Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

CHÚC MỪNG LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA - Bổn mạng Giáo khu 4

pentectejrestout

CƯU MANG VÀ SINH HẠ MỘT THẾ GIỚI MỚI

Các mục đồng vào hang đá và nhận thấy một Hài Nhi sơ sinh nằm trong máng cỏ. Hài Nhi Giêsu chào đời khai sinh một thế giới mới. Đức Mẹ đã sinh ra một con người mới.

Đức Mẹ sinh ra một thế giới mới để sửa chữa thế giới cũ do Evà sinh ra. Thế giới cũ của bà Evà là môt thế giới đổ vỡ. Từ chỗ bất tuân lệnh Thiên Chúa, thế giới đã đi đến chỗ bất hoà với nhau: ông Adong đổ lỗi cho bà Evà, bà Evà đổ lỗi cho con rắn. Không những bất hoà với nhau mà còn bất hoà cả với súc vật, cỏ cây, ruộng đất. Và từ chỗ bất hoà đi đến bất hạnh: Anh em Cain và Aben giết lẫn nhau. Con người phân tán, chia rẽ. Thế giới đổ vỡ này phát sinh từ lòng kiêu ngạo và thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Thế giới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha nên đã sinh xuống thế làm người và từ bỏ ý riêng, sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Đức Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi thưa "Xin vâng" với thiên thần. Thánh Giuse vâng phục Thiên Chúa nên trở về nhận Đức Mẹ làm bạn. Các mục đồng vâng theo lời thiên thần đến hang Bêlem tìm Chúa. Ba Vua vâng phục theo ánh sáng ngôi sao đến thờ lạy Chúa.

Thế giới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới hài hoà. Sự hài hoà không phải chỉ có giữa Chúa Giêsu với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Cảnh Chúa Giêsu nằm giữa thiên nhiên, trong hơi ấm của bầy chiên bò, với đoàn mục đồng và Ba Vua quây quần chung quanh nói lên một thế giới chung sống hoà bình. Chúa sống hoà hợp với trời đất, với con người và với thiên nhiên. Con người sống hoà hợp với Chúa và với nhau.

Thế giới mới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới quên mình. Chúa Giêsu đã quên địa vị mình là Thiên Chúa để xuống ở với nhân loại. Chúa Giêsu đã quên mình là Đấng thánh thiện để đến với người tội lỗi. Chúa đã quên mình là Thầy, là Cha, nên quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, các con cái của mình. Và nhất là Chúa đã quên mình là vô tội đến nỗi sẵn lòng hiến thân chịu chết cho loài người tội lỗi. Thánh Giuse và Đức Mẹ quên mình để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Mục đồng quên mình, giữa đêm khuya lạnh lẽo, bỏ giấc ngủ đến tìm Chúa. Ba Vua quên mình bỏ nhà cửa tiện nghi, lên đường, chịu vất vả khó nhọc đến thờ lạy Chúa. Sự quên mình, quan tâm lo lắng chăm sóc cho người khác đã khai sinh một thế giới mới chan chứa tình yêu thương và ấm áp sự hoà thuận. Đó chính là cảnh thái bình đáng mong ước.

Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, với mong muốn thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới. Chỉ khi sinh lại trong Chúa và trong Đức Mẹ, thế giới mới thực sự có hoà bình.

Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, với mong muốn đặt thế giới vào tay Đức Mẹ để thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới. Chỉ khi sinh lại trong Chúa và trong Đức Mẹ, thế giới mới thực sự có hoà bình.

Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cầu nguyện cho hoà bình thế giới, mong ước con người hãy biết sống hài hoà với nhau trong vâng phục Thiên Chúa, trong quên mình vì người khác để có một nền hoà bình thực sự trường cửu. Vì hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh nhưng còn là con người sống hài hoà trong tình tương thân tương ái.

Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cũng mời gọi tất cả mọi người chúng ta hãy cùng với Đức Mẹ cưu mang và góp phần sinh hạ một thế giới mới. Cưu mang chắc chắn phải nặng nhọc. Sinh hạ chắc chắn phải đớn đau. Nhưng nếu mỗi người đều noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse, Ba Vua, các mục đồng và cả súc vật trong hang đá Bêlem biết vâng phục Thiên Chúa, biết sống hài hoà và quên mình thì mới mong kiến tạo được một nền hoà bình viên mãn.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con trở nên con người mới, góp phần cưu mang và sinh hạ một thế giới mới như lòng Chúa mong ước. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Bạn có mơ ước một thế giới mới không? Thế giới đó phải bắt đầu từ đâu trước? Từ chính bạn hay từ người khác?
2. Thế giới của Đức Mẹ có gì khác thế giới của bà Evà?
3. Đầu năm mới này, bạn dự tính làm gì để đổi mới thế giới chung quanh bạn?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Nguồn: http://tonggiaophanhanoi.org/suy-niem/suy-niem-chua-nhat/749-le-duc-maria-me-thien-chua-7-bai-suy-niem

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 24/12 – 30/12/2015: Giáng Sinh tại những điểm nóng trên thế giới




Xuất bản 30 thg 12, 2015
• Thông điệp Giáng Sinh của Đức Thượng Phụ Fouad Twal
• Hai nước trên thế giới cấm không cho dân chúng mừng lễ Giáng Sinh: Brunei và Somalia
• Đức Thánh Cha được trao giải Charlemagne 2016
• Tổng thống Obama ra tuyên bố về tình trạng bị bách hại các Kitô hữu tại Trung Đông
• Khủng bố Hồi Giáo cấm Kitô hữu không được cử hành lễ Giáng Sinh vì trùng vào ngày “đản sinh” của Muhammad!
• Rabbi Do Thái nổi điên đòi cấm cử hành lễ Giáng Sinh tại Bethlehem, và gọi người Công Giáo là Ma Cà Rồng
• Giáng Sinh trên thế giới

Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Ngày Hoà Bình Quốc Tế 2016



Ngày 15 tháng 12 vừa qua Phòng Báo Chí Toà Thánh đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016 về đề tài “Hãy chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình”. Sứ điệp đề ngày mùng 8 tháng 12 gồm 8 đoạn. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung sứ điệp. Mở đầu sứ điệp ĐTC viết:

1. “Thiên Chúa không dửng dưng! Đối với Thiên Chúa Nhân loại quan trọng, Thiên Chúa không bỏ rơi nó! Bắt đầu năm mới với xác tín sâu thẳm này của mình tôi muốn kèm theo các lời cầu chúc phước lành và hoà bình tràn đầy, trong dấu chỉ của niềm hy vọng, cho tương lai của từng người nam nữ, của từng gia đình, dân tộc và quốc gia trên thế giới, cũng như cho các Quốc Trưởng và Chính Quyền và Giới Lãnh Đạo tôn giáo. Thật thế, chúng ta không mất hy vọng rằng năm 2016 trông thấy chúng ta tất cả dấn thân một cách cương quyết và mạnh mẽ, trên mọi bình diện, để thực hiện công lý và hoạt động cho hoà bình. Phải, hoà bình là món quà của Thiên Chúa và là công trình của con người. Hoà bình là ơn của Thiên Chúa, nhưng được ủy thác cho tất cả mọi người nam nữ được mời gọi hiện thực nó.

Duy trì các lý do của niềm hy vọng

2. Các chiến tranh và hành động khủng bố, với các hậu quả thê thảm của chúng, các vụ bắt cóc người, các bách hại vì các lý do chủng tộc hay tôn giáo, các lạm dụng đã ghi dấu từ đầu tới cuối năm vừa qua gia tăng một cách đau đớn tại nhiều vùng trên thế giới, đến độ có các hình thể có thể gọi là “một đệ tam thế chiến từng mảnh”. Nhưng cũng có vài biến cố của các năm qua và của năm vừa qua mời gọi tôi, trong viễn tượng của năm mới, canh tân lời khích lệ đừng mất hy vọng nơi khả năng của con người, với ơn của Thiên Chúa, vượt thắng sự dữ và không buông xuôi cho thái độ chịu trận và thờ ơ. Các biến cố mà tôi muốn nhắc đến diễn tả khả năng của nhân loại hoạt động trong tình liên đới, vượt ngoài các lợi lộc cá nhân, sự vô cảm và dửng dưng trước các tình trạng nguy kịch.

Trong số các biến cố ấy tôi muốn nhắc tới nỗ lực tạo thuận tiện cho cuộc gặp gỡ của giới lãnh đạo thế giới trong bối cảnh của hội nghị COP 21, nhằm tìm ra các con đường mới giúp đương đầu với các thay đổi khí hậu và cứu vãn sức khỏe của Trái Đất, căn nhà chung của chúng ta. Và điều này quy chiếu về hai biến cố trước đó trên bình diện toàn cầu: đó là Hội nghị thượng đỉnh tại Addis Abeba nhằm quyên góp ngân qũy cho việc phát triển có thể chịu đựng nổi của thế giới; và việc Liên Hiệp Quốc chấp nhận Lịch trình 2030 cho việc phát triển có thể chịu đựng nổi, nhằm bảo đảm cho mọi người dân, nhất là cho các dân tộc nghèo của hành tinh, từ nay cho tới đó có một cuộc sống xứng đáng hơn.

