Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Video: Giáo Hội Năm Châu: 20/04 – 27/04/2015: Tình trạng bạo lực dã man với người nước ngoài tại Nam Phi




Xuất bản 26-04-2015
• Giám Mục Colombia âu lo vì chiến tranh tái tục tại quốc gia này
• Thái Lan và Armenia là hai nước sùng đạo nhất trên thế giới
• Người Armenia trên đất Thổ Nhĩ Kỳ
• Tình trạng của 5 linh mục dòng Salêsiêng Don Bosco tình nguyện ở lại Yemen trở nên nguy hiểm hơn
• Tổng thống Ecuador chào mừng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô
• Hội Đồng Giám Mục Nam Phi đau buồn vì làn sóng bạo lực chống người nước ngoài
• Một năm sau ngày bị khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt, 219 nữ sinh vẫn biệt vô âm tín
• Đức Giáo Hoàng bất ngờ gọi điện thoại cho một ký giả Á Căn Đình
• Nga trả lại ngôi nhà thờ và tu viện Smolny cho Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga

Người Việt là dân tộc đông nhất đang đón chờ Đức Thánh Cha ở Philadelphia



Theo nhiều nguồn tin từ các báo chí Mỹ thì số người Việt Nam ghi danh tham dự 'Hội nghị thế giới gia đình' (WMOF) với Đức Thánh Cha ở Philadelphia vào tháng 9 tới đây là đông đảo nhất trong tổng số 60 sắc dân (không kể người gốc Mỹ) đã đăng ký cho tới nay.

Ngoài số người Việt tị nạn, đã có nhiều người sẽ đến từ Việt Nam, trong đó là một đoàn đại biểu chính thức với 5 giám mục và hơn 30 linh mục.

Theo đức ông Trịnh Minh Trí, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ, thì sẽ còn có nhiều người VN tham gia nữa, đó là chưa kể những người ghi danh 'muộn'.

Chúng tôi bất ngờ đọc được một bài tường thuật khá đầy đủ cuả cô Stephanie Farr cuả tờ Phillynews, xin được phỏng dịch lại cho quí độc giả, (xin thay đổi cách xưng hô dùng tên họ cuả Mỹ bằng cách dùng tên tục theo lối Việt.)

'Đức tin của người Việt Nam thật là khốc liệt' ('Vietnam's faith is fierce')

Ông Vũ Thế Phong đang có một trại nuôi heo nhỏ ở miền Bắc Việt Nam, 200 km phía đông Hà Nội, gần biên giới Trung Quốc.

Nhưng nếu việc xin visa được suôn sẻ, thì ông Phong sẽ có dịp đóng góp tiếng nói của mình cùng với hàng triệu người Công Giáo khác ở Philadelphia , trong dịp 'Hội nghị thế giới gia đình' tổ chức vào tháng chín này, có sự tham dự cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

"[Việt Nam] không có một hội nghị lớn như thế", ông Phong viết qua một email gửi cho tờ Daily News. "Trong thời buổi này, thì các thành viên trong một gia đình cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu nhau, để thông cảm nhau... Vì vậy, WMOF là dịp cho mọi người gặp gỡ và trao đổi."

Bà Tracy Purdy, ở một thế giới khác xa với thế giới cuả ông Phong, sống trong một ngôi nhà lớn ở schwenksville có ánh sáng chiếu qua cửa sổ làm ấm bộ sàn nhà bằng gỗ cứng. Trong suốt tầm nhìn cuả vùng, thì không có một trang trại nuôi heo nào cả, nhưng ngọn tháp của nhà máy điện hạt nhân Limerick thì luôn nổi bật trên những con đường hướng về Philadelphia.

Gia đình bà Purdy theo đạo Mormon ở Pottstown. Khi nhìn thấy áp phích kêu gọi người ta cung cấp chỗ ở tạm cho những người tham dự WMOF , bà Purdy đã đăng ký căn nhà cuả bà, mặc dù bà nghi ngờ rằng sẽ chẳng có ai muốn ở một nơi xa xôi, mất hằng một giờ lái xe từ thành phố.

Nhưng hai tuần trước đây, đã có người đặt phòng đầu tiên - một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Thông ở Việt Nam.

"Sau khi chúng tôi nhận anh chàng này, thì một câu hỏi đặt ra với tôi, là lý do tại sao một người đi mãi từ Việt Nam để được thấy Đức Giáo Hoàng ở Philadelphia, trong khi ngài cũng đang chu du khắp mọi nơi?" Bà Purdy cho biết. "Tôi tò mò hỏi," Tại sao anh lại đến đây? Tại sao lại là Philadelphia? ' "

Các ông Phong và Thông không phải là những người duy nhất muốn làm một cuộc hành trình dài 8.000 dặm (12,800km) từ Việt Nam trong tháng Chín.

Ngay bây giờ, theo bà Lizanne Pando, giám đốc tiếp thị và truyền thông WMOF, thì đã có rất nhiều người Việt Nam đăng ký cho WMOF, nhiều hơn bất kỳ sắc dân nào khác bên ngoài những người nói tiếng Anh.

Trong số khoảng 7.000 người đăng ký cho 60 thứ tiếng cho đến nay, 668 người đã yêu cầu dịch vụ tiếng Việt - và 209 trong số đó là trực tiếp từ Việt Nam, bà Pando cho biết.

"Khởi đầu tôi đã rất ngạc nhiên," bà Pando cho biết. "Nhưng khi nói chuyện với Đức ông Trịnh Minh Trí, thì tôi không còn ngạc nhiên nữa."

Tại sao nhiều như thế?

Đức ông Giuse Trịnh Minh Trí, sinh quán ở VN, đang là cha sở họ đạo St. Helena trên đường 5th Street và Godfrey Avenue, cũng đang hồi hộp với số lượng đăng ký cuả những người đồng hương và ngài hy vọng con số này sẽ còn tăng hơn nữa.

"Đối với người Việt thì bây giờ còn quá sớm!" ngài nói. "Họ thường đợi cho tới phút chót."

Đức ông Trí, cũng là chủ tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ , đang cố gắng để lo liệu cho những nhu cầu di chuyển của một nhóm lớn nhất từ Việt Nam tới, 114 đại biểu chính thức từ Việt Nam, gồm có 5 giám mục và hơn 30 linh mục.

Đức ông Trí thậm chí còn muốn tổ chức một buổi Lễ tiếng Việt vào ngày thứ bảy, ngài đã chính thức mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự. Ngài hy vọng sẽ có khoảng 3.000 người Việt tham dự Thánh Lễ, ban đầu dự định được tổ chức tại nhà thờ giáo xứ St. Helena cuả ngài, nhưng có thể sẽ phải di chuyển đến trường Cardinal Dougherty High School để cho có đủ chỗ.

"Đây sẽ là một tập hợp lớn nhất của người Công Giáo Việt Nam ở bên ngoài Việt Nam", Đức ông Trí nói.

Có ba lý do, Đức ông Trí cho biết, tại sao có rất nhiều người Việt tham dự cuộc hội này: Nhiều người muốn đi du lịch sang Mỹ, nhiều người có thân nhân và sẽ đến thăm họ ở đây, và dĩ nhiên, nhiều người muốn nhìn thấy Đức Thánh Cha Phanxicô.

"Vì vậy, đây là một hòn đá ném được ba con chim", Đức ông Trí nói.

Về phần ông Phong, ông cho biết đã quyết định đăng ký WMOF này khi Đức Thánh Cha công bố tham dự .

"Xin visa đến Hoa Kỳ từ Việt Nam thì không dễ dàng ," ông Phong, 35 tuổi, viết. "Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội cho những người từ Việt Nam có thể mở rộng tầm nhìn về các tổ chức quốc tế."

