Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

ĐHY Turkson: các tôn giáo bảo vệ môi trường


STOCKHOLM. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, cổ võ các tôn giáo cộng tác để bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nguồn nước.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều hôm 29-8-2016, trong bài tham luận tại Hội nghị về chủ đề: ”Nước và tín ngưỡng: các tổ chức tôn giáo góp phần vào chương trình gọi là ”Nước để phát triển dài hạn”.

Hội nghị được tổ chức tại thành phố Stockhol, Thụy Điển, nhân ”tuần lễ thế giới về nước” do LHQ đề xướng. Tham dự Diễn đàn có nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo khác nhau.

ĐHY Turkson đặc biệt nói về đề tài ”tín ngưỡng và phát triển” và ngài nhận xét rằng ”khoa học có thể cho biết số lượng sự ô nhiễm dưới biển sâu hoặc quanh các quặng mỏ, tiên đoán những hậu quả tiêu cực và đề nghị phương thức chữa trị. Nhưng khoa học không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp. Cũng vậy trong lãnh vực các khoa học thiên nhiên: các nhà xã hội, kinh tế và luật gia có thể phân tích và giải thích những hậu quả tiêu cực của nạn thất nghiệp, nạn đầu cơ và tham những: họ có thể cảnh giác chúng ta về những chênh lệch, những chính sách mâu thuẫn hoặc những bất an địa lý chính trị. Nhưng xét cho cùng họ không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp”.

Từ đó, ĐHY đề cao vai trò của các tôn giáo và tín ngưỡng mang lại những động lực mạnh mẽ giúp con người quan tâm đến những hiểm họa về môi sinh và dấn thân hành động, như ĐTC Phanxicô đã viết trong thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta: ”khoa học và kỹ thuật sẽ không giúp ích ở đây. Mọi giải pháp kỹ thuật sẽ bất lực ”nếu chúng ta đánh mất động lực mạnh mẽ làm cho chúng ta có thể sống trong hòa hợp, hy sinh và đối xử tốt với nhau” (LS 200).

Trong bài tham luận, ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình cũng đưa ra một vài đề nghị cụ thể như:

- Giáo dục giới trẻ có tinh thần liên đới, vị tha và trách nhiệm. Sau này những nhân đức đó sẽ giúp họ trở thành những người quản trị và chính trị gia lương thiện.

- Kinh thánh và các truyền thống linh đạo cho thấy nước là điều quí giá và cũng là một yếu tố thần thiêng. Nước được dùng nhiều trong phụng vụ. Điều này phải gợi hứng để chúng ta sử dụng nước với lòng tông trọng và biết ơn, bài trừ những nguồn nước ô nhiễm và hiểu rằng nước không phải chỉ là một tiện ích thuần tuý.

- Nên tổ chức những chiến dịch liên tôn để làm sạch các sông ngòi và hồ nước để thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và tình thân hữu giữa các nhóm khác nhau.

- Tái khẳng định phẩm giá con người và công ích của toàn thể gia đình nhân loại để thăng tiến một phẩm trật khôn ngoan về các ưu tiên trong việc sử dụng nước, nhất là tại những nơi có nhiều nhu cầu cạnh tranh nhau về nước” (SD 29-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/08/29/%C4%91hy_turkson_c%C3%A1c_t%C3%B4n_gi%C3%A1o_b%E1%BA%A3o_v%E1%BB%87_m%C3%B4i_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng/1254355

Lễ phong chức tân Linh Mục Việt Nam tại Hồng Kông



Hân hoan trong hồng ân thánh hiến mà Thầy cả thượng phẩm Giêsu đã trao cho những người Ngài chọn để làm cho con đường tình yêu của truyền giáo tiếp tục trải dài đến ngày cánh chung. Hòa cùng niềm vui với Giáo phận HongKong trong thánh lễ phong chức linh mục cho các phó tế: Inhaxio La Kính Nghiệp và PhaoLô Nguyễn Kim Sơn.


Ngay từ 13h30 ngày 20/08/2016, các linh mục tu sĩ, giáo dân và quý khách đã tấp nập tuốn về thánh đường nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo phận HongKong để tham dự thánh lễ truyền chức linh mục. Trong số đông đảo dòng người về dự lễ có sự hiện diện của một nhóm nhỏ từ Việt Nam: Bà cố, các linh mục, anh chị em ruột và bạn bè của thầy phó tế PhaoLô Nguyễn Kim Sơn. Tất cả thể hiện niềm phấn khởi vô cùng trên khuân mặt và sự lạ lẫm với giáo đường Chánh tòa Hong Kong. Người người cũng nhân cơ hội selfie và ghi lại những tấm hình kỉ niệm đáng nhớ trong đời.

HongKong với diện tích 1104km2; dân số khoảng 9 triệu; trong đó người Công Giáo khoảng 5 ngàn; gồm 52 Giáo xứ, khoảng 65 linh mực bản xứ và khoảng 200 dòng và các Hội thừa sai ngoại quốc. Vì vậy, các thánh lễ Chủ Nhật được dâng bằng nhiều ngôn ngữ và cả bằng tiếng Việt Nam. Vào năm 1986, Giáo xứ Giuse-Kowloon đã có thánh lễ bằng tiếng Việt, và vào năm 1988, Giáo xứ thánh Giuse chính thức thành lập Cộng đoàn Hy Vọng và đến năm 1994 đổi tên thành Cộng đoàn Các Thánh tử đạo Việt Nam cho Cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong. Người Việt Nam sinh sống tại đây khoảng 8.000 trong đó có khoảng 300 người Công Giáo dưới sự chăm lo mục vụ của các linh mục người Việt Nam thuộc Dòng Chúa Cứu Thế và Hội thừa sai Paris. Một sự khác biệt lạ thường là “Ban Hội Đồng Mục Vụ người Việt Nam” ở đây toàn phụ nữ. Hầu hết các linh mục người Việt Nam mục vụ tại Hong Kong đều thụ phong linh mục ngoài Hong Kong và đến đây như là sứ giả truyền giáo. Trong đó phải kể đến Linh mục Phêrô Lâm Minh, một người Pháp Việt gốc Hoa Chợ Lớn. Ngài là cựu đại chủng sinh của Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn đã tận tụy chăm sóc đàn chiên lạc này nhiều năm ròng. Chúng ta biết, sự đa dạng văn hóa của Hương Cảng làm cho Giáo phận Hong Kong cũng phải thích nghi với việc mục vụ cho người di dân sinh sống và làm việc tại đây. Chính vì vậy, Đại Chủng viện Chúa Thánh Thần của Giáo phận Hong Kong mở rộng đón nhận ơn gọi từ nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam cũng là cái nôi đóng góp rất nhiều ơn gọi trẻ. Tuy nhiên vấn đề ngôn ngữ là rào cản lớn nhất làm cản bước chân người trẻ trên con đường truyền giáo. Bởi ở đây, đa số các môn bằng tiếng Quảng Đông Cantonese, một số môn do các cha giáo người nước ngoài nên giảng dạy bằng tiếng Anh. 

Một nét trưng không thấy ở Việt Nam, là ngoài các cha giáo giảng dạy, còn có nhiều giáo dân là các giáo sư Đại Học ở HongKong tham gia giảng dạy đào tạo linh mục cho Giáo phận Hong Kong. Đó là lý do đòi buộc các chủng sinh phải thông thạo tiếng Anh và tiếng Quảng. Trong số các anh em người Việt Nam đã được Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân chấp thuận dự tu, chỉ còn 2 thầy cùng tên thánh PhaoLô đã hoàn thành chương trình đào tạo linh mục của Giáo phận HongKong. Một thầy người Việt gốc Hoa, sau khi tu học xong đã trở về quê hương thụ phong linh mục và phục vụ tại quê nhà. Một thầy lãnh tác vụ linh mục ngày 20/08/2016 và phục vụ cho Giáo phận Hong Kong. Thầy chính là linh mục người Việt Nam đầu tiên được đào tạo và thụ phong linh mục theo chương trình đào tạo linh mục truyền giáo cho Giáo phận HongKong.

Qua đôi nét về hai tân chức hôm nay, chúng ta sẽ thấy được sự nhiệm màu trong tiếng Chúa tiền định nơi mỗi người Chúa chọn gọi.

Thầy Inhaxio La Kính Nghiệp là người HongKong, theo Đạo Anh Giáo. Khi còn trên ghế giảng đường đại học, ngài đã đón nhận ơn Chúa theo nghi lễ Anh Giáo. Trong 5 năm gia nhập Anh Giáo, ngài vẫn cứ thao thức một niềm tin yêu lạ lùng với Đức Kitô mà khó diễn tả bằng lời. Sự lạ lùng ấy xuất phát từ cuốn sách viết về cuộc đời Mẹ thánh Teresa Calcutta (Mẹ sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxico phong thánh vào ngày 04/09/2016). Và ngài trình bày với Mục Sư Anh Giáo và được người bạn thân người Công Giáo hướng dẫn ngài đến gặp các cha giáo Đại chủng viện Chúa Thánh Thần. Điều đó có thể nhìn nhận như tiếng gọi thầm lặng trong trái tim ngài. Sau khi được rửa tội theo Công Giáo, ngài quyết định con đường làm linh mục Công Giáo, cho dù chịu sự phản đối từ gia đình.

Thầy PhaoLô Nguyễn Kim Sơn là người Việt Nam, đạo gốc. Do gia cảnh mà ngài chỉ mong làm việc giúp cha mẹ bớt gánh nặng tuổi già sức yếu. Sau đại học, ngài đi dạy và đi làm tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đến cái tuổi 36, ở Việt Nam hầu như không còn nơi nào ngài có thể đủ điều kiện để dự tu, thì ngài lại có ý định làm linh mục, dù Bà Cố coi đó như là sự hoang tưởng mà địa vị của gia đình không xứng đáng.

Hai con người khác nhau từ lối sống, văn hóa, tôn giáo, tuổi tác, xuất thân ở hai quốc gia khác nhau, khởi hành trên hai con đường khác biệt, đến ý định vào đời hoàn toàn khác nhau nhưng lại đến với nhau trên cùng một hành trình, cùng một con đường truyền giáo và cùng lãnh tác vụ linh mục để phục vụ cho Giáo Hội tại HongKong.

