Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Tin Mừng Chúa nhật 13 thường niên - Năm B

01-07-–-chua-nhat-13-thuong-nien-b

PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43
"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. {Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".} Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Hạnh Thánh Vinhsơn Đỗ Yến, tử đạo ngày 30.06.1838

Thánh
Vinhsơn ĐỖ YẾN
Linh mục dòng Đa Minh (1764 - 1838)
Ngày tử đạo: 30 tháng 6
Tôi sẵn lòng chịu chết,
chứ không nói dối để được sống.
Thánh Vinhsơn Đỗ Yến sinh năm 1764 tại Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Năm 1798, cha được Đức cha Delgado - Y phong chức linh mục. Sau đó cha từng bị bắt nhưng được tín hữu dùng tiền chuộc về.
Ngày 22/07/1807, cha Vinhsơn Đỗ Yến lãnh áo dòng Đa Minh. Nhiệt tâm với sứ vụ, cha Vinhsơn không nề quản mệt nhọc hiểm nguy, luôn vui tươi, khôn ngoan, bình tĩnh và dịu hiền. Cha từng đảm trách xứ Kẻ Mốt trước khi về Kẻ Sặt, Hải Dương.
Năm 1838, chiếu chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng được thi hành triệt để. Cha xứ Kẻ Sặt Vinhsơn Đỗ Yến đau lòng chứng kiến cảnh giáo dân bị cưỡng ép hạ ngôi thánh đường do bao công sức vất vả xây dựng nên. Vì thương đoàn chiên, ngài ở lại giữa họ, nay nhà này mai nhà khác, ban đêm lo cử hành phụng vụ, ban ngày đi thăm giáo dân.
Khi hay tin cha Đỗ Yến vẫn ở Kẻ Sặt, quan quân liền tăng cường việc lùng bắt và đe dọa tàn phá bình địa làng Sặt. Để đoàn chiên được yên ổn, vị chủ chăn âm thầm ra đi, hoàn toàn tín thác vào bàn tay Chúa quan phòng. Tại họ Lực Đin, Hưng Yên, cha Yến bị ông cai Phan cho người bắt và giải về Hải Dương.
Tuần phủ Hải Dương vốn có lòng nhân hậu, đề nghị cha khai mình là lang y để có thể tha. Nhưng cha trả lời: “Không, tôi không phải là thầy lang. Tôi là thầy cả chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết vì lẽ đó, chứ không nói dối để được sống”.
Quan tìm cách khác để cứu cha. Ông cho vẽ vòng tròn chỗ cha đứng, bảo ngài bước qua đó như bước qua Thánh Giá vậy. Một lần nữa cha lại cương quyết từ chối: “Làm như thế không khác nào tôi chối đạo”. Quan tuần phủ thấy không thể làm lay chuyển đức tin vị linh mục lão thành, liền làm sớ gửi về kinh. Để khỏi phải đích thân xử án người vô tội, quan xin triều đình cho giải cha về nguyên quán là tỉnh Nam Định, nhưng vua Minh Mạng không chấp thuận và kết án tử hình tại chỗ.
Bản án ký ngày 20/06/1838. Trong ba tuần lễ bị giam, nhờ sự can thiệp của ông lang Hàn, cha Đỗ Yến không phải mang gông xiềng và được giáo hữu đến thăm.
Ngày 30/06/1838, quan tuần phủ thi hành bản án. Cha Vinhsơn hiên ngang tiến ra pháp trường ở gần họ Bình Lao, cách thành Hải Dương một cây số về phía Tây. Gương mặt hiền từ của vị linh mục lão thành đáng kính với dáng điệu thanh cao khiến nhiều người xúc động.
Tới nơi ngài quỳ gối cầu nguyện thật sốt sắng, rồi lý hình thi hành phận sự. Quan tặng một tấm vải để tẩm liệm, truyền khâu đầu vị tử đạo vào cổ, và cho phép tín hữu họ Bình Lao đưa về an táng. Tám tháng sau, tín hữu cải táng thi hài vào nhà thờ Thọ Ninh.
Linh mục Vinhsơn Ðỗ Yến được suy tôn chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
(Nguồn WHĐ)

ĐTC Phanxicô tấn phong 14 Hồng y mới


VATICAN. ĐTC nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng hoán cải nội tâm và cải tổ, ngưng chăm lo tư lợi và hãy quan tâm đến lợi ích của Chúa Cha, đó chính là chìa khóa truyền giáo.

Ngài nhấn mạnh tư tưởng trên đây trong bài giảng tại công nghị lúc 4 giờ chiều hôm qua, 28-6, tại đền thờ Thánh Phêrô để phong 14 Hồng Y mới.

Buổi lễ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phêrô dưới hình thức một buổi phụng vụ. Sau khi một đại diện tiến chức kính chào và cám ơn ĐTC, ngài đọc lời nguyện và mọi người lắng nghe bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) kể lại trong hành trình theo Chúa lên Jerusalem, hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong vinh quang.

