Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Thư chúc Tết của Ban Thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam



Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/thu-chuc-tet-cua-ban-thuong-vu-hoi-dong-giam-muc-viet-nam/5792.63.8.aspx

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 23/01 - 29/01/2014


Ngày Tết và Phúc Âm hoá


Dù có những đề nghị mừng Tết nguyên đán vào ngày đầu năm dương lịch cho phù hợp với thời hiện đại, cho đến nay, xã hội Việt Nam vẫn giữ truyền thống cử hành Tết nguyên đán vào những ngày đầu năm âm lịch. Với người Việt Nam, ngày Tết không chỉ đơn thuần là ngày nghỉ lễ nhưng còn mang ý nghĩa nhân văn và giá trị thiêng liêng hết sức đặc biệt. Dù ở trong nước hay đang sinh sống làm việc ở nước ngoài, người Việt vẫn cử hành Tết nguyên đán cách long trọng hết sức có thể.

Hội Thánh Công giáo Việt Nam hiện diện giữa lòng dân tộc và hít thở bầu khí văn hoá truyền thống đáng kính ấy, cho nên đã tìm cách hội nhập và Phúc Âm hoá nền văn hoá dân tộc. Nỗ lực này được thể hiện rõ nét trong cách người Công giáo Việt Nam cử hành Thánh Lễ trong những ngày Tết. Theo đó, ba ngày Tết tập trung vào ba tương quan căn bản trong cuộc sống con người.

Ngày Mồng Một Tết là ngày hướng lòng lên Thiên Chúa, “Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích của vạn vật”, để tạ ơn Chúa đã ban cho một năm mới, và cầu xin Chúa ban cho mọi người “được bình an mạnh khỏe, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức, hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh thánh” (Lời nguyện nhập lễ - Thánh Lễ Giao Thừa, Tân Niên).

Ngày Mồng Hai Tết là ngày kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, xin Chúa trả công bội hậu cho “những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con sống cho phải đạo với các ngài” (Lời nguyện nhập lễ). Đồng thời, khi kính nhớ tổ tiên ông bà, người Công giáo cũng hiểu rằng chính Thiên Chúa đã ban sự sống cho tổ tiên ông bà, để các ngài truyền lại cho con cháu. Vì thế, truyền thống tôn kính ông bà tổ tiên được đặt vào đúng vị trí của nó trong trật tự tạo dựng.

Ngày Mồng Ba Tết là ngày nhìn ra thế giới và vạn vật chung quanh, ý thức trách nhiệm phải lao động để làm chủ thiên nhiên, cho nên xin Chúa ban ơn trợ giúp để “công ăn việc làm trong năm mới nêu cao tình tương thân tương ái, góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa” (Lời nguyện nhập lễ).

Khi tập trung vào ba tương quan căn bản trong cuộc sống làm người (Thiên-Địa-Nhân), Hội Thánh cũng mời gọi con cái mình sống ý nghĩa của thời gian với ba chiều kích: nhìn về quá khứ trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cảm tạ các bậc sinh thành, hướng đến tương lai trong tâm tình phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử, nhìn vào hiện tại để dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Phải nói rằng đây là một nỗ lực tuyệt vời trong công cuộc Phúc Âm hoá: (1) Khám phá những vẻ đẹp và giá trị tích cực trong truyền thống văn hoá dân tộc; (2) Làm nổi bật mối quan hệ mật thiết giữa văn hoá dân tộc và những giá trị Phúc Âm; (3) Nâng những giá trị văn hoá truyền thống lên một tầm cao mới của đức tin Kitô giáo, khi đặt việc tôn kính Tổ tiên trong trật tự tạo dựng, hoặc khi liên kết việc xây dựng thế giới với việc xây dựng Nước Trời.

Ước mong mẫu gương Phúc Âm hoá này còn được ứng dụng vào nhiều lãnh vực khác trong đời sống Hội Thánh, từ ngôn ngữ diễn tả đức tin đến cách thể hiện đức tin Kitô giáo, để Phúc Âm ngày càng gần gũi với người dân và xã hội Việt Nam hơn.

