Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Tin Mừng Chúa nhật XVIII thường niên - Năm C

suy-niem-chu-giai-loi-chua-chua-nhat-xviii-thuong-nien-c-lm-fx-vu-phan-long

PHÚC ÂM: Lc 12, 13-21
"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu". Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.net/31-07-chua-nhat-18-thuong-nien/

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót - Đề tài 9

Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội

Đề tài 9. Lòng Thương xót: động lực của tân Phúc-Âm-hoá nền kinh tế-chính trị

1. Đức ái thúc đẩy thăng tiến con người trong lĩnh vực kinh tế-chính trị
Không có gì liên quan đến cộng đồng nhân loại mà nằm ngoài công cuộc Phúc-âm-hóa. Việc Loan báo Tin mừng sẽ thiếu sót nếu không xét tới các đòi hỏi liên tục của Tin Mừng đối với đời sống cá nhân và xã hội cụ thể của con người.[1] Giữa việc Loan báo Tin mừng và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ sâu xa, “trong đó có mối liên hệ thuộc phạm vi thần học, vì chúng ta không thể tách rời bình diện sáng tạo với bình diện cứu chuộc. Bình diện cứu chuộc đụng chạm tới chính những tình huống bất công cụ thể cần phải đấu tranh và những tình huống công bằng cụ thể cần phải được khôi phục. Trong đó còn có mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng, tức là phạm vi đức ái: làm sao có thể công bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hòa bình?”[2] Bởi thế, Tình yêu – Lòng thương xót phải là động lực của công cuộc Phúc-âm-hóa mới cả trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, kinh tế-chính trị.
2. “Của Cêsar, trả về cho Cêsar. Của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa” (Mc 12, 16-17).
Đức Giêsu không chấp nhận đồng hóa Cêsar với Thiên Chúa, mà yêu cầu tách biệt Cêsar với Đấng Siêu Việt. Không thể đồng hóa hay lẫn lộn hai lĩnh vực, trái lại phải chu toàn một nghĩa vụ kép: Trả lại cho Cêsar những gì của Cêsar và trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Khi phân biệt như thế, Đức Giêsu cũng đồng thời công nhận sự hiện hữu và tính độc lập tương đối của thực tại trần thế. Nhà Nước và các thực tại trần thế có vai trò và ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực riêng của mình. Nhân danh công ích, Nhà Nước có quyền ban hành luật pháp, thu thuế và đòi hỏi công dân nghiêm chỉnh chấp hành.[3] Bên trên Nhà Nước vẫn còn một thẩm quyền khác đó là Thiên Chúa.[4] Nhà Nước không thể tiếm quyền hay đòi hỏi người công dân những gì mà họ chỉ phải trả lại cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhà Nước không thể chống lại quyền lợi của Thiên Chúa, cấm đoán việc thờ phượng Ngài hoặc đi ngược lại chương trình của Ngài.
3. Lòng thương xót thúc đẩy dấn thân
Theo tinh thần nhập thế và Nhập thể của Đức Kitô, Hội Thánh Công giáo coi hành động dấn thân để xây dựng một xã hội phát triển, công bằng và nhân ái như thành phần của sứ vụ Loan báo Tin Mừng.[5] Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khuyến khích người Kitô hữu tham gia vào sinh hoạt chính trị, cần phải hăng say thâm nhập vào cơ chế của cuộc sống, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị và hành động cách hữu hiệu trong đó.[6]
Trước những phức tạp của bối cảnh kinh tế ngày nay, người tín hữu giáo dân cần được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Huấn Quyền về xã hội trong hoạt động, trên hết là nguyên tắc con người phải là trọng tâm của mọi hoạt động kinh tế. “Các nhà kinh tế, những người làm việc trong lĩnh vực này và những nhà lãnh đạo chính trị phải ý thức được nhu cầu cấp bách là phải xem xét lại nền kinh tế, một mặt là xét đến sự nghèo túng bi thảm về vật chất của hàng tỉ người, và mặt khác, xét đến một sự thật là “các cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay không được trang bị đầy đủ để đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển chính đáng”[7]. Những tiêu chuẩn phải gợi hứng cho người giáo dân trong hoạt động chính trị của họ phải là: theo đuổi công ích trong tinh thần phục vụ, phát triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến những tình trạng đói nghèo và đau khổ, tôn trọng quyền tự trị của các thực tại trần thế, nguyên tắc bổ trợ, cổ vũ đối thoại và hòa bình trong tình liên đới.[8]
Sau cùng, cũng cần nhắc lại rằng sứ mạng của Đức Kitô, xuất phát tự Lòng Thương Xót, truyền lại cho Hội Thánh, không phải thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội, nhưng là mục tiêu Người trao cho Hội Thánh là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn động lực đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Hội Thánh tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa.[9]
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Tại sao người Kitô hữu phải quan tâm đến đời sống chính trị-xã hội-kinh tế của đất nước, của thế giới?
2. Cá nhân và cộng đoàn (gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận…) của anh chị đã và đang làm gì để loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trong lĩnh vực xã hội, chính trị, nghề nghiệp, kinh tế?
3. Anh chị có ý kiến gì cho Hội Thánh trong vùng, và Hội Thánh toàn cầu trong mối quan tâm đến các thực tại xã hội này?
––––––––––––––––––––
[1] X. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 29.
[2] Ibid. 33.
[3] Bất chấp kinh nghiệm đắng cay đối với nhà cầm quyền Do thái và Rôma,, thánh Phaolô vẫn khuyến khích các Kitô hữu tuân phục nhà cầm quyền, vì lý do lương tâm. Vì mọi quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. X. Rm 13,1-2.
[4] Đức Giêsu nói với Philatô: “Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ông” (Ga 19, 9-11).
[5] CĐ Vatican II, Gaudium et Spes, 1.
[6] X. Gioan XXIII, Pacem in Terris 174.
[7] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 564.
[8] Ibid.
[9] X. Gaudium et Spes, 42.

Văn phòng HĐGMVN
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/goi-y-muc-vu-trong-nam-thanh-long-thuong-xot-de-tai-9/8096.63.8.aspx

Đức Thánh Cha chào thăm các bạn trẻ từ tòa TGM Cracovia


CRACOVIA. Tối ngày 28-7-2016, ĐTC Phanxicô đã xuất hiện lần thứ hai tại bao lơn tòa TGM Cracovia, và đặc biệt nhắn nhủ các đôi vợ chồng trẻ hãy tế nhị, lịch sử với nhau, cám ơn và xin lỗi nhau.

Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha: ”Người ta nói với tôi là có nhiều người trong các bạn hiểu tiếng Tây Ban Nha, nên tôi sẽ nói bằng tiếng này. Họ cũng nói rằng hôm nay có một nhóm đông đảo ở quảng trường này là những đôi tân hôn, những đôi vợ chồng trẻ. Khi tôi gặp một người trẻ mới kết hôn, nam hay nữ, tôi nói với họ: ”Đây là những người có can đảm!” lý do vì không dễ lập một gia đình, không dễ dấn thân cam kết trọn đời, cần phải có can đảm. Và tôi chúc mừng họ vì họ có can đảm như vậy.

Nhiều khi họ hỏi tôi làm sao để gia đình luôn tiến bước và vượt qua các khó khăn. Tôi gợi ý cho họ luôn sử dụng 3 từ, 3 lời diễn tả 3 thái độ, có thể giúp các bạn sống đời sống hôn nhân, vì trong đời sống này có những khó khăn. Hôn nhân là cái gì thật đẹp, thật là huy hoàng mà chúng ta cần phải bảo tồn. 3 từ đó là: xin vui lòng, cám ơn, xin lỗi.

- Xin vui lòng. Hãy luôn hỏi người bạn đường của mình - vợ hỏi chồng và chồng hỏi vợ: ”Anh (em) nghĩ sao? Chúng ta là như thế nhé?”. Đừng bao giờ quên nói: xin vui lòng nhé!

- Lời thứ hai là cám ơn. Bao nhiêu lần người chồng phải nói với vợ: Cám ơn em! và bao nhiêu lần người vợ phải nói với chồng: ”Cám ơn anh!” Clam ơn nhau, vì bí tích hôn phối được cả hai ban cho nhau. Và tương quan bí tích này được duy trì nhờ tâm tình biết ơn: ”Cám ơn”.

- Lời thứ ba: xin lỗi! Đó là một lời rất khó nói lên. Trong hôn nhân - giữa vợ và chồng - luôn luôn có vài điều thông cảm thông, không hiểu nhau. Biết nhìn nhận điều đó và xin lỗi. Xin lỗi mưu ích nhiều.

Có nhiều gia đình trẻ, nhiều đôi vợ chồng mới cưới, những người khác sắp sửa cưới; các bạn hãy nhớ ba từ ấy, đã giúp đỡ rất nhiều trong đời sống hôn nhân: xin làm ơn, cám ơn, xin lỗi. Nào tất cả cùng nói to: xin làm ơn, cám ơn, xin lỗi.

