Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh làm Tân Tổng giám mục Chính toà Tổng giáo phận Huế

WHĐ (29.10.2016) – Vào lúc 12g trưa nay (giờ Roma) thứ Bảy 29 tháng 10 năm 2016, tức 17g cùng ngày tại Việt Nam, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố:

– Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế của Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng.

– Đồng thời, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, hiện đang là Giám mục giáo phận Thanh Hoá, làm Tổng giám mục Chính toà Tổng giáo phận Huế, kiêm Giám quản Tông toà giáo phận Thanh Hoá “trống toà và tuỳ ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).

***

Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng - năm nay 76 tuổi - là giám mục phụ tá Tổng giáo phận Huế từ năm 2005 đến năm 2012; và ngày 16-08-2012 được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế, kế nhiệm Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể nghỉ hưu theo Giáo luật.

Từ năm 2013 đến 2016, Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.
***



Sơ lược tiểu sử của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh:
22-11-1949:    Sinh tại xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá
1955 –1962:    học tại trường Tiểu học giáo xứ Thanh Hải, Phan Thiết
1962 – 1967:   học tại Tiểu chủng viện Nha Trang
1967 – 1968:   học tại Trường Thiên Hựu, Huế
1968 – 1970:   học tại Chủng viện Chúa Chiên Lành, Đà Lạt
1970 – 1977:   học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt
1977 – 1992:   sống với gia đình tại giáo xứ Song Mỹ, Nha Trang
30-12-1992:    thụ phong linh mục cho giáo phận Nha Trang do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám mục giáo phận Nha Trang
1992 – 1995:   Phó xứ Phước Thiện, giáo phận Nha Trang
1995 – 2003:   du học Paris, Pháp; tốt nghiệp với học vị Tiến sĩ Triết học
08-11-2003:    trở về Việt Nam, làm giáo sư Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang
12-06- 2004:   được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính toà giáo phận Thanh Hoá
04-08-2004:    được truyền chức giám mục tại Nhà thờ chính toà Thanh Hoá với châm ngôn “Xin cho họ nên một”
2007 – tháng 9/2009: Giám quản Tông toà giáo phận Phát Diệm.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã đảm nhiệm các chức vụ:
2004 – 2007:   Chủ tịch Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
2007 – 2013:   Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
2013 – 2016:   Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
từ tháng 10/ 2016:       Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

(Nguồn: press.vatican.va)
WHĐ
Đăng lại từ: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-bo-nhiem-duc-cha-giuse-nguyen-chi-linh-lam-tan-tong-giam-muc-chinh-toa-tong-giao-phan-hue/8343.63.8.aspx

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm các thành viên mới cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích




WHĐ (30.10.2016) – Hôm thứ Sáu 28-10-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 27 thành viên mới cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích do Đức hồng y Robert Sarah người Guinea làm Bộ trưởng.

Trong số các thành viên mới này có 10 Hồng y; và trong số các Hồng y này có bảy vị đã nhận mũ đỏ từ tay Đức giáo hoàng Phanxicô, đó là:

Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh; Đức hồng y Beniamino Stella, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ; Đứchồng y Gérald Lacroix, Tổng giám mục Quebec, Canada; Đức hồng y Philippe Ouédraogo, Tổng giám mục Ouagadougou, Burkina Faso; Đức hồng y John Dew, Tổng giám mục Wellington, New Zealand; Đức hồng y Ricardo Blázquez Pérez, Tổng giám mục Valladolid, Tây Ban Nha; Đức hồng y Arlindo Gomes Furtado, Giám mục Santiago de Cabo Verde, Cape Verde.

Và ba vị hồng y khác nhận mũ đỏ từ tay Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI:

Đức hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa; Đức hồng y Rainer Maria Woelki, Tổnggiám mục Köln, Đức; Đức hồng y John Onaiyekan, Tổng giám mục Abuja, Nigeria.

17 thành viên còn lại là các vị Tổng giám mục và Giám mục thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết là Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự trong Hội đồng Giám mục của các ngài.

(Theo Vatican Radio)

Minh Đức
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-bo-nhiem-cac-thanh-vien-moi-cho-bo-phung-tu-va-ky-luat-cac-bi-tich/8345.57.7.aspx

Thư Tri Ân Quý Ân Nhân đã cứu trợ Miền Trung và kế hoạch hành động

CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN TPHCM
180 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. HCM
Email: caritassaigon@gmail.com
ĐT: (08) 3930 9060 – Fax: 3930 9066
Caritas TGP, ngày 29  tháng 10 năm 2016
THƯ TRI ÂN
V/v: CỨU TRỢ BÀ CON NẠN NHÂN LŨ LỤT
TẠI HÀ TĨNH VÀ QUẢNG BÌNH – GP VINH
Kính thưa quý vị,
Thay lời cho Đức Tổng Giám mục Phaolo, Đức Cha phụ tá Giuse, Cha Tổng Đại Diện, và Tổng giáo phận Sài Gòn.