Trong bài huấn dụ, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng trên đây và nhận xét rằng Thánh Sử Tin Mừng không ngại tỏ lộ một số bí mật nơi tâm hồn các môn đệ, đó là sự tìm kiếm những chỗ nhất, ghen tương, tị ngạnh, mưu mô, thu xếp và thỏa hiệp.. Chúa Giêsu không cho phép những cuộc tranh luận vô ích và tham chiếu bản thân xảy ra giữa lòng cộng đoàn các môn đệ.

Chúa cảnh giác: ”Chiếm được cả thế gian mà lại bị tiêu hao trên trong thì ích gì? Chiếm được toàn thể giới thì có ích gì khi trong cộng đoàn người ta rơi vào cạm bẫy những mưu mô làm nghẹt thở, làm cho con tim và sứ mạng truyền giáo bị khô cằn? Trong tình trạng như thế, như một số người đã nhận xét, người ta có thể thấy những âm mưu trong các tòa dinh thự và cả trong các giáo phủ của Hội Thánh”.

** Trước thái độ trên đây của các môn đệ, ĐTC nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Giữa các con không được như vậy!”.. Qua đó Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng hoán cải, biến đổi nội tâm và cải tổ Giáo Hội đang và sẽ là chìa khóa truyền giáo, vì đòi hỏi phải chấm dứt việc coi và chăm sóc tư lợi của mình, để nhìn và chăm sóc quyền lợi của Chúa Cha. Sự hoán cải từ bỏ tội lỗi và ích kỷ của chúng ta không bao giờ là một mục tiêu tự nó, nhưng chủ yếu nhắm tăng trưởng trong sự trung thành và sẵn sàng chấp nhận sứ vụ”. ĐTC không quên nhắc nhở các tân Hồng Y noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã không sợ cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Ngài nói: ”Huân chương cao nhất chúng ta có thể được đó là phục vụ Chúa Kitô nơi dân trung thành của Thiên Chúa, nơi người đói, bị lãng quên, nơi tù nhân, bệnh nhân, người nghiện ngập, bị bỏ rơi, nơi những con người cụ thể với lịch sử riêng, những hy vọng, mong đợi và thất vọng, những đâu khổ và vết thương của họ. Chỉ như thế quyền bính của vị chủ chăn mới có hương vị Tin Mừng và sẽ không phải như thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1 Cr 13,1).

Nghi thức phong Hồng Y được tiếp tục với phần xướng danh các tiến chức và các vị tuyên xưng đức tin, cùng đọc lời tuyên thệ trung thành và vâng phục ĐTC, cam kết chu toàn nghĩa vụ của mình. Sau đó mỗi vị tiến lên trước ĐTC để ngài đội mũ đỏ và trao sắc phong chỉ định nhà thờ hiệu tòa và trao nhẫn cho mỗi vị. Lễ tấn phong kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.

Cũng chiều hôm qua, từ 18 đến 20 giờ, 14 tân Hồng Y được phân làm 3 nhóm để tiếp các tín hữu và khách đến chúc mừng: 3 vị thuộc giáo triều Roma tại 2 sảnh dường trong dinh Tông Tòa, 11 vị còn lại tại hai địa điểm ở hành lang Đại thính đường Phaolô 6. (Rei 28-6-2018)


Giuse Trần Đức Anh OP

Tình bạn với Chúa Giêsu: phương thuốc cho sự cô đơn và ích kỷ đối với giới trẻ tại Nhật Bản


Kyoto – “Tình bạn với Chúa Kitô và một Giáo hội "sống động" là thuốc giải độc cho sự cô đơn và ích kỷ, điều gây đau khổ cho giới trẻ Nhật Bản. Đó là lời chứng của cha Antonio Camacho, một nhà truyền giáo đến từ Guadalupe và là người lãnh trách nhiệm năm giáo xứ của giáo phận Kyoto.

Cha Antonio nói: “Ở Nhật Bản, những người trẻ sống một mình, theo đuổi vật chất, và ‘họ không quan tâm đến cuộc sống, Giáo hội ... bất cứ điều gì’. Họ có mọi thứ - tiền bạc, truyền hình, trò chơi - nhưng họ không có 'ánh sáng'. Họ không muốn kết hôn hoặc có bạn trai hay bạn gái, họ ích kỷ: họ muốn ở một mình. Một trong những nhiệm vụ của tôi là chỉ cho họ thấy rằng một cuộc sống khác là có thể, rằng cuộc sống có thể thú vị và đẹp. Những người trẻ Nhật có rất ít thời gian rảnh, kể cả các hoạt động của trường cũng mở rộng vào cuối tuần và công việc bán thời gian trong 'konbini' (minimarket): Họ kiếm tiền và làm nhiều thứ, nhưng họ không có thời gian để tận hưởng chúng".