Tốt lắm, tất cả những điều này rất đẹp! Thật là đẹp nói điều đó trong đời sống hôn nhân. Nhưng trong đời sống vợ chồng luôn có những vấn đề hoặc những tranh luận. Thường xảy ra là vợ chồng tranh luận với nhau, to tiếng, cãi lẫy và nhiều khi đĩa bay! Nhưng các bạn đừng sợ khi xảy ra như vậy. Tôi cho các bạn một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. Các bạn biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh ngày hôm sau rất nguy hiểm. Có thể có người nào trong các bạn hỏi: “Nhưng thưa cha, làm sao con có thể làm hòa được?”. Không cần phải nói, chỉ cần một cử chỉ [...] và an bình được tái lập. Khi có tình yêu thì một cử chỉ cũng dàn xếp được mọi sự.

Trước khi ban phép lành, tôi mời gọi các bạn hãy cầu nguyện cho tất cả các gia đình hiện diện nơi đây, cầu cho các đôi tân hôn, cho những người đã kết hôn từ lâu và biết điều mà tôi vừa nói với các bạn, và cầu cho những người sắp kết hôn. Chúng ta cùng nhau đọc một kinh Kính Mừng, mỗi người trong tiếng của mình.

[Kính Mừng Maria ...]

Sau khi ban phép lành, ĐTC còn nói: ”Các bạn hãy cầu nguyện cho tôi, thực vậy, hãy cầu nguyện cho tôi! Chúc các bạn ngủ ngon và nghỉ ngơi!

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/07/29/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_ch%C3%A0o_th%C4%83m_c%C3%A1c_b%E1%BA%A1n_tr%E1%BA%BB_t%E1%BB%AB_t%C3%B2a_tgm_cracovia/1247668

Đoàn Việt Nam tham dự Đại Hội Giới trẻ Thế giới lần 31 tại Krakow Ba Lan 2016




KRAKOW – Còn nhớ, cuối thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, tại thành phố Rio de Janeiro, Brasil năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo thời điểm và nơi cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới: “Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn trong Ngày Quốc tế giới trẻ lần tới, vào năm 2016, tại Cracovia, Ba Lan. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Linh trên con đường dẫn chúng ta đến giai đoạn mới này của việc vui mừng cử hành niềm tin và tình yêu nơi Chúa Kitô”. Phái đoàn các bạn trẻ Ba Lan hiện diện, nhiều người trong y phục truyền thống, đã nhẩy mừng và reo hờ, tung cờ, chào đón tin vui này.


Sau 3 năm chuẩn bị, nay Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31, được tổ chức tại thành phố Krakow, Balan, từ ngày 25 đến 31 tháng 7 năm 2016. Đức Thánh Cha Phanxicô đến gặp gỡ các bạn trẻ trong dịp đặc biệt này. 

Đại hội lần này diễn ra trong Năm Thánh Lòng thương xót 2016, cho nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn câu phúc âm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) làm chủ đề. Đây cũng là dịp kỷ niệm 1050 năm nước Balan đón nhận Tin Mừng. Theo thống kê của Ban Tổ Chức, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay, sẽ có 47 vị Hồng Y, 800 vị giám mục và 20.000 linh mục và hơn 2 triệu bạn trẻ từ khắp thế giới tham dự Đại Hội Giới Trẻ. Thành phố Krakow được chọn làm địa điểm chính cho Đại hội, nơi đây là quê hương của Thánh Nữ Maria Faustina, sứ gỉa của lòng Chúa thương xót, và là quê hương của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, chính ngài đã phong Thánh cho Maria Faustina và ngài đã thành lập lễ kính lòng Chúa thương xót vào ngày Chúa Nhật sau lễ Chúa Giêsu phục sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Phái đoàn Việt Nam gồm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên – Chủ tịch Uỷ ban mục vụ giới trẻ thuộc HĐGMVN, 18 linh mục (trong đó có cha Phêrô Quý thuộc giáo phận Bùi chu đã 78 tuổi mà vẫn trẻ trung yêu đời) và 32 bạn trẻ. Đức Cha Giuse đi qua đây trước mấy ngày, có 9 bạn trẻ Sài gòn đi trước mười ngày nay để làm tình nguyện viên.

Đoàn chúng tôi có 22 người, gồm 13 linh mục và 9 bạn trẻ đi theo tour do Công ty Carnival Group Sài gòn tổ chức. Chúng tôi đi từ Sài gòn, tối thứ hai lúc 9 giờ ngày 25/7. Sau 7 giờ bay đến Dubai, tiếp tục 7 giờ bay nữa mới đến sân bay Warsaw. 

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26.7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại công viên Blonia. Thật đáng tiếc, do không kịp giờ tham dự cho nên chúng tôi đi đến Czestochow, thánh địa của người Công Giáo Ba Lan, dâng thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa (Đức Mẹ Đen). Đây là Đền Thánh quốc gia Ba Lan, là một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ trên toàn thế giới.

Tại Đền Thánh này đặc biệt có bức linh ảnh là Đức Bà Czestochowa, thường gọi là Đức Bà Đen vì có màu da ngăm đen. Bức ảnh bằng gỗ cao 1,2m vẽ Đức Trinh Nữ mặc bộ áo thêu nhiều nhánh hoa huệ đang chỉ tay qua Chúa Giêsu là nguồn mọi ân sủng. 



Thật lạ, nhìn bức linh ảnh Czestochowa ai cũng thấy trên má của Đức Mẹ có hai vết chém.

Truyền thuyết kể lại rằng bức linh ảnh do Thánh Sử Luca vẽ, ngài sử dụng một chiếc bàn thợ mộc mà Chúa Giêsu đã dùng. Khi vẽ, Thánh Luca cũng lắng nghe những câu chuyện cuả Mẹ Maria kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, do đó mà trong Tin Mừng thứ ba có viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Huyền thoại cùng cho rằng chính Thánh Nữ Helena đã đến Jerusalem vào năm 326 để tìm Thánh Giá thật, Bà đã tìm thấy bức ảnh này. Bà đã đem tặng cho con trai là hoàng đế Constantine, và vị hoàng đế đã xây dựng một ngôi đền ở thành đô Constantinople để tôn kính.

Khi thành Constantinople bị quân Hồi Giáo Saracens vây hãm, người ta đã rước bức linh ảnh lên tường thành và quân Saracen đã bị đánh bại. Khi vua Charlemagne thống nhất Châu Âu và được tấn phong Hoàng Đế cuả 'Đế Quốc Thánh Roma', ông đã tặng bức linh ảnh cho vua Leo của Ruthenia (phía tây bắc Hungary, là vùng đất cuả giống người Slav, bao gồm Lithuania và Balan ). 

Vào thế kỷ 11 Ruthenia bị xâm lăng bởi một vương quốc lớn mạnh hơn nhiều, nhà vua đã cầu nguyện với Đức Mẹ để che chở cho mình, và sự việc xẩy ra là trời đất đã đen khịt lại, bóng tối che phủ toàn thể quân địch, và họ đã tấn công tiêu diệt lẫn nhau.

Vào thế kỷ 14 thì bức linh ảnh được đưa tới Jasna Gora ở Ba Lan, từ đó chúng ta bắt đầu có những ghi chép cẩn thận vể những biến cố xảy ra sau này.

Năm 1382 quân Tartar vây hãm pháo đài Belz đang lưu giữ bức linh ảnh, một mũi tên đã ghim vào cổ của hình Đức Mẹ. Ông hoàng trấn thủ pháo đài lo sợ bức ảnh có thể rơi vào tay địch quân nên đã chạy trốn trong đêm và mang bức linh ảnh tới thị trấn Czestochowa.

Bức linh ảnh được đặt trong một nhà thờ nhỏ, và sau đó một tu viện được xây lên để đảm bảo sự an toàn cho bức linh ảnh.

Tuy nhiên vào năm 1430, loạn quân Hussites đã tràn ngập tu viện cướp được linh ảnh. Một tên cướp đã đặt bức linh ảnh vào một chiếc xe ngựa để đem đi. Nhưng những con ngựa không chịu bước. Tức giận, nó đã rút gươm và chém vào bức tranh hai lần, khi nó vung gươm lên lần thứ ba, thì đột nhiên ngã xuống, quằn quại trong đau đớn, và chết.

Những nỗ lực để sửa chữa những vết sẹo từ mũi tên và thanh kiếm đã gặp rắc rối và người ta đã phủ lên bức linh ảnh một lớp sơn pha với lòng trứng và sáp. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn thấy dấu tích cuả các vết thương.

Vào năm 1655, Ba Lan đã thua trận và gần như hoàn toàn bị tàn phá bởi Vua Charles X của Thụy Điển, chỉ còn vùng chung quanh tu viện cuả bức linh ảnh là chưa bị chiếm. Một cách kỳ diệu, với chỉ có 70 thầy tu và 180 dân quân tình nguyện từ các làng xã lân cận mà họ chống trả được một lực lượng tinh nhuệ cuả Thuỵ Điển đông đến 4.000 trong suốt 40 ngày đêm, sau cùng quân Thuỵ Điển đã nản chí phải lui binh. Từ đó nước Ba Lan đã lật ngược thế cờ và đánh đuổi được quân xâm lược.

