs)

Một điều hiển nhiên là Giáo Hội Công Giáo không tạo ra các “Chúa” mới trong việc phong Thánh. Giáo Hội chỉ đơn thuần ghi nhận những tín hữu đã có một đời sống đức tin sâu thẳm và những nhân đức anh hùng. Những vị ngày, theo Giáo Hội Công Giáo, chỉ đơn thuần là những bạn hữu và tôi tớ của Chúa, xứng đáng được Ngài yêu thương cách đặc biệt vì cuộc sống Đức tin ở trần gian của họ.

Các tín hữu Công Giáo thờ phượng (latia) Chúa và chỉ một Chúa duy nhất mà thôi, nhưng vẫn kính mến (dulia) các Thánh, vì những ân thiêng mà họ được Chúa ban đã đưa họ tới cuộc sống đời đời - mà qua đó - họ cùng trị vì với Chúa trên nước Trời như những tôi tớ trung thành và thân hữu của Ngài. Sự kính mến cao nhất (hyperdulia) được dành cho Đức Mẹ Maria.

Dĩ nhiên, Giáo Hội Công Giáo tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tim. 2:5-6), nhưng Ngài không chỉ là Đấng Trung gian (Mediator) duy nhất, cũng không phải là Đấng Bầu cử (Intercessor) duy nhất.

Công Đồng Chalcedon, năm 451, các Nghị phụ đã tung hô: “Flavianus sống sau khi chết, xin Đấng Tử Đạo cầu cho chúng tôi!” Thực ra việc tôn kính Đấng Tử Đạo đã được ghi nhận từ thời Thánh Polycarp, tử đạo năm 155, trong Giáo Hội ở Smyrna. Tuy nhiên vào thuở ấy, các việc tôn kính này vẫn còn trong vòng cục bộ, đồng thời Giáo Hội Công Giáo không “tự động” ban phép tôn kính trong phụng vụ cho tất cả các Đấng Tử Đạo.

Các Đức Giám Mục địa phương, sau khi điều tra cẩn thận, được quyền ban phép Tôn kính những Đấng đã chịu Tử Đạo trong Giáo phận của các Ngài. Việc tôn kính (cultus) này đôi khi còn lan đến các Giáo phận lân cận hay cả Giáo Hội Hoàn vũ nữa như trường hợp của các Thánh Lawrence, Cyprian of Carthage, Giáo Hoàng Sixtus of Rome.

Các Đấng Tuyên xưng Đức Tin (Confessors)

Việc Tôn kính các Đấng Tuyên xưng Đức Tin đã bắt đầu sau sự Tôn kính các Đấng Tử Đạo. Ngày nay, các Thánh được gọi là “Đấng Tuyên xưng Đức Tin” đơn giản chỉ vì các Ngài đã không Tử Đạo. Nhưng từ thuở đầu, danh xưng này chỉ được dùng để tuyên dương những vị đã can đảm và anh dũng Tuyên xưng Đức tin trước sự bách Đạo từ những kẻ thù của Giáo Hội, các Ngài đã bị tra tấn hành hạ dã man nhưng không chết vì Đạo Chúa. Đến khoảng thế kỉ thứ IV, việc Tôn kính các Đấng Tuyên xưng Đức Tin đã trở nên khá phổ biến, Thánh Cyprian đã ca tụng rằng: Các Ngài được ân thưởng dồi dào (multiplex corona). Tuy nhiên, mãi đến thế kỉ thứ VIII, việc chính thức Tôn kính các Ngài trong phụng vụ của Giáo Hội mới được ghi nhận.

Qua nhiều thế kỉ, các Đức Giám Mục bản quyền có thể cho phép Tôn kính các Thánh, thuộc cả hai hình thái, một cách chính thức và công khai trong Giáo phận của mình. Nhưng chỉ Đức Thánh Cha mới có quyền cho phép Tôn kính cách rộng rãi trong toàn Giáo Hội.

Đến khoảng cuối thế kỉ thứ XI, việc Tôn kính các Thánh phải được các nghị phụ của một Công Đồng Chung (General Council) chấp thuận, sau khi đã điều tra kĩ lưỡng. Cuối cùng, Đức Thánh Cha Urban, năm 1634, đã ra Tông thư (Bull, Apostolic Letter) quyết định rằng: Chỉ Toà Thánh (the Holy See) mới có quyền tuyên phong Chân phước (Beatification) và Hiển Thánh (Canonization).