Nhân ngày kính thánh Benado người đã rời bỏ gia đình quý tộc để vào tu viện Xito làm linh mục tại Clairvaux, Đức Hồng Y Gioan Tong Hon phong chức linh mục cho hai thầy Phó tế Ignatius Lo và PhaoLô Nguyễn Kim Sơn. Hôm nay, lúc 15h00 thứ Bảy ngày 20/08/2016, đoàn đồng tế rước từ nhà xứ Chánh tòa với Thánh Giá nến cao tiến vào thánh đường Chánh tòa Giáo Phận HongKong bắt đâu thánh lễ phong chức linh mục cho hai thầy. Trong đoàn rước có gia đình hai tiến chức. Về phía Việt Nam, có Bà Cố tân Linh mục PhaoLô Nguyễn Kim Sơn. Đồng tế trong thánh lễ với Đức Hồng Y Gioan Tong Hon có Đức Hồng Y hưu trí Giuse Trần Nhật Quân (tuy đã 84 tuổi nhưng ngài rất minh mẫn và khỏe mạnh. Dự kiến ngài sẽ sang thăm Việt Nam trong tháng 10/2016), hai Đức Giám mục Phụ tá Giuse Hà Chí Thành (Ha Chi-shing) và Micae Dương Minh Chương (Yeung Ming-Yeung), khoảng 65 linh mục, tu sĩ nam nữ, gia đình, bạn bè và gần 1000 giáo hữu.

Mở đầu thánh lễ, Đức Hồng Y Gioan nhân danh Thiên Chúa chào mừng gia đình, bằng hữu của 2 tân linh mục và cộng đồng dân Chúa và cảm tạ hồng ân Thiên Chúa ban cho Tổng Giáo phận HongKong qua lời cầu bầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội quan thầy của Giáo xứ Chánh tòa HongKong. Ngài cũng bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đức Hồng Y hưu trí Giuse đã đón nhận và đào tạo 2 tân linh mục cho Tổng Giáo phận (lúc bấy giờ Đức Hồng Y Gioan là Giám mục phụ tá, Giám đốc Đại chủng viện Chúa Thánh Thần) và cảm ơn các Đức Cha (trong đó có Đức Cha Phụ tá Stêphanô Lý Bân Sang (Lee Bun-sang) đang phục vụ tại MaCau), các cha giáo, các giáo sư và cộng đoàn dân Chúa HongKong trong công tác đào tạo 2 tân linh mục. Thiên Chúa đã chọn hai người anh em giữa chúng ta là thầy Inhaxio La Kính Nghiệp và thầy PhaoLô Nguyễn Kim Sơn, sẽ tiến lên lãnh nhận chức vụ tư tế để phục vụ dân của Người. Năm nay cũng là năm HongKong kỷ niệm 175 năm Tin Mừng được gieo trên mảnh đất này và kỷ niệm 70 năm thành lập Giáo phận HongKong. Chúng ta cùng lúc đón nhận nhiều ý nghĩa trọng đại: mừng 2 tân linh mục, “Năm Thánh Lòng Thương Xót” và kỷ niệm “50 năm Công đồng Vatican II bế mạc”, thì đây thật sự là hồng ân Chúa ban.”

Bài đọc 1 do bố đỡ đầu của cha Ignatio La Kính Nghiệp đọc. Để thánh lễ thêm phần đa dạng về văn hóa, ban tổ chức cũng ưu ái cho cộng đồng người Việt nên chọn bài đọc 2 bằng tiếng Việt Nam và cô Elisabeth Nguyễn Thị Trúc Linh, em út của Tân Linh mục Phao Lô Nguyễn Kim Sơn từ Việt Nam qua được vinh dự mời đọc.

Đức Hồng Y Gioan diễn giải lời Chúa và chia sẻ niềm vui trong ngày lễ trao tác vụ linh mục: “Hai thầy sắp lãnh tác vụ linh mục là người thân, bạn bè của anh chị em. Vậy, chúng ta cùng chúc mừng và cầu nguyện cho hai thầy, đồng thời cũng dành ít phút suy gẫm về thiên chức linh mục mà hai thầy sắp lãnh nhận từ Giáo Hội?

Tất cả con cái Thiên Chúa, khi được rửa tội thì đều mang trong mình chức vụ tư tế của Vị Thượng tế là Đức Kitô. Trong nhóm các môn đệ, Ngài đã tự nhân danh chính mình chọn ra một số anh em trong nhóm để đảm nhận chức vụ tư tế phục vụ dân. Khi Đức Kitô đã được Đức Chúa Cha sai đến thế gian, thì Đức Kitô cũng đã sai các môn đệ đi khắp nơi, để qua các ngài và những người thừa kế thừa hành chức vụ ngôn sứ, kệt hợp thành tư tế và ngôn sứ. Vì vậy, linh mục là người cộng tác với giám mục của mình; còn chức vụ của linh mục là sự kết hợp với giám mục để thánh hiến và phục vụ cho dân của Chúa.

Hai thầy, đã trải qua thời kỳ thử thách và tìm hiểu kỹ lưỡng để lãnh nhận chức vụ linh mục để phục vụ cho Đức Kitô. Tức linh mục thi hành sứ vụ tư tế và ngôn sứ của Đức Kitô để làm cho Giáo Hội là Thân Thể của Đức Kitô phát triển; đồng thời làm cho mọi người trở thành con cái của Thiên Chúa là Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Hai thầy sắp được truyền chức thánh, sẽ trở nên giống Vị Thượng Tế đời đời là Đức Kitô, và là vị tư tế hợp tác với Đức Giám Mục để loan báo Tin Mừng, chăm lo cho dân Chúa, cử hành các nghi thức phụng thờ Thiên Chúa, đặc biệt là nghi lễ hiến tế. Nhân ngày lễ phong chức linh mục, chúng ta không chỉ cầu nguyện cách riêng cho hai thầy, mà còn là dịp để nhắc nhớ chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người đã thánh hiến, và nhất là cầu nguyện cho ơn gọi của giáo phận HongKong.Vì lúa thì chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Chúng ta cầu nguyện để Chúa ban thêm nhiều thợ gặt đi thu hoạch vụ lúa của Ngài. Ngoài ra, năm nay giáo phận kỷ niệm 175 năm Tin Mừng được gieo trên mảnh đất Hong Kong và kỷ niệm 70 năm thành lập giáo phận, vì thế càng cần nhiều ơn gọi hơn. Vì thế, tôi muốn kêu gọi anh chị em hãy thêm lời cầu nguyện và mở rộng vòng tay, tựa như khuôn mặt nhân từ của Chúa Cha được tỏa sáng trên mảnh đất HongKong này.

Thầy Nghiệp và thầy Sơn thân mến, Cha đặc biệt muốn nói với chúng con đôi lời. Hai con sắp được truyền chức thánh, bước vào hàng ngũ linh mục đoàn, mang danh Đức Kitô loan báo và dạy dỗ. Các con đã lãnh nhận Lời Chúa, và truyền lại cho anh chị em giáo dân. Các con hãy năng suy gẫm Lời Chúa, tin vào những lời các con loan báo, chỉ dạy những gì các con đã tin, và thực hành những gì các con đã dạy. Để làm cho tất cả những lời Giáo lý mà các con nói ra sẽ trở thành của ăn nuôi dưỡng con cái Thiên Chúa, và làm cho đời sống của các con là mẫu gương, và là hình ảnh của những người theo Đức Kitô. Hãy lấy những lời nói và việc làm của các con để xây dựng đại gia đình là Giáo Hội của Thiên Chúa. Đồng thời, các con hãy luôn thánh hóa chức vụ của mình trong Đức Kitô. Làm của lễ thiêng liêng của dân Chúa, qua bàn tay phục vụ của các con, để làm cho việc chúng con cử hành Mầu nhiệm đổ Máu không ngừng của Đức Kitô trên Bàn Thánh sẽ cùng với việc hiến tế của Đức Kitô sẽ được liên kết dâng lên cho Chúa Cha. Vì thế, các con hãy hiểu những gì chúng con sẽ làm, sống với những gì chúng con cử hành. Nghĩa là, chúng con cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại, là hãy làm cho chết đi tất cả những tội lỗi của chính mình, không ngừng nỗ lực để làm đổi mới chính mình, và ở trong con người mới của Đức Kitô sẽ không ngừng được đổi mới, đứng lên hành động. Các con sẽ cử hành phép rửa cho những anh chị em, làm cho họ được gia nhập vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa. Trong khi cử hành bí tích Hòa Giải, hãy mang lấy danh Đức Kitô và Giáo Hội làm cho hối nhân giao hòa với Chúa, sám hối lỗi lầm, và sức dầu thánh cho những người đau yếu. Các con sẽ chủ sự bí tích Thánh Thể, suy gẫm các giờ kinh sách, thay mặt tất cả các anh chị em dâng lên Chúa Cha lời tạ ơn, nguyện xin. Các con cũng hãy luôn nhớ, các con được tuyển chọn giữa các anh chị em, và được sai đến giữa anh chị em để phục vụ cho anh chị em. Vì vậy, các con luôn mang một lòng, một tâm hồn vui vẻ, chân thành, của đức ái, cố gắng hết lòng thi hành chức vụ của Đức Kitô. Không được làm cho mình bận tâm những nỗi riêng tư, mà hãy xem trọng sứ vụ của Đức Kitô.

Hai con yêu quý, các con sắp chia sẻ gánh vác chức vụ của Đức Kitô, Đấng là Đầu và là Ngôn sứ. Các con sẽ thuộc về Đức Giám Mục địa phận, mà các giám mục đoàn trở nên một, và nỗ lực làm cho các tín hữu trở nên một. Hướng dẫn họ, nhờ vào Đức Kitô ở trong Chúa Thánh Thần, tiến về cùng Chúa Cha. Các con luôn lấy hình ảnh của Đức Kitô làm gương sáng, Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ người khác, đi tìm và cứu rỗi những ai đang thất lạc.

Cuối cùng, hai con thân mến, các con được đặt tay trở thành linh mục giáo phận trong năm thánh Lòng Thương Xót này, năm Giáo phận tròn 70, và 175 năm Tin Mừng được gieo tại HongKong, các con hãy nhớ rằng Thiên Chúa muốn các con noi gương những người đi trước trong giáo phận, không ngại gian khổ để gieo mầm Phúc Âm tại đất HongKong này và luôn chiêm ngắm gương mặt nhân từ của Đức Kitô để trở thành tôi tớ của Chúa Cha nhân lành. Các con phải nhớ người có chức thánh không phải là ông chủ, nhưng là người tôi tớ của các tôi tớ trong Đức Kitô.”