Thay lời cho bà con nạn nhân trong đợt hứng chịu lũ lụt vừa qua tại địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình

Chúng con xin gửi lời Cám Ơn chân thành đến quý Cha, quý dòng tu, quý ông bà và anh chị em trong các giáo xứ, các em thiếu nhi, quý ân nhân xa gần trong và ngoài nước, đã hết lòng yêu thương những đồng bào vùng lũ lụt tại Miền Trung vừa qua. Sự quan tâm chia sẻ rất nhiệt tình của quý vị chắc chắn đã là niềm an ủi làm ấm lòng các nạn nhân trong cơn khó khăn này.

Cụ thể, từ ngày 01/10/2016 – 28/10/2016, chúng con đã nhận được các tặng phẩm và tiền mặt như sau:

-    Hiện vật: 20 cây vải mền chưa may; 1017 cái mền đã may hoàn tất, gạo, mì gói và quần áo mới.
-    Tổng số tiền: 7.275.619.000 VND và 6615USD; 1485AUD; 10SGD; 200CAD; 1000EUR; 2000KRW; 24PHP; 100THB.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Chúng con cũng xin phác họa kế hoạch hành động:

Cứu trợ khẩn cấp

 Từ ngày 22/10/2016 -25/10/2016: Phái đoàn Caritas Sài Gòn đã thực hiện chuyến thăm viếng và cứu trợ khẩn cấp tới Caritas giáo phận Vinh.
Số tiền tạm ứng là: 500 triệu đồng.

 Khắc phục sau thiên tai

Sau chuyến thăm thực tế và trao đổi với Caritas Vinh, chúng con sẽ thực hiện phần hỗ trợ nhằm giúp  bà con khắc phục những thiệt hại và phòng ngừa thiên tai, gồm:
  1. Sửa chữa nhà đã bị hư hại nặng cho những gia đình nghèo.
  2. Giúp trang bị lại các vật dụng cần thiết đã bị lũ cuốn đi cho các gia đình nghèo.
  3. Cung cấp cây giống và con giống cho những hộ nghèo bị thiệt hại trong lãnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
  4. Xây dựng một số nhà tránh lũ
  5. Hỗ trợ học bổng cho một số các em học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học
  6.  …..
Chúng con tiếp tục đón nhận sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm của quý vị và chuyển đến bà con nạn nhân còn đang trong hoàn cảnh khó khăn.

Xin Chúa chúc lành cho quý vị và xin nhận nơi chúng con tấm lòng biết ơn chân thành.

Xin cầu nguyện cho chúng con.
Thay mặt Caritas Sài Gòn
Linh mục Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, SDB
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20161031/36687

Công giáo có thể học từ Tin lành Luther hai điều: cải cách và Kinh Thánh

Đức Giáo hoàng tiếp Giám mục Tin lành Thụy điển - AFP

Vatican – Trước chuyến viếng thăm Thụy điển vào các ngày 31/10-01/11 để tưởng niệm 500 năm cuộc Cải cách của Luther, vào ngày 24/09, Đức giáo hoàng Phanxicô đã trả lời cuộc phỏng vấn của cha Ulf Jonsson, giám đốc của tạp chí Signum” của dòng Tên. Nội dung cuộc phỏng vấn được đăng bằng tiếng Anh và tiếng Ý trên tạp chí dòng Tên La Civilta Cattolica (Văn minh Công giáo). Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã nói về những mong đợi của ngài và về sự hiệp nhất Công giáo và Tin lành Luther.

“Tôi có thể nghĩ đến chỉ một từ để trả lời: đến gần nhau”, đó là câu trả lời của Đức Phanxicô về hy vọng của ngài trong chuyến viếng thăm Thụy điển sắp tới. Ngài nói: “Hy vọng và chờ mong của tôi là đến gần các anh chị em của tôi hơn” vì “sự gần nhau cho tất cả chúng ta trở nên tốt, còn xa cách làm cho chúng ta đau khổ.” Khi chúng ta xa cách người khác, “chúng ta đóng kín mình trong bản thân và trở thành những thực thể cá nhân, không thể gặp gỡ người khác. Chúng ta bị kìm lại bởi nỗi sợ hãi.”

Đức Thánh Cha nhấn manh là chúng ta cần phải học vượt qua chính mình để gặp gỡ người khác và nếu không thì các Kitô hữu sẽ trở nên đau bệnh vì sự chia rẽ của chúng ta. Ngài nói tiếp: “Điều tôi chờ mong là có thể tiến một bước gần, gần hơn với anh chị em ở Thụy điển.”

Chuyến viếng thăm sắp tới là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến vùng Scandinavia kể từ lần Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô thăm Thụy điển vào năm 1989. Dù chỉ kéo dài 2 ngày, chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ bao gồm buổi cầu nguyện hiệp nhất tại nhà thờ chánh tòa Tin lành Luther ở thành phố Lund và sau đó là sự kiện đại kết ở thành phố Malmö.

