Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Tin Mừng Chúa nhật I mùa Vọng - Năm B



PHÚC ÂM: Mc 13, 33-37
"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"

Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=9369

Giáo hội Công giáo Myanmar đánh dấu 500 năm

Giáo hội Công giáo Myanmar đánh dấu 500 năm thumbnail
Đức Hồng y Oswald Gracias của Mumbai ban phép lành cho trẻ em tại Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ ở Yangon trong lễ kỷ niệm 500 năm đạo Công giáo ở Myanmar (Ảnh: John Zaw)

Hàng ngàn giáo dân đã đến Yangon vào ngày thứ Sáu tuần trước để bắt đầu ba ngày kỷ niệm lần thứ 500 đạo Công giáo đến Myanmar.
Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai, tham dự lễ khai mạc kỷ niệm tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ ở Yangon. Ngài đại diện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, gởi lời chúc tốt đẹp và yêu thương của Đức Giáo Hoàng dành cho người dân Myanmar.
“Hôm nay không chỉ là ngày vui và ngày lễ lớn, nhưng còn là dịp để phản tỉnh về những gì chúng ta có thể làm hoặc chưa làm được, chúng ta đã dấn thân theo Tin Mừng ở mức độ nào, làm sao chúng ta có thể biến đổi xã hội và làm thế nào chúng ta có thể phục vụ người dân Myanmar tốt hơn,” Đức Hồng y Gracias nói.
Trong bài phát biểu chào mừng Hồng y Ấn Độ, Đức Tổng Giám mục Charles Bo của Yangon đã ca ngợi tinh thần của Giáo hội Myanmar trong bối cảnh khó khăn.
“Nghèo đói và bắt bớ – thậm chí chết chóc – đã đến trong chúng ta, nhưng những điều đó không hề làm cho giáo dân nao núng trong việc làm chứng đức tin,” Đức Tổng Giám mục Bo cho biết.
“Niềm tin đó đã được kết hợp bởi nước mắt và máu giúp nối kết chúng ta ngày hôm nay từ mọi ngõ ngách của Myanmar.”
Kitô giáo vẫn còn là thiểu số trong đại đa số là Phật giáo ở Myanmar. Số người Công giáo khoảng 750.000 trong tổng số dân ước tính khoảng 50 triệu, theo một cuộc điều tra dân số gây tranh cãi tiến hành trong năm nay.
Giáo hội Myanmar đã phát triển đáng kể trong những năm Tướng Ne Win lên nắm quyền và khởi xướng con đường Chủ nghĩa Xã hội tồi tệ cho Myanmar, đưa đến trục xuất các nhà truyền giáo và cô lập gần như hoàn toàn đất nước này.
Giờ đây, Myanmar đang cung cấp các linh mục và tu sĩ cho các nước khác, Đức Tổng Giám mục Bo nói với ucanews.com trong một cuộc phỏng vấn tại nơi cư trú của ngài trước lễ hôm thứ Sáu.
“Kể từ khi chính phủ công bố chương trình cải cách vào năm 2011, nhiều Dòng Tu khác đã xuất hiện ở Myanmar, vì đó như một mảnh đất màu mỡ cho các tập sinh. Vì vậy, có rất nhiều sự thi đua,” Đức Tổng Giám mục Bo cho biết.
Ngài nói thêm rằng Myanmar hiện đang có 300 chủng sinh chuẩn bị cho chức linh mục, và Giáo hội ở đây đã có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, trong những năm gần đây.
“Myanmar, là nước điển hình trong các nước đang phát triển, bạn sẽ thấy trong các làng thường có khoảng 10 đến 20 người trở lại đạo Công giáo cùng một lúc. Người đứng đầu gia đình quyết định trở lại đạo và những người khác noi theo,” Đức Giám mục nói.
Đức Tổng Giám mục Bo nói thêm rằng ngài hy vọng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ sắp xếp lịch viếng thăm Myanmar vào năm tới như là một phần chú ý đến châu Á. Đức Thánh cha đến thăm Hàn Quốc vào tháng Tám nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu và sẽ có các chuyến tông du đến Sri Lanka và Philippines vào tháng Giêng năm tới.
Mừng kỷ niệm Giáo hội vào thời điểm quan trọng trong lịch sử của đất nước, chính phủ bán dân sự Myanmar đấu tranh để theo đuổi đến cùng quá trình cải cách chuyển sang dân chủ sau nhiều thập kỷ cai trị bởi quân sự.
Giáo hội có một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi đó, theo cha Maurice Nyunt Wai, thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar.
“Những gì chúng ta cần hiện nay là tham gia vào việc xây dựng quốc gia, tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc. Giáo hội phải tiếng nói trong nhiều tiếng nói, và phải đứng về phía người dân bị thiệt thòi,” ngài nói với ucanews.com hôm thứ Sáu.
Thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc vũ trang là trung tâm quá trình cải cách của chính phủ, nhưng bức tranh bị hoen ố bởi bạo lực vẫn tiếp diễn giữa các nhóm sắc tộc.
Gần đây nhất, quân đội Myanmar hôm thứ Tư trong vỏ bọc sĩ quan huấn luyện của học viện ở bang Kachin gần biên giới Trung Quốc, đã giết chết 23 học viên – chỉ vài ngày sau chuyến thăm nhà nước của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó ông cảnh báo rằng sự tiến bộ của đất nước theo hướng cải cách là không thể đảo ngược.
Bauk Naw, một giáo lý viên từ giáo phận Banmaw trong tiểu bang Kachin nói Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc cộng đồng Kachin, phục vụ liên tục trong hơn hai năm qua ở phía đông bắc của Myanmar.
Ông là một trong số khoảng 4.000 người Kachin đã đến Yangon để mừng kỷ niệm 500 năm Giáo hội có mặt tại Myanmar.
Đỉnh cao của ba ngày kỷ niệm diễn ra tại sân vận động Yangon vào ngày Chúa nhật, với sự có mặt của Sứ thần Giáo hoàng tại Philippines, Adolfo Tito Yllana.
Hàng ngàn giáo dân đã đến Yangon vào ngày thứ Sáu tuần trước để bắt đầu ba ngày kỷ niệm lần thứ 500 đạo Công giáo đến Myanmar.
Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai, tham dự lễ khai mạc kỷ niệm tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ ở Yangon. Ngài đại diện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, gởi lời chúc tốt đẹp và yêu thương của Đức Giáo Hoàng dành cho người dân Myanmar.
“Hôm nay không chỉ là ngày vui và ngày lễ lớn, nhưng còn là dịp để phản tỉnh về những gì chúng ta có thể làm hoặc chưa làm được, chúng ta đã dấn thân theo Tin Mừng ở mức độ nào, làm sao chúng ta có thể biến đổi xã hội và làm thế nào chúng ta có thể phục vụ người dân Myanmar tốt hơn,” Đức Hồng y Gracias nói.
Trong bài phát biểu chào mừng Hồng y Ấn Độ, Đức Tổng Giám mục Charles Bo của Yangon đã ca ngợi tinh thần của Giáo hội Myanmar trong bối cảnh khó khăn.
“Nghèo đói và bắt bớ – thậm chí chết chóc – đã đến trong chúng ta, nhưng những điều đó không hề làm cho giáo dân nao núng trong việc làm chứng đức tin,” Đức Tổng Giám mục Bo cho biết.
“Niềm tin đó đã được kết hợp bởi nước mắt và máu giúp nối kết chúng ta ngày hôm nay từ mọi ngõ ngách của Myanmar.”
Kitô giáo vẫn còn là thiểu số trong đại đa số là Phật giáo ở Myanmar. Số người Công giáo khoảng 750.000 trong tổng số dân ước tính khoảng 50 triệu, theo một cuộc điều tra dân số gây tranh cãi tiến hành trong năm nay.
Giáo hội Myanmar đã phát triển đáng kể trong những năm Tướng Ne Win lên nắm quyền và khởi xướng con đường Chủ nghĩa Xã hội tồi tệ cho Myanmar, đưa đến trục xuất các nhà truyền giáo và cô lập gần như hoàn toàn đất nước này.
Giờ đây, Myanmar đang cung cấp các linh mục và tu sĩ cho các nước khác, Đức Tổng Giám mục Bo nói với ucanews.com trong một cuộc phỏng vấn tại nơi cư trú của ngài trước lễ hôm thứ Sáu.
“Kể từ khi chính phủ công bố chương trình cải cách vào năm 2011, nhiều Dòng Tu khác đã xuất hiện ở Myanmar, vì đó như một mảnh đất màu mỡ cho các tập sinh. Vì vậy, có rất nhiều sự thi đua,” Đức Tổng Giám mục Bo cho biết.
Ngài nói thêm rằng Myanmar hiện đang có 300 chủng sinh chuẩn bị cho chức linh mục, và Giáo hội ở đây đã có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, trong những năm gần đây.
“Myanmar, là nước điển hình trong các nước đang phát triển, bạn sẽ thấy trong các làng thường có khoảng 10 đến 20 người trở lại đạo Công giáo cùng một lúc. Người đứng đầu gia đình quyết định trở lại đạo và những người khác noi theo,” Đức Giám mục nói.
Đức Tổng Giám mục Bo nói thêm rằng ngài hy vọng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ sắp xếp lịch viếng thăm Myanmar vào năm tới như là một phần chú ý đến châu Á. Đức Thánh cha đến thăm Hàn Quốc vào tháng Tám nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu và sẽ có các chuyến tông du đến Sri Lanka và Philippines vào tháng Giêng năm tới.
Mừng kỷ niệm Giáo hội vào thời điểm quan trọng trong lịch sử của đất nước, chính phủ bán dân sự Myanmar đấu tranh để theo đuổi đến cùng quá trình cải cách chuyển sang dân chủ sau nhiều thập kỷ cai trị bởi quân sự.
Giáo hội có một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi đó, theo cha Maurice Nyunt Wai, thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar.
“Những gì chúng ta cần hiện nay là tham gia vào việc xây dựng quốc gia, tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc. Giáo hội phải tiếng nói trong nhiều tiếng nói, và phải đứng về phía người dân bị thiệt thòi,” ngài nói với ucanews.com hôm thứ Sáu.
Thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc vũ trang là trung tâm quá trình cải cách của chính phủ, nhưng bức tranh bị hoen ố bởi bạo lực vẫn tiếp diễn giữa các nhóm sắc tộc.
Gần đây nhất, quân đội Myanmar hôm thứ Tư trong vỏ bọc sĩ quan huấn luyện của học viện ở bang Kachin gần biên giới Trung Quốc, đã giết chết 23 học viên – chỉ vài ngày sau chuyến thăm nhà nước của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó ông cảnh báo rằng sự tiến bộ của đất nước theo hướng cải cách là không thể đảo ngược.
Bauk Naw, một giáo lý viên từ giáo phận Banmaw trong tiểu bang Kachin nói Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc cộng đồng Kachin, phục vụ liên tục trong hơn hai năm qua ở phía đông bắc của Myanmar.
Ông là một trong số khoảng 4.000 người Kachin đã đến Yangon để mừng kỷ niệm 500 năm Giáo hội có mặt tại Myanmar.
Đỉnh cao của ba ngày kỷ niệm diễn ra tại sân vận động Yangon vào ngày Chúa nhật, với sự có mặt của Sứ thần Giáo hoàng tại Philippines, Adolfo Tito Yllana.