Nhân dịp kỷ niệm 175 năm Tin Mừng được gieo tại Hương Cảng sầm uất, 70 năm thành lập Giáo phận HongKong cũng là dịp phong chức linh mục cho hai người anh em, một linh mục tân tòng, một linh mục ngoại bang đến sinh sống với anh chị em tín hữu HongKong. Mảnh đất Hương Cảng là mảnh đất màu mỡ đang chờ hạt giống Tin Mừng nẩy nở đòi hỏi lòng nhiệt thành của hai tân linh mục với nước Chúa. Nơi đây cũng là ngọn lửa sưởi ấm đức tin Công Giáo cho các tín hữu thầm lặng tại Trung Quốc đang chịu đựng thiệt thòi không được thể hiện niềm tin và sự thông công công khai với Giáo Hội hoàn vũ như các tín hữu HongKong. Xin Thiên Chúa là Cha nhân lành giữ gìn các tân linh mục để lòng nhiệt huyết các ngài làm cho mảnh đất màu mỡ xanh tươi ơn Chúa để những người chưa biết Chúa đón nhận ơn Chúa, những người đang bóp nghẹt hạt giống đức tin biết mở rộng lòng để hạt giống Lời Chúa cũng sinh sôi nảy nở. Đồng thời cũng là tiếng động đánh thức những tâm hồn trẻ can đảm dấn thân theo tiếng Chúa gọi trở thành linh mục như lòng Chúa mong ước và để các Giáo Hội giàu ơn gọi như Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, đóng góp ơn gọi trẻ cho các Giáo Hội thiếu hụt ơn gọi làm cho nước Chúa rộng mở.

Thiên Ân
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/189759.htm

Cảnh sát Indonesia bắt giữ một tên khủng bố mưu toan giết chết một linh mục đang cử hành thánh lễ

Cảnh sát ở Sumatra, Indonesia đã bắt giữ một tên khủng bố mưu toan giết chết một linh mục đang cử hành thánh lễ tại một nhà thờ Công Giáo vào sáng Chúa Nhật 28 tháng 8. 

Các nhân chứng tại nhà thờ Thánh Giuse Sumatra cho biết như sau: Khi vị linh mục đang đọc bài Tin Mừng, một tiếng nổ dữ dội phát ra từ một trong các hàng ghế bên trong thánh đường. Tên khủng bố bị cháy ở lưng, lao nhanh lên bục giảng, trên cánh tay có quấn chất nổ. Khi quả bom trên tay không nổ, y dùng búa chém vị linh mục.

Anh chị em giáo dân quật ngã tên khủng bố.Vị linh mục chỉ bị thương nhẹ vì va chạm. 

Quân đội và cảnh sát đã được gửi nhà thờ để rà soát bom mìn và kiểm tra nghiêm ngặt người ra vào các thánh đường trong vùng để đề phòng một vụ tấn công tương tự.

Indonesia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới và trong những năm qua đã chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo.

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/189758.htm

Đức tin của một số vận động viên người Mỹ tham dự Thế vận hội Brazil 2016

Vận động viên bơi lội Katie Ledecky

Sau 16 ngày tranh tài, Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2016 tổ chức tại Brazil, với sự tham dự của hơn 11 ngàn vận động viên đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đã bế mạc vào ngày 22 tháng 8. Thế vận hội năm nay được đánh giá là một trong những kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử của nó, từ cách tổ chức của nước chủ nhà Brazil, cho đến số kỷ lục đạt được, cũng như những câu chuyện đẹp đầy tinh thần thể thao. Các vận động viên, chắc chắn là những người đã góp công sức rất lớn khi cố gắng tập luyện và thi đua để mang lại những thành công cho đại hội thể thao. Trong số các vận động viên tham gia các cuộc thi, có các vận động viên Công giáo và họ đã là những chứng tá về đức tin của mình, về nguồn sức mạnh thiêng liêng đã trợ giúp họ trong những thành công nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Sau đây là chứng từ của một vài vận động viên Công giáo người Mỹ.

Một trong những vận động viên được nhắc đến nhiều nhất với những thành công vượt bực chính là nữ vận động viên bơi lội trẻ tuổi người Mỹ, Katie Ledecky; cô đã đạt được 4 huy chương vàng và một huy chương bạc tại Thế vận hội mùa hè năm nay. Katie Ledecky 19 tuổi, là một sinh viên Công giáo, sẽ theo học tại Đại học Stanford mùa thu này. Trước đó cô đã học tại trường Little Flower và trung học Stone Ridge của các nữ tu dòng Thánh Tâm tại Bethesda, tiểu bang Maryland. Ledecky chia sẻ: “Tôi đã nhận được một nền giáo dục đầy đức tin tuyệt vời ở cả hai trường. Có cơ hội học hành tại những trường giáo dục nghiêm túc đã giúp tôi quan tâm đến thế giới và việc phục vụ người khác và làm giàu cho cuộc sống của tôi, để nó không chỉ tập trung vào việc bơi lội của tôi và môn điền kinh…. Việc học ở các trường này quan trọng đối với việc bơi lội của tôi vì các truờng Công giáo thử thách tôi, chúng mở rộng tầm nhìn của tôi và cho phép tôi dùng lý trí của mình trong những cách thức đưa tôi vượt qua việc chỉ nghĩ đến việc tập luyện, gặp gỡ trong bơi lội và thể thao.”

Ledecky được bạn bè đánh giá là một người khiêm nhường, đáng yêu và là tấm gương cho các học sinh lớp nhỏ hơn về cách hành xử của người nổi tiếng. Dù tập luyện rất chăm chỉ và đạt những thành công nhưng Ledecky không bao giờ quên các bạn đồng đội. Cô luôn muốn các bạn đạt thành tích tốt nhất cho dù đó là một cuộc thi tại Thế vận hội hay tại trường trung học. Điều đặc biệt nơi vận động viên trẻ này là cô luôn đọc kinh Kính Mừng hay một lời cầu nguyện khác trước khi bước vào cuộc thi. Việc cầu nguyện, đọc kinh Kính Mừng giúp Ledecky bình tĩnh trước khi cô bắt đầu cuộc thi. Đối với Ledecky, Kinh Kính Mừng là một lời kinh rất đẹp. 

Trong một email phỏng vấn với báo Catholic Standard của Tổng giáo phận Washington trước khi Thế vận hội mùa hè năm nay diễn ra, Ledecky cho biết chính đức tin Công giáo đã cho cô sức mạnh và giúp cô giữ cân bằng trong cuộc sống của mình. Tầm quan trọng của cân bằng trong cuộc sống của một người là bài học cô đã học và hy vọng nó sẽ giúp cô ở đại học và sau này nữa. Cô chia sẻ: “Đức tin Công giáo của tôi rất quan trọng đối với tôi. Nó luôn quan trọng và sẽ luôn luôn quan trọng. Nó là một phần của căn tính của tôi, tôi là ai, và tôi cảm thấy thoải mái thực hành đức tin của mình. Nó giúp tôi quan tâm mọi thứ”.

Một vận động viên Công giáo người Mỹ khác cũng đạt thành công vẻ vang trong Thế vận hội mùa hè ở Brazil năm nay là Simone Biles. Biles năm nay 19 tuổi, sinh tại Houston, là ngôi sao trong đội tuyển thể dục dụng cụ nữ Hoa kỳ, đoạt 4 huy chương vàng ở các nội dung Thể dục toàn năng, ngựa gỗ, tự do và đồng đội, và huy chương đồng ở cầu thăng bằng, trở thành vận động viên thể dục đoạt nhiều huy chương vàng nhất cho Hoa Kỳ chỉ trong 1 kỳ thế vận hội. Với 19 danh hiệu Olympic và Vô địch thế giới, Biles được coi là một trong những vận động viên thành công nhất lịch sử môn Thể dục dụng cụ của nước Mỹ. Biles cũng chính là vận động viên đầu tiên giành được 3 chức vô địch thế giới liên tiếp nội dung Toàn năng. Với 14 danh hiệu tại giải đấu này, trong đó có 10 huy chương vàng, Biles cũng là một trong những vận động viên thành công nhất lịch sử giải đấu Olympic. Trong cuộc phỏng vấn với US Magazine, cô cho biết mình mang theo một chuỗi Mân côi màu trắng mà mẹ cô đã cho trong túi thể thao của mình. Biles thường tham dự Thánh lễ Chúa nhật và đều đặn và thắp một ngọn nến ở tượng thánh Sebastiano, thánh quan thầy của các vận động viên, trước mỗi sự kiện lớn.

Một thành viên của hội Hiệp sĩ Columbus cũng đã đạt một huy chương bạc môn đẩy tạ tại Thế vận hội Brazil, đó là Joe Kovacs. Kovacs chia sẻ với tờ báo Columbia hội Hiệp sĩ Columbus là các Linh mục đã giúp đỡ anh rất nhiều trong cuộc sống. Các Linh mục không chỉ là các gương mẫu hành xử mà còn là những người bạn của anh. Anh đã tham gia hội Hiệp sĩ Columbus vì các thành viên là những người tình nguyện, tổ chức các sự kiện, họ là mẫu người mà anh mong muốn trở thành. Anh yêu thích tính phổ quát của Giáo hội. Anh nói: “Mỗi khi bạn đi nhà thờ ở một đất nước khác, các Thánh lễ đều giống nhau. Có thể tôi không hiểu điều họ đang nói qua ngôn ngữ của họ nhưng tôi biết điều họ đang nói. Ở nhiều đất nước, tôi chỉ biết vài chữ để gọi thức ăn, nhưng khi tôi đi nhà thờ tôi biết những gì đang diễn ra và có thể tham dự Thánh lễ”.

