Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ - Bổn mạng Giáo khu 2


KÍNH CHÚC TOÀN THỂ BÀ CON GIÁO KHU 2
LUÔN AN VUI ĐẦM ẤM TÌNH HUYNH ĐỆ
DƯỚI SỰ CẦU BẦU CỦA THÁNH CẢ GIUSE

BBT.Blog GXCL kính chúc

Tìm hiểu gốc tích Tháng Hoa Đức Mẹ


Tìm hiểu gốc tích Tháng Hoa Đức Mẹ

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ. Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài "Đây Tháng Hoa" của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

"Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay toả ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhoà."

- Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

- Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời".

Nếu có ai tự hỏi: Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng? thì câu trả lời cũng không khó khăn gì.

Gốc tích như thế này:

Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

 Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc "Rước xanh". Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

- Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa", cho "việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".

- Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:

"Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để " bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ" (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)
 
Một câu truyện cũ đáng ta suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

- Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

- Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.(Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa? vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

 Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: "Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng".

Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn:

"Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ".

 (Lm. ĐoànQuang, CMC NS.TTDM tháng 5-08 trg 4)

Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Song-Dao/Tim-hieu-goc-tich-Thang-Hoa-Duc-Me-3384/

Ngày hội Tân Tòng Miền Pleiku năm 2014



Ngày 28.04.2014, tại giáo xứ Thánh Tâm, Miền Pleiku, Giáo phận Kon Tum, hơn 1.300 anh chị em tân tòng từ các giáo xứ trong miền Gia Lai về họp mặt. Buổi gặp mặt bắt đầu lúc 8 giờ sáng, kết thúc bằng nghi thức Sai Đi lúc 14 giờ cùng ngày. Đây là buổi gặp mặt có rất đông anh chị em sắc tộc Bahnar, Jarai, Sêđăng và Kinh đến từ các giáo xứ trong toàn tỉnh Gia Lai. Hầu hết, họ là những người mới gia nhập đạo từ đêm Phục Sinh năm nay. Ngoài ra còn có nhiều anh chị em là những người đỡ đầu của các tân tòng cũng có mặt trong ngày vui này.



Chương trình buổi họp mặt được bắt đầu bằng nhịp điệu múa tại chỗ vui tươi thoải mái với chủ đề “NIỀM VUI TIN MỪNG”. Sau đó là nghi thức rước nến Phục Sinh và lời khai mạc ngày hội của Cha Nguyễn Duy Linh, trưởng ban Loan Báo Tin Mừng và lời chia sẻ của cha chánh xứ Thánh Tâm Đa Minh Trương Bảo Tâm.

Trong phần chia sẻ với anh chị em tân tòng cha Đaminh Đinh Quang Vinh đã thuyết tình về đề tài: “NIỀM VUI TIN MỪNG”. Đây là một tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxico và ngài cũng lưu ý đến đời sống đức tin trong gia đình, nơi đó mỗi người cảm nghiệm được con đường của mình đến với Chúa như thế nào? Có tình yêu nâng đỡ của chồng vợ, con cái trong gia đình chưa?... Nhằm hướng dẫn giúp củng cố đức tin, hâm nóng tình yêu trong Chúa cho các tân tòng và khích lệ tinh thần Truyền Giáo. Nhờ đó những Tân Tòng sẽ cảm nhận được sự đồng hành của Hội Thánh thông qua các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ cùng đông đảo giáo dân trong Giáo Phận.

Tiếp theo phần trình bày của Cha Đa Minh là một số anh chị em tân tòng cũng lên lễ đài chia sẻ đời sống đức tin của mình, những thao thức, những cảm nhận từ khi lãnh nhận đức tin Công Giáo…

Khoảng 10 giờ sáng, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục giáo phận có mặt trong tiếng vỗ tay hân hoan chào đón của anh chị em tân tòng, mà rất có thể có nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được gặp mặt vị cha chung của giáo phận. Trong phần chia sẻ với anh chị em tân tòng, Đức Cha Micae nói về đề tài: “NIỀM VUI TIN MỪNG”. Ngài đặt biệt nói về câu Kinh Thánh Ga8,54 rằng niềm vui lớn nhất và trọng đại nhất là anh em được gọi Thiên Chúa là Cha và mọi người đều là anh em. Ngài cũng lưu ý đến đời sống đức tin trong gia đình và trong cồng đồng.

Thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút do Đức Cha Micae, cha tổng đại diện Phêrô Nguyễn Vân Đông cùng quý cha trong giáo Miền đồng tế. Đến dự lễ có đông đảo quý Tu sĩ nam nữ, anh chị em ban Loan Báo Tin Mừng, quý chức Ban hành giáo, các Hội đoàn, các Giới và cộng đoàn phụng vụ.

Buổi chiều, để tiếp nối ngày hội là phần đại diện tân tòng các giáo xứ lên làm chứng cho niềm tin của chính mình về Thiên Chúa.

Và kết thúc ngày hội là phần nghi thức sai đi của Cha Nguyễn Duy Linh, trưởng ban Loan Báo Tin Mừng. Buổi họp mặt tuy diễn ra rất ngắn, nhưng đã để lại nhiều tâm tình và cảm nghiệm đầy tính thiêng liêng và vui mừng hy vọng cho những người tham dự. Ban tổ chức cũng như nhóm ẩm thực phải làm việc cật lực, mãi tới khi mọi người về hết, họ vẫn còn ở lại để dọn dẹp. Dù có vất vả một chút cho những người tổ chức, nhưng ai cũng cảm thấy một niềm vui ở trong lòng vì đã làm được một việc có ích cho những anh chị em mới gia nhập đạo Công Giáo.