Đức Phanxicô cũng sẽ cử hành Thánh lễ trọng kính Các Thánh với các tín hữu Công giáo Thụy điển tại sân vận động Swedbank ở thành phố Malmö. Thánh lễ này không có trong chương trình ban đầu nhưng được thêm vào do yêu cầu của cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Thụy điển.

Đức Phanxicô đã gặp phải những chỉ trích về quyết định ban đầu là không cử hành Thánh lễ Công giáo. Trong cuộc phỏng vấn ngài đã giải thích quyết định ban đầu này, vì ngài muốn cổ võ hiệp nhất và tránh chia rẽ bè phái. Đức Thánh Cha giải thích là hai từ “Công giáo” và “bè phái” là hai từ tương phản, anh chị em không thể vừa là Công giáo và bè phái, do đó ngài không lên chương trình cử hành Thánh lễ trong chuyến viếng thăm này.

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ suy tư của ngài là muốn nhấn mạnh về chứng từ đại kết, nhưng như mục tử của đoàn chiên Công giáo và sẽ có các tín hữu đến từ Na uy và Đan Mạch, nên ngài đã nhận lời yêu cầu tha thiết của cộng đoàn Công giáo và kéo dài chuyến đi thêm một ngày. Thánh lễ không được cử hành cùng ngày cuộc gặp gỡ đại kết để tránh những hiểu lầm.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh cha cũng nói về liên hệ tích cực của ngài với tín hữu Luther khi ngài còn ở Buenos Aires. Theo ngài, các tín hữu Công giáo có thể học từ Tin lành Luther “cải cách và Kinh thánh.” Luther đã muốn cải cách khi Giáo hội trong thời kỳ khó khăn, ông muốn giải quyết tình trạng phức tạp, chỉ vì tình hình chính trị nên nó trở thành chia rẽ. Cải cách là điều căn bản của Giáo hội vì Giáo hội luôn cải cách. Đức Thánh cha nhìn nhận việc Luther khuyến khích tín hữu đọc Kinh thánh thật quan trọng.

Theo Đức Phanxicô, bên cạnh việc thảo luận thần học, cách tốt nhất cổ võ hiệp nhất hiện nay là chia sẻ sự nhiệt thành cầu nguyện chung và các việc bác ái. Ngài nhấn mạnh là cùng nhau hành động là điều rất quan trọng, trong khi “chiêu dụ tín đồ” trong lãnh vực Giáo hội là tội lỗi, vì nó giống như biến Giáo hội thành một tổ chức. Nói chuyện với nhau, cầu nguyện cùng nhau, hoạt động chung là con đường mà chúng ta phải đi.

Đức Thánh Cha cũng nhận định là không bao giờ có thể dùng Thiên Chúa để bào chữa cho bạo lực: “Anh chị em không thể dùng tên Thiên Chúa để gây chiến tranh. Đó là phạm thượng, là ma quỷ.” Ngài cũng phản đối những phê bình nhắm đến các xung đột tôn giáo và cho rằng không có các tôn giáo thì thế giới sẽ tốt hơn. Ngài phân biệt giữa tôn giáo giả và sai lầm trong các hình thức sùng bái ngẫu tượng như tiền bạc, thù hận, tham vọng, thống trị, vv. với tôn giáo thật nhắm phát triển khả năng của con người để đạt tới hoàn hảo.

Lời cuối cùng của Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm sắp tới là: “đơn giản: đi và bước cùng nhau! Đừng đóng kín trong những quan điểm cứng nhắc, bởi vì trong những điều đó không có khả năng hoán cải.” (CAN 28/10/2016)

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/10/29/c%C3%B4ng_gi%C3%A1o_c%C3%B3_th%E1%BB%83_h%E1%BB%8Dc_t%E1%BB%AB_tin_l%C3%A0nh_luther_hai_%C4%91i%E1%BB%81u_c%E1%BA%A3i_c%C3%A1ch_v%C3%A0_kinh_th%C3%A1nh/1268648

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Tin Mừng Chúa nhật 31 thường niên - Năm C

Kết quả hình ảnh cho ông giakêu?

PHÚC ÂM: Lc 19, 1-10
"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.net/30-10-chua-nhat-31-thuong-nien-c/

Huấn thị “Ad Resurgendum cum Christo” về việc mai táng và lưu giữ tro hoả táng

BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

1. Để sống lại với Đức Kitô, chúng ta phải cùng chết với Người, phải lìa bỏ thân xác để đến ở bên Chúa” (2Cr 5,8). Trong Huấn thị Piam et constantem ngày 5.7.1963, Bộ Thánh Vụ lúc ấy đã quy định phải “trung thành giữ thói quen chôn cất thi hài các tín hữu”, tuy nhiên vẫn nói thêm rằng việc hoả táng “tự bản chất không nghịch với Kitô giáo” và không được từ chối cử hành bí tích và nghi lễ an táng cho những người muốn được hoả táng, với điều kiện việc chọn cách thức hoả táng không phải vì lý do “chối bỏ giáo thuyết Kitô giáo, có ý định ly khai, hoặc vì muốn chống đối Giáo Hội công giáo hay Hội Thánh” [1]. Sự thay đổi này sau đó đã được đưa vào Bộ Giáo Luật La tinh (1983) và Bộ GiáoLuật của các Giáo Hội Đông phương (1990).