Cha tiếp tục: “Xã hội Nhật Bản rất ‘phức tạp’ và nếu bạn không thuộc về một nhóm, bạn không có gì. Tôi đã gặp một cô gái có ý định tự tử với đầy những vết cắt trên cánh tay cô ấy. Cô nói với tôi: 'Tôi không biết gì về cuộc sống, về ý nghĩa của cuộc sống. Không ai quan tâm đến tôi, ngay cả cha tôi, mẹ tôi hay trường học. Tốt hơn là tôi chết. Tôi trả lời: 'bạn có thể chết, nhưng bạn cũng có thể quyết định tận dụng cơ hội để trở nên tốt hơn, và nếu bạn muốn tôi sẽ đi bên bạn, chia sẻ ý nghĩa cuộc sống. Một mình rất khó để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, có một người bạn là điều rất quan trọng'. Cô ấy trả lời: 'Tôi không có bạn', và tôi nói với cô ấy rằng cô ấy đã có một người. Đó là một điều rất đơn giản, nhưng đối với cô ấy là một cơ hội để tự cứu mình".

Đối với cha Camacho, điều quan trọng nhất là "sống với giới trẻ", như một sự hiện diện và một nhà thờ "sống". Vì lý do này, các giáo xứ ở Kyoto "mở cửa cho những người trẻ" với các cuộc họp mặt và trại vào mùa hè và mùa đông. Mỗi tháng, vị linh mục đến thăm một trường đào tạo y tá, do các nữ tu dòng Đa Minh tổ chức. "Một số bạn trẻ trong số họ có một ý tưởng về Thiên Chúa, nhưng họ không biết đức tin. Do đó điều quan trọng là phải hiện diện".

Nhà truyền giáo tiếp tục: “Tháng trước, tôi phát biểu tại một trường học, có 15 người. Đó là một cơ hội để truyền giảng Tin Mừng, nơi Chúa Giêsu nói: 'Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, bởi vì tôi tớ không biết điều chủ làm; nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, bởi vì tất cả những gì thầy đã nghe từ Cha, thầy đã cho bạn biết' [Ga 15:15]. Sau bài phát biểu, có một điều đã đánh động tôi, bởi vì họ chú ý, và họ nói với tôi: 'Bây giờ chúng tôi biết rằng chúng tôi có một người bạn là Chúa Giêsu Kitô'. Tôi nói với họ: 'Các bạn có một người bạn, Chúa Giêsu Kitô, người sẽ ở bên cạnh bạn và sẽ giúp đỡ bạn với mọi cách thức và phương tiện''.

Theo cha Camacho, những người trẻ cần phải làm bạn với nhau và "không chỉ là bạn học, mà là chia sẻ những ước mơ và mọi thứ trước mặt họ". Một cuộc họp phải vượt qua biên giới của đất nước, và nhìn đến với phần còn lại của thế giới, nắm bắt mọi cơ hội: từ cuộc gặp mặt với người Việt trẻ nhập cư, người Philippines và người Mỹ gốc Latin đến Nhật làm việc, cho đến Thế vận hội mùa hè tới. Cha cho biết: "Vào năm 2020 sẽ có nhiều Kitô hữu và Công giáo tham dự Thế vận hội: đây là một dịp quan trọng, chúng ta phải cho thế giới biết rằng Giáo hội Công giáo Nhật Bản tồn tại, và làm cho các Kitô hữu trẻ trên thế giới gặp gỡ các Kitô hữu trẻ của Nhật Bản và chia sẻ đức tin của họ".(Asia News 26-6-2018)

Ngọc Yến

Quốc vương Jordan Abdullah II được trao giải Templeton 2018

Quốc vương Jordan Abdullah II được trao giải Templeton 2018

Hôm thứ Tư 27 tháng Sáu 2018, Quỹ John Templeton của Anh Quốc đã trao giải Templeton năm 2018 cho Quốc vương Abdullah II của Jordan vì ông đã “cống hiến cho sự hoà hợp nội bộ của Hồi giáo và giữa Hồi giáo với các tôn giáo khác, hơn tất cả các nhà lãnh đạo chính trị khác”.

Sau Rabbi người Anh Jonathan Sacks vào năm 2017, Quốc vương của Jordan đã được chọn để trao giải Templeton của năm nay; và chính vào lúc tình hình chính trị - xã hội của Jordan đang gặp bất ổn.

Giải thưởng trị giá 1,1 triệu bảng Anh này (khoảmg 1,5 triệu euro), nhằm tôn vinh một người “có đóng góp xuất sắc cho chiều kích tinh thần của đời sống bằng tư tưởng, khám phá hay hoạt động của mình”.

Thông cáo của Quỹ John Templeton cho biết Quốc vương Abdullah II được trao giải Templeton năm nay “vì sự cống hiến của ông trong việc tương trợ và hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo”. Từ khi lên ngôi năm 1999, Quốc vương Abdullah II đã dành ưu tiên cho việc hiện đại hoá xã hội Jordan và sự hoà hợp của Hồi giáo.

Năm 2004, ông đưa ra “Thông điệp Amman” nổi tiếng, trong đó ông kêu gọi tất cả các quốc gia Hồi giáo thăng tiến Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Thông điệp hoà bình này, được đưa ra khi kết thúc cuộc chiến ở Iraq, mời gọi người Hồi giáo đừng làm cho sự hài hoà giữa người Shiite và người Sunni trong khu vực suy yếu thêm nữa. Nhiều lần, ông nói rằng khủng bố và bạo lực không có chỗ trong tôn giáo.