Các nhà truyền giáo đã rao giảng Đạo Công Giáo ở Việt Nam từ thế kỷ 16 và đã đặt được một nền móng vững chắc vào giữa thế kỷ 17.

"Chúng tôi đón nhận đức tin từ các nhà truyền giáo từ Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha", Đức ông Trí nói.

Theo World Fact Book của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, thì Công Giáo là đạo lớn thứ 2 ở Việt Nam, với 7 % dân số.

Ông Phong , thuộc giáo xứ Trà Cổ của giáo phận Xuân Lộc, cho biết những khi ông không bận công việc nuôi heo hoặc dành thời gian với vợ con, thì ông tham gia công việc cuả giáo xứ địa phương.

"Đó là cái thú cho cuộc sống của tôi," ông viết. "Đức tin của ngưòi Việt Nam thì rất mạnh mẽ. Cả tôi nữa, đức tin gắn bó tôi với Thiên Chúa."

Tại Hoa Kỳ, có hơn 1 triệu người Công Giáo Việt Nam và có hơn 900 linh mục và 600 nữ tu, Đức ông Trí nói. Riêng tại Philadelphia, ước lượng số người Công Giáo Việt Nam có từ 7.000 đến 10.000. Tám giáo xứ trong giáo phận có những Thánh Lễ tiếng Việt thường xuyên.

Xin được visa là rào cản lớn nhất đối với những người từ Việt Nam đi tham dự hội nghị thế giới.

"Tôi đang chờ được thị thực", ông Phong viết. "Xin hãy cầu nguyện cho tôi."

Cha Bruce Lewandowski, đại diện cho Bộ văn hóa cuả Tổng Giáo Phận và là Chủ tịch cuả Ủy ban thị thực và nhập cư của WMOF, cho biết hầu hết những người nước ngoài đến đây là từ các nước đòi hỏi phải có thị thực visa.

Ban visa và nhập cư, gồm nhiều luật sư và tình nguyện viên, đang làm việc để cung cấp cho những người đăng ký có những hồ sơ cần thiết cho cuộc phỏng vấn xin thị thực của họ, trong đó là thư mời cá nhân từ WMOF, cha Lewandowski cho biết.

"Bạn sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất trong cuộc phỏng vấn mà thôi, hoặc được hoặc mất" ngài nói.

Một khi đơn xin thị thực được phê duyệt, thì việc có nhà ở cho chuyến viếng thăm là vấn đề tiếp theo.

"Ngay bây giờ, chúng tôi đang tập trung vào các nhà trọ vì không còn có khách sạn nữa", Đức ông Trí nói.

Bà Purdy, người mở cửa căn nhà ở schwenksville với một dịch vụ du lịch độc lập ở Việt Nam, cho biết bà tình nguyện ngôi nhà là để cho gia đình bà được tiếp xúc với một nền văn hóa mới.

"Tất cả những người Công Giáo mà tôi biết ở đây... Là hạng người Công Giáo cho 2 lễ Phục sinh và Giáng sinh", bà Purdy cho biết. "Vì vậy mà khi thấy những người mộ đạo đi từ Việt Nam đến để gặp giáo hoàng, nó làm cho tôi rất tò mò."

Mặc dù không phải là Công Giáo, bà Purdy cho biết bà hâm mộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

"Tôi là loại 'fan' cuả ngài," bà nói.

Người Việt Nam cũng hâm mộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức ông Trí nói.

"Nhờ ở quá trình làm việc với người nghèo, những người từ thế giới thứ ba có thể liên hệ với ngài dễ dàng," Đức ông Trí nói. "Ngài thực tế xuống tận đất đen. Ngài nói từ trái tim mình."

"Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô chú ý đến những người nghèo khó làm cho tôi có ấn tượng với ngài", ông Phong nói. "Tôi hy vọng một ngày nào đó, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Việt Nam. Chúng tôi yêu mến ngài."

Sau khi có thị thực và nhà trọ, thì bước tiếp theo là cung cấp bản dịch và giải thích các dịch vụ cho người hành hương Việt Nam.

Vì WMOF là một đại hội quốc tế, cho nên đã phải cung cấp 5 ngôn ngữ chính là: tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bà Pando cho biết.

Nhưng Đức ông Trí đang hy vọng tiếng Việt Nam sẽ được dùng trong năm nay.

"Do số lượng đăng ký và sự nhiệt tình của cộng đồng người Việt, Hội nghị Thế giới của gia đình đã bắt đầu làm việc hướng tới việc giải thích và những bản dịch bằng tiếng Việt," bà Pando cho biết. "Nhưng chưa có gì đã được hoàn tất."

Với những người Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đến Philadelphia, Đức ông Trí tin rằng cơ hội tốt nhất cho tất cả mọi người gặp gỡ nhau là một Thánh Lễ tiếng Việt vào thứ bảy ngày 26 Tháng Chín.

Năm vị giám mục từ Việt Nam sẽ đồng tế và Đức ông Trí đang kêu gọi các ca đoàn Công Giáo từ 200 giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng tham gia vào một ban hợp xướng.

Việc Đức Giáo Hoàng có tham dự Thánh Lễ hay không thì chưa rõ được.

"Tôi viết cho ngài, và nói:' Đây là điều tốt nhất cho Việt Nam, đây là một tập hợp tốt nhất của người Công Giáo Việt Nam,'" Đức ông Trí nói. "Một chuyến thăm 5 phút sẽ là một phước lành cho tất cả chúng con."

Trong khi chờ đợi đến tháng Chín, Đức ông Trí không chỉ mong muốn được thăm hỏi những người từ cố hương đến nhưng cũng mong mỏi được thấy mọi người từ khắp nơi trên thế giới tương tác với nhau, tại Philadelphia, nơi quê hương mới của mình.

"Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Sự việc là mọi người tìm đến với nhau, sẵn sàng đi, để tìm hiểu và nhìn thấy những khuôn mặt khác nhau. Hiệp nhất trong Giáo Hội bằng cách đó. Thật là đẹp," ngài nói. "Giống như ở trong vườn, bạn nhìn thấy nhiều bông hoa khác nhau. Tôi không biết những bông hoa có giao tiếp với nhau hay không, nhưng thật là đẹp."
Trần Mạnh Trác
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/136208.htm

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Tin Mừng Chúa nhật IV Phục Sinh - Năm B

Kết quả hình ảnh cho chúa chiên lành

PHÚC ÂM: Ga 10, 11-18
"Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".


Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=10018

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi


VATICAN. Chúa nhật thứ tư Phục Sinh 26-4-2015, Chúa nhật Chúa Chiên Lành, cũng là Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi lần thứ 52.

Trong ngày này, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để truyền chức linh mục cho 19 Phó Tế, như một cử chỉ khích lệ ơn gọi.

Tình hình ơn gọi trong Giáo Hội trên thế giới hiện nay không khả quan lắm. Theo thống kê mới nhất của Tòa Thánh, số tín hữu Công Giáo trong năm 2013 gia tăng và có 1 tỷ 253 triệu người, tức là tăng thêm 25 triệu, tương đương với 2%, so với năm 2012 trước đó. Số LM triều và dòng tăng thêm 1035 vị, và hiện có 415.348 vị: số LM giáo phận liên tục gia tăng tại Phi châu, Á châu và Mỹ châu. Tuy nhiên tại Âu Châu, số LM tiếp tục giảm. Đặc biệt số nữ tu trong Giáo Hội tiếp tục giảm sút trầm trọng và năm 2013 còn 639.575 chị, tức là giảm 1,2% so với năm trước đó, và giảm 6,1% so với tình trạng năm 2008. Bắc Mỹ có số nữ tu giảm nhiều nhất: 16.6% trong vòng 5 năm qua, tiếp đến là Âu Châu: giảm 12,6% trong cùng khoảng thời gian đó.