Kể từ đó, việc hoả táng được thực hành khá phổ biến nơi một số quốc gia, nhưng đồng thời cũng xuất hiện tại nhiều nơi những ý tưởng đối nghịch với đức tin của Hội Thánh. Sau khi tham vấn ý kiến của Bộ Phụng tự và 
Kỷ luật các Bí tích, Hội đồng giáo hoàng về các văn bản giáo luật, nhiều Hội Đồng Giám Mục và Thượng Hội Đồng Giám mục Đông phương, Bộ Giáo Lý Đức tin xét thấy cần công bố một Huấn thị mới để tái xác định những lý chứng về giáo thuyết và mục vụ dành ưu tiên cho việc địa táng thi hài các tín hữu, đồng thời cũng ấn định những quy tắc liên quan đến việc lưu giữ tro trong trường hợp hoả táng.

2. Sự phục sinh của Đức Kitô là chân lý tột điểm của đức tin Kitô giáo, được rao giảng ngay từ thời Hội thánh sơ khai như là yếu tố chính yếu của mầu nhiệm Vượt qua: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Muời Hai” (1Cr 15,3-5). 

Qua cái chết và sự phục sinh của Người, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, đưa chúng ta đến sự sống mới: “
Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết bởi vinh quang của Chúa Cha, để chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Hơn nữa, Đức Kitô phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, là hoa quả đầu mùa trong số những người đã an nghỉ [...] mọi người phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được sống trong Đức Kitô như vậy” (1Cr 15,20-22).

Nếu Đức Kitô sẽ cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết, thì bây giờ, một cách nào đó, chúng ta cũng đã sống lại với Người. Thật vậy, trong bí tích Thánh tẩy, chùng ta đã được dìm vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, và đã được đồng hóa với Người cách mầu nhiệm: “Đã cùng được mai táng với Đức Kitô trong bí tích Thánh tẩy, anh em cũng được sống lại với Người trong niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Cl 2,12). Nên một với Đức Kitô nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã thật sự thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục sinh (x. Ep 2,6).

Nhờ Đức Kitô, cái chết của các tín hữu mang một ý nghĩa tích cực. Nhãn quan Kitô giáo về cái chết được diễn đạt thật rõ nét trong phụng vụ của Hội Thánh: “Lạy Chúa, 
đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” [2]. Khi con người chết, linh hồn rời khỏi thân xác, nhưng khi sống lại, thân xác chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban cho sự sống bất diệt, được biến đổi khi liên kết lại với linh hồn. Trong thời đại ngày nay, Hội Thánh vẫn được mời gọi phải rao giảng niềm tin vào sự sống lại: “Niềm tin của các Kitô hữu chính là sự sống lại từ cõi chết, chúng ta sống khi tin như thế” [3].

3. Theo truyền thống từ bao đời qua, Hội Thánh luôn mong muốn thi hài người quá cố được mai táng trong các nghĩa trang hoặc tại những địa điểm thánh thiêng [4].

Để tưởng nhớ sự chết, mai táng và sống lại của Chúa, mầu nhiệm đã rạng soi ý nghĩa về cái chết của các tín hữu [5], việc địa táng trở thành cách thức ưu tiên và thích hợp nhất để diễn tả đức tin và niềm hy vọng vào sự phục sinh của thân xác [6].

Như một người mẹ luôn cùng đi với người Kitô hữu trong cuộc lữ hành trần thế, Hội Thánh, trong Chúa Kitô, phó dâng cho Chúa Cha người con của ân sủng và trao gửi thi hài người quá cố vào lòng đất, với niềm hy vọng thân xác ấy sẽ được phục sinh vinh hiển [7].

Qua việc chôn cất thi hài các tín hữu, Hội Thánh xác quyết niềm tin vào sự sống lại của thân xác [8], đồng thời cũng cho thấy giá trị cao quý của thân xác, một thành phần thiết yếu làm nên căn cước nhân dạng của một con người [9]. Vì thế, Hội Thánh không thể chấp nhận những quan điểm và nghi lễ hàm chứa những ý niệm sai lạc về sự chết, chẳng hạn xem đó là sự triệt tiêu hoàn toàn của một con người, hoặc là thời điểm của sự tan biến vào Mẹ-thiên nhiên hay vào vũ trụ vạn vật, hoặc như một giai đoạn của tiến trình đầu thai sang kiếp khác, hoặc như việc giải thoát chung cuộc khỏi “ngục tù” thân xác.

Hơn nữa, ngôi mộ trong nghĩa trang hay ở những nơi thánh thiêng, thật xứng hợp với thái độ tôn kính hay sự quý trọng dành cho thân xác của các tín hữu đã qua đời, thân xác đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần nhờ bí tích Thánh tẩy, đã trở thành “khí cụ và phương tiện chuyển tải được Chúa Thánh Thần sử dụng để thực hiện bao việc tốt lành” [10].