Một vận động viên khác, tuy không đạt được thứ hạng cao nhưng những chia sẻ thiêng liêng của cô thật quý giá. Đó là Deanna Price, xếp hạng 8 chung kết môn ném búa nữ. Càng đạt thứ hạng cao, Price càng gắn kết với đức tin Công giáo. Price và gia đình đã được giáo dân trong Giáo xứ Vô nhiễm nguyên tội của cô quyên góp để cha mẹ cô có thể đến Rio di Janeiro xem cuộc thi của con gái. Cô chia sẻ: “Bạn nghe nhiều về tất cả những điều tồi tệ trên thế giới nhưng điều tốt tràn đầy. Nó chiếu sáng phủ lên bóng tối”. Có Thiên Chúa trong cuộc sống tạo nên một sự khác biệt. Cô nói: “Những khi tôi bực mình với người khác, tôi nhận ra mình đang xét đoán họ. Việc của tôi là yêu họ vô điều kiện. Thiên Chúa là Đấng sẽ xét xử”. Năm 2014, khi bị thương ở đầu gối, Price đã đến nhà thờ và cầu nguyện để biết sẽ phải làm gì. Cô chia sẻ: “Thiên Chúa đã cho tôi sức mạnh và khả năng không cạn kiệt. Bạn không nhận ra cơ hội mà Người ban cho bạn mà nó có thể đến trong cách tiêu cực. Nó có thể là chịu đựng một thử thách hay một thánh giá của gánh nặng, nhưng khi bạn vượt qua, nó dạy bạn nhiều hơn về chính bạn và đức tin của bạn. Khi bạn nghĩ bạn cô đơn, không ai bên cạnh bạn và bạn chán nản, vả rồi khi bạn quay lại, bạn nhận ra Người luôn ở đó và giúp bạn mọi lúc”. Khi phải thi đấu vào cuối tuần và không thể tham dự Thánh lễ các ngày Chúa nhật, Price kiếm thời gian lần hạt Mân côi và cám ơn Chúa về những gì Người ban cho cô và cầu xin sức mạnh để sống theo ý Chúa. Chuẩn bị cho cuộc thi tài là một kinh nghiệm căng thẳng đối với Deanna Price, nhưng cô được thư giản vì biết ở làng Olympic có một nhà nguyện. (CNS 2/8/2016; CAN 20/8/2016; Catholic Herald 22/8/2016)

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/08/29/%C4%91%E1%BB%A9c_tin_c%E1%BB%A7a_m%E1%BB%99t_s%E1%BB%91_v%E1%BA%ADn_%C4%91%E1%BB%99ng_vi%C3%AAn_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_m%E1%BB%B9_tham_d%E1%BB%B1_th%C3%AA_v%E1%BA%ADn_h%E1%BB%99i_brazil_2016/1254410

Biên bản Hội nghị Mục vụ Di dân Toàn quốc năm 2016


Sau ba ngày thảo luận sôi nổi, Hội nghị Mục vụ Di dân Toàn quốc năm 2016 do Uỷ ban Mục vụ Di dân (UBMVDD) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tại Toà Giám mục giáo phận Thanh Hoá từ ngày 23-08-2016 đã kết thúc với Thánh lễ tạ ơn vào lúc 9g45 ngày 25-08.

Trong Thánh lễ bế mạc, Đức cha Chủ tịch UBMVDD Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tế Thánh lễ, nói lời cảm ơn tới tất cả các tham dự viên Hội nghị, những người đã và đang đầu tư rất nhiều sức lực, thời gian và nguồn lực cho việc đồng hành chăm sóc mục vụ di dân. Ngài cầu chúc tất cả có đủ sức mạnh thiêng liêng và những ơn cần thiết để chu toàn nhiệm vụ Chúa trao.

Sau đây là biên bản của Hội nghị:

Nguồn: http://hdgmvietnam.org/bien-ban-hoi-nghi-muc-vu-di-dan-toan-quoc-nam-2016/8175.32.21.aspx

Động lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội 2016


Trong khi huy chương vàng Olympic là một thành công mà các vận động viên mơ ước, thì có một giải thưởng khác được trao cho một số nhỏ được chọn lựa. Hai vận động viên điền kinh Nikki Hamblin (người New Zealand) và Abbey D’Agostino (người Mỹ) không đạt huy chương vàng, đồng hay bạc, nhưng đã được trao huy chương Pierre de Coubertin, là huy chương được trao cho các vận động viên và nhân viên tiêu biểu cho tinh thần thể thao tại Thế vận hội mùa hè và mùa đông. Đó là huy chương về “fair play” – tinh thần thượng võ. Đây là huy chương được ví là khó đạt hơn cả huy chương vàng, vì chỉ riêng Michael Phelps, kình ngư của thế giới, đã đạt được tất cả 23 huy chương vàng, thì hai vận động viên này mới là người thứ 18 và 19 nhận huy chương này. Cặp đôi này đã trở thành đề tài trên báo chí tuần qua.

Mọi chuyện diễn ra vào ngày thứ 3, 17 tháng 8 vừa qua, trong cuộc thi chạy vòng loại 5000 mét. Khi chỉ còn 2000 mét là đến đích thì hai vận động viên Hamblin và D’Agostino va chạm, cùng vấp và ngã xuống đất. D’Agostino đã đứng dậy trước nhưng cô không tiếp tục cuộc chạy ngay; thay vì đó, cô đã quay lại giúp Hamblin. Rồi khi D’Agostino quá đau không thể tiếp tục cuộc thi, đến lượt Hamblin đã đứng lại với D’Agostino một lúc để giúp cô đứng dậy. Cả hai đã kết thúc cuộc đua, nhưng D’Agostino phải đi khập khễnh trong 5 vòng cuối. D’Agostino và Hamblin đã ôm nhau cách thân thiết khi kết thúc vòng đua, và sau đó D’Agostino phải lên xe lăn rời vòng đua. Dù cả 2 thất bại trong vòng loại nhưng Ủy ban Olympic phán quyết là cả 2 được vào thi vòng chung kết do tinh thần thể thao của họ. Nhưng vào phút cuối D’Agostino đã không thể tham dự vòng chung kết vì chân vẫn còn đau.

Câu chuyện đẹp được khán giả trường đua chứng kiến và các khán giả khắp thế giới theo dõi qua các mạng truyền thông ngưỡng mộ, và các hãng tin toàn thế giới cũng đã tốn giấy mực cho cử chỉ đẹp đầy tinh thần thể thao này. Sau đó, D’Agostino đã chia sẻ về việc làm của mình: động lực và sức mạnh của hành động của cô chính là Thiên Chúa. Cô nói: “Dù hành động của tôi lúc đó là bản năng, cách duy nhất tôi có thể và lý luận đó chính là Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi phản ứng theo cách đó. Cả thời gian ở đây Người cho tôi biết rõ là kinh nghiệm của tôi ở Rio sẽ có giá trị hơn là cuộc thi của tôi, và khi Nikki đứng lên tôi đã biết điều đó.”

Abbey D’Agostino 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình Công giáo. Cô đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn dành cho podcast “Running On Om” về việc chạy đua của cô, về những lo lắng chấn thương và về đời sống cầu nguyện. D’Agostino cho biết, cô thường dùng thời gian cầu nguyện của mình để suy gẫm về những điều Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống của cô. Cô lắng nghe thánh ca, đọc Kinh thánh và viết nhật ký. Những điều này đưa cô đến một nơi khiêm nhường, nơi cô nhận ra vị trí của mình trước nhan Chúa. Khi vào cuộc thi chạy, cô nghĩ rằng sự tin cậy vào Chúa và sự hiện diện của Chúa Thánh Thấn sẽ thêm “năng lượng” cho cô, cách ý thức hay vô thức. Cô nói: “Tôi cảm thấy bình an khi nhận biết là mình không đang chạy với sức mạnh của mình”. Cô kết thúc cuộc thi chỉ với việc đón nhận Chúa Giêsu và nhận ra điều có ý nghĩa trong cuộc sống của cô.

Như các vận động viên khác, D’Agostino cũng lo sợ những chấn thương trong các cuộc thi. nhưng chính sự tín thác vào Thiên Chúa giúp cô vơi bớt những lo lắng trước các cuộc thi quan trọng. Cô nói: “Cho dù kết quả cuộc thi thế nào tôi sẽ chấp nhận nó. Tôi rất biết ơn và chỉ rút lấy những điều mà tôi cảm thấy nó bày tỏ rõ ràng việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi.” D’Agostino cho biết những lần chấn thương trước đã thúc đẩy cô cậy dựa vào Thiên Chúa trong cách thế mà cô chưa bao giờ có trước đó. Trên lý thuyết, cô biết tín thác vào Thiên Chúa là cách duy nhất mình có thể cảm thấy bình an, vui mừng và thỏa mãn mà Người ban cho, nhưng kinh nghiệm điều này và rơi vào trong một tình trạng mà đức tin bị thử thách thì lại là một vấn đề khác. Sau những chấn thương, những lần cảm thấy cô đơn và mất tự tin đã làm cô phải xét mình; mình có thực sự tin cậy vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa kiểm soát và làm vinh danh Thiên Chúa qua thể thao hay không. Nếu thời gian có thể quay lại, cô muốn được trò chuyện với Mẹ Têrêsa, một người rất đặc biệt với cô. (CAN 17/8/2016)

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/08/30/%C4%91%E1%BB%99ng_l%E1%BB%B1c_%C4%91%C3%A0ng_sau_c%E1%BB%AD_ch%E1%BB%89_%C4%91%E1%BA%B9p_c%E1%BB%A7a_abbey_d%E2%80%99agostino_t%E1%BA%A1i_th%E1%BA%BF_v%E1%BA%ADn_h%E1%BB%99i_2016_/1254551

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Mẹ Thánh Têrêsa: Tiếng Vọng của Lòng Xót Thương


Thật không hề là ngẫu nhiên, mà hoàn toàn có chủ đích, khi Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định cử hành đại lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta vào ngày Chúa Nhật 4 tháng 9 năm 2016, đúng vào dịp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, bởi lẽ cuộc đời của Mẹ Thánh phản ảnh trung thực và rõ nét lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng luôn “chạnh lòng thương” đám đông dân chúng vì “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (xem Mt. 9:36, 14:14, 15:32; Lc. 7:13).

Một trong nhóm “những kẻ khốn cùng” mà Mẹ Thánh lưu tâm đặc biệt, đó là những người vô gia cư. Nhận xét này đến từ ông Sean Callahan, thuộc cơ quan “Catholic Relief Services—CRS,” một cơ quan đã chung tay sát cánh làm việc với Tu Hội Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Thánh Têrêsa sáng lập. Khi ông khởi sự làm việc tại Kolkata (tên mới của Calcutta) vào đầu thâp niên 1990 thì thành phố đó có khoảng 3 triệu người sống ngoài đường phố, trong đó trẻ em chiếm đến một phần ba. Ông Callahan nói: “Thật không tưởng tượng được các nhu cầu trợ giúp khẩn cấp trong thành phố với ngần ấy những con người đã phải chọn “khách sạn ngàn sao” làm nơi cư trú hàng ngày. Bệnh tật và cùng quẫn nhan nhản khắp nơi. Và Mẹ Têrêsa đã mở ra “Trung Tâm cho Kẻ Lâm Tử” bởi vì Mẹ không nỡ để cho những khoảnh khắc cuối đời của những kẻ đáng thương này trôi qua trong cô đơn tuyệt vọng.”