Một điều đáng lo nữa, đó là số đại chủng sinh triều và dòng trên thế giới liên tục giảm sút trong 2 năm qua, và còn 118.251 thầy tính đến cuối năm 2013, tức là giảm mất 2.365 thầy kể từ cuối năm 2011.

Những sự kiện đó càng thúc đẩy các tín hữu quan tâm, gia tăng cầu nguyện cho ơn gọi và góp phần vào việc khơi dậy, nuôi dưỡng và hỗ trợ việc mục vụ ơn gọi.

Như mọi năm, nhân dịp Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi, ĐTC đã công bố sứ điệp để nhắn nhủ các tín hữu về ngày này. Năm nay Sứ điệp có chủ đề là ”Xuất hành, kinh nghiệm cơ bản về ơn gọi”. Chúng tôi xin gửi đến quí vị toàn văn sứ điệp của ĐTC.

Toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật thứ 4 mùa Phục Sinh trình bày cho chúng ta hình ảnh vị Mục Tử nhân lành biết rõ các chiên của mình, kêu gọi, nuôi dưỡng và dẫn dắt chúng. Trong chúa nhật này, từ hơn 50 năm nay, chúng ta cử hành Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi. Mỗi lần Ngày này đều nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của việc cầu nguyện, để, - như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ, - ”xin chủ mùa gặt sai nhiều thợ đến làm việc trong mùa gặt của Người” (Lc 10,2). Chúa Giêsu diễn tả mệnh lệnh này trong bối cảnh một cuộc sai đi truyền giáo: ngoài 12 tông đồ, Chúa còn gọi 72 môn đệ và sai họ đi từng hai người một để thi hành sứ vụ (Lc 10,1-16). Thực vậy, nếu Giáo Hội ”tự bản chất là truyền giáo” (Ad Gentes 2), thì ơn gọi Kitô chỉ có thể nảy sinh giữa lòng kinh nghiệm truyền giáo. Như thế, lắng nghe và theo tiếng Chúa Kitô Vị Mục Tử nhân lành, để cho mình được Chúa thu hút và dẫn dắt, dâng hiến chính cuộc sống của mình cho Chúa, có nghĩa là để cho Chúa Thánh Linh dẫn đưa chúng ta vào trong năng động truyền giáo, khơi dậy nơi chúng ta ước muốn và lòng can đảm vui mừng hiến dâng cuộc sống chúng ta, dành cuộc sống để phục vụ chính nghĩa Nước Thiên Chúa”.

Sự hiến dâng cuộc sống của mình trong thái độ truyền giáo chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có khả năng ra khỏi chính mình. Vì thế, trong Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 52 này, tôi muốn suy tư về sự 'xuất hành' đặc biệt, tức là ơn gọi, hay đúng hơn, là lời đáp trả của chúng ta đối với tiếng gọi của Thiên Chúa gửi đến chúng ta. Khi chúng ta nghe từ ”xuất hành”, chúng ta nghĩ ngay đến khởi đầu lịch sử tuyệt vời của tình yêu giữa Thiên Chúa và dân tộc con cái ngài, một lịch sử tiến qua những ngày thê thảm, làm nô lệ ở Ai Cập, việc Chúa gọi ông Môisê, biến cố giải thoát và hành trình tiến về đất hứa. Sách Xuất Hành, cuốn thứ hai trong bộ Kinh Thánh, kể lại lịch sử ấy, trình bày một dụ ngôn về toàn thể lịch sử cứu độ, và năng động cơ bản của niềm tin Kitô. Thực vậy, tiến từ trình trạng nô lệ của con người cũ tới cuộc sống mới trong Chúa Kitô chính là công trình cứu độ diễn ra nơi chúng ta nhờ đức tin (Ep 4,22-24). Tiến trình này thực sự là một ”cuộc xuất hành”, là hành trình của tâm hồn Kitô và của toàn thể Giáo Hội, là hướng đi quyết định của cuộc sống hướng về Chúa Cha”.

”Nơi căn cội của mỗi ơn gọi Kitô có một chuyển động cơ bản của kinh nghiệm đức tin: tin có nghĩa là rời bỏ chính mình, ra khỏi tiện nghi thoải mái và sự cứng nhắc của cái tôi để tập trung cuộc sống của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô; giống như Tổ Phụ Abraham rời bỏ quê hương, lên đường trong niềm tín thác, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ chỉ đường cho để tiến về đất mới. Không được hiểu sự ”ra đi” này là sự coi rẻ cuộc sống, coi nhẹ tâm tình và nhân tính của mình, trái lại, ai lên đường theo Chúa Kitô thì sẽ tìm được cuộc sống sung mãn, đặt trọn bản thân phụng sự Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: ”Ai từ bỏ gia cư, hoặc anh em, chị em, cha mẹ, hay con cái, đồng ruộng, vì danh Thầy, thì sẽ nhận được gấp trăm và sẽ được sự sống đời đời làm gia sản” (Mt 19,29). Tất cả những điều ấy có ăn cội sâu xa nơi tình yêu. Thực vậy, ơn gọi Kitô trước tiên là một lời mời gọi yêu thương, thu hút và gửi chúng ta đi xa hơn bản thân mình, giải tỏa sự tập trung vào mình, khơi lên một ”cuộc xuất hành trường kỳ ra khỏi cái tôi bị khép kín để giải thoát nó qua sự hiến thân, và nhờ đó tiến về sự tìm lại bản thân, hay đúng hơn là sự khám phá Thiên Chúa” (Deus Caritas est, 6).

ĐTC viết tiếp: ”Kinh nghiệm xuất hành chính là mô hình của đời sống Kitô, nhất là những người đón nhận ơn gọi đặc biệt tận hiến phục vụ Tin Mừng. Kinh nghiệm ấy hệ tại thái độ luôn tái hoán cải và biến đổi, luôn luôn tiến bước, đi từ sự chết đến sự sống như chúng ta cử hành trong toàn thể mục vụ: đó là một năng động vượt qua. Xét cho chúng, từ việc Chúa gọi Abraham tới việc kêu gọi Môisê, từ hành trình của Israel trong sa mạc cho đến cuộc hoán cải như các ngôn sứ rao giảng, cho đến hành trình thừa sai của Chúa Kitô, với tột đỉnh là cái chết và sự sống lại của Ngài, ơn gọi luôn luôn là một hoạt động của Thiên Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ban đầu của mình, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ, kéo chúng ta ra khỏi tập quán và sự dửng dưng, phóng chúng ta hướng về niềm vui hiệp thông với Thiên chúa và anh chị em. Vì thế, đáp lại tiếng gọi của Chúa chính là để cho Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ổn định giả tạo của mình để lên đường tiến về Chúa Giêsu Kitô là đích điểm đầu tiên và cuối cùng của đời ta, và là hạnh phúc của chúng ta”.

Năng động xuất hành không chỉ liên quan tới mỗi ơn gọi riêng, nhưng còn tới hoạt động truyền giáo và loan báo Tin Mừng của toàn thể Giáo Hội nữa. Giáo Hội thực sự trung thành với Thầy Thánh theo mức độ đó là một Giáo Hội ”đi ra ngoài”, không bận tâm về chính mình, về những cơ cấu và những chinh phục của mình, nhưng có khả năng ra đi, chuyển động, gặp gỡ các con cái Thiên Chúa trong hoàn cảnh thực tế của họ và đồng cảm với những vết thương của họ. Thiên Chúa ra khỏi chính mình, trong tác động yêu thương của Ba Ngôi, lắng nghe lầm than của dân Ngài và can thiệp để giải thoát họ (Xh 3,7). Cả Giáo Hội cũng được mời gọi sống và hành động như vậy: Giáo Hội loan báo Tin Mừng, đi ra ngoài gặp gỡ con người, loan báo lời giải thoát của Tin Mừng, chữa trị những vết thương của các linh hồn và thể xác bằng ơn thánh của Húa, nâng đỡ người nghèo và những người túng thiếu.