Năm 2015 đã là một năm đặc biệt đối với Giáo Hội, cũng bởi vì Giáo Hội kỷ niệm 50 năm công bố hai tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II diễn tả một cách rất hùng hồn ý thức liên đới của Giáo Hội đối với thế giới. Khi khai mạc Công Đồng ĐGH Gioan XXIII muốn mở toang các cửa sổ của Giáo Hội để giữa Giáo Hội và thế giới có sự truyền thông rộng mở hơn. Hai tài liệu: Nostra aetate và Gaudium et Spes, là các diễn tả biểu hiệu cho tương quan mới của sự đối thoại, tình liên đới và đồng hành mà Giáo Hội cố ý đưa vào bên trong nhân loại. Trong Tuyên ngôn Nostra aetate Giáo Hội được mời gọi rộng mở cho việc đối thoại với các tôn giáo không kitô. Trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, từ lúc “các niềm vui, các hy vọng, buồn sầu và lo lắng của con người ngày nay, của người nghèo và nhất là của tất cả những người đau khổ, cũng là các niềm vui và các hy vọng, các buồn sầu và các âu lo của các môn đệ Chúa Kitô” (GS, 1), thì Giáo Hội đã ước mong thiết lập một cuộc đối thoại với gia đình nhân loại liên quan tới các vấn đề của thế giới, như dấu chỉ của tình liên đới và sự trìu mến tôn trọng (GS, 3).

Cũng trong viễn tượng này với Năm Thánh Lòng Thương Xót tôi muốn mời gọi Giáo Hội cầu nguyện và hoạt động để mọi tín hữu kitô có thể có một con tim chín mùi khiêm nhường và từ bi, có khả năng loan báo và làm chứng cho lòng thương xót, “tha thứ và cho đi”, rộng mở “cho những ai sống trong các vùng ngoại biên rải rác nhất của cuộc sống, mà thế giới tân tiến thường tạo ra một cách thê thảm”, không “rơi vào sự dửng dưng hạ nhục, không rơi vào thái độ quen nhờn làm tê liệt tâm trí và ngăn cản khám phá ra sự mới mẻ, không rơi vào thái độ vô liêm sỉ tàn phá.” (Misericordiae vultus, 14-15)

ĐTC viết tiếp trong sứ điệp: Có nhiều lý do giúp tin vào khả năng của nhân loại cùng nhau hành động trong tình liên đới, trong việc nhận ra sự nối kết giữa nhau và tuỳ thuộc nhau, bằng cách lo lắng cho các thành phần yếu đuối nhất, và cứu vãn thiện ích chung. Thái độ liên đới đồng trách nhiệm này là gốc rễ ơn gọi nền tảng cho tình huynh đệ và cho cuộc sống chung. Phẩm giá và các tương quan liên bản vị khiến cho chúng ta là người, được Thiên Chúa muốn là hình ảnh của Ngài và giống Ngài. Như là các thụ tạo được phú bẩm phẩm giá bất khả nhượng, chúng ta hiện hữu trong tương quan với các anh chị em khác, mà chúng ta có trách nhiệm đối với họ và chúng ta hành động trong tình liên đới với họ. Bên ngoài tương quan này, chúng ta sẽ ít là người hơn. Chính vì thế sự dửng dưng là một đe dọa đối với gia đình nhân loại. Trong khi chúng ta bước tới một năm mới, tôi muốn kêu mời tất cả mọi người thừa nhận sự kiện này, để chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình.

Vài hình thức dửng dưng

3. Chắc chắn rằng thái độ dửng dưng, của người đóng kín con tim để không chú ý tới tha nhân, của người nhắm mắt để không trông thấy điều chung quanh, hay tránh né để không bị dụng chạm bởi các vấn đề của người khác, định tính một loại người khá phổ biến và hiện diện trong mọi thời đại của lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay nó đã vĩnh viễn vượt quá lãnh vực cá nhân để mang chiều kích toàn cầu, và tạo ra hiện tượng của “việc toàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Hình thái thứ nhất của sự thờ ơ trong xã hội con người là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, từ đó cũng nảy sinh ra sự dửng dưng đối với tha nhân và với thụ tạo. Đây là một trong các hậu quả trầm trọng nhất của một chủ thuyết nhân bản giả dối, và của chủ thuyết duy vật thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng duy tương đối và duy hư vô. Con người nghĩ rằng nó là tác giả của chính mình, của cuộc sống mình và của xã hội; nó cảm thấy tự đủ và không chỉ nhắm lấy mình thay thế Thiên Chúa, mà còn sống không cần tới Thiên Chúa nữa; hậu quả, nó nghĩ mình không nợ ai gì cả, ngoại trừ chính nó, và nó yêu sách chỉ có các quyền lợi mà thôi (Caritas in veritate. 43). Chống lại sự tự hiểu biết sai lầm này của con người, ĐGH Biển Đức XVI nhắc nhở rằng: không phải con người cũng không phải sự phát triển của nó có khả năng tự ban cho nó ý nghĩa cuối cùng của nó (Caritas in veritate, 16) ; và trước ngài Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã khẳng định rằng “không có chủ thuyết nhân bản đích thật nào cống hiến ý tưởng đích thật của cuộc sống con người, nếu không rộng mở cho Đấng Tuyệt Đối” (Populorum progresio, 42).

Sự dửng dưng đối với tha nhân mang nhiều bộ mặt khác nhau. Có người được thông tin rõ ràng, lắng nghe radio, đọc báo chí hay coi các chương trình truyền hình, nhưng làm một cách hâm hẩm, hầu như trong một điều kiện quen thuộc: những người này biết một cách mù mờ các thảm cảnh khiến cho nhân loại khổ đau, nhưng họ không cảm thấy bị lôi cuốn, họ không sống sự cảm thương. Đây là thái độ của người biết, nhưng có cái nhìn, tư tưởng và hành động hướng tới chính mình. Rất tiếc chúng ta phải ghi nhận rằng việc gia tăng các tin tức, chính trong thời đại chúng ta, tự nó không có nghĩa là gia tăng sự chú ý tới các vấn đề, nếu nó không được đi kèm bởi một sự rộng mở lương tâm trong nghĩa liên đới (Caritas in veritate, 19). Trái lại, nó có thể bao gồm một sự bão hoà làm tê liệt, và trong một mức độ nào đó, tương đối hoá tầm nghiêm trọng của các vấn đề. “Có vài người, một cách đơn sơ, lại vui mừng đổ lỗi cho người nghèo và các nước nghèo về các sự dữ của họ, với các tổng quát hoá không xóa bỏ được, và họ yêu sách tìm ra giải pháp trong một việc “giáo dục” trấn an và biến họ trở thành những người bị thuần hoá và vô hại. Điều này lại càng trở nên nhức nhối hơn, nếu các người bị loại trừ trông thấy bênh ung thư xã hội gia tăng là sự thối nát đâm rễ sâu trong nhiều nuớc – nơi các chính quyền, trong giới doanh thương và trong các cơ cấu – bất cứ ý thức hệ chính trị nào của giới lãnh đạo” (Evangelii gaudium, 60).

Trong các trường hợp khác, sự dửng dưng biểu lộ ra như là việc thiếu chú ý đối với thực tại chung quanh, đặc biệt đối với thực tại ở xa. Có vài người ưa thích không tìm kiếm, không hỏi thăm tin tức, và sống sự phong phú và thoải mái của họ, điếc trước tiếng kêu than của nhân loại khổ đau. Hầu như không nhận ra điều đó, chúng ta đã trở nên không có khả năng cảm thương những người khác, đối với các thảm cảnh của họ, chúng ta không chú ý lo lắng cho họ, làm như thể điều xảy ra cho họ là một trách nhiệm xa lạ đối với chúng ta, không thuộc bổn phận của chúng ta (Ibid. 54). “Khi chúng ta khỏe mạnh và cảm thấy thoải mái, chắc chắn chúng ta quên những người khác (đó là điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm), chúng ta không chú ý tới các vấn đề của họ, các khổ đau, và các bất công họ phải chịu… Khi đó con tim của chúng ta rơi vào sự dửng dưng: trong khi tôi tương đối khoẻ mạnh và thoải mái, tôi quên những người không khỏe mạnh” (Sứ điệp mùa chay 2015).

Khi sống trong một căn nhà chung, chúng ta không thể không tự hỏi về tình trạng sức khỏe của nó, như tôi đã làm trong Thông điệp Laudato si’. Sự ô nhiễm các nguồn nước và không khí, việc khai thác rừng già không phân biệt, việc tàn phá môi sinh thường là hậu quả của sự dửng dưng của con người đối với những người khác, bởi vì tất cả có tương quan với nhau. Cũng như thái độ hành xử của con người đối với thú vật ảnh hưởng trên các tương quan của nó với người khác (Laudato si’, 92), để không nói đến việc ai cho phép mình làm tại nơi khác điều họ không dám làm trong nhà họ (Ibid. 51).

Trong các trường hợp này và các trường hợp khác nữa, sự dửng dưng tạo ra thái độ khép kín và không dấn thân, và như thế nó kết thúc bằng việc góp phần vào sự vắng bóng hoà bình với Thiên Chúa, vói tha nhân và với thụ tạo.