Sau sự kiện kỳ diệu đó, vua John II Casimir Vasa đã đăng quang bức linh ảnh Đức Bà Czestochowa là Nữ Hoàng Ba Lan, đặt quốc gia dưới sự bảo vệ cuả Mẹ.

Trong thời cận đại, đã vẫn có những câu chuyện lạ được truyền tụng liên quan đến bức linh ảnh, như trong cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan năm 1920, khi quân Nga tiến đến bờ sông Vistula và đe dọa thành phố Warsaw, thì họ nhìn thấy hình ảnh của Đức Mẹ xuất hiện trong đám mây trên thành phố, và họ đã rút. 

Czestochowa là địa điểm hành hương quan trọng nhất cuả người Ba Lan. Từ năm 1711 cho đến nay vẫn có nhiều người tham gia một cuộc hành hương đi bộ, họ khời hành từ Warsaw vào ngày 6 tháng 8 và đi qua một đoạn đường dài 230 km (140 dặm) đến nơi đây. Ngay trong những lúc khó khăn nhất vẫn có người thm gia cuộc hành hương này, nhiều cụ già vẫn còn nhớ lại những đêm tối mò mẫm, bất chấp hiểm nguy, đi lén lút theo những con đường mòn trong thời Ba Lan bị Đức Quốc Xã xâm chiếm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng từng đi lén lút như vậy trong thời Ngài còn là một sinh viên.

Sau thánh lễ, chúng tôi cầu nguyện sốt mến trước linh ảnh Đức Mẹ, tham quan thánh đường rồi về nghĩ ngơi lấy sức cho ngày mai.

Sáng nay ngày 27 tháng7, chúng tôi đến Nhà thờ nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tại số 24 Garncarska để học giáo lý. Đây là một trong 240 địa điểm làm nơi học hỏi giáo lý của kỳ đại hội. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên vui mừng đón tiếp các phái đoàn bạn trẻ người Việt đến từ nhiều nước trên thế giới. Tay bắt mặt mừng hỏi han tâm sự, bầu khí thân thiện, ấm áp tình gia đình.

Trong 3 ngày, Đức Cha Giuse trình bày 3 đề tài giáo lý: Đây là thời gian của lòng thương xót; Để cho lòng thương xót Chúa Kitô chạm tới; Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa.

Buổi đầu, sau 45 phút Đức Cha khai triển đề tài, các phái đoàn tự giới thiệu, các bạn tình nguyện viên chia sẻ…Bầu khí thật thân thương tình huynh đệ. 

Đến 11 giờ, thánh lễ đồng tế, cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa. Sau khi ghi lại những tấm hình lưu niệm, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau, mỗi đoàn theo chương trình hành hương riêng của mình.Chúng tôi hòa vào dòng chảy nhộn nhịp nhảy múa ca hát reo hò của những nhóm bạn trẻ khắp năm châu.

Vào năm 1938, khi nữ tu Faustina qua đời, chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để các ngài có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, chúng tôi thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.

Đến với Krakow, bạn trẻ Công Giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Như lời Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong bài giảng lễ khai mạc, ngài mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.

Đại Hội Giới trẻ Thế giới chính là hình ảnh môt Giáo Hội trẻ trung năng động đầy sức sống. Cầu chúc đại hội lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Xin cho các bạn trẻ luôn là khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/188183.htm

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Video: Đức Thánh Cha đến phi trường Gioan Phaolô II, Krakow



Xuất bản 27 thg 7, 2016
Đức Thánh Cha đến phi trường Gioan Phaolô II, Krakow

Bạn trẻ và Đức tin


Trong những ngày này, thành phố Krakow (Ba Lan) trở thành trung tâm điểm của Giáo Hội Công giáo: Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được tổ chức nơi đây từ ngày 26 đến ngày 31 tháng Bảy. Hoà mình vào dòng chảy của các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của đức tin và sức trẻ của Giáo Hội. Mặc dù khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá, nhưng các bạn trẻ tham dự đều có một ngôn ngữ chung, đó là đức tin. Chính đức tin đã soi sáng và thúc đẩy họ vượt qua những chặng đường rất dài, có khi đến nửa vòng trái đất, để đến với nơi này. Họ đang góp phần làm cho đức tin Kitô rạng ngời và tỏa sáng nơi mọi nẻo đường xã hội. Từng đoàn các bạn trẻ gặp gỡ nhau ngoài đường đều giơ tay vẫy chào nhau rất thân thiện. Họ trao đổi cho nhau những vật kỷ niệm đặc trưng văn hoá của xứ sở mình. Những cái vẫy tay, những nụ cười, những tấm hình chụp chung, đều nói nên vẻ đẹp và nét phong phú của Giáo Hội Chúa Kitô.

Krakow là quê hương của hai vị thánh: Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng và Thánh Faustina Kowalska. Các ngài là những tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Faustina, một nữ tu thuộc dòng Đức Bà của Lòng Thương Xót, đã nhận mạc khải của Chúa Giêsu ngày 22-2-1931. Sứ mạng của Chị là nhắc cho Giáo Hội toàn cầu rằng Lòng Thương Xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã truyền cho Chị vẽ lại hình ảnh của Người như Chị đã thấy trong mạc khải, và hình Lòng Chúa Thương Xót đi kèm dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” chúng ta tôn kính hiện nay là hình được thực hiện theo ý muốn của Chúa. Thánh Faustina qua đời năm 1938 và được chính Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 2000.

Thánh Gioan Phaolô II được Đức Thánh Cha Bênêđictô ca tụng là một “vị tông đồ của Lòng Thương Xót”. Từ năm 1980, ngài đã viết thông điệp Dives in Misericordia ca tụng lòng thương xót của Chúa và mời gọi các tín hữu tái khám và và tôn thờ Chúa với tước hiệu này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan qua đời ngày thứ Bảy, 2-4-2005, chiều hôm trước lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Ngài được phong Chân phước ngày 1-5-2011 và được phong thánh ngày 27-4-2014.

Năm 1938, khi nữ tu Faustina trút hơi thở cuối cùng, thì chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để họ có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, ta có thể thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.

Đến với Krakow, bạn trẻ Công giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Trở về với cuộc gặp gỡ lịch sử này, họ mang theo những trăn trở âu lo của cuộc sống. Những thách thức về đức tin, khó khăn về nghề nghiệp, lo âu về một xã hội bất ổn, đầy rẫy bạo lực, ám ảnh bởi các cuộc khủng bố, giết chóc. Mục đích của Ngày Giới trẻ Thế giới là giúp các bạn trẻ cùng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tìm lại nghị lực của đức tin và nhiệt thành phụng sự Giáo Hội, làm chứng nhân cho Chúa giữa trần gian.

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26-7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại một công viên lớn có tên là Blonia. Vị Hồng y này đã là thư ký riêng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô trong nhiều năm. Đông đảo các Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và nhất là các bạn trẻ đã hiện diện để cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ đặc biệt này sinh hoa kết trái nơi tâm hồn những người tham dự. Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y chủ lễ đã mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.

Giáo Hội Công giáo Việt Nam hiện diện tại Ngày Giới trẻ Thế giới qua một giám mục, 10 linh mục và khoảng 30 bạn trẻ. Một số bạn trẻ Việt Nam khác tham gia chương trình thiện nguyện viên phục vụ trong dịp này. Chúng tôi hiện diện nơi đây để diễn tả tình hiệp thông trong Giáo Hội, cùng chung chia những thao thức của bạn trẻ trên toàn trẻ thế giới, cầu nguyện cho hoà bình, cho sự phát triển bền vững của xã hội. Cùng với các bạn trẻ đến từ quê nhà Việt Nam, chúng tôi cũng gặp gỡ giao lưu với các bạn trẻ đến từ Mỹ châu, Âu châu và Úc châu. Tình đồng hương và niềm yêu mến Quê Mẹ Việt Nam đã nối kết chúng tôi nên một. Chương trình Giáo lý Việt ngữ được Ban Tổ chức sắp xếp tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong thành phố Krakow. Chúng tôi đã chia sẻ Giáo lý với những chủ đề được Ban Tổ chức ấn định và lắng nghe những ưu tư, những chứng từ cảm nhận ân sủng của Lòng Chúa thương xót. Chúng tôi cũng đã cầu nguyện cho giới trẻ Việt Nam lương cũng như giáo. Một số bạn trẻ đã chia sẻ những cảm nhận rất phong phú nhờ các cuộc gặp gỡ với các thiện nguyện viên và các tín hữu Công giáo Ba Lan trong những ngày này.

Chúng ta cầu nguyện cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa. Xin cho các bạn trẻ hôm nay chuyên cần học hỏi dưới mái trường của Chúa Giêsu, để trở nên những khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.

Krakow, ngày 27 tháng 7 năm 2016

Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng
Ghi chép từ Krakow

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/ban-tre-va-duc-tin/8087.57.7.aspx

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31


WHĐ (27.07.2016) – Chiều thứ Ba 26-07-2016, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 đã chính thức khai mạc với Thánh lễ đồng tế do Đức hồng y Stanislaw Dziwisz, Tổng giám mục Krakow, chủ tế.