Hài hoà bên trong Hồi giáo và giữa các tôn giáo

Năm 2005, Quốc vương Abdullah II quy tụ 200 nhà trí thức đại diện cho nhiều xu hướng Hồi giáo khác nhau. Kết quả của cuộc gặp gỡ này là tài liệu mang tên “Ba điểm của thông điệp Amman”. Tài liệu nhìn nhận tính hợp thức của tám trường phái Hồi giáo, cấm tuyên bố bội giáo giữa người Hồi giáo với nhau và thiết lập những điều kiện cho việc ban hành các fatwa [1].

Tuyên bố của Quỹ John Templeton cũng tôn vinh hoạt động của Quốc vương Abdullah II trong lĩnh vực đối thoại liên tôn. Năm 2010, ông đề nghị thành lập Tuần lễ Hoà hợp Tôn giáo Toàn cầu. Tuần lễ này – được thông qua tại Khoá họp lần thứ 65 của Đại Hội đồng của Liên Hiệp Quốc – sẽ diễn ra vào tháng Hai hằng năm, nhằm “nhấn mạnh đòi hỏi cấp bách về đạo đức phải cổ vũ và hiểu biết các giá trị hoà bình vốn có trong mọi tôn giáo” [2].

Tổ chức Templeton được đặt theo tên của Sir John Marks Templeton (1912–2008), một tỉ phú người Anh. Ông là nhà đầu tư chứng khoán và một người hoạt động từ thiện. Giải thưởng Templeton thành lập từ năm 1972.

Trong số những người đã nhận giải Templeton trước đây, có những tên tuổi lớn như: Mẹ Têrêsa Calcutta (1973 - lần đầu tiên), Thầy Roger Schütz (1974), Đức hồng y Leon Joseph Suenens (1976), Chiara Lubich (1977), tiểu thuyết gia người Nga Alexander Solzhenitsyn (1983), Đức Đạt Lai Lạt Ma (2012) hay Jean Vanier (2015) – người sáng lập phong trào L’Arche (Con Tàu [Noe]).

Minh Đức

Nguồn: la-croix.com
–––––––––––––––––––
[1] Fatwa là ý kiến về vấn đề luật pháp, những quyết định pháp lý từ những chuyên viên tôn giáo, đạo đức Islam, ngoài hai nguồn tham khảo chính là thiên kinh Coran và Hadith (truyền thống liên quan đến tiên tri Mohamed) – Xem Dictionnaire de L’Islam, Brebols, 1995, tr. 156.






[2] Từ năm 2011, Tuần lễ này được Cộng đồng tôn giáo Baha’i tổ chức tại Việt Nam và mời nhiều đại diện các tôn giáo khác tham gia.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH PHÊRÔ & THÁNH PHAOLÔ - Bổn mạng Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Cầu Lớn




HAI CỘT TRỤ CỦA HỘI THÁNH
Lễ thánh Phêrô và Phaolô

Khi đọc lại lịch sử của hai vị thánh Phêrô và Phaolô, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì hai con người này hai tính khí khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau, nhưng đã bổ túc cho nhau khiến hai Đấng trở nên cột trụ vững chắc cho Giáo Hội của Chúa Kitô ở trần thế. Thánh Phêrô,vị tông đồ trưởng đã bộc trực thưa với Chúa Giêsu ba lần “ Ngài yêu mến Chúa”, nhưng sau đó lại chối Chúa ba lần. Còn thánh Phaolô, một con người bắt bớ Giáo Hội của Chúa, đã bị Chúa làm cho tan nát trên đường đi Đamas.

HAI KHUÔN MẶT. MỘT NIỀM TIN:

Tin mừng Matthêu thuật lại, các môn đệ sau khi theo Chúa một thời gian khá dài,có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu, người thì bảo là Êlia, người bảo là Giêrêmia hay là một ngôn sứ nào đó,còn các môn đồ nghĩ sao? Chúa Giêsu muốn biết tấm lòng và sự hiểu biết của các tông đồ đối với Chúa Giêsu như thế nào và đây làđiềuNgàimuốnbiết. Ông Simon Phêrô vẫn nhanh nhảu, nóng nảy, bộc trực đã thưa với Chúa Giêsu:” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”( Mt 16, 16 ). Chúa Giêsu đã rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô và đây là câu trả lời Chúa Giêsu muốn biết. Đức Giêsu nói với Simon Phêrô:” Này anh Simon, con ông Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”( Mt 16,17 ).Đức tin của Phêrô đã giúp Ông thốt lên và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chính nhờ đức tin, sự xác tín và sự tuyên xưng của Simon Phêrô, Chúa Giêsu đã đat thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh ( Mt 16, 18 ).