Ông Tôbia, người công chính, đã được ca ngợi về công trạng lập được trước mặt Thiên Chúa khi ông chôn xác kẻ chết [11], và Hội Thánh vẫn kể đây là một trong các hành vi của lòng thương xót [12].

Sau cùng, 
việc chôn xác những tín hữu tại các nghĩa trang hay những nơi thánh thiêng nhắc nhở cho gia đình cũng như cộng đoàn tín hữu tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời, đồng thời cũng cổ võ việc sùng kính các vị tử đạo và các thánh.

Qua việc chôn cất thi hài tại các nghĩa trang, bên trong hoặc bên cạnh nhà thờ, truyền thống Kitô giáo đã nêu cao mối tương quan giữa người còn sống và kẻ đã qua đời, chống lại khuynh hướng xem nhẹ, hoặc cá nhân hóa sự kiện liên quan đến cái chết và ý nghĩa của sự kiện này đối với các Kitô hữu.

4. Trong trường hợp chọn cách thức hoả táng vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, phải chắc chắn việc này không làm trái với ý muốn đã được nói rõ hoặc có thể suy diễn được của người tín hữu vừa qua đời. Hội Thánh không phản bác thực hành này trên bình diện giáo thuyết, vì việc hoả táng không tác động gì đến linh hồn, cũng không gây cản trở gì trong việc Thiên Chúa toàn năng làm cho thân xác kẻ đã chết được sống lại trong đời sống mới. Như thế, việc hoả táng, tự bản chất, không hàm chứa sự chối bỏ khách quan đối với giáo thuyết Kitô giáo về sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thân xác [13].

Hội Thánh vẫn dành ưu tiên cho việc chôn cất thi hài người quá cố, vì việc này bày tỏ cách rõ ràng hơn sự tôn trọng đối với người đã khuất. Tuy nhiên, việc hoả táng không bị cấm đoán, “trừ khi được thực hiện với những lý do nghịch lại giáo thuyết Kitô giáo” [14].

Trong trường hợp hoả táng không vì những động lực nghịch với giáo thuyết Kitô giáo, sau khi đã cử hành nghi thức an táng, Hội Thánh 
đồng hành với các tín hữu khi họ chọn việc hoả táng, và đưa ra những chỉ dẫn về phụng vụ và mục vụ, đặc biệt lưu ý đến việc tránh tất cả những hình thức gây gương mù hoặc thể hiện sự bất cần tôn giáo.

5. Nếu chọn cách thức hoả táng vì những lý do chính đáng, tro 
hoả táng có thể được lưu giữ tại một nơi xứng đáng, chẳng hạn tại nghĩa trang, hoặc trong một số trường hợp, tại thánh đường hoặc một nơi dành riêng, được cung hiến bởi thẩm quyền Giáo Hội.

Từ rất lâu, các cộng đoàn Kitô hữu vẫn luôn cầu nguyện và tưởng nhớ những anh chị em tín hữu đã qua đời. Phần mộ của họ trở thành nơi cầu nguyện, tưởng nhớ và suy niệm. Người tín hữu đã ly trần vẫn thuộc về Hội Thánh, một cộng đoàn tin “có sự hiệp thông giữa toàn thể các tín hữu Chúa Kitô, những người đang trên đường lữ hành trần thế, những người đang trải qua thời gian thanh luyện, và những người đang hưởng phúc thiên đàng, tất cả làm nên một Hội Thánh duy nhất” [15].

Việc lưu giữ tro hoả táng tại môt nơi thiêng thánh, giúp cho những người đã ly trần không bị lãng quên trong lời cầu nguyện và tưởng nhớ của gia đình cũng như của cộng đoàn Kitô hữu. Cách thức này vừa giúp tránh được thái độ lãng quên hoặc thiếu lòng hiếu kính đối với người quá cố, điều vẫn có thể xảy ra, nhất là sau khi thế hệ kế cận của người ấy cũng đã qua đi, vừa giúp ngăn ngừa những thực hành không phù hợp hoặc pha lẫn mê tín dị đoan.

6. Vì những lý do kể trên, không được phép lưu giữ tro 
hoả táng tại tư gia. Chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng và ngoại lệ, tùy thuộc vào các điều kiện văn hóa địa phương, vị Giám mục thường quyền, với sự đồng thuận của Hội Đồng Giám Mục hoặc Thượng Hội Đồng Giám Mục các Giáo Hội Đông phương, mới có thể cho phép lưu giữ tro hoả táng tại tư gia. Tuy nhiên, không được phép phân chia tro hoả táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong gia đình, và phải luôn giữ thái độ trọng kính xứng hợp trong việc lưu giữ tro hoả táng như thế.

