Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Sự Thật Gây Phiền Toái Của Sự Phục Sinh

Sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết là khởi đầu và là tận cùng của niềm tin Kitô Giáo. Nếu Chúa Giêsu đã không sống lại từ cõi chết, thì tất cả giám mục, linh mục, và những người thừa tác viên Kitô Giáo nên về nhà và kiếm những công việc lương thiện nhất, và tất cả mọi tín hữu Kitô Giáo cần phải rời khỏi giáo hội của họ ngay lập tức. Vì chính Thánh Phaolô đã nói: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, thì việc rao giảng của chúng tôi ra vô ích và chúng tôi là những người tội nghiệp nhất. Đúng là không tốt, dĩ nhiên, khi nỗ lực giải thích sự phục sinh hay lý luận về sự phục sinh như một sự thần bí, một biểu tượng, hay một kinh nghiệm nội tâm chủ quan. Không có điều gì trong số đó lại công bằng trước sự mới mẻ và sự trực khởi rõ ràng của thông điệp Thánh Kinh. Sau cùng tất cả đều đi đến điểm này: nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, thì Kitô Giáo là một sự xảo trá và là một trò đùa; nếu Ngài sống lại từ cõi chết thì Kitô Giáo là sự viên mãn của sự mạc khải của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu phải là trung tâm tuyệt đối của đời sống chúng ta. Không có chọn lựa thứ ba.
Tôi muốn khám phá, một cách vắn gọn, rất nhiều bài học xuất phát từ sự thật không im tiếng về Sự Phục Sinh. Thứ nhất, thế giới này không phải là sự phục sinh. Điều tôi muốn nói là thế giới này không phải như nó là một tí nào. Chúng ta sống cuộc sống của chúng ta với một sự giả định hợp lý là thế giới tự nhiên như chúng ta nhận biết về nó ngang qua khoa học và biện phân nó qua cảm thức chung là khuôn mẫu sau cùng của cuộc sống và hoạt động của chúng ta. Mọi thứ (khá theo nghĩa đen, mọi thứ) diễn ra bên trong rạp chiếu bóng của kinh nghiệm thường nhật của chúng ta. Và một trong những khía cạnh mạnh mẽ và đáng sợ nhất của cảm thức chung thì thế giới là sự chết. Mọi sự đang sống đều sẽ chết và ở trong tình trạng chết. Thực ra, mọi sự trong vũ trụ này, các nhà khoa học cho chúng ta biết, đều đi vào hiện hữu và rồi sẽ tàn phai vĩnh viễn.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đây thực sự không phải là vấn đề? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các quy luật tự nhiên không bọc thép như chúng ta nghĩ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sự chết và sự lâm chung không có tiếng nói chung cục? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu, ngang qua sức mạnh của Thiên Chúa và theo như sự quan phòng của Ngài, thì “trời mới và đất mới được sinh ra? Sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết là vấn đề của chúng ta và như thể là thuyết hư vô là quan điểm rõ ràng duy nhất. Sau khi đã gặp Đức Kitô phục sinh, Thánh Phaolô thậm chí có thể chế nhạo sự chế: “Nọc độc của người ở đâu? Dưới ánh sáng của sự phục sinh, thực ra, chúng ta có thể bắt đầu nhìn thế giới này như một nơi của sự thai nghén, phát triển và trưởng thành đến một điều gì đó cao hơn, vĩnh cửu hơn, huy hoàng hơn.
Đây là bài học thứ hai rút ra từ biến cố phục sinh: các nhà chuyên chế biết rằng thời gian của họ sẽ hết. Hãy nhớ rằng thập giá là cách của người La Mã khẳng định thẩm quyền của họ. Các nhà cầm quyền La Mã tuyên bố rằng nếu bạn rơi vào sự đối đầu với hệ thống của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tra tấn bạn cho đến chết một cách nhục nhã nhất có thể (ex cruce, từ thập giá) và rồi chúng tôi sẽ để cho thân xác bạn bị bỏ đi quăng cho các loại dã thú ngoài đồng. Mối đe doạ của thập giá là cách mà những nhà chuyên chế trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm vẫn luôn khẳng định quyền bính của họ. Quyền lực làm cho đúng. Chúa Giêsu chịu đóng đinh đối với bất kì ai vốn đã chứng kiến biến cố khủng khiếp trên đồi Can-vê đều một lần nữa khẳng định nguyên tắc này: Sau cùng Ceasar luôn luôn thắng.
Nhưng khi Chúa Giêsu đã được sống lại từ cõi chết bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì các Kitô Hữu đầu tiên biết rằng thời của Caesar đã được tính sổ. Chúa Giêsu đã mang lấy điều tồi tệ nhất mà thế giới có thể ném vào Ngài và Ngài trở lại, sống động và vinh thắng. Họ biết rằng Thiên Chúa của thế giới không phải là Caesar nữa, mà hơn thế là một ai đó mà Caesar đã giết nhưng là người mà Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết. Đây là lý do vì sao mà Đức Kitô phục sinh đã là nguồn động lực cho những phong trào chống lại trong nhiều thế kỷ thăng trầm. Trong thời đại của chúng ta, chúng ta đã thấy Đức Gioan Phaolô II đã khéo léo sử dụng sức mạnh của thập giá ở Ba Lan Cộng Sản. Mặc dù Ngài không có vũ khí hạt nhân hay xe tăng thiết giáp hay quân đội hùng mạnh, nhưng Đức Gioan Phaolô đã có sức mạnh của sự phục sinh, và điều đó cho thấy cách mạnh mẽ đủ để hạ bệ một trong những đế chế áp đặt nhất trong lịch sử của thế giới. Một lần nữa, phân khoa giải thích uể oải về sự phục sinh là một biến cố chủ quan hoặc thuần tuý là một biểu tượng cách chính xác là điều mà những nhà chuyên chế muốn, vì nó áp đặt không một sự đe doạ thực sự nào trên họ.
Bài học lớn thứ ba về sự phục sinh là con đường cứu độ đã được mở ra cho mọi người. Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng “mặc dù Ngài là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Thay vào đó, Ngài đã hạ mình và mang lấy thân nô lệ...chấp nhận ngay cả sự chết, và chết trên thập giá”. Tắt một lời, Chúa Giêsu đã hoàn toàn đi xuống, đi vào trong nỗi đau, sự tuyệt vọng, sự xa lạ, và ngay cả bị bỏ mặc bởiThiên Chúa. Ngài đi xa đến mức mà bạn có thể rời xa khỏi Chúa Cha. Tại sao? Để chạm đến hết mọi người đã rời xa Thiên Chúa. Do đó, dưới ánh sáng của sự phục sinh, các Kitô Hữu tiên khởi đã nhận biết rằng, ngay cả khi chúng ta chạy thật nhanh có thể khỏi Chúa Cha, tất cả con đường đến sự bỏ mặc của Thiên Chúa, thì chúng ta đang chạy vào vòng tay của Chúa Con. Sự mở ra đời sống thánh giúp cho mọi người tự do đi vào trong lòng thương xót thánh. Và đây là lý do vì sao mà chính Chúa nói, “Khi Con Người được giương cao, thì Ngài sẽ cuốn hút mọi người về với Ngài”, và lý do vì sao mà Phaolô có thể khẳng định trong 1 Cô-rin-tô, Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài”. Sự phục sinh cho thấy rằng Đức Kitô có thể qui tụ về cho Chúa Cha mọi người mà Ngài đã ôm lấy qua tình yêu đau khổ của Ngài.
Vì thế vào Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta đừng có thuần hoá thông điệp vẫn gây kinh ngạc và phiền toái của sự phục sinh. Hơn thế, chúng ta hãy để cho thông điệp ấy không làm cho chúng ta sợ hãi, biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta bừng cháy lên.
ĐGM Robert Barron – GM Phụ Tá TGP Los Angeles
Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)
Nguồn: http://muoianhsang.com/tinh-than/doi-song-duc-tin/su-that-gay-phien-toai-cua-su-phuc-sinh.html

Myanmar bổ nhiệm ba Kitô hữu đứng đầu các khu vực

Myanmar bổ nhiệm ba Kitô hữu đứng đầu các khu vực thumbnail
Mahn Johnny (trái), một người Công giáo thuộc sắc tộc Karen
 và người đứng đầu Khu vực Irrawaddy vừa được bổ nhiệm 
tại lễ mừng 500 năm đạo Công giáo ở Myanmar ở Yangon 
hôm 23 tháng 11 năm 2014. Ảnh: John Zaw

Ba nhà lập pháp Kitô giáo đã được Tổng thống dân bầu U Htin Kyaw chỉ định đứng đầu các khu vực trong đất nước Myanmar Phật giáo này.

Ba người này nằm trong số 14 người đứng đầu khu vực, tất cả đều thuộc Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, được công bố chính thức tại các quốc hội khu vực và quốc gia hôm 28 tháng Ba.

Mahn Johnny, nhà lập pháp khu vực người Công giáo tại khu vực bầu cử Kyonepyaw ở vùng đồng bằng Irrawaddy, được bổ nhiệm đứng đầu Khu vực Irrawaddy. Ông là dân biểu hạ viện từ năm 2012 tới 2015. Ông cũng là thành viên Ủy ban Trung ương của liên đoàn.

Salai Lian Luai, người thiểu số Chin theo Tin Lành, được bổ nhiệm đứng đầu bang Chin. Ông này từng là dân biểu khu vực của Quốc hội tại khu vực bầu cử Falam ở bang Chin.

Khat Aung, người thiểu số Kachin theo Tin Lành, được chỉ định đứng đầu bang Kachin. Ông đã từng làm dân biểu khu vực của Quốc hội tại khu vực bầu cử Myitkyina ở bang Kachin.

Peter Lama Naw Aung, nhà lập pháp theo Công giáo của Hạ viện thuộc Đảng Dân chủ bang Kachin, nói rằng ông hy vọng ông Khat Aung sẽ tập trung vào hòa bình, vấn đề con đập Myitsone và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

“Dân chúng bang Kachin rất nghèo khổ mặc dù có nhiều nguồn tài nguyên trong bang. Vì thế tổng thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên cần phải được dùng cho phát triển khu vực như phát triển y tế, giáo dục và tạo công ăn việc làm” – ông Lama Naw Aung nói với ucanews.com.