Thiên Triệu
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/ngay-tet-va-phuc-am-hoa/5794.95.5.aspx

Lễ vật ngày đầu năm

Tiếng pháo nổ vang rền báo hiệu mùa xuân đã đến, ngoài đường mọi người đều nô nức, hớn hở đón chào ngày đầu của một năm mới. Các anh chị em trong ca đoàn Thánh Linh ai nấy đều tươi trẻ trong những bộ cánh thời trang rực rỡ, các cô thì ôi thôi đủ màu sắc! Những tiếng nói cười đua nhau vỡ tan trong không gian tươi mát của mùa xuân. Thế rồi cả đoàn, người người chở nhau trên những chiếc xe đạp tiến về nhà thờ Mỹ Hạnh. Hôm nay ngôi nhà thờ nhỏ bé trông cũng như mới hẳn ra. Thánh lễ bắt đầu. Những giọng ca ngân vang, rộn rã, tươi vui cùng dâng lên Chúa.

Trong tâm tình của ngày đầu xuân, lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Ngài những lời nguyện cầu, những lời hát đơn sơ, những giọng ca non nớt và yếu kém. Xin dâng lên Chúa những tâm hồn mộc mạc nhưng luôn tin yêu và trông cậy nơi Ngài. Chúng con là những ca sĩ của Chúa, những ca sĩ vụng về chỉ xin được cất tiếng hát ca khen và làm sáng danh Ngài. Xin cho chúng con trong năm mới này biết hang say trong mọi công việc, biết hy sinh những thú vui hằng ngày để phục vụ và làm sáng danh Ngài mỗi ngày một thêm.

Tiếng hát ngân vang, ngân vang mãi trong không gian, trong lòng mọi người cùng dâng thánh lễ, quyện với trầm hương nghi ngút làm thành lễ vật kính dâng lên Ngài trong ngày đầu năm.

Hoàng Hạnh (Ca đoàn Thánh Linh)
Tân niên Quý Dậu 1993

Danh sách quyết tâm năm mới của Đức thánh Cha Phanxicô


1. Đừng nói xấu 
2. Đừng vất phần ăn dư của mình, phải ăn cho hết.
3. Dành thời gian cho người khác.
4. Chọn những món rẻ tiền hơn.
5. Tiếp cận người nghèo bằng xương bằng thịt.
6. Đừng lên án người khác. 
7. Làm bạn với những ai bất đồng với chúng ta. 
8. Thực hiện cam kết: như đời sống hôn nhân.
9. Tạo thói quen: kêu cầu đến Thiên Chúa. 
10. Là người vui tươi.

Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Giao-Hoi-Hoan-Vu/Danh-sach-quyet-tam-nam-moi-cua-Duc-thanh-Cha-Phanxico-2869/

TẾT NGUYÊN ĐÁN - Suy Niệm


Lời ngỏ: 
 
Khi được BGCN gợi ý viết bài suy niệm Tin Mừng cho ba ngày Tết Nguyên Đán, thú thật tôi cảm thấy rất lúng túng. Lý do là vì ngay các Lời Chúa được ‘Lịch Công Giáo’ đề nghị cho những ngày này xem ra cũng rất mung lung. Thiết tưởng để lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong dịp Tết Nguyên Đán ta cần phải đi sâu vào truyền thống và văn hóa dân tộc, điều mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang nỗ lực thực hiện, cho dầu mới chỉ trong những bước chập chững ban đầu. Ngoài vốn liếng Kinh Thánh và tu đức thông thường ta còn cần dìm mình sâu vào bầu khí linh thiêng của hồn Việt để hít thở cái tinh hoa hội tụ trong những ngày đầu năm rất linh thiêng này. Về lãnh vực truyền thống và văn hóa dân tộc, thú thật tôi không có được một sự chuẩn bị bài bản thích đáng. Dầu vậy, trong tâm tình mộc mạc của một người Việt Nam Công Giáo, tôi cử thử dành chút thời gian để lắng nghe xem Lời Chúa muốn nói gì với mình trong những ngày đầu xuân. Chính vì thế kính xin quí cha và quí vị vui lòng đón nhận việc chia sẻ Suy Niệm Lời Chúa này đơn thuần chỉ như một vài gợi ý mang tính chủ quan riêng tư. Rất mong sẽ nhận được nhiều đóng góp chia sẻ khác để giúp cho mảng mục vụ dân tộc này được sâu sắc và phong phú hơn trong tương lai. Chân thành cám ơn quí vị.