Anh chị em thân mến, sự xuất hành có đặc tính giải thoát, hướng về Chúa Kitô và những người anh em, cũng chính là con đường để hiểu trọn vẹn con người và làm tăng trưởng về mặt nhân bản và xã hội trong lịch sử. Lắng nghe và đón nhận tiếng gọi Chúa không phải là một vấn đề riêng tư và duy nội tâm, có thể bị lẫn lộn với cảm xúc nhất thời; trái lại đó là một dấn thân cụ thể, thực tế và trọn vẹn, bao trùm trọn cuộc sống của chúng ta, đặt cuộc sống ấy phục vụ cho việc xây dựng Nước Chúa trên trái đất này. Vì thế, ơn gọi Kitô, được ăn rễ sâu nơi sự chiêm ngắm trái tim của Chúa Cha, đồng thời thúc đẩy dấn thân liên đới giải thoát những người anh chị em, nhất là những người nghèo khổ nhất. Người môn đệ của Chúa Giêsu có con tim rộng mở đối với chân trời vô tận của Chúa và sống thân mật với Chúa, không bao giờ họ trốn chạy cuộc sống và thế giới, nhưng trái lại, ”họ sống theo tình hiệp thông truyền giáo” (E.G. 23).

ĐTC cũng khẳng định rằng:

”Tiến trình xuất hành hướng về Thiên Chúa và tha nhân như thế làm cho đời sống chúng ta đầy vui mừng và ý nghĩa”. Tôi muốn nói điều đó nhất là với các bạn trẻ là những người do tuổi và quan niệm của họ về tương lai đang mở ra trước mắt họ, họ biết sẵn sàng và quảng đại. Nhiều khi những điều bất định và lo âu về tương lai và không chắc chắn về cuộc sống thường nhật có nguy cơ làm tê liệt đà tiến của họ, cản trở những giấc mơ của họ, đến độ họ nghĩ là không bõ dấn thân, và Thiên Chúa của đức tin Kitô giới hạn tự do của họ. Trái lại, hỡi bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ ra khỏi chính mình và lên đường! Tin Mừng là Lời giải thoát chúng ta, biến đổi và làm cho đời sống chúng ta trở nên tươi đẹp hơn. Thật là đẹp dường nào khi để cho tiếng gọi của Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, đón nhận Lời Chúa và bước theo vết của Chúa Giêsu, trong sự thờ lạy mầu nhiệm Thiên Chúa và quảng đại hiến thân cho tha nhân! Cuộc sống của các bạn ngày càng trở nên phong phú và vui tươi hơn!

”Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của mọi ơn gọi, đã không sợ thưa ”Xin vâng” đối với tiếng gọi của Chúa. Mẹ tháp tùng và hướng dẫn chúng ta. Với lòng can đảm quảng đại, Mẹ Maria đã hát lên niềm vui ra khỏi chính mình và phó thác những dự phóng cuộc sống của Mẹ cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để hoàn toàn sẵn sàng đón nhận ý định của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta; để chúng ta gia tăng ước muốn ra đi và ân cần hướng về người khác (Xc Lc 1,39). Xin Mẹ Maria bảo vệ và chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

Vatican ngày 29-3-2015, Chúa nhật lễ lá.

Phanxicô Giáo Hoàng 

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2015/04/22/s%E1%BB%A9_%C4%91i%E1%BB%87p_%C4%91tc_phanxic%C3%B4_nh%C3%A2n_ng%C3%A0y_th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi_c%E1%BA%A7u_cho_%C6%A1n_g%E1%BB%8Di/1138751

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Tượng Chúa Giêsu Vô Gia Cư (Homeless Jesus)

Một bức điêu khắc Chúa Giêsu trong hình hài một người vô gia cư đã không được nhà thờ chính tòa ở Toronto và New York đón nhận, nhưng cuối cùng lại được đặt ở Vatican, sau khi giáo hoàng Phanxicô bày tỏ lòng ái mộ của ngài với bức tượng này.

Trong 2 năm, chẳng có ai chịu nhận bức tượng này: một tượng Chúa Giêsu bằng kích cỡ người thật, đang ngủ trên ghế đá công viên với đôi chân trần hằn vết đinh, và từ trong chăn ngoái cổ nhìn ra ngoài.


Nhưng giờ đây Chúa Giêsu Vô Gia Cư và điêu khắc gia người Canada đã có một người hâm mộ mới ở Vatican: Giáo hoàng Phanxicô.

Timothy Schmalz đưa bản gốc bằng gỗ của bức tượng này đến quảng trường thánh Phêrô ngày thứ tư, 20-11-2013 để giới thiệu với vị lãnh đạo của toàn Giáo hội Công giáo. Sau buổi tiếp kiến chung, giáo hoàng đã cầu nguyện và làm phép bức tượng.

Schmalz nói rằng, “Thật quá sức, quá đỗi ngạc nhiên khi một điêu khắc gia được thế này. Sau đó, các viên chức Vatican giới thiệu tôi với giáo hoàng Phanxicô và ngài nói ngài nghĩ là tượng Chúa Giêsu Vô Gia Cư là một tác phẩm điêu khắc đẹp. Và chẳng phải nói, tôi quá sức phấn khích vì điều này.”



Bản gốc bằng gỗ được đưa đến một trong những tòa nhà của Vatican, và ông Schmalz cho biết mình đang tìm một địa điểm ngoài trời gần quảng trường thánh Phêrô để đặt bức tượng đồng to bằng người thật.

Ông Schmalz, 44 tuổi, là nghệ sỹ điêu khắc về chủ đề Kitô giáo, sống tại St. Jacopbs, gần Waterloo, Ontario, Canada. Ông cho biết, suốt 2 năm trời sau khi tạo thành tác phẩm dài 2.5 mét này, ông chẳng thể tìm được chỗ nào để trưng bày. Cả nhà thờ chính tòa thánh Michael ở Toronto và nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở New York, đều từ chối.

Tượng Chúa Giêsu Vô Gia Cư, cuối cùng tìm đường đến Regis College, trường thần học của dòng Tên tại Đại học Toronto. Sau khi được đặt tại đó từ tháng 4, có hai người hâm mộ trong Giáo hội Công giáo đã giới thiệu tác phẩm này của Schmalz đến Vatican. Vài tuần sau, ông được mời dự buổi tiếp kiến chung của giáo hoàng.

Schmalz nói rằng góc nhìn về Chúa Giêsu như một người vô gia cư, lấy cảm hứng từ trong Tin Mừng theo thánh Matthêu. Chúa Giêsu bảo các môn đệ rằng bất kỳ lúc nào họ giúp một người cần kíp, “người nhỏ nhất trong anh chị em của Ta”, là họ đang giúp đỡ Ngài.

Ông Schmalz nói, “Nếu bạn đến Roma, và đến tất cả các nhà thờ chính tòa đẹp đẽ, bạn sẽ không thấy một hình tượng nào của Chúa Giêsu thể hiện Ngài gần gũi với những người ngoài rìa xã hội. Mà tôi dám nói đó là một trong những thông điệp quan trọng nhất của Tin Mừng.”