Bang Kachin bị xung đột tàn phá là khu vực có đông Kitô hữu, có trên 100.000 người vẫn còn sống trong các trại tạm bợ từ năm 2011 do chiến tranh giữa phe quân đội và Quân đội Độc lập Kachin.

Giam Kham Lian, nhà lập pháp theo Tin Lành thuộc Thượng viện ở bang Chin, lưu ý rằng khu vực của ông rất cần cải thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế tốt hơn.

Ông nói, sống trong khu vực hầu như bị kiệt quệ ở miền núi này, cư dân trong bang còn lo lắng do bị thiếu nước nữa.

“Chính quyền bang nên ưu tiên phát triển ngành vận tải, y tế và giải quyết vấn đề khan hiếm nước hiện nay” Giam Kham Lian nói.

John Zaw từ Mandalay, Myanmar
Nguồn: http://vietnam.ucanews.com/2016/03/30/myanmar-bo-nhiem-ba-kito-huu-dung-dau-cac-khu-vuc/

Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tân Giám mục Giáo phận Đà Nẵng


PV. Trọng kính Đức Cha, Ban Giám đốc, cộng tác viên và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic xin chúc mừng Đức Cha vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giáo phận mới: Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà Nẵng, xin Đức Cha cho chúng con biết vài tâm tình khi Đức Cha nhận được quyết định bổ nhiệm này. 


Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn Ban Giám đốc, các Cộng tác viên và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic chúc mừng tôi nhân dịp tôi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm tân Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Đây thực sự là những ngày mà bản thân tôi thấy được huyền nhiệm của Thiên Chúa qua Giáo Hội. Tôi luôn ghi nhớ rằng cuộc đời mục tử với ơn gọi tông đồ luôn sẵn sàng vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa qua Đại Diện của Ngài là Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, cho nên ngày thứ Bẩy, 12/03/2016 vừa qua khi Tòa Thánh công bố Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, tôi đã đón nhận sự bổ nhiệm đó trong vâng phục với bâng khuâng và xúc cảm. Nhớ lại năm 2007, ngày 12 tháng 10, Tòa Thánh công bố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, lúc đó tôi cũng đã đón nhận với biết bao bỡ ngỡ cảm xúc xốn xang. Là người sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội với 20 năm làm linh mục trong Tổng Giáo phận Hà Nội, khi được bổ nhiệm làm mục tử Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng tôi đã đón nhận với biết bao bỡ ngỡ, trăn trở với những khó khăn lúc khởi đầu; nhưng nhờ Ơn Chúa, với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự đỡ nâng của các Đấng bậc và toàn thể gia đình giáo phận, dần dần Giáo phận đã trở nên một gia đình thật đặc biệt trong đó mọi người cùng phục vụ trong tin mến, cộng tác, hiệp nhất để góp phần phát triển Giáo phận. Giờ đây, sau hơn 8 năm làm mục tử nơi một Giáo phận có “Rừng núi” phía Bắc, tôi lại bắt một sự khởi đầu mới với Giáo phận Đà Nẵng – một nơi có “Biển cả” miền Trung. Tin tưởng vào thánh ý Chúa và chương trình của Thiên Chúa nơi Tòa Thánh, tôi đã đón nhận sứ vụ mới trong tinh thần vâng phục, nguyện cầu và phó thác.

PV. Đức Cha là linh mục ở Hà Nội về làm Giám mục Lạng Sơn-Cao Bằng trong Giáo tỉnh Hà Nội, bây giờ Đức Cha đến giáo phận xa hơn ở miền Trung, đâu là những thuận lợi và những thử thách trong công việc mục vụ ?

Đang là mục tử của một Giáo phận rất rộng lớn về diện tích gồm 3 tỉnh Lạng Sơn-Cao Bằng và phía đông Sông Lô tỉnh Hà Giang, nhưng con số giáo dân lại rất khiêm tốn sấp sỉ 6.000; với 13 giáo xứ đang hoạt động, còn một số giáo xứ và nhiều giáo điểm đang cố gắng trở lại đời sống đức tin với sự đỡ nâng của 22 linh mục (14 linh mục Triều, 8 linh mục Dòng), 3 phó tế và 37 nữ tu, chưa kể chủng sinh và ứng sinh trong giáo phận cùng mọi thành phần Dân Chúa đang nỗ lực dấn thân truyền giáo, giờ đây, được Đức Thánh Cha bổ nhiệm về với một giáo phận nằm ở giữa miền Trung, nơi có bề dày lịch sử của đạo Công Giáo tại Việt Nam, một nơi đã từng đón bước chân của các vị thừa sai dòng Tên người Ý Francesco Buzomi và Diego Carvalho cùng 2 tu sĩ Nhật Bản vào ngày 16.01.1615 đến Cửa Hàn, một Giáo phận với hơn 50 năm thành lập (18/01/1963) và phát triển với con số gần 70 ngàn giáo dân, 50 giáo xứ và 3 giáo họ biệt lập được 105 linh mục mục vụ, chưa kể Phó tế, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, ứng sinh, nếu so sánh với Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng nơi tôi từng coi sóc, chắc chắn sẽ có rất nhiều sự khác biệt về mọi phương diện, tôi chỉ biết với niềm tin và lòng phó thác cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, sự đỡ nâng của Hội Thánh và sự đón nhận quảng đại, giúp đỡ của toàn thể Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng. Tôi nghĩ mình phải cố gắng để thay đổi mình mỗi ngày cho phù hợp với tiếng gọi của Chúa qua Hội Thánh, và kỳ vọng của Dân Chúa nơi miền đất mà tôi được kêu gọi phục vụ. Chắc chắn những thao thức mong chờ tôi tiếp bước hành trình đã qua của các Vị Mục tử tiền bối của Giáo phận Đà Nẵng để thực hiện tại đây, đó là: 

Tại thành phố Đà nẵng và tỉnh Quảng Nam, tổng số dân là 2.500.000 người, trong khi số giáo dân Công Giáo gần 70.000 người, chiếm tỷ lệ 2,8% dân số. Đây là một con số đáng để chúng ta suy nghĩ và đó cũng vẫn luôn là lời mời gọi Giáo Hội cần đẩy mạnh công cuộc Loan báo Tin Mừng “Truyền giáo”. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời Hội Thánh ra đi, đặc biệt tới những “vùng ngoại biên”, nơi có nhiều anh chị em dân tộc thiểu số, những nơi đang cần sự hiện diện của các Kitô hữu, tôi hy vọng được cùng mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng sẵn sàng sống, ra đi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng Tình yêu thương của Thiên Chúa. Hành trình phục vụ trong Hiệp nhất cũng là điều rất quan trọng đối với các môn đệ của Chúa. Hy vọng mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận đã sống hiệp nhất, yêu thương thì tiếp tục làm triển nở những giá trị tốt đẹp đó, làm nên sức mạnh và sự phát triển của Hội Thánh. Điều mong ước của tôi là xây dựng Giáo phận là Gia đình của Thiên Chúa và Hội Thánh. Thật đẹp đẽ khi Giáo phận kết thành một gia đình mà Thiên Chúa là Cha, tất cả mọi thành phần trong đó là anh chị em với nhau. Như hình ảnh gia đình Thánh Gia xưa kia, thánh Giuse là Cha nuôi đã chăm sóc gia đình Nadarét, và nay tiếp tục chăm sóc Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam. Vì thế, xin cùng Thánh Cả Giuse cũng là Đấng Bổn mạng của tôi cầu xin cùng Chúa cho tôi và mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận Đà Nẵng sống tinh thần của Gia đình Thánh Gia mà xây dựng Gia đình giáo phận trong tin mến, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ. 

PV. Đức Cha đã từng nhắc các chủng sinh của Giáo tỉnh Hà nội” không ngừng làm thắm lại tương quan cá vị và gần gũi với Đức Kitô, xây dựng tình hiệp thông huynh đệ và nâng đỡ trong việc trau dồi tri thức và mục vụ”.

Khi gặp gỡ các chủng sinh của Đại Chủng viện Hà Nội, tôi đã trích dẫn lời khuyên nhủ mà Thánh Phaolô nói với Timôthê: “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống trên con”. 2Tm 6. Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis về đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, thì “Khơi thắm lại” ân huệ thần thiêng không chỉ là chu toàn một bổn phận được uỷ thác cho trách nhiệm cá nhân, cũng không chỉ là hiệu suất do nỗ lực của ký ức và của ý chí mang lại. Đó là thành quả do sự năng động ân sủng chỉ thuộc về ân huệ của Thiên Chúa. Thật ra, chính Thiên Chúa khơi thắm lại chính ân huệ của Ngài, hay nói đúng hơn, giải thoát nguồn phong phú phi thường của ân sủng và của trách nhiệm mà ân huệ Ngài ẩn chứa.

Khi chia sẻ với anh em chủng sinh của Đại Chủng Viện Hà Nội, tôi cũng như tự nhắc với chính mình nơi ơn gọi và sứ mệnh của mình nơi Hội Thánh, đó là cần phải làm thắm lại tương quan cá vị với Đức Kitô, để với sự đồng hành yêu thương, đỡ nâng của Ngài mà đem lại cho tôi nghị lực trong các mối tương quan của tình huynh đệ đỡ nâng của linh mục đoàn, của các thành phần Dân của Chúa trong Giáo phận mà tôi được phục vụ.

Với mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng: Như khẩu hiệu của đời Giám mục mà tôi đã chọn “Đến với muôn dân”, tôi rất mong được các linh mục trong Giáo phận cùng đón nhận mục tử mới dù còn khác biệt, nhưng trong tinh thần huynh đệ chân thành giúp đỡ, cùng nhau hoạch định những kế hoạch thực tiễn để phục vụ hữu hiệu; để như những cầu nối, các linh mục giúp đưa Đức Giám Mục tới gần Dân Chúa và giúp Dân Chúa hiểu Vị Mục tử của mình. Rất mong sự tin tưởng, cảm thông và cộng tác của các Phó tế, Tu sĩ, chủng sinh, ứng sinh và giáo dân trong giáo phận. 