Nhập đề:
 
‘Tết’ là do chữ ‘Tiết’ (節) mà thành. ‘Tiết’ có thể được hiểu như khí trời, như sự chuyển vận của trời đất vũ trụ: thời tiết. ‘Nguyên Đán’ có gốc chữ Hán (元旦), ‘nguyên’ có nghĩa là ‘khởi đầu’ hay sơ khai, và ‘đán’ có nghĩa là buổi sáng sớm. Mọi người Á Đông nói chung, và người Việt chúng ta nói riêng, đều mong muốn những ngày đầu năm mới phải làm một cuộc trở về với những nguyên lý căn bản nhất của trời đất vạn vật thuở ban đầu. Mà nguyên lý nền tảng và căn bản nhất của càn khôn được xác định là sự hòa hợp tuyệt diệu (harmony) giữa các nhân tố chủ chốt: con người với Thiên, với Địa và với Nhân. Ca dao Việt Nam đã cụ thể hóa mối tương quan này cách rất mộc mạc nhưng sâu sắc: 

Mồng một tết Cha
Mồng hai tết Mẹ
Mồng ba tết Thầy

Cha là tượng trưng cho Trời-Thiên. Ki-tô hữu chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh Thiên Chúa là Cha. Mẹ tượng trưng cho Đất-Địa (đất mẹ) nuôi dưỡng. Thầy tượng trưng cho mọi mối tương quan xã hội ràng buộc giữa người với người-Nhân (nhất tự vi sư). Ba ngày đầu năm chính là dịp quan trọng để mỗi người và toàn xã hội tái lập lại các mối giao hòa nguyên thủy. Tết Nguyên Đán chính là những ngày của Thiên Địa Nhân giao hòa.

Mồng một: Tân Niên
Suy niệm Tin Mừng Mt 6,25-34

Hòa hợp với Thiên Chúa
(Thiên-Nhân giao hòa)

Đọc đoạn Tin Mừng vẫn thường được chúng ta gán cho cái tiêu đề‘Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng’ trong bầu khí linh thiêng của ngày tân niên, người Công Giáo Việt Nam sẽ nhận ra ngay: Đức Giê-su rõ ràng đang nhắc nhở tới việc tái lập trở lại sự hòa hợp nguyên thủy giữa con người với Thiên Chúa, sự hòa hợp tuyệt diệu mà sách Sáng Thế chương 3 cho thấy đã từ lâu bị tội lỗi phá hủy tận căn. 

Sự hòa hợp hình như vẫn tồn tại trong trời đất, vẫn là một qui luật mà vạn vật luôn tuân theo. Chim đồng cỏ nội vẫn sống theo qui luật đó tự ngàn đời. Ngày nay người ta gọi đó là định luật thiên nhiên hay cân bằng sinh thái. Đức Giê-su chỉ cho thấy cội nguồn của tình trạng hòa hợp này chính là Cha trên trời. “Cha anh em vẫn nuôi chim trời không gieo không gặt… mặc cho hoa huệ ngoài đồng không dệt tơ kéo sợi”. Điều này chứng tỏ sự bon chen lo lắng của nhân tình thế thái chính là biểu hiện sự mất hòa hợp sâu sắc giữa Nhân với Thiên. Lúc khởi đầu sự hòa hợp này thật kỳ diệu, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hinh ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Đó là tình trạng lý tưởng của lúc khởi nguyên nơi vườn địa đàng, ‘Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen… và chúc lành cho họ’ (St 2,15). Tội nguyên tổ và tội lỗi con người đã không ngừng hủy hoại sự hòa hợp, không chỉ với Thiên, mà cả với Địa và với Nhân. Như thế tin tưởng vào Chúa quan phòng, hay tiếp nhận ơn cứu độ, hay xây dựng niềm tin Ki-tô hữu sẽ được hiểu như trở về với sự hòa hợp nguyên thủy. “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì uống gì, hay mặc gì đây? Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”. 