Và đó cũng là thông điệp mà giáo hoàng Phanxicô đã ấp ủ từ đầu triều giáo hoàng của ngài. Ngài đã nổi tiếng vì hành động vươn tay đến những người ngoài rìa xã hội, từ việc thăm các khu ổ chuột ở Ba Tây, rửa chân những tội phạm, cho đến việc ôm chầm lấy một người dị tật trầm trọng trên quảng trường thánh Phêrô.

Trong một văn bản phát hành ngày thứ ba, thể hiện nhãn quan cho triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đặc biệt về việc đấu tranh chống lại bất bình đẳng và bị xã hội loại trừ.

Cha Michael Czerny, linh mục dòng Tên người Canada, làm việc trong Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cũng là người đã giúp lên lịch cho cho chuyến đi của Schmalz, nói rằng, “Ngài muốn thấy tất cả mọi người môn đệ Chúa Kitô, và những người thiện ý khác, vươn ra đến những người, mà theo lời ngài là, ngoài rìa.

Thông điệp này là “những ai cảm thấy mình là người sau chót, người nhỏ bé nhất, và bị lãng quên nhất, thực sự là tâm điểm bận tâm của chúng ta. Tác phẩm của Schmalz nói lên điều này một cách hiển hiện, một cách thật đẹp.”

Schmalz nói rằng ông đang xúc tiến với các luật sư và chuyên gia tại Vatican để có thêm một tượng Chúa Giêsu Vô Gia Cư được đặt gần quảng trường thánh Phêrô để những người hành hương từ khắp thế giới có thể thấy. Và do địa điểm này nằm trên lãnh địa thành phố Roma, nên cần có sự phê chuẩn của hội đồng thành phố.

Schmalz đã gởi một tượng Chúa Giêsu Vô Gia Cư đến Chicago, nơi có một địa điểm cố định lâu dài dành cho bức tượng này. Và một phiên bản nữa cũng đang trên đường đến Perth, Australia. 

Nguồn: thestar.com, Stephanie MacLellan. J.B. Thái Hòa dịch

Điêu khắc gia Timothy P. Schmalz (sinh 1970) tạc một pho tượng đồng lớn bằng người thật (2,5m), nằm co ro và trùm chăn kín mít, nhưng đôi chân thò ra ngoài và có dấu đinh. Thì ra đó là Chúa Giêsu vô gia cư, tứ cố vô thân!


Sau hai năm bị nhiều nơi từ chối, bức tượng “Homeless Jesus” (Chúa Giêsu Không Nhà) đã được “dừng chân” và “cư ngụ” tại Quảng trường Thánh Phêrô vào dịp Giáng Sinh năm nay – 2013. Ý tưởng của Timothy Schmalz thật sâu sắc và độc đáo. Bức tượng “Chúa Giêsu Không Nhà” của Timothy Schmalz là tiếng chuông cảnh báo mỗi chúng ta về việc thực hành đức ái sao cho đúng nghĩa, đúng ý Chúa.

ĐGH Phanxicô là “người của dân nghèo”, sống tinh thần của Thánh khất sĩ Phanxicô Assisi (Vị sáng lập Dòng Phanxicô, Dòng Anh Em Hèn Mọn). ĐGH Phanxicô rất thích bức tượng này, ngài đã cầu nguyện trước bức tượng và đã làm phép bức tượng “Chúa Giêsu Không Nhà” của nghệ sĩ Timothy Schmalz.
Tác giả bài viết: Tổng hợp
Nguồn tin: vi-vn.facebook.com
Đăng lại từ: http://cuucshuehn.net/index.php?language=vi&nv=news&op=Nghe-thuat/Tuong-Chua-Giesu-Vo-Gia-Cu-Homeless-Jesus-6894

Tình yêu sau hôn nhân

WGPSG -- "Ai sống yêu thương, sẽ được thương yêu"
Có những chàng trai mong có sự nghiệp thì được sự nghiệp, người xin có người yêu thì được người yêu, kẻ thì cầu gì được nấy... Tuy nhiên, họ vẫn cảm thấy thiếu thốn một điều gì đó trong cuộc sống. Cầu nguyện mãi, đến một thời gian sau, mới biết là mình đã được Thầy yêu thương mời gọi. Mỗi người được gọi mỗi cách khác nhau, và cùng có cảm nhận khi đã được Thầy kêu gọi rồi thì dù ở bất cứ nơi nào, dù đang ở trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ buông bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Thầy.
Một vị tân linh mục lại cảm nhận ơn gọi như là một tình yêu sau hôn nhân. Với một tuổi thơ thiếu vắng cha từ khi lên bảy, bao nhiêu tình thương đều dành cho mẹ sau khi người cha qua đời. Trong ký ức của cha vẫn còn nhớ đến những người bạn thời thơ dại cùng vui đùa với nhau qua các trò chơi trẻ con. Cha cũng không quên thời trung học với những nghịch ngợm của tuổi thiếu niên và các bạn học thân thiết, có bạn quá hiền đến nỗi thầy dạy Toán khó khăn phải bái phục, và cũng quá khờ đến độ không biết đường đi ra khỏi vòng xoay mới được dựng xây. Trên tất cả là tình thương dành cho người mẹ, với suy nghĩ là không thương ai bằng mẹ được. Do đó, khi mẹ xuất ngoại cùng em gái, cha đã vào nhà dòng không phải vì yêu đời tu mà vì bị hụt hẫng. Nhưng, theo năm tháng dần trôi, cuộc sống vừa cầu nguyện vừa làm việc trong dòng tu chẳng những đã giúp cho cha trưởng thành mà còn làm cho tình thương dành cho Chúa tăng dần theo cấp số nhân. Cha rất tâm đắc lời của Thánh Phanxicô Assisi: "Sau khi đã từ bỏ thế gian, chúng ta chỉ có một việc phải làm là tuân theo thánh ý Chúa và làm đẹp lòng Người".  Và cha đã cảm nhận ra rằng tình thương dành cho Chúa càng ngày càng nhiều hơn, hơn cả tình thương dành cho mẹ.
Đối với cha, ngày vui nhất đời không phải là ngày được thánh hiến mà là ngày Khấn lần đầu. Một lần khấn là cả trọn đời sống yêu thương và được thương yêu. Như lời bài Phúc Âm trong Thánh lễ Tạ ơn "Ai yêu mến Thầy thì ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy". Như vậy là quá đủ cho hành trình yêu thương mà cha đã theo đuổi. Như vậy cũng đủ để thể hiện tình thương cúi xuống rửa chân cho nhau như Thầy đã nêu gương. Ngày truyền chức chỉ như là ngày chính thức hóa cho lời khấn đem lại niềm vui tận hiến. Lòng biết ơn cha mẹ và tình thương dành cho thân nhân vẫn thể hiện trong lời cảm ơn cuối Thánh lễ đồng tế và trong lời nói vui: "Gia đình và người thân cứ xưng hô với con như bình thường, miễn là khi con nói bình an của Chúa ở cùng anh chị em thì đừng đáp lại 'và ở cùng Tuấn' là được rồi". Niềm hân hoan trong tình yêu dành cho Chúa đã làm cho cậu bé với biệt danh 'già' ngày nào trở nên người cha trẻ trung đầy sức sống.
Nguyện cho niềm vui đời tu của cha kéo dài mãi trong cuộc sống, giúp cha luôn kiên trung với tình yêu sâu lắng dành cho Thầy Giêsu.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150420/30300