PV. Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho chúng con biết Đức Cha đã chuẩn bị thế nào cho cuộc hành trình Tông đồ mới này?

Có thể đây là lần đầu tiên sự kiện Tòa Thánh hoán chuyển Giám mục hai giáo phận tại Giáo Hội Việt Nam. Cá nhân tôi đã từng du học tại Roma, và trong thời gian làm Mục tử cũng đã thấy sự hoán chuyển này tại nhiều nước, chỉ riêng Việt Nam mới thấy lần đầu. Phần tôi, là người sinh ra tại thủ đô Hà Nội, đã từng làm Mục tử tại Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng, vùng Núi phía Bắc Việt Nam, giờ đây Đức Thánh Cha lại muốn tôi tới một miền đất mới khác biệt, vùng Biển miền Trung, còn Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri sinh ra tại Quảng Nam, miền Trung. Giờ đây được mời gọi ra Giáo phận miền núi phía Bắc của Giáo tỉnh Hà Nội. Khi đón nhận sự bổ nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, anh em chúng tôi lại nhớ tới Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội (Christus Dominus) Chương I, 6: “Các Giám Mục, là những người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ và là thành phần của Cộng Ðoàn Giám Mục, phải luôn luôn ý thức mình liên kết với nhau và cùng nhau lo lắng cho tất cả các Giáo Hội, vì được Thiên Chúa thiết lập và do mệnh lệnh của nhiệm vụ tông đồ”. 

Trong tinh thần hiệp nhất giúp đỡ lẫn nhau, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri cùng 7 linh mục trong Ban tư vấn, 1 nữ tu và 1 giáo dân của Giáo phận Đà Nẵng đã ra thăm Tòa Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng; và Tôi cùng 6 Cha trong Ban tư vấn và Văn phòng của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đi cùng chuyến bay vào thăm Tòa Giám mục Giáo phận Đà Nẵng; cuộc hành trình là niềm vui, bình an và hiệp nhất. Tại Tòa Giám mục Đà Nẵng, hai Đức Cha và quý Cha trong Ban Tư vấn của Hai Giáo phận đã bàn họp việc chuẩn bị ngày Nhận Giáo phận của Hai Đức Giám Mục. Cuộc họp đã quyết định ngày Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri nhận Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng vào hồi 10h00 sáng thứ Bẩy, ngày 09 tháng 04 năm 2016 tại Nhà thờ Chính tòa Lạng sơn, sau khi kết thúc kỳ họp Thường niên của Hội Đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Giám mục Thái Bình. Còn Tôi, Giuse Đặng Đức Ngân sẽ nhận Giáo phận Đà Nẵng vào hồi 10h00 sáng thứ Ba, ngày 12 tháng 04 năm 2016, tại Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng.

Một hành trình mới đã khởi sự và tôi rất mong mỏi và hy vọng trong tin mến được mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận Đà Nẵng mở rộng vòng tay đón nhận, yêu thương, giúp đỡ và cộng tác chân thành, để xây dựng giáo phận thành Gia đình yêu thương như lòng Chúa mong ước. Khi trở nên Mục tử của giáo phận Đà Nẵng, tôi cũng trở nên người con của giáo phận, là thành phần của gia đình giáo phận, từ nay tôi nguyện sẽ đem hết tâm huyết và khả năng để phục vụ trong yêu mến và phó thác.

Xin các Đấng bậc và mọi thành phần Dân Chúa trong hai Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng và Đà Nẵng trong tinh thần đức tin và hiệp nhất, cầu xin cùng Thiên Chúa ban sức phù trợ cho hai anh em giáo mục chúng tôi trong hành trình sống ơn gọi và sứ vụ mới của mình. 

Xin kính chúc Ban Giám đốc, các Cộng tác viên và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic luôn tràn đầy Hồng ân của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, luôn mạnh khỏe, bình an với niềm vui là chứng nhân của LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/181300.htm

Đan viện Xi-tô lớn nhất ở châu Âu


Một đan viện ở Viên, thủ đô của nước Áo, nổi tiếng với album bình ca đứng đầu trên bảng xếp hạng, và cũng đạt kỷ lục về ơn gọi. Đâu là bí mật của sự thành công này?

Nằm sâu trong khu rừng ở ngoại ô của thủ đô Viên, đan viện Thánh giá thu hút hơn 100 ngàn du khách mỗi năm. Các du khách đến để tham quan một trong những đan viện thời trung cổ đẹp nhất thế giới. Họ ngắm nhìn ngôi nhà thờ kiểu Roman của đan viện và tu viện thuộc thế kỷ XIII, ăn trưa trong nhà hàng và mua vài chai rượu do đan viện sản xuất bán trong gian hàng nhỏ.

Nhưng đan viện Thánh giá không chỉ là một nơi thu hút dân chúng, mà hơn thế nữa, đan viện này đang lớn lên và đầy sức sống. Dù có lẽ chỉ được biết đến nhiều ở Anh quốc nhờ số kỷ lục hàng triêu CD nhạc bình ca được bán ra, xếp đầu bảng vào năm 2008, nhưng số các Linh mục được thụ phong ở đan viện còn nhiều hơn vài tổng giáo phận. Đan viện Xi-tô cổ kính nhất, được thành lập năm 1133, vẫn đang phát triển. Hiện tại đan viện có hơn 90 đan sĩ, gấp đôi số tu sĩ của 30 năm trước. và độ tuổi trung bình của các đan sĩ dưới 50. Ơn gọi đang bùng nổ. Năm ngoái đan viện nhận 8 tập sinh và ứng sinh đến từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Anh quốc.

14 đan sĩ hiện đang dạy tại phân khoa thần học trong khu đại học mới của đan viện. Với trên 300 sinh viên, đây là trung tâm giáo dục Công giáo rộng nhất trong vùng nói tiếng Đức. Phân khoa này một phần là đại học. một phần là chủng viện; các sinh viên bao gồm tu sĩ của các cộng đoàn, giáo dân nam nữ và 160 chủng sinh các giáo phận và dòng tu đến từ khắp châu Âu và các nước đang phát triển. Đan viện không chỉ hoạt động trong lãnh vực giảng dạy nhưng còn trong các sinh hoạt giáo xứ. Họ phục vụ trong khoảng chục giáo xứ.

Trong những đêm canh thức thường kỳ ở đan viện, có hàng trăm bạn trẻ tham dự các buổi cầu nguyện và thuyết trình, xưng tội và chầu Thánh Thể. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, một ít thường xuyên đến đan viện, số khác mới đến lần đầu do bị thu hút bởi những lời truyền miệng hay các ý kiến trên Facebook.

Đâu là nguồn gốc của sự thành công này? Cha Karl Wallner, viện trưởng của đại học, nói về sự phát triển của đan viện: “không phải nhờ các CD của chúng tôi. Chúng tôi làm các CD vì chúng tôi đã là một cộng đoàn trẻ trung và mạnh mẽ, được khuyến khích bởi Đức nguyên giáo hoàng Benedict XVI.” Cha nói thêm: “chúng tôi làm công việc của Thiên Chúa trong những cách thức bình thường mọi người có thể làm, không bị lôi kéo bởi một xu hướng tạm thời nào.” Cha cũng thuật lại lời của nguyên viện phụ Gerhard Hradil, bây giờ 87 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của cộng đoàn: giữ luật thánh Biển đức và 10 giới răn là đủ cho mỗi người. Vì vậy, cha kết luận: “chúng tôi cũng rất bình thường, chứ không phải những người theo “chủ nghĩa truyền thống” hay bất cứ chủ nghĩa nào khác. Chúng tôi chỉ là Công giáo, sống cho Thiên Chúa, mặc dù tu phục của chúng tôi thì trông buồn cười.”

Viện phụ Karl Braunsdorfer, qua đời năm 1978, án phong thánh đã được Đức Hồng Y Schönborn của Viên khai mở, là một nghị phụ tham dự Công đồng Vatican II. Sau khi từ Công đồng trở về, ngài đã bắt đầu cuộc cải cách đan viện, gieo những hạt mầm cho mùa gặt bội thu trong tương lai. Ngài khôi phục tinh thần đan tu, cải cách phục vụ theo đường hướng của Công đồng Vatican II: một ấn bản kinh phụng vụ mới tiếng Latin được làm riêng cho đan viện Thánh giá, và nhạc bình ca Gregorian có một vị trí nổi bật trong phụng vụ của đan viện; tu phục được giữ lại. Các du khách bị ngạc nhiên bởi nghi thức phụng vụ trang trọng, là tâm điểm cuộc sống của đan viện Thánh giá. Cộng đoàn cũng gây ấn tượng mạnh về sự phức tạp của một tập thể sinh động. Mọi người giữ quy luật nghiêm nhặt, bận rộn nhưng vẫn chiêm niệm. Khi cầu nguyện ở đó thời gian dường như dừng lai, nhưng các đan sĩ trong cuộc sống hàng ngày của họ là những người công nghiệp và hiên đại. Annabel Cole, một cây viết từ London, đã viếng thăm đan viện lần đầu vào cuối những năm 1990 đã nhận định như thế.

Cha Johannes Paul Chavanne, một trong các đan sí nói: “cầu nguyện rất là quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi, có thể nói, là những chuyên gia cầu nguyện. Chúng tôi cũng là những người của thế kỷ 21, chúng tôi dùng computer, điện thoại di động. Chúng tôi tham gia vào tất cả những gì xảy ra trên thé giới. Trên tất cả, chúng tôi phải biết cầu nguyện cho cái gì.”