Hiểu như thế ta sẽ nhận ra Tin Mừng hàm chứa một nội dung thật sâu sắc: nhờ vào tình thương cứu độ của Đức Giê-su mà sự giao hòa (tức là tái lập sự hòa hợp hoàn hảo) giữa Thiên và Nhân được tái lập trở lại. Đức Giê-su chính là A-dam mới khai sinh một Nhân mới hoàn toàn hòa hợp với Thiên. Sự hòa hợp lần này không dựa trên bản chất hoàn hảo của nhân, nhưng trên tình yêu nhân ái cứu độ của Thiên. Phao-lô đề cập tới điều này trong ngôn ngữ và văn hóa Thánh Kinh như sau: “Nhờ đức tin chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta… mở lối chi chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 5,1-2).

Ngày đầu năm, người Công Giáo Việt Nam không chỉ cầu phúc xin Chúa chúc phúc lành cho năm mới được an lành, không chỉ phó thác tin tưởng nơi Chúa quan phòng để cuộc sống mình được bảo đảm hơn; nhưng điều mà họ thực sự mong muốn là làm sao mối tương quan Thiên – Nhân được hòa hợp hơn nữa. Nói cách khác điều họ ước nguyện và quyết tâm thực hiện trong năm mới là xây dựng cho được mối tương quan hai chiều, và ra sức củng cố cho nó ngày càng thêm bền vững. Chúa Trời quan tâm và thuận với nhân hơn, trong khi chính con người cũng ra sức quan tâm và thuận với Thiên hơn. Điều này được người Do Thái Cựu Ước diễn tả như thiết lập hay tái lập một giao ước hoàn hảo và bền chặt hơn với Đức Chúa Gia-vê, còn người Công Giáo Việt Nam chúng ta, trong văn hóa Thiên Địa Nhân, sẽ hướng hồn về một mối tương quan hòa hợp hơn nữa (in harmony evermore) với Thiên Chúa là Cha. Chúng ta muốn có Thiên thời trong bất kỳ tình huống nào, cho dầu là thuận lợi hay trái nghịch, trong năm mới cũng như trong suốt cuộc sống chúng ta.

Lạy Chúa là Cha chúng con, Đức Giê-su làm người đã muốn luôn được thuận với Cha trong mọi sự và trong suốt cuộc đời. Ngay từ ngày đầu của năm mới này, con muốn và quyết tâm đi vào mối tương quan Thiên-nhân hòa hợp với Cha. Về phần Cha thì đã quá rõ, qua thập giá Đức Ki-tô, con được bảo đảm rằng mối tương quan Cha dành cho con sẽ luôn là giao hòa bất chấp sự yếu hèn của con. Về phần con, con quyết tâm xây dựng và củng cố sự hòa hợp với Cha nhân ái, cũng chính nhờ thập giá Đức Ki-tô, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của mình. Xin giúp con trong năm mới này biết gia tăng sự hòa hợp với Cha qua đón nhận và đi sâu vào lòng từ ái xót thương của Cha ngày càng sâu sắc và trọn vẹn hơn. Amen

Mồng hai: Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ
Suy niệm Tin Mừng Mt 15,1-6

Hòa hợp với mọi người
(Nhân-Nhân giao hòa)

Ngày Mồng Hai Tết được Lịch Công Giáo Việt Nam gọi là ngày ‘Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ’. Nhiều người muốn biến ngày này thành ngày cầu nguyện cho vong hồn tổ tiên ông bà cha mẹ, có lẽ xuất phát từ việc hiểu lầm chữ ‘kính nhớ’. Theo quan niệm Nhân Hòa trong văn hóa Việt, ‘nhân’ đây gồm cả người sống lẫn kẻ chết, người thân cận cũng như kẻ xa lạ, và kính nhớ hay tôn kính được hiểu như kiến tạo một tương quan hòa hợp với hết mọi người, bắt đầu từ cận nhân, điển hình là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, còn sống hay đã khuất núi. Đây là nền tảng của ‘đạo hiếu’, không chỉ được hiểu hạn hẹp như thảo hiếu đối với ông bà cha mẹ (nhất là khi đã qua đời) mà thôi, nhưng còn là hiếu với đồng bào, với dân với nước, và xa hơn nữa là hiếu hay thuận thảo với toàn thể bàn dân thiên hạ (nhân hòa).