Tiến trình Phong Thánh cho một vị Tử Đạo

Để Phong Thánh một vị Tử đạo, Giáo Hội vẫn giữ hai giai đoạn đầu như tiến trình Phong Thánh cho một vị Tuyên xưng Đức Tin, đi từ danh xưng Tôi tớ Chúa đến Đấng Đáng Kính và từ cấp Giáo phận đến cấp Toà Thánh.

Để được tôn vinh là Đấng Đáng Kính, vị Tử Đạo phải được một Ủy ban đặc biệt (particularis), gồm nhiều Hồng Y và Giám mục từ Bộ Phong Thánh cũng như do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm, cùng khẳng định là xác thực, sau khi đã điều tra về ba phương diện: Bằng chứng của cuộc Tử đạo, nguyên nhân của việc Tử đạo và các phép lạ (Constare de Martyrio, causa Martyrii et signis). Tuy nhiên, ở hai cấp Chân phước và Hiển Thánh, tiến trình này có thể diễn tiến rất nhanh vì Đức Thánh Cha có quyền “miễn” các phép lạ cho vị Tử đạo.

Tông Hiến “Divinus Perfectionis Magister”

Như đã nói ở trên, ngày 25.01.1983, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (được Tôn phong Hiển Thánh ngày 27.4.2014) đã công bố Tông hiến (apostolic constitution) “Divinus Perfectionis Magister” bản tiếng Anh là “Divine Teacher and Model of Perfection” (Thày Dạy Thánh và Gương Mẫu của Sự Trọn Hảo).

Vài tuần sau, Bộ Phong Thánh cũng công bố những qui luật để hướng dẫn các Giáo phận về tác vụ Thánh thiêng này. Thực ra, đây là một cải tổ đã được bắt đầu từ thời Đức Thánh Cha Phaolô VI, mà điểm đặc biệt nhất là việc hủy bỏ văn phòng “Cổ động Đức Tin” (Promotor fidei) hay thường được gọi là văn phòng “Biện Hộ Cho Quỉ” (Devil’s Advocate), chuyên tìm những lí do để ngăn cản hay từ chối tiến trình Phong Thánh.

Có lẽ cũng nhờ vậy mà sau đấy việc Phong Thánh trong Giáo Hội đã gia tăng rất nhiều, nhất là Các Thánh Tử Đạo ở Á Châu, trong đó có 117 Thánh Tử Đạo và Chân phước Andrê Phú Yên của Việt Nam. Tông hiến còn xác định bốn giai đoạn cần thiết cho việc Phong Thánh như đã ghi ở phần trên.

Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của chúng ta đang chờ để được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong là Đấng Đáng Kính hay còn được gọi là “Anh hùng trong Nhân Đức (Heroic in Virtue).

Đúng vậy, Bộ Phong Thánh sẽ duyệt xét kĩ càng về các nhân đức của ĐHY Thuận lúc còn sinh thời, những nhân đức Thần học như Tin, Cậy, Mến và những nhân đức cốt yếu như Khôn ngoan (Prudence), Công minh (Justice), Can đảm chịu đựng (Fortitude), Tiết độ (Temperance).

Vì chưa phải là bậc Hiển Thánh nên Đấng Đáng Kính chưa có “Lễ Kính” (Feast day), không được lấy tên Ngài để đặt tên cho các Nhà thờ… nhưng các thiệp cầu nguyện (prayer cards) có thể được in, đồng thời các tín hữu cũng được khuyến khích cầu nguyện để phép lạ có thể xảy đến, qua lời bầu cử của Ngài, như một dấu chỉ của Ý Chúa về việc tôn phong Ngài là Chân phước và sau đó là Hiển Thánh.