Hoà bình bị đe dọa bởi sự dửng dưng toàn cầu hóa

4. Sự thờ ơ với Thiên Chúa vượt quá phạm vi nội tâm và tinh thần của bản vị riêng rẽ, và xâm lấn phạm vi công cộng xã hội. Như ĐTC Biển Đức XVI đã khẳng định, “có một nối kết mật thiết giữa việc vinh danh Thiên Chúa và hoà bình của con người trên trái đất” (Diễn văn trrước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh 7-1-2013). Thật thế, “không có sự rộng mở siêu việt, con người dễ dàng trở thành mồi cho chủ thuyết duy tương đối và rồi sẽ khó mà hành động theo công lý và dấn thân cho hòa bình” (Ibidem.). Việc lãng quên và khước từ Thiên Chúa dẫn đưa con người tới chỗ không thừa nhận luật lệ cao hơn mình nữa, và chỉ lấy mình làm quy tắc, và chúng đã tạo ra sự tàn ác và bạo lực vô chừng mực (Biển Đức XVI, Phát biểu ngày liên tôn cầu nguyện cho công lý và hoà bình tại Assisi 27-10-2011).

Trên bình diện ca nhân và cộng đoàn sự thờ ơ đối với tha nhân, con đẻ của sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, mang dáng vẻ của sự bất động và không dấn thân, chúng dưỡng nuôi việc kéo dài các tình trạng bất công và mất quân bình xã hội trầm trọng. Tới lượt mình chúng có thể dẫn đưa tới các xung đột, hay trong mọi trường hợp, làm nảy sinh ra một bầu không khí bất mãn có nguy cơ, mau hay chậm, bùng nổ thành bạo lực và bất an.

Trong nghĩa này sự dửng dưng và không dấn thân như hậu quả tạo thành một thiếu sót trầm trọng đối với bổn phận mà mỗi người phải đóng góp trong mức độ các khả năng của mình và của vai trò mình có trong xã hội, cho công ích, đặc biệt là cho nền hoà bình, là một trong các thiện ích quý báu nhất của nhân loại (Evangelii gaudium, 217-237).

Thế rồi, khi nó đụng chạm tới lãnh vực cơ cấu, thì sự dửng dưng đối với tha nhân, phẩm giá, các quyền nền tảng và sự tự do của họ, cộng với một nền văn hóa ghi đậm dấu lợi nhuận và chủ trương hưởng thụ, tạo thuận tiện và đôi khi biện minh cho các hành động và chính sách rốt cuộc tạo ra các đe dọa đối với hoà bình. Thái độ thờ ơ như thế cũng có thể đi đến chỗ biện minh cho vài chính sách kinh tế đáng phiền trách, làm sinh sôi nay nở các bất công, chia rẽ và bạo lực, nhằm đạt sự phong phú riêng tử hay của quốc gia. Thật vậy, không hiếm các dự án kinh tế và chính trị của con người nhắm mục đích chinh phục hay duy trì quyền bính và giầu sang, cả khi có chà đạp các quyền lợi và các đòi buộc nền tảng của người khác đi nữa. Khi các dân tộc thấy các quyền lợi sơ đẳng của họ như quyền có thực phẩm, nước uống, được săn sóc sức khỏe, hay có công ăn việc làm, bị khước từ, thì họ bị cám dỗ chiến hữu chúng bằng bạo lực (GS 59).

Ngoài ra, sự thờ ơ đối với môi sinh thiên nhiên, bằng cách tạo thuận tiện cho việc tàn phá rừng già, gây ô nhiễm và tạo ra các tai ương thiên nhiên, khiến cho toàn các cộng đoàn bị nhổ khỏi gốc rễ môi sinh của họ, cách cuỡng bách họ sống cảnh tạm bợ và bất ổn, tạo ra các nghèo túng mới, các tình trạng bất công mới bởi các hậu qủa tàn hại liên quan tới an ninh và hoà bình xã hội. Có biết bao nhiêu chiến tranh đã xảy ra và sẽ có biết bao nhiêu chiến cuộc khác sẽ bùng nổ vì thiếu các tài nguyên hay để đáp ứng đòi hỏi tài nguyên thiên nhiên vô độ?

Từ sự dửng dưng tới lòng thương xót: việc hoán cải con tim

5. Cách đây một năm trong sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới “Không còn là nô lệ nữa nhưng là anh em”, tôi đã nhắc tới hình ảnh kinh thánh đầu tiên của tình huynh đệ nhân loại, đó là hình ảnh của Cain và Abel (x. St 4,1-6) để lôi kéo sự chú ý trên sự kiện tình huynh đệ đầu tiên đã bị phản bội như thế nào. Cain và Abel là anh em. Cả hai đều phát xuất từ cùng một cung lòng, bình đẳng trong phẩm giá và được tạo dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa; nhưng tình anh em của họ bị bẻ gẫy. “Cain không những không chịu được em mình là Abel, mà còn giết em vì ghen tương nữa” (Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2015, 2). Khi đó việc giết em trở thành hình thức của sự phản bội, và việc khưóc từ tình huynh đệ của Abel từ phiá Cain là sự đổ bể đầu tiên trong các tương quan gia đình của tình huynh đệ, liên đới và tôn trọng lẫn nhau.

Khi đó, Thiên Chúa can thiệp để mời gọi tinh thần trách nhiệm của con người đối với người đồng loại, y như Ngài đã làm khi Ađam và Evà, ông bà nguyên tổ. đã bẻ gẫy sự hiệp thông với Đấng Tạo Hóa. “Khi đó Chúa nói với Cain: “Abel em ngươi đâu rồi?”. Cain thưa: “Con không biết. Con là người canh giữ em con hay sao?”. Chúa phán: “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất tiếng máu của em ngươi đang kêu tới Ta” (St 4,9-10).

Cain nói rằng mình không biết điều gì đã xảy ra cho em mình, rằng mình không phải là người canh giữ em. Anh ta không cảm thấy có trách nhiệm đối với sự sống của em, đối với số phận của em. Anh không cảm thấy bị liên lụy. Anh dửng dưng đối vói em mình, mặc dù họ được nối kết với nhau bởi nguồn gốc chung. Thật buồn biết bao! Thật là thảm cảnh huynh đệ, gia đình và nhân loại! Đó đã là biểu lộ đầu tiên của sự thờ ơ giữa anh em với nhau. Thiên Chúa, trái lại, không thờ ơ: máu của Abel có gia trị lớn dưới mắt Ngài và Ngài đòi Cain phải trả lẽ. Như thế Thiên Chúa tự vén mở ngay từ đầu như là Đấng chú ý tới số phận của con người. Sau này khi con cái Israel sống kiếp nô lệ bên Ai Cập, Thiên Chúa can thiệp và Ngài đã nghe tiếng họ kêu than vì các giám thị; “Thật thế, Ta biết các đau khổ của ngươi. Ta đã xuống để giải phóng ngươi khỏi bàn tay của Ai Cập và làm cho ngươi ra khỏi xứ sở ấy để đi về một xứ sở xinh đẹp và rộng rãi, về một xứ sở nơi chảy sữa và mật ong” (Xh 3,7-8). Thật là quan trọng ghi nhận các động từ miêu tả sự can thiệp của Thiên Chúa: Ngài quan sát, lắng nghe, hiểu biết, xuống, giải thoát. Thiên Chúa không dửng dưng. Ngài chú ý và hành động.

Cũng thế, trong Đức Giêsu Con Ngài, Thiên Chúa đã xuống giữa loài người, đã nhập thể và tỏ ra liên đới với nhân loại: “trưởng tử giữa nhiều em” (Rm 8,29). Ngài đã không hài lòng dậy dỗ dân chúng, mà cũng lo lắng cho họ nữa, đặc biệt khi trông thấy họ đói (x. Mc 6,34-44) hay không có công ăn việc làm (x. Mt 20,3). Cái nhìn của Ngài không chỉ hướng tới con người, mà cũng hướng tới cá biển, chim trời, cây cối lớn nhỏ; Ngài ôm trọn toàn thụ tạo trong vòng tay. Ngài trông thấy, chắc chắn rồi, nhưng không chỉ hạn chế vào việc này, bởi vì Ngài đụng chạm tới con người, nói chuyện với họ, hoạt động cho họ và làm ích cho người túng thiếu. Nhưng không chỉ như thế, Ngài còn để cho mình xúc động và khóc nữa (x. Ga 11,33-44). Và ngài hành động để chấm dứt sự khổ đau, buồn sầu, bần cùng và cái chết.

Chúa Giêsu dậy chúng ta thương xót như Thiên Chúa Cha (x. Lc 6,36). Trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu (x. Lc 10,29-37) Ngài tố cáo việc bỏ sót cứu giúp trước sự cấp thiết của tha nhân: “ông thấy và đi qua” (x. Lc 10,31.32). Đồng thời, qua thí dụ này, Chúa mời gọi các thính giả của Ngài, đặc biệt là các môn đệ của Ngài, học dừng lại trước các khổ đau của thế giới này để làm vơi nhẹ chúng, dừng lại trước các vết thương của người khác để chữa trị chúng, với các phương tiện họ có, bắt đầu từ thời gian, mặc dù có biết bao bận rộn. Thật vậy, sự dửng dưng thường tìm cớ: trong việc tuân giữ các điều luật nghi lễ, trong hàng đống việc phải làm, trong các đối kháng khiến cho chúng ta xa nhau, trong các thành kiến đủ loại ngăn cản chúng ta đến gần nhau.