Cơn mưa chiều dần tan, nhường chỗ cho những tia nắng nhẹ, gần 200 ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới trong những chiếc áo mưa đủ màu sắc tuốn về cánh đồng Blonia để tham dự Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới.Những tràng pháo tay vang lên không ngớt đáp lại lời Đức hồng y Dziwisz chào mừng các bạn trẻ bằng nhiều thứ tiếng, trước khi bắt đầu Thánh lễ.

Trên lễ đài, bức ảnh nền rất lớn Lòng Chúa thương xót của Thánh Faustina nêu bật chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giớilần này: “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Mở đầu Thánh lễ, Đức hồng y Dziwisz kêu gọi những người trẻ cầu nguyện “cho tất cả các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố gần đây và đặc biệt là vị linh mục cao niên vừa bị sát hại sáng nay khi đang dâng Thánh lễ tại Pháp”;đó là cha Jacques Hamel, 86 tuổi, một linh mục đã nghỉ hưu.“Chúng ta muốn sống trong hòa bình và chúng ta cầu nguyện cho bạo lực và bất công chấm dứt”.

Trong bài giảng, Đức hồng y Stanislaw Dziwisz đặt ra ba câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang ở đâu trongngày hôm nay, vào lúc này của cuộc sống chúng ta? Và chúng ta sẽ đi đâu, sẽ mang theo những gì? Và ngài kêu gọi các bạn trẻ: “Khi trở về đất nước các bạn, về với gia đình và cộng đoàn của các bạn, hãy mang theo tia lửa của lòng thương xót, nhắc nhở mọi người rằng “phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5,7). Hãy mang theo ngọn lửa đức tin của các bạn và thắp lên những ngọn lửa khác, để trái tim con người sẽ cùng nhịp đập với Trái tim của Chúa Kitô, là “ngọn lửa tình yêu hằng cháy”.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức hồng y Stanislaw Dziwisz:

***

Các bạn thân mến!

Lắng nghe cuộc đối thoại của Chúa Giêsu phục sinh với Simon Phêrô trên bờ Biển Galilê, nghe Chúa Giêsu hỏi ba lầnvề tình yêu cùng với câu trả lời, chúng ta hình dung được những khó khăn trong cuộc sống của ngư dân Galilê trướckhi có cuộc trò chuyện này. Chúng ta biết rằng có một ngày ông đã bỏ tất cả – gia đình, thuyền và lưới – để đi theo một vị Thầy lạ thường ở Nazareth. Ông trở thành môn đệ của Ngài. Ông học được cách Ngài nhìn các vấn đề của Thiên Chúa và dân chúng. Ông đã sống với cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, cũng như đã trải qua giây phút yếu đuối và phản bội. Sau đó, ông được sống khoảnh khắc của kinh ngạc và vui mừng khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đã hiệnra với các môn đệ thân cận nhất của Ngài trước khi về trời.

Chúng ta cũng biết đoạn tiếp theo của cuộc trò chuyện này, hay đúng hơn là thử thách của tình yêu mà bài Tin Mừng hôm nay nói đến. Simon Phêrô, được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, đã trở nên chứng nhân dũng cảm của Chúa Giêsu Kitô. Ông trở thành tảng đá của Giáo hội mới sinh ra. Vì thế ông đã trả giá đắt nhất tại thủ đô của đế chế La Mã:chịu đóng đinh như Thầy mình. Phêrô đã đổ máu vì Danh Chúa Giêsu, trở thành hạt giống đức tin làm cho Giáo hội tăng triển, bao trùm cả thế giới.

Hôm nay, Chúa Kitô nói với chúng ta ở Krakow, trên bờ sông Wisła, con sông chảy qua toàn đất nước Ba Lan – từ núiđổ ra biển. Kinh nghiệm của Phêrô có thể trở thành kinh nghiệm của chúng ta và giúp chúng ta suy tư. Chúng ta hãy đặt ra ba câu hỏi để trả lời. Trước hết, chúng ta từ đâu đến? Thứ hai, chúng ta đang ở đâu trong ngày hôm nay, vào lúc này của cuộc sống chúng ta? Và thứ ba, chúng ta sẽ đi đâu và sẽ mang theo những gì?

Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đến từ “mọi quốc gia dưới bầu trời này” (Cv 2,5), giống như những người lũ lượt đến Giêrusalem trong ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng chúng ta bây giờ đông hơn hơn hai ngàn năm trước rất nhiều, bởi vì chúng ta đã có nhiều thế kỷ được rao giảng Tin Mừng, mà kể từ đó đã đi đến tận cùng thế giới. Chúng ta mang theo kinh nghiệm của chúng ta về các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ khác nhau. Chúng ta cũng mang theo những chứng từ đức tin và sự thánh thiện của những người anh chị em của chúng ta, những môn đệ của Chúa Phục Sinh, của các thế hệ đã qua cũng như các thế hệ hiện tại.

Chúng ta đến từ những nơi trên thế giới mà con người sống trong hòa bình, nơi các gia đình là những cộng đoàn củayêu thương và sự sống, nơi mà người trẻ có thể theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng trong chúng ta cũng có những người trẻ từ các quốc gia mà dân chúng đang phải đau khổ vì chiến tranh và đủ thứ xung đột, nơi mà trẻ em đang chết đói và các Kitô hữu bị bách hại dã man. Trong chúng ta có những người trẻ hành hương đến từ những nơi trên thế giới đang bị cai trị bởi bạo lực và khủng bố mù quáng, nơi mà nhà cầm quyền đoạt quyền trên con người và quốc gia, theonhững ý thức hệ điên rồ.

Trong những ngày này, chúng ta mang đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu những kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về việc sống Tin Mừng trong một thế giới nhiều khó khăn. Chúng ta mang đến nỗi sợ hãi và thất vọng của chúng ta, nhưng cả niềm hy vọng và khao khát, ước vọng được sống trong một thế giới đoàn kết, nhân bản hơn và huynh đệ hơn. Chúng ta nhìn nhận những yếu đuối của mình, nhưng cũng tin rằng “chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho chúng ta” (Pl 4,13). Chúng ta có thể đối mặt với những thách đố của thế giới hiện đại, trong đó con người phải lựa chọn giữa đức tin và hoài nghi, thiện và ác, tình yêu và khước từ yêu thương.

Bây giờ, vào lúc này của cuộc sống chúng ta, chúng ta đang ở đâu? Chúng ta ở gần cũng như ở xa đến đây. Nhiều người trong số các bạn đã đi hàng ngàn cây số và tốn kém nhiều trong cuộc hành trình để có mặt ở đây. Chúng ta đang ở Krakow, thủ đô cũ của Ba Lan, đã được ánh sáng đức tin chiếu rọi từ một ngàn năm mươi năm trước. Lịch sử Ba Lanrất khó khăn, nhưng chúng tôi đã luôn cố gắng trung thành với Thiên Chúa và Tin Mừng.

Tất cả chúng ta có mặt ở đây vì Chúa Kitô quy tụ chúng ta. Ngài là ánh sáng của thế gian. Ai theo Ngài sẽ không đi trong bóng tối (Ga 8,12). Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Chúa có lời ban sự sống đời đời. Chúng ta sẽ đi với ai? (Ga 6,68). Chỉ có Ngài – Chúa Giêsu Kitô – mới có thể đáp ứng những ước vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Chính Ngài là người đã dẫn chúng ta đến đây. Ngài hiện diện giữa chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta như đã đồng hành cùng các môn đệ đi về Emmau. Chúng ta hãy phó thác cho Ngài trong những ngày này các vấn đề của chúng ta, những sợ hãi và hy vọng của chúng ta. Trong những ngày này, Ngài sẽ hỏi chúng ta về tình yêu, như đãhỏi Simon Phêrô. Đừng tránh né trả lời những câu hỏi ấy.

Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng tất cả chúng ta làm thành một cộng đoàn lớn – là Giáohội – vượt qua những ranh giới do con người tạo nên và chia cắt mọi người. Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng máu của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Cảm nghiệm Giáo hội phổ quát là một trải nghiệm tuyệt vời của Ngày Giới trẻ Thế giới. Hình ảnh của Giáo hội tùy thuộc vào chúng ta – vào đức tin và sự thánh thiện của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ phải làm sao cho Tin Mừng đến với những ai chưa nghe nói về Chúa Kitô hoặc chưa học biết đủ về Ngài.

Ngày mai, Phêrô của thời đại chúng ta – là Đức Thánh Cha Phanxicô – sẽ đến với chúng ta. Ngày hôm sau, chúng ta sẽ chào đón ngài ở ngay chỗ này. Trong những ngày tiếp theo, chúng ta sẽ lắng nghe ngài nói và cùng cầu nguyện vớingài. Sự hiện diện của Đức giáo hoàng tại Ngày Giới trẻ Thế giới còn là một nét đẹp và là đặc điểm của ngày hội đức tin này.