Vô gia cư đã trở thành nếp sống ngày càng “quen thuộc bất đắc dĩ” ngay tại các nước phát triển, tỉ như ở Hoa Kỳ. Với Mẹ Têrêsa, vô gia cư hẳn nhiên bao gồm những người thiếu nơi cư trú, nhưng nhất là những kẻ sống ngoài đường, ngủ trong công viên, ở Kolkata hay Tân Đềli, ở Luân Đôn hay Nữu Ước, Balê hay La Mã, những kẻ nằm trên hè phố, chỉ lót một tấm bià mỏng hay tờ nhật báo, trong một ngày hè nóng cháy hoặc giữa một đêm đông giá lạnh. Họ lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu—đúng nghĩa đen của “màn trời chiếu đất.” Cảnh sống của họ bi thảm ở chỗ chẳng thấy một tương lai lóe sáng ở bất kỳ chân trời góc bể nào. Mẹ Têrêsa tìm cho họ những nơi tá túc. Thế nhưng, Mẹ còn muốn các trung tâm này phải là một mái ấm đúng nghĩa, nơi họ được chào đón, yêu thương, chăm sóc, và nhất là “cảm thấy như đang ở nhà,” theo kiểu nói thông thường của Mẹ. Nói khác đi, với Mẹ Têrêsa, người vô gia cư không chỉ thiếu nơi ăn chốn ở, mà ở một độ sâu hơn, họ thiếu thốn sự quan tâm đoái hoài, thương mến và cảm thông, bị ruồng bỏ hay chối từ, đã đành rồi, nhưng tệ hơn nữa, là bị phớt lờ: người nào cũng “nhìn,” nhưng chẳng ai “thấy.” Ai cũng đi qua, những không ai dừng lại. 

Với cảm thức sâu sắc đó, Mẹ thường bảo các chị em trong Tu Hội phải “cho khách đỗ nhờ,” nhưng nơi đỗ nhờ này không chỉ được làm bằng gạch ngói hay gỗ đá, mà phải được xây dựng bằng tình yêu thương. Nơi Mẹ cho họ cư trú phải là một tổ ấm, để họ cảm thấy được đón tiếp đùm bọc, che chở thương yêu. Mẹ không muốn đó là một nơi trú ngụ lạnh tanh, thiếu sinh khí, thiếu hơi ấm của tình thương, mà phải là nơi chốn bình yên và thoải mái, khiến họ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Nhân Lành, và làm cho những kẻ “rình sinh thì” có thể ra đi trong nguồn bình an của Thiên Chúa, vì biết rằng, dù sao đi nữa, mình cũng đang được yêu chiều chăm sóc. 

Tuy số người vô gia cư đói nghèo khốn khổ thì nhan nhản khắp nơi, chẳng tìm thì cũng vẫn thấy, nhưng điều đặc biệt là Mẹ không chờ họ đến để xin giúp đỡ, mà chính Mẹ đích thân đi tìm họ, trên lề đường hay nơi góc phố. Điều này cho thấy mỗi một con người đều được Mẹ coi trọng, cứ y như chỉ một mình người ấy là đáng thương, đáng giúp, đáng quan tâm chăm sóc. 

Đây là lời kể của Sean Callahan: “Một hôm đi họp với Mẹ Têrêsa tôi có nói với Mẹ là đã gặp một người nọ trên đường phố dáng vóc rất bệ rạc, quần áo tơi tả, và có vẻ rất yếu mệt. Nghe thấy thế, Mẹ liền hỏi ngay là ông ta đang ở đâu, tôi gặp ông ấy vào khoảng mấy giờ để Mẹ cho gọi xe cấp cứu. Rồi Mẹ còn cho tôi một số điện thoại, căn dặn rằng lần sau có gặp trường hợp như vậy thì cứ gọi số điện thoại ấy. Lề lối làm việc của Mẹ là như thế. Từ đó tôi rất an tâm vì biết rằng mình có thể giúp được những người hoạn nạn thường gặp.”

Callahan nói tiếp: “Có lần tôi nhận được điện thoại từ Mẹ Têrêsa cho biết rằng lũ lụt đang tràn về Bangladesh. Mẹ hỏi tôi có thể lấy xe vận tải chở đồ tiếp cứu mà các nữ tu đang yêu cầu không. Tôi trả lời rằng muốn như thế thì cần có giấy phép vì phải vượt qua vùng biên giới. Mẹ liền hỏi: ‘Như vậy phải làm sao?’ Tôi nhắc lại là mình phải có giấy phép. “Được, Mẹ nói, anh cứ đi lo xe vận tải đi, còn tôi sẽ đi xin giấy phép, rồi mình gặp lại nhau trong vòng hai tiếng đồng hồ sau nhé!”

“Và chuyện xẩy ra đúng y như thế. Mẹ không chỉ sai phái, mà đích thân lo liệu. Chúng tôi đã đem các nữ tu với đồ tiếp cứu vượt qua biên giới đúng như dự liệu.”

Vì sức khỏe không khả quan, Sean Callahan phải rời Ấn Độ vào năm 1995. Khi đến chào Mẹ, Mẹ hứa sẽ sang Hoa Kỳ để thăm ông. Và Mẹ đã đến thăm ông tại cơ sở chính của CRS vào tháng 5 năm 1996, một năm trước khi Mẹ qua đời.

Đây là cảm tưởng của Callahan: “Chúng tôi cảm thấy như đang có sự hiện diện của một thánh nhân. Mẹ hiến thân giúp người cùng quẫn và thành lập Tu Hội cho các nữ tu cũng như giáo dân đi theo bước chân Mẹ.”

Trái tim của Mẹ đúng là trái tim của Chúa, lúc nào cũng “chạnh lòng thương.” Chẳng thế mà mới đây một cuốn sách về Mẹ vừa được xuất bản, mang tựa đề: “A Call to Mercy: Hearts to Love, Hands to Serve” (Tiếng Gọi về Nguồn Xót Thương: Những Trái Tim Yêu Thương, Những Đôi Tay Phục Vụ). Cuốn sách được chính Cáo Thỉnh Viên của Mẹ là Linh Mục Brian Kolodiejchuk viết lời giới thiệu.

Ta thử duyệt qua 5 cách sống như là di sản Mẹ Têrêsa đã để lại:

1) Hãy trở thành tiếng kêu cứu thay cho những kẻ không có tiếng nói: Sứ điệp của Mẹ thật đơn giản: “Người nghèo phải được biết rằng chúng ta yêu thương họ.” Bàn tay Mẹ chạm tới những người phong hủi và mắc bệnh liệt kháng. Mẹ căn dặn chúng ta hãy “nhìn thấy” những kẻ đáng thương nhất giữa đám người nghèo bằng cách dấn thân ra đi gặp gỡ họ. 

2) Hãy quyết tâm, nhưng đừng ngại xin giúp đỡ: Mẹ thành lập Tu Hội Thừa Sai Bác Ái vào năm 1950 sau khi được Tòa Thánh Vaticăng phê chuẩn. Không có tiền của, Mẹ sẵn sàng đi ngửa tay xin đồ ăn và phẩm vật cứu trợ. Với quyết tâm, Mẹ đã hiến thân cứu giúp những kẻ cùng khốn và bị xã hội phớt lờ. Khi Mẹ qua đời, các nữ tu của Mẹ đang làm việc trong hơn 4000 viện mồ côi, nhà nghỉ dưỡng, và trung tâm bác ái rải rác trên toàn thế giới. Mẹ bảo: “Hãy biết dấn thân cho lý tưởng và chung tay làm việc với người khác để thực hiện lý tưởng ấy.”

3) Hãy cầu nguyện: Tuy là một con người của Thiên Chúa, Mẹ Têrêsa không tránh khỏi cám dỗ “chất vấn” Chúa khi đối diện với những nỗi trầm luân thống khổ nơi những con người Mẹ gặp gỡ hằng ngày. Nhưng quan trọng hơn hết, Mẹ cầu nguyện, miệt mài, liên lỉ. Mẹ cầu nguyện để thấu hiểu, để xin trợ giúp, để được kiện cường. Nhờ cầu nguyện, Mẹ đã có thể tiếp tục công việc Mẹ hằng yêu mến: đó là giúp đỡ kẻ nghèo khổ cơ cực.

4) Hãy sống khiêm nhường: Về cuối đời, Mẹ đi vào vùng ánh sáng chói lòa của sân khấu thế giới khiến cho biết bao nhiêu người đều biết đến Mẹ, nhất là khi Mẹ nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 1979. Mẹ không hề dừng lại ở danh tiếng đó. Mẹ luôn tự nhận là “Tôi không xứng đáng.” Suốt đời Mẹ chỉ sống đơn sơ như nữ tỳ nhỏ bé của Chúa. Mẹ lúc nào cũng chỉ quanh quẩn với những con người nghèo khó khốn cùng để xoa dịu nỗi khổ đau của họ và gieo rắc niềm bình an bất tận.

5) Hãy mỉm cười: Cuối cùng, ta không cần gì cầu kỳ cao xa để trở nên giống Mẹ, mà chỉ cần làm một điều dễ dàng, không tốn phí: mỉm cười. Những câu nói thời danh nhất của Mẹ đều bao gồm những món quà đơn giản nhất: tình yêu, bình an hay một nụ cười. Mẹ nói: “Hãy cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau, hãy vui với nhau khi có nhau.” Theo Mẹ, khi chia sẻ với người khác một nụ cười tươi tắn, đó là lúc ta chia sẻ một phần con người của chính mình.

Mẹ Thánh Têrêsa, xin cầu cho chúng con!