Lòng thương xót là con tim của Thiên Chúa. Vì thế nó cũng phải là con tim của tất cả những ai tự nhận mình là chi thể của đại gia đình duy nhất của các con cái Ngài; một con tim dấn thân mạnh mẽ đập nhịp phẩm giá con người tại khắp mọi nơi phản ánh gương mặt của Thiên Chúa nơi các thụ tạo của Ngài. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: tình yêu đối với tha nhân – khách ngoại kiều, người đau yếu, các tù nhân, người không nhà, cho tới cả kẻ thù, là thước đo Thiên Chúa dùng để phán xử các hành động của chúng ta. Số phận đời đời của chúng ta tuỳ thuộc vào đó. Thật không đáng ngạc nhiên, khi thánh Phaolô tông đồ mời gọi các kitô hữu Roma vui với người vui, khóc với người khóc (x. Rm 12,15) hay khuyên tín hữu Côrintô tổ chức các cuộc lạc quyên như dấu chỉ tình liên đới với các chi thể khổ đau của Giáo Hội (x. 1 Cr 16,2-3). Còn thánh Gioan thì viết: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?”(1 Ga 3,17; x. Gc 2,15-16).

Đo đó tại sao lại là điều “định đoạt đối với Giáo Hội và tính cách đáng tin cậy của lời loan báo, việc Giáo Hội sống và đích thân làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và các cử chỉ của Giáo Hội phải thông truyền lòng thương xót để vào thấu trái tim con người và khiêu khích họ tìm ra con đường trở về với Thiên Chúa Cha. Sự thật đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội là tôi tớ và trung gian của tình yêu ấy nơi con người, tình yêu đi tới chỗ tha thứ và trao ban chính mình. Vì thế, nơi đâu có Giáo Hội hiện diện, thì ở đó lòng thương xót của Thiên Chúa Cha phải hiển nhiên. Nghĩa là trong các giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào của chúng ta, bất cứ nơi nào có các kitô hữu, thì bất cứ ai cũng phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót (Misericordiae vulnus, 12).

Như vậy, cả chúng ta nữa cũng được mời gọi biến tình yêu, lòng trắc ẩn, thương xót và tình liên đới trở thành chương trình sống, trở thành một kiểu hành xử trong các tương quan với nhau (Ibid., 13). Điều này đòi hỏi việc hoán cải con tim: nghĩa là ơn của Thiên Chúa biến đổi con tim bằng đá của chúng ta thành con tim bằng thịt (x. Ed 36,26), có khả năng rộng mở cho tha nhân với tình liên đới đích thật. Thật thế, tình liên đới là điều nhiều hơn một “tình cảm của lòng trắc ẩn mơ hồ hay một mềm yếu hời hợt đối với các khổ đau của biết bao người gần xa (Sollecitudo rei socialis, 38). Tình liên đới là “sự quyết tâm vững vàng và kiên trì dấn thần cho công ích: hay cho hạnh phúc của tất cả mọi người và từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với mọi người” (Ibid.,), bởi vì sự trắc ẩn nảy sinh từ tình huynh đệ.

Được hiểu như thế, tình liên đới là thái độ luân lý đạo đức và xã hội, đáp trả lại một cách tốt nhất ý thức của lương tâm về các vết thương của thời đại chúng ta và về sự tuỳ thuộc lẫn nhau luôn luôn hiện hữu, đặc biệt trong một thế giới toàn cầu hóa, giữa cuộc sống của từng người và của cộng đoàn trong một nơi xác định và cuộc sống của các người nam nữ khác trên thế giới (Ibid.,).

Thăng tiến một nền văn hóa liên đới và thuơng xót để chiến thắng sự dửng dưng

6. Tình liên đới như nhân đức luân lý và thái độ xã hội, hoa trái của sự hoán cải cá nhân, đòi buộc một dấn thân từ phía đông đảo các chủ thể có trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục và đào tạo.

Tư tưởng đầu tiên của tôi hướng tới các gia đình được mời gọi cho một sứ mệnh giáo dục đầu tiên và không thể khước từ được. Các gia đình là nơi chốn đầu tiên, trong đó người ta sống các giá trị của tình yêu thương, tình huynh đệ, việc chung sống, chia sẻ, sự chú ý và săn sóc người khác. Các gia đình cũng là môi trường đặc tuyển cho việc thông truyền đức tin, bắt đầu từ các cử chỉ đạo đức đơn sơ nhất, mà các bà mẹ dậy cho con cái (Ibid.,).

Liên quan tới các nhà giáo dục và đào tạo, trong trường học hay các trung tâm quy tụ khác của trẻ em và người trẻ, có bổn phận giáo dục chúng, họ được mời gọi ý thức rằng trách nhiệm của họ liên quan tới các chiều kích luân lý, tinh thần và xã hội của con người. Các giá trị của sự tự do, lòng tôn trọng lẫn nhau và tình liên đới có thể được thông truyền ngay từ tuổi còn thơ. Khi hướng tới các vị hữu trách của các cơ cấu có nhiệm vụ giáo dục, Đức Biển Đức XVI đã khẳng định rằng: “Mỗi một môi trường giáo dục có thể là nơi của sự rộng mở cho siêu việt và tha nhân: nơi của đối thoại, của sức mạnh nối kết và lắng nghe, trong đó người trẻ cảm thấy được đánh giá trong các tiềm năng và phong phú nội tâm, và học qúy chuộng các anh chị em khác. Ước chi nó có thể dậy cho biết nếm hưởng niềm vui nảy sinh từ việc từng ngày sống tình bác ái và trắc ẩn đối với người lân cận, và từ việc tham dự tích cực vào việc xây dựng một xã hội nhân bản và huynh đệ hơn” (Sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2012, 2).

Cả các người hoạt động văn hóa và truyền thông xã hội cũng có trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong các xã hội ngày nay, trong đó việc sử dụng các phương tiện thông tin và truyền thông ngày càng phổ biến. Trước hết họ có nhiệm vụ phục vụ sự thật chứ không phải phục vụ các lợi lộc riêng tư. Thật thế, các phương tiện truyền thông “không chỉ thông tin, mà cũng đào tạo tinh thần các đối tượng của chúng nữa, và vì vậy có thể góp phần đáng kể vào việc giáo dục người trẻ. Thật là quan trọng chú ý tới tương quan rất chặt chẽ giữa giáo dục và truyền thông: thật thế, giáo dục đến qua truyền thông, nó ảnh hưởng một cách tích cực hay tiêu cực trên việc đào tạo con người” (Ibid.,). Các nhân viên văn hóa và truyền thông cũng phải canh chừng để kiểu tiếp nhận và phổ biến các tin tức của họ luôn được hợp pháp trên bình diện pháp lý và luân lý.

Hoà bình: hoa trái của một nền văn hoá liên đới, thương xót và trắc ẩn

7. Ý thức được sự đe dọa của một việc toàn cầu hóa sự dửng dưng, chúng ta không thể không thừa nhận rằng, trong bối cảnh như miêu tả trên đây, cũng có nhiều sáng kiến và hoạt động tích cực làm chứng cho sự trắc ẩn, lòng thương xót và tình liên đới mà con người có khả năng làm được. Tôi muốn nhắc tới vài thí dụ dấn thân đáng ca ngợi chứng minh cho thấy làm sao mỗi người có thể chiến thắng sự thờ ơ, khi lựa chọn không rời cái nhìn khỏi người lân cận của mình, và chúng có thể trở thành các thực hành tốt trên con đường tiến tới một xã hội nhân bản hơn.

Có biết bao nhiêu tổ chức phi chính quyền và các nhóm bác ái, bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội, mà các thành viên, trong các dịp dịch tễ, thiên tai hay xung khắc vũ trang, đương đầu với các mệt nhọc và nguy hiểm để săn sóc những người bị thương và các bệnh nhân, và để chôn cất các người đã chết. Bên cạnh họ tôi muối nhắc đến những người và những hiệp hội cứu giúp các người di cư băng qua các sa mạc và biển cả để đi tìm các điều kiện sống tốt đẹp hơn. Các hoạt động này là các công tác của lòng thương xót thể lý và tinh thần, dựa trên đó chúng ta sẽ bị phán xử vào cuối cuộc sống của mình.

Tôi cũng nghĩ tới các nhà báo và các chuyên viên chụp hình thông tin tức cho dư luận công cộng liên quan tới các tình hình khó khăn gọi hỏi lương tâm, và tất cả những người dấn thân bảo vệ các quyền con người, bảo vệ các phụ nữ và trẻ em, và tất cả những ai sống trong các điều kiện dễ bị tổn thương hơn. Giữa những người đó cũng có các linh mục và thừa sai, như là các mục tử nhân lành, các vị ở lại bên cạnh tín hữu và nâng đỡ họ mặc cho các hiểm nguy và khó khăn, đặc biệt trong các cuộc xung đột vũ trang.

Thế rồi còn có biết bao nhiêu gia đình dấn thân một cách cụ thể để giáo dục con cái họ “đi ngược dòng”, sống các giá trị của tình liên đới, sự cảm thương và tình huynh đệ, với giá của biết bao nhiêu hy sinh, tuy phải sống giữa biết bao khó khăn về công ăn việc làm và xã hội. Biết bao nhiêu gia đình rộng mở con tim và cửa nhà cho nhũng ai sống trong cảnh thiếu thốn, như các người tỵ nạn và di cư! Tôi muốn cám ơn một cách đặc biệt tất cả các người, các gia đình, các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và các trung tâm hành hương đã mau mắn đáp trả lời tôi kêu gọi tiếp đón một gia đình tỵ nạn (Kinh Truyền Tin 6-9-2015).