Và câu hỏi thứ ba, câu hỏi cuối cùng: Chúng ta đang đi đâu và chúng ta sẽ mang theo những gì khi rời khỏi đây? Cuộcgặp gỡ của chúng ta sẽ chỉ kéo dài một vài ngày. Một cuộc gặp gỡ sâu đậm, thiêng liêng, và ở một mức độ nào đó, đòi phải có sức khoẻ. Sau đó, chúng ta sẽ trở về nhà mình, về gia đình, trường học, về đại học và nơi làm việc của chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ có những quyết định quan trọng trong những ngày này? Có lẽ chúng ta sẽ đặt ra một số mục tiêu mới trong cuộc sống của chúng ta? Có lẽ chúng ta sẽ nghe thấy giọng nói rõ ràng của Chúa Giêsu, bảo chúng ta để bỏ lại mọi sự mà theo Ngài?

Chúng ta sẽ đáp lại bằng cái gì? Tốt hơn đừng trả lời trước câu hỏi này. Nhưng hãy chấp nhận một thách đố. Trong những ngày này, chúng ta hãy chia sẻ với nhau điều đáng giá nhất. Hãy chia sẻ niềm tin, kinh nghiệm, hy vọng của chúng ta. Các bạn trẻ thân mến, mong sao những ngày này sẽ là cơ hội đào luyện tâm tư của các bạn. Hãy nghe những bài giáo lý do các giám mục dạy. Hãy nghe Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Hãy sốt sắng tham dự phụng vụ. Hãy cảmnghiệm tình yêu thương xót của Chúa trong bí tích Hòa giải. Và cũng hãy khám phá Giáo hội Krakow, nền văn hoá phong phú của thành phố này, cũng như tính hiếu khách của người dân Krakow và những người ở các thành phố lân cận, ở đấy chúng ta sẽ tìm được sự thư thái sau một ngày mệt nhọc.

Krakow đang sống với mầu nhiệm của lòng Chúa thương xót, cũng là nhờ Chị Faustina khiêm tốn và Đức Gioan Phaolô II, những người đã làm cho Giáo hội và thế giới nhạy bén với nét cụ thể này của Thiên Chúa. Khi trở về đất nước các bạn, về với gia đình và cộng đoàn của các bạn, hãy mang theo tia lửa của lòng thương xót, nhắc nhở mọi người rằng “phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5,7). Hãy mang theo ngọn lửa đức tin củacác bạn và thắp lên những ngọn lửa khác, để trái tim con người sẽ cùng nhịp đập với Trái tim của Chúa Kitô, là “ngọn lửa tình yêu hằng cháy”. Ước gì ngọn lửa yêu thương bao trùm thế giới chúng ta và giải thoát thế giới này khỏi thói ích kỷ, bạo lực và bất công, để nền văn minh của thiện hảo, hòa giải, tình yêu và hòa bình sẽ được củng cố trên trái đất của chúng ta.

Hôm nay tiên tri Isaia nói với chúng ta rằng “đẹp thay bước chân người đem tin vui trên các núi đồi” (Is 52,7). Đức Gioan Phaolô II là một sứ giả như thế – ngài là người khởi xướng Ngày Giới trẻ Thế giới, một người bạn của người trẻ và các gia đình. Và các bạn cũng hãy trở thành những sứ giả như vậy. Hãy đem tin mừng về Chúa Giêsu Kitô đến cho thế giới. Hãy làm chứng rằng Ngài đáng cho chúng ta tín thác số phận của chúng ta. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn cho Chúa Kitô. Hãy rao giảng với niềm xác tín như Phaolô rằng “dù sự chết hay sự sống, [...] dù bất cứ một thụ tạonào, cũng không có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Amen!

Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/thanh-le-khai-mac-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-thu-31/8086.57.7.aspx

Nhà thờ Đức Bà Paris cử hành thánh lễ tưởng niệm cố Linh Mục Georges Hamel bị khủng bố sát hại


Chiều 27/07/2016, tại vương cung thánh đường Notre-Dame de Paris, ĐHY André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris, đã cử hành trọng thể thánh lễ tưởng niệm cố linh mục Georges Hamel, vị tu sĩ 86 tuổi bị quân khủng bố hồi giáo cắt cổ man rợ sáng 20/07 trong lúc cử hành thánh lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray. Tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Manuel Valls, chủ tịch lưỡng viện Quốc hội, nhiều vị bộ trưởng và dân biểu, nhiều đại sứ và đông đảo tín hữu đã dự thánh lễ

Trong phần phát biểu, ĐHYAndré Vingt-Trois khuyến cáo nước Pháp cần bình tâm hành động để khỏi rơi vào cảm bẫy của quân khủng bố.’’

Đức TGM Paris khai triển lời Chúa dựa trên chủ đề hy vọng. Ngài nói : ‘‘Những kẻ mượn danh tôn giáo để che đậy hành động giết hại dân lành vô tội, những kẻ nhân danh thần chết để gieo tang tóc, kinh hoàng cho bao người, họ đừng trông mong nhân loại nhường bước cho ảo vọng hão huyền. Niềm hy vọng mà Thiên Chúa khắc ghi trong tâm khảm loài người mang tên ‘‘sự sống’’. Hy vọng có khuôn mặt Chúa Kitô hy sinh sự sống đế nhân loại sống sung mãn. Niềm hy vọng tập hợp nhân gian, tứ hải giai huynh đệ ; không phải bằng hủy diệt, nhưng mời gọi tự do. Chính niềm hy vọng đứng vững trong cơn thử thách đã ngăn nẻo đường thất vọng chồng chất những hận thù và chết chóc. Chính trong niềm hy vọng này, cha Jacques Hamel đã bị cắt cổ một cách man rợ trong lúc cử hành bí tích Thánh thể. Chính niềm hy vọng đã nâng đỡ các tín hữu trời đông thoát chạy khỏi sự bách hại mà không từ bỏ đức tin. Niềm hy vọng còn nung nấu con tim các tín hữu tập họp quanh Đức Thánh Cha Phanxicô ở Cracovie. Chính niềm hy vọng này khiến ta không chịu khuất phục trước hận thù, luôn vững vàng trong cuồng phong bão tố.’’ 


Trong bản tin xứ đạo Saint-Étienne-du-Rouvray phát hành ngày 06/06, cha Hamel đã để lại mấy lời dặn dò, mời gọi mọi người cư xử với nhau trong tình huynh đệ, trông cậy vào lòng Chúa thương xót. Ngài viết : ‘‘Năm nay mùa xuân còn lạnh. Nếu tinh thần có bị sa sút, hãy vững tâm vì ngày hè sẽ đến. 

Ngày hè còn là thời gian gặp gỡ, chia sẻ. Có người đi tĩnh tâm hoặc hành hương. Người khác nghiền ngẫm lời Chúa giúp ta vui sống, hoặc lần giở kinh sách, ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp, nhắc nhở ta kỳ công Thiên Chúa. Nào ta hãy lắng nghe Chúa nhắn nhủ ta sống với nhau hòa thuận, trong tình nghĩa huynh đệ. Mùa hè còn thời gian nguyện cầu cho những ai lâm cảnh thiếu thốn, cho hòa bình, cho chung sống hiền hòa. Trong năm lòng Chúa thương xót, nào ta hãy quan tâm đến các điều tốt đẹp.’’

Thánh lễ kết thúc trong nhạc chuông tiễn biệt cố linh mục Hamel, với niềm hy vọng và trông cậy vào lòng thương xót Chúa.

Paris, ngày 28/07/2016

Lê Đình Thông
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/188188.htm

Nhân dịp Cha Jacques Hamel bị sát hại, người viết xã luận của Wall Street Journal công bố trở lại Công Giáo

Sohrab Ahmari, người viết xã luận cho tập san Wall Street Journal, vừa tuyên bố trên Twitter rằng anh đang học đạo để trở lại Đạo Công Giáo. 

Tuyên bố trên Twitter của anh viết: “#TôiLàJacquesHamel: Thực sự, đây là giây phút đúng đắn để tuyên bố rằng tôi đang trở lại Đạo Công Giáo Rôma dưới sự dạy dỗ tại @LondonOrat.”

Hàng chữ sau dấu # (hashtag) “TôiLàJacquesHamel” có ý nói đến linh mục người Pháp, Cha Jacques Hamel, người vừa bị hạ sát dã man bởi bọn qúa khích duy Hồi Giáo lúc đang cử hành Thánh Lễ ở miền Bắc nước Pháp, gây xúc động và phẫn nộ khắp thế giới. 

Còn “@LondonOrat” là trương mục Twitter của Nguyện Đường Brompton Thánh Philip Neri ở London, gọi tắt là “Nguyện Đường London” nổi tiếng về phụng vụ và âm nhạc truyền thống. 

Trả lời một ai đó “tweet” cho anh hay Nguyện Đường London “có lẽ là một trong các nơi tốt nhất trên trái đất để tiếp nhận việc dạy dỗ”, Ahmari đã đồng ý, và “tweet” lại: “Tôi đồng ý. Một cách cực kỳ mạnh mẽ. Nhưng cũng thành thực thấy kỳ diệu”. 