Đan viện đón nhận nhiều hình thức ơn gọi khác nhau, từ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở Trung Âu đến tôn kính các Thánh giá thật. Nghiên cứu học thuật ở mọi cấp bậc là một truyền thống của đan viện, cũng giống như việc đóng sách và mỹ nghệ. Đan viện mới đón nhận nhà điêu khắc hàng đầu từ cựu Đông Đức; những kính màu và bằng đồng của ông trang điểm khu đại học mới. Hai đan sĩ Hoa kỳ lập các blogs tiếng Anh: sancrucensis.wordpress.com và cistercium.blogspot.co.uk. Cộng đoàn cũng có một kênh Youtube nổi tiếng, đó là “The Monastic Channel”, có nhiều clip video ngắn bằng tiếng Anh. Cũng có phim tài liệu về dự án bình ca “Top Ten Monks” do hệ thống truyền hình Hoa kỳ HBO thực hiện..

Ở đan viện Thánh giá cũng có những phòng đơn sơ trong khu nhà khách cho những ai muốn tìm sự thinh lặng và gặp gỡ Thiên Chúa, trong khi những người nam có ý định nghiêm túc về đời sống đan tu có thể sống kinh nghiệm đan tu vài ngày tại đây.

Cha Wallner nói: “mọi người nên thấy rằng Giáo hội không đang chết, nhưng đức tin Ki-tô đang sống, Chúng tôi là một điểm nóng cho tâm linh. Đối với nhiều người bên ngoài chúng tôi thật sự là dấu hiệu của hy vọng. Tôi nghĩ chúng tôi phải chấp nhận rằng trong những sa mạc của nền văn minh của chúng ta, đan viện Thánh giá giống như một ốc đảo của sức mạnh.”

Hiện nay, đan viện Thánh giá là đan viện Xi-tô lớn nhất ở châu Âu. (The Catholic Herald (UK) 28-3-2016)

Hồng Thủy OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/03/29/%C4%91an_vi%E1%BB%87n_xi-t%C3%B4_l%E1%BB%9Bn_nh%E1%BA%A5t_%E1%BB%9F_ch%C3%A2u_%C3%A2u/1218908

Đối thoại với người bạn vong niên


Tôi có một người bạn vong niên, sinh năm 1930, lớn hơn tôi 32 tuổi. Ông là hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ- Phó sứ trong phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Năm 1946 khi thực dân Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam, ông đi theo kháng chiến và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trên chiến khu ông là cán bộ nghiên cứu của Ban Tuyên huấn tỉnh ủy Khánh Hòa, phụ trách tờ báo Khánh Hòa ( Nguyễn Sung- nhà thơ Giang Nam- phụ trách bên văn nghệ) . Sau năm 1954 ông được cài lại ở miền Nam để hoạt động và bị bại lộ, từ đó đến nay ông thôi không sinh hoạt đảng nữa. Năm 2000, tôi tham gia sinh hoạt ở Văn miếu Diên Khánh và gặp ông. Từ đó tôi và ông trở thành đôi bạn vong niên. Tôi và ông thường đối thoại nhiều vấn đề liên quan đến đạo đời một cách thẳng thắn

Ai không được rửa tội thì không được vào thiên đường.

Khi đề cập đến đạo Công Giáo, ông bạn vong niên của tôi không đồng í với quan điểm của giáo lí Công Giáo: Ai không chịu phép rửa thì không được vào Nước Trời (Thiên đường). Ông nói : Chẳng lẽ những người không được rửa tội mà sống ngay lành cũng xuống hỏa ngục hay sao? Tôi bèn kể cho ông câu chuyện mà tôi đã gặp: Trong thời gian học đại học ở Huế, ở phòng trọ kế bên có mấy anh quê Phù Mỹ, Bình Định cùng ở trọ, trong đó có một anh theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm, anh ta thường khuyên mấy anh bạn cùng phòng trọ gia nhập đạo Cơ Đốc Phục Lâm để lãnh phép Báp têm (Rửa tội) để sau khi chết được vào thiên đường. Mấy anh bạn mới hỏi vặn lại: Chúng tôi chịu phép Báp têm và sau khi chết được lên thiên đường , còn ông bà tổ tiên, cha mẹ anh em của chúng tôi thì sao? Anh bạn theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm trả lời: tất cả đều xuống hỏa ngục bởi vì chưa chịu phép Báp têm. Mấy anh kia mới nói: Vậy thì chúng tôi lên thiên đường làm gì cho buồn, ở hỏa ngục có người thân không vui hơn hay sao!

Sau khi kể xong câu chuyện, tôi mới nói với ông bạn vong niên: Thiên Chúa là đấng phán xét chí công và giàu lòng nhân ái, Thiên Chúa có muôn vàn cách để đưa những người sống ngay lành mà chưa lãnh bí tích rửa tội vào nước thiên đường. Trong Kinh Nguyện Thánh thể IV có câu: “ Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã chết trong bình an của Đức Ki tô, và tất cả mọi người quá cố, mà chỉ có một mình Chúa biết lòng tin của họ”.

Tôi đã nhấn mạnh câu: “ chỉ có một mình Chúa biết lòng tin của họ”. Ông bạn vong niên khi ấy mới nói: Như vậy mới đúng là Thiên Chúa.

Đạo Công Giáo là nguyên nhân để Việt Nam bị thực dân Pháp xâm chiếm.

Từng là đảng viên Đảng Cộng sản và là người có trình độ nên ông hiểu rõ học thuyết Mác- Lê nin. Trước khi quen biết với tôi , ông bạn vong niên không mấy thiện cảm với đạo Công Giáo, ông cho rằng: Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ là do đạo Công Giáo, nếu không có đạo Công Giáo truyền sang Việt Nam thì thực dân Pháp đâu có xâm chiếm Việt Nam.

Tôi mới đặt vấn đề với ông: Theo chủ nghĩa duy vật lịch sử thì Việt Nam mất nước vào tay thực dân Pháp là tất yếu hay không tất yếu? Ông trả lời: tất yếu, bởi vì phương thức sản xuất sau tiến bộ sẽ thắng phương thức sản xuất lạc hậu cũ kỹ. Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam thì khi ấy, nền khoa học kỹ thuật của Pháp đã vượt quá xa Việt Nam. Tôi nhắc lại cho ông bài thơ : “Thuyền đề Gia Định” của cụ Phạm Phú Thứ ghi trong Tây trình nhật kí khi cụ và phái đoàn Phan Thanh Giản từ kinh đô Huế vào Sài Gòn để rồi sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “ Tích văn Thuận Hải quá Cần Hải/ Lãng bạc phong phàm lệ giáp thần/ Quái để!Nghịch phong thiên lí ngoại/ Hỏa thuyền tam nhật đáo Ngưu tân” (Xưa nghe cửa Thuận- Cần Giờ/ Thuyền buồm lướt sóng mười hai ngày trời/ Lạ! Nay gió ngược dặm khơi/ Ba ngày thuyền đã tới nơi Bến Thành – Quang Uyển dịch).

Tôi cũng đọc thêm cho ông bạn nghe đọan thơ của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn khi tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp từ kinh đô Huế vào Sài Gòn vào tháng tư năm Nhâm Tuất (1862) để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “ Ngày hai mươi bốn tháng tư/ Tàu Tây ra cửa đón ngừa tàu Ta/ hai bên mừng rỡ lại qua/ Cột dây dắt thẳng chạy ba đêm ngày/ Đến cửa Cần Giờ vào ngay/ Tàu đi như bắn khói bay nửa lừng/ Đến thành Gia Định tàu ngừng/ Quan Tây bắn súng chào mừng vang tai”.

Cả linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn và quan đại thần Phạm Phú Thứ đều khiếp phục trước sức mạnh của hỏa thuyền (thuyền chạy bằng máy hơi nước) của Pháp. Lâu nay hành trình từ cửa biển Thuận An vào đến Gia Định của tàu buồm Việt Nam phải mất 12 ngày đêm (giáp thần= 12 ngày đêm) ,nhưng nay với hỏa thuyền của Pháp chỉ mất có ba ngày đêm mà thôi.

Trong Lời Tựa tác phẩm Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim đã viết: “…Những đình thần (quan lại thời vua Tự Đức- TG) thì nhiều người trí lự hẹp hòi, cứ nghiễm nhiên tự phụ, không chịu theo thời mà thay đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa. Một phần vì những chính sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc bảo hộ (xâm lược- TG) ngày nay”. 

Ngoài lòng yêu nước chúng ta còn cần phải có nền kinh tế, quốc phòng hùng mạnh mới mong bảo vệ Tổ quốc khỏi họa ngoại xâm, chớ không thể lí luận: “bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”.

Yêu người dưới nhãn quan Công Giáo

Ông bạn vong niên của tôi tuy không quy y nhưng lại nghiên cứu kinh điển Phật giáo và hay giúp đỡ cho các nhà sư chùa Diên Thọ (dân trong vùng quen gọi là chùa Phật Học Diên Khánh). Để giới thiệu với ông về hành trình trở lại đạo Công Giáo của một con người sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo và có nhiều thành kiến chẳng mấy tốt đẹp về đạo Công Giáo, tôi đã cho ông mượn cuốn “Hồi kí Giáo sư Nguyễn Khắc Dương” (Giáo sư Nguyễn Khắc Dương là con của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, là em Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện). Sau khi đọc xong, ông ghi ở trang cuối cuốn Hồi kí: “ Phân tích ở trang 39- 40 là tuyệt vời”.