Sau cùng, tôi muốn nhắc tới các người trẻ hiệp nhất với nhau để thực hiện các dự án liên đới, và tất cả những người mở rộng đôi tay trợ giúp người bên cạnh thiếu thốn: trong các thành phố, trong quê hương mình hay trong các vùng miền khác trên thế giới. Tôi muốn cám ơn và khích lệ tất cả những ai dấn thân trong các hành động loại này, cả khi họ không được quảng cáo: sự đói khát công lý của họ sẽ được no thoả, lòng thương xót của họ sẽ khiến cho họ tìm được xót thương và như là các tác nhân hoà bình, họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa (x. Mt 5,6-9).

Hoà bình trong dấu chỉ của Năm Thánh Lòng Thương Xót

8. Trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người được mời gọi nhận ra sự thờ ơ được biểu lộ trong cuộc sống của mình như thế nào, và lựa chọn một dấn thân cụ thể để góp phần cải tiến thực tại trong đó mình đang sống, bắt đầu từ gia đình mình, từ xóm giềng của mình hay từ môi trường làm việc.

Cả các Quốc gia cũng được mời gọi có các cử chỉ cụ thể, có các hành động can đảm đối với các người giòn mỏng nhất của xã hội, như các tù nhân, người di cư, người thất nghiệp và người đau yếu.

Liên quan tới các tù nhân, trong nhiều trường hợp xem ra cấp thiết áp dụng các biện pháp cụ thể giúp cải tiến các điều kiện sống của họ trong các nhà tù, bằng cách cho phép chú ý đặc biệt tới những người bị mất tự do trong khi chờ đợi được xét xử, lưu tâm tới mục đích tái giáo dục của hình phạt, và lượng định khả thể đưa vào trong luật pháp quốc gia các hình phạt thay thế cho việc giam giữ trong nhà tù. Trong bối cảnh ấy tôi ước ao canh tân lời kêu gọi các giới chức chính quyền quốc gia huỷ bỏ án tử hình, tại nơi đâu nó còn hữu hiệu và duyệt xét lại khả thể của một cuộc ân xá.

Liên quan tới các người di cư, tôi muốn đưa ra một lời mời gọi suy tư trở lại các luật lệ về di cư, để chúng được linh hoạt bởi ý chí tiếp đón, trong sự tôn trọng hỗ tương các nhiệm vụ và trách nhiệm, và có thể tạo dễ dàng cho việc hội nhập của các người di cư. Trong viễn tượng này phải có một sự chú ý đặc biệt đối với các điều kiện di trú của người di cư, bằng cách nhớ rằng sự lén lút có nguy cơ lôi kéo họ tới tội phạm.

Ngoài ra tôi cũng ước mong trong Năm Thánh này đưa ra một lời kêu gọi cấp bách giới hữu trách các quốc gia có các cử chỉ cụ thể đối với các anh chị em khổ đau vì thiếu công ăn việc làm, đất đai và nhà ở. Tôi nghĩ tới việc tạo ra các chỗ làm việc xứng đáng để chống lại tệ nạn xã hội của sự thất nghiệp, đả thương nhiều gia đình và người trẻ và có các hậu quả rất nghiêm trọng liên quan tới điều kiện sống của toàn xã hội. Sự thiếu công ăn việc làm tấn kích một cách nặng nề ý thức về phẩm giá và niềm hy vọng, và chỉ có thể được bù trừ phần nào bởi các liên đới cần thiết dành cho nhũng người thất nghiệp và gia đình họ. Một sự chú ý đặc biệt cần phải dành cho phụ nữ - rất tiếc còn bị kỳ thị trong lãnh vực công ăn việc làm – và cho vài tầng lớp công nhân, có các điều kiện bấp bênh hay nguy hiểm và có đồng lương không tương xứng với tầm quan trọng sứ mệnh xã hội của họ.

Sau cùng tôi muốn mời gọi có các hoạt động hữu hiệu giúp cải tiến các điều kiện sống của các bệnh nhân, bằng cách bảo đảm cho tất cả được săn sóc y khoa và có thuốc men cần thiết cho sự sống, bao gồm cả việc được săn sóc tại gia.

Khi hướng cái nhìn vượt ngoài các ranh giới của mình, giới hữu trách các quốc gia cũng được mời gọi canh tân các tương quan với các dân tộc khác, bằng cách cho phép tất cả mọi người thực sự tham gia và bao gồm vào cuộc sống của cộng đồng quốc tế, hầu thể hiện tình huynh đệ cả bên trong gia đình quốc gia nữa.

Trong viễn tượng này, tôi ước mong đưa ra một lời kêu gọi gồm ba điều: đừng lôi cuốn các dân tộc khác vào các cuộc xung đột hay các chiến tranh không chỉ tàn phá các giầu có vật chất, văn hóa và xã hội của họ, mà cũng – trong thời gian lâu dài – tàn phá sự toàn vẹn luân lý và tinh thần của họ nữa; xóa bỏ hay điề hành có thể chịu đựng nổi nợ nần quốc tế của các nước nghèo hơn; áp dụng các đường lối chính trị cộng tác, tôn trọng các giá trị của các dân tộc địa phương thay vì gập mình trước sự độc tài của vài ý thức hệ, và trong mọi trường hợp các đường lối chính trị ấy không được gây tổn thương cho quyền nền tảng và bất khả nhượng của các trẻ em sắp sinh vào cuộc sống.

Tôi xin phó thác các suy tư này cùng với các lời chúc mừng năm mới tốt đẹp cho năm mới cho lời bầu cử của Mẹ Maria Rất Thánh Mẹ mau mắn lo cho các nhu cầu của nhân loại, để Mẹ xin được từ Chúa Giêsu Con Mẹ, Hoàng Tử Hoà Bình, việc khấng nhận các lời khẩn nài của chúng ta và phước lành của sự dấn thân thường ngày của chúng ta cho một thế giới huynh đệ và liên đới hơn.

Từ Vaticăng mùng 8 tháng 12 năm 2015 Lễ trọng Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria. Mở Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót.

ĐTC Phanxicô

Linh Tiến Khải 
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2015/12/30/s%E1%BB%A9_%C4%91i%E1%BB%87p_%C4%91tc_phanxic%C3%B4_g%E1%BB%ADi_ng%C3%A0y_ho%C3%A0_b%C3%ACnh_th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi_2016/1197759

Ngày cuối năm 2015: Đức Thánh Cha tiếp các ca viên trẻ




WHĐ (30.12.2015) – Vào Đêm giao thừa bước sang Năm mới 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp kiến hàng ngàn ca viên trẻ từ khắp nơi trên thế giới.

Theo Đài phát thanh Vatican, ngày thứ Năm 31-12-2015, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ Liên đoàn quốc tế Pueri Cantores,hiện đang tiến hành Đại hội quốc tế lần thứ 40 tại Roma từ ngày 28-12; Đại hội quy tụ các ca đoàn trẻ từ nhiều nướckhác nhau.

Các ca đoàn tham gia Đại hội sẽ hát tại một số Vương cung thánh đường và nhà thờ đẹp nhất của Roma trong các cử hành phụng vụ. Đại hội sẽ kết thúc vào Ngày đầu Năm Mới với Thánh Lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Được thành lập năm 1907, Liên đoàn quốc tế Pueri Cantores đặt nền tảng trên xác tín của Kitô giáo từ xưa rằng ca hát là một công cụ dùng để thờ phượng Chúa, loan báo Tin Mừng và khích lệ sự thăng tiến về thiêng liêng và đạo đức.Năm 1996, Liên đoàn được Hội đồng Toà Thánh về giáo dân thừa nhận là một Hiệp hội giáo dân quốc tế thuộc quyền Giáo hoàng.

Phương châm của Đại hội năm nay là “Cantate spem vestram! Hãy hát lên niềm hy vọng của bạn!”, và biểu tượng là Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican cách điệu với khuông nhạc bình ca trong hai màu vàng-trắng.

(Theo Zenit)

Minh Đức
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/ngay-cuoi-nam-2015-duc-thanh-cha-tiep-cac-ca-vien-tre/7570.57.7.aspx

Các hoạt động tông đồ trên Net trong bối cảnh những thay đổi về kỹ thuật truyền thông trong năm 2015




Năm 2015, chúng ta chứng kiến những thay đổi rất sâu sắc trong kỹ thuật truyền thông. Dưới đây là một vài thí dụ tiêu biểu. 



1. Broadband tại các nước đang phát triển

Có nhiều vị thường nói: “Những chương trình mình làm có lẽ chỉ ở hải ngoại mới xem được, ở Việt Nam, internet chậm quá, chắc họ không xem nổi.”

Bản thân chúng tôi cũng đã từng tin như thế. Tin tưởng như thế là chúng ta nhầm to rồi!

Hình bên cạnh là những chỉ số đo được tại Perth, Úc Đại Lợi trong một gia đình sử dụng một residential ADSL 2 package mắc nhất của Telstra, là công ty cung ứng dịch vụ Internet mắc nhất nước Úc. Vận tốc download là 1.67 Megabits per second. Vận tốc upload là 0.51 Megabits per second. Cố nhiên, ở những vùng khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, những chỉ số có thể là khích lệ hơn hay bi đát hơn. Nhưng những chỉ số đo được ở bên cạnh khá là tiêu biểu. Nếu quý vị vào Web site http://speedtest.net và thấy mình có những chỉ số khích lệ hơn, xin chúc mừng quý vị. Nếu quý vị thấy những chỉ số bi đát hơn, đừng buồn, hầu hết người Úc chia sẻ cùng một nỗi đau khổ như thế. 