Ahmari sinh tại Tehran, Iran và di dân qua Hoa Kỳ lúc 13 tuổi. Dù có bằng cử nhân luật của Đại Học Northeastern ở Boston, anh lại có hứng làm việc như một nhà báo sau cuộc tranh cử đầy tranh cãi năm 2009 ở Iran và các cuộc phản đối sau đó. Trong chức vụ hiện nay, anh viết các bài xã luận cho ấn bản Âu Châu của tờ Wall Street Journal.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/188176.htm

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Thông báo phát hành sách TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA - NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU


Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (VPHĐGMVN) trân trọng giới thiệu đến quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ cùng quý Anh Chị Em: bản dịch chính thức “Tông huấn NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU - AMORIS LAETITIA” do VPHĐGMVN thực hiện, đã được phát hành.
– Đặc điểm:
(1) Sách dày 338 trang, khổ 13 x 20cm; bìa in 4 màu, đẹp, trang nhã trên giấy Bristol 230gr.
(2) Giá bìa: 25.000 đồng (chiết khấu 20% cho các Giáo xứ, Hội đoàn, các Tòa Giám mục, Chủng viện, Học viện, Nhà sách... với số lượng từ 50 quyển trở lên).
Chi phí vận chuyển do bên mua chịu trách nhiệm.
– Về việc đặt mua: có 3 hình thức:
(1) trực tiếp nơi VPHĐGMVN, 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM; Lầu 4 (gặp Cô Năng VP UBMVGĐ).
(2) qua Email: vptk.hdgm@gmail.com
(3) qua điện thoại: (08) 3820.5242 hoặc 090 6325382 (gặp Cô Năng, trong giờ hành chánh).
Ngày 26-07-2016
Kính báo,
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
Chánh VP HĐGMVN

Nguồn: http://hdgmvietnam.org/thong-bao-phat-hanh-sach-tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu/8081.55.4.aspx

Tòa Thánh lên án vụ tấn công và sát hại linh mục ở Pháp


VATICAN. Tòa Thánh lên án vụ tấn công một thánh đường Công giáo phận thành phố Rouen bên Pháp: 1 linh mục bị cắt cổ.

Khoảng 9 giờ 45 sáng ngày 26-7-2016, hai tên khủng bố đã lẻn vào cửa sau thánh đường Saint-Etienne-du-Rouvray, gần Rouen ở mạn tây bắc Pháp. Trong cuộc tấn công, hai tên khủng bố dùng dao sát hại cha Jacques Hamel, 86 tuổi đang dâng lễ và làm bị thương một tín hữu khác. Lực lượng đặc biệt của Pháp đã bao vây và bắn chết hai tên khủng bố.

Phản ứng về sự kiện trên đây, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ra thông cáo nói rằng:

”Lại một tin khủng khiếp, thêm vào một loạt những vụ bạo hành trong những ngày này làm cho chúng ta kinh hoàng xúc động, gây ra đau khổ vô biên và lo âu. Chúng tôi theo dõi tình hình và chờ thêm các thông tin để hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra.

”ĐTC đã được thông báo và ngài chia sẻ nỗi đau đớn và kinh hoàng vì bạo lực vô nghĩa lý này, ngài quyết liệt lên án mọi hình thức oán ghét đồng thời cầu nguyện cho những người bị thương tổn. Chúng tôi đặc biệt xúc động vì bạo lực kinh khủng này xảy ra trong một thánh đường, một nơi thánh thiêng trong đó tình thương của Thiên Chúa được loan báo; bạo lực ấy là sự giết hại dã man một linh mục và liên quan đến các tín hữu.

Chúng tôi gần gũi với Giáo Hội tại Pháp, với Tổng giáo phận Rouen và với cộng đoàn bị tấn công, với nhân dân Pháp.”

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/07/26/t%C3%B2a_th%C3%A1nh_l%C3%AAn_%C3%A1n_v%E1%BB%A5_t%E1%BA%A5n_c%C3%B4ng_v%C3%A0_s%C3%A1t_h%E1%BA%A1i_linh_m%E1%BB%A5c_%E1%BB%9F_ph%C3%A1p/1246781


Khủng bố Hồi Giáo ISIS đã tấn công nhà thờ Công Giáo Pháp


Normandy, Pháp 26/7/2016.- Hai tên khủng bố thuộc nhóm Hồi Giáo qúa khích ISIS đã xông vào một nhà thờ Công Giáo ở Saint-Etienne-du-Rouvray thuộc Normandy Pháp Quốc, giết chết vị linh và bắt làm con tin 4 người. 

Tin từ Tòa Tổng Giám Mục Rouen cho biết vị linh bị giết tên là Jacques Hamel, 84 tuổi đang cử hành thánh lễ. Hai tên khủng bố cũng bắt làm con tin 2 nữ tu và 2 giáo dân đang tham dự thánh lễ.

Theo phát ngôn viên của bộ Nội Vụ Pháp thì một con tin bị thương nặng, 3 người khác đã được giải thoát bằng yên. Quân khủng bố đã dùng dao giết chết vị Linh Mục.

Cảnh sát Pháp đã bắn chết hai tên khủng bố và cho lục soát khu nhà thờ để xem quân khủng bố có gài chất nổ tại khuôn viên nhà thờ không,

Theo giới chức thạo tin, thì các vụ khủng bố gần đây tại Pháp đều do ISIS thuộc Hồi Giáo Sunni thực hiện.

Tổng Thống và Thủ Tướng Pháp đã đến hiện trường khủng bố và cho biết hai tên khủng bố thuộc nhóm ISIS

Ngay sau khi vụ khủng bố tại nhà thờ Công Giáo diễn ra, Tòa Thánh Vatican đã lên án vụ tấn công khủng bố, gọi đó là là một tin kinh hoàng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được thông báo tin tức vể vụ khủng bố và Ngài đã chia sẻ nỗi đau đớn và gọi đó là vụ bạo động vô lý

Cha Jacques Hamel

Bản tuyên cáo của Tòa Thánh cũng nói vụ khủng bố này là một vụ bạo động đáng ghê sợ vì nó xẩy ra ngay tại nơi được coi là thánh thiêng, tình yêu của Chúa được rao giảng.

Tuyên cáo của Tòa Thánh cũng cho biết Giáo Hội sẽ không đáp trả khủng bố bằng bất cứ loại vũ khí nào mà chỉ kêu gọi cầu nguyện và thực thi tình huynh đệ giữa mọi người

Các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã mau chóng lên án vụ khủng bố của nhóm Hồi Giáo ISIS tấn công vào nhà thờ Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo đã lên án vụ tấn công và gọi đó là kẻ xấu ác tấn công kẻ yếu đuối, chối bỏ sự thật tình yêu, Chúa Giêsu sẽ đánh bại họ. Hãy cầu nguyện cho nước Pháp, cho các nạn nhân và cộng đồng của họ.

Nguyễn Long Thao
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/188152.htm