Dòng Đức Bà Sài Gòn: Hội ngộ giới trẻ

WGPSG -- Từ sáng thứ Bảy ngày 18/04/2015, tại khuôn viên nguyện đường Dòng Đức Bà Sài Gòn đã diễn ra buổi Hội ngộ giới trẻ thuộc các lưu xá của Dòng như: Đà Lạt, Cần Thơ, Sài Gòn, Đak Nông, Vĩnh Long v.v... Tham dự có khoảng hơn 200 sinh viên trong các màu áo riêng của đoàn đã làm cho bầu khí trở nên vui tươi khởi sắc.
Đến 15g30 Sr. Maria Lê Thị Thanh Nga, Giám tỉnh Dòng Đức Bà Sài Gòn tuyên bố lý do và khai mạc chương trình.
Lý do: Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 450 năm của cha Thánh Pierre Fourier và 80 năm Dòng Đức Bà hiện diện tại VN.
Mục dích: a- Giới thiệu với giới trẻ về tuổi trẻ của 2 vị thánh tiền bối của Dòng là cha Thánh Pierre Fourier và Á thánh Alix Le Clerc. Dòng Đức Bà hoạt động theo lời truyền dạy của Đức Mẹ ban cho chị Chân phước Alix Le Clerc là: “HÃY LÀM CHO NGÀI LỚN LÊN”. b- Khám phá tiềm năng bản thân để thi hành sứ mạng phục vụ tha nhân, giáo hội và xã hội. Hướng dẫn Ơn gọi Kitô hữu và sứ mạng giáo dục giới trẻ.
Tham dự buổi lễ gồm: quý cha và sư huynh La Salle diễn giả, quý nam nữ tu sĩ và trên 200 thanh niên nam nữ trẻ của các lưu xá thuộc Dòng Đức Bà.
Sau lời khai mạc là phần sinh hoạt khởi động rất sôi nổi trong 1 giờ.
Đến 16g bắt đầu phần tọa đàm và hỏi đáp thắc mắc.
Phần tọa đàm có 2 diễn giả: Frère Thái Sơn Minh, dòng La Salle và Cha PX Nguyễn Minh Thiệu, dòng Don Bosco.
Frère Thái Minh Sơn trình bày chủ đề: “Tuổi trẻ, Tiềm năng và Sứ Mạng”.
Frère mở đầu với lời cầu nguyện: Hôm nay tuổi trẻ chúng con đứng trước Thiên Chúa, Hội Dòng và sự hiện diện của anh chị em, xin Chúa cho chúng con biết đứng thẳng với ba tính chất của: Giới trẻ, Kitô hữu và Con người.
Xin Chúa cho chúng con biết đứng thẳng trước Chúa và Hội dòng cách khiêm tốn, đứng thẳng để đồng hành với tha nhân một cách kiêu hãnh, đứng thẳng để luôn phục vụ và cầu nguyện. Xin Chúa cho chúng con có được sự thinh lặng bên trong, bên ngoài để lan tỏa ra những người bên cạnh. Xin Chúa cho chúng con biết tự khám phá sức trẻ của chúng con để lên đường phục vụ thế giới, Giáo hội  và xã hội.
Frère tiếp: Tiềm năng tươi trẻ là không phạm tội. Bài chia sẻ kéo dài 35 phút và có hỏi-đáp.
Tiếp theo là phần trình bày của Cha PX Nguyễn Minh Thiệu, dòng Don Bosco, với đề tài: “Tuổi trẻ: Thành phần quý báu nhất, nhưng cũng mỏng dòn nhất”.
Cha trình bày 3 tiêu đề: Tuổi trẻ thật quý báu, là niệm vui và hy vọng. Tuổi trẻ cũng mỏng dòn. Để sống tuổi trẻ sung mãn và tròn đầy.
Cha lấy dẫn chứng: 1. “Tuổi trẻ là bình minh của cuộc đời”. “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. “Tuổi trẻ hôm nay là thế giới ngày mai”. 2. “Các ban trẻ là niềm vui của hiện tại và tương lai” (trích lời ĐTC Phanxicô).
Tuổi trẻ là hy vọng của gia đình, giáo hội và xã hội. Tuổi trẻ là quà tặng của Thiên Chúa trao ban.
Sức mạnh, động lực của giới trẻ là sáng tạo và sản xuất. Giới trẻ giàu có về thời gian và sức khỏe. Cha đã đưa ra nhiều con số thống kê tiêu cực do những hệ lụy của sự chọn lựa và nhận định sai lầm các tiềm năng của giới trẻ. Do thiếu vắng sự đồng hành của Đức Kitô vì họ không biết tựa vào Ngài như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hiệu triệu với các bạn trẻ vì các bạn là thành phần quan trọng cho Giáo hội, xã hội và gia đình: “Hỡi tuổi trẻ thân mến, trong Chúa Kitô, những ước mơ thiện hảo và hạnh phúc của các bạn được thành tựu viên mãn. Hãy hướng đến Đức Kitô, tựa vào Đức Kitô, đặt nền tảng nơi Đức Kitô. Tuổi trẻ là thời kỳ nảy sinh tình yêu, đừng để giá trị này ra ô uế”.
Cha trích thêm lời của ĐTC Phanxicô, trong kỳ ĐHGT năm 2015, dịp Lễ Lá: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. Ý nghĩa của Ngài muốn nóì về tiềm năng tình yêu của giới trẻ.
Cha kết thúc phần chia sẻ với lời Thánh Phaolô về đức mến: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất”.
Cha mạnh dạn kêu mời: “Các bạn hãy đi ngược giòng để phá tan phong trào văn hóa tạm bợ”.
Tràng phào tay kéo dài kết thúc phần tọa đàm đầy tính nhân bản và giúp tuổi trẻ no nê kiến thức cũng như cách chọn lựa đúng đắn cho các tiềm năng của mình. Nhất là tiềm năng tình yêu. 
Tiếp nối là phần ăn nhẹ. 
Quan trọng không kém là phần sinh hoạt vui nhộn ý nghĩa và trong âm điệu bài “Ra khơi cùng với Đức Kitô”. Nghi thức Sai đi với nhạc cảnh “Những mảnh đời quanh ta”. Hát múa, cử điệu với bài: “Ra khơi cùng với Đức Kitô”. Nghi thức Sai đi diễn ra rất linh thiêng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ cho các bạn trẻ tuổi sinh viên.
Hội ngộ đã bế mạc lúc 21g00.
DÒNG ĐỨC BÀ SG: HỘI NGỘ GIỚI TRẺ

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Thông báo mở lớp Giáo lý Dự tòng và Hôn nhân


GIÁO HẠT HÓC MÔN
GIÁO XỨ CẦU LỚN


THÔNG BÁO
V/v: Mở lớp Giáo Lý Dự Tòng và Giáo Lý Hôn Nhân.

1/- Ngày Khai giảng : 19 giờ 00 Tối Chúa Nhật 03/05/2015.

2/- Thời gian học : 06 tháng. (Từ ngày khai giảng đến cuối tháng 10).

3/-  Địa điểm học : Nhà Thờ Cầu Lớn.

4/-  Thời khóa biểu học : Tối Chúa Nhật hằng tuần.

           - Từ 19 giờ 00 đến 20 giờ 00 : học Giáo Lý Dự Tòng.    (Cha Xứ và Anh Tịnh)

           - Từ 20 giờ 10 đến 21 giờ 10 : học Giáo Lý Hôn Nhân.  (Anh Tâm và Cô Hạnh)

5/-  Đăng ký nơi : Anh Đaminh Nguyễn Văn Tịnh

                Hoặc   : Anh Giuse Phan Thanh Tâm.

6/-  Khi Đăng ký học Giáo Lý Hôn Nhân, xin mang theo :

·       Sổ Gia Đình Công Giáo (nếu là người thuộc Giáo Xứ Cầu Lớn).