Gx Thánh Tâm
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/124767.htm

Khoá họp thứ tư của Hội đồng Hồng y tư vấn

Đức Hồng y Oscar Rodríguez Maradiaga- Điều phối viên Hội đồng Hồng y tư vấn

WHĐ (30.04.2014) – Hội đồng Hồng y tư vấn đã nhóm phiên họp đầu tiên của khoá họp thứ tư trong ngày thứ Hai 28-04Khoá họp này kéo dài đến hết ngày thứ Tư 30-04. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự gần như trọn vẹn khoá họp, trừ khi có các buổi tiếp kiến quan trọng, chẳng hạn gặp nhà vua và hoàng hậu Tây Ban Nha vào sáng thứ Hai và Tổng thống Paraguay vào sáng thứ Ba, tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư.
Ngoài ra Đức hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cũng tham dự khoá họp này cùng với tám thành viên của Hội đồng Hồng y tư vấn.
Chiều thứ hai, Hội đồng đã nghe tường trình của Chủ tịch Uỷ ban Tham vấn về Tổ chức kinh tế–quản trị của Toà Thánh (COSEA), Tiến sĩ Joseph F.XZahra, liên quan đến một số lĩnh vực hoạt động trong phạm vi quyền hạn của Uỷ ban.
Sau khi xem xét các Bộ thuộc Giáo triều Roma  tại khoá họp lần trước, trong khoá họp này Hội đồng tư vấn sẽ tập trung vào các Hội đồng Toà Thánhtrước hết là những nhận định chung, sau đó mỗi Hồng y sẽ đưa ra nhận xét cá nhân về từng Hội đồngHội đồng tư vấn dự kiến ​​sẽ hoàn tất một bản tường trình đầu tiên về những nhận  định liên quan đếncác Hội đồng Toà Thánh trong khoá họp này.
Khoá họp tiếp theo của Hội đồng Hồng y tư vấn sẽ được tổ chức vào đầu tháng Bảy sắp tới.
Vẫn còn nhiều việc phải làm, và vì thế không có hy vọng công việc sẽ hoàn thành trong năm nay, nhưng là trong năm tới.
Ngoài ra, Hội đồng Kinh tế sẽ tổ chức khoá họp đầu tiên vào thứ Sáu, 02-05-2014. Hội đồng Kinh tế do Đức giáo hoàng Phanxicô thành lập ngày 24-02-2014 gồm 8 hồng y và 7 giáo dân.
(Theo VIS)

Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/khoa-hop-thu-tu-cua-hoi-dong-hong-y-tu-van/6001.57.7.aspx

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Xin ơn nhận ra ơn gọi cho đời mình


Khi còn bé, ta được quyền vô tư sống những tháng ngày ấm êm trong sự bao bọc của bố mẹ mà không cần nghĩ đến ngày mai. Nhưng khi lớn lên, đến một lúc nào đó, ta bỗng cảm thấy mình không thể cứ sống nhởn nhơ như thế này mãi được. Ta phải tìm cho mình một hướng đi trong cuộc sống. Ta phải thiết định cho mình một tương lai. Giây phút phân vân này xảy đến mạnh mẽ hơn khi ta chuẩn bị rời ghế nhà trường, hay khi chuẩn bị tốt nghiệp. 


Cứ sự thường, ta sẽ cố gắng kiếm một công việc nào đó, rồi lập gia đình, có con cái, và sống hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ bé ấy của mình. Nhưng cũng có không ít các bạn trẻ muốn chọn một cuộc sống khác. Vào một khoảnh khắc bất chợt nào đó, các bạn nghe như có lời mời gọi thẳm sâu, muốn các bạn đi vào con đường hẹp, chỉ một đời phục vụ Chúa. Thế nhưng, lời mọi gọi ấy không có thanh âm, lại có phần bí ẩn, nên đôi khi các bạn không biết là có thật Chúa gọi mình không, hay đó chỉ là ảo tưởng và suy nghĩ của mình đưa ra. Sẽ chẳng là vấn đề gì nếu đó là ý Chúa, nhưng lỡ như đó chỉ là 1 chút cảm xúc bất chợt của mình thì sao? Nếu các bạn rơi vào cảm giác ấy, đây là lúc các bạn hãy ngồi xuống, để lòng lắng lại, xin ơn Chúa để có thể nhận ra đâu là con đường Chúa muốn mình đi để có thể tìm vinh danh Người và mưu ích cho phần rỗi của ta và người khác.

Các bạn hãy nghĩ đến vũ trụ rộng lớn, những tinh cầu xa tít trên cao, những vì sao lấp lánh trong đêm tối… Rồi đến những sinh vật li ti lúc nhúc khắp mặt đất. Có những loài nhỏ hơn cả khả năng nắm bắt của đôi mắt ta, nhưng lại được kết cấu hết sức tinh vi. Ai đã cho ngọn núi được dựng lên, ai đã vẽ đường cho sông chảy, ai đã điều tiết khí hậu bốn mùa chuyển dời nối tiếp nhau, ai đã tô điểm cho bao khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, ai đã tưới mưa xuống, ai đã gọi nắng lên, ai đã cho hoa nở… Nhất thiết phải có một bàn tay quyền năng vô song nào đấy làm nên tất cả, chỉ để phục vụ ta. Ta có muốn làm người phục vụ của một Đấng tuyệt vời như thế không?

Các bạn hãy nghĩ đến những vinh hoa phú quý trên trời. Con người mỏi mệt một đời chỉ để đi tìm tiền của, giàu sang. Cố gắng lưu trữ thật nhiều châu báu, nỗ lực đánh bóng mình để được nhiều người quan tâm. Nhưng rồi thì sao? Họ có được như thế mãi không? Họ tưởng mình là tâm điểm của thế giới, nhưng sẽ đến thời chẳng còn ai biết đến họ, chẳng còn nhớ đến tên họ, thậm chí chẳng còn biết là họ đã từng hiện hữu giữa thế gian. Tình người bạc bẽo, tình đời mong manh. Có đó rồi mất đó. Chẳng có chi vững bền. Các bạn có cảm nghiệm như thế không? Các bạn có được thôi thúc đi kiếm một cái gì đó cao hơn, ý nghĩa hơn, bền vững hơn không? Những giá trị bền vững ấy là “cho đi mà không tính toán, chiến đấu không ngại thương tích, làm việc không tìm nghỉ ngơi, hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết ta đang thi hành ý Chúa”. Các bạn có thích như vậy không?

Các bạn hãy nghĩ đến những ơn lành lớn lao mà các bạn đã nhận được từ bé đến giờ. Gia đình ấm êm, được bố mẹ và anh chị em thương yêu. Bạn có được những điều kiện học hành để mở mang kiến thức. Bạn được Chúa gửi đến biết bao con người giúp bạn ngày càng thăng tiến hơn trong đời sống. Từng bước đường bạn đi, dường như luôn có ai đó đưa dẫn. Nhưng rồi bạn cũng phát hiện ra là trên đời này có rất nhiều người không được may mắn như bạn. Bạn có cảm thấy là những gì mình được thụ hưởng bấy lâu nay, hệt như một sự chuẩn bị của Chúa để bạn cống hiến cho đời, để bù đắp những khiếm khuyết của cuộc sống không?

Các bạn hãy nghĩ đến gương sống tốt đẹp của các vị tu sĩ thánh thiện. Suốt một cuộc đời âm thầm hy sinh, chẳng mang chi đến danh lợi. Họ nghèo nhưng vui, vì họ cho rằng mình đã có tất cả. Họ sống một mình nhưng không cô đơn, vì họ tin là bên mình luôn có Chúa. Họ bình an với đời sống phục vụ và chẳng bao giờ nóng giận, chửi bới ai. Dòng đời có xoay tới xoay lui với biết bao tranh giành, thủ đắc, họ vẫn bình tâm với nụ cười thánh thiện trên môi. Các bạn có thích một đời sống như vậy không?