Thư gửi bố mẹ sau những ngày linh thao …

Phải bắt đầu từ đâu đây nhỉ?….uhm…uhm…Thiết tưởng con vừa trở về từ thiên đường vậy bố mẹ ạ! Nơi ấy nhẹ nhàng, bình yên và sâu lắng đến lạ. Lặng đủ để thấy bước đi chậm chạp của thời gian, ngay cả tiếng tí tách của đồng hồ treo tường hay tiếng lay động của mọi vật xung quanh con rõ một một. Khóa linh thao đầu tiên trong cuộc đời con, nơi con tìm kiếm bạn tình Giê-su – người bạn thấu hiểu hết mọi nỗi đau của gia đình, cách riêng là bố mẹ. Con không nói gì đâu vì Người biết hết mọi sự, con chỉ lặng để nghe Chúa nói.
13782103_1454221527928710_883349045913776085_n
Chúa bảo con hãy tưởng xem một đôi vợ chồng trẻ kia đang chăm sóc cho đứa con đầu đời của họ như thế nào, ngượng ngùng trong tiếng hát ru con, ôm khư khư đứa con vào lòng mà tay chân run rẩy, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Bố mẹ hẳn đã vất vả vì anh chị em con như vậy. Khi chập chững những bước đi đầu tiên cũng là lúc con bắt đầu gọi mẹ, kêu bố. Lên bốn, lên năm con lại lẽo đẽo khóc chạy theo bố mẹ ra đồng. Ấy vậy mà bước vào độ tuổi 15, 16, con bắt đầu chọn bạn và bắt đầu xa bố mẹ. Bố mẹ không  còn là người bạn, con ngại tâm sự, ngại với những lời dạy nghe cằn cỗi. Bố mẹ dường như chỉ đóng vai trò cung cấp tiền cho con ăn học. Cho đến một ngày gia đình mình trở nên khó khăn và tình cảm rạn nứt, con trở nên vô cảm và một mình bước ra khỏi cuộc sống gia đình, xa bố mẹ và nghĩ rằng  những  gì đang diễn ra nơi gia đình mình là cản trở lớn cho bước tiến của con. Con tìm kiếm niềm vui và động lực nơi một gia đình khác giúp đỡ con. Cho đến khi thành công bước đầu là vào đại học, phải một mình với tất cả tài chính là lúc con yếu đuối kiệt sức và không thể trốn chạy nữa. Con đã tìm đến nơi đây, người bạn này cho con lấy lại tuổi thơ bên gia đình, xóa đi những hận thù ghen ghét trong con và giờ này con thấy lòng thật nhẹ nhàng đến lạ.
Thay vì bữa cơm của gia đình mình chỉ nước mắt và cãi vã, bố mẹ hãy thử mường tượng tới bữa cơm của con một tuần qua ăn trong thinh lặng cùng những bản piano và Thánh ca nhẹ nhàng; cũng hồi tưởng về bữa cơm vui vẻ, ấm cúng của gia đình  bốn năm trước đây, chúng ta mới thật sự quý trọng những giây phút đó đến nhường nào. Thế nhưng bữa cơm dài thật dài lại khiến con cảm nhận được vị ngot của hạt cơm, thứ mà tạo hóa đã ban tặng và nuôi lớn con, đó là mồ hôi nước mắt của những người nông dân tần tảo là bố mẹ đây. Con biết ơn những người nhiều giờ bếp núc để phục vụ con. Tạ ơn Chúa vì những phút lặng linh thiêng ấy.
13690620_1454221291262067_9029537768899349363_n
Con đã dối lòng mình để mạnh mẽ, luôn kìm nén những nỗi đau, những giọt nước mắt bằng việc thờ ơ và trốn tránh khó khăn của gia đình. Thế nhưng trong giấc ngủ và men say, con lại thấy rõ hình ảnh anh chị con đánh đập giành giật con cái, hay xua đuổi lìa bỏ vợ con giữa đêm khuya. Như in lúc bố dốc từng chai rượu cùng những hàng nước mắt và tiếng thở dài nặng nề của mẹ trong giấc ngủ kia. Trong lúc chờ đợi tiếng Chúa, những nỗi đau mà con cố chôn giấu lại ùa về khiến con vỡ òa. Phải chăng Chúa đã nói bấy lâu giờ mà con chưa kịp thấu hiểu. Một bầu trời bơ vơ. Chính Chúa đã đang vỗ về để con khóc khi đang tỉnh thức: “Hãy khóc đi con, khóc và đối mặt, rồi cầu nguyên thật nhiều”.
Con đã giận bố mẹ lắm khi làm tròn bổn phận là dựng vợ gả chồng cho anh chị rồi, chỉ lo mình con nữa thôi để bố mẹ nhẹ bớt ghánh nặng; cớ sao bố mẹ còn nuôi anh con ốm yếu cùng đứa cháu trai bị mẹ nó bỏ rơi đi theo người khác khi mới một tuổi, và chị con cùng  đứa cháu gái bị bố ghen tương rượu chè đánh đập khi nó còn nằm trong bụng mẹ; nếu bố mẹ hết sức can ngăn thì con cũng không ghét chị tư cớ sao lại trót yêu anh chàng lương dân ấy rồi vì hạnh phúc riêng mình mà chồng con cũng không được theo đạo, đánh mất niềm tin, mất đi lòng đạo đức của gia đình đối với Giáo xứ và Giáo Hội. Cớ sao bố là con thứ lại nhận trách nhiệm nuôi bà nội 90 tuổi nằm liêt giường. Cớ sao lúc 15 tuổi, là một cậu bé tân tòng, bố lại nhận là con nuôi của một gia đình không có con cái, để rồi lại chăm sóc bà nội nuôi liệt giường suốt năm năm qua. Con trách hai bà vì tuổi già làm khổ bố mẹ, phút cuối đời không lặng lẽ hồi tâm lại luôn tìm cớ chửi bố mẹ và cháu chắt cho vui tai. Con đã giận lắm, giận nếu tài chính của gia đình mình không cạn kiệt vì những chuyện đó và sức khỏe của bố mẹ không ngày một yếu đi, con đã có thể sống bên gia đình để học hết cấp ba và được gia đình cho vào đại học. Nếu bố mẹ còn đủ tiền để xin việc cho hai chị con, con cũng không bị hàng xóm nói là học để rồi thất nghiệp. Con giận lắm anh chị con vì suốt năm nhất đại học không  dành cho con một cuộc gọi hỏi thăm hay một đồng tiền trợ cấp. Một mình con phải chạy vạy lo toan với cuộc sống Hà Nội bon chen, xô bồ này.
13700020_1454221161262080_5182469423188065172_n
Và rồi, Chúa nhẹ nhàng nói với con hãy nghĩ đến lương tâm của bố mẹ vì đó là những thử thách Chúa trao phó. Hãy tha thứ cho anh chị con vì họ đang đau đớn vì gia đình họ hơn con gấp bội. Hãy tha thứ cho bà vì một ngày kia bố mẹ con già cũng sẽ như vậy và đó là trách nhiệm của con.
Con đã không ngần ngại đến với khóa linh thao này khi biết rằng bố mẹ không còn đến nhà thờ nữa vì sợ những ánh mắt của mọi người làm chia trí; chỉ ở nhà cầu nguyện cho con cái và chờ đến ngày đến với Chúa một cách nhẹ nhàng hơn. Dù là con ruột, con rể hay con dâu cũng là con của bố mẹ, họ đều phạm tội theo luật Hội Thánh. Con hiểu phần nào gánh nặng của bố mẹ- đấng sinh thành. Cũng nơi đây, con băn khoăn đi tìm câu trả lời liệu mình có còn tiếp tục theo học đại học, trở thành phiên dịch viên nữa hay không? Chúa tình thương muốn con tiếp tục sống đẹp đạo và cầu nguyện, là chứng nhân đức tin duy nhất trong gia đình,để một ngày kia gia đình mình có thể cùng nhau đi đến nhà thờ và sống hạnh phúc; và ước gì con gặp được một  thánh nhân nào đó giúp đỡ vì ít rằng ước mơ của con chưa từng dập tắt.
Khi nhận ra Chúa đang hiện hữu nơi con và làm chủ khối óc con, những ngày tháng tiếp theo của khóa linh thao, con đã an tâm và phó mặc mọi sự cho Chúa. Con lật từng trang Kinh thánh và ngẫm nghĩ về những dụ ngôn, cũng đọc lại thật nhiều dụ ngôn “người cha nhân hậu” và hiểu rằng không chỉ anh chị con mà ngay cả con nữa dù phạm bao lỗi lầm thì Người vẫn luôn dang tay chờ đợi chúng con là bố mẹ, Chúa nhân từ cũng luôn đón đợi những đứa con hoang đàng của Ngài. Cả một bầu trời bơ vơ giờ đây phủ đầy hương hoa, con tiếp tục đi vào đời sống cầu nguyện.  Nhiều lúc con không nói gì và Chúa vẫn lặng thinh, nhưng ánh mắt con vẫn đang ngắm nhìn  Ngài; vì khi hai người yêu nhau, chỉ cần lặng lẽ ngắm nhìn nhau cũng làm người ta hạnh phúc…
Con chưa thấy rõ ơn gọi của con đâu nhưng đó vẫn là một huyền nhiệm tiếp tục gọi con vào khám phá. Đời là những khám phá, tất cả cho dù là xót xa hay hạnh phúc cũng là niềm khám phá về cuộc sống, có khó khăn nhưng cũng rất nhiều thi vị. Có phải con chưa đi hết những chặng đường thật tăm tối chăng? Nên con chưa thấy hết những vết thương đau như nhiều người để nói rằng xót xa của cuộc sống không có gì để khám phá! Lối đi nào trong cuộc sống cũng có hương hoa. Cuộc sống này hãy sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn……
Con yêu bố mẹ nhiều!
13731713_1767231296832487_1573652083041661466_n
Bài: Một thao viên của khóa linh thao sinh viên tại Thanh Hóa
Ảnh: Từ facebook của khóa
 Nguồn:http://dongten.net/noidung/61701

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Thông báo: Tuyển sinh lớp Tìm hiểu Ơn Thiên triệu niên khóa 2016-2017

TỔNG GIÁO PHẬN TP. HỒ CHÍ MINH
BAN MỤC VỤ ƠN GỌI
THÔNG BÁO
V/v tuyển sinh lớp TÌM HIỂU ƠN THIÊN TRIỆU niên khóa 2016-2017
Ban Mục vụ Ơn gọi TGP thông báo mở lớp Tìm hiểu ơn thiên triệu niên khóa 2016-2017. Những thanh niên có ước nguyện trở thành linh mục giáo phận để phục vụ Giáo Hội, có thể tham gia lớp tìm hiểu này với những điều kiện và thủ tục như sau:
1. Điều kiện
- Tuổi từ 18 - 24
- Đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông
- Gia đình hiện đang cư ngụ và có hộ khẩu thường trú tại thành phố HCM
2. Hồ sơ
  1. Đơn xin gia nhập (do ứng sinh viết tay)
  2. "Bản Tự Thuật" về những dấu nhấn trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của mình, tối thiểu là hai trang A5, tối đa là bốn trang A5 (do ứng sinh viết tay hoặc đánh máy)
  3. Thư giới thiệu và những nhận xét của cha sở (về ứng sinh, về gia đình ứng sinh và dư luận của giáo dân về ứng sinh)
  4. Giấy khai sinh (photocopy)
  5. Chứng chỉ Rửa Tội và Thêm Sức (bản chính)
  6. Chứng thư Hôn Phối của cha mẹ (bản chính)
  7. Bằng cấp cao nhất, tối thiểu là bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông (photocopy 2 bản)
  8. 4 tấm ảnh 3x4 không quá 6 tháng
  9. Hộ khẩu thường trú tại thành phố HCM (photocopy)
3. Thời gian ghi danh
  • Từ ngày 01/08/2016 đến hết ngày 31/08/2016, các ngày trong tuần, trừ Chúa nhật, buổi sáng: 8g00-11g00
  • Nộp hồ sơ trực tiếp cho cha đặc trách: linh mục Giuse Đặng Chí Lĩnh, Trung tâm Mục vụ, 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1. Xin liên lạc trước qua điện thoại, số 0169.7383.214
4. Khai giảng
  • Lúc 8g00, Chúa nhật 11/09/2016
  • Địa điểm: Trung tâm Mục vụ, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Q. 1, Tp. HCM                                                           
Thay mặt ban Mục vụ Ơn gọi
Lm. Giuse Đặng Chí Lĩnh
Trưởng ban
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160719/35559