John Zaw và Michael Sainsbury từ Yangon, Myanmar
Nguồn: http://vietnam.ucanews.com/2014/11/26/giao-hoi-cong-giao-myanmar-danh-dau-500-nam/

Phá thai ở Việt Nam tăng vọt do chương trình kế hoạch hóa gia đình bỏ qua giới trẻ

Nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay tin phá thai là một hình thức tránh thai

Phá thai ở Việt Nam tăng vọt do chương trình kế hoạch hóa gia đình bỏ qua giới trẻ thumbnail

Nguyễn Văn Thảo, nông dân Công giáo, đứng bên các quách bằng gốm dùng để chôn thai nhi tại một nghĩa trang Công giáo ở ngoại ô Hà Nội hồi tháng 8 (Ảnh: AFP/Hoàng Đình Nam)

Tại một nghĩa trang ở Hà Nội, nông dân Công giáo Nguyễn Văn Thảo mở tủ lạnh kéo ra một bọc thai nhi dính đầy máu để chuẩn bị đem chôn, đây là lời cảnh báo đáng lo ngại rằng Việt Nam đang trở thành một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Khoảng 40% phụ nữ mang thai tại Việt Nam đi phá thai, theo báo cáo của các bác sĩ đến từ bệnh viện Khoa sản Trung ương Hà Nội, con số này cao gấp đôi số liệu thống kê chính thức.
Do chính sách hạn chế sinh đẻ, tư vấn kế hoạch hóa gia đình không tốt cho người trẻ, và thông tin mâu thuẫn về tình dục đã tạo ra một tình huống trong đó một số người tin phá thai là một hình thức tránh thai.
Có 83 ca phá thai trong số 1000 phụ nữ ở tuổi sinh sản tại Việt Nam, trong khi có khoảng 10-23 ca phá thai trong số 1000 phụ nữ ở phần lớn Tây Âu và Mỹ, theo tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc sức khỏe giới tính, Viện Alan Guttmacher.
“Vào ngày bận rộn nhất, chúng tôi nhận được 30 thai nhi”, ông Thảo nói. Ông đứng đầu một đội tình nguyện viên đa số là người Công giáo đi nhặt các thai nhi, thường bị vứt như rác thải y tế, từ các cơ sở phá thai trên khắp thủ đô trong khoảng 10 năm nay.
“Khó mà tính được chúng tôi đã chôn bao nhiêu thai nhi rồi”, Nguyễn Thị Quý, tình nguyện viên 62 tuổi, phát biểu. Bà giúp ông Thảo liệm các thai nhi trước khi đem chôn đàng hoàng tại nghĩa trang ở quận Sóc Sơn, Hà Nội.
Trong nhiều thập niên qua, nhà nước Cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có hai con, vừa áp dụng hình thức phạt hành chính vừa trợ cấp chương trình kế hoạch hóa gia đình để hạn chế sự gia tăng dân số. Chương trình này hiện đã được bỏ nhưng hậu quả của nó vẫn còn.
Phá thai không hề bị xã hội lên án và con số chính thức khoảng 500.000 trong số 2,4 triệu thai phụ, khoảng 1/5, phá thai, chỉ tính theo số liệu thống kê từ các bệnh viện nhà nước.
“Đời sống tình dục ở giới trẻ có vấn đề … hệ thống sức khỏe công cộng không phục vụ họ”, Arthur Erken, đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ở Hà Nội, phát biểu.
Hành vi tình dục nơi người trẻ Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi trong vài thập niên qua, họ quan hệ tình dục sớm hơn và kết hôn trễ hơn, nhưng những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình lỗi thời ít tư vấn hay giới thiệu biện pháp tránh thai thích hợp cho các đôi bạn trẻ chưa kết hôn, theo các chuyên gia.
Kết quả là họ nghi ngờ nên phá thai, thai trên 22 tuần vẫn được cho phép bỏ phổ biến, đặc biệt là tại các bệnh viện tư hợp pháp nhưng đa số không được kiểm soát, đang được sử dụng để phá bỏ các thai nhi ngoài ý muốn thường xuyên hơn ở các nước khác.
“Các bệnh viện tư không được kiểm tra cách có hệ thống. Có thể còn nửa triệu ca phá thai nữa không được báo cáo”, Erken nói.
Ông nói thêm với con số này tỉ lệ phá thai của Việt Nam nằm ở khoảng một triệu ca trong số 2,4 triệu người mang thai và cảnh báo con số này “sẽ còn tăng trừ khi chúng ta có hành động”.
Thiếu thông tin
Do giáo dục giới tính yếu kém ở các trường học, thường thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản, và không tiếp cận được các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình miễn phí, nên đối với nhiều người trẻ Việt Nam mang thai ngoài ý muốn là chuyện bình thường.
“Tôi đã phá thai 3 lần rồi”, Hoa, một cô gái 20 tuổi ăn mặc hợp thời trang, nói sau khi phá thai lần thứ ba tại một bệnh viện tư ở Hà Nội.
“Lần đầu tôi hơi sợ nhưng bây giờ thì quen rồi”, Hoa nói và thêm rằng cô không hiểu tại sao cô cứ mang thai mặc dù cô và bạn trai đã thực hiện các biện pháp tránh thai.
Nhiều người trẻ Việt Nam không có kiến thức về phương pháp tránh thai, theo Lê Ngọc Bảo, đại diện tổ chức kế hoạch hóa gia đình Pathfinder International tại Việt Nam.
Và trong khi xã hội ngày càng dễ dãi, sinh con ngoài giá thú vẫn còn bị lên án.
“Nếu họ mang thai ngoài ý muốn … cách giải quyết duy nhất là phá thai”, ông nói.
Trong khi nhiều người trẻ không “hoàn toàn hiểu được tác hại của việc phá thai”, chi phí mua bao cao su hay thuốc tránh thai dường như tốt hơn là mạo hiểm không dùng biện pháp tránh thai, ông gợi ý.
Ngoài ra, Việt Nam có tỉ lệ phá thai cao mặc dù số liệu thống kê cho thấy Việt Nam áp dụng rộng rãi các biện pháp tránh thai, dấu hiệu chứng tỏ tư vấn kế hoạch hóa gia đình yếu kém, ông Bảo nói thêm.
Tại bệnh viện tư và cơ sở nhà nước, thậm chí tư vấn sau khi phá thai cũng bị hạn chế, do đó một số phụ nữ trẻ phải đi phá thai nhiều lần.
Việt Nam cần cải thiện ngay việc giáo dục giới tính và cung cấp các biện pháp tránh thai cho các phụ nữ trẻ chưa kết hôn, theo bác sĩ Trần Ninh thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam.
Áp lực về tỉ lệ sinh sản
Chính sách hai con của Việt Nam, trong khi không hà khắc như chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc, từ lâu đã ép buộc các gia đình giới hạn số con.
“Nếu họ có ba người con, sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn, họ sẽ không được thăng chức hay nâng lương”, Giang Đặng, chuyên gia phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, phát biểu.
Đặng nói thêm quan điểm gia đình có hai con đã “ăn sâu” và cho biết mặc dù chính sách này đã chính thức được bãi bỏ, nhưng chính quyền địa phương vẫn ngầm khích lệ vì “đối với họ điều quan trọng là kiểm soát được sự gia tăng dân số”.
Quan điểm thích con trai theo văn hóa cũng đã dẫn đến tỉ lệ phá thai cao do chọn giới tính ở một số nơi trong nước.
Để nỗ lực ngăn chặn tình trạng này, Việt Nam đã ban hành luật cấm nhân viên y tế tiết lộ giới tính của thai nhi trước khi sinh, mặc dù các chuyên gia cho rằng luật này khó thi hành và ít được tuân thủ.
Do tỉ lệ phá thai cao và nhiều thập niên thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhằm hạn chế số con trong gia đình, Việt Nam đang trở thành một trong những nước có dân số lão hóa nhanh nhất trên thế giới, theo Erken thuộc UNFPA.
“Áp lực đè lên xã hội, cải cách lương hưu chẳng hạn, là một hiện tượng”, ông giải thích.

Cat Barton cho AFP từ Hà Nội
Nguồn: http://vietnam.ucanews.com/2014/11/27/pha-thai-o-viet-nam-tang-vot-do-chuong-trinh-ke-hoach-hoa-gia-dinh-bo-qua-gioi-tre/

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/11 – 27/11/2014 : ĐTC nói chuyện tại Nghị Vi...




Xuất bản 27-11-2014

• Đức Thánh Cha tôn phong 6 vị tân hiển thánh
• Đức Thánh Cha nói chuyện tại Nghị Viện và Hội Đồng Châu Âu
• Đức Thánh Cha thăm Tổ chức Lương Nông quốc tế
• Âm mưu mới của Hội Công Giáo Yêu Nước Trung quốc
• Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền các nước luôn luôn có tiền để mua vũ khí nhưng không có tiền để tạo ra công ăn việc làm
• Biến cố thảm sát tại hội đường Do Thái làm gia tăng các thứ chủ nghĩa cực đoan
• Đức Thánh Cha Phanxicô nói về người di dân: Đối với Kitô hữu, "không ai là một người lạ
• Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh lên tiếng kêu gọi các quốc gia giúp đỡ những người di dân
• Đức Thánh Cha cổ võ giúp đỡ những người bị bệnh tự kỷ
• 4 người Pakitan bị tử hình vì ném đá một phụ nữ đến chết

Trang web Tổng Giáo phận Thành phố HCM (Sài Gòn) đã có thêm tên miền: tonggiaophansaigon.com

Tổng Giáo phận TP.HCM, ngày 27-11-2014
Kính thưa quý vị,
Kể từ 17 giờ thứ Năm ngày 27-11-2014, trang web Tổng Giáo Phận TP.HCM (Sài Gòn) đã có thêm tên miền mới là:
tonggiaophansaigon.com
Trân trọng thông báo và chân thành cám ơn.
Ban Biên tập trang web Tổng Giáo Phận TP.HCM (Sài Gòn)
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20141127/28563