Hình bên dưới là những chỉ số đo được tại quận Thủ Đức, Sàigòn. Vận tốc download là 9.51 Megabits per second – 5.7 lần nhanh hơn tại Perth, Australia. Vận tốc upload là hơn 1 Megabits per second – nhanh gấp đôi tại Perth. Những chỉ số đo được tại các quận nội thành còn phấn khởi hơn nữa!

Ở Bangkok, Thái Lan, có lần chúng tôi đo được vận tốc download là 24 Megabits per second!

Như thế, ở các nước tiên tiến đôi khi chúng ta phải trả từ 20 đến 30 lần mắc hơn cho một dịch vụ tồi tệ hơn gấp mấy lần (hay thậm chí là mấy chục lần)!

Không sa đà vào chi tiết chúng ta có thể hiểu được tình trạng này là vì ở các nước tiên tiến, Internet phát triển quá sớm nên hạ tầng cơ sở ngày nay phần lớn là cũ quá, thành phố lại rộng lớn, chi phí tân trang lớn quá nên trừ trường hợp có những đột biến về kỹ thuật mạng, các nước tiên tiến có thể lại tụt hậu hơn các nước nghèo về tốc độ truyền trên Internet.



2. Smart phones

Theo thống kê của Youtube [1], 50% lượng truy cập là từ các điện thoại di động thông minh. Smart phones ngày nay có những tính năng vượt xa việc trả lời hay nhận những cú điện thoại. Đọc và trả lời emails, lướt qua những trang Webs, xem các videos… gần như là những tính năng bắt buộc phải có trên những điện thoại di động đời mới, kể cả những điện thoại di động rẻ tiền.

Tuy nhiên, dung lượng điện năng của điện thoại di động vẫn còn nhiều hạn chế. Lướt qua một vài trang Webs, xem vài videos là hết pin. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất videos làm các videos càng ngày càng ngắn lại. 

Video University [1] ước tính rằng: một video một phút sẽ có 50% nhiều người xem hơn so với một video dài hai phút. Chính vì thế, videos trên Instagram chỉ được tối đa là 15 giây, trong khi Vine chỉ cho tối đa 6 giây. 

Cố nhiên, nội dung của một video vẫn là yếu tố quyết định thu hút người ta xem nhưng thời lượng của một video, trong bối cảnh của cuộc sống ngày càng bận rộn của đời thường, ngày càng phải là một yếu tố cần cân nhắc trong các hoạt động truyền thông.

3. Càng ngày càng có nhiều người có thể quay được những videos phẩm chất cao

Những videos VietCatholic phát trên Internet và trên các đài truyền hình như hiện nay có độ phân giải là 1980 pixels x 1080 pixels. Cho tới lúc chúng tôi viết bài này, dạo quanh một siêu thị ở địa phương, chúng tôi đếm được ít nhất 20 loại smart phones có thể thu hình với độ phân giải là 4K (3960 pixels x 2160 pixels)! Những hình ảnh thu được từ những smart phones này rất mịn và sắc nét. Giá cả cũng không mắc lắm. Nhiều người có thể mua được và sử dụng được.

Iphone 6 có thể thu hình ở mức 240 fps (frames per second). Nhiều loại smart phones còn thu cả hàng ngàn frames trong một giây.

Trong các buổi lễ, để thu hình đôi khi người ta phải dùng những chiếc xe chuyên dụng để đưa các caramen lên cao. Cái máy bay không người lái kế bên, có cả máy quay phim được bán ở Mỹ với giá 99 Mỹ Kim, có thể hoàn thành nhiệm vụ tương tự.

Kết luận:

Trên đây là một vài những thông tin chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và anh chị em để chúng ta suy tư xem ảnh hưởng của chúng như thế nào, và chúng ta phải thích nghi với những thay đổi ấy ra sao?


Nguyễn Việt Nam
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/170478.htm

Fides: Giáo Hội chịu thiệt hại rất nặng nề trong năm 2015. 22 nhân viên mục vụ bị giết trong năm qua. Nhiều linh mục bị bắt cóc.




Làn sóng các Kitô hữu bị thiệt mạng trong giai đoạn lịch sử này của nhân loại cho thấy một sự bùng nổ chưa từng có. Dường như là chưa từng thê thảm như vậy trong lịch sử, bởi vì một cuộc khủng bố toàn cầu hóa đang diễn ra. 

Nói riêng về các nhân viên mục vụ trong Giáo Hội, theo hồ sơ theo dõi thường xuyên của chúng tôi, trong năm nay các nhân viên mục vụ bị giết trên cả 4 châu lục, trong đó nhiều nhất là tại Mỹ Châu là lục địa trong bảy năm liên tiếp vừa qua năm nào cũng đều ở mức kỷ lục. Tám nhân viên mục vụ giết ở đây. Tiếp theo là châu Á với bảy vị, châu Phi với năm vị và cuối cùng là châu Âu với hai vị linh mục ở Tây Ban Nha.

Những con số này chỉ là bề mặt của một tảng băng trôi trong cuộc khủng bố toàn cầu nhắm vào các Kitô hữu. Isis, Boko Haram, sự phân biệt đối xử ở các nước khác nhau, nơi nhà nước ngang nhiên xen mình vào nội bộ các tôn giáo, gây khó khăn cho việc gia nhập Kitô Giáo và biến cuộc sống các Kitô hữu trở nên khó khăn đến mức phải rất anh hùng mới có thể sống niềm tin Kitô của mình, hay thậm chí ở nhiều nơi, họ còn phải chịu các cuộc tấn công và tàn sát. 

Với hồ sơ này và những thông tin kịp thời về cuộc đàn áp đang diễn ra trên thế giới, thông tấn xã Fides của chúng tôi muốn đưa ra ánh sáng những thảm kịch của nhân loại, nhằm khơi dậy lương tâm của tất cả mọi người thiện chí để xây dựng một xã hội công bằng và biết nâng đỡ nhau hơn.

Trong năm 2015, 22 nhân viên chăm sóc mục vụ đã thiệt mạng trên toàn thế giới, nhiều hơn ba vị so với năm 2013. Trong bảy năm liên tiếp vừa qua, nơi một số lượng rất cao các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết là Mỹ Châu. Tính chung, từ năm 2000 đến năm 2015, 396 nhân viên mục vụ, trong đó có 5 giám mục đã thiệt mạng tại lục địa này.

Các nhân viên chăm sóc mục vụ chết vì bạo lực trong năm 2015 là: 13 linh mục, 4 nữ tu, 5 giáo dân. Nếu tính theo các châu lục: ở Mỹ 8 vị; ở Châu Phi 5 vị; ở châu Á 7 vị; và ở châu Âu hai linh mục bị giết.

Phần lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết trong năm 2015 đã chết trong những vụ mưu toan cướp của, và trong một số trường hợp các ngài bị tấn công rất dã man. Đó là một dấu chỉ của một tình trạng suy đồi về đạo đức, nghèo nàn về kinh tế và văn hóa, gây ra bạo lực và sự coi thường tính mạng con người. 

Tất cả các vị bị giết đều sống trong những bối cảnh nhân sinh và xã hội bình thường, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ em mồ côi và người nghiện ma túy, cổ võ và đôn đốc các dự án phát triển hoặc đơn giản là mở tung cửa ngôi nhà của mình cho bất cứ ai. Và một số đã bị sát hại bởi chính những người họ từng giúp đỡ. 

Hiện vẫn còn nhiều quan ngại về số phận của nhân viên chăm sóc mục vụ khác bị bắt cóc hoặc đã biến mất, trong đó chúng tôi không có bất kỳ tin tức, chẳng hạn như ba linh mục dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời bị bắt cóc ở Cộng hòa Dân chủ Congo từ tháng 10 năm 2012; linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall'Oglio, bị bắt cóc ở Syria vào năm 2013, hay cha Phanxicô Dhya Azziz, một linh mục Syria mà chúng tôi đã không có tin tức gì từ ngày 23 tháng 12 vừa qua.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, bóng tối của cái ác lúc nào cũng xuất hiện. Nhưng ánh sáng vẫn còn mạnh mẽ hơn. Ánh sáng của tình yêu vẫn có thể vượt qua sự thù hận và khai mở một thế giới mới.

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/170472.htm

Ai tiếp nối các Nữ Tu Hồng đã cầu nguyện liên lỉ 100 năm và đang tiến hành thêm 100 năm nữa






PHILADELPHIA (AP)/ Trong hơn 100 năm qua, các nữ tu dòng kín được biết với tên Các Nữ Tu Hồng đã thay phiên nhau cầu nguyện liên tục không ngừng nghỉ tại nhà nguyện Divine Love (Chúa Tình Yêu) ở Philadelphia.

Hiện nay để tiếp tục việc cầu nguyện liên lỉ thêm một kỷ nguyên nữa trong lúc nhân số giảm dần, các nữ tu dòng Kính Thánh Thể Công Giáo đã bắt đầu trong âm thầm tìm cách phát triển nhà dòng trong khi vẫn đang duy trì sống đời sống tách biệt với thế giới bên ngoài nơi dòng kín.

Năm ngoái, các nữ tu đã treo biểu ngữ bên ngoài nhà nguyện và tu viện để mời công chúng vào tham dự thánh lễ mỗi ngày. Các nữ tu cũng dành nhiều cuộc phỏng vấn cho các phóng viên. Các hội phụ nữ và trường học cũng được mời nói chuyện với các nữ tu – những cuộc tiếp xúc này đã diễn ra tại phòng ăn, phòng khách trong tu viện.