Còn Phaolô, sau khi bị Chúa đánh cho ngã ngựa trên đường Đamas đang khi thực hiện ý đồ triệt hạ các môn đệ và Giáo Hội của Chúa, Phaolô đã nghe tiếng Chúa nói:” Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ? ". Ông nói:” Thưa Ngài, Ngài là ai ?". Người đáp:”Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ.”(Cv 9, 4-5 ). Sao-lô tức Sa-un đã được Khanania đặt tay chữa lành và làm cho Sa-un được sáng mắt do quyền năng của Chúa và Ông đã lại thấy được, Ông đứng dậy vàlãnh nhận phép rửa( Cv 9,17-19 ).Từ hôm đó Ông đã mạnh dạn rao giảng về Chúa khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi:” Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao ? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?”( Cv 9, 21 ). Phaolô đã làm bẽ mặt những người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia( Cv 9, 22). Thánh Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó Ông và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa ( Cv 9, 28 ). Thánh Phêrô và thánh Phaolô mỗi người một cách suy nghĩ, mỗi người một tính khí nhưng dưới ánh sáng của Tin Mừng, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, hai Ngài đã trở thành hai cột trụ vững chắc cho Giáo Hội nhờ đức tin của các Ngài được Chúa củng cố.

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ NÊU GƯƠNG TÔNG ĐỒ CHO TA:

Dù thánh Phêrô đã chối Chúa tới ba lần, dù trước đó Ngài đã cương quyết theo Thầy tới cùng, nhưng khi nghe Chúa loan báo cuộc thương khó Ngài phải chịu để cứu độ nhân loại, Phêrô không thể hiểu được Thầy mình, Ông đã cản ngăn đường Chúa đi,Chúa đã khiển trách Phêrô rất nặng lời, cho ông là Satan, ma quỉ. Nhưng Phêrô đã nhận ra con người của Chúa sau ba lần chối Thầy. Phêrô cũng chỉ nhận ra tình yêu và lòng xót thương của Chúa sau những giọt nước mắt tang thương, ăn năn, sám hối. CònPhaolô chỉ nhận ra Chúa khi Ông hăm hở, lấc cấc, hăng say truy lùng, bắt bớ các môn đệ của Chúa. Ông chỉ hiểu được lòng tha thứ và tình thương của Chúakhi Ông ngã ngựa và đôi mắt bị mù lòa trên đường Đamas. Hai thánh nhân đều ý thức việc quay trở lại với Chúa, đều cảm nghiệm tình thương xót hải hà của Chúa. Hai Ngài đã rất thực, sống hoàn toàn như mình nghĩ và cũng hồi sinh mau chóng khi hiểu được con người đầy xót thương của Chúa Giêsu. Nên, dù hai tính khí, hai nền giáo dục, hai khả năng, hai cách làm việc khác nhau, thánh Phêrô và thánh Phaolô đã bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo Hội của Chúa vững chắc ở trần gian này. Hai vị thánh tông đồ đã nêu gương sáng cho nhân loại, cho Hội Thánh, cho từng người về lòng nhiệt thành, sự can đảm và sự say mê truyền giáo của các Ngài. Hai Ngài còn cho nhân loại thấy dù yếu hèn, dù tội lỗi, dù kém tài, Chúa vẫn luôn dùng tới nếu con người biết tin, cậy và quay trở về với Chúa. Mỗi một con người đều có chỗ đứng trong trái tim Chúa. Chúa thương yêu con người không chung chung, có lệ, nhưng Chúa gọi tên từng người một vì “Ta biết chiên và chiên biết Ta “.Chúa dùng mọi người, dùng mỗi người với tất cả những gì đang có, những khuyết điểm, những hạn hẹp của con người, Chúa xử dụng tất cả để làm phong phú, đa dạng và làm nổi bật quyền năng, uy dũng của Ngài. Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô là lễ kính mầu nhiệm Hội Thánh đặt nền tảng trên các Ngài. “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các Ngài, Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trng thành tuân giữ lời các Ngài giảng dậy” ( Lời nguyện nhập lễ, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, tông đồ ).

GỢI Ý CHIA SẺ:

1.Bạn hiểu gì về hai thánh Phêrô và thánh Phaolô?
2.Tại sao các tông đồ lại hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa phục sinh?

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Đại Lễ Tấn Phong Đức Giám Mục Thanh Hóa Giuse Nguyễn Đức Cường

Vào lúc 7 giờ ngày 27/6/2018, tại thánh đường giáo xứ mẹ Chính Tòa – Giáo phận Thanh Hóa đã diễn ra thánh lễ lịch sử: tấn phong Giám mục giáo phận cho tiến chức là Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng với sự tham dự của mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận Thanh Hóa.


Tháng 6 hàng năm vẫn trôi qua lặng lẽ với tiếng trống trường gióng lên những hồi cuối để chìm vào giấc ngủ hè, với những cánh phượng rực rỡ tô điểm cho sắc trời những màu đỏ ấm nóng. Trên các cánh đồng, một vụ mùa nữa lại về tưới đẫm những giọt mồ hôi mặn chát trên những khuôn mặt mang dấu ấn thời gian và nhuộm màu nắng.