7. Để tránh những hình thức mang tính cách phiếm thần thuyết, thiên nhiên thuyết và hư vô thuyết, không được phép vung tro hoả táng lên không, rải trên mặt đất, đổ xuống sông biển, hay làm cách thức nào khác, cũng không được giữ tro 
hoả táng trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác. Những cách làm này không thể biện minh bằng những lý do được viện dẫn để hoả táng như vệ sinh, xã hội hay kinh tế.

8. Trong trường hợp người quá cố bày tỏ công khai ý muốn phải được 
thiêu xác và tro hoả táng phải được tung rắc phân tán vì những lý do nghịch với đức tin Kitô giáo, không được cử hành nghi lễ an táng Kitô giáo cho người ấy, theo như Giáo luật quy định [16].


Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 18 tháng 3 năm 2016, trong buổi tiếp kiến Đức Hồng Y Chủ tịch ký tên dưới đây, đã phê chuẩn và ban chỉ thị phải công bố Huấn thị này, được thông qua trong phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 2 tháng 3 năm 2016.
Rôma, từ Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 15 tháng 8 năm 2016, Đại lễ Đức Trinh Nữ Maria về trời

Hồng y Gerhard Müller

Bộ trưởng
+ Luis F. Ladaria, S.I.
Tổng giám mục hiệu toà Thibica
Thư ký

Nguồn: http://hdgmvietnam.org/huan-thi-%E2%80%9Cad-resurgendum-cum-christo%E2%80%9D-ve-viec-mai-tang-va-luu-giu-tro-hoa-tang/8339.115.3.aspx

Đức Thánh Cha thay thế toàn bộ các thành viên Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Đức Hồng Y Raymond Burke và Đức Hồng Y Robert Sarah

Hôm thứ Sáu 28 tháng 10, trong một động thái gây sửng sốt cho nhiều người, Đức Thánh Cha đã thay thế tất cả các thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Cần nói ngay rằng Đức Hồng Y Robert Sarah vẫn còn là Tổng trưởng Thánh Bộ này.

Thông thường, Đức Giáo Hoàng sẽ bổ nhiệm một số thành viên mới cho mỗi cơ quan trung ương tại Vatican, để thay thế cho các thành viên đã phục vụ trong nhiều năm. Nhưng vào ngày thứ Sáu Tòa Thánh công bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm toàn bộ 27 thành viên mới cho Thánh Bộ này, nghĩa là thay đổi hoàn toàn Bộ này.

Các bổ nhiệm mới rõ ràng mang lại một tính cách ‘liberal’ hơn cũng như có tính quốc tế hơn. Những thay đổi này xem ra sẽ hạn chế nỗ lực của Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Thánh Bộ, là người ủng hộ hàng đầu cho điều ngài gọi là “cải cách của cải cách” chú trọng đến sự nghiêm tranh, kính cẩn trong Phụng Vụ. 

Trong số các thành viên mới có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Beniamino Stella, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ và Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Bổ nhiệm gây tranh cãi nhất là trường hợp của Đức Tổng Giám mục Piero Marini, người thường bị chỉ trích về những cải cách ‘phóng khoáng’ trong các nghi lễ phụng vụ. Đức Cha Arthur Serratelli, Giám Mục Paterson, New Jersey, chủ tịch Ủy ban Giám Mục Hoa Kỳ về phụng vụ là vị Giám Mục Hoa Kỳ duy nhất được bổ nhiệm vào Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Các vị Hồng Y không còn trong Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích bao gồm các Đức Hồng Y Raymond Burke, Angelo Scola, George Pell, Marc Ouellet, Angelo Bagnasco, và Malcolm Ranjith.

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/200620.htm

Thư cảm ơn của Đức giám mục giáo phận Vinh gửi HĐGM Việt Nam và cộng đồng dân Chúa


Nguồn: http://hdgmvietnam.org/thu-cam-on-cua-duc-giam-muc-giao-phan-vinh-gui-hdgm-viet-nam-va-cong-dong-dan-chua/8340.63.8.aspx

Ban Thường vụ HĐGM Việt Nam đi thăm và cứu trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt Miền Trung