Trong Hồi kí ở trang 39 và 40 Giáo sư Nguyễn Khắc Dương đã phân tích sự khác nhau về yêu người giữa Công Giáo và Phật giáo: “Tôi xin lấy một ví dụ cho rõ: tôi được hân hạnh quen biết một vị sư mà tôi hết sức kính mến, đó là Thượng tọa Thích Mật Thể. Đứng về phương diện đạo đức luân lí, ngài là một bậc chân tu, đạo hạnh rất cao, có lẽ ít linh mục tu sĩ Công Giáo nào sánh kịp. Thế nhưng mỗi lần tiếp xúc với ngài, tôi tuy biết rằng ngài có thể liều cứu tôi, nhưng động thái (comportement) của ngài có cái gì lạnh nhạt. Tôi có cảm tưởng dù thương tôi hết sức, nhưng ngài thương tôi trong cái đại từ bi vô ngã đối với một chúng sinh vô ngã như bất cứ chúng sinh nào! Và tôi xin vô lễ (vì tôi rất kính mến ngài) mà cả gan suy diễn rằng có lẽ ngài xót thương cho cái chấp ngã hiện hữu của tôi, thay vì vui mừng vì hiện hữu của tôi như một “ngã vị”. Và xin thú thật rằng: tôi rất tôn kính Đức Thích Ca, nhưng mỗi lần chiêm ngưỡng tượng Ngài điềm nhiên trên tòa sen, tôi vẫn có cảm tưởng như vậy. Tôi được chiếu rọi bởi ánh từ bi của Ngài, nhưng không có cảm tưởng được sưởi ấm cõi lòng bởi lửa yêu mến của Ngài”

Đối với Công Giáo, Giáo sư Nguyễn Khắc Dương nhận xét: “Trái lại , một linh mục, một tu sĩ, một giáo dân Công Giáo, dầu về mặt đạo hạnh theo nghĩa luân lí đạo đức, so với Thượng tọa Mật Thể dù còn thua xa, nhưng trong động thái thì có cái gì ấm áp hơn, có lẽ bắt nguồn từ Ngọn Lửa Yêu Mến mà Chúa Giê su đã tỏ ra qua Thánh Tâm Ngài đã bị lưỡi đòng đâm thủng. Mà cũng có lẽ vì vậy mà – theo một số bạn bè của tôi nhận xét thì – hình như phái nữ Công Giáo “đa tình” hơn. Có phải chăng là do từ tấm bé, chữ “Yêu” đã được nhập tâm và in sâu hình ảnh hai trái tim bị đau đớn vì YÊU: Trái tim Chúa Giê su và Trái tim Đức Mẹ Maria?”

Có đối thoại chân thành với nhau thì mới mong xóa đi những định kiến không tốt trong cuộc sống.

Nguyễn Văn Nghệ
Tổ dân phố Phú Lộc Tây I, Thị trấn Diên Khánh- Khánh Hòa
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/181216.htm

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Đọc Đoạn - Xô Tượng - Dâng Hạt - Tháo Đanh Và Táng Xác Chúa Giêsu tại Giáo phận Hải Phòng




Xuất bản 12 thg 3, 2016
Ngày gặp mặt và giao lưu Nghi thức Ngắm nguyện Mùa Chay Giáo tỉnh Hà Nội lần II được tổ chức tại nhà thờ Chính Tòa Hải Phòng, giáo phận Hải Phòng, vào thứ Tư ngày 09/03/2016
Tất cả sẽ có trên trang Fb của Giáo Xứ Nhân Nghĩa Tại Địa Chỉ: https://www.facebook.com/Giaoxu.Nhann...
====================Nhân Nghĩa - Nam Đồng - TP.Hải Dương=================

Mẫu cử hành giờ Lòng Thương Xót, thứ Sáu 1.4.2016

WGPSG -- Để chuẩn bị cho Chúa nhật mừng kính Lòng Chúa Thương Xót trong Năm thánh này, Tổng Giáo phận Sài Gòn chúng ta cùng nhau cử hành giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót vào tối thứ Sáu 1/4/2016 để chiêm ngắm và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nay xin kính gửi đến quý Cha và các giáo xứ mẫu giờ cầu nguyện này. (xin tải về tập tin đính kèm bên dưới)
File gửi kèm: 

Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh

Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô 
cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh:
“Hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta 
cho Chúa Giêsu bước vào”

WHĐ (28.03.2016) – Tối thứ Bảy Tuần Thánh 26-03-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 20g30.

Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ban các bí tích khai tâm Kitô giáo: Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể cho mười hai dự tòng gồm 8 nữ và 4 nam thuộc sáu quốc gia: Cameroon, Italia, Albania, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc; trong số này, có ông bà đại sứ Hàn Quốc tại Italia, ông Yong-Joon Lee và bà Hee Kim. Đỡ đầu cho họ là ông bà đại sứ Hàn Quốc cạnh Toà Thánh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu: “Cũng như Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể có được sự sống khi cứ mãi buồn phiền, thất vọng, và trở thành tù nhân của chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta ra cho Chúa … để cho Chúa Giêsu bước vào và ban cho chúng ta sự sống; hãy dâng cho Người những viên đá hận thù và quá khứ của chúng ta, những tảng đá nặng nề của những yếu đuối và vấp ngã. Người muốn đến và đưa tay cho chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi mối lo lắng”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “niềm xác tín luôn được Chúa Kitô yêu thương và tha thứ. Chúa Kitô, Đấng đã vì chúng ta mà chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, chiến thắng nỗi sợ hãi”. Đức Thánh Cha tuyên bố: “Hôm nay là ngày lễ của niềm hy vọng của chúng ta, chúng ta cử hành niềm xác tín này: không có ai và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài (x. Rm 8, 39)”.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

***


“Phêrô chạy ra mộ” (Lc 24, 12). Những ý nghĩ nào có thể khuấy động tâm trí của Phêrô khi ông chạy ra mộ? Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Nhóm Mười Một, gồm cả Phêrô, đã không tin lời chứng của các phụ nữ khi họ báo tin Chúa sống lại. Hơn nữa, “các ông còn cho là chuyện vớ vẩn” (c. 11). Vì vậy, ông Phêrô nghi ngờ, và có nhiều ý nghĩ tiêu cực: ông buồn vì người Thầy yêu quý đã chết, ông thất vọng vì đã phản bội Thầy ba lần trong cuộc Thương khó.

Nhưng có một chi tiết đánh dấu một bước ngoặt: Phêrô, sau khi nghe các bà nói và không tin lời các bà, nhưng đã “đứng dậy” (câu 12). Ông không ngồi đó suy nghĩ, ông không giam mình trong nhà như những người khác. Ông không để cho những nghi ngờ hay bầu không khí ảm đạm của những ngày đó tác động, ông cũng không để cho mình bị xâm chiếm bởi nỗi hối hận, sợ hãi hoặc những câu chuyện tán gẫu vốn chẳng dẫn đến đâu. Ông tìm Chúa Giêsu, chứ không tìm mình. Ông đã chọn con đường gặp gỡ, con đường tin tưởng và thế là ông đứng dậy và chạy ra mộ, rồi từ ngôi mộ trở về, “đầy ngạc nhiên” (c. 12). Đó là khởi đầu của “sự sống lại của Phêrô”, sự sống lại của con tim ông. Không chịu khuất phục trước buồn đau và bóng tối, ông đã để cho hy vọng lên tiếng: ông đã để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi vào trong cõi lòng mình, chứ không dập tắt ánh sáng ấy.

Những người phụ nữ cũng vậy, họ ra đi từ sáng sớm để làm một công việc của lòng thương xót, mang theo dầu thơm ra mộ, họ cũng sống cùng một kinh nghiệm ấy. Họ đã “sợ hãi, cúi gằm mặt xuống đất”, nhưng họ bối rối khi nghe thiên thần nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (c. 5).

Chúng ta cũng vậy, cũng như Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể có được sự sống khi cứ mãi buồn phiền, thất vọng, và trở thành tù nhân của chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta ra cho Chúa – mỗi người chúng ta đều biết những nấm mộ ấy là gì–, để cho Chúa Giêsu bước vào và ban cho chúng ta sự sống; hãy dâng cho Người những viên đá hận thù và quá khứ của chúng ta, những tảng đá nặng nề của những yếu đuối và vấp ngã. Người muốn đến và đưa tay cho chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi mối lo lắng. Nhưng tảng đá đầu tiên phải lăn ra trong đêm nay là sự thiếu niềm hy vọng vốn nhốt kín chúng ta vào chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy khủng khiếp của những Kitô hữu không có niềm hy vọng, sống như thể Chúa đã không sống lại, như thể các vấn đề của chúng ta là trung tâm của đời sống.

Chúng ta đang gặp và sẽ còn gặp những vấn đề xung quanh chúng ta và ở trong chúng ta. Sẽ luôn có những vấn đề. Nhưng đêm nay, chúng ta phải soi sáng những vấn đề ấy bằng ánh sáng của Đấng Phục Sinh, theo một nghĩa nào đó, chúng ta “Phúc âm hóa” những vấn đề ấy. Chúng ta không được để cho bóng tối và sợ hãi chi phối và điều khiển chúng ta; nhưng hãy nghe lời thiên thần nói: Chúa “không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” (c. 6), đó là niềm vui lớn lao của chúng ta, luôn ở với chúng ta và không bao giờ làm chúng ta thất vọng.

Đó là nền tảng của niềm hy vọng, vốn không chỉ đơn thuần là sự lạc quan, cũng không phải là một thái độ tâm lý hoặc một mong muốn sống can đảm. Niềm hy vọng Kitô giáo là một ơn ban của Chúa, nếu chúng ta ra khỏi chính mình và mở lòng mình ra cho Ngài. Niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng bởi vì chính Chúa Thánh Thần đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta (Rm 5,5). Đấng An Ủi không làm cho mọi sự thành đẹp đẽ, cũng không loại bỏ điều ác bằng cách vung cây đũa thần, nhưng Ngài rót vào lòng chúng ta sức mạnh thực sự của sự sống, không phải là không còn vấn đề nhưng là niềm xác tín luôn được Chúa Kitô yêu thương và tha thứ. Chúa Kitô, Đấng đã vì chúng ta mà chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, chiến thắng nỗi sợ hãi. Hôm nay là ngày lễ của niềm hy vọng của chúng ta, chúng ta cử hành niềm xác tín này: không có ai và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài (x. Rm 8, 39).