Hội nghị Thường niên Caritas Việt Nam 2014

CARITAS VIỆT NAM – Sáng ngày 25-11-2014, Hội nghị Thường niên Caritas Việt Nam năm 2014 đã khai mạc tại Toà Giám mục Bùi Chu với chủ đề “Một gia đình yêu thương và phục vụ”. Tham gia Hội nghị kéo dài 3 ngày này (từ ngày 25 đến 27-11-2014) có gần 100 thành viên từ khắp mọi miền đất nước.
Hội nghị do Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch Uỷ ban Bác ái xã hội (UBBAXH)–Caritas Việt Nam chủ tọa và định hướng. Hội nghị chào đón sự hiện diện đặc biệt của Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UBBAXH–Caritas Việt Nam tại miền Bắc; Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Phó Chủ tịch UBBAXH–Caritas Việt Nam tại miền Nam; Đức cha Alfonso Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng; cha Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu.
Điều phối viên của Hội nghị là cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng S.D.B., Giám đốc Văn phòng Caritas Việt Nam; Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng Quản trị UBBAXH–Caritas Việt Nam của Caritas Việt Nam, quý cha Giám đốc, Phó Giám đốc và Đại diện của Caritas 26 giáo phận, các thành viên văn phòng Caritas Việt Nam tham gia tổ chức và phục vụ.
Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thường niên Caritas Việt Nam tổ chức tại khu vực phía Bắc, vì thế Đại diện tu sĩ tham dự Hội nghị năm nay dành ưu tiên cho các Hội dòng miền Bắc như Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, Phaolô Hà Nội, Mến Thánh Giá Hà Nội – Phát Diệm, Đaminh Bùi Chu, Thừa sai Bác ái Vinh…
Về phía Chính quyền đến chúc mừng và phát biểu tại Hội nghị có ông Dương Ngọc Tấn, phó Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Dương Long, Vụ phó vụ Công giáo; ông Đinh Minh Hoan, phó ban Tôn giáo tỉnh Nam Định; ông Đặng Ngọc Cường, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Xuân Trường và một số nhân viên trong các cơ sở của chính quyền.
Ngày 25-11
Thánh lễ ban sáng do Đức Cha Giuse Trần Văn Toản chủ tế.
Hội nghị bắt đầu lúc 8 giờ. Sau phần giới thiệu thành phần tham dự và chương trình làm việc do cha Giám đốc Caritas Việt Nam Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng công bố, Đức cha Tôma ngỏ lời chào thăm các tham dự viên. Tiếp theo, Hội nghị đã nghe Đức cha Giuse Trần Văn Toản trình bày về Linh đạo Caritas Việt Nam. Là một chuyên viên về Linh đạo, Đức cha Giuse giúp các tham dự viên hiểu rõ sự khác biệt và nối kết giữa Căn tính, Sứ vụ và Linh đạo. Ngài chia sẻ những suy tư thần học cá nhân và tham chiếu với các tài liệu của Hội thánh Công giáo để đề xuất những nét chính cho Linh đạo Caritas Việt Nam. Ngài cũng trình bày những dấu chỉ thời đại trong Hội thánh hoàn vũ, trong khu vực Á châu và tại đất nước Việt Nam, giúp các tham dự viên nhận ra bối cảnh trong đó Caritas Việt Nam đang sống, đang phục vụ… hầu nhận ra Caritas Việt Nam là ai giữa lòng Hội Thánh và xã hội Việt Nam.
Đức cha Giuse trích dẫn những trình thuật Tin Mừng cho thấy những giá trị của Caritas được cắm rễ sâu trong Kinh Thánh, hoạ lại hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, Đấng không chỉ chia sẻ thân phận của những người cùng khốn mà còn đồng hoá chính mình với họ. Đức cha Giuse nhấn mạnh: “Mầu nhiệm Đức Kitô Vượt Ranh thể hiện trong biến cố Nhập Thể–Nhập Thế–Khổ Nạn và Phục Sinh. Người Vượt Ranh để đối thoại, để đồng hành, để phục vụ con người toàn diện, để chữa lành và ưu tiên chọn lựa người nghèo”. Ngài khích lệ Caritas Việt Nam: Vượt Ranh không gian địa lý, tâm lý, quyền lực, công việc để hiện diện: sống chan hoà, để hoà giải: xây cầu liên đới, để tự huỷ: trở nên mọi sự cho mọi người, để hiệp thông: lột xác trong Nước Thiên Chúa, như Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng mời gọi.
Ban chiều Hội nghị thảo luận theo nhóm. Các tham dự viên trao đổi với nhau về những yếu tố riêng biệt của Linh đạo Caritas Việt Nam và những hoạt động hữu ích thúc đẩy sự thể hiện căn tính và linh đạo Caritas một cách rõ nét hơn. Hội nghị cũng trao đổi về mạng lưới Hội viên Caritas Việt Nam tại các giáo phận với nhiều kinh nghiệm chia sẻ từ quý cha giám đốc Caritas.
Ngày 26-11
Thánh lễ khai mạc Hội nghị do Đức cha Tôma chủ tế cùng với quý Đức cha, quý cha đồng tế cầu khẩn Chúa Thánh Thần xuống trên các đại biểu tham dự Hội nghị lúc 7g30.
Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, Đức cha Tôma nói: “Caritas được mời gọi thể hiện lòng chạnh thương của Chúa Giêsu. Lòng chạnh thương ấy biến thất vọng thành hy vọng, nỗi buồn thành niềm vui, đau khổ thành hạnh phúc. Ngài chạnh thương đám đông bơ vơ không người chăn dắt để nâng dậy cả một cộng đồng; Ngài chạnh thương người goá phụ thành Naim mất đứa con trai duy nhất để an ủi, đỡ nâng phận người và trao lại sự sống; Ngài chạnh thương các bệnh nhân để chạm tới và chữa lành…” Lời mời gọi của Đức cha đi đến tận cùng: “Không có tình yêu thì tất cả hoạt động trở nên vô nghĩa”.
Trình bày đề tài chính của Hội nghị “Caritas - Một gia đình yêu thương và phục vụ”, Đức cha Tôma nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong tinh thần phục vụ, trong các hoạt động bác ái xã hội giữa các giáo phận, cá nhân và đoàn thể. Ngài cổ võ các đại biểu canh tân động cơ sâu xa của các hoạt động bác ái là tình yêu thương, phát xuất từ tình yêu của Đức Giêsu Kitô.