HĐGMVN – Sáng thứ Tư 26 tháng 10 năm 2016, Ban Thường vụ HĐGM Việt Nam cùng với Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caristas Việt Nam đã thực hiện chuyến viếng thăm cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tại một số nơi thuộc Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Phái đoàn Ban Thường vụ HĐGM Việt Nam gồm có Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hoá, Chủ tịch HĐGM; Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục giáo phận Phát Diệm, Phó chủ tịch; Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng, Phó Tổng thư ký.
Cùng đi với quý Đức cha trong Ban Thường vụ còn có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục giáo phận Thái Bình, cha Tổng Đại diện giáo phận Thanh Hoá, đông đảo quý cha, quý thầy, quý nữ tu và đại diện giáo dân thuộc các giáo phận Thanh Hoá, Phát Diệm, Hải Phòng, và Thái Bình.
Về phía Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam, có Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch Uỷ Ban, cùng quý cha, quý thầy, quý nữ tu và các thành viên trong Ban Bác ái Xã hội cũng như Ban Truyền thông của các giáo phận.
Chương trình cứu trợ bắt đầu với thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện Tòa Giám mục Thanh Hoá lúc 4 giờ sáng, để cầu nguyện cho nạn nhân vùng lũ lụt và xin ơn bình an cho chuyến đi. Ngay sau thánh lễ, đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau thực hiện một lộ trình gần 300 cây số để đến với giáo xứ Tràng Lưu, giáo phận Vinh, thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Tại đây, phái đoàn được Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình, và cha Giacôbê Nguyễn Huy Tuấn, trưởng ban Bác ái giáo phận Vinh, cùng quý cha trong giáo phận nhiệt tình tiếp đón. Cũng tại nhà xứ Tràng Lưu, phái đoàn Ban Thường vụ HĐGM Việt Nam và Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caristas Việt Nam đã trao cho cha Trưởng ban Caritas giáo phận Vinh số tiền 3.087.500.000 (Ba tỷ tám mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng) và nhiều phần quà khác để phân phát cứu trợ cho bà con vùng lũ lụt.
Theo sự hướng dẫn của Đức cha Phaolô và cha Trưởng ban Bác ái giáo phận Vinh, đoàn cứu trợ đi thăm giáo họ Đồng Lưu, cách nhà thờ giáo xứ Tràng Lưu khoảng 3 km. Trên đường đi, phái đoàn ghé thăm và ủy lạo một số gia đình bà con giáo dân bị thiệt hại nặng nề nhất. Tại nhà thờ Đồng Lưu, đoàn cứu trợ đã gặp gỡ và phát quà cứu trợ cho một số đại diện, rồi trao số quà còn lại cho Caritas giáo phận Vinh thực hiện, để phái đoàn tiếp tục lên đường tới giáo xứ Minh Cầm, thuộc tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ lịch sử vừa qua. Quả thật, tuy nước lũ đã rút, nhưng hậu quả tàn khốc vẫn còn đó: những ngôi nhà xiêu vẹo, trống hoác vì bốn bức tường đã bị nước cuốn đi, những gốc cây cổ thụ bị bật gốc, những vùng bùn lầy lội, tiêu điều, xơ xác ….
Chia sẻ với bà con giáo dân nơi đây, Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam nói: “Ngày hôm nay, phái đoàn có mặt nơi đây để nói lên sự quan tâm của HĐGM, của cộng đoàn Dân Chúa với hết thảy bà con. Phái đoàn cảm thấy vui và ấm lòng vì được ở bên cạnh anh chị em để chia sẻ và nâng đỡ… Hy vọng hơi ấm phái đoàn đem đến, một phần nào làm giảm bớt sự đau khổ mà anh chị em đang phải gánh chịu”. Trong tâm tình hiệp thông, liên đới và yêu thương, ngài khích lệ bà con vùng lũ cố gắng sớm ổn định lại cuộc sống.
Đáp lại sự quan tâm của HĐGM và Caritas Việt Nam, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh đã thay mặt cho bà con giáo dân vùng lũ lụt, bày tỏ lời cảm ơn và tri ân đến HĐGM Việt Nam và Uỷ ban Bác ái Xã hội, cùng quý ân nhân của các giáo phận đã đồng hành và chia sẻ niềm đau thương mất mát với đồng bào các tỉnh miền Trung. Trong cách nhìn đầy hy vọng, ngài mong ước sẽ sớm được đón tiếp quý Đức cha và phái đoàn trong những lần tới - không phải trong tư cách là những người cứu trợ nhưng là trong tình hiệp thông với đời sống thường ngày của bà con giáo dân nơi đây.  

















(Nguồn: gpthanhhoa.org)

Ban Truyền thông GP Thanh Hoá
Đăng lại từ: http://hdgmvietnam.org/ban-thuong-vu-hdgm-viet-nam-di-tham-va-cuu-tro-dong-bao-nan-nhan-lu-lut-mien-trung/8338.63.8.aspx

Holywins non Halloween: sự thánh thiện chiến thắng

Chân dung các vị thánh trước đền thờ Thánh Phêrô - REUTERS

Cartagena – Các giáo phận khác nhau ở Tây ban nha đã khuyến khích các tín hữu cử hành “Holywins” với y phục của các thánh vào ngày 31/10, đối lại với lễ hội Halloween, được cử hành với y phục của ma quỷ.

Các giáo xứ, trường học và tổ chức Kitô tại các giáo phận Cádiz, Cartagena, Alcalá và Ciudad Rodrigo đã kêu gọi các tín hữu cử hành ngày lễ Các Thánh với y phục gắn bó với đức tin Công giáo.