Chúa là Đấng hằng sống và Người muốn chúng ta tìm kiếm Người nơi những kẻ đang sống. Sau khi gặp Chúa, mỗi người sẽ được Chúa sai đi loan báo sứ điệp Phục sinh, khơi lên và phục hồi niềm hy vọng nơi những trái tim trĩu nặng u buồn, nơi những ai đang nhọc nhằn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Ngày nay điều đó thật cần thiết. Nhưng chúng ta không loan báo chính mình. Mà, như những người tôi tớ hân hoan vì hy vọng, chúng ta phải loan báo Đấng Phục Sinh bằng cuộc sống và tình yêu của chúng ta; nếu không chúng ta sẽ chỉ là một tổ chức quốc tế có đông đảo thành viên và kỷ luật tốt, nhưng chẳng thể đem lại hy vọng cho một thế giới đang khao khát.

Làm sao nuôi dưỡng được niềm hy vọng của chúng ta? Phụng vụ đêm nay cho chúng ta một chỉ dẫn. Phụng vụ dạy chúng ta hãy nhớ lại những công trình của Chúa. Thật vậy, các bài đọc đã thuật lại cho chúng ta lòng trung tín của Ngài, lịch sử tình yêu của Ngài dành cho cho chúng ta. Lời sống động của Thiên Chúa có thể đưa chúng ta vào câu chuyện tình yêu này, khi nuôi dưỡng niềm hy vọng và làm bừng lên niềm vui. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cũng nhắc nhở chúng ta điều ấy: các thiên thần đã nhen lên niềm hy vọng cho những người phụ nữ, khi bảo họ: “Hãy nhớ lại những gì Người đã nói với các bà” (câu 6). Nhớ lại lời của Chúa Giêsu, nhớ lại tất cả những gì Người đã làm trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đừng quên lời Người đã nói và việc Người đã làm, nếu không chúng ta sẽ đánh mất hy vọng và trở nên những Kitô hữu sống không có hy vọng; trái lại, chúng ta hãy nhớ đến Chúa, nhớ lại lòng nhân hậu của Ngài và lời sự sống của Ngài đã chạm vào chúng ta; hãy nhớ lại những điều ấy và biến chúng thành của chúng ta, để trở nên những người lính canh rạng đông biết khám phá những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã sống lại! Chúng ta hãy mở lòng ra để đón nhận ơn ban hy vọng của Người. Chúng ta hãy mở ra cho niềm hy vọng và hãy lên đường. Ước gì việc nhớ lại những gì Người đã làm và đã nói trở nên ánh sáng rực rỡ hướng dẫn chúng ta bước đi trong tin tưởng, đến tham dự lễ Vượt Qua vĩnh cửu.

Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/thu-bay-tuan-thanh-duc-thanh-cha-phanxico-cu-hanh-thanh-le-vong-phuc-sinh/7797.57.7.aspx

Sứ điệp Phục sinh của Đức Hồng Y Tổng giáo phận thủ đô Seoul


Cầu xin lễ Phục sinh mang lại ơn phúc, ánh sáng và hòa bình cho bán đảo Triêu tiên.

Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chánh, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Seoul đã cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều tiên. Đức cha viết trong sứ điệp Phục sinh gửi đến hãng tin Công giáo Fides: “Cầu xin ánh sáng của Chuá Phục sinh chiếu dọi trên tất cả anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh chị em chúng ta ở Bắc hàn, cầu xin cho họ được tràn đầy ân phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều tiên và trên thế giới. Xin Chúa ban sự khôn ngoan để những vấn đề hạt nhân ở Bắc hàn được giải quyết. Xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong đường lối bình an”. Cũng nên nhắc lai, tình hình trên bán đảo Triều tiên rất căng thẳng trong thời gian gần đây với những cuộc phóng thử tên lửa và hạt nhân của chính quyền Bắc hàn, và các cuộc tập trận chung giữa quân đội Hoa kỳ và Nam hàn.

Chủ đề của sứ điệp của Đức Hồng Y được lấy từ Tin mừng theo Thánh Gioan: “Nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng chiếu soi cho nhân loại” (Ga 1,4). Đức Hồng Y viết: “ Chúa Giê-su trở nên ánh sáng thế gian soi chiếu tội lỗi và bóng tối của chúng ta.”

Sứ điệp của Đức Hồng Y nhấn mạnh: “lời loan báo của Hội Thánh là Chúa Ki-tô là ánh sáng thế gian, ánh sáng mà không bóng tối nào có thể thắng vượt. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ và trao cho họ sứ điệp bình an”, “Người mở trái tim đóng kín của họ, ban cho họ lòng can đảm và chỉ cho họ con đường sự sống.

Đức Hồng Y nhận định: “xã hôi chúng ta ngày nay tràn đầy bóng tối. Con người sống trong sợ hãi, dưới sự đe dọa của chiến tranh, khủng bố và những vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Thời đại chúng ta đang sống vô cùng cần đến hòa bình. Chúng ta, những người tín hữu, đã nhận ánh sáng Phục sinh, chúng ta được mời gọi mang sánh sáng của tình yêu và hi vọng cho thế giới”.

Đức Hồng Y cũng đề cập đến các cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp của Hàn quốc, sẽ xảy ra trước kỳ han. Ngài nhắc rằng “quyền lực là phục vụ và các lá phiếu để chọn những người dấn thân cho tương lai và lợi ích của đất nước”. Ngài cầu nguyện để cho mọi công dân Hàn quốc thực hành quyền lợi thánh thiêng của mình, với sự cần thiết của ánh sáng của Chúa Ki-tô.”

Cuối cùng, sứ điệp của Đức Hồng Y nói về lòng thương xót, nhắc lại ý tưởng then chốt của năm Thánh: “Hãy thương xót như cha các con trên trời là Đấng thương xót”. Ngài định nghĩa thương xót như là kết qủa của một cuộc sống được soi sáng và thấm đẫm bởi ân sủng Phục sinh. (RG)

Hồng Thủy OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/03/25/s%E1%BB%A9_%C4%91i%E1%BB%87p_ph%E1%BB%A5c_sinh_c%E1%BB%A7a_%C4%91%E1%BB%A9c_h%E1%BB%93ng_y_t%E1%BB%95ng_gi%C3%A1o_ph%E1%BA%ADn_th%E1%BB%A7_%C4%91%C3%B4_seoul_/1218086

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc


VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 26-3-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 12 dự tòng gồm 6 người Albani, 2 người Hàn quốc, 1 người Hoa, phần còn lại là người Camerun và Ấn độ.

Trong số các tân tòng có Đại sứ Hàn quốc cạnh chính phủ Italia, Ông Stefano Yong-Joon Lee (Lý Vĩnh Tuấn) 60 tuổi, và Phu nhân Stella Hee Kim (Kim Hỉ) 54 tuổi. Ông bà Đại Sứ Hàn quốc cạnh Tòa Thánh, Francesco Kim Kyung-Surk, làm cha mẹ đỡ đầu cho hai đồng hương của mình.

Người trẻ nhất trong các tân tòng là cô Mary Stella Trương Lý (Li Zhang) người Hoa, 22 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 30 GM và 300 linh mục, trong đó có một số là người Việt, trước sự tham dự của khoảng 9 ngàn tín hữu.

Như thường lễ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC mời gọi các tín hữu sống niềm hy vọng đi từ biến cố Chúa Phục Sinh. Ngài phân tích hai thái độ của thánh Phêrô và các phụ nữ chạy tới mộ Chúa, đặc biệt là lời các thiên thần nói: ”Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những người chết” (Xc v.5).

ĐTC nói: ”Cả chúng ta, như thánh Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể tìm được sự sống nếu cứ buồn sầu và không hy vọng, tự giam mình làm tù nhân nơi chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở rộng những ngôi mộ đóng kín của chúng ta, để Chúa Giêsu đi vào và ban sự sống; chúng ta hãy mang đến cho Chúa những tảng đá cay đắng và những khối đá của quá khứ, những gánh nặng của yếu đuối và sa ngã. Chúa muốn đến và cầm tay chúng ta, để kéo chúng ta ra khỏi lo âu. Tảng đá đầu tiên phải lăn đi khỏi trong đêm nay, đó là sự thiếu hy vọng khép kín chúng ta nơi chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy kinh khủng này, khỏi tình trạng là những Kitô hữu không hy vọng, sống như thể Chúa không sống lại, và thái độ coi những vấn đề của chúng ta là trung tâm cuộc sống”.

ĐTC cũng nhắn nhủ rằng: ”Hôm nay là ngày lễ hy vọng của chúng ta, là ngày cử hành xác tín này: không bao giờ một điều gì và không ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô” (Xc Rm 8.39) (SD 26-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP 
https://www.youtube.com/watch?v=VsA-71PUKMA

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/03/28/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_r%E1%BB%ADa_t%E1%BB%99i_12_d%E1%BB%B1_t%C3%B2ng,__c%C3%B3_%C3%B4ng_b%C3%A0_%C4%91%E1%BA%A1i_s%E1%BB%A9_h%C3%A0n_qu%E1%BB%91c/1218558

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Mẹ Angelica qua đời hôm Chúa nhật Phục Sinh tại đan viện ở Hancevill, Alabama



Irondale, AL. Mẹ Mary Angelica, nữ tu dòng chiêm niệm thánh Clara, người nổi tiếng thế giới như vị sáng lập mạng lưới Công giáo toàn cầu của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu đã từ trần vào lúc 5 giờ chiều giờ địa phương ngày Chúa nhật Phục sinh 27 tháng 3 vừa qua, hưởng thọ 92 tuổi.

Michael P. Warsaw, chủ tịch và giám đốc điều hành của đài truyền hình Lời vĩnh cửu nói: “Hôm nay là một ngày đầy đau buồn đối với toàn gia đình của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu. Đối diện với thử thách của bệnh tật và đau đớn kéo dài, tấm gương vui tươi và cầu nguyện liên lỉ của mẹ chứng tỏ tinh thần Phanxicô mà mẹ gắn bó chặt chẽ. Chúng tôi cám ơn Chúa về Mẹ Angelica và về đời sống phi thường của mẹ”.