·       Sổ Gia Đình Công Giáo và Giấy Giới Thiệu của Cha Chánh Xứ nơi cư trú.
    (nếu là người không thuộc GX Cầu Lớn).


Ban Giáo Lý Giáo Xứ.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Tin Mừng Chúa nhật III Phục Sinh -Năm B

PHÚC ÂM: Lc 24, 35-48

"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: "Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=9990

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh


VATICAN. Sáng ngày 16-4-2015, Niên giám mới của Tòa Thánh, 2015, đã được đệ trình ĐTC.

Hiện diện trong buổi đệ trình có các chức sắc thuộc Văn phòng thống kê trung ương của Tòa Thánh, và 3 vị lãnh đạo thuộc dòng Don Bosco đặc trách nhà in Vatican, trong đó có thầy Đaminh Nguyễn Đức Nam, giám đốc kỹ thuật của cơ sở ấn loát này.

Thông cáo của Văn phòng thống kê của Tòa Thánh cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 22-2 năm 2014 đến 14-2 năm 2015, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm 3 tổng giáo phận 4 giáo phận và 2 đơn vị hành chánh khác.

Số tín hữu Công Giáo trong Giáo Hội từ năm 2005 đến 2013 tăng 12% tức là từ 1 tỷ 115 triệu lên 1 tỷ 254 triệu, tức thêm có thêm 139 triệu tín hữu, và hiện nay chiếm 17,7% trên tổng số 7 tỷ 94 triệu người trên thế giới. Sự tăng trưởng số tín hữu Công Giáo mạnh nhất là tại Phi châu, tăng 34%, tức là tù 153 triệu hồi năm 2005 lên 206 triệu trong năm 2013. Dân Công Giáo tại Mỹ châu tăng 10,5% và tại Á châu tăng 17,4% trong cùng thời gian vừa nói.

Tổng số nhân viên mục vụ của Giáo Hội gồm các GM, LM, Phó tế, tu sĩ nam nữ và thừa sai giáo dân tính đến cuối năm 2013 là 4 triệu 762 ngàn 458 người, tức là tăng thêm gần 300 ngàn người so với năm 2005. Trong số các nhân viên này có 5.173 giám mục (tăng thêm 40 vị so với năm 2012. Số linh mục là 415.348 vị. (SD 16-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2015/04/16/c%C3%B4ng_b%E1%BB%91_ni%C3%AAm_gi%C3%A1m_2015_c%E1%BB%A7a_t%C3%B2a_th%C3%A1nh/1137228

Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc Hội nghị Thường niên kỳ I-2015


WHĐ (16.04.2015) – Khai mạc vào tối thứ Hai 13-04 với giờ chầu Thánh Thể, Hội nghị Thường niên Kỳ I năm 2015 đã bế mạc sau giờ chầu Thánh Thể chiều nay, thứ Năm 16-04-2015. Trong dịp này, các giám mục cũng vui mừng tham dự lễ khánh thành Trụ sở của Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh - diễn ra vào tối 16-04:

Sau đây là Biên bản của Hội nghị:


Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-be-mac-hoi-nghi-thuong-nien-ky-i-2015/6914.63.8.aspx

Thư kêu gọi đóng góp xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang

Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150415/30265

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn thành viên Bộ Truyền giáo


VATICAN. Hôm 13-4-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm Đức tân Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, làm thành viên của Bộ Truyền giáo và Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.

Cùng được bổ nhiệm trong dịp này, có 14 tân Hồng Y khác đã được ĐTC phong ngày 14 tháng 2 vừa qua. Hôm 13-4-2015, trung bình mỗi Hồng Y mới được bổ nhiệm làm thành viên của hai cơ quan trung ương Tòa Thánh và nhiệm kỳ là 5 năm.

Bộ truyền giáo có khoảng 30 HY và 8 GM thành viên, nhóm đại hội 3 năm một lần, còn Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình có khoảng 10 HY, 8 GM và 10 giáo dân thành viên (SD 13-4-2015).

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2015/04/13/%C4%91%E1%BB%A9c_h%E1%BB%93ng_y_nguy%E1%BB%85n_v%C4%83n_nh%C6%A1n_th%C3%A0nh_vi%C3%AAn_b%E1%BB%99_truy%E1%BB%81n_gi%C3%A1o_/1136452

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Tuyên bố chung của Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân Lần X: Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI


WHĐ (13.04.2015) – Từ ngày 02 đến 06 tháng Ba 2015, Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân Lần X do Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Camilô, Bangkok, Thái Lan, với chủ đề “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI”. Tham dự Hội nghị có 43 người thuộc 9 quốc gia Châu Á, trong đó có 3 người Việt Nam.

Sau đây là Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị.


TUYÊN BỐ CHUNG

Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình

BILA X về Giáo dân (Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân Lần X)

“Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI”

Hội nghị Á châu về giáo dân nhân kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II

Trung tâm Mục vụ Camilô, Bangkok, Thái Lan, 02–06/3/2015

1. GIỚI THIỆU

1.1. Chúng tôi, 43 tham dự viên từ chín quốc gia Châu Á (Bangladesh, Ấn Độ, Mã Lai, Miến Điện, Pakistan,Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam) (4 giám mục, 11 linh mục với 28 giáo dân nam và nữ) đã gặp nhau tại Trung tâm Mục vụ Camilô, Bangkok, Thái Lan, từ ngày mùng 2 đến mùng 6 tháng 3 năm 2015, để tham dự Hộinghị BILA X về giáo dân. Chúng tôi cảm ơn Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình đã tổ chức sự kiện này.Chúng tôi cảm ơn Sứ thần Tòa Thánh tại Thái Lan, Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, đã chủ sự thánh lễ khai mạc. Lời cảm ơn đặc biệt cũng được gửi đến quý cha và quý thầy Cộng đoàn Camilô, vì lòng quảng đại và sự sẵn sàng góp phần chuẩn bị cho sự kiện này trong thời gian rất ngắn, sau quyết định “một cách tiếc nuối” phải chuyển địa điểm từ Dhaka, Bangladesh sang Bangkok, Thái Lan.

1.2. Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân X lần này tập trung vào chủ đề “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI - nhân kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II”.

1.3. Nhiệm vụ chúng tôi đặt ra:

1.3.1. Lượng giá vai trò và sứ mệnh của giáo dân theo quan điểm của Công đồng Vaticanô II; chúng ta đã làm như thế nào, hiện chúng ta đang ở đâu và chúng ta cần phải đi đến đâu (làm gì trong tương lai)?

1.3.2. Tìm hiểu tác động của sứ mệnh giáo dân trong đời sống xã hội.

1.3.3. Tìm hiểu tác động của những cộng đoàn nhỏ Kitô hữu (SCCs: Small Christian Communities): gia đình, mụcvụ cho nữ giới và giới trẻ để giúp họ tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội.

1.3.4. Đề xuất các khuyến nghị cho sứ mệnh loan báo Tin mừng của giáo dân.

2. TRẢI NGHIỆM

2.1. Đức cha Chủ tịch Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình phát biểu chào đón tất cả mọi người hiện diện vàgiới thiệu những việc đã thực hiện được của Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình từ năm 1982. Ngài cũng đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ của Hội nghị BILA X lần này về giáo dân và các mục tiêu hội nghị cần thực hiện.

2.2. Từ bài phát biểu chào mừng và bài phát biểu chính của hội nghị, chúng tôi đã nhận thức rõ những ý tưởng về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II là hết sức quan trọng đối với công việc mục vụ; việc này có liên quan đến sự tham gia và đào luyện giáo dân cho công cuộc truyền giáo cũng như cho việc thay đổi những cấu trúc và chương trình hành động.