Sau bài chia sẻ, cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, báo cáo hoạt động của Văn phòng Caritas Việt Nam, tình hình của Caritas các giáo phận. Cha Đồng cũng đưa ra đôi nét phác hoạ kế hoạch hoạt động năm 2015 và một vài nhận định liên quan tới bối cảnh hiện tại của Caritas tại Việt Nam.
Bản báo cáo cho thấy sự hợp tác tích cực, tinh thần liên đới bổ trợ giữa Caritas Việt Nam và Caritas các giáo phận trong việc huấn luyện, điều hành và những lãnh vực chuyên môn. Thách đố mà các địa phương vẫn đang phải đối diện là nhân sự chuyên môn và thiếu hụt tài chánh trong việc vận hành các hoạt động.
Lúc 10g30, Hội nghị hân hoan chào đón phái đoàn đại diện Chính quyền đến chúc mừng và trao đổi. Trong lời phát biểu, ông Dương Ngọc Tấn đánh giá cao sự góp phần nhiệt tình của Hội thánh Công giáo trong việc xây dựng xã hội, cách đặc biệt trong thời gian gần đây có sự cộng tác để bảo vệ tổ quốc và thúc đẩy an toàn giao thông. Kết thúc bài phát biểu, ông nói: “Trong thời gian tới, Chính quyền sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Caritas Việt Nam hoạt động theo pháp luật và Điều lệ của Caritas Việt Nam; giúp Caritas chủ động tích cực trong hoạt động bác ái xã hội, mở rộng cộng tác với Chính quyền các cấp trong các hoạt động liên quan”.
Hai bài tham luận trong buổi sáng 26-11-2014 do cha Giuse Nguyễn Văn Uy, Giám đốc Caritas Xuân Lộc và thầy Antôn Nguyễn Thành Chương, thành viên Hội đồng Quản trị trình bày. Nội dung tập trung vào tiến trình mở một trường Trung cấp nghề và khung pháp lý cho ngành y tế.
Buổi chiều 26-11-2014 bắt đầu với bài tham luận của Đức cha Alfonso Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh đến sự nối kết và cộng tác giữa hai UBBAXH–Caritas Việt Nam và Uỷ ban Loan báo Tin Mừng. Theo ngài, hai Uỷ ban này là anh em song sinh, sự phối hợp sẽ đem lại sự phát triển toàn diện cho con người cả hồn lẫn xác.
Tiếp tục là phần báo cáo của đại diện 3 Giáo tỉnh: Caritas Bùi Chu, Caritas Đà Nẵng và Caritas Sài Gòn. Nổi bật trong các báo cáo năm nay là mạng lưới Caritas được thực hiện tại các giáo phận, sự tham gia nhiệt tình của các hội viên và sự đa dạng trong các hoạt động bác ái xã hội như phòng khám, chương trình chăm sóc nha khoa, phát triển giáo dục cho trẻ di dân…
Sau đó Hội nghị họp nhóm theo Giáo tỉnh để trao đổi về việc thiết lập mạng lưới Caritas, tìm phương cách hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động, giải quyết những khó khăn vẫn còn đó và tìm kiếm sự nâng đỡ từ Caritas Việt Nam. Các đại biểu đóng góp ý kiến sôi nổi, những chia sẻ chân thành và cụ thể từ phía các giáo phận giúp mọi người hiểu nhau hơn, hiểu bối cảnh của mỗi giáo phận và ưu tư nhiều hơn cho sự phát triển của Caritas Giáo tỉnh của mình.
Kết thúc ngày thứ hai của Hội nghị, Đức cha Giuse Trần Văn Toản kể một số câu chuyện giáo dục để rút ra những bài học trong linh đạo Caritas. Ngài cũng chia sẻ những cảm nhận thiêng liêng trong đời sống riêng và mời gọi các đại biểu quan tâm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của tất cả các hội viên Caritas, như thế mới có sự dấn thân hiệu quả và bền vững trong hoạt động bác ái.
Ngày 27-11
Ngày cuối cùng của Hội nghị Thường niên Caritas Việt Nam khởi đầu với Thánh Lễ tạ ơn do Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến chủ tế, cùng với quý Đức cha và quý cha đồng tế lúc 5g30.
Sau điểm tâm, các đại biểu Hội nghị đã đi thăm phòng Truyền thống của giáo phận Bùi Chu, khu nhà các Thánh Tử Đạo… nơi lưu trữ những hiện vật ghi đậm dấu ấn lịch sử và văn hoá từ những ngày đầu Tin Mừng đến với quê hương Việt Nam.
Hội nghị bắt đầu sớm hơn thường lệ lúc 7g45, với phần báo cáo tài chánh của Văn phòng Caritas Việt Nam và đúc kết thảo luận nhóm từ các Giáo tỉnh. Tất cả các đại biểu đều nhất trí về việc cần phải thiết lập mạng lưới Caritas tại các giáo hạt và giáo xứ. Dẫu điều này cần có sự dấn thân lâu dài và lao nhọc, nhưng không thể không thực hiện, để các hoạt động bác ái đem lại hiệu quả bền vững và thăng tiến liên tục.
Đức cha Tôma, Chủ tịch UBBAXH–Caritas Việt Nam và cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc văn phòng Caritas Việt Nam chủ toạ buổi thảo luận chung, cùng các đại biểu phân tích những thuận lợi, khó khăn liên quan đến hoạt động của Caritas tại các giáo phận. Những mối tương quan với các Đấng bản quyền trong Hội thánh, với các linh mục quản xứ, với các tín hữu trong giáo phận… cần phải được kiến tạo cách tốt đẹp, để có được sự đồng thuận và hợp lực trong hoạt động.
Các đại biểu trao đổi thêm về vai trò của văn phòng Caritas giáo phận, như một nhịp cầu hết sức thiết yếu cho mối tương quan giữa Caritas Việt Nam với Caritas giáo phận, giữa các Caritas giáo phận với nhau và với các giáo hạt, giáo xứ. Sự hiện diện đã quan trọng, năng lực của nhân viên càng quan trọng hơn cho một hoạt động hữu hiệu và lâu bền.
Cha Giám đốc Caritas Việt Nam tổng kết Hội nghị vào lúc 10g15, lược lại những hoạt động trong gần 3 ngày vừa qua cùng với những đề xuất và định hướng cho năm Mục vụ 2015.
Kết thúc Hội nghị, tất cả đại biểu hợp nhất trong giờ Chầu Thánh Thể để tạ ơn Thiên Chúa, phó dâng cho Ngài niềm vui và nỗi ưu tư cho hoạt động của Caritas ngày càng hữu hiệu hơn, thể hiện được Caritas là một Gia đình yêu thương và phục vụ, làm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa.