Mẹ Angelica sinh năm 1923 tại Canton, Ohio, với tên gọi là Rita Antoinette Rizzo. Ngày 15 tháng 8 năm 1944, ở tuổi 21, mẹ gia nhập dòng các nữ tu chiêm niệm thánh Clara ở Cleveland. Một năm sau mẹ nhận tên tu sĩ là Mary Angelica Truyền tin. Không lâu sau đó, khi đan viện ở Cleveland thành lập một đan viện mới ở Canton, mẹ đã được chọn đến tu viện mới này. Mẹ khấn lần đầu ngày 2 tháng 1 năm 1947, và khấn trọng vào năm 1953. Năm 1956, trước cuộc phẫu thuật xương sống nguy hiểm, mẹ đã khấn hứa với Chúa, nếu mẹ có thể đi lại được, mẹ sẽ lập một đan viện ở miền Nam. Vào ngày 20 tháng 5 năm 1962, Đức Tổng giám mục Thomas J. Toolen của Mobile đã dâng hiến đan viện Đức Bà các Thiên Thần tại Irondale, Alabama.

Tại Irondale này, những ý tưởng của mẹ đã hình thành và những cách thức đặc biệt giáo dục đức tin Công giáo đã dẫn đến việc thực hiện các cuộc nói chuyện trong các giáo xứ, xuất bản các tờ rơi và sách, rồi các cơ hội trên đài phát thanh và truyền hình. Vào khoảng năm 1980, các nữ tu đã biến gara xe của nình thành phòng thu của đài truyền hình. Dù chỉ có vốn kiến thức của học sinh trung học, không có kinh nghiệm gì về lãnh vực truyền hình, và với số vốn chỉ có 200 đô la trong nhà băng, vào ngày 15 tháng 8 năm 1981, Mẹ đã bắt đầu hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và làm chủ tịch và giám đốc điều hành. Dù vài lần gần bị khánh kiệt tài sản nhưng mẹ đã từ chối kiếm tiền bằng các quảng cáo, chỉ dựa vào sự đóng góp của các khán giả. Sau 34 năm, hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu là hệ thống truyền thông rộng lớn nhất thế giới với 11 kênh truyền hình riêng biệt bằng nhiều thứ tiếng, phát đến với hơn 264 triệu gia đình ở 145 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chương trình “Mother Angelica Live”, trong đó sự hài hước và khả năng thông truyền đức tin Công giáo cho cả người Công giáo và không Công giáo của mẹ được biết, bắt đầu năm 1983. Các chương kế tiếp của chương trình tiếp tục phát sóng đều đặn và được dịch sang các thứ tiếng, bao gồm tiếng Tây ban nha, Đức và Ucraina.

Bên cạnh việc thành lập hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và đan viện Đức bà các Thiên Thần, Mẹ cũng thành lập dòng các nhà truyền giáo Phanxicô của Lời vĩnh cửu, một cộng đoàn nam tu, đặt trụ sở tại Irondale. Năm 1995, mẹ được Thiên Chúa soi sáng thành lập một đan viện mới và một nhà thờ trên khu đất rộng 400 mẫu tây ở vùng nông thôn Hanceville, Alabama. Vào năm 1999, các nữ tu đã di chuyển từ Irondale đến chỗ mới ở Hanceville này. Đan viện Đức bà các Thiên Thần và đền thánh Thánh Thể được dâng hiến vào tháng 12 năm 1999. Đền thánh này trở thành một trong những nơi được các khách du lịch thăm viếng nhiều nhất ở tiểu bang Alabama. Trước khi mẹ thôi giữ chức vụ Chủ tịch và giám đốc ban điều hành, tạp chí Time đã miêu tả mẹ Angelica “được cho là người phụ nữ Công giáo ảnh hưởng nhất Hoa kỳ.”

Trong cuộc đời mình, mẹ đã chiến đấu với bệnh tật và các thử thách thể lý. Vào đêm Giáng sinh năm 2001, mẹ đã bị đột quỵ vì suy nhược và xuất huyết não, dẫn đến hậu quả là mẹ bị liệt một phần và không thể nói được. Những năm cuối mẹ sống âm thầm lặng lẽ bên các chị em nữ tu trong đan viện ở Hanceville.

Vào năm 2009, mẹ được Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI trao huân chương “Pro Ecclesia et Pontifice” – “cho Giáo hội và Đức Giáo hoàng”, nhìn nhận sự trung thành và việc phục vụ phi thường của mẹ cho Giáo hội Công giáo Roma. Huân chương này là một Thánh giá, là vinh dự cao nhất của Đức Giáo hoàng dàng cho giáo dân cũng như giáo sĩ. Vì tình trạng bệnh tật của mình nên mẹ đã nhận huân chương trong nơi ở cá nhân của mình. Nhưng trong một buổi lễ, Đức giám mục Robert J. Baker của Birmingham đã tuyên dương mẹ, ngài nói: “Những nỗ lực của mẹ Angelica đã đi tiên phong trong việc loan báo Tin mừng và có một ảnh hưởng to lớn trên thế giới chúng ta.” Đức Thánh Cha Phanxicô khi đang ở trên chuyến bay đến Cuba, cũng đã gửi lời chúc lành cho mẹ và xin mẹ cầu nguyện cho ngài.

Thánh lễ an táng của mẹ sẽ được cử hành vào thứ sáu ngày 1 tháng 4 tại đền thánh Thánh Thể ở Hanceville. Sau đó, thi hài mẹ sẽ được chôn cất tại nhà thờ hầm mộ của đền thờ. (EWTN 28/03/2016)

Hồng Thủy OP

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/03/28/m%E1%BA%B9_angelica_qua_%C4%91%E1%BB%9Di_h%C3%B4m_ch%C3%BAa_nh%E1%BA%ADt_ph%E1%BB%A5c_sinh_t%E1%BA%A1i_%C4%91an_vi%E1%BB%87n_%E1%BB%9F_hancevill,_alabama/1218674

Mẹ Angelica: Người Phụ Nữ Phi Thường


Mẹ Angelica: Người Phụ Nữ Phi Thường
Sáng lập viên đài truyền hình EWTN Lời Vĩnh Hằng

Ngày 20 tháng 4 năm 2013, Mẹ Angelica mừng sinh nhật thứ 90. Mẹ sinh ngày 20 tháng 4 năm 1923 tại Canton, bang Ohio, là con của bà Mae Gianfrancesco Rizzo and ông John Rizzo. Mẹ ra đời với tên gọi Rita Antoinette Rizzo. Mẹ sinh ra trong sự thất bại đắng cay, vì Mẹ là người con của một cuộc hôn nhân đổ vỡ và không hạnh phúc.

Cha mẹ của Mẹ không phải là người sùng đạo. Khi Mẹ lên 7 tuổi, mẹ của Mẹ bị chồng hành hạ và đã đệ đơn ly dị. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, mẹ của Mẹ bơ vơ và mất trí đã không thể nào đối chọi với tình huống đau buồn và bi thảm. Bà và người con gái nhỏ lâm vào cảnh nghèo khó tột độ. Còn gì đau đớn cho bằng một bé gái trong thời thơ ấu nhận ra rằng, mình là hoa trái của một cuộc hôn nhân lẽ ra không nên có. Sự hiện hữu của cô bé chẳng có công bằng chút nào, vì chúng ta biết một cách cách thâm sâu rằng sự ấp ủ hôn nhân phải là sự biểu lộ của tình yêu chứ không phải là một sự chia ly. Cuộc đời của Mẹ được Chúa ban cho ơn đánh bại sự thất bại. Giống như thánh Phanxicô Assisi, Mẹ tuyên bố rằng chính Thiên Chúa là cha của Mẹ. Sống trong nghèo khó, nên Mẹ vừa đi học, vừa phải làm tại tiệm giặt ủi quần áo với người mẹ.

Mặc dù học trường Công Giáo, nhưng Mẹ không được sự chăm sóc yêu thương mà Mẹ cần, vì nhiều các Soeur không hiểu những khó khăn của một đứa trẻ trong một cuộc ly dị. Cuộc sống của Mẹ đã bị lu mờ.

Một ngày kia, khi thoát khỏi một tai nạn tử thần trong đường tơ kẽ tóc cách nhiệm mầu, Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa yêu thương Mẹ, và ban cho mẹ một cuộc sống trên đời có lý do của nó. Vào năm 1934, bé Rita (tức Mẹ Angelica) 11 tuổi chạy ào lên xe bus đến trường, mà không thấy chiếc xe hơi đang chạy tới. Khi cô bé thấy thì quá trễ, cô chết đứng người. Thế nhưng “hai bàn tay” đã nhắc cô lên và đặt cô ở giữa hai chiếc xe. Người tài xế xe bus về sau này nói rằng, ông chưa bao giờ thấy một người có thể nhảy cao như thế.



Phép lạ thứ hai xảy ra vào năm 1942 khi còn là thiếu nữ, Mẹ mắc chứng sa bao tử nhiều năm khiến Mẹ bị rung tay, cánh tay trái bị tê, và bao tử bị co thắt làm cho rất khó ăn, ngủ. Thế nhưng sau khi viếng thăm nhà huyền bí Rhoda Wise (người nói được xem thấy Chúa Giêsu và thánh Têrêsa Hài Đồng nhiều lần), Mẹ đã cảm nghiệm một phép lạ chữa lành.

Sự chữa lành làm cho Mẹ cảm thấy được Chúa yêu thương Mẹ cách riêng, và Mẹ bắt đầu đáp trả lại bằng cách yêu mến Chúa. Mẹ quyết định trở thành một nữ tu, mặc dù Mẹ phải vượt qua sự chống đối của người mẹ, vì bà sống cậy dựa vào Mẹ.

Dòng thánh Clara khó nghèo ở bang Ohio đã nhận Mẹ, mặc dù Mẹ chẳng có gì để dâng hiến cho Chúa: học vấn thì không giỏi giang hay tiền bạc thì không có. Với cá tính ngạo mạn và sức khoẻ yếu kém do các bệnh tật làm cho mẹ không thể tiếp tục là một nữ tu. Thế nhưng, sự chữa lành bệnh đau đầu gối qua một đêm đã thuyết phục nhà dòng rằng, Mẹ có thể tiếp tục là một nữ tu. Mẹ Angelica đã khấn trọn đời vào ngày 2 tháng 1 năm 1953.