Nhưng năm nay, tháng 6 còn trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết với Giáo phận Thanh Hóa bởi biết bao sự kiện mang dấu ấn lịch sử đều diễn ra trong khoảng thời gian tưởng chừng như quen thuộc này. Đó là nỗi buồn chia ly với vị Giám mục thân thương đồng hành cùng giáo phận suốt 14 năm keo sơn, gắn bó. Đó là những trái ngọt thánh hiến từ những người con ưu tú của giáo phận được gọi mời lên hàng tông đồ, mục tử chăn chiên nhân lành của giáo phận. Đó là khánh thành Chủng viện Lê Bảo Tịnh, tiền thân từ Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh, nơi ươm mầm, đào tạo và trổ bông ơn gọi thánh hiến cho giáo phận. Đó còn là trang mới, bước tiến mới của giáo phận với thánh lễ tấn phong giám mục cho Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường – một người con tha hương của giáo phận, trở về quê mẹ trong vai trò mới, nhiệm vụ mới, thử thách mới, “thả lưới ở vùng nước sâu” xứ Thanh.

Hoan ca hồng ân


Trong cuộc đời của mỗi tín hữu, thật hiếm có cơ hội để dự một thánh lễ có sự hiện diện đủ đầy của mọi thành phần dân Chúa như hôm nay. Xúc động thay trên gian thánh đường của xứ mẹ Chính Tòa có các Bề trên thượng cấp của Giáo Hội Việt Nam, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội cùng các Đức Giám mục các giáo phận trên lãnh thổ Việt Nam. Vui mừng thay khi đoàn dân Chúa tham dự thánh lễ của mọi độ tuổi khác nhau, các dân tộc khác nhau, từ muôn phương trên mọi miền tổ quốc. Hạnh phúc thay, không gian và tiết trời cũng ưu ái ban cho ngày đặc biệt của giáo phận khí hậu mát mẻ, dịu dàng hiếm hoi của mùa hè bỏng lửa. 

Có lẽ Chúa yêu thương đoàn chiên của Ngài nơi giáo phận Thanh Hóa lắm lắm mà tuôn đổ xuống trang sử giáo phận biết bao ơn lành như vậy.

Trước khi bước vào thánh lễ trọng đại, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh – Nguyên Giám mục giáo phận Thanh Hóa, chủ phong thánh lễ tấn phong Giám mục hôm nay đã nhấn mạnh ý nghĩa của ngày 27/06/2018 này: “Đây là một trang sử mới của giáo phận, mở ra một thời kỳ tiến bước vững vàng hơn với vị chủ chăn mà Chúa chọn cho con dân Thanh Hóa. Đây cũng là một ngày của tình hiệp thông, ngày đức tin triển nở, ngày Chúa rọi tình yêu của Ngài xuống một cách mãnh liệt nhất”.


Đức ông Yovko Pishtiyski, Tham tán Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, đọc thư của Đức TGM. Marek Zalewski, Tân Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, chúc mừng Đức Giám mục Tân cử Giuse và giáo phận Thanh Hóa. 


Những tiếng trống giòn giã của đội trống Ba Làng cất lên sang sảng giữa trời Thanh Hóa. Những tiếng kèn ngân nga, réo rắt gọi mời con thảo đến với ý nguyện tuyệt vời của Chúa giữa đời. Những tiếng hát kết hợp với tiếng nhạc du dương làm rộn ràng lên một bầu khí căng tràn sức sống. Trong tâm tình hoan ca ấy, toàn thể dân Chúa có mặt tại giáo xứ Chính Tòa – giáo phận Thanh Hóa bước vào thánh lễ.


Thánh lễ của tình hiệp thông 


Dẫu dòng đời mỗi thời một biến chuyển nhưng qua dòng chảy của hơn 20 thế kỷ qua đi, Chúa vẫn luôn đồng hành với con người bằng tình cảm mến yêu chu toàn. Chưa bao giờ Người bỏ rơi con người bơ vơ nơi cõi trần thế. Bằng chứng rằng, Người luôn phái gửi tới những mục tử ưu tú, đại diện của Người để chăm sóc đoàn chiên, định hướng dẫn lối con người về bên Ngài trên quê thiên quốc.

Vì vậy, Đức TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh kêu mời mọi tín hữu hãy bước vào thánh lễ với tấm tình con thảo tri ân Đấng Tối Cao vì ơn lành Ngài luôn tuôn đổ dạt dào nơi cõi tạm này. Và Đức Tổng cũng mời gọi cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho tiến chức là Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường. Dù ngài là hiện thân của Chúa giữa thế gian nhưng ngài cũng là con người như chúng ta. Ngài cần hơn ai hết sự động viên, chia sẻ, lời nguyện cầu để tiếp sức cho ngài hoàn thành sứ vụ “thả lưới nơi nước sâu” mà Chúa đã trao tay.

Là tiền bối, huynh trưởng của Đức tân Giám mục, Đức TGM. Giuse đã cùng với giáo dân Thanh Hóa, mở rộng vòng tay để vị chủ chăn mới của giáo phận sẵn sàng đáp lại lời gọi mời của Hội Thánh. Hôm nay đây, khi Đức Tổng Giuse trao mũ Mitra, gậy, và nhẫn cho vị tân Giám mục, cũng chính là lúc người từ biệt ngôi nhà giáo phận Thanh Hóa thân thương. Với những món quà vô giá Đức Tổng để lại, giáo phận Thanh Hóa nguyện mãi tin yêu, đồng hành với Đức tân Giám mục đáp lại tấm lòng mến yêu của người.