Thậm chí còn có những tờ truyền đơn kêu mời tham gia cầu nguyện được treo ngay trước cửa của nhà nguyện. Trong đó có ba câu hỏi được đặt ra là: Bạn có yêu Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể không? Bạn có nhận thấy sức mạnh của việc cầu nguyện trước Thánh Thể không ? Chúa Giêsu có mời bạn nói “Có” với đời sống cầu nguyện trước Thánh Thể không ?

“Rất ít khi chúng tôi đi tìm ơn gọi trước một trăm năm. Nhưng hiện nay thì chúng tôi mong muốn các chị em phụ nữ trẻ nhận ra cuộc sống của họ rất đẹp tươi và tràn đầy niềm vui biết bao khi nó không bị dính bén vào cạm bẫy của vật chất,” nữ tu Maria Clarissa, ở tuổi 55 đã nói như vậy. “Chúng tôi làm phần vụ của chúng tôi trong việc kêu mời nhiều thử thách này, đồng thời chúng tôi cũng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chính Ngài sẽ là Đấng sẽ mời gọi,”

Trước đây có khoảng 40 nữ tu sống tại tu viện Philadelphia. Hiện nay thì chỉ còn 20, chị trẻ nhất là 52 tuổi và chị lớn nhất là 90 tuổi. 

Nhà dòng được thành lập ở Hà Lan vào năm 1896 với mục đích chủ yếu là liên tục tôn thờ Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, qua Bánh Thánh là Mình và Máu Chúa Kitô. Màu hoa hồng tượng trưng cho việc vui mừng mà các nữ tu cảm nhận khi tôn vinh Chúa Thánh Thần.

Vào năm 1915, có chín nữ tu trong số chị em ban đầu rời nhà Mẹ để đến Philadelphia và nơi đây họ đã lập ra tu viện thứ hai.

Hiện nay có khoảng 420 nữ tu dòng Kính Thánh Thể đang sống trong 22 tu viện rải rác trong 12 quốc gia. Có ba tu viện khác ở Mỹ là St. Louis; Corpus Christi ở Texas và Lincoln ở Nebraska.

Người ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết có một nhóm nữ tu 20 chị sống đời sống chiêm niệm, ẩn dật gần ngay viện bảo tàng nổi tiếng, địa danh lịch sử và tòa nhà chính phủ Philadelphia. Các nữ tu chỉ ra khỏi dòng kín trong những trường hợp khẩn cấp như đi khám bệnh thôi. Khi phải đi ra ngoài, các nữ tu mặc áo màu xám để khỏi gây chú ý của công chúng.

Đây là một đời sống quên mình, tập trung vào việc cầu nguyện xin ơn cho những người mà các nữ tu chưa hề gặp gỡ hay quen biết. Các nữ tu cầu nguyện hầu như suốt ngày, cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng luân phiên trước Thánh Thể, thông thường các nữ tu thức dậy lúc 5:15 sáng và đi ngủ lúc 8:00 tối.

Ai cũng có việc của mình. Người thì làm thẻ Thánh Lễ, người thì làm tràng hạt, tất cả tiền bán sản phẩm được dùng cho việc chi tiêu của nhà dòng. Những nữ tu khác thì trả lời thư tín, người thì trực điện thoại. Những người gọi tới thường là những người cô đơn hay chán đời muốn tự tử. Các nữ tu chỉ lắng nghe vậy mà lại có kết quả an ủi khác thường.

Các nữ tu có một giờ rảnh tự do và nửa giờ giải trí mỗi ngày. Các nữ tu được phép thăm nhà hay bạn bè ba lần trong một năm. 

Nữ tu Mary Angelica, 55 tuổi nói rằng chị muốn cho những người đã mất đức tin biết rằng luôn luôn có người cầu nguyện cho họ “ về bất cứ việc gì họ cần.”

Các nữ tu vẫn theo dõi những sự kiện xảy ra trong xã hội hiện nay, nhưng các tờ báo gởi tới nhà dòng thì không có môn thể thao cũng như các mục giải trí.

Nữ tu Mary Angelica giải thích rằng, “ Chúng tôi sống đơn giản chừng nào tốt chừng ấy để hoàn toàn chú tâm vào Thiên Chúa. Chúng tôi đơn giản trong mọi thứ, kể cả thức ăn – tuy vậy chúng tôi cũng có kem lạnh vào những dịp lễ đặc biệt.”

Giuse Thẩm Nguyễn
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/169479.htm

Điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha gởi gia đình những người bị quân Hồi Giáo thảm sát trong đêm Giáng Sinh tại Mindanao


Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng trên đảo Mindanao ở miền Nam Philippines và nhắc lại lời kêu gọi tín hữu của mọi tôn giáo hãy từ khước bạo lực nhân danh Thiên Chúa.

Phiến quân Hồi giáo ly khai đã tấn công vào hàng loạt nhà thờ vào tối Vọng Giáng Sinh 24 tháng 12. giết chín thường dân Kitô hữu.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhân danh Đức Thánh Cha, đã gởi một điện văn cho sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân là Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Pinto. Nội dunhg điện văn như sau:

Đức Thánh Cha vô cùng đau buồn khi được biết về những cái chết vô nghĩa của người dân vô tội ở Mindanao, và ngài gửi lời chia buồn đến gia đình của những người bị thiệt mạng. Ngài cầu nguyện xin cho an ninh được sớm tái lập cho tất cả mọi người trong khu vực, ngõ hầu đối thoại, khoan dung và hòa bình có thể cho phép mỗi người được sống tự do khỏi mọi sợ hãi. Ngài tha thiết xin tất cả các tín hữu hãy từ khước bạo lực nhân danh Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, và cầu khẩn những ân sủng thiêng liêng phong phú đem lại an ủi, lòng thương xót và sức mạnh cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/169446.htm

Norm Pattis: người vô thần và cảm nghiệm Giáng Sinh



Norm Pattis là một luật sư vô thần, một cộng tác viên của tờ New Haven, nhân chuyến viếng thăm Vatican và nước Ý dịp Giáng Sinh vừa qua, đã thuật lại cảm nghiệm của ông về một cuộc gặp gỡ vô hình.

Hôm ấy là ngày trước Lễ Giáng Sinh, đáng lý ra tôi phải lăng xăng đây đó, cố gắng đi mua sắm vào những giờ phút cuối trong ngày, và để cho tinh thần ngày nghỉ khuất phục tôi toàn diện mới đúng. Nhưng các bạn thấy đó, tôi đã kháng cự lại cái tinh thần ấy, vì phần nào cảm thấy việc dành một ngày để cử hành chuyện sinh ra đời của Con Thiên Chúa bởi một trinh nữ là điều quá đáng, chịu không thấu.

Nhưng cuối cùng, tôi phải nhường bước, không hẳn vì thần học, cho bằng có cơ hội được ở gần những người tôi thương yêu, và cũng để tránh thế giới một ít ngày.

Các bạn thấy đó, Lễ Giáng Sinh là như thế. Nếu các bạn cứ để mặc nó, ngày lễ sẽ biến đổi các bạn. Ebenezer Scrooge (nhân vật chính trong A Christmas Carol của Charles Dickens) không phải là người duy nhất được tình yêu cởi trói.

Nhưng các bạn sẽ không thấy tôi đi mua sắm vào năm nay, ít nhất không phải gần nhà. Tôi đang viết từ Florence, Ý, sau khi đã ở Rôma một tuần. 

Và, ngay lập tức, tôi bị cái điên dại của thập giá làm cho lặng điếng. 

Phaolô từng viết về cái điên dại trên trong thư thứ nhất gửi cho Giáo Hội Côrintô: “Vì đối với họ, việc rao giảng về thập giá chỉ là thứ điên dại diệt vong; nhưng đối với chúng ta, những kẻ được cứu rỗi, nó là quyền năng của Thiên Chúa”.

Tôi không phải là người được cứu rỗi. Thập Giá là sự điên rồ đối với tôi. Hay hình như thế…

Ở Ý, các bạn không thể tránh được thập giá. Nó có mặt khắp nơi. Ở mọi quảng trường, hình như đều có một ngôi thánh đường. Trong các hốc tường cao ở góc phố, đều có các tượng ảnh tôn giáo đứng nhìn khách thập phương qua lại. Các công trình nghệ thuật công bố các truyện tích về hy sinh, cứu rỗi, và trầm luân. 

Đi trên một con phố ở Ý, là y như các tượng ảnh dõi mắt trông chừng các bạn, nhắc cho các bạn nhớ rằng các bạn không được làm bằng cùng một thứ đá lâu bền ấy.

Hình như, Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi.

Gia đình tôi ở Ý trong mấy ngày trước khi một trong các đứa con của chúng tôi kết hôn ở Anh. Chúng tôi muốn dành ít thì giờ cho riêng chúng tôi trước khi mở cái trang lịch sử mới này. Nhà tôi và tôi tới Rôma một tuần trước khi các con tới, tất cả các cháu đều đã trưởng thành. 

Vâng, Coliseum quả là đồ sộ và Forum quả gây thích thú bất tận. Rôma là một thành phố kiêu sa; nó là thủ phủ của một nền văn minh kéo dài tới nay đã hàng thiên niên kỷ. 

Nhưng điều làm tôi chẩy nước mắt là được thấy Vatican, thấy nó từ một người tội lỗi, một người môi miệng hôi thối, như Isaia từng nói, một người chưa bao giờ làm phiền cửa ra vào một thánh đường, chưa bao giờ cầu nguyện, và là một người hoàn toàn điếc đặc trước âm thánh của đấng thần thiêng. 