Mẹ được trao cho những trách nhiệm của người đầy tớ. Một lần kia trong khi đang lau chùi, dọn dẹp một phòng khách, chân của mẹ vướng vào sợi giây điện của máy hút bụi. Mẹ ngã bật ra phía sau, và kết quả chẩn bệnh sơ khởi thì thật ảm đạm: đó là có thể Mẹ sẽ bị tàn phế suốt đời. Thế nhưng Chúa có chương trình của Ngài, và mặc dù mẹ phải mang niềng sắt ở chân và chống nạng để đi lại, Mẹ đã đánh bại sự thất bại một lần nữa. Mẹ đã sống một đời sống bình thường của một nữ tu.

Điều này kéo dài một thời gian. Sau đó, Mẹ cảm thấy có ơn gọi đi lập dòng thánh Clara hèn mọn ở Deep South, tiểu bang Alabama, nơi mà tỉ lệ người Công giáo sống ở đây rất thấp. Mẹ phải thuyết phục bề trên, người đã nêu ra những khó khăn dễ hiểu. Một trong những khó khăn ấy là vấn đề tài chánh. Thế nhưng từ chối bị đánh bại, Mẹ Angelica – ngoài việc làm cho xuôi buồm thuận gió – đã có sáng kiến nhiều cách giản dị để kiếm đủ số tiền cần có cho dự án táo bạo này. Và lần nữa, Mẹ đã thắng! Trên thực tế, mẹ đã đạt được một sự chiến thắng đến phải ngạc nhiên, đó là người mẹ của Mẹ đã nhập dòng và tham gia tu hội nhỏ bé này.

Không có gì vào thời điểm này tỏ ra cho thấy rằng tại Irondale, ngoại ô thành phố Birmingham, sẽ trở nên chiếc nôi của một đài truyền hình Công Giáo lớn nhất thế giới EWTN. Nhận thấy tầm quan trọng tuyệt đối của truyền thông trong việc rao giảng Tin Mừng, Mẹ đã ấp ủ một dự định khác: là xây dựng một đài truyền hình. Khi nghe điều ấy, bất cứ một ai dù có mất trí cũng phải đặt câu hỏi về sự điên rồ của người nữ tu này. Các nữ tu trong dòng sống qua ngày bằng tay làm hàm nhai. Hộp tiền luôn trống rỗng thì làm sao có thể thực hiện giấc mơ ấy. Thế nhưng tại sao lại lo sợ khi một người yêu mến, tin tưởng vào Đấng Tạo Hóa, Đấng toàn năng và đầy yêu thương. Quả thật, không phải thánh Phaolô đã nói thế này sao: “Tôi có thể làm tất cả mọi sự trong Người, Đấng củng số sức mạnh tôi”. Một đàng thì đọc những lời này, đàng khác thì cần sống với lời ấy. Những lời này không phải là những lời hứa xuông chẳng có hiệu quả. Mẹ đã đặt Chúa vào thử thách: Những món nợ lớn không làm mẹ lo sợ. Tất cả những gì Mẹ và các nữ tu cần làm là gia tăng gấp đôi niềm tin tưởng của họ vào Thiên Chúa, làm những việc hy sinh và cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện…
  
Mọi bước đi, Mẹ đều gặp phải những chông gai, sự khổ tâm của Mẹ là những người giúp Mẹ là giới tu sĩ: Mẹ là ai mà can đảm giao phó dự án cho họ? Mẹ không có đủ trình độ học vấn cần thiết để làm. Mẹ đã đẩy tu viện của mẹ vào trong một kế hoạch điên rồ có khuynh hướng kết thúc trong thất bại ê chề.

Tất cả những luận cứ rất có lý lại bỏ qua một yếu tố tối quan trọng: Thiên Chúa thường giao phó những sứ vụ yêu dấu cho những người được coi là yếu kém, nhằm lôi kéo tất cả sự tin tưởng của họ vào Ngài. Quả thật, Mẹ Angelica thuộc phái yếu, nhưng sức mạnh về sau này chính là sự nhìn nhận sự yếu đuối của nó, và đặt tất cả sự tin tưởng vào Chúa, vì với Ngài “mọi sự đều có thể được”. Quả thật, Thiên Chúa tôn vinh kẻ yếu hèn, và đặt người nữ Maria là Nữ Vương Các Thiên Thần, Người mà theo thánh Bênađô, ma quỷ còn khiếp sợ hơn cả Thiên Chúa nữa. Vì bị đánh bại bởi phái yếu thì thật là nhục nhã. Về mặt siêu nhiên mà nói thì phái yếu (sự sống được trao phó cho họ) là một đặc ân của Thiên Chúa.

Mẹ Angelica còn thuật lại câu chuyện chữa lành khác của mình như sau. Sau buổi xuất hiện trên đài vào ngày 28 tháng giêng, Mẹ trở lại văn phòng thì thấy một người đàn bà đang cầu nguyện. Người đàn bà này đã đến thăm tu viện Mẹ Angelica thành lập tại Birmingham, bang Alabama và nói với mẹ Angelica rằng Đức Mẹ đã bảo bà ta đi như vậy.

Người đàn bà lạ mặt xin cùng lần chuỗi Mân Côi với mẹ Angelica. Vì bà ta không nói được tiếng Anh nên mẹ Angelica đề nghị lần chuỗi bằng tiếng La-tinh. Đến chục thứ tư thì người đàn bà đổi sang tiếng Ý.

Đang giữa chục thứ tư thì người đàn bà nói trông thấy Đức Mẹ và Chúa Giêsu, và xin cầu nguyện cho mẹ Angelica. Sau đó, mẹ Angelica thử đi tới cửa một cách thật khó khăn, nhưng khi đi trở lại thì mẹ cảm thấy nóng bừng ở mắt cá chân. Mẹ chợt nhận ra rằng mình vừa có thể đi được một chút. Vậy là mẹ đi tới đi lui thêm nữa.

Mẹ thuật lại: "Khi tôi đi tới đi lui thì tôi nhận ra chân và mắt cá của tôi bắt đầu ăn khớp lại, từ từ, nhè nhẹ, và tôi đứng thẳng lên được".

Người đàn bà tiếp tục cầu nguyện thêm nữa. Thế là mẹ Angelica đã được khỏi một cách lạ lùng. Mọi khi mẹ vẫn phải dùng cạp sắt ở lưng và chân mới đứng được. Bây giờ thì đã bỏ hết cạp sắt ra rồi.

Mẹ Angelica cũng nói rằng từ ngày đó mẹ không bị chứng xuyễn hành nữa, vì cả hai tháng trước, không một bữa cơm nào mà không bị cơn xuyễn hành.

Mẹ Angelica đã bị một tai nạn làm bị thương xương sống khiến lưng và chân bị liệt hẳn đi. Mặc dù giải phẫu thành công, nhưng mẹ vẫn phải mang cạp ở chân trái từ 40 năm nay. Mẹ đã phải đi nạng và cạp thêm ở chân phải và lưng khoảng 5 năm nay. Mẹ nói: "Tôi đã không xin được chữa khỏi, nhưng Chúa vẫn chữa. Ngài làm như vậy vì thương tôi. Tôi thật biết ơn Ngài. Tôi không biết đã được chữa khỏi như thế nào. Tôi đang là một người què, phải đi nạng. Mà bây giờ tôi có thể đi được. Thật lạ lùng."

Mẹ Angelica đã nói rằng mình được chữa khỏi do lần chuỗi Mân Côi:"Tràng chuỗi Mân Côi là một khí giới mãnh liệt mà người ta thường quên bẵng đi. Tràng chuỗi Mân Côi có sức mạnh chữa bệnh. Tràng chuỗi Mân Côi mang lại sức mạnh nội tâm, mạnh mẽ lắm.

Nền tảng của đài truyền hình EWTN với Mẹ Angelica là đường thánh giá. Mẹ không quảng cáo sự đau khổ của Mẹ. Diện mạo của Mẹ là một người vui tươi và tin tưởng. Thế nhưng Mẹ biết rằng máu, đã và đang là cái giá đòi hỏi bởi Thiên Chúa cho sự tử đạo.

Tiến trình của cuộc sống vẫn giống như thế: những thất bại, thất vọng, đau khổ, khó khăn luôn đến từ mọi phía. Kết quả sau cùng luôn là, một lần nữa đánh bại những thất bại. Cái sau cùng ấy là qua một cơn đột quỵ (stroke) đã cướp đi sức mạnh của lời nói mà Mẹ đã sử dụng nhiều năm qua, đến với hàng triệu và hàng triệu linh hồn đói khát tâm linh, đã cướp đi sự hiểu biết căn bản về đức tin của họ. Giờ đây, Chúa chọn đưa mẹ vào trong thinh lặng. Thế nhưng, với ơn Chúa, Mẹ lại một lần nữa đánh bại sự thất bại tàn nhẫn này: đó là vui vẻ đón nhận sự thinh lặng bắt buộc như một chiến thắng hầu bảo đảm cho sự sống còn của việc làm vĩ đại của Mẹ.

Đài truyền hình EWTN, một cơ quan truyền thông tôn giáo lớn nhất trên thế giới được thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1981. Chương trình được phát hình 24 tiếng cho khoảng 148 triệu gia đình đón xem trên 144 quốc gia qua khoảng 4800 hệ thống cable giây cáp và đường viễn thông satellite. Câu chuyện về Mẹ Angelica, người phụ nữ phi thường và là sáng lập viên đài EWTN là một chứng từ sống động về lòng thương xót của Chúa. Là một phụ nữ yếu đuối bệnh tật, Mẹ đã khao khát dâng mình cho Chúa và đặt niềm tin tưởng vào Chúa.

Cát Minh
Nguồn: http://www.thanhlinh.net/node/46397