Đức Cha tân cử là linh mục giáo phận Đà Lạt, nơi mà đa số giáo dân là đồng bào dân tộc. Chính ngài đã làm cha sở một giáo xứ mà đa số tín hữu là dân tộc K’ho. Vì vậy, phụng vụ thánh lễ hôm nay có sự xuất hiện của tín hữu dân tộc K’ho để tỏ tình hiệp thông với Đức Cha tân cử. 


Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường là một người con của Thanh Hóa nhưng được cưu mang bởi giáo phận Đà Lạt, đây cũng là nơi Tân Giám mục Thanh Hóa mục vụ trước khi bước lên vị trí chủ chăn như ngày hôm nay. Vì vậy trong mối tình huynh đệ tông đồ, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương đã có bài chia sẻ tâm tình trong thánh lễ trọng đại ngày 27/6 này. Rất tiếc vì sức khỏe không cho phép, Đức cha Antôn không thể có mặt, vì vậy Đức cha Đa minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục phó giáo phận Đà Lạt, đã truyền đạt bài giảng thay cho ngài trong thánh lễ hôm nay. 


Bài chia sẻ của Đức cha Antôn xoáy sâu vào những ý niệm xung quanh châm ngôn giám mục của Đức cha Giuse: “Hãy ra chỗ nước sâu”. Đó là một con đường chẳng mấy bằng phẳng, chẳng có hoa hồng mà Đức cha Giuse chọn để dấn thân. Chỗ nước sâu tức là những nơi thử thách nhất, khắc nhiệt nhất. Nhưng Đức cha Giuse chọn vâng lời, chọn hành động, chọn đến với những người ở vùng ngoại vi, người khó nghèo, người bất hạnh trong cuộc đời trần thế… để ban phát tin yêu của Đấng tối cao. Đức cha Antôn cũng cầu chúc cho Đức cha Giuse – vị Giám mục thứ 5 của giáo phận Thanh Hóa bình an, vững tin trong sứ vụ thả lưới nơi nước sâu của cuộc đời mục tử.

Tham dự thánh lễ hôm nay, ngoài đoàn chiên Công giáo, còn có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ và những người không cùng niềm tin. Có lẽ những mối tình mà họ có thể cảm nhận được nơi thánh lễ hôm nay thật hiếm gặp ngoài đời. Bởi với người Công giáo, dù có ở đâu, dù có khác nhau như thế nào, cũng chỉ là con cái trong một gia đình. 

Truyền chức tân Giám mục – biểu tượng cao trọng của sự vâng phục


Ngày 14/06/2018 vừa qua, hình ảnh truyền chức cho 5 tân linh mục đã làm rung động biết bao trái tim tin yêu của người tín hữu. Nhưng viên mãn nhất vẫn chính là nghi thức truyền chức Giám mục hôm nay. Trong lời chúc mừng nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã khéo léo nối kết giữa hai biến cố lãnh nhận thiên linh mục và giám mục nơi vị tiến chức. Ngài gọi đó chính là công thức “2 trong 1” mà xã hội ngày nay vô cùng ưa chuộng. Nhớ lại cách đây 26 năm, đúng vào ngày này, Đức cha Giuse tân cử hôm nay được Chúa chọn vào hàng tư tế linh mục. Có sự trùng hợp nào ý nghĩa hơn thế!

Một bầu khí linh thiêng bao trùm khi tiếng kinh cầu các thánh vang lên, lời thề được tuyên đi, nghi thức trao nhẫn, mũ, gậy giám mục cho Đức cha tân cử qua bàn tay của Đức TGM. Giuse.


26 năm cũng là cả một quá trình cố gắng tu luyện của vị linh mục sốt sắng, hết lòng với công cuộc reo rắc Tin Mừng cứu độ. 26 năm Chúa thử thách Đức cha Giuse với muôn vàn biến cố. Tất cả để chuẩn bị cho ngày hôm nay, Đức Cha bước lên cương vị mới được vẹn toàn. Giám mục giáo phận Thanh Hóa không phải là đóng lại cuộc đời nỗ lực của người chăn chiên nhân hậu, mà là mở ra sứ mệnh mới của Đức cha to lớn hơn, trọng đại hơn, khắc nghiệt hơn, và cần nhiều hơn sự cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa.

Bước sang nửa thứ hai của cuộc đời, khi lưng đã bắt đầu hơi chùng xuống, tóc thì bắt đầu điểm màu lạ, đôi bàn tay bỗng nhiên xuất hiện những đốm đồi mồi, khuôn mặt thì điểm những vết chân chim; nhưng Đức cha Giuse lại là tái sinh trong thiên chức mới. Rồi đây, dấu chân ngài sẽ rảo bước khắp cánh đồng truyền giáo Thanh Hóa, tới những nơi mà thời trai trẻ ngài chưa từng, gặp những người mà cuộc đời đã đẩy cho họ những nghịch cảnh trở trêu. Bởi Đức cha Giuse đã không chọn cho mình một con đường bằng phẳng mà tự nhận làm người khai phá mở đường đầy gai góc.