Thông tin của giáo phận Cartagena (Murcia) xác định: “Với việc mừng Holywins, nghĩa là sự thánh thiện chiến thắng, chúng ta muốn tránh cử hành Halloween, trong khi tìm lại ý nghĩa của ngày lễ Các Thánh.” Đây là lần thứ 2 giáo phận tổ chức ngày lễ này. Giáo phận Alcalá de Henares cũng nhấn mạnh là dù ngày Halloween có nghĩa là lễ vọng các Thánh nhưng hiện tại ngày lễ này không có liên hệ gì với niềm tin Kitô giáo.” Giáo phận này cũng là giáo phận đầu tiên ở Tây ban nha đã tổ chức lễ Holywins vào năm 2008, xác định là không nhắm đến phản đối Halloween mà cũng không nhằm chia sẻ sự thờ phượng sự chết và suy tôn điều quái dị hay sự xấu mà lễ Halloween cử hành, vì các Kitô hữu cử hành sự chiến thắng của sự sống và cổ võ vẻ đẹp và sự thiện.

Giáo phận Cádiz cũng hiệp nhất với sáng kiến này sau khi nhận thấy là mỗi năm Halloween càng có ảnh hưởng mạnh và các trẻ em Kitô giáo bị hấp thụ trong môi trường trái ngược với niềm hy vọng phục sinh.” Thông cáo xác định: “Holywins được tổ chức cho tất cả trẻ em tham gia học giáo lý, cho các học sinh ở các trường Công giáo, cho các phong trào giáo dân, các hiệp hội tông đồ, cho giới trẻ và gia đình của họ, bởi vì sự thánh thiện là lễ hội của tất cả.” (Fides 26/10/2016)

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/10/26/holywins_non_halloween_s%E1%BB%B1_th%C3%A1nh_thi%E1%BB%87n_chi%E1%BA%BFn_th%E1%BA%AFng/1267914

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Thông cáo chung sau khóa họp thứ sáu Tòa Thánh và Việt Nam


VATICAN. Chiều ngày 26-10-2016, phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam đã kết thúc khóa họp thứ 6 của Nhóm Làm Việc Chung (Tổ Công Tác chung) sau 3 ngày tiến hành tại Vatican.

Thông cáo chung phổ biến sau đó khẳng định rằng:

”Thực thi thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp gỡ thứ 5 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội (tháng 9-2014), cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 24 đến 26-10-2016. Cuộc gặp gỡ do hai vị đồng chủ tọa là Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao thường trực của Bộ ngoại giao, trưởng phái đoàn Việt Nam, và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng phái đoàn Tòa Thánh.

Hai bên đã trao đổi sâu rộng quan điểm về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, kể cả những vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phía Việt Nam tái khẳng định sự cải tiến liên tục và cụ thể trên bình diện lập pháp và chính trị liên hệ tới sự thăng tiến và bảo vệ tự do tín ngưỡng và tôn giáo của các công dân, cũng như sự khuyến khích và liên tục tạo điều kiện dễ dàng cho sự dấn thân tích cực của Giáo Hội Công Giáo trong chính nghĩa quốc gia phát triển xã hội và kinh tế.

Tòa Thánh, khi tái khẳng định tự do của Giáo Hội trong việc thi hành sự mạng của mình để mưu ích cho toàn thể xã hội, đã bày tỏ sự hài lòng với chính phủ Việt Nam vì đã quan tâm đến các nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo, như việc khánh thành Học Viện Công Giáo mới đây và giúp tổ chức các buổi lễ và các biến cố quan trọng của Giáo Hội.

Hai bên thỏa thuận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam sẽ tiếp tục lấy hứng từ giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc thực hành ”sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và đồng thời là các tín hữu Công Giáo tốt và công dân tốt. Trong khi tái khẳng định rằng ĐGH Phanxicô nồng nhiệt quan tân đến sự phát triển các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong cộng đồng Công Giáo có thể tiếp tục cống hiến sự đóng giúp quí giá bằng cách cộng tác với các tác nhân khác trong xã hội Việt Nam, và phù hợp với luật pháp liên hệ, để phát triển đất nước và thăng tiến công ích.

Hai bên nhìn nhận sự tiến bộ trong quan hệ Việt Nam - Tòa Thánh, kể cả những tiếp tục và tham khảo đều đặn, trao đổi các phái đoàn cấp cao, và những cuộc viếng thăm thường xuyên tại Việt Nam của Đại diện Tòa Thánh và Đặc Phái Viên không thường trú, Đức TGM Leopoldo Girelli.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Hai bên thỏa thuận duy trì một cuộc đối thoại xây dựng, trong một tinh thần thiện chí với mục đích gia tăng sự cảm thông lẫn nhau và thăng tiến thêm các quan hệ giữa hai bên. Hai bên đã đồng ý triệu tập cuộc gặp gỡ thứ 7 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội. Ngày gặp gỡ sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Trước khi lên đường trở về Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã viếng thăm ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và Đức TGM Ngoại trưởng Paul Gallagher. Phái đoàn Việt Nam cũng viếng thăm một vài tổ chức tôn giáo của Tòa Thánh.

(Trần Đức Anh OP chuyển ý)
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/10/26/_th%C3%B4ng_c%C3%A1o_chung_sau_kh%C3%B3a_h%E1%BB%8Dp_th%E1%BB%A9_s%C3%A1u_t%C3%B2a_th%C3%A1nh_v%C3%A0_vi%E1%BB%87t_nam/1267960