(Tổng hợp từ caritasvietnam.org & Lm Nguyễn Hữu An)
UB Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/hoi-nghi-thuong-nien-caritas-viet-nam-2014/6520.18.20.aspx

Sứ điệp hy vọng cho một châu Âu đã trở nên “già nua”


WHĐ (26.11.2014) – Vào gần trưa hôm qua thứ Ba 25-11, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với “hơn 500 triệu người dân của 28 nước thành viên” của Liên minh châu Âu, trong suốt 35 phút, trước các đại biểu tề tựu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg. Đức giáo hoàng đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ quyền con người có nguồn gốc Kitô giáo của lục địa cũ, đến công ăn việc làm, vấn đề nhập cư và vấn đề sinh thái.

Đức giáo hoàng cho thấy ngài có một suy tư rất bao quát, nhắc nhở tới thái độ của Toà Thánh và của Giáo hội sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại với các định chế châu Âu.

Vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người châu Âu đặt chân lên đất của những thể chế châu Âu đã khắc sâu cuộc viếng thăm của mình trong thế giới hôm nay, “hơn một phần tư thế kỷ sau cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II”. 26 năm sau, vị giáo hoàng người Achentina đã nhìn nhận rằng “nhiều điều đã thay đổi. Các khối đối đầu nhau chia đôi lục địa khi ấy nay không còn nữa”, và gợi lại bài diễn văn của vị tiền nhiệm của mình người Ba Lan vào năm 1988, Đức Phanxicô đã bày tỏ niềm “ước ao ‘châu Âu, vốn được trang bị một cách tột bậc với các thể chế tự do và có thể một ngày kia phát triển tới những chiều kích mà địa lý và cả lịch sử đã dành cho mình’, được dần dần trở thành hiện thực”.

Đức Phancicô đã vẽ nên một chân dung đôi khi cứng cỏi của châu Âu ngày nay, khắc ghi “trong một thế giới phức tạp hơn, đang chuyển động mạnh, càng ngày càng trở nên nối kết với nhau và toàn cầu hoá”: đó là hình ảnh của lục địa ngày nay “đã như già đi một chút và như bị kìm hãm lại”. Một châu Âu có khuynh hướng cảm thấy mình như “không còn ở trong vị trí chủ chốt như trước trong một bối cảnh nhìn mình với con mắt nhiều khi xa cách, cảnh giác, và đôi khi ngờ vực”. Một dự án cũng làm gia tăng “sự nghi kỵ của các công dân”. Đức giáo hoàng làm vọng lại “một cảm giác chung về sự mệt mỏi và già nua, của một châu Âu trở thành bà nội, bà ngoại và không còn khả năng sinh sản và sinh động”.

Vị trí trung tâm của Con Người

Con người chiếm vị trí trung tâm trong bài diễn văn của Đức giáo hoàng Phanxicô. Trước tiên là các quyền của con người, bên trong Cộng đồng châu Âu “cũng như trong quan hệ với các nước khác”. Đối với Đức Thánh Cha, đó là một “cam kết quan trọng và tuyệt vời, vì vẫn còn quá nhiều những hoàn cảnh trong đó con người bị đối xứ như những đồ vật: người ta có thể lập trình việc thụ thai, hình hài và tính ích lợi của nó, và rồi có thể bị vất đi khi không có ích nữa, bởi vì đã trở nên yếu, ốm đau hay già nua”.

Cử toạ vỗ tay. Và Đức giáo hoàng nói tiếp: “Cổ vũ phẩm giá của con người có nghĩa là nhìn nhận con người có những quyền bất khả nhượng và không thể bị tước đoạt theo sở thích của một số người nào đó, và càng không thể bị tước đoạt vì những lợi ích kinh tế”. Nghĩa vụ cũng gắn với quyền lợi, bởi vì “mọi nhân sinh đều gắn với một bối cảnh xã hộivới người khác và với ích lợi chung của chính xã hội”. Theo Đức giáo hoàng, thiếu ý thức về ích lợi chung sẽ dẫn đến xung đột và bạo lực,.

Nhưng Con Người đã bị tình trạng cô đơn, “một trong những căn bệnh phổ biến nhất tại châu Âu” xói mòn. Một nỗi đau còn bị gia tăng bởi khủng hoảng kinh tế tác động trước tiên đến những người có tuổi, “bị bỏ mặc cho số phận của họ”, đến người trẻ, “thiếu những điểm quy chiếu và cơ hội cho tương lai”, rồi đến người nghèo và người nhập cư, “đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn”. Không kể tới những “lối sống ít nhiều mang tính ích kỷ”. Đối với Đức giáo hoàng, mối hiểm nguy đối với con người là “bị biến thành một bánh xe trong một cỗ máy coi con người như một món hàng tiêu thụ để sử dụng”. Hậu quả là một “nền văn hóa phế thải”: “khi sự sống chẳng còn ích lợi gì cho sự vận hành của guồng máy này, nó sẽ bị loại bỏ mà chẳng cần đắn đo suy tính gì nhiều, như trong trường hợp của những bệnh nhân ở vào giai đoạn chót, của những người già bị bỏ rơi và không người chăm sóc, hay của những đứa trẻ bị giết chết trước khi chào đời”.

Cần phải “tạo thuận lợi cho các khả năng” của Con Người. Bắt đầu bằng giáo dục, “khởi đi từ gia đình là tế bào căn bản và yếu tố cao quý của mọi xã hội”, kế đó, bằng các thể chế giáo dục và cuối cùng là công ăn việc làm; các chính sách về vấn đề này cần phải được tạo thuận lợi, bởi vì “cần phải đem lại phẩm giá cho con người bằng cách bảo đảm những điều kiện thích hợp để nó được thể hiện”.

“Một lịch sử hai ngàn năm gắn châu Ấu với Kitô giáo”

Đức giáo hoàng cũng trực tiếp ngỏ lời với các đại biểu châu Âu. Ngài nhắc nhở họ về đòi hỏi đặt ra trước mắt họ: “duy trì sức sống của nền dân chủ của các dân tộc châu Âu”, bởi vì “châu Âu là một gia đình các dân tộc”. Điều này đòi hỏi phải “tránh các cách thức đánh đồng làm loãng đi thực tạithái độ trong sạch như thiên thần, những chủ nghĩa toàn trị phi lịch sử, những nền đạo đức không có lòng nhân từ, những học thuyết chủ trí không có sự khôn ngoan”.

Ngài cũng nhắc nhở họ về cội rễ Kitô giáo của lục địa: “Một châu Âu không còn khả năng mở ra trước chiều kích siêu nhiên của cuộc sống là một châu Âu đang liều mình đánh mất dần dần linh hồn của mình, và cả cái tính thần nhân văn từng được yêu quý và được bảo vệ”.

Đức Phanxicô “cho là căn bản, không chỉ di sản mà Kitô giáo đã để lại trong quá khứ đối với việc hình thành xã hội văn hóa của lục địa, mà nhất là sự đóng góp của Kitô giáo muốn đem lại, hiện tại và trong tương lai, cho sự phát triển của lục địa”. Và Đức giáo hoàng trấn an: “sự đóng góp này không phải là một mối nguy hiểm cho tính thế tục của các Nhà nước, cho sự độc lập của các định chế của liên minh, nhưng ngược lại, là một sự phong phú hóa”. Các lý tưởng đã tạo nên Liên minh này từ buổi đầu đã cho thấy rõ: “hoà bình, sự bổ trợ và tình liên đới, một chủ nghĩa nhân văn đặt trọng tâm vào sự tôn trọng phẩm giá con người”.

Đức giáo hoàng nói tiếp: “Một lịch sử hai ngàn năm gắn kết châu Âu và Kitô giáoMột lịch sử không thiếu những xung đột, sai lầm và tội lỗi, nhưng luôn được thúc đẩy bởi ý muốn xây dựng điều tốt lành”.

Và Đức giáo hoàng kết luận với lời lẽ đầy sức mạnh và hy vọng: “Đã đến lúc phải từ bỏ ý tưởng về một châu Âu khiếp sợ và khép mình lại, để gợi lên và cổ vũ cho một châu Âu đóng vai trò chủ chốt, chất chứa khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, những giá trị nhân văn và cả niềm tin”.

(Vatican Radio)

Mai Tâm lược dịch
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/su-diep-hy-vong-cho-mot-chau-au-da-tro-nen-%E2%80%9Cgia-nua%E2%80%9D/6519.57.7.aspx

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên Hội nghị mục vụ các thành phố lớn



VATICAN. ĐTC kêu gọi thay đổi não trạng, đối thoại với các nền văn hóa, tôn trọng lòng đạo đức bình dân và quan tâm đến người nghèo trong tiến trình mục vụ tại các thành phố lớn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27-11-2014, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế về mục vụ tại các thành phố lớn. Hội nghị khởi sự giai đoạn hai và là giai đoạn chót từ hôm 24-11 vừa qua tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, sau giai đoạn thứ I từ ngày 20 đến 22-5 năm nay. Tham dự Hội nghị có các chuyên gia về xã hội học,mục vụ và thần học. Đặc biệt trong giai đoạn thứ hai này có đông đảo các vị HY và TGM đến từ các thành phố lớn trên thế giới. Hội nghị kết thúc 25-11 vừa qua tại Vương cung thánh đường Thánh Gia, công trình của kiến trúc sư Antoni Gaudí, cũng ở thành Barcelona, và sáng 27-11, 25 Hồng Y, TGM của các thành phố lớn ở 5 châu, tham dự Hội nghị, đã được ĐTC tiếp kiến tại Vatican.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đã kể lại kinh nghiệm mục vụ của ngài khi còn làm TGM giáo phận Buenos Aires, Argentina, họp với 11 giáo phận lân cận thành một khu vực mục vụ với 13 triệu người.

ĐTC đã đề nghị với các vị mục tử 4 khía cạnh trong việc mục vụ tại các thành phố lớn:

- Trước tiên là thực hiện một sự thay đổi trong não trạng mục vụ. Tại các thành phố, chúng ta cần có những ”bản đồ”, những mô hình khác, giúp chúng ta điều chỉnh tư tưởng và thái độ. Ngày nay tại các thành phố lớn, chúng ta không phải là những người duy nhất sản xuất văn hóa, cũng chẳng phải là những người đứng đầu, hoặc là những người được lắng nghe nhiều nhất. Vì thế chúng ta cần thay đổi não trạng mục vụ, nhưng không rơi vào một thứ mục vụ tương đối hóa. ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Cần có can đảm thực hiện một nền mục vụ loan báo Tin Mừng can đảm, không sợ sệt, vì người nam, người nữ, các gia đình và các nhóm ở thành thị đang chờ đợi chúng ta, và họ cần Tin Mừng là Chúa Giêsu và Phúc Âm của Chúa cho đời sống của họ. Bao nhiêu lần tôi nghe nói là người ta cảm thấy xấu hổ khi xuất hiện, trình bày. Chúng ta phải làm việc để không hổ thẹn hoặc nhút nhát khi loan báo Chúa Giêsu Kitô”.

- Thứ hai là cần đối thoại đa văn hóa, đối thoại mà không tương đối hóa, không thương lượng về căn tính Kitô của mình, nhưng muốn đi tới tâm hồn người khác, những người khác với chúng ta, để gieo vãi Tin Mừng. Cần có một thái độ chiêm niệm, không từ khước sự đóng góp của các khoa học khác nhau để biết về hiện tượng thành thị..

- Thứ ba là để ý đến lòng đạo đức của dân chúng. Thiên Chúa ở trong thành thị, cần đi tìm Chúa và dừng lại tại nơi Chúa đang hoạt động. Đừng thực hiện những cuộc thẩm định vội vã và tổng quát.. Cần nhận ra những hạt giống Lời Chúa được Thánh Linh gieo vãi.. Từ đó chúng ta có thể bắt đầu cuộc đối thoại loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm với người phụ nữ xứ Samaria.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi nhân viên mục vụ của Giáo Hội đừng quên những người nghèo ở các thành thị.. Giáo Hội không thể làm ngơ không nghe tiếng kêu của họ, và không thể chiều theo các chế độ bất công, đầy vụ lợi, tìm cách làm cho những người nghèo không được người khác nhận thấy. (SD 27-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/11/27/_%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_ti%E1%BA%BFp_c%C3%A1c_tham_d%E1%BB%B1_vi%C3%AAn_h%E1%BB%99i_ngh%E1%BB%8B_m%E1%BB%A5c_v%E1%BB%A5_c%C3%A1c_th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_l%E1%BB%9Bn/vie-838285

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Thư Mục tử Mùa Vọng 2014

Tp. HCM ngày 10 tháng 11 năm 2014
THƯ MỤC TỬ
MÙA VỌNG và MÙA GIÁNG SINH
2014
Kính gửi: Quý Cha, Quý Bề Trên,
Quý Tu sĩ Nam Nữ, Chủng sinh
và Anh Chị Em giáo dân trong Gia Đình Giáo Phận
1. Kính chào tất cả quý cha, quý bề trên, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân. Tôi đã được mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới Khóa Ngoại thường về “Mục vụ Gia đình”, với tư cách là Chủ Tịch HĐGMVN. Mục đích Đức Thánh Cha Phanxicô khi triệu tập THĐGMTG lần này là để lắng nghe các nghị phụ, đặc biệt là các chủ tịch HĐGM các quốc gia, để biết tình trạng đời sống các gia đình Công giáo trên thế giới. Tất cả bắt nguồn từ tình thương và ước muốn phục vụ con người, giống như Chúa Giêsu khi nhìn thấy đám đông thì chạnh lòng thương. Sau hai tuần làm việc ráo riết: lắng nghe, trao đổi, tham luận, góp ý, suy niệm …, Thượng Hội Đồng đã bế mạc ngày 19 tháng 10 vào ngày lễ phong “chân phước” cho Đức Thánh Cha Phaolô VI.
2. Tôi ra về, lòng hân hoan vui sướng vì đã được cộng tác với Đức Thánh Cha và hàng Giám mục thế giới trong tình huynh đệ. Tâm hồn mục tử được nâng cao và lòng đầy hy vọng cho tương lai của Giáo hội Chúa Kitô trong thời đại đầy những biến chuyển và thử thách này.  “Ở đâu tội lỗi càng nhiều, thì ở đó càng dồi dào ân sủng” (Rm 5, 20). Đó là điều thánh Phaolô đã từng rao giảng, làm nổi bật Tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa: Tình yêu không đặt điều kiện, không mặc cả, cho đi mà không tính toán, Tình yêu tự hiến trọn vẹn nơi cái chết hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá! Lòng tôi đầy hy vọng vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều có “niềm hy vọng lớn lao”: được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần yêu thương trọn vẹn, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, Tình Yêu ấy vẫn chờ đợi chúng ta (x. Spe Salvi, số 3).
3. Mùa Vọng là “Mùa Chờ đợi”:  Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Trong Thư II, thánh Phêrô nói với chúng ta: “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3,9b). Thiên Chúa chờ đợi, vì muốn gặp gỡ chúng ta. Chúa Giêsu Kitô muốn gặp gỡ chúng ta, nên Người sẽ trở lại trong vinh quang. Nhưng nếu trong cuộc đời lữ thứ này, chúng ta gặp gỡ được Chúa trong đức tin, nhờ lắng nghe Lời Chúa và cử hành phụng vụ bí tích, thì chúng ta đã là “phúc nhân” rồi! Tuy ở trong thế gian, chúng ta vẫn không thuộc về thế gian, đúng như lòng Chúa Giêsu mong ước, được biểu lộ trong Lời cầu nguyện với Chúa Cha trước khi ra đi về cùng Chúa Cha (x. Ga 17,14-16).
4. Thiên Chúa chờ đợi! Chúng ta chờ đợi! Trong thâm sâu, lòng con người lúc nào cũng ước ao những điều cao thượng, âm thầm hướng về Thiên Chúa là Cội Nguồn, là Quê Hương đích thực. Sự hoài hương thuộc về bản chất của con người. Mùa vọng là mùa Giáo hội khơi dậy lòng yêu mến Quê Hương đích thực của người kitô hữu. Hướng về Quê Trời, yêu mến “Quê Hương Ba Ngôi”, không phải là lãng quên các giá trị trần thế. Trái lại, nghĩa vụ của mọi người kitô hữu là biến đổi thế giới, thay đổi trần gian này, chuẩn bị cho “Trời mới Đất mới” (2 Pr 3,13) nơi Thiên Chúa ngự trị: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Chính Thiên Chúa đổi mới tất cả, Thần Khí Tác Tạo của Chúa canh tân bộ mặt trái đất! Hãy cộng tác với Thần Khí, đổi mới mọi sự, dọn đường cho Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể làm người và ở giữa chúng ta.
5. Hãy noi gương Gioan Tiền Hô, dọn đường cho Chúa. Hãy trở thành tiếng của “Người Hô trong sa mạc”! Người Hô ấy chính là Đức Chúa! Cuộc đời chúng ta trở thành “tiếng nói” của Đức Chúa. Chúng ta là “sứ giả” của Người ; để bớt phần bất xứng, trước hết phải canh tân chính mình! Hãy đổi mới bản thân! Hãy lấp cho đầy những hố sâu, để khỏi có ai rơi vào! San bằng những lồi lõm trên đường ta đi, để người khác có thể đồng hành! Hãy tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ đến làm phép rửa bằng Thánh Thần. Hãy quan tâm đổi mới cuộc sống gia đình, dù có rất nhiều khó khăn và thách đố! Chuẩn bị cho gia đình đón Chúa, lắng nghe Tin mừng của Chúa!
6. Đặc biệt năm nay, hãy nỗ lực đưa Niềm vui của Tin mừng vào giáo xứ, đến với mọi thành phần trong giáo xứ, vào các cơ chế và tổ chức của giáo xứ. Làm thế nào để Giáo xứ mỗi ngày thêm giống Cộng Đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. thư MV của HĐGMVN, số 1). Trong giáo xứ, giống như trong gia đình, mỗi người tự canh tân mình trước khi đòi hỏi người khác phải thay đổi. Sám hối và tin vào Tin mừng, thì sẽ có Niềm vui của Tin mừng. Niềm vui này trước hết là niềm vui bước theo Chúa và trở nên người môn đệ chân chính của Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Giáo xứ dần dần trở nên như gia đình của Thiên Chúa ở trần gian. Cha xứ, cha phó, làm gương sáng cho giáo dân trong nỗ lực vươn lên. Hội đồng giáo xứ và các đoàn thể cố gắng đổi mới cách sống, cách suy nghĩ.
7. Tôi đã chủ sự Thánh lễ tại nhiều nhà thờ các giáo xứ và cảm thấy rất hãnh diện về việc tham dự tích cực và sốt sắng của các thành phần Dân Chúa. Chỉ còn rất ít người đi trễ, có lẽ vì kẹt xe hay một lý do nào đó; nhưng nếu khắc phục được, thì thật là đáng khen. Chắc trong số những người tham dự Thánh lễ, có nhiều người thực sự muốn gặp gỡ và nhận được sự sống từ nơi Chúa. Tôi chưa có dịp nghe anh em linh mục giảng trong Thánh lễ, nhưng rất ước mong anh em lưu tâm chuẩn bị bài giảng vắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, có chất lượng nuôi dưỡng đời sống Dân Chúa. Trong việc dạy giáo lý, cần có sự cộng tác chặt chẽ giữa linh mục và giáo dân, nhưng linh mục vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Làm thế nào để việc huấn giáo góp phần đưa Lời Chúa vào cuộc sống của các tín hữu.
8. Tôi ước mơ các giáo xứ trở thành những cộng đoàn hiệp thông, hiệp thông với Chúa, hiệp nhất với nhau. Mọi người đều có chỗ đứng trong lòng giáo xứ, nhất là những người nghèo, những người trẻ. Tôi ước mơ mọi kitô hữu trong giáo xứ đều trở nên những môn đệ tông đồ của Chúa Giêsu, dấn thân tích cực loan báo Tin mừng Chúa Giêsu, sẵn sàng đối thoại với mọi người, những người thuộc các tôn giáo khác, cả những người không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào ; sẵn sàng trả lẽ về niềm hy vọng trong lòng, trong cuộc sống của anh em. Tôi ước mong tất cả chúng ta, những Kitô hữu, trở thành những “đấng an ủi”, “đấng bảo trợ”, giống như Chúa Thánh Thần, đối với những người gặp nhiều hoạn nạn khổ đau. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, mở rộng tầm nhìn hướng về những phần đất xưa kia đã từng là cái nôi của  Kitô-giáo như Syrie, Irak…, dâng những hy sinh để cầu nguyện cho họ, cho những người phải bỏ lại mọi sự, xa rời quê nhà để làm chứng cho Chúa. Tại Việt Nam, lòng chúng ta hướng về anh chị em di dân bỏ các vùng quê lên thành phố tìm kế sinh nhai.
9. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn năm 2015 là năm của “đời sống thánh hiến”. Đây là cơ hội thuận lợi để anh chị em sống đời thánh hiến đào sâu căn tính và đoàn sủng của mình, để “trải nghiệm không ngừng sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (x. Niềm vui của Tin Mừng, số 264). Chính trải nghiệm này thúc giục anh chị em ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, dấn thân cho sứ vụ Phúc âm hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo hội địa phương (x. Thư MV của HĐGMVN năm 2014).
10. Về phương diện mục vụ, từ Chúa Nhật I Mùa Vọng, Tổng giáo phận Saigon của chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình đã được HĐGMVN đề nghị cho năm 2015 về việc tân phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến. Sau Mùa Vọng, chúng ta sẽ hân hoan bước vào Lễ Giáng Sinh, một Đại Lễ không những cho Giáo hội Công giáo, mà  cho mọi kitô hữu trên thế giới. Chúng ta vui mừng vì Chúa đến với chúng ta, Chúa sinh ra làm người ở giữa nhân loại, và sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúng ta sẽ tiếp nối “nền văn hóa gặp gỡ” mà Chúa đã mở ra cho chúng ta, hướng về ngày mọi người gặp gỡ nhau trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.
11. Chúng ta sẽ noi gương Chúa, đến với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, đến ở giữa họ, ở cùng họ, chia vui sẻ buồn với họ. Đem ánh sáng Tình thương của Thiên Chúa đến cho mọi người, đem “tin yêu”, đem “niềm vui của Tin Mừng” đến cho mọi người. Chúa Giáng Sinh là nguồn vui của chúng ta. Những thứ vui chơi khác chỉ là phụ thuộc, không được che lấp Ánh Sáng linh thiêng của đêm Noel, niềm vui thiêng thánh mà Chúa mang tới. Xin anh chị em bớt tiêu xài vào những vui chơi theo kiểu trần gian trong đêm Noel, để tiền bạc và của cải vật chất chia sẻ cho người nghèo. Tôi nghe nói những anh chị em bị nhiễm HIV/AIDS ở “trọng điểm”, nơi mà trước đây có một sự hợp tác khá chặt chẽ giữa các dòng tu và phía chính quyền, cùng với xã hội dân sự, rất thiếu thốn, đặc biệt trong những dịp lễ lớn, như Noel, Tết Nguyên Đán.
12. Niềm vui Giáng Sinh của chúng ta sẽ kéo dài, nếu Đức Chúa Trời không ngừng sinh ra trong tâm hồn chúng ta. Mà đâu có Tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi là đó có ân sủng Người, đâu có lòng bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi, đâu ý hợp tâm đầu, ở đó chứa chan niềm vui!
Cầu chúc anh chị em một Mùa Vọng thật sốt sắng, một Lễ Noel thật ấm cúng, một Mùa Giáng Sinh tràn ngập niềm vui và ân sủng!
Thân ái kính chào anh chị em!
(đã ký và đóng dấu)
+ Phao lô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám Mục
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20141111/28359