Văn hóa Do Thái còn khá xa vời với khái niệm ‘nhân hiếu’ này. Trong cuộc tranh luận về truyền thống với nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư, Đức Giê-su chỉ mới đề cập tới và chỉnh sửa một phần nhỏ cái mối tương quan xã hội đa diện vốn có nơi các thính giả Do Thái. Giới luật Cựu Ước chỉ qui định “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’, hiểu là khi các ngài còn sống chứ không đề cập chi tới khi các ngài đã khuất bóng. Ấy thế mà các kinh sự luật sĩ vẫn viện những lý lẽ này nọ để lướt qua: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Rõ ràng cái tối thiểu của chữ hiếu chữ nhân họ còn chưa có nữa là. Chả trách sự hiểu biết ‘nhân hiếu’ của họ thật quá hạn hẹp. Nếu họ có mở rộng nó ra hơn một chút nữa thì cùng lắm cũng chỉ tới bạn bè thân quen, “… yêu thương những kẻ yêu thương mình” (Mt 5,46).

Trong cái văn hóa nhân hòa, hồn Việt có khả năng hiểu sâu hơn các điều mà Đức Giê-su trong chương 05 Phúc Âm Mát-thêu gọi là ‘kiện toàn Luật Mô-sê’, như đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng thề thốt, chớ trả thù và nhất là yêu thương kẻ thù. Thiết tưởng bác ái của Tin Mừng, nếu phải diễn tả trong văn hóa thuần Việt, sẽ là đưa nhân hòa lên tới tột đỉnh và mở rộng nó ra, thoát khỏi mọi biên cương giới hạn của lòng dạ con người. Tin Mừng đồng thời cũng cống hiến cho Hồn Việt phương thế để thực hiện được cái lý tưởng nhân hòa đầy thử thách và cam go, thay vì chỉ mãi mãi là một mơ ước thanh tao cao đẹp trong những ngày đầu năm mới. Cái ‘hòa’ mà Tin Mừng cống hiến không phải là vắng bóng các đố kị căng thẳng, tranh chấp chia rẽ, nhưng đúng là giao hòa dựa trên ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê-su Ki-tô thập giá chính là ‘Nhân Hòa’ đầu tiên của toàn lịch sử nhân loại khi Người không những giao hòa Trời với Đất mà còn giữa người với người. “Lạy Cha, xin tha cho họ!” (Lc 35,34). Thánh Phao-lô đã triển khai tư tưởng hòa giải này trong chương 05 thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, trong khi Thánh Gio-an đã dùng nó làm nền cho lời kêu gọi xây dựng nhân hòa giữa các tín hữu và với hết mọi người, “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối…” (1 Ga 4,20…)

Như vậy, nếu trong ngày mồng hai tết người Công Giáo Việt Nam có cử hành bất cứ nghi lễ hay tập tục nào để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình (còn sống hay đã qua đời) thì cái tâm của họ phải rộng mở hướng về mọi người. Chính sự rộng mở này sẽ giúp họ trong năm mới càng chấp nhận và triển khai Tin Mừng bác ái yêu thương của Đức Ki-tô cách sâu sắc và triệt để hơn. Họ thâm tín rằng: nhờ niềm tin vào ơn cứu độ giao hòa của Đức Ki-tô, chính họ sẽ trở thành tác nhân có khả năng biến niềm mơ ước mãnh liệt nhất của dân Việt, và của toàn nhân loại, thành hiện thực: ‘Tứ hải giai huynh đệ”.

Lạy Đức Ki-tô - đấng giao hòa, trên thập giá Chúa không chỉ giao hòa nhân loại với Thiên Chúa (Thiên – Nhân) và còn giao hòa nhân loại với nhau (Nhân – Nhân). Trong ngày đầu xuân này, xin giúp con khởi động trở lại tiến trình giao hòa với mọi người, bắt đầu từ những người thân cận nhất là Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ của con, còn sống hoặc đã qua đời. Xin cho việc kính nhớ các ngài càng thôi thúc con sống Tin Mừng cứu độ của Chúa cách trọn vẹn và quảng đại hơn trong tương quan hòa hợp với hết mọi người trong suốt năm Giáp Ngọ này. A-men   