2.3. Từ vấn đề đào tạo giáo dân, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của: những cộng đoàn nhỏ Kitô hữu (SCCs)giúp huấn luyện phụ nữ trong vai trò lãnh đạo; việc giáo dục theo giáo huấn xã hội của Giáo hội và sự đào luyện giới trẻ trong Giáo hội.

2.4. Ngay từ đầu chúng tôi đã điểm lại tầm nhìn mạnh mẽ của Công đồng Vaticanô II được quy định trong những giáo huấn mang tính đột phá căn bản, cách đặc biệt về bản chất của Giáo hội và hoạt động tông đồ giáo dân; chúng tôi tìm hiểu thật cặn kẽ và sâu rộng về ơn gọi giáo dân trong Giáo hội và trên thế giới. Một lần nữa chúng tôi đã nhận thức ra “căn cước” (identity) của giáo dân bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy trong Chúa Kitô:

– Thần Khí trao cho giáo dân những đặc ân.

– Giáo dân được thiết lập là thành phần dân Chúa và là Thân Thể của Đức Kitô.

– Giáo dân là một bộ phận không thể chuyển nhượng trong một thân thể duy nhất, nhưng đa dạng trong sứ mệnh loan báo Tin mừng Đức Kitô.

2.5. Lời dạy của Công đồng không ngừng vang vọng trong tim chúng ta: không có bộ phận nào thuộc thân thể sống động là Giáo hội lại phải thụ động. Chúng ta được tiếp sinh lực nhờ vào ơn gọi giáo dân với nền linh đạo chuyên biệt và sự cam kết dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin mừng. Bởi lẽ trong Đức Kitô, tự nhiên và siêu nhiên, kẻ thế tục và người thánh hiến là một tổng hợp đủ đầy. Trong những suy tư suốt ba ngày qua dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II, chúng tôi nỗ lực tìm hiểu thấu đáo hơn những hàm ý cụ thể của tầm nhìn mạnh mẽ và đầy khích lệ của Công đồng. Chúng tôi xác tín rằng Công đồng Vaticanô II không chỉ thích đáng với thời đại của chúng ta, mà còn mời gọi chúng ta dấn thân nhiệt thành hơn để hoàn thiện lịch trình chưa hoàn tất của Công đồng, góp phần làm Giáo hội phát triển nhờ vào sự tham gia tích cực của giáo dân trong sứ mệnh duy nhất là loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô.

2.6. Chúng tôi tin rằng tầm nhìn và sứ mệnh của giáo dân chưa được thông hiệp cách thích đáng. Nhiều đòi hỏi cấp thiết hơn phải được thực hiện trong mọi trạng huống đồng thời vẫn ý thức về những giới hạn nảy sinh từ những hoàn cảnh khác nhau của chúng ta. Cần một sự thay đổi về thái độ và định kiến. Giáo dân cần được đón nhận như những người bạn đồng trách nhiệm chứ không chỉ là những người trợ giúp. Họ cần được tham gia vào việc phác thảo và làm sống động các chương trình mục vụ. Chúng tôi cũng nhìn thấy trách nhiệm đặc biệt của việc sống làm chứng cho Đức Kitô trong tư cách một nhóm nhỏ giữa muôn người với những niềm tin khác nhau.

3. NHỮNG THÁCH ĐỐ

3.1. Căn cước của giáo dân

Chúng tôi ý thức rằng cần phải giúp cho giáo dân hiểu rõ vai trò và sứ mệnh của họ trong Giáo hội và trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh của Châu Á ngày nay. Điều này cũng đòi chúng tôi phải thay đổi nếp suy nghĩ và cải biến tâm hồn.

3.2. Linh đạo giáo dân

Chúng tôi cảm thấy cần một sự hiểu biết chung về linh đạo giáo dân với những yếu tố thiết thực của nền linh đạo này, một linh đạo được Lời Chúa và các bí tích nuôi dưỡng. Sự phân nhánh giữa đức tin và cuộc sống của nhiều tín hữu giáo dân là một thực tại đáng buồn. Nhiều người dường như hiểu linh đạo giáo dân chỉ là để phục vụ trong những tác vụ khác nhau tại các giáo xứ trong khi quên rằng linh đạo giáo dân cũng đòi buộc dấn thân vào các vũ đài xã hội, kinh tế và chính trị với định hướng biến đổi những hoàn cảnh này dưới ánh sáng của Tin mừng.

3.3. Đào luyện giáo dân

Cần cấp bách đầu tư vào việc đào luyện giáo dân để tăng cường năng lực cho giáo dân, để giáo dân đảm nhận những vai trò lãnh đạo trong Giáo hội và xã hội.

3.4. Những cuộc đấu tranh thường nhật trong gia đình và xã hội

Người tín hữu giáo dân sống giữa trần thế bị những ảnh hưởng tiêu cực và môi trường sống xơ cứng, trơ ỳ chống lại với những bách hại đang thực sự đe dọa. Đời sống gia đình cũng bị suy yếu không chỉ với những thách thức của công nghệ thông tin mà còn cả những đe dọa bắt nguồn từ những khía cạnh tiêu cực của việc toàn cầu hóa.Thế mà việc hay xảy ra là: giáo dân, gia đình và giới trẻ thường không có ai san sẻ đồng hành và hỗ trợ trong khi họ phải đối mặt với các cuộc đấu tranh thực sự trong đời.

3.5. Lời mời gọi hướng đến sứ mệnh truyền bá Phúc âm

Dường như người ta thường xuyên có cảm giác thờ ơ, dửng dưng đối với công việc loan báo Tin mừng.

4. NHỮNG ĐỀ NGHỊ

Trong bối cảnh những thách đố được đề cập trên đây, chúng tôi khiêm tốn kính trình những đề nghị sau:

4.1. Đến các vị giám mục, linh mục và tu sĩ:

a. hãy dốc sức để tạo những cơ hội cho việc huấn luyện giáo dân một cách đầy đủ (toàn diện) – lưu tâm đến ơn gọi đặc biệt của họ.

b. huấn luyện và tuyển dụng thêm nhiều “thợ vườn nho” cho lãnh vực chăm sóc mục vụ và thiết lập các cộng đoàn nhỏ Kitô hữu.

c. hãy ưu tiên cho mục vụ gia đình và giới trẻ, và đồng hành với họ.

4.2. Đến tín hữu giáo dân:

a. hãy quyết tâm làm biến đổi các lãnh vực trần thế và chăm lo cho công trình tạo dựng.

b. hãy hỗ trợ các gia đình để các gia đình có thể trở nên nơi ươm mầm cho công cuộc truyền bá Phúc âm vàơn gọi phục vụ Giáo hội.

c. hãy nhận thức nhiều hơn và hãy sắm lấy vai trò của mình trong sứ mệnh của Giáo hội và trong trần thế.

5. KẾT LUẬN

5.1. Chúa Thánh Thần đã đặt vào lòng chúng ta ngọn lửa sự nhiệt thành canh tân với cảm thức dấn thân trong tưcách là dân Chúa để xây dựng “sự thông hiệp các cộng đoàn” giữa trần thế hôm nay theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II.

5.2. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ là mẫu gương và là Đấng chuyển cầu cho sứ mệnh chúng con, khi rời nơi đây đi loan báo Tin mừng cho các dân tộc, biết thực hiện sứ mệnh này bằng chính đời sống được biến đổi của chúng con.


Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình


Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/tuyen-bo-chung-cua-hoi-nghi-giam-muc-ve-tong-do-giao-dan-lan-x-vai-tro-va-su-menh-cua-giao-dan-trong-the-ky-xxi/6905.57.7.aspx