Nguyễn Kim Ngân
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/189724.htm

Giáo hạt Hóc Môn: Hội CBMCG mừng bổn mạng

WGPSG – “Trách nhiệm của người mẹ rất nặng nề, vì ngoài việc nuôi dạy con cái nên người, người mẹ còn phải nuôi dưỡng và giáo dục đức tin cho con cái”.
Trên đây là lời chia sẻ của cha Vinhsơn Nguyễn Văn Hồng trong Thánh lễ mừng kính Thánh nữ Monica - bổn mạng hội Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG) giáo hạt Hóc Môn - được cử hành lúc 10g00 ngày 26/08/2016 tại giáo xứ Chợ Cầu, giáo hạt Hóc Môn.
Thánh lễ trọng thể do cha Vinhsơn Nguyễn Văn Hồng - linh hướng hội CBMCG giáo hạt Hóc Môn - chủ tế và bốn cha đồng tế.
Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài các hội viên CBMCG đến từ các giáo xứ, còn có đông đảo cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Chợ Cầu.
Trước Thánh lễ, để tỏ lòng kính mến và nêu cao tấm gương của thánh nữ Monica trong đời sống gia đình, quý cha và CBMCG đã cung nghinh tượng thánh nữ chung quanh nhà thờ, hòa với những lời ca dâng lên Chúa cùng xin thánh nữ chuyển cầu để chị em noi gương sống của thánh nữ trong gia đình mình.
Sau Tin Mừng, cha chủ tế chia sẻ với chị em về gương sống của Mẹ Maria, Thánh Monica để chị em cảm nhận sâu hơn về gương sống của các ngài.
Với Mẹ Maria, Mẹ đã chấp nhận tất cả những khó khăn trong hoàn cảnh của mình với thái độ "Xin Vâng". Khi thiên sứ truyền tin Mẹ sẽ thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Mẹ rất bối rối, vì Mẹ sẽ phải đối mặt với khó khăn, đó là mang thai lúc chưa làm bạn với Thánh Giuse; rồi Mẹ hạ sinh Chúa nơi hang lừa tối tăm và dơ dáy, Mẹ chạy trốn vua Herode, lạc mất Chúa Giêsu, và đỉnh điểm của khó khăn và đau khổ là nhìn con bị hành hạ và chết trần trụi trên Thập Giá. Với tất cả cả những khó khăn trong cuộc đời của Mẹ, kết quả là Mẹ đã đem đến cho chúng ta Đấng Cứu Độ trần gian.
Với Thánh Nữ Monica, thánh nữ đã vâng lời cha mẹ để kết hôn với một người gấp đôi tuổi mình, khi thánh nữ 22 tuổi, người chồng khó tính và độc đoán, mẹ chồng khó khăn, 2 người con gái và một người con trai của thánh nữ không giữ đạo vì ảnh hưởng từ người cha ngang ngược và thô lỗ. Thế nhưng, thánh nữ vui vẻ chấp nhận và liên lỉ cầu nguyện để thánh hóa gia đình bằng những lời cầu nguyện và những giọt nước mắt. Với lòng tin tưởng nơi Chúa, Thánh nữ luôn kiên tâm bền chí cầu nguyện. Lòng cậy trông của thánh nữ đã được Chúa thương nhận lời, người mẹ chồng khó tính, và ông chồng thô lỗ đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy để trở nên con cái Chúa, hai người con gái đã trở thành những nữ tu. Riêng người con trai ngỗ nghịch và ăn chơi trác táng đã sám hối và trở nên tiến sỹ Hội Thánh là thánh Augustino. Với tất cả những khó khăn trong cuộc đời của thánh nữ, kết quả là thánh nữ đã đem đến cho chúng ta một vị thánh tiến sỹ.
Chị em chúng ta thì sao, chúng ta có sẵn sàng đón nhận những hy sinh trong đời sống gia đình? Trách nhiệm của CBMCG rất nặng nề, vì ngoài việc nuôi dạy con cái nên người, chúng ta còn phải nuôi dưỡng và giáo dục đức tin cho con cái để chúng trở thành những Kitô hữu trưởng thành trong đức tin Công giáo. Mừng kính thánh nữ hôm nay, mong chị em hãy noi gương Đức Maria và thánh Monica để chúng ta sẽ đem đến cho Giáo hội và xã hội những người con sống tốt đạo đẹp đời.
Sau chia sẻ, chị em tân Ban Chấp hành CBMCG nhiệm kỳ 2016-2020 tuyên hứa và lãnh Ủy nhiệm thư từ cha Linh hướng Vinh Sơn. Thánh lễ được tiếp tục với lời nguyện tín hữu và tiến dâng lễ vật.
Thánh lễ kết thúc với phép lành đặc biệt của cha Linh hướng để chị em được lãnh ơn Toàn xá trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, cùng với lời cám ơn của chị trưởng Maria Thu Hằng, và những bó hoa tươi thắm gửi tặng cha chủ tế và quý cha đồng tế.
Thánh lễ kết thúc lúc 10g30.
HẠT HÓC MÔN: HỘI CBMCG MỪNG BỔN MẠNG

Lễ truyền chức và mở tay của tân Linh mục đầu tiên người Mông cổ

Người Mông cổ -AFP

Ulan Bator, Mông cổ - Như báo chí đã đưa tin, ngày hôm qua, 28/8, Giáo hội Mông cổ, một cộng đoàn Công giáo nhỏ nhất thế giới đã có vị Linh mục người bản xứ đầu tiên.

Tại nhà thờ chánh toà thánh Phêrô và Phaolô ở thủ đô Ulan Bato, Đức cha Wenceslao Padilla, Giám quản Tông tòa, đã xức dầu thánh hiến cho thầy Giuse Enkh-Baatar. Đồng tế trong Thánh lễ truyền chức còn có Đức cha Lazzaro You Heung-sik, Giám mục Giáo phận Daejeon - Nam hàn - nơi thầy Enkh-Baatar đã học thần học, và Đức cha Oswaldo Padilla, khâm sứ Tòa Thánh tại Hàn quốc và Mông cổ, cùng hơn 40 Linh mục, các nhà thừa sai Consolata đã hiện diện ở đây nhiều năm. Có khoảng 1500 tín hữu và khách mời, bao gồm các đaị diện chính phủ và chính quyền thành phố, các đại diện ngoại giao.

Đặc biệt có sự hiện diên của hòa thượng Dambajav, trụ trì chùa Dashi Choi Lin. Hòa thượng đã tặng cho tân Linh mục trẻ một khăn choàng truyền thống của Phật giáo màu xanh, màu tượng trưng cho bầu trời, nghĩa là sự thanh sạch, nhưng cũng là biểu tượng của lời chúc tốt lành và mời gọi cảm thông. Những người hiện diện đã vỗ tay khi hòa thượng choàng tấm khăn lên vai vị tân Linh mục. Vị thư ký của hòa thượng cho biết: “Chúng tôi có mối liên hệ tốt đẹp với các tín hữu Công giáo. Chúng tôi học hỏi từ họ như họ học hỏi từ chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì một người trong chúng tôi, một người Mông cổ, trở thành Linh mục của Giáo hội này.

Hôm nay vị tân Linh mục, cha Giuse Enkh-Baatar, đã cử hành Thánh lễ mở tay trong niềm vui của gia đình và cộng đoàn dân Chúa. Cha Giuse chia sẻ là Thánh lễ đầu tiên được cử hành bởi một tân Linh mục “luôn luôn là một quà tặng của Thiên Chúa. Nhưng Thánh lễ này, phụng vụ Thánh Thể này, đối với tôi, là một quà tặng lớn nhất. Tôi hy vọng sẽ có thể bước đi trên con đường đã được Thiên Chúa chỉ dẫn cho mình và thực hành thánh ý”.

Trong thực tế, dân tộc Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng và Saman giáo truyền thống, và các khía cạnh của hai tôn giáo rất thường gặp nhau. Còn đối với cộng đồng Kitô hữu, các mối liên hệ ít gần gũi hơn, và việc phong chức Enkh là một cầu nối cả trong ý nghĩa này.

Cha Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng tin Á châu nhận xét lễ truyền chức Minh mục là một biến cố quan trọng bởi vì đây là Linh mục đầu tiên của một cộng đoàn phát sinh thật sự từ tro bụi, không có hiện diện cách thực hành. Đây là kết quả của hoạt động nhiều năm của các thừa sai và điều này cho thấy các hạt giống được gieo vãi sẽ sinh sôi phát triển. Một Linh mục người Mông cổ là một phần của văn hóa này đồng thời cũng là người đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu, có thể làm việc hội nhập văn hóa, cả từ khía cạnh văn hóa cũng như thần học, điều mà hơi khó và chậm đối với các thừa sai ngoại quốc. Cha cho biểt, Giáo hội tại Mông cổ phát triển chậm và kiên nhẫn, với những liên hệ bạn bè cũng như các trợ giúp cho dân chúng. Cha nhìn thấy Giáo hội tại Á châu, cách riêng tại Mông cổ, có thể phát triển vì đức tin đang tái sinh ở châu lục này. (RV 28/8/2016 và Asia News 29/8/2016)

Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/08/29/l%E1%BB%85_truy%E1%BB%81n_ch%E1%BB%A9c_v%C3%A0_m%E1%BB%9F_tay_c%E1%BB%A7a_t%C3%A2n_linh_m%E1%BB%A5c_%C4%91%E1%BA%A7u_ti%C3%AAn_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_m%C3%B4ng_c%E1%BB%95/1254320

Hai nữ tu bị đâm chết tại Mississippi


Hai nữ tu Paula Merril và Margaret Held


Hai nữ tu đã được tìm thấy bị đâm đến chết vào ngày 25 tháng 8 tại nơi cư trú của các chị tại Durant, Mississippi.

Chị Margaret Held, một nữ tu dạy học thuộc dòng thánh Phanxicô, và chị Paula Merrill, một nữ tu dòng Bác ái Nazareth, làm việc như một y tá cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cho một vùng nông thôn của Durant.

Cảnh sát chưa tìm ra động cơ của vụ giết người này.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 26 tháng 8, Đức Cha Joseph Kopacz Giám mục Jackson cho biết:

"Các chị đã trải qua nhiều năm phục vụ tại Mississippi này. Các chị hoàn toàn yêu mến những người dân trong cộng đồng của mình."

Thống đốc Phil Bryant nói:

"Tôi cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến hai gia đình và những bạn bè của hai tâm hồn cao thượng này".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao tiểu bang Mississippi, Delbert Hosemann, nói:

“Tình yêu không kiềm chế và sự chăm sóc cho nhân loại đã được đáp ứng với sự dã man chưa từng có. Các nữ tu trung thành làm việc không mệt mỏi tại phòng khám y tế Lexington cho cộng đồng Holmes County và Mississippi có một nơi tốt hơn để sống. Chúng tôi hy vọng công lý sẽ được phục hồi nhanh chóng.”

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/189705.htm

Lễ tang các nạn nhân động đất ở Ascoli Piceno, Italia


Ascoli Piceno - Trong bầu khí trịnh trọng và đau thương, sáng ngày 28/8, tại Ascoli Piceno đã diễn ra Thánh lễ an táng của 35 nạn nhân trong số gần 300 nạn nhân của trận động đất xảy ra rạng sáng ngày thứ 4, 24/8, tại miền Trung Italia. Trận động đất đã tàn phá các thành phố Amatrice, Accumoli e Arquata và các làng xung quanh.

Nhà thể thao Ascoli, nơi lập tức nhắc nhớ người ta đến niềm vui của các thanh thiếu niên vui chơi, nhưng ngược lại, hôm nay nó là nơi của đau buồn, nơi chia tay cảm động cuối cùng với một người mẹ, một người cha, một người con.

Đức cha Giáo phân Ascoli Piceno, Giovanni D’Ercole, đã chủ sự Thánh lễ. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Domenico Pompili, Giám mục Giáo phận Rieti và Tổng Giám mục Petrocchi của Tổng Giáo phận Aquila. Đến tham dự Thánh lễ có Tổng thống Sergio Mattarella của Italia, Thủ tướng Matteo Renzi, các chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Grasso và Boldrini. Hình ảnh của các trẻ em được đặt cạnh các quan tài là những hình ảnh gây xúc động nhất.