Vậy tại sao lại xúc động đến thế?

Vâng, Nhà Nguyện Sistine quả là một kỳ công. Các tranh tường của Michelangelo thuật cho ta nghe những truyện tích quen thuộc của Thánh Kinh, và (Bức) Phán Xét Sau Cùng là lời tuyên bố mạnh mẽ cho vũ trụ thấy một trật tự luân lý. Nhưng các công trình nghệ thuật này quá áp đảo khiến tôi như bất động. Tôi luôn miệng thốt ra “wow”, luôn miệng, ở bất cứ góc nào mình nhìn tới.

Nhưng có một điều gì đó có thực chất hơn là mắt trần có thể thấy, một điều gì đó cứ kéo dài hoài trong im lặng. Nhưng là điều gì, thì tôi nói ra không được, chỉ biết tôi biết rõ tôi cần có nó nhiều hơn nữa.

Chế giễu Giáo Hội là điều dễ làm, cho tới lúc các bạn đứng bên trong một thánh đường. Có một sự thinh lặng trong không khí, gợi ta nghĩ tới một điều thánh thiêng.Tất cả đều thực sự yên tĩnh. Câu truyện về trinh nữ và người con của bà này quá ư là bất cái nhiên, nhưng nó nói lên một sự thật mà gần như tôi có thể nghe thấy: Gần như thôi, như thể cái nhìn của người yêu hơi đi lệch, và chưa chạm được vào mắt tôi. 

Trong khuôn khổ Giáo Hội, tôi thấy có sự an toàn, theo tôi, hết sức đáng ngạc nhiên. Giữa những hỗn mang của thế giới, một điều gì đó vẫn đứng đó, vẫn đứng rất vững, bất chấp thời gian. Tôi tưởng tượng tôi đã kiếm được chỗ đứng ở đó, nếu điều như thế có thể có.

Tôi bỗng nhiên là người cha của đứa con cần được chữa lành: “Con tin, xin Ngài cứu giúp sự bất tín của con”, những lời của Máccô trong Tin Mừng của ngài xuất hiện trong đầu tôi.

Vậy đó, hôm ấy là ngày vọng Lễ Giáng Sinh. Tôi xa nhà và xa nhịp sống quen thuộc, nhưng gần những người tôi thương. Tôi là khách lạ trên một lãnh thổ xa lạ đầy những biểu tượng tôn giáo, những điều mà lý trí vốn dạy tôi phải khinh miệt.

Chúng tôi gọi gia hộ của mình là gia hộ “Hy Lạp Hóa”. Cha tôi xuất thân từ Đảo Crete, nhà tôi là người Do Thái. Chúng tôi không hề cử hành bất cứ ngày lễ tôn giáo nào theo kiểu tôn giáo. 

Nhưng năm nay, chúng tôi sẽ dự Thánh Lễ nửa đêm tại Vương Cung Thánh Đường Sante Croce (Thánh Giá), tại mộ của Michaelangelo. Vào ngày Lễ Giáng Sinh, chúng tôi dự tính tham dự một buổi cử hành nữa tại Nhà Thờ Chính Tòa Sante Maria del Fiore, tức Duomo, kiệt tác của Brunelleschi và là nhà thờ Florence. Người ta cần tới hơn 100 năm mới hoàn thành ngôi thánh đường này, hết thế hệ này sang thế hệ nọ, lao công trong yêu thương để tạo nên một ngôi nhà cho vị Thiên Chúa vô hình. 

Hôm nay Lễ Giáng Sinh, và, tôi xin nhắc một lần nữa, tôi xa nhà, một khách lạ trên một lãnh thổ xa lạ, bao bọc bởi những biểu tượng đức tin mà tôi không chia sẻ. 

Ấy thế nhưng, vào ngay lúc này đây, tôi tràn ngập hoài mong. Tôi ước được những điều mà tuổi thơ của tôi hằng ước mong, chỉ một thoáng nhìn thấy thể thần linh, nghe được tiếng thì thầm của một giọng nói không thân xác. Xương hông của Giacóp bị gẫy khi vật lộn với một thiên thần. Giacóp quả là may mắn. 

Giáo Hội hoàn vũ, một lời nói đã trở thành xác thịt. 

Xin chúc mừng Lễ Giáng Sinh mọi người. Ước chi hòa bình gặp được các bạn trong cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Thế giới hình như đầy những ngạc nhiên.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/169441.htm

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Video: Giáo Hội Năm Châu 22 – 28/12/2015: Giáng Sinh trên khắp thế giới



Xuất bản 26 thg 12, 2015
• Chợ Giáng sinh tại Âu Châu Giáng Sinh trên miền đất của Ba Vua
• Giáng sinh tại Indonesia
• Giáng sinh tại Ethiopia
• Giáng sinh tại Jordan
• Giáng sinh tại Phi Luật Tân
• Australian Catholic Weekly lên tiếng về những tấn kích nhắm vào Đức Hồng Y George Pell
• Thông điệp Giáng Sinh chung của Anh Giáo và Công Giáo Ái Nhĩ Lan
• Ý niệm Thiên Chúa là Cha Giàu Lòng Thương Xót mang nhiều người Mông Cổ đến với Giáo Hội Công Giáo

Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đề tài 1: “Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016:
Đề tài 1:

“Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”

“Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót”
 (Lc 6,36).
Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công Đồng, để xác định hướng đi của Công Đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ”[1]. Muốn thế, Hội Thánh Hiền Thê phải chiêm ngắm và kết hợp thường xuyên với Đấng Phu Quân, là Dung mạo hữu hình của Thiên Chúa Toàn năng Giàu lòng Thương xót.

1. Thiên Chúa Toàn năng và hay Thương xót

“Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136).
Thiên Chúa tỏ lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”[2]. Thiên Chúa là Đấng trung thành (hesed) giàu nhân nghĩa. “Ngài thứ tha mọi lỗi lầm của ngươi, Ngài chữa lành tất cả các bệnh tật của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu. Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103,3-4). “Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ… Chúa nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác xuống đến sát đất” (Tv 147,3.6). Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân Israel Cựu ước trở thành lịch sử cứu độ. Không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha: “vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136). Không phải ngẫu nhiên mà dân Israel đưa thánh vịnh này, được gọi là “Bản trường ca Hallel”, vào những ngày lễ quan trọn nhất. Trước khi chịu Khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh lòng thương xót này.[3]

2. Dung mạo hữu hình của Lòng Thương Xót

“Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã đặt hành động tối thượng này của Mạc khải dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua Khổ Nạn và Cái Chết, ý thức mầu nhiệm Tình yêu cao cả sẽ diễn ra trên Thập Giá.[4] “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Tình Yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ lộ trong hiến tế Thập giá và cả cuộc đời của Chúa Giêsu. “Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa”[5]. Bản thân Người là Tình Yêu ban tặng cách vô điều kiện. “Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng thương xót.”[6]
Chúa chạnh lòng thương (x. Mt 9,36) và nuôi ăn, cả bánh vật chất và bánh tinh thần, đám đông dân chúng đi theo Người đói khát, mệt mỏi và kiệt sức, không người chăn dắt. Chúa cảm thương và hiểu thấu tâm tư những kẻ đến tìm gặp Người (như Giakêu, chị phụ nữ Samaria, Nicôđêmô, người thu thuế Lêvi - Matthêu, người mẹ góa mất con thành Nain, những bệnh nhân, những người bị quỉ ám,…) và đáp ứng những nhu cầu chân thực nhất của họ.

3. Lòng thương xót là tiêu chuẩn nhận biết con cái thật của Thiên Chúa

“Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?” (Mt 18,33).
“Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta: “Chúa Giêsu khẳng định lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua”.[7]
Để có thể sống, tuyên xưng lòng thương xót đó, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý chúng ta “liên tục suy niệm Lời Chúa, nhất là tham dự cách ý thức và có suy nghĩ bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải, mang một ý nghĩa rất lớn. Thánh Thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này”[8].
Trong năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội này, các đức Giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót”[9].

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Cá nhân, gia đình của anh chị có một quyết tâm cụ thể đổi mới gì trong cuộc sống để chiêm ngắm, sống, chia sẻ lòng thương xót cúa Chúa?
  2. Phúc-âm-hóa xã hội trong Năm Lòng Thương xót này có thể được thể hiện ở lãnh vực, hay đối tượng nào cấp thiết nhất ở địa phương của anh chị? Trong vùng, đất nước của anh chị? Và trên thế giới?
Văn Phòng HĐGMVN
Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn

[1] Diễn từ khai mạc CĐ Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia, 11.10.1962, 2-3.
[2] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q.30, a.4.
[3] ĐGH Phanxicô, Misericordiae Vultus, 7.
[4] Ibid.
[5] Ibid. 8.
[6] Ibid.
[7] Ibid. 9.
[8] Dives in Misericordia, 13.
[9] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 3.
Nguồn: http://ubmvgiadinh.org/article/n%C4%83m-th%C3%A1nh-l%C3%B2ng-th%C6%B0%C6%A1ng-x%C3%B3t-%C4%91%E1%BB%81-t%C3%A0i-1-%E2%80%9Cthi%C3%AAn-ch%C3%BAa-h%E1%BA%B1ng-th%C6%B0%C6%A1ng-x%C3%B3t-t%E1%BB%AB-%C4%91%E1%BB%9Di-n%E1%BB%8D-%C4%91%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BB%9Di-kia%E2%80%9D