Chuyên đề "Gìn giữ và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta"


WGPSG – “Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống trong ngôi nhà chung. Xin cho chúng con biết giữ gìn và bảo vệ trái đất để lưu truyền cho thế hệ tương lai”, Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã có lời cầu nguyện như thế vào cuối buổi thuyết trình thứ 4 của Tuần lễ giáo lý 2016 tại TGP Sài Gòn. Bài thuyết trình có chủ đề: "Gìn giữ và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta" do Lm. Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, SDB và tiến sĩ Maria Angel Nguyễn Thị Vân Hà - Khoa Môi Trường của Đại Học TN&MT - trình bày vào tối thứ Sáu 22.7.2016, từ 18g30 đến 21g00 trong hội trường GB Phạm Minh Mẫn.

Khi nói về biến đổi khí hậu (BĐKH), tiến sĩ Hà định nghĩa: “BĐKH là hiện tượng thay đổi thời tiết do các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người ngoài sự thay đổi khí hậu của tự nhiên”.

Qua video clip về biến đổi khí hậu năm 2015, tiến sĩ cho thấy BĐKH là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, sức khỏe, tài nguyên nước và nông nghiệp. Các biểu hiện của BĐKH: nóng lên toàn cầu, nước biển dâng lên, thiên tai xảy ra liên tiếp. Sự xâm thực của nước biển khiến sản lượng lương thực và lượng nước ngọt giảm mạnh.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của BĐKH là hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng này xẩy ra trong một ngôi nhà lồng bằng kính - hấp thụ nhiệt lượng khi mặt trời chiếu vào và không thoát ra được nên nhà kính mỗi lúc một nóng lên. Điều này có lợi cho nông dân trồng cây bên trong để cây có thể đâm chồi, ra hoa và kết trái sớm hơn. Tuy nhiên, sẽ là tai họa khi cả lớp khí quyển của trái đất trở thành một nhà kính (vì các loại khí CO2, N2O, CFCs, CH4… và hơi nước) hấp thụ nhiều nhiệt vào, rồi giữ lại mà ít tỏa nhiệt ra, khiến cho địa cầu mỗi ngày một nóng lên. Đó là hậu quả của: Phá rừng, rác thải, chăn nuôi, khí thải giao thông, nhà máy...

Để giảm thiểu tình trạng này, bản thân mỗi người nên tham gia tích cực vào các hoạt động làm giảm nhẹ BĐKH: Tự bảo vệ mình trước những thiên tai; Tăng sức chống chịu và giảm tổn thương cho các vùng nghèo, phụ nữ và trẻ em; Trang bị các kỹ năng cần thiết như bơi lội, tập thể dục; Tránh tác hại của các tia nắng ban ngày; Không trú mưa dưới cây to, tránh các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt...

Tiếp lời tiến sĩ Hà, Lm. Vinh Sơn giới thiệu thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô. Thông điệp gồm 6 chương:

Chương I - Những gì đang xảy ra cho nhà chúng ta: Thông điệp cho thấy có “một thứ nợ về môi sinh”, nợ của các nước giầu đối với những nước nghèo trên thế giới.

Chương II - Tin Mừng về sự sáng tạo: Trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất cả các loài thụ tạo và sự kiện môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người.

Chương III - Nguồn gốc nhân bản của sự khủng hoảng sinh thái: Kỹ thuật cải tiến các điều kiện sống, tuy nhiên kỹ thuật mang lại một sự thống trị lớn lao trên toàn thể nhân loại và thế giới cho những người nắm giữ kiến thức kỹ thuật và nhất là quyền lực kinh tế để khai thác đưa tới sự phá hủy thiên nhiên và khai thác bóc lột con người cùng các dân tộc yếu thế hơn.

Chương IV - Sinh thái học toàn diện: Thiên Chúa là chủ, con người sống hài hòa với nhau, không thể gây khốn khổ cho người nghèo.

Chương V - Một vài đường hướng và hoạt động: Cần có các cuộc đối thoại.

Chương VI - Giáo dục và linh đạo sinh thái: Giáo dục sự quan hệ giữa con người, môi trường thiên nhiên và Thiên Chúa; Ý nghĩa sâu xa của nhân bản học; Xác tín mọi điều trên trái đất liên hệ mật thiết với nhau.

Về tổng quát, câu hỏi trọng tâm của thông điệp là "Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?" Thông điệp không chỉ liên quan riêng đến môi trường mà còn khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?

Tiếp nối phần thuyết trình của cha Vinh Sơn, tiến sĩ Vân Hà nói về chuyên đề "Ô nhiễm rác rưởi và văn hóa thải bỏ". Con người đang làm cho ngôi nhà chung bị ô nhiễm trầm trọng: ô nhiễm đất, ô nhiễm biển... Để phân hủy: Hộp xốp cần 1 triệu năm, Chai nước cần 500 năm, nhôm cần 200 năm...

Tiến sĩ đề nghị nên tìm cách áp dụng mô thức tuần hoàn, tái chế:

- Thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm, mua sắm và du lịch. Khi mua thực phẩm hay mua sắm, hãy cân nhắc: sản phẩm đã được sản xuất như thế nào, ở đâu, đến được nơi này bằng cách nào, cần mua bao nhiêu để khỏi dư thừa. Lời khuyên khi tiêu dùng: Nên tận dụng không gian để trồng rau sạch trong vườn/nhà; nên mua sản phẩm địa phương; nên dùng hết thực phẩm để tránh dư thừa; tìm cách kéo dài tuổi thọ của sản phẩm hoặc tái sử dụng…

- Bảo vệ môi trường qua việc trồng cây, xử lý nước và rác. Cần tạo mảng xanh trong nhà càng nhiều càng tốt. Tiết kiệm nước bằng cách cho nước vào chậu để rửa tay, rửa mặt thay vì chỉ vặn vòi nước; tắt vòi nước khi đang đánh răng; tận dụng nước mưa trong sinh hoạt. Hạn chế phát sinh rác thải, hạn chế sử dụng túi ny lông; tham gia phân loại rác tại nguồn ở hộ gia đình, ở các siêu thị, các trung tâm thương mại, các công sở… hạn chế sự ô nhiễm môi trường do rác.

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ban ngày nên mở các cửa sổ để sử dụng ánh sáng tự nhiên và cũng giúp cho phòng ở thông thoáng hơn. Đối với các thiết bị điện như tivi, điều hòa, nếu để ở trạng thái chờ, vẫn tốn điện, nên khi dùng xong các thiết bị điện hãy rút hẳn phích điện ra khỏi ổ điện. Điều hòa nhiệt độ là thiết bị gia đình tiêu tốn nhiều điện năng nhất, nếu dùng điều hòa nên để nhiệt độ khoảng 26ºC hoặc cao hơn. Sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống ví dụ như sử dụng máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời, sử dụng bếp năng lượng mặt trời để đun nấu.

- Thay đổi hành vi giao thông: Tăng cường đi bộ hoặc đi xe đạp; Hãy đi bộ khi quãng đường không xa; Hạn chế đi lại bằng các phương tiện xe gắn máy là góp phần hạn chế sử dụng xăng giúp giảm thiểu tác động của BĐKH; Nên tích cực sử dụng hệ thống giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; Lựa chọn tuyến đường ngắn, cùng nhau đi, hoặc đưa con đi học; Khi xe dừng đèn đỏ quá 20 giây, hãy tắt máy…

Tiến sĩ Hà kết luận: “Sinh thái toàn diện không tách rời công ích. Chúng ta hãy chấp nhận toàn thế giới như là một món quà của Thiên Chúa để chăm sóc và gìn giữ. Hãy giúp mọi người thay đổi con tim, thay đổi hành vi. Hãy cùng chung tay gìn giữ ngôi nhà chung cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Đề tài "Gìn giữ và bảo vệ và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta" kết thúc; các tham dự viên ra về lòng vẫn còn suy tư về những gì cần phải làm để cứu lấy môi trường đang bị phá hủy một cách trầm trọng hiện nay.

Bài: Tocngank1 & Ảnh: Minh Thể
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160725/35612