Đức cha D’Ercole khởi đầu bài giảng với câu hỏi: “Bây giờ, Chúa ơi, người ta phải làm gì? Bao nhiêu lần, trong sự thinh lặng trăn trở của những đêm thức giấc và chờ đợi, tôi đã thưa với Chúa cùng câu hỏi mà tôi nghe thấy anh chị em lập lại trong những ngày này. Nhân danh tôi, nhân danh những người dân đã bị phản bội bởi khuấy động hủy diệt của trái đất, bị khuấy động bởi nỗi đau, bởi sự chán nản của những con người bị cướp đi niềm hy vọng cuối cùng của họ, tôi hỏi Thiên Chúa Cha: bây giờ người ta phải làm gì?”.

Đức cha D’Ercole cũng đưa ra những lời hy vọng và an ủi mọi người: “Các tháp chuông đã loan báo nhịp điệu của ngày và mùa, đã sụp đổ, không còn đánh chuông nữa. Bụi đất, tất cả mọi thứ hiện tại là cát bụi. Tuy nhiên, bên dưới đống đổ nát - ngài nói - có một cái gì đó nói với chúng ta rằng các chuông của chúng ta rồi sẽ vang lại, chúng sẽ tìm thấy lại những âm thanh của buổi sáng Phục Sinh. Một trận động đất là kết thúc: một đao phủ đêm đen đã đến tước đi khỏi chúng ta mạng sống. Tuy nhiên rái đất của chúng ta đầy những con người không đánh mất lòng can đảm”

Đức cha nói tiếp: “Nguồn gốc của chúng ta là các nông dân. Trong thiên nhiên, việc cày bừa cũng giống như một trận động đất: đất nứt ra, bị thương tích, bị nghiền vỡ thành từng cục. Cày bừa làm cho nó bị thương nhưng là công cụ đầu tiên cho một mùa gieo giống mới: cày bừa để chuẩn bị đất đai cho một mùa thu hoạch mới. Các nhà địa chấn học cố gắng dự đoán động đất, nhưng chỉ có đức tin giúp chúng ta vượt qua nó. Đức tin, đức tin khó khăn của chúng ta, chỉ cho chúng ta bắt đầu lại như thế nào: với bàn chân trên mặt đất và mắt hướng lên trời”. Đức cha nói thêm: “Thật là khôn ngoan khi đối thoại với thiên nhiên và không làm cho nó bị nghiền nát bởi sự lạm dụng quá mức”.

Ngỏ lời với các người trẻ, Đức cha kêu gọi: “Các con đừng sợ hãi kêu la đau khổ của chúng con, nhưng đừng đánh mất lòng can đảm. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng các ngôi nhà và thánh đường của chúng ta; trên hết, chúng ta cùng nhau đem lại sự sống cho cộng đồng của chúng ta, bắt đầu ngay từ chính truyền thống của chúng ta và từ các đống đổ nát của sự chết. Chúng ta cùng nhau”. Đức cha kết luận: “Cùng với bé Giorgia được cứu sống, sự sống đã chiến thắng chứ không phải sự chết. Động đất có thể là một cuộc chiến tranh và cần quan sát nó cách khác nhau. Và hãy có niềm tin vào Thiên Chúa”.

Đức cha đã cám ơn Đức Thánh cha, các Giám mục, các hội đoàn, các thiện nguyện viên, tất cả những ai đã ôm chặt các cộng đoàn bị hủy hoại bởi động đất. Ngài xin các hội đoàn đừng bỏ rơi các nạn nhân động đất. Đó là một nhiệm vụ mà chính Đức cha, mục tử của đàn chiên đảm trách. Ngài nói: Nhiều người trong anh chị em đã nói với tôi: ‘đừng bỏ rơi chúng con’. Đối với tôi, cho đến khi còn sống, họ sẽ không bỏ rơi anh chị em...”

Giây phút tên các nạn nhân của trận động đất được đọc lên như dài vô tận và là giây phút đánh động lòng người. Sau Thánh lễ, Đức cha và Tổng thống đã ôm chào từng người các thân nhân của các nạn nhân. Những cái ôm thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi nước mắt. Cử chỉ của Tổng thống và Đức cha D’Ercole là một dấu chỉ của tình huynh đệ mà không có một trận động đất kinh khủng nhất nào trong các trận động đất có thể phá vỡ (RV/ACI 27/08/2016)

BL
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/08/27/l%E1%BB%85_tang_c%C3%A1c_n%E1%BA%A1n_nh%C3%A2n_%C4%91%E1%BB%99ng_%C4%91%E1%BA%A5t_%E1%BB%9F_ascoli_piceno,_italia_/1254105

Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc: Mẹ Giáo hội không bao giờ quên con cái của mình