Mồng ba: Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm
Suy niệm Tin Mừng Mt 25,14-30  

Hòa hợp với thiên nhiên
(Nhân-địa giao hòa)

Sách Sáng Thế mô tả thời khai nguyên hoàng kim như một không gian - thời gian, khi mà con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau cách hoàn hảo: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn E-đen, để cày cấy và vun trồng đất đai hoa màu…” (St 2,15). Khát vọng này vẫn là ước mơ của con người trải qua các thời đại, vì cái thực tế phũ phàng là sự hòa hợp nhân-địa này đã bị phá hủy, “…đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3,17). Trong những ngày đầu năm mới Hồn Việt càng cảm thấy khát vọng tái lập ‘địa lợi’ trỗi dậy càng mạnh liệt hơn bao giờ hết.

Đối với người Việt, được gần gũi với thiên nhiên là điều họ hằng khao khát: họ đi hái lộc xuân, trưng bày cây trái bông kiểng trong nhà, và thắp nhang khấn vái để được mưa thuận gió hòa, nhất là vào thời kì còn sống trong một xã hội đậm nét nông nghiệp. Người Công Giáo Việt tạm gọi ngày mồng ba tết là ‘Thánh hóa công việc làm ăn’ hay dâng các công ăn việc làm của mình cho Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng Mát-thêu được trích dẫn ở đây thì cho ý tưởng là làm sinh lời các yến bạc mỗi người nhận được thông qua chu toàn các chức phận được trao (25,14-30). Dù thế nào đi nữa thì ước vọng phổ quát vẫn là, làm sao cho Nhân và Địa được hòa hợp hơn. ‘Địa’ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, là tất cả những gì liên quan tới việc sinh sống của con người.

Trong môi trường khắc khổ của dân Do Thái thời cổ đại, tương quan nhân-địa hình như đã không được lưu tâm tới mấy. Một vài nét đơn sơ được phác họa trong Cựu Ước như ‘đất hứa’ phải là nơi ‘chảy sữa và mật’, và có ‘đất đai mầu mỡ và mưa thuận gió hòa’ là mơ ước mọi người đều muốn, và chỉ nhận được nhờ phép lành Đức Chúa ban cho thông qua lời chúc phúc của các bậc tổ phụ (xem St 27, 27-29). Tân Ước hình như lại càng ít quan tâm tới diện này hơn vì ưu tư chính được dành cho chiều kích nội tâm.

Đối với người Á Đông nói chung và người Việt cách riêng, vấn đề sống hòa hợp với thiên nhiên luôn là một mảng đề tài khá đặc sắc. Phong thủy là mối quan tâm phổ biến nơi rất nhiều người. Ngày nay con người thời đại nói chung trước vấn đề ô nhiễm trầm trọng đã bắt đầu qua tâm hơn tới việc sống hòa hợp với thiên nhiên dưới khẩu hiệu ‘bảo vệ môi trường sinh thái’. Gần đây hơn, trong giới Công Giáo và Tin Lành đã thấy xuất hiện thao thức đi tìm một linh đạo mới cho phù hợp với khuynh hướng chung này. Trong hội nghị quốc tế tháng 11 năm 2012 được tổ chức tại Va-ti-can để bàn về đề tài Apostolatus Maris người ta đã đề cập tới một nét linh đạo mới dành cho mục vụ giữa các thủy thủ hay ngư dân viễn dương. Có nên chăng hội nhập tư tưởng của Lão Giáo qua dạng Thần Nam Hải coi biển cả như người mẹ hiền (thần nữ) dưỡng nuôi con người bằng các sản phẩm đại dương phong phú mà ta phải đón nhận với lòng tri ân thành kính …, thay vì chỉ nhìn đại dương cách phổ thông như chốn hiểm nguy đầy sóng gió, thủy quái… cầu mong sao sớm được thoát khỏi để về tới bến an toàn; hay thực dụng hơn, công tác bảo vệ sinh thái đại dương chỉ nhằm bảo đảm khai thác hải sản lâu dài và hữu hiệu hơn? 