Vậy nên khi lãnh nhận nhiệm vụ Giám mục, cũng là lúc đôi tay run run nhận lấy biết bao kỳ vọng. Nhưng có một điều, ánh mắt cương nghị, ánh lên niềm tin tuyệt đối nơi Tân Giám mục đã soi rọi cho tất cả tín hữu Thanh Hóa về một ngày mai, Thanh Hóa rộng đầy ơn đức tin.


Trong diễn từ có đôi lúc ngập ngừng vì xúc động của Đức Cha Giuse – giờ đây là Giám mục giáo phận Thanh Hóa, chứa đựng tất cả tấm chân tình dành cho hai nơi mà ngài gọi thân thương: gia đình. Đó là nơi đã nuôi ngài khôn lớn trong cuộc đời linh mục – giáo phận Đà Lạt, một nơi là nguồn cội để ngài trở về trong sứ vụ chủ chăn. Nhưng có lẽ, dù ở nơi nào thì trong trái tim chan chứa yêu thương của Đức Giám mục giáo phận Thanh Hóa, đó đều là động lực để ngài phấn đấu, là chỗ dựa sau những mệt mỏi của loài người, là lời nhắc nhở rằng, ngài luôn được những cánh tay dang rộng đón chào.

Tạ ơn Đấng Tối Cao đã nhìn xuống đoàn dân bé nhỏ Thanh Hóa trong ngày đại lễ, tưới xuống nhiều hồng ân đến vậy. Chúng con đã có một ngày thực sự ý nghĩa để ngụp lặn trong đức tin và hy vọng. Tạ ơn Người đã luôn theo dấu chúng con trong hành trình trở về thiên quốc, ban cho chúng con những vị chủ chăn tuyệt vời.

Xin được dùng lời bài hát kết lễ để thay cho bao tấm lòng phó thác giáo phận Thanh Hóa nguyện dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng: “Bao say mê nguyện ước Giáo phận lớn lên. Cho nơi nơi rực sáng trong một quyết tâm: cùng thả lưới nơi biển nước sâu và chỉ sống cho một quyết tâm ra sâu mà thả lưới”.


Maria Én Trần

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Hạnh Thánh Tôma Vũ Quang Toán, tử đạo ngày 27/06/1840


Thánh
Tôma VŨ QUANG TOÁN

Thầy giảng (1764 - 1840)
Ngày tử đạo: 27 tháng 6

Nếu ăn mà phải xuất giáo tôi không bao giờ ăn cả.

Thánh Tôma Vũ Quang Toán sinh năm 1764 tại làng Cần Phán, tỉnh Thái Bình. Trước kia, ngài vừa là hội viên dòng Ba Đa Minh vừa là thầy giảng có uy tín trong việc truyền giáo ở Trung Linh.

Ngày 16/12/1839, quan phủ Xuân Trường cho quân đến lục soát làng Trung Linh. Thầy Toán bị bắt và bị buộc bước qua thập giá. Thầy không chịu nên bị dẫn về phủ Xuân Trường. Tại đây, vì không chịu nổi tra trấn nên ngày 19/01/1840, thầy đã bước qua thập giá.

Tuy nhiên, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh không tin vì thái độ ngập ngừng, do dự của thầy. Quan ra lệnh cho hai người đã bỏ đạo tới khóc lóc thảm thiết, xin thầy Toán cứu giúp. Nếu thầy không chịu bỏ đạo thì họ sẽ bị chém đầu. Họ còn nói nhiều điều xúc phạm đến Chúa trời đất. Để họ khỏi nói những lời xúc phạm, thầy Toán lại bước qua thập giá. Sau đó, thầy ăn năn khóc lóc vì hành vi dại dột của mình. Mười lăm ngày sau, cha Đaminh Trạch bị bắt và bị giam chung với thầy Toán. Cha đã an ủi và giải tội cho thầy.

Khi đối diện quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh, thầy Toán tuyên xưng đạo Chúa cách uy hùng. Quan ngỡ ngàng, truyền đánh một trận dã man. Khi quân lính kéo lê thầy qua Thánh Giá, thầy vùng dậy quỳ phục hôn kính ảnh thánh và lớn tiếng đọc kinh ăn năn tội. Quan ra lệnh lột quần áo, tiếp tục đánh, buộc hai thánh Giá vào chân và bắt phơi nắng, không cho ăn uống, bị mọi người sỉ vả, chửi mắng. Thầy Toán im lặng chịu đựng không một lời ta thán. 

Khi thầy Toán đói lả, quan cho bày mâm cơm thịt rượu ngon lành, mời ăn rồi bước qua Thánh Giá. Thầy cương quyết: “Nếu ăn mà phải xuất giáo tôi không bao giờ ăn cả”.

Ngày 27/06/1840, thầy đã chết trong nhà giam ở Nam Định, dưới thời vua Minh Mạng. Thi hài của thầy được giáo hữu rước về mai táng tại xứ đạo Lục Thủy.

Thầy Tôma Vũ Quang Toán được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

Văn phòng HĐGMVN