Các bạn hãy để lòng lắng xuống, và cố gắng nhận ra từng dòng cảm xúc đang tuôn chảy trong người. Khi nghĩ đến những điều này, các bạn có thấy bình an không, có thấy mình hợp với lối sống ngày không, có thấy cái gì đó sôi sục trong người và muốn mình dấn bước không? Cảm giác hứng khởi ấy kéo dài trong bạn, hay chỉ là một thoáng chốc rồi thôi. Nếu nó cứ luôn thôi thúc bạn, đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang được mời gọi để sống đời dâng hiến. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để ta luôn biết đặt vinh danh Chúa lên hàng đầu, rồi sau đó đi tìm một bậc sống thích hợp giúp ta phụng sự Chúa tốt hơn. 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/04/26/xin_%C6%A1n_nh%E1%BA%ADn_ra_%C6%A1n_g%E1%BB%8Di_cho_%C4%91%E1%BB%9Di_m%C3%ACnh/vie-794054

Nhà thờ đầu tiên trên thế giới mang tên Thánh Gioan Phaolô đệ nhị



Một nhà thờ nhỏ tại khu phố nhà nghèo Alagados ở Salvador de Bahia, miền đông bắcBrazil, là nhà thờ đầu tiên trên thế giới lấy tên Thánh Gioan Phaolô đệ nhị vào hôm nay 27/04/2014, sau khi cố Giáo hoàng cùng với Giáo hoàng Gioan 23 được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong thánh tại Roma.


Sara Gomes, một phát ngôn viên Địa hạt Tổng giám mục Salvador, thủ phủ bang Bahia tuyên bố : 
« Nhà thờ nhỏ bé Đức Bà Alagados nay mang tên là Đức Bà Alagados và Thánh Gioan Phaolô đệ nhị. Vào cuối buổi lễ bắt đầu vào lúc 8 giờ địa phương (11 giờ GMT), quyết định đổi tên đã được Đức Giám mục Salvador Murilo Krieger ký ».


Nhà thờ Đức Bà Alagados được chính Đức Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị khai trương năm 1980 trong chuyến thăm Brazil lần đầu tiên. Cha xứ của nhà thờ khẳng định :
 « Việc Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đến đây có tác động hết sức lớn, đã và đang gây dấu ấn lên toàn thể khu phố ».

Một năm trước chuyến thăm này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã đề nghị Mẹ Têrêsa ở Calcutta đến Alagados.
Trong dịp này Mẹ Têrêsa gặp gỡ sơ Dulce, người nữ tu cống hiến cuộc đời cho người nghèo, đã triển khai các dự án xã hội tại khu vực và thành lập một nhà trẻ, nơi sẽ xây dựng nhà thờ Đức Bà Alagados. 

Maria Elisia dos Santos, một người tình nguyện vẫn còn nhớ rõ ngày 07/07/1980, một ngày mưa gió, bùn lầy, nhưng bà vô cùng vinh hạnh được đứng gần Đức Giáo hoàng.

Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai và cuối cùng, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã tặng 180.000 đô la, là giải thưởng Nghệ nhân Hòa bình ngài nhận được ở Ý.

Số tiền này đã được Giám mục Salvador trao lại cho cha xứ khu phố Mata Escura để tôn tạo các công trình.

Sư huynh Jorge Rocha nhớ lại lần được hội kiến Đức Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị : « Các thánh sống giữa chúng ta. Giáo hội không sáng tác ra, mà chỉ nhìn nhận những gì đã hiện hữu ».

Thụy My

Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Tin-Tuc-Giao-Hoi-The-Gioi/Nha-tho-dau-tien-tren-the-gioi-mang-ten-Thanh-Gioan-Phaolo-de-nhi-3378/

Các suy tư sau lễ phong thánh


Linh mục Robert Barron hiện là Giám Đốc Chủng Viện Mundelein của TGP Chicago, đồng thời là sáng lập viên của sáng kiến trực tuyến Thừa Tác Vụ Lời Chúa Rực Lửa. Nhân dịp tới Rôma dự lễ phong thánh cho hai Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, cha đã dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn. 

Trả lời nhận xét của Zenit rằng không phải mọi vị giáo hoàng đều là thánh, Cha cho hay: và không phải mọi vị thánh đều là giáo hoàng. Muốn là thánh, người ta phải có nhân đức anh hùng. Các vị vừa được phong thánh là những nhân vật nổi tiếng thế giới, nhưng nếu đó là điều kiện để được phong thánh, thì Bông Hoa Nhỏ của chúng ta là Têrêxa đệ Lidiơ làm sao là thánh được. 

Điển hình nhân đức anh hùng

Đó là điều quan trọng cần suy niệm. Điều làm các vị nên thánh là các vị có nhân đức anh hùng. Ta hãy xem các nhân đức cột trụ là công bình, khôn ngoan, tiết độ và can đảm. Các nhân đức đối thần là tin, cậy và mến. Giáo Hội nói rằng các vị này điển hình hóa các nhân đức này một cách anh hùng. 

Một vài thí dụ: Đức Gioan XXIII chẳng hạn đã cứu tới 25,000 người Do Thái trong thời Quốc Xã, một việc làm hết sức nguy hiểm cho mạng sống của ngài. Công bình và can đảm đều đã được biểu lộ hết sức tươi đẹp ở đây. 

Đức Gioan Phaolô II thì dấn thân cho công lý: ngài là một trong những phát ngôn viên vĩ đại của thế kỷ 20. Ngài biểu tỏ một lòng can đảm phi thường: lúc còn là một thiếu niên đương đầu với cuộc chiếm đóng của Quốc Xã, rồi linh mục trẻ, phải giáp mặt với người cộng sản, lúc làm giáo hoàng trở về Ba Lan để nói lên sự thật giữa cảnh áp chế tột cùng. 

Đối với Đức Gioan XXIII, đức cậy hay niềm hy vọng cũng rất quan trọng. Cha Barron nghĩ rằng triệu tập Công Đồng là một hành vi vĩ đại của đức cậy. Ngài vốn là một sử gia về Giáo Hội, nghĩa là ngài hiểu rất rõ phía đen tối của lịch sử này, nhưng ngài cũng biết rằng Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn Giáo Hội. Ngài bảo: Vatican II phải là “một lễ Hiện Xuống mới”. Cha cho rằng kêu cầu Chúa Thánh Thần trong một niềm tín thác vĩ đại như thế vào năm 1962 hẳn phải là dấu chỉ của một đức cậy sâu sắc. 

Rồi Đức Gioan Phaolô II với đức mến. Cha Barron cho rằng cả hàng nghìn năm sau người ta vẫn kể cho nhau nghe truyện ngài tha thứ cho kẻ mưu toan sát hại ngài. Liệu còn có thể có một hành vi yêu thương nào lớn hơn thế? Bạn dám vươn tay ra tha thứ cho kẻ toan mưu sát mình. Xem thế, đủ biết hai vị giáo hoàng này quả là điển hình của các nhân đức anh hùng vừa kể. 

Tại sao các vị được phong thánh cùng một lúc

Cha Barron cho rằng sự kiện hai vị giáo hoàng cùng được phong thánh một dịp là điều có ý nghĩa. Theo ngài, tất cả là vì Vatican II. Đức Giaon XXIII triệu tập Vatican II. Nó là biến cố vĩ đại của thế kỷ 20 đối với Giáo Hội Công Giáo. Đức Gioan Phaolô II có mặt tại đó lúc còn là một giám mục trẻ tuổi, sau đó thăng tổng giám mục. Ngài giúp soạn thảo một số văn kiện. Lúc làm giáo hoàng, ngài đã đem lại cho nó một lối giải thích dứt khoát. Cha không biết rõ tâm tư của Đức Phanxicô, nhưng cha nghĩ rằng ngài coi hai vị giáo hoàng này như những nhân vật vĩ đại của Công Đồng. 

Sâu xa hơn việc nổi tiếng

Trong số hàng trăm nghìn khách hành hương tuốn đến Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô để tham dự lễ phong thánh, không ít người coi các vị giáo hoàng được phong thánh, nhất là Đức Gioan Phaolô II, như những người nổi tiếng. Nhưng cha Barron cho rằng các khách hành hương không chỉ coi các vị giáo hoàng như những người nổi tiếng, mà họ còn khám phá nơi các ngài một điều gì đó sâu xa hơn. 

Đã đành Đức Gioan Phaolô II là người rất nổi tiếng. Đức Gioan XXIII, lúc sinh thời, cũng hết sức nổi tiếng. Việc nổi tiếng này đâu có gì xấu. Các ngài được nhiều người biết tiếng. Các ngài đầy lôi cuốn, nhất là Đức Gioan Phaolô II. Ngài vốn là một kịch sĩ. Ngài biết cách vận động quần chúng. 

Nhưng thực ra, quần chúng đáp ứng một điều gì còn sâu xa hơn thế. Sự thánh thiện là điều rất cần trong thế giới hiện nay. Thế giới này đang đen tối nhiều cách, trong khi các thánh là những tia sáng rực rỡ. Thiển nghĩ, người ta bị lôi cuốn bởi thứ ánh sáng này. 

Chỉ cần nhìn vào các bức hình của các ngài ta sẽ thấy có hào quang. Hào quang là ánh sáng, là đèn hiệu là dấu chỉ. Các ngài là ánh sáng giữa bóng tối. Đó là điều làm người ta cảm kích. 

Không phải là người hoàn hảo

Giáo Hội phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II dù ngài có mắc một số lầm lẫn trong việc xử lý các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Về việc này, cha Barron cho rằng: phong thánh cho một người không có nghĩa mọi phán đoán đặc thù của người này đều được coi là đúng đắn cả. Ai cũng nhận có một chút bóng tối trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, hay đúng hơn, có một số nố ngài không chịu hành động (inaction), liên quan tới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, rõ ràng nhất là vụ Cha Maciel. Nhiều nố khác, ngài hành động chậm chạp. Có thể coi đây là khía cạnh tiêu cực.

Tuy nhiên, khi nói một ai là thánh thì điều này không có nghĩa mọi động thái của họ đều đúng cả, họ không mắc lầm lẫn nào hay mọi phán đoán dựa vào sự khôn ngoan của họ đều chính xác cả. Đúng hơn, phải nhìn vào khuôn mẫu tổng quát của nhân đức anh hùng. Đó là điều quan trọng, bởi nếu không thế, thì ngoài Đức Mẹ ra, có ai mà là thánh được, vì nào có vị thánh nào lại không mắc lầm lỗi hay có một chút bóng tối trong thành tích của mình. 

Còn về Đức Gioan XXIII, trong những năm sau Vatican II, người ta thấy nhiều phát triển rực rỡ nhưng đâu có thiếu những mơ hồ, hỗn độn. Cha Barron nghĩ rằng điều này đúng cho mọi công đồng. Nhất là những công đồng vĩ đại như Vatican II. Vĩ đại về số giám mục tham dự, vĩ đại cả về kích thước các văn kiện. Ta hãy so sánh Vaticn II với Trent hay Vatican I hoặc Canxêđoan hay Nixêa. Tài liệu sâu rộng hơn nhiều. Rồi, trong khi thi hành, lại có cuộc cách mạng văn hóa, một điều gây ảnh hưởng không nhỏ trong phương cách tiếp nhận nó. Cha Barron cho rằng cần đến cả một triều giáo hoàng lâu dài của Đức Gioan Phaolô II và 8 năm triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI ta mới đạt tới điểm thực sự hiểu được một cách chắc chắn Vatican II muốn nói gì. 

Đọc theo lối hữu khuynh hay tả khuynh, bạn sẽ làm méo mó Vatican II. Vatican II “tả khuynh” tiếp theo một lối thi hành còn cấp tiến hơn nữa, rồi sau đó bị phản công bởi phe bảo thủ, chỉ là một cách đọc hời hợt. Cần một thời gian dài mới lượng giá và giải thích được đúng dắn các văn kiện của Vatican II. Đó là thời điểm hiện nay của ta. 

Lôi cuốn ơn gọi

Sau Vatican II, có một sự xuống dốc ơn gọi trông thấy. Nhưng nay, đang có sự gia tăng đáng kể. Về phương diện này, Cha Barron không qui kết sự xuống dốc ơn gọi cho Vatican II. Bởi trong các văn kiện của nó, Vatican không hề nói điều gì có thể tạo ra sự xuống dốc ấy. Sự xuống dốc ấy là do cuộc cách mạng văn hóa lúc ấy. 

Nhưng rồi bạn thấy Đức Gioan Phaolô II, nhân vật lịch sử này đã bắt đầu lôi cuốn giới trẻ trở lại một cách ồ ạt. Ngày Giới Trẻ Thế Giới gây tác động mạnh mẽ lên ơn gọi khắp thế giới. Cha cho rằng gương anh hùng của ngài đã làm ơn gọi sống lại. Cho tới nay, nhiều người trong các chủng viện vẫn tự nhận mình là người của Gioan Phaolô II, dù khá nhiều người trong số này còn rất trẻ lúc ngài qua đời. Chính viễn kiến của ngài, chính việc ngài giải thích đúng đắn Vatican II, chính chủ trương đầy đặc sủng của ngài về phúc âm hóa, đã thực sự lôi kéo sự chú ý của người trẻ. Đó là nguyên cớ của việc gia tăng ơn gọi. 

Thời hoàng kim của ngôi vị giáo hoàng

Nhân dịp này, cha Barron cũng cho rằng chúng ta đang sống trong thời hoàng kim của ngôi vị giáo hoàng. Thời này bắt đầu với Đức Piô IX, người đã được phong chân phúc, rồi Đức Lêô XIII, một nhân vật hết sức quan trọng. Sau ngài là Đức Piô X, một vị thánh. Đức Bênêđíctô XV cũng là một giáo hoàng xuất sắc. Hai Đức Piô XI và XII nổi bật về phương diện thiêng liêng. Rồi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Phaolô VI với nhiều sức mạnh thiêng liêng, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Rồi Đức Bênêđíctô XVI, người có thể đặt ngang tầm với các giáo phụ.

Từ thế kỷ thứ nhất của Kitô Giáo tới nay, mới lại có thời tập trung nhiều vị giáo hoàng khôn ngoan, thánh thiện như hiện nay. Bởi thế, dù vẫn có những điều đen tối trong sinh hoạt Giáo Hội, ta nên mừng vui khôn tả trong thời hoàng kim của ngôi vị giáo hoàng này. 

Hãnh diện làm người Công Giáo 

Tham dự lễ phong thánh vừa qua có phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng Thống Barack Obama chỉ định, đặt dưới hướng dẫn của Dân Biểu John Podesta, vốn là Cố Vấn của Tổng Thống. Trong phái đoàn này có Dân biểu Xavier Becera, chủ tịch Hội Đồng Dân Biểu Dân Chủ. 

Trước lễ phong thánh, hai dân biểu Podesta và Becera có tổ chức họp báo tại Rôma. Podesta cho rằng hai Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II “đại diện cho các thành phần nòng cốt của đức tin Công Giáo: can đảm, quan tâm, lo lắng cho người bị bỏ quên”. Becera mô tả lễ phong thánh là “ngày vĩ đại để làm người Công Giáo”. 

Nhân dịp này, Becera có dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn trong đó ông nói tới tác dụng bản thân đối với đời ông của các Đức Gioan XXIII, Gioan Phaolô II và cả của Đức Phanxicô nữa. Cha mẹ Becera vốn là di dân từ Mễ Tây Cơ. 

Becera cảm phục Đức Gioan XXIII về việc ngài “mở cửa Nhà Chúa” cho mọi người. Đối với Đức Gioan Phaolô II, ông cảm phục tinh thần tranh đấu không ngoan nhượng cho tự do của ngài. Về Đức Phanxicô, ông ca ngợi ngài vì đã đem hy vọng lại cho người di dân. 

Ông tin rằng nếu Đức Phanxicô nhận nói chuyện với cả hai viện quốc hội Hoa Kỳ, ngài sẽ gây tác động lớn lao cho nhân dân nước này. Bất kể ngài nói gì, lời ngài cũng có sức biến đổi. Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp để giải quyết nhiều vấn đề vốn được ngài đề cập một cách mạnh mẽ xưa nay. 

Thêm hai lý do nữa để hân hoan

John Thavis, một bỉnh bút gia Công Giáo, cho rằng ông có nói chuyện với một ít người trong số một triệu người tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô vào ngày phng thánh, tất cả đều cho hay: hai vị giáo hoàng, hai vị thánh, hai lý do nữa để hân hoan. 

Ông cho rằng nói gì thì nói, việc phong thánh cùng một lúc cho hai vị giáo hoàng là một động thái hợp nhất của Đức Phanxicô nhằm bắc cầu giữa mọi thành phần trong Giáo Hội, nhất là giữa những người cứ nhất định cho rằng Đức Gioan XXIII là “cấp tiến” và Đức Gioan Phaolô II là “bảo thủ”. 

Tuy nhiên, đối với phần đông, ý nghĩ có khác. Rosemary Febregas, một người Công Giáo từ San Francisco, chẳng hạn, cho rằng: “cả hai vị giáo hoàng đều là những người tốt lành, thánh thiện. Đức Gioan XXIII có viễn kiến. Đức Gioan Phao II là người hành động. Nhưng cả hai vị đều có chung một ý hướng là đem Giáo Hội lại gần người ta”. 

Một người Ý, khi được hỏi về sự khác nhau giữa hai vị giáo hoàng, đã thưa: “Khác nhau ư? Tôi không rõ. Điều quan trọng là cả hai vị đều thiêng liêng và yêu mến người nghèo”. 

Bài giảng của Đức Phanxicô phản ảnh lời những người trên. Đức Phanxicô không đi vào nền chính trị của Tòa Thánh hay các lý do ngoằn ngoèo mà một số người vốn gán cho việc phong thánh kép lần này. Thay vào đó, ngài cho rằng Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II biểu lộ một chứng tá chung đối với niềm hy vọng và nỗi vui Kitô Giáo. 

Đức Phanxicô nói rằng cả hai vị thánh mới đều đã “thấy Chúa Giêsu trong mọi con người đau khổ và đang đấu tranh”. Cả hai vị đều là người can đảm “làm chứng cho thế giới và Giáo Hội thấy sự tốt lành và nhân hậu của Thiên Chúa”. 

Ngài cũng tin rằng Vatican II đã nối kết hai vị với nhau. Qua Công Đồng, hai vị đã góp tay đổi mới và cập nhật hóa Giáo Hội để Giáo Hội tương ứng mật thiết hơn với các “đặc điểm trong sáng” của mình, như một “cộng đồng biết sống tâm điểm của Tin Mừng, của tình yêu và lòng nhân từ, trong đơn sơ và tình huynh đệ”. 

Đức Phanxicô không đề cập tới việc giải thích Vatican II, nhưng chú trọng tới cuộc sống của hai vị giáo hoàng, coi chúng như các biến cố thống nhất hóa. Yếu tố hợp nhất này càng nổi bật hơn nữa với sự hiện diện của Đức Bênêđíctô XVI trong lễ phong thánh, một sự hiện diện do chính sáng kiến của Đức Phanxicô mà có.


Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/124751.htm

Philippines phát hành tem kỷ niệm sự kiện tôn phong thánh cho hai vị giáo hoàng


Công ty Bưu chính Philippines đang phát hành tem kỷ niệm và tờ lưu niệm đặc biệt nhân lễ tôn phong thánh cho hai Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II vào Chủ nhật này.

Tem được thiết kế theo kiểu một tờ lưu niệm in hình Đức Gioan Phaolô II nhìn nghiêng và một tờ ở giữa in hình Đức Gioan XXIII cũng nhìn nghiêng.

Hai tờ lưu niệm này lấy hình Vatican và phù hiệu của hai vị giáo hoàng làm hình nền. Tờ lưu niệm có kích thước 105 mm x 70 mm trong khi con dấu tròn là 38 mm.

“Chúng tôi cảm thấy tự hào khi phát hành các con tem đầu tiên chạm nổi 3D trên nền vàng để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, ngài được người Công giáo Philippines hết sức yêu mến, và Đức Thánh cha Gioan XXIII”, Josie Dela Cruz, tổng cục trưởng tổng cục bưu điện Philippines, phát biểu.

Mỗi con tem có giá 4,5 Mỹ kim.

Dela Cruz sẽ chính thức trình các tem và tờ lưu niệm này lên Đức Hồng y Luis Antonio Tagle vào Chủ nhật.

Chỉ có 10.000 tờ lưu niệm in hình Chân phước Gioan Phaolô II và 5.000 tờ in hình Chân phước Gioan XXIII được sản xuất.

Tháng trước, Công ty Bưu chính Philippines phát hành tem chung in hình Đức Thánh cha Phanxicô.

UCAN
Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Tin-Tuc-Giao-Hoi-The-Gioi/Philippines-phat-hanh-tem-ky-niem-su-kien-ton-phong-thanh-cho-hai-vi-giao-hoang-3365/

Gương mặt của hai vị tân Hiển Thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II


Phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Comastri và Đức Hồng Y Loris Francesco Capovilla

Chúa Nhật 27-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Hiện diện trong thánh lễ cũng có Đức Biển Đức XVI, cũng như ngoại giao đoàn cạnh tòa thánh và nhiều giới chức đạo đời và mấy triệu tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là biến cố chưa từng có vì là lần đầu tiên trong lịch sử dài hơn 2.000 năm của Giáo Hội hai Giáo Hoàng còn sống cùng hiện diện trong thánh lễ phong Hiển Thánh cho hai Giáo Hoàng khác. Thánh lễ đã được các đài truyền hình quốc tế chiếu trực tiếp để tín hữu toàn thế giới có thể theo dõi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Comastri, giám quản Đền Thờ thánh Phêrô và thành phố Vaticăng là người đã sống gần Đức Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Comastri, Đức Hồng Y có kỷ niệm nào về Đức Gioan Phaolô II? Làm sao ngài lại có thể trở lại quảng trường Thánh Phêrô sau vụ mưu sát hồi năm 1981?

Đáp: Lần đầu tiên tôi gặp Đức Gioan Phaolô II là khi tôi được chỉ định làm Giám Mục. Hồi đó vụ mưu sát đã xảy ra gần 10 năm trước rồi. Và tôi nhớ là khi đứng mặt giáp mặt với Đức Gioan Phaolô II tôi đã rất là cảm động. Bất thình lình tâm trí tôi như bị một màn sương che phủ và tôi đã không có câu hỏi nào trong trí. Đức Gioan Phaolô II nói: ”Đức Cha xúc động qúa! Xin hỏi tôi điều gì đi chứ”. Lúc đó tôi mới nói: ”Xem nào, vâng con xin hỏi Đức Thánh Cha: làm sao mà Đức Thánh Cha có thể trở lại quảng trường thánh Phêrô sau vụ mưu sát như vậy?” Tôi nhớ là Đức Gioan Phaolô II nhìn tôi mỉm cười và nói: ”Thật đã không dễ đâu”. Và tôi hỏi ngài: “Thế Đức Thánh Cha đã không sợ à?” Và ngài trả lời: ”Chắc chắn là tôi sợ chứ. Xin Đức cha nhớ là những người can đảm không phải là những người không sợ hãi, nhưng là người cho dù có sợ vẫn tiến tới để đưa sứ mệnh của họ tiến tới”. Và ngài nói thêm: “Sau vụ mưu sát người ta khuyên tôi nên mặc áo giáp chắn đạn dưới áo chùng... Nhưng tôi đã không muốn. Mạng sống của tôi ở trong tay Thiên Chúa”.

Hỏi: Tình yêu con thảo của Đức Gioan Phaolô II đối với Đức Maria có ảnh hưởng nào trên chứng tá sự thánh thiện của ngài, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đức Gioan Phaolô II đã tâm sự rằng ngài đã khám phá ra sự sùng kính Đức Maria khi còn trẻ. Ban đầu xem ra lòng sùng kính Đức Mẹ - trong một cách nào đó - làm lu mờ quyền tối thượng của Chúa Kitô. Thế rồi khi đọc ”Khảo luận về lòng sùng kích đích thật đối với Mẹ Maria” của thánh Luigi Maria Grignion de Montfort, ngài hiểu ra rằng Đức Maria không làm cho chúng ta xa Chúa Giêsu, trái lại Mẹ dẫn đưa chúng ta tới với Chúa Giêsu. Và ngài cũng nói rằng chính Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường này, con đường của Mẹ Maria, khi từ trên thập giá Người đã nói với Gioan: ”Gioan, này là Mẹ con” và nói với Mẹ Maria: ”Này là con Mẹ”. Chúa Giêsu đã chỉ Mẹ Maria cho chúng ta như con đường để tới với Người bởi vì Mẹ Maria, bởi định nghĩa, là Đấng vâng lời. Là Đấng nói tiếng ”xin vâng”. Và bên cạnh Mẹ Maria, khi nhìn Mẹ Maria, chúng ta học được kiểu ”xin vâng” đó. Khi đó khẩu hiệu ”Totus tuus”, chương trình của Đức Gioan Phaolô II có nghĩa là ”Lậy Mẹ Maria, con hoàn toàn là của Mẹ để đi đến với Chúa Giêsu”.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã gần gũi Đức Karol Wotijla trong những lúc cuối cùng cuộc đời dương thế của ngài. Cả trong kiểu đối diện với thử thách cuối cùng người ta cũng đã trông thấy sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II có đúng thế không?

Đáp: Tôi có một kỷ niệm rất sống động của cuộc gẵp gỡ cuối cùng với ngài: đó là ngày mùng 1 tháng 4 năm 2005, một ngày trước khi ngài qua đời. Tôi nhớ là tôi đã làm mọi chuyện với sự vội vã. Tôi đến sân San Damaso, lấy thang máy, đến phòng của Đức Giáo Hoàng và tìm thấy cha Stanislaw dẫn tôi vào phòng Đức Giáo Hoàng, đây là lần đầu tiên trong đời tôi vào phòng một vị Giáo Hoàng. Tôi thấy ngài ngồi dựa lưng vào mấy chiếc gối trong khi một bác sĩ chuyền dưỡng khí cho ngài vì ngài liên tục bị khủng hoảng nghẹt thở. Khi đó tôi nói: ”Thưa Đức Thánh Cha, con vừa bắt đầu công việc ngài đã giao cho, xin Đức Thánh Cha chúc lành cho con”. Và tôi thấy bàn tay phải của Đức Thánh Cha thò ra ngoài khăn trải giường, sưng rất to, giơ lên chúc lành nhưng rơi xuống. Khi đó tôi nói: ”Thưa Đức Thánh Cha, phép lành đã ra từ con tim và như thế là đủ cho con rồi”. Đó là kỷ niệm đẹp nhất mà tôi mang theo trong mình. Khi đó Đức Thánh Cha chăm chú nhìm tôi. Tôi còn thấy đôi mắt đó nhìn tôi: đôi mắt thanh thản, trong sáng... Tôi nhớ là khi ra khỏi phòng Đức Giáo Hoàng, tôi tự hỏi từ đâu nảy sinh ra sự thanh thản đó: nó nảy sinh từ sự kiện ngài chắc chăn đi găp Chúa. Nhưng đối với tôi cũng còn có một lý do khác nữa: ngài đã xác tín rằng đã hoàn toàn tiêu hao cuộc sống cho Chúa. Khẩu hiệu ”Totus tuus” ấy ngài đã thực hiện nó một cách tràn đầy: tất cả là của Mẹ Maria cho Chúa Giêsu.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y trong các năm qua Đức Hồng Y đã có thể đọc và thu thập hàng ngàn lời cầu mà tín hữu toàn thế giới đả để lại nơi mộ của Đức Gioan Phaolô II. Có cái gì đánh động Đức Hồng Y từ các chứng tá này?

Đáp: Điều đánh động tôi đó là tất cả chúng hướng về hai phía: hoặc đó là các gia đình cám ơn Đức Giáo Hoàng vì gương sống của ngài, các lời ngài nói, và chứng tá của ngài hay đó là các người trẻ cám ơn Đức Gioan Phaolô II vì niềm hăng say mà ngài đã thắp lên trong họ. Và đó là hai mối tình của Đức Gioan Phaolô II: gia đình và giới trẻ. Nhưng đồng thời chúng ta tất cả đều nhớ ngài như là vị Giáo Hoàng của giới trẻ. Ngoài ra các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một trong các sáng chế của ngài để quy tụ người trẻ và thắp lên nơi họ lòng hăng say theo Chúa Giêsu.

Hỏi: Bây giờ chúng ta tất cả đều có thể khấn cầu Đức Gioan Phaolô II như là Thánh, tương quan giữa tín hữu và Đức Gioan Phaolô II sẽ thay đổi như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi xin trả lời từ trên trước rồi từ dưới sau. Từ trên tôi nhớ tới một khẳng định của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux: hai tháng trước khi chết thánh nữ tâm sự rằng: ”Tôi sẽ sống trên Trời để làm sự lành cho trái đất”. Tôi tin rằng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người đã yêu thương Giáo Hội, giới trẻ, gia đình, nhân loại biết bao, sống trên Trời run rẩy như khi người còn sống trong ước muốn làm cái gì đó, làm sự lành, đem người ta đến với Chúa Giêsu. Như vậy nơi ngài chắc chắn có sự đam mê đó, ước muốn đó, bởi vì trên Trời sự thiện được khuyếch đại lên. Đàng khác, chúng ta nhớ tới ngài như là một vi Giáo Hoàng đã trao ban một chứng tá đức tin vĩ đại và một lòng can đảm sống đức tin lớn lao. Điều đánh động tôi nhất đó là sự can đảm này của Đức Gioan Phaolô II, sức mạnh tiến tới để chiến thắng mọi sợ hãi, như lời kêu gọi ngài đã đưa ra trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô ngày 22 tháng 10 năm 1978: ”Đừng sợ hãi! Hãy mở ra, còn hơn thế nữa, hãy mở toang các cửa cho Chúa Kitô! Chúa Kitô biết trong trái tim con người có điều gì. Chỉ có Ngài biết mà thôi”. ”Đừng sợ hãi hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô” Tôi tin rằng các lời này là kỷ niệm đẹp nhất về Đức Giona Phaolô II. Nó giống như một mũi tên chỉ đường, một dấu hiệu nói rằng ”Hãy đi đến với Chúa Giêsu”.

Sau đây là một vài nhận xét của Đức Hồng Y Capovilla, nguyên bí thư của Đức Gioan XXIII trong hơn 10 năm trời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tôn phong Hiển Thánh Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII năm nay mà không cần chứng nhận phép lạ thứ hai do lời bầu cử của người?

Đáp: Tôi không thể vào trong các ý định của Đức Thánh Cha. Tôi chỉ biết rằng xem ra Đức Thánh Cha muốn lấy lại không phải diễn văn của Đức Gioan XXIII, nhưng là linh hứng đến từ bên trên là triệu tập tất cả các Giám Mục, tất cả các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới, quy tụ bện nhau để lắng nghe, cầu nguyện, suy tư trong tình huynh đệ và tự hỏi xem chúng ta phải làm gì để con người thời đại của thế kỷ XXI đáp trả là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, là người đã nói: ”Công Đồng Chung Vaticăng II là ngôi sao dẫn đường của thế kỷ XXI”. Tuy nhiên đó không phải là lộ trình của một biến cố thôi, mà là lộ trình sứ điệp của Chúa Giêsu ”Niềm vui Phúc Âm”. Giáo Hội là một bà mẹ, xem xét con cái mình. Dọc dài các thế kỷ nếu thầy cần đề nghị người này người nọ nam hay nữ để mọi tín hữu kitô chú ý, thì Giáo Hội tự do làm điều đó và có Chúa Thánh Thần soi sáng con đường của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đến gần cầm tay hướng dẫn chúng ta như một người cha người mẹ. Ngài không bắt buộc nhưng thuyết phục chúng ta. Ngài khÔng đem đến cho chúng ta sứ điệp và kinh nghiệm tại Argentina của ngài, nhưng đến nhân danh Chúa Giêsu và chỉ nói về Chúa Giêsu thôi.

Hỏi: Đức Hồng Y đã viết rằng Đức Gioan XXIII vị Giáo Hoàng tốt lành không gợi lên sự nuối tiếc nào, nhưng khích lệ nhìn tới trước, Đức Hồng Y có ý nói gì vậy?

Đáp: Tôi có ý nói rằng chúng ta không phải là những người giữ gìn một đền thánh, một thánh tích, một viện bảo tàng - chính Đức Gioan XXIII đã nói điều đó - nhưng chúng ta được mời gọi giữ gìn một ngôi vườn, nơi có các hạt giống của Ngôi Lời nhập thể; vun trồng một ngôi vườn và tạo thuận tiện cho một lễ Hiện Xuống mới, một lễ Vượt Qua mới, một mùa xuân mới, không phải chỉ là cho niềm vui của từng người, nhưng là cho toàn nhân loại. Chúng ta đang tiến bước chứ chưa tới đích. Đường còn dài. Chúng ta hiểu rằng mình có một kho tàng không phải chỉ để giữ gìn, mà còn để cống hiến cho toàn thế giới nữa. Phúc âm là Tin Mừng. Tin Mừng tôi là Con Thiên Chúa và Ngài không bỏ rơi tôi. Thật là hay đẹp, khi hầu như mỗi ngày nghe Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu không khước từ ai hết, Ngài chờ đợi mọi người”.

Hỏi: Đức Hồng Y diển tả thời gian mười năm cộng tác với Đức Gioan XXIII như thế nào?

Đáp: Tôi đã không bao giờ cảm thấy mình là cộng sự viên cũng như bí thư của người. Tôi cảm thấy tất cả niềm vui được ở bên một người được Thiên Chúa gửi tới, hướng dẫn và đã ném các hạt giống. Ngài đã không thể thực hiện tràn đầy tất cả những gì có trong tâm hồn ngài, nhưng ngài đã để lại các hạt giống.

(SD 17-4-2014; 19-3-2014; 20-4-2014)

Linh Tiến Khải

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/04/28/g%C6%B0%C6%A1ng_m%E1%BA%B7t_c%E1%BB%A7a_hai_v%E1%BB%8B_t%C3%A2n_hi%E1%BB%83n_th%C3%A1nh_gioan_xxiii_v%C3%A0_gioan_phaol%C3%B4_ii/vie-794759

Giáo hạt Hóc Môn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót

WGPSG -- Hòa chung niềm vui với Giáo hội Công giáo toàn cầu trong dịp tuyên thánh cho Đấng Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, vào lúc 14g30 ngày thứ Bảy 26/4/2014, tại nhà thờ Bùi Môn, cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót giáo hạt Hóc Môn đã tổ chức chương trình cầu nguyện, tìm hiểu về hai Đấng Chân Phước và hiệp dâng Thánh lễ trọng thể Kính Lòng Chúa Thương Xót.
Khởi đầu là giờ cầu nguyện của các cộng đoàn các giáo xứ trong giáo hạt Hóc Môn. Tiếp theo, cha Giuse Phạm Quốc Tuấn - chính xứ Tân Đông - đã giới thiệu về tiểu sử của hai vị chân phước, mà ngày mai, 27.4.2014, được phong lên bậc hiển thánh. Những biến cố của các ngài trên con đường phục vụ sáng danh Nước Chúa, luôn là tấm gương cho các thế hệ đời sau noi theo. Cha cũng chia sẻ thêm: Giáo hội luôn phải đối đầu với thử thách, chính nhờ Lòng Thương Xót Chúa cùng ơn Thánh Thần luôn hiện diện mà qua bao đời nay, Giáo hội đã có những vị Giáo hoàng của Lòng Yêu Chúa, được Chúa tuyển chọn trong cuộc hành trình lữ thứ trần gian.
Sau phần chia sẻ của cha Giuse, cộng đoàn giáo hạt và quý cha đồng tế, quý chức giáo hạt đã cùng rước tượng Chúa Thương Xót từ nhà xứ tiến về nhà thờ trong lời cầu nguyện sốt sắng của mọi người.
Mở đầu Thánh lễ, cha quản hạt Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng chủ tế đã nhắc lại, trong những thời khắc chờ đợi giờ tuyên thánh cho hai Đấng Chân Phước, nhất là Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thánh lễ hôm nay mang ý nghĩa rất đặc biệt của ngày kính Lòng Chúa Thương Xót.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa, cha Gioan M. Vianney Chu Minh Tân - chính xứ Bà Điểm - đã chia sẻ với cộng đoàn:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy được bầu khí của Lòng Thương Xót Chúa quy về bí tích Thánh Thể, luôn đem lại sự bình an cho con người chúng ta. Tông đồ Tôma đã cứng lòng tin nhưng Lòng Thương Xót Chúa không để ai mất lòng tin, đã tác động sự bình yên mỗi khi chúng ta kêu cầu. Chúng ta không thể bình yên được nếu như chúng ta chưa lãnh nhận ơn hòa giải. Người tông đồ của Lòng Thương Xót phải nhìn người anh em mình như chi thể của Chúa để biết chia sẻ, bác ái yêu thương. Trong lời kinh Lạy Cha, Chúa đã dạy: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” nghĩa là ý Chúa muốn Lời Chúa được lan tràn khắp mặt đất. Lòng Thương Xót của Chúa sẽ đến được với nhiều người. Những ai đến với Lòng Thương Xót sẽ trở nên thánh thiện hơn, biết cho đi nhiều hơn. Thánh nữ Faustina Kowalska là tông đồ của Lòng Thương Xót, ngài biết đón nhận vào tâm hồn và thể hiện qua việc làm cụ thể. Noi gương Thánh nữ, chúng ta cũng cố gắng mỗi ngày để đến với Lòng Thương Xót Chúa nhiều hơn và sốt sắng hơn.
Tiếp theo là phần dâng lễ vật và lời nguyện tín hữu của đại diện các giáo xứ trong hạt. Trong bầu khí trang nghiêm, cộng đoàn đã dâng cả tâm tình vui mừng, hiệp cùng quý cha đồng tế trong phần phụng vụ Thánh Thể.
Trước khi kết lễ, vị đại diện cộng đoàn giáo hạt, đã có lời cám ơn cha quản hạt Phêrô, cũng là linh hướng của cộng đoàn cùng quý cha đồng tế, quý chức giáo hạt và giáo xứ Bùi Môn; đồng thời trong tiếng vỗ tay thay mặt cộng đoàn, các chị hội viên đã dâng lên quý cha những bó hoa tươi thắm, tượng trưng tâm tình hân hoan vui mừng của mọi người đang hiện diện trong ngôi thánh đường giáo xứ Bùi Môn này. Cha quản hạt đã thay lời quý cha đồng tế, cũng cám ơn cộng đoàn hiện diện, và hết sức vui mừng khi thấy cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót của giáo hạt ngày càng phát triển với rất nhiều thành phần và độ tuổi khác nhau...
Thánh lễ kết thúc lúc 17g00 trong tiếng hát của cộng đoàn, và mọi người hân hoan ra về mang theo tinh thần hiệp nhất và vui mừng của ngày đại lễ.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140429/25808