Đức giám mục Giuse Nguỵ Cảnh Nghĩa
WHĐ (27.08.2016) – Trong một bài phân tích khá dài viết bằng tiếng Hoa đề ngày 31-07-2016 nhan đề “Sự hiệp thông của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc với Giáo hội hoàn vũ”Đức hồng y Gioan Thang Hán, giám mục Hong Kong, đã đưa ra một giải thích chi tiết về những lý do khiến Toà Thánh tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh: để bảo đảm bảo tự do tôn giáo hơn nữa cho các cộng đồng Công giáo; đặt lại các giám mục không được chính quyền công nhận và các giám mục bị giam giữ; phục hồi các giám mục được truyền chức mà không được Đức giáo hoàng bổ nhiệm.
Đức hồng y Thang Hán cũng ca ngợi “Thư của Đức giáo hoàng Bênêđictô gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007” là rất giá trị. Và ngài kết luận: “Những nguyên tắc đề ra trong Thư này là hoàn toàn đúng đắn. Không chỉ Thư của Đức giáo hoàng Bênêđictô gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007, các văn kiện của Công đồng Vatican II cũng kêu gọi đối thoại giữa các thành viên trong Giáo hội, đối thoại với những người ở ngoài Giáo hội, kể cả chính quyền dân sự”.
Dựa vào bài viết của của Đức hồng y Thang Hán, trang WHĐ đã có bài điểm qua những nét chính yếu trong tiến trình đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc, để học hỏi kinh nghiệm giải quyết những khó khăn trong đời sống Giáo hội [Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc và sự hiệp thông với Toà Thánh].
Cũng dựa trên bài viết của Đức hồng y Thang Hán, phóng viên Gianni Valente của Vatican Insider đã đặt một số câu hỏi với Đức cha Giuse Nguỵ Cảnh Nghĩamột giám mục thuộc “Giáo hội Trung Quốc thầm lặng” tại Tề Tề Cáp Nhĩ, thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc. Trong quá khứ, Đức cha Giuse Nghĩa đã ba lần bị bắt giam và hạn chế các quyền tự do cá nhân, thời gian lâu nhất là hơn hai năm: từ tháng Chín 1990 đến tháng Mười Hai 1992.
Đức cha Giuse Nguỵ Cảnh Nghĩa đã trả lời một cách thoải mái và với sự nhạy cảm của một mục tử chăm sóc các linh hồn. Đức cha khẳng định rằng vì muốn trung thành với Toà Thánh mà ngài chấp nhận trở thành một giám mục “chui”, thế nên giờ đây ngài sẵn sàng đón nhận những chỉ thị của Toà Thánh. Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng giai đoạn của những thay đổi có thể có và đáng ước mong này “sẽ kéo theo những hoa trái của sự hoán cải nơi mọi người chúng ta”.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
***
– Thưa Đức chaĐức cha là một giám mục Trung Quốc, điểm nào tác động đến Đức cha nhiều nhất trong bài viết của Đức hồng y Thang Hán về những khả năng có thể xảy ra trong quan hệ giữa Toà Thánh, Giáo hội tại Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục?
– Bài viết của Đức hồng y Thang Hán về “Sự hiệp thông của Giáo hội tại Trung Quốc với Giáo hội hoàn vũ” gây ấn tượng cho tôi về tính mới mẻ của nó. Điều tôi ấn tượng nhất là ánh sáng mà Đức hồng y Thang Hán đã nhận được từ trời caoánh sáng ấy đã soi sáng cho ngài và giúp ngài nhìn toàn bộ vấn đề với đôi mắt mới. Ngài bắt đầu từ cách thức Thiên Chúa đã chọn để giao tiếp với con người, và ngài gợi ý rằng chúng ta cũng hãy sử dụng nhãn quan tương tự để nhìn vào cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Bắc Kinh. Vì thế Đức hồng có thể nhìn thấy trước những phát triển rất quan trọng và tích cực.
– Đức hồng y Thang Hán viết rằng Toà Thánh có quyền xác định những phương thức thích hợp nhất cho việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc, và Đức Thánh Cha “có thẩm quyền cụ thể xem xét các điều kiện đặc biệt của Giáo hội bên trong quốc gia và thiết lập những luật lệ đặc biệt, mà không vi phạm các nguyên lý của đức tin và không phá hủy sự hiệp thông của Giáo hội. Vậy các giám mục được coi là “thuộc Giáo hội thầm lặng”trong đó có Đức cha,có sẵn sàng nhìn nhận thực tế này?
– Khi thực thi quyền của mình trong các vấn đề này, Đức Thánh Cha và Toà Thánh chắc chắn sẽ không mâu thuẫn với đức tin và sẽ không làm phương hại đến sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội. Các tín hữu Trung Quốc sống ở Trung Quốc, dù thuộc Giáo hội thầm lặng hay Giáo hội công khai, đều là người Công giáo. Và người Công giáo thì trung thành với Toà Thánh. Chính vì muốn trung thành với Toà Thánh mà tôi chấp nhận trở thành một giám mục“chui”Giờ đây sao tôi lại có thể từ khước những gì Toà Thánh chỉ thịChính vì chúng tôi muốn tuyên xưng rõ ràng lòng trung thành với Đức Thánh Cha và Toà Thánh mà chúng tôi đã trở thành một cộng đoàn “chui”, hay đúng hơn là không chính thức có tên trong hệ thống dân sự. Và vì thếgiờ đây sao chúng tôi lại từ chối những gì đến từ Đức Thánh Cha và Toà Thánh?
– Trong bài viết khá dài ấy, Đức hồng y Thang Hán viết: Một số người lo ngại rằng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Vatican sẽ dẫn đến việc loại bỏ các giám mục không chính thức [không được chính quyền công nhận]”Đức cha là một giám mục không được chính quyền công nhận – Đức cha nghĩ sao?
– Tôi tự hỏi: đâu là những đặc quyền hợp pháp của các cộng đoàn “chui” vốn có nguy cơ sẽ trở thành mâu thuẫn hoặc chuốc lấy thất vọng trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Toà Thánh? Có giáo luật và có dân luật, nhưng từ cả hai quan điểm này, cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và chính phủ Trung Quốc sẽ không hy sinh một đòi hỏi chính đángnào của các cộng đoàn “chui”. Về lo ngại rằng Toà Thánh, trong khi đàm phán, có thể bỏ quên các giám mục đang bị giam trong tù – những lo ngại ấy xem ra hoàn toàn vô căn cứ. Làm sao Giáo hội là một người mẹ, lại có thể quên được con cái của mình, những đứa con tuyên xưng đức tin đến mức phải trả giá bằng đau khổ? Điều đó không thể xảy ra, vì không thể có chuyện Chúa Thánh Thần bỏ rơi Giáo hội.
– Đức hồng y Thang Hán viết rằng Toà Thánh, với thoả thuận mà chúng ta đang nói đến, mong muốn thúc đẩy sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội tại Trung Quốc, và đã hình dung ra một Hội đồng Giám mục quy tụ tất cả các giám mục hiệp thông với Đức giáo hoàng, sau khi trường hợp các giám mục được truyền chức trái phép và bị vạ tuyệt thông được giải quyếtLiệu sẽ có sự chống đối trong các cộng đồng Công giáo Trung Quốc không, sau nhiều thập kỷ chia rẽ?
– Giáo hội của Thiên Chúa, trong cuộc lữ hành qua lịch sử, gồm những tội nhân. Nếu Giáo hội ấy mang hình dạng –một Hội đồng Giám mục Trung Quốc hiệp thông với Đức giáo hoàng– thì tất cả các giám mục này sẽ là những người đã hoán cải để cùng nhau đi về Vương quốc của Thiên Chúa. Lối nhìn này, nhãn quan này, thật là đẹp. Đây là điều chúng tôi mong được nhìn thấy từ lâu rồilà điều chúng tôi đã cầu nguyện nhiều. Cộng đồng các tín hữu Trung Quốc sẽ không phản đối. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng điều này sẽ kéo theo những hoa trái của việc hoán cải nơi tất cả mọi người chúng tôi. Đây là lúc tất cả mọi người chúng ta phải nhìn vào tình trạng cụ thể của đứa con hoang đàng, như Tin Mừng đã thuật lại: đứa con bỏ nhà ra đi trong nhiều năm, rồi cuối cùng để sống còn đã phải đi chăn heoChúng ta có thể hình dung ra thân thể đứa con ấy đầy mùi của heonên khi trở về nhà, phải tắm rửa càng sớm càng tốt, bởi vì không ai muốn ở gần người bốc mùi hôi. Chúng ta không muốn thấy đứa con hoang đàng, sau khi được người cha ôm lấylại trở về với tình trạng bẩn thỉu của đàn heolại ngụp lặn trong đống bùn nhơ, và không muốn được thoát khỏi rác rưởi và hôi hám. Nếu ai có thái độ ấy và trở về với bùn nhơthì có nghĩa là kẻ ấy không có căn tính, không có cảm giác thuộc về, và ai cũng sẽ xa lánh kẻ ấy.
– Đức cha có nghe nói gì liên quan đến nội dung của các cuộc đàm phán giữa Toà Thánh và chính phủ Trung Quốc không?
– Chúng tôi không biết chi tiết, nhưng chúng tôi biết rằng họ đang làm việc, công việc đang tiến hành, và thế có nghĩa là mọi thứ đang tiến triển. Không cần phải vội , bởi vì sẽ rất tốt nếu công việc tiếp diễn đều đặn. Nhưng đồng thời, chúng tôi hy vọng rằng hai bên sẽ sớm đạt được một kết quả cụ thể, điều đó sẽ tốt cho tất cả mọi người. Và điều này càng đến sớm càng tốt.
– Theo một số nhà bình luận, đối thoại là không thực tế và còn có hại nếu trước hết không loại bỏ áp lực của HCông giáo Yêu nước. Có phải như thế không?
– Khi Toà Thánh và Trung Quốc bắt đầu đàm phán, họ phải được tự do nói về tất cả mọi thứ. Kể cả HCông giáo Yêu nước. Nhưng không được áp đặt điều kiện tiên quyết. Chúng ta phải nói những gì chúng ta nghĩ, và cũng nêu ra những đề nghị, nhưng trước hết Đức Thánh Cha phải cảm thấy được chúng ta ủng hộ hoàn toàn, và tin tưởng vào ngài. Chúng ta không được áp đặt các điều kiện cho ngàibảo ngài làm cái này hay không làm cái kiakể cả mong muốn áp đặt những ý tưởng của chúng ta cho ngài. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô nhiệm vụ củng cố anh em mình trong đức tin. Chúa Giêsu cũng nâng đỡ Đức giáo hoàng trong nhiệm vụ này. Và chúng ta đừng mong dạy cho Đức giáo hoàng làm như thế nào.
– Nhưng nếu có ai đó vẫn cứ hoài nghi thì sao?
 Các tiêu chí phải theo không phải là ý kiến của riêng ai, nhưng là Tin Mừng và đức tin của các Tông đồ. Không ai được tin rằng ý tưởng của mình vượt trên lời Chúa Giêsu đã nói. Và Chúa Giêsu, trong Tin Mừng, cũng bảo chúng ta hãy tin vào Phêrôvị Tông đồ đã phản bội Người, và đã được Người tha thứ, bởi vì Phêrô ủng hộ Người. Chắc chắn, chúng ta phải đi theo chân lý mà chúng ta nhận thức trong lương tâm mình. Nhưng chính đức tin soi sáng cho lương tâm của chúng ta, chứ không phải ngược lại.
 Đâu là những cơ hội lớn và c những cạm bẫy nguy hiểm nhất mà Đức cha nhìn thấy, với tư cách một mục tử, trong hiện tại và tương lai của Giáo hội tại Trung Quốc?
 Lúc này, trong xã hội Trung Quốc, người ta cho rằng cần có những điểm tham chiếu về đạo đức, bởi vì tham nhũng tàn phá và hủy diệt mọi thứ. Vì vậy, khắp nơi đều gợi lên một khát vọng về điều thiện hảo, làm việc vì tôn trọng người khác và vì lợi ích chung. Và như thế, theo ý kiến ​​của tôi, đang có một bầu khí thuận lợi cho tinh thần Tin Mừng. Chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể cùng nhau làm việc. Xã hội Trung Quốc hy vọng vào sự đóng góp tích cực và xây dựng của người Kitô hữu chúng ta. Nguy cơ là chúng ta sẽ không tận dụng được hoàn cảnh thuận lợi này, bởi vì chúng ta bị phân tâm và lạc lối trong nhiều chuyện khác. Giống như từ chối loan báo Tin Mừng, đúng vào lúc nhiều người có thể hoan hỉ đón nhận.
 Cách nay một vài tháng, Đức hồng y Thang Hán đã tái khẳng định cần phải “Trung Quốc hoá” Giáo hội tại Trung Quốc, để Giáo hội không bị coi là một hình thức của thực dân tôn giáo. Đây có phải là một tiến trình khó khăn?
 Nhưng Matteo Ricci đâu có đem “Tin Mừng của Ý” hay Tin Mừng của Pháp” đến Trung Quốc. Ông đã đem Tin Mừng. Và ông đã theo cách thức của Trung Quốc để đem Tin Mừng vào Trung Quốc.
 Liệu rồi người ta có thể dễ dàng nghe được các bài giảng và lời của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Trung Quốc?
– Chắc chắn như thếNhững lời ấy đã được công bố trên nhiều trang web, và được người này chuyền cho người khác. Chúng tôi đang theo dõi từng bước tất cả các đề nghị liên quan đến Năm Thánh Lòng Thương xót. Trên internet, tôi cũng thấy có nhiều người Trung Quốc gặp Đức Thánh Cha trong các buổi Tiếp kiến chung ở Roma, họ gặp ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha thường chào hỏi họ. So với trước đây, người Trung Quốc dễ dàng đến Roma hơn để nhìn thấy và chào Đức Thánh Cha nữa. Có một sự gần gũi hữu hình với Đức Giám mục Roma, mà trước đây không có. Mọi thứ đã thay đổi và còn tiếp tục thay đổi.
 Liệu vai trò của HCông giáo Yêu nước cũng sẽ phát triển?
– Cá nhân tôi hy vọng rằng rồi nó sẽ trở thành chuyện của quá khứ. Bởi vì rất nhiều người chẳng còn nhớ Hội này có vai trò gì trong rất nhiều hoàn cảnh. Điều quan trọng là phải tìm ra những phương cách mới để giúp người Công giáo bày tỏ tình yêu của mình với đất nước.
 Đức cha đã không nghi ngờ gì sau câu chuyện của Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, Giám mục Thượng Hải, và ý kiến ​​của Đức cha Tađêô về vai trò tích cực của Hội Công giáo Yêu nước. Nhưng có người đã gọi Đức cha Tađêô là một kẻ đào ngũ, một kẻ phản bội.
– Không ai có đủ tư cách để đánh giá, phỉ báng và thoá mạ người khác là kẻ phản bội. Không ai có quyền làm điều đó, và bất cứ ai làm thếlà làm một điều rất xấu xaChúng ta có thể biết gì về điều đang diễn ra trong tâm hồn của Đức cha Mã Đạt Khâm, sau kinh nghiệm mà ngài đã trải qua, và sau khi ngài bị ngăn cản thi hành tác vụ giám mục suốt bốn năm?
 Đức cha có thể hình dung đượchay hơn chúng conđiều đã diễn ra trong tâm hồn của Đức cha Mã Đạt Khâm.
– Tôi không có kinh nghiệm như Đức cha Mã Đạt Khâm. Nhưng cô đơn thì có, và còn có một thực tế là bị chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Trong những trường hợp ấy, bạn không bao giờ cô độc: bạn ở trước mặt Thiên Chúa, và điều bạn nghĩ và làm, bạn nghĩ và làm trước mặt Thiên Chúa. Có lẽ các tín hữu không thấy được những điều này, có lẽ những người khác đã phản bội bạn, nhưng bạn luôn ở trước mặt Thiên Chúa. Và điều đó đáng giá hơn. Chúng tôi cầu nguyện cho Đức cha Mã Đạt Khâm với lòng tôn trọng ngàinhưng không cho phép mình phán xét tâm hồn người khác.
 Cha Lombardi, khi còn là Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã nói rằng Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Đức cha Mã Đạt Khâm và cho mọi người Trung Quốc.
– Đức Thánh Cha là một người cha; ngài nhìn và phán đoán sự việc với con mắt của một người cha. Đức cha Mã Đạt Khâm là một con người cầu nguyện, Đức Thánh Cha biết điều này và ngài tin tưởng Đức cha. Đối với một người cha, điều quan trọng nhất là thể hiện tình yêu thương với con cái mình.
-o0o-

Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/giao-hoi-tham-lang-tai-trung-quoc-me-giao-hoi-khong-bao-gio-quen-con-cai-cua-minh/8169.57.7.aspx