TRƯỜNG HỢP CỦA TỔNG GIÁO PHẬN NEW ORLEANS, LOUISIANA

Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, đã có cơ duyên rất tốt đẹp với Tổng Giáo phận New Orleans thuộc Tiểu Bang Louisiana. Khởi đi từ năm 1996, lúc ấy Đức đương kim Tổng Giám mục New Orleans, Gregory M. Aymond, còn là Linh mục Giám đốc Đại Chủng viện Notre Dame. Cha Giám đốc Aymond đã theo dõi gương can đảm đến anh hùng của Đức Hồng Y Thuận từ những tháng ngày Ngài còn bị Chánh phủ Cộng sản Việt Nam giam cầm, hành hạ… nên khi có “cơ hội”, Ngài đã minh bạch tỏ lòng ngưỡng mộ và quí mến của mình đối với vị “Anh Hùng Trong Nhân Đức” bằng cách quyết định trao tặng Đức Hồng Y Thuận văn bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại Chủng viện. Sau này, khi được vinh thăng Hồng Y, Đức Hy Thuận đã viết thơ cho Đức Aymond, lúc đó cũng đã được vinh thăng Giám mục, rằng: Bây giờ, trong số các ‘sinh viên tốt nghiệp’ từ Đại Chủng viện Notre Dame, New Orleans, đã có người gia nhập hàng Hồng Y của Giáo Hội…”

Tháng 7.2013, Đức Tổng Giám mục Aymond đã bay qua Roma để dự lễ kết thúc cuộc điều tra cấp Giáo phận của Đức Hồng Y Thuận (the Closure of the Diocesan Inquiry). Sau khi trở lại New Orleans, Ngài đã khuyến khích các Linh mục gốc Việt, nhất là các Linh mục đang chăm sóc Mục vụ cho 5 Nhà thờ Việt Nam - thuộc hai Giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam và Thánh Agnes Lê Thị Thành - phát động và cổ võ việc cầu nguyện xin ơn phép lạ qua lời bầu cử của Đức Hồng Y Thuận.

Ngài còn cho phép các Nhà thờ thu tiền lần thứ hai để yểm trợ tiến trình phong Chân phước cho Đức Hồng Y Thuận. Nhân cơ hội, các giáo dân có lòng, mà đa số là những thương gia gốc Việt trong Tổng Giáo phận, đã tự động đứng lên chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc gây quĩ cho công cuộc chính đáng này.

Hiện nay, tất cả các cuộc thu tiền lần thứ hai và gây quĩ đã qui về một mối. Tuy nhiên, Ban Tổ chức vẫn gặp một khó khăn khá tế nhị: Ngân khoản quyên góp được nên gửi về đâu và cho ai?

Đức Tổng Aymond đã có giải pháp chính đáng và theo đúng nguyên tắc của Giáo Hội: Tất cả ngân khoản quyên góp được sẽ gửi về Toà Tổng Giám mục. Kế đó, Toà Tổng Giám mục sẽ chuyển về Toà Khâm sứ (Office of the Nuncio) ở thủ đô Washington D.C. và Toà Khâm sứ sẽ chuyển đến văn phòng của Tiến trình phong Chân phước cho Đức Hồng Y Thuận ở Roma.

Trường hợp rất đặc biệt của Tổng Giáo phận New Orleans nên được xem như một “mô hình” cho các cuộc khuyến khích Cầu nguyện và vận động tài chánh cho Tiến trình phong Chân Phước của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Việc vận động cho Chân phước Andrê Phú Yên cũng như 2 Tôi tớ Chúa Marcel Văn và Phaxicô Trương Bửu Diệp cũng nên được linh động và dàn xếp theo từng địa phương và Giáo phận.

Linh mục và Giáo dân gốc Việt khắp nơi trên Thế giới có thể dùng mô hình vận động này trong Giáo phận của mình. Ở thời buổi thông tin bùng nổ ngày nay, chỉ cần một cuộc điện đàm giữa các vị chủ chăn là mọi việc đều trở nên minh bạch và sòng phẳng.

Lm Phaolô Nguyễn Văn Tùng 

(Tài liệu tham khảo: Catholic Encyclopedia và nhiều trang mạng liên hệ đến đề tài)
(1) Tập biên soạn “Nhân dịp lễ giỗ 10 năm, Tôi Tớ Chúa: Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.” của Anrê Lê Thiện Sĩ, cựu Chủng sinh Huế, An Ninh 1947; trang 41. (2) Cùng nguồn, trang 43.
(2) Vài kỉ niệm với ĐHY Nguyễn Văn Thuận của LM Nguyễn văn Tùng
(3) Đọc thêm: Ngững tâm sự lịch sử của ĐHY Nguyễn văn Thuận của Mặc Vân


Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/125150.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét