Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Từng chút một thôi…

Nhìn một vận động viên đứng trên bục cao nhận giải thưởng, ta trầm trồ thán phục. Ta ước mong mình có thể trở thành một vận động viên xuất sắc như thế. Đọc một kiệt tác văn học, ta thích thú ngưỡng mộ ngòi bút xuất thần của nhà văn. Ta ước mong mình có thể viết được hay như thế. Nghe gương sống thánh thiện của một vị thánh, ta thấy mình bừng cháy khát khao nên thánh. Ta ước ao đời mình cũng thánh thiện như thế. Rồi ta lên kế hoạch cho mình, ta sẽ làm thế này, ta sẽ làm thế kia…cuối cùng, được vài ngày, ta lại…nản. Tất cả lại trở về như cũ.
Ở đời, tất cả những gì thành công, xuất chúng, đáng giá đều không thể gặt hái một sớm một chiều. Chúng là kết quả của những nỗ lực bền bỉ, bước đi trong khiêm tốn, kiên nhẫn và …từng chút một. Ta nên biết rằng đằng sau tấm huy chương vàng óng ánh là những kiêng khem, tập luyện vất vả, không phải ngày một ngày hai, mà có khi mất nhiều năm trời luyện rèn bền bỉ. Đằng sau những áng văn bất hủ là những bản thảo miệt mài viết đi viết lại, sửa tới sửa lui. Có khi nó là công trình của cả một đời người, bắt đầu từ những nét chữa nguệch ngoạc cho đến những câu chữ chỉn chu rõ ràng. Đằng sau một mẫu gương thánh thiện, là cả một đời rèn luyện nhân đức.
Mọi sự đều có tiến trình riêng của nó. Một chú nhộng bướm phải mất hàng giờ kiên nhẫn cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu trên cái kén. Tiến trình tự nhiên mà ta tưởng là mất giờ này giúp cho cơ thể chú nhộng nhỏ gọn và đôi cánh cứng cáp để có thể bay khi chú thoát thai thành bướm. Nếu ta thương tình can thiệp để tiến trình ấy diễn ra nhanh hơn, chú “nhộng bướm” sẽ chỉ là chú “bướm nhộng” bò loanh quanh với thân hình phồng rộp và đôi cánh nhăn nhúm. Tôn trọng tiến trình của cuộc sống và chấp nhận quy luật ấy cũng là lẽ khôn ngoan ở đời. Một bạn trẻ thành công quá sớm trong khi chưa chín chắn trưởng thành trong nhân cách có thể hủy hoại tương lai và cả thành công hiện tại. Macaulay Culkin, diễn viên nhí trong bộ phim nổi tiếng “Ở nhà một mình” là một thí dụ điển hình. Thành công quá sớm đã khiến cho Macaulay Culkin nhanh chóng sa ngã, sự nghiệp tuột dốc và cuối cùng chết mòn vì ma túy. Chấp nhận mọi thành công đều cần một quá trình, ta từ tốn khôn ngoan bước đi từng bước vững chắc.
Thường thì nói và nghĩ bao giờ cũng dễ, bắt tay vào làm mới khó. Nghĩ tưởng về thành công trong tương lai, khơi lên trong ta bao nhiêu động lực hiện tại, nhưng thực tế, khi bắt đầu hành trình và nhìn về chân trời xa xăm phía trước lại có thể khiến ta thoái chí nản lòng. Ta không biết liệu mình có làm được như vậy không? Ta không biết liệu dự phóng của mình có quá ảo tưởng không? Và cái tiến trình xa vời vợi ấy có thể là một cám dỗ giục ta bỏ cuộc. Lúc mới hoán cải với tâm trí tràn ngập những dự phóng sẽ thực hiện cho Thiên Chúa, thánh Inhaxio cũng đã từng bị cám dỗ như vậy. Khi ấy, tâm trí ngài nổi lên một ý nghĩ: “Liệu ngươi có thể sống nổi cuộc sống này suốt 70 năm không?”Ý nghĩ ấy khiến ngài nản chí, nhưng khi nhận ra đó là một cám dỗ, ngài hiểu rằng 70 năm ấy có thể đạt được, chỉ cần lúc này ngài sống từng giờ trọn vẹn.
Cuối cùng, ở mỗi tiến trình ta phải nhận thức đúng về mình và quý trọng những thành quả tương xứng với tiến trình ấy. Một con sâu róm xấu xí không nên tự trách mình không đẹp đẽ tươi xinh như chú bướm bay lượn trên các khóm hoa. Những so sánh như vậy đều là khập khiễng và dễ dàng khiến ta thất vọng về mình. Ta đang tập viết, không thể đòi mình có khả năng xuất khẩu thành thơ, hay sáng tác những ánh văn kiệt xuất. Điều khiến lòng ta an ủi là, dù có là cây bút đại tài đi nữa, thì cũng từng phải mài đũng quần tập viết từng câu chữ như ta. Nhận thức đúng về mình giúp ta vững vàng trước những tiếng đời dư luận. Chú sâu róm sẽ thất vọng buồn rầu đến chết được, vì ai nhìn chú cũng khiếp sợ. Người ta khiếp sợ một con sâu mà không thể thấy rằng nó sẽ trở thành một con bướm. Người ta thích thú nhìn ngắm một con bướm mà quên mất rằng nó đã từng là một con sâu. Người đời cũng vậy, họ có thể chỉ nhìn thấy bạn như là một “con sâu” mà không thấy được nỗ lực của bạn để trở thành một “con bướm”. Vậy nên bạn đừng để nhận xét của họ làm mai một ý chí vươn lên của mình.
Bạn thân mến, một tòa tháp cao bắt đầu từ một viên gạch nhỏ. Một hành trình dài ngàn dặm khởi đi từ một bước chân ngắn. Bạn là kiến trúc sư cho tòa tháp cuộc đời mình. Trở nên một con người như thế nào, tương lai ra sao, cống hiến được gì cho đời, tất cả được đặt trên đôi vai của bạn. Chính bạn là thuyền trưởng của cuộc đời mình. Từ tốn, kiên nhẫn, trung thành sống từng chút nhỏ thôi, bạn sẽ lái cuộc đời mình về đến đích, như lời vị tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Chấm một chấm cho thẳng, chấm này nối tiếp chấm kia… đường sẽ thẳng. Sống một phút cho tốt, phút này nối tiếp phút kia… đời sẽ thánh’’.

Dominic Vũ Chí Kiên, SJ.
Nguồn: http://dongten.net/noidung/37399

Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Syria, Iraq và Ukraine

Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên của ROACO, một ủy ban quốc tế cung cấp những hỗ trợ tài chính cho các Giáo Hội Đông Phương. Trong số các thành viên, đã có nhiều đại diện của các quốc gia đang phải đối mặt với các cuộc xung đột đang diễn ra, chẳng hạn như Syria và Ukraine.

Dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình. Ngài đã nhắc lại buổi cầu nguyện cùng với tổng thống Israel và Palestine vào ngày 08 tháng 6 vừa qua.

Đức Thánh Cha nói:

"Các cây ô liu mà tôi trồng trong vườn cùng với Thượng Phụ thành Constantinople, tổng thống Israel và Palestine Vatican, là một biểu tượng của hòa bình là điều chỉ có thể chắc chắn và lâu dài khi nó được trồng bởi nhiều tay."

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các Kitô hữu sống ở Syria, Iraq và Ukraine. Ngài yêu cầu các thành viên ROACO tiếp tục "nuôi dưỡng hòa bình" và nỗ lực hơn trong công việc của họ.

Ngài nói:

"Với hiệp nhất và lòng bác ái các môn đệ Chúa Kitô phấn đấu để kiến tạo hòa bình ở khắp mọi nơi, trong tất cả các dân tộc và cộng đồng, và gắng sức vượt qua các hình thức phân biệt đối xử triền miên, bắt đầu với những phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo."

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Francis cảm ơn các vị đã nỗ lực khôi phục "nhân phẩm và an ninh" cho người tị nạn, cũng như đề cao việc tôn trọng bản sắc tôn giáo và tự do của họ.

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/125785.htm

Đức Giáo Hoàng nói với các nhà thiên văn học trẻ: ''Đức tin làm phong phú thêm lý trí''

Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên của khóa học mùa hè của trường Vật lý thiên văn do Đài quan sát Vatican tại Cung điện Giáo hoàng Castel Gandolfo tổ chức.

25 sinh viên từ 23 quốc gia đã trải qua gần một tháng tại Castel Gandolfo để nghiên cứu các thiên hà. Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nêu bật gương sáng họ đưa ra cho thế giới.

Ngài nói:

"Trong gần một tháng nay, anh chị em đã dành riêng không chỉ để nghiên cứu các thiên hà, theo hướng dẫn của giáo sư là các chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng cũng để chia sẻ truyền thống văn hóa và tôn giáo của anh chị em. Bằng cách này, anh chị em đã đưa ra một chứng tá ấn tượng về đối thoại và sự cùng tồn tại hài hòa. "

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở họ về mối quan hệ giữa, khoa học, lý trí và đức tin. Ngài cho biết Giáo Hội đối thoại với Khoa Học từ đức tin, để làm cho lý trí phong phú và mở rộng tầm nhìn của nó.

Đức Thánh Cha mời gọi họ chia sẻ những kiến thức mà họ đã nhận được. Ngài nói rằng chỉ có một "phần rất nhỏ" của dân số thế giới có được cơ hội như họ.

Đức Thánh Cha nói:

"Những người nam nữ ở khắp mọi nơi cần phải có quyền truy cập vào những nghiên cứu và đào tạo khoa học. Hy vọng một ngày kia tất cả người dân sẽ có thể tận hưởng những lợi ích của khoa học là một khích lệ đối với tất cả chúng ta."

Đức Thánh Cha giải thích rằng khoa học mở rộng trái tim và tâm trí cho những câu hỏi lớn vương vấn trong lòng người. Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này là một bước tiến gặp gỡ Thiên Chúa.

Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/125786.htm

Tâm tình Kitô Giáo của các thủ môn Giải Túc Cầu Thế Giới

“Điên mới làm thủ môn”, câu truyền tụng trong giới túc cầu thế giới này đủ nói lên thân phận người thủ môn của môn thể thao nổi tiếng nhất địa cầu. Dù sao, giữ vai trò này không dễ chút nào vì phải đương đầu với phần lớn áp lực của trận đấu, hơn hẳn mọi cầu thủ khác: một sơ hở nhỏ hay một giây phút bất cẩn cũng đủ lật ngược hẳn số phận đội nhà.

Ấy thế nhưng, tại giải Túc Cầu Thế Giói năm nay tại Ba Tây, điều nổi bật nhất đối với các thủ môn xem ra không phải là chuyện điên hay không điên mà là chuyện tôn giáo. Thủ môn các đội như Croatia, Nigeria và Costa Rica nhiều lần thổ lộ rằng họ tìm thấy nơi đức tin Kitô Giáo một nguồn tài nguyên thiêng liêng tuyệt vời, không những có ích cho cuộc sống hàng ngày mà cả ở khung thành nữa.

Không phải là việc trùng hợp khi tôn giáo đóng một vai trò chủ yếu đối với nhiều thủ môn: có lẽ sức mạnh cầu nguyện vốn giúp họ bớt căng thẳng và giúp họ tập trung, một điều hết sức cần thiết.

Vincent Enyeama, thủ môn đội Nigeria, chẳng hạn, luôn sống đức tin của anh một cách nồng đậm đến nỗi đồng đội tặng anh biệt danh “ông mục sư”. Thực thế, Enyama thường khuyến khích toàn đội của anh cầu nguyện chung trước mỗi bữa ăn, mổi buổi tập dượt và mỗi trận đấu. Trong một cuộc phỏng vấn, huấn luyện viên của anh thú nhận rằng nếu Enyama “không trở thành một thủ môn, chắc chắn anh ta sẽ dễ dàng mở được một nhà thờ”.

Sau một trận tranh giải AFCON (giải các quốc gia Phi Châu), trong đó, Enyama đã giữ cho đội nhà khỏi thua bằng một cú cứu tuyệt vời, được các nhà báo hỏi nhờ đâu anh thực hiện được một tuyệt chiêu như thế, Enyama trả lời: “Các Thiên Thần của Chúa giúp tôi, các ngài hướng dẫn các bàn tay của tôi vươn ra đúng chỗ để chặn trái banh”. Nghiệp thủ môn của Enyama đáng lý ra đã kết thúc sớm vào năm 2004 khi anh bị tai nạn xe hơi rất nặng, nhưng anh cảm tạ Chúa vì biến cố này chỉ làm anh xây xát qua loa.

Một người sùng đạo khác là Stipe Pletikosa. Mỗi lần giữ khung thành, người thủ môn Croatia này đều mặc chiếc áo thung vẽ hình Đức Mẹ Mễ Du và trước khi trận đấu bắt đầu, anh đều tập chú vào việc cầu nguyện cho tới giây phút cuối cùng. Chính tại Mễ Du, tháng 5 năm ngoái, đội Croatia đã huấn luyện một tuần lễ trước khi chơi các trận xếp hạng để được dự Giải Thế Giới.

Trong một cuộc phỏng vấn, người thủ môn của đội Croatia này cho hay: đức tin đã giúp anh duy trì được tác phong bình thản và tránh được điều anh gọi là “hạnh phúc giả tạo”, tức những thái quá vốn là đặc điểm của nhiều cẩu thủ túc cầu nổi tiếng khác. Pletikosa nói thêm: thay vì tìm sức mạnh ở tiền bạc hoặc tiếng tăm, anh trở nên mạnh mẽ hơn nhờ mối liên hệ của anh với Thiên Chúa. Anh nói: “Cầu nguyện là tâm điểm khế ước của tôi với Thiên Chúa. Cầu nguyện đem lại bình an cho tôi”.

Về phần mình, Keylor Navas của đội Costa Rica, trong một cuộc phỏng vấn, thú thực rằng trước mỗi trận đấu, anh đều cầu nguyện với Chúa, xin Người đặt hai thiên thần để giữ hai khung thành của anh. Navas nói rằng sức mạnh của cầu nguyện giúp anh tập trung và bỏ ngoài tai những la ó và nhục mạ đến từ người ái mộ.

Thêm vào đó, thủ môn Costa Rica này hiện còn hợp tác với hiệp hội “Vida Nova” (Đời Sống Mới) tại Valencia, là hiệp hội chuyên trợ giúp những người kém may mắn. Hiệp hội này có một đội túc cầu riêng tên là “Câu Lạc Bộ Thể Thao Phúc Âm”, một hội, nhờ thể thao, đã có thể đóng góp nhiều cho các hoạt động bác ái.

Trong một cuộc phỏng vấn, Navas mô tả cách sống đức tin của anh như sau: “Đối với tôi, Thiên Chúa phải đến đầu tiên. Trước mỗi trận đấu, tôi đều qùy cầu nguyện, tôi dang rộng cánh tay và cầu nguyện… Đoạn Sách Thánh tôi ưa thích là Thư Galát 1:10 là đoạn nói rằng: “Nếu tôi vẫn cứ cố gắng làm vui lòng người ta, tôi không thể phục vụ Chúa Kitô được”. Nhờ thế, tôi không mất điềm tĩnh. Thiên Chúa ban cho tôi sức khỏe và một công việc tuyệt vời. Nên tôi không đứng im mà chờ cho sự việc xẩy tới. Tôi làm việc không ngừng và cố hết sức để tự cải thiện mình, giống như toàn đội quốc gia của tôi. Thái độ của chúng tôi được tạo nên nhờ đức tin và đức cậy: không có chúng, bạn chẳng đi tới đâu”.

Tuy nhiên, việc các thủ môn thi hành “sứ mệnh của Chúa” không hẳn là một điều mới mẻ. Thủ môn Á Căn Đình, Carlos Roa, một năm sau giải Pháp Quốc năm 1998 đã xin nghỉ một năm để phục vụ Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm. Điều chắc chắn là các thủ môn Kitô Giáo tham dự Giải Thế Giới năm nay tại Ba Tây tìm được chỗ thích hợp để cầu nguyện, vì Ba Tây là một nước, hơn hẳn bất cứ nước nào khác, luôn cố gắng tổng hợp thể thao với việc truyền bá phúc âm.

Thực vậy, chính tại Ba Tây người ta thấy phong trào “Các Vận Động Viên của Chúa Kitô”, một hiệp hội nhằm mục đích hội tụ mọi thể tháo gia có khuynh hướng phúc âm. Ngoài ra, chính ngành túc cầu Ba Tây cũng có gốc rễ Kitô Giáo. Theo tạp chí Ba Tây “Passos”, các cha Dòng Tên là những người đầu tiên đưa túc cầu vào các trường học vì họ nghĩ “nhiều bài học luân lý phát sinh từ tinh thần thể thao”. 


Vũ văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/125751.htm

Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho Đức Cha Bùi Văn Đọc và 23 Tổng Giám Mục chính tòa



VATICAN. Lúc 9 giờ 30 sáng chúa nhật 29-6-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể mừng kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, và trao dây Pallium cho 24 vị TGM chính tòa, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM Sàigòn.


24 vị TGM đến từ 22 quốc gia, trong đó có 6 vị từ Á châu là Việt Nam, Ấn độ, Pakistan, Indonesia, 2 vị Philippines. Từ Mỹ có Đức Cha Leonard Paul Blair, TGM giáo phận Hartfort (CT).

Ngoài ra có 3 vị TGM không đến được và xin nhận dây Pallium tại giáo phận thuộc quyền, do vị Đại diện Tòa Thánh trao.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

Đồng tế thánh lễ có 50 HY, 70 GM và 350 Linh mục tất cả đều trong phẩm phục màu đỏ, cùng với trên 8 ngàn tín hữu, trong đó có 7 người thuộc phái đoàn Đức TGM Sàigòn, đặc biệt là chị ruột của ngài là bà Bùi Thị Hữu.

Ở chỗ danh dự trước bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Ioannis hướng dẫn.

Nơi hông bên phái Đền thờ, tượng thánh Phêrô bằng đồng đen được mặc phẩm phục là áo choàng mầu đỏ, theo một thói quen rất cổ kính.

Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn ca đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, và ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” ở Roma.

Trao dây Pallium

Nghi thức trao dây Pallium thật đơn sơ và diễn ra vào đầu thánh lễ. 4 Phó tế xuống mộ Thánh Phêrô để mang 27 dây Pallium lên cạnh bàn thờ chính để ĐTC chuẩn bị làm phép.

ĐHY Renato Martino, tân Trưởng Đẳng Phó Tế, giới thiệu các vị TGM chính tòa lên ĐTC và xin ngài trao dây Pallium cho các vị. ĐHY cũng nhắc đến 3 vị TGM không thể đến Roma được và xin được nhận dây Pallium này trong giáo phận thuộc quyền, từ vị Đại diện Tòa Thánh, đó là các vị TGM giáo phận Lilongwe bên Malawi Phi châu, Mandaly bên Myanmar và Đức Cha Stepan Burger, thụ phong TGM cùng ngày hôm qua ở Freiburg im Breisgau bên Đức, nên không thể đến dự.

Kế đến các TGM tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.

ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

ĐTC cũng đọc công thức trong đó có đoạn nói rằng: ”Ước gì giây Pallium này, đối với anh em, là biểu hiệu sự hiệp nhất và là dấu chỉ sự hiệp thông với Tòa Thánh, là mối giây bác ái và là một khích lệ can đảm mạnh mẽ để trong ngày Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, vua của các Mục Tử, đến và tỏ hiện, anh em cùng với đoàn chiên được ủy thác cho anh em, có thể được mặc lấy áo của sự bất tử và vinh quang”.

Tiếp đến từng vị tân TGM tiến lên quỳ trước mặt ĐTC để ngài đeo dây Pallium cho. Sau cùng, Đức TGM Ilsonde Jesus Montanari, người Brazil, Tổng thư ký Bộ Giám Mục, đã tiến lên trước mặt ĐTC để nhận các dây Pallium còn lại để chuyển tới các vị TGM vắng mặt.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ, ĐTC quảng diễn sự kiện thánh Phêrô được Chúa giải thoát khỏi mọi sợ hãi và ngài mời gọi các vị Mục Tử và tín hữu tín thác và theo Chúa. Ngài nói:

Trong ngày lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô, bổn mạng chính của Roma, chúng ta vui mừng và biết ơn đón tiếp Phái đoàn do Đức Thượng Phụ chung, người anh em đáng kính và quí mến Bartolomeo gửi đến, và được Đức TGM Ioannis hướng dẫn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho cuộc viếng thăm này có thể củng cố các mối giây huynh đệ của chúng ta trong hành trình tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo Hội anh em, mà chúng ta rất mong ước.

”Chúa đã sai thiên thần của Ngài và giải thoát tôi khỏi tay Hêrôđê” (Cv 12,11). Vào đầu sứ vụ của Phêrô trong cộng đồng Kitô ở Jerusalem, vẫn còn một sự sợ hãi lớn vì những bách hại của vua Hêrôđê chống lại một số thành phần của Giáo Hội. Thánh Giacôbê đã bị giết và giờ đây chính thánh Phêrô cũng bị cầm tù để làm hài lòng dân chúng. Trong khi thánh nhân bị giam trong ngục và bị xiềng xích, Người nghe tiếng thiên thần nói: 'Hãy đứng lên! .. thắt lưng và đi dép vào... mặc áo và theo tôi!” (Cv 12,7-8). Xiềng xích rơi xuống và cửa nhà tù tự động mở ra. Phêrô nhận thấy rằng mình được Chúa giải thoát khỏi sợ hãi và xích xiềng. Đúng vậy, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi và mọi xiềng xích để chúng ta có thể thực sự tự do. Buổi lễ hôm nay diễn tả thật rõ thực tại ấy với những lời trong điệp khúc trong thánh vịnh đáp ca: ”Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi sợ hãi”.

Đây là vấn đề đối với chúng ta ngày nay: sợ hãi và những nương náu mục vụ.

Anh em GM thân mến, tôi tự hỏi: chúng ta có sợ hãi hay không? Chúng ta sợ cái gì? và nếu có sợ thì đâu là nơi nương náu chúng ta tìm kiếm trong đời sống mục vụ để được an toàn chắc chắn? Phải chăng chúng ta tìm kiếm sự hỗ trợ của những người quyền lực trần thế? Hoặc chúng ta để cho mình bị lừa đảo vì kiêu ngạo tìm kiếm những thỏa mãn và ca tụng, tuyên dương, và chúng ta tưởng sẽ được an toàn như thế? Chúng ta đặt an ninh của chúng ta ở đâu?

ĐTC nói tiếp:

”Chứng từ của thánh Phêrô Tông Đồ nhắc nhở chúng ta rằng nơi nương náu đích thực của chúng ta là lòng tín thác nơi Thiên Chúa: lòng tín thác ấy đẩy xa mọi sợ hãi và làm cho chúng ta được giải thoát khỏi mọi nô lệ và cám dỗ trần tục. Ngày nay, GM Roma và các GM khác, đặc biệt là các vị TGM đã nhận dây Pallium, cảm thấy được gương của thánh Phêrô gọi hỏi hãy kiểm chứng lòng tín thác nơi Chúa.

Thánh Phêrô tìm lại được niềm tín thác khi Chúa Giêsu ba lần nói với Người: ”Hãy chăn các chiên của Thầy” (Ga 21.15.16.17). Và đồng thời, thánh nhân, Simon, ba lần tuyên xưng lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, qua đó thánh nhân chữa lành ba lần chối Chúa trong cuộc khổ nạn. Phêrô còn cảm thấy bị thiêu đốt trong tâm hồn vì vết thương làm cho Chúa đau buồn trong đêm phản bội. Giờ đây Chúa hỏi thánh nhân: ”Con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô không tín thác nơi bản thân và sức riêng của mình, nhưng nơi Chúa Giêsu và lòng từ bi của Ngài: ”Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con rất mến Thầy” (Ga 21.17). Và thế là sợ hãi, tình trạng bất an và nhút nhát biến mất.

”Phêrô đã nghiệm thấy rằng lòng trung tín của Thiên Chúa lớn hơn những bất trung của chúng ta và mạnh mẽ hơn những chối bỏ của chúng ta. Người nhận thấy rằng lòng trung tín của Chúa xua tan sợ hãi của chúng ta và vượt lên trên mọi tưởng tượng của con người. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta: ”Con có mến Thầy không?” Chúa hỏi như thế vì Ngài biết những sợ hãi và cơ cực của chúng ta. Phêrô chỉ đường cho chúng ta: hãy tín thác nơi Chúa, Đấng 'biết mọi sự' về chúng ta, Chúa tin tưởng không phải nơi khả năng trung thành của chúng ta đối với Ngài, nhưng về lòng trung tín không thể lay chuyển của Ngài. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Ngài không thể chối bỏ chính mính (Xv 2 Tm 2,13). Lòng trung tín - mà Thiên Chúa không ngừng khẳng định cả với các Mục Tử chúng ta, vượt lên trên những công trạng của chúng ta, - chính là nguồn mạch lòng tín thác và an bình của chúng ta. Lòng trung tín của Chúa đối với chúng ta luôn khơi lên nơi chúng ta ước muốn phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em trong tình bác ái.

Tình yêu của Chúa Giêsu phải đủ cho Phêrô. Thánh nhân không được chiều theo cám dỗ tò mò, ghen tương, như khi thấy Gioan ở cạnh, thánh nhân hỏi Chúa Giêsu: ”Lạy Chúa, anh ấy sẽ ra sao?” (Ga 21,21). Chúa trả lời Phêrô: ”Điều ấy có hệ gì đến con? Phần con hãy theo Thầy” (Ga 21,22).

Và ĐTC kết luận rằng:

”Hỡi các anh em TGM quí mến, kinh nghiệm này của Phêrô là một sứ điệp quan trọng cho cả chúng ta ngày nay. Hôm nay Chúa cũng lập lại với tôi, với anh em, và với tất cả các Mục Tử: Hãy theo Thầy! Đừng mất thời giờ trong những câu hỏi hoặc những chuyện tầm phào vô ích; đừng dừng lại ở những điều phụ thuộc, nhưng hãy nhìn điều cốt yêu và theo Thầy. Hãy theo Thầy mặc dù có những khó khăn. Hãy theo Thầy trong việc rao giảng Tin Mừng. Hãy theo Thầy trong cuộc sống chứng tá tương ứng với hồng ân phép rửa tội và truyền chức thánh. Hãy theo Thầy khi nói về Thầy với những người anh em đang sống, ngày qua ngày, trong những cơ cực cảu công việc, đối thoại và tình thân hữu. Hãy theo Thầy trong việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, nhất là những người rốt cùng, để không một ai bị thiếu Lời Sự Sống, giải thoát khỏi mọi sợ hãi và mang lại lòng tín thác nơi lòng trung tín của Thiên Chúa”.

Các lời nguyện giáo dân đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Nga, Bồ đào nha, tiếng Hoa, Pháp, và tiếng Yoruba ở miền tây nam Nigeria và tây Phi châu, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tân TGM nhận dây Pallium, cho các dân tộc trên trái đất và các nhà cầm quyền, người nghèo, bệnh nhân, những người lẻ loi và đau khổ, sau cùng là cho toàn thể các tín hữu Kitô.

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 40 phút và kết thúc lúc 11 giờ 10, với bài ca: ”Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa:

ĐTC đã cùng với vị TGM trưởng Phái đoàn chính thống Constantinople xuống cầu nguyện tại Mộ của Thánh Phêrô Tông Đồ và trước tượng thánh nhân bên hông Đền Thờ.

Sau đó, ngài về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quang trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/06/29/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_trao_gi%C3%A2y_pallium_cho_%C4%91%E1%BB%A9c_cha_b%C3%B9i_v%C4%83n_%C4%91%E1%BB%8Dc_v%C3%A0_23_t%E1%BB%95ng/vie-810091

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Video Lịch sử Jerusalem

Là tín hữu Ki-tô giáo, có lẽ trong lòng mỗi người chúng ta đều có một Giêrusalem như thế: một Giêrusalem là điểm xuất phát của niềm tin Ki-tô giáo, nơi mà các Tông Đồ đã nhận được lệnh truyền phải nhân danh Đức Giêsu mà ra đi rao giảng cho muôn dân (Lc 24,47); một Giêrusalem đã trở nên quen thuộc với chúng ta nhờ những đoạn Kinh Thánh, những bài Thánh Vịnh, những bản Thánh Ca...


"Bên bờ sông Babylon
ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion.
Trên những cành dương liễu ta tạm gác cây đàn [...]
Giêrusalem hỡi,
lòng này nếu quên ngươi
thì tay gãy đàn thành tê bại"
(Thánh Vịnh 136:1.2.5)

Lời thơ của tác giả Thánh Vịnh làm vọng vang tâm tình hoài hương và nỗi niềm luyến nhớ Giêrusalem của những người phải sống trên đất lưu đày Babylon. Với người dân Israel ở mọi thời, Giêrusalem luôn là Thánh Đô, là cố quốc, là quê hương xứ sở, là gốc gác cội nguồn.

Là tín hữu Ki-tô giáo, có lẽ trong lòng mỗi người chúng ta đều có một Giêrusalem như thế: một Giêrusalem là điểm xuất phát của niềm tin Ki-tô giáo, nơi mà các Tông Đồ đã nhận được lệnh truyền phải nhân danh Đức Giêsu mà ra đi rao giảng cho muôn dân (Lc 24,47); một Giêrusalem đã trở nên quen thuộc với chúng ta nhờ những đoạn Kinh Thánh, những bài Thánh Vịnh, những bản Thánh Ca...

Nhân dịp Đức Thánh Cha Phan-xi-cô hành hương Đất Thánh và viếng thăm thành Giêrusalem, chúng tôi xin gởi đến các bạn Video giới thiệu đôi nét sơ lược về lịch sử thành Giêrusalem. Mời quý vị và các bạn cùng xem lại dòng lịch sử nhiều thăng trầm của Thánh Đô, để hiểu hơn và yêu mến hơn thành phố có một vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống đức tin của mỗi người tín hữu chúng ta.


Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Phim-Cong-Giao/Video-Li-ch-su-Jerusalem-3741/

Ở lại với Người (kỳ 38): Ơn gọi làm con Chúa


Các bạn trẻ thân mến, 

Cảm nghiệm được thúc đẩy của Thánh Thần, có biết bao người hăng hái lên đường truyền rao Tin Mừng cứu rỗi. Họ chẳng ngại gian nan, vượt trùng khơi sóng dữ, băng rừng già âm u, để đến tận cùng chân trời trái đất, cốt chỉ để nói cho người khác biết về một sự sống mới mà Giêsu hứa ban cho những ai vững tin vào Người. Tạ ơn Chúa đã thương yêu dân tộc Việt Nam nhỏ bé của chúng ta, sai gửi các nhà truyền giáo đến, rắc gieo trên mảnh đất này những hạt mầm đức tin. Tổ tiên chúng ta đã vui mừng đón lấy, ấp ủ để đến ngày nay, ta được hưởng nhờ hoa quả thơm ngon.

Được làm con của Chúa là một vinh dự vô cùng to lớn của hết thảy chúng ta. Chính Đức Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta phẩm giá cao quý ấy. Nhớ lại ngày xưa, khi Ađam và Eva còn sống thảnh thơi bên Thiên Chúa. Chiều chiều, Thiên Chúa và họ cùng thong dong dạo mát với nhau. Kể từ khi họ phạm tội, tình thân ái giữa con người với Thiên Chúa ngày càng xa mờ nhạt hơn. Tội lỗi đã kéo con người xuống tận đáy hố sâu, khiến cho họ phải lẩn trốn mình, không dám đối diện với Thiên Chúa. Nhưng nay, Đức Giêsu đã phục hồi lại cho chúng ta tư cách làm con Cha, trở nên đồng thừa tự với người anh trưởng là Giêsu. Ta như được đưa về tình trạng công chính nguyên thủy trước kia. Dù chỉ là những con người nghèo hèn đơn sơ, quanh năm gắn liền với ruộng vườn, ao cá, nhưng ông bà tổ tiên chúng ta đã ý thức rất rõ niềm vinh hạnh to lớn này.

Không phải là những nhà thần học tài ba, không có những lý luận cao siêu, không được học những tư tưởng kiệt xuất, nhiều khi chỉ thuộc mỗi kinh Lạy Cha, mà cũng chưa nắm vững trọn vẹn, vậy mà họ chưa bao giờ thiếu niềm tin vào Chúa, chưa bao giờ gục ngã trước những bắt bớ bạo tàn. Đầu rơi, máu chảy, bị thú dữ dày xéo, ngũ mã phanh thây… thậm chí cả những nhục hình tàn bạo nhất cũng không thể làm cho đức tin họ bị lay chuyển. Giọt máu đào thấm vào lòng đất, làm trổ sinh những bông hạt nặng trĩu. Từng đoàn đoàn lớp lớp hiên ngang bước đi, tiến ra pháp trường nhưng vui như đi vũ hội, đi dự tiệc cưới. Anrê Phú Yên bị đao chém ngang cổ, bị mũi giáo đâm vào trái tim còn đang tuổi thanh xuân, nhưng miệng vẫn cao rao lời ca tri ân Chúa. Gông cùm, roi sắt, ngục tù có thể là nỗi ám ảnh của người ta, nhưng lại là vinh quang của những người con dân đất Việt thời ấy.

Trải qua hành trình dài mấy trăm năm, niềm tin năm xưa được gieo vãi vẫn ngày một lớn lên và trổ sinh hoa trái. Mặc dù số lượng người Công Giáo trong đất nước chúng ta vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng lòng sùng đạo vẫn son sắt như xưa. Những kinh nguyện gia đình vào mỗi tối, những sinh hoạt giáo xứ, các hoạt động tông đồ vẫn luôn khơi lên niềm vui khi được làm con Chúa trong Giáo Hội của Người. Nhà thờ ở Việt Nam luôn đầy ắp người, từ già đến bé. Số lượng các bạn trẻ muốn dấn thân trong đời tu ngày càng tăng. Các nhà truyền giáo năm xưa đã gieo giống, ông bà ta đã bón phân vun trồng, nhờ hồng ân Chúa chở che qua bao thăng trầm khốn khó, giờ đây, chúng ta được hưởng những trái ngon ngọt cho đời sống đức tin của chúng ta.

Các bạn trẻ thân mến,

Giữa dòng đời này chơ vơ và lạc lõng, các bạn sẽ không thể nào tồn tại mà không có đức tin. Bao giờ các bạn cũng phải tin vào một cái gì đó, vì trí óc ta có hạn, ta không thể kiểm chứng hết được. Có nhiều điều các bạn tin cũng được mà không tin cũng chẳng sao. Nhưng có một niềm tin mà nếu các bạn hập thụ cách thực sự và tinh tuyền, các bạn dám đánh đổi cả mạng sống để bảo toàn nó. Ông bà chúng ta đã lãnh nhận được niềm tin như thế. Hôm nay, đến lượt chúng ta, chúng ta được mời gọi tiếp nối hành trình đức tin này. 

Tiếc thay, nhiều người trong chúng ta xem chừng chẳng quan trọng mấy chuyện có đức tin hay không. Việc ta trở thành người Công Giáo chẳng những không làm ta hãnh diện mà còn đôi khi khiến ta cảm thấy thua thiệt. Được gọi Thiên Chúa là Cha, đối với ta không vinh dự cho bằng chuyện làm lớn ở công ty, có lương bổng cao, được người khác nể trọng. Nghĩ về những bậc cha anh, anh bái phục đức tin kiên vững của họ. Nhưng ta chỉ dừng lại ở đó, chứ không dám noi gương các vị anh hùng này.

Ngày nay, chắc có lẽ không còn những bách hại rùng rợn như trước. Nhưng những thách đố cho niềm tin chúng ta vẫn còn, thậm chí có phần tinh vi và khó lường hơn. Cám dỗ của công danh và lợi lộc vẫn còn đó. Sức quyến rũ của bạc tiền qua mọi thời vẫn đủ sức lay đổ bao con người, mọi nơi mọi lúc. Ý thức về niềm vinh hạnh được làm con Chúa trở nên ngày càng yếu thế trước sức tấn công của các xu hướng hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân tân thời.

Chúng ta hãy nghĩ đến những hy sinh của các nhà truyền giáo, và những mẫu gương can đảm của các bậc cha anh để ý thức rõ hơn về món quà đức tin mà ta đang thụ hưởng. Đức tin ấy đã phải trả bằng giá máu mới có được. Giữa vững đức tin ấy, chúng ta mới có cơ may vui hưởng vinh quang trong Nước Chúa.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/06/28/%E1%BB%9F_l%E1%BA%A1i_v%E1%BB%9Bi_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_(k%E1%BB%B3_38):_%C6%A1n_g%E1%BB%8Di_l%C3%A0m_con_ch%C3%BAa/vie-809884

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Tin Mừng Chúa nhật lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô

TIN MỪNG: 
(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai ?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=8846

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - Bổn mạng Gia Đình Phạt Tạ TTCG Giáo xứ Cầu Lớn, 27.06.2014


Thánh lễ tại nhà thờ Cầu Lớn







































Bữa ăn huynh đệ tại nhà ông bà Đaminh Phan Ngọc Chờ




Giáo hạt Hóc Môn: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng

WGPSG -- Mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG), vào lúc 9g45 sáng thứ Năm, ngày 26.6.2014, GĐPTTTCG hạt Hóc Môn đã long trọng tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho quý cha Linh hướng, quý ân nhân cùng toàn thể đoàn viên,; đồng thời Ban Chấp hành (BCH) GĐPTTTCG giáo hạt nhiệm kỳ 2014 – 2017 tuyên hứa và ra mắt tại thánh đường giáo xứ Tân Hưng.
Thánh lễ đồng tế do Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, Tổng Linh hướng GĐPTTTCG VN kiêm linh hướng GĐPTTTCG hạt Hóc Môn chủ tế. Đồng tế trong Thánh lễ có Cha Hạt trưởng Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng, Cha chánh xứ Tân Quy Gabriel Trịnh Công Chánh, Cha chánh xứ Tân Đông Phạm Quốc Tuấn, Cha Linh hướng xứ đoàn Tân Hưng Nguyễn Thành Tựu, Cha phụ tá giáo xứ Bà Điểm Giuse Trịnh Thanh Hoàng và Cha khách Giuse Hoàng Văn Hòa.
Đến tham dự Thánh lễ còn có anh Đaminh Phan Văn Hùng, Phó ban Ngoại vụ - Trưởng ban Tuyên huấn BCH GĐPTTTCG TGP TPHCM, Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Hưng, các BCH GĐPTTTCG và đoàn viên đến từ 14 xứ đoàn trong hạt, ước tính khoảng 300 người.
Bắt đầu chương trình, quý cha đồng tế và cộng đoàn đã cung nghinh rước tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu chung quanh thánh đường và tiến vào nhà thờ trong tiếng hát của ca đoàn Thánh Gia giáo xứ Tân Hưng.
Sau phần chia sẻ Lời Chúa, trước sự chứng kiến của Cha Tổng Linh hướng và đại diện BCH cấp trên, 73 đoàn viên của xứ đoàn Tân Hưng đã tiến hành nghi thức tuyên hứa gia nhập đoàn và nhận phù hiệu từ tay Cha Hạt trưởng và Tổng Linh hướng.
Tiếp theo là nghi thức tuyên hứa và nhận Ủy Nhiệm thư của BCH xứ đoàn Tân Hưng, BCH xứ đoàn Trung Mỹ Tây và BCH giáo hạt Hóc Môn nhiệm kỳ 2014 – 2017. Từng thành viên BCH các cấp đã lãnh nhận Ủy Nhiệm thư như lời sai đi chính thức của Giáo hội: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người và làm chứng cho tình yêu của Chúa”.
Kết thúc Thánh lễ, anh Giuse Nguyễn Phú Nhuận, Trưởng BCH Giáo hạt đã có lời cám ơn quý cha, quý khách và cộng đoàn đã đến tham dự Thánh lễ, đồng thời kính mời quý cha, quý khách lưu lại hội trường dự tiệc mừng.
HẠT HÓC MÔN & BỔN MẠNG GĐPTTT