Trong triền tư tưởng trên, việc soạn ra một Thánh Lễ với bài Tin Mừng thích hợp cho ngày mồng ba tết luôn là một thách đố, thay vì chỉ đơn thuần cử hành Thánh Lễ ngoại lịch sẵn có về thánh hóa công việc làm ăn (hay như Lịch Công Giáo đề nghị sử dụng đoạn Tin Mừng Mác-cô 7,1-13 có cùng một nội dung tương tự như Mt 6,25-34 dùng trong ngày mồng một tết). Dẫu thế nào đi nữa thì khái niệm nhân-địa giao hòa này vẫn mang một nội dung rất phong phú. Nó có thể giúp cho người Công Giáo Việt Nam chúng ta có cái nhìn toàn diện và lạc quan hơn về Tin Mừng cứu rỗi, như Phao-lô khi đề cập tới ‘trời mới đất mới’ hay “muôn loài thụ tạo lâm vào cảnh hư ảo… những ngong ngóng đợi chờ… và cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở…chờ đợi ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang” (Rm 8, 18-23). Thánh Lễ mồng ba Tết Nguyên Đán phải phác ra một linh đạo sống cho cả năm chứ không chỉ đơn thuần xin Chúa phúc phúc cho công việc làm ăn trong năm mới được thành đạt. 

Lạy Cha là Chúa tể trời đất, khi giao hòa với con người, Cha cũng muốn cho con người giao hòa với nhau và hòa hơp hơn với thiên nhiên. Trong việc đón nhận hồng ân cứu độ của Cha thông qua thập giá Đức Ki-tô, con được bảo đảm một ‘Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa’ mới, không chỉ trong năm mới này, mà còn suốt cả đời Ki-tô hữu, bất chấp các yếu hèn và phản nghịch của con đối với Cha, những bất trắc của thiên nhiên hay lòng dạ đảo điên của con người. Xin cho con sống những ngày đầu năm này trong niềm tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ vô bờ bến của Cha. Amen

Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Suy-Niem-Loi-Chua/TET-NGUYEN-DAN-Suy-Niem-2861/

Lời cầu đêm giao thừa

Xin dâng Chúa muôn ngàn lời cảm tạ
Vì những gì Ngài ban xuống cho con
Một năm qua với hạnh phúc chan hòa
Lẫn cay đắng, buồn lo dâng chất chứa.

Đêm giao thừa đèn hoa và tiếng pháo
Con quỳ đây gẫm lại tháng ngày qua
Hạnh phúc vui say con đón nhận thỏa no
Thánh giá Ngài gởi sao e dè sợ sệt!

Giêsu hỡi! Xin cho con được biết
Đón nhận Ngài con chấp nhận khổ đau
Thập tự Ngài trao dù cay đắng xiết bao
Nhưng hạnh phúc cũng bắt đầu từ đó.

Và lạy Chúa! Giờ bắt đầu năm mới
Xin Ngài thương xóa sạch mọi lỗi lầm
Cho năm mới tâm hồn con bừng nở
Hạnh phúc, an bình luôn mãi trong con.


Hoàng Hạnh (Ca đoàn Thánh Linh) 
Xuân Quý Dậu 1993

Tình Xuân nhà Đạo

Mùa Xuân đưa hoa từ các tỉnh thành về thành phố: đường hoa, chợ hoa, hội chợ hoa… mọc lên giúp thanh lọc cái ô trọc ở chợ đời và giảm tốc sự tất bật của nhịp sống thị thành. Dân miệt vườn gặp gỡ dân thành thị. Người làm tại đô thị trở về quê sum họp cùng gia đình hưởng Xuân. Người người đem hoa xuân tặng nhau, các loài hoa đua nhau đến nhà nhà mang theo hương sắc xuân vào mỗi mái ấm gia đình.
Giữa dòng chuyển lưu của khí tiết trời đất và thiên nhiên vào đầu năm mới, những người bạn Cao Đài đã đến Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM, chúc Xuân Đức Hồng y Tổng Giám mục và Ban Mục vụ đối thoại liên tôn, sáng ngày 27.1.2014 (nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Quý Tỵ).
Truyền Trạng Thanh Căn - Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, Đạo huynh Đạt Tịnh và Đạo huynh Trần Văn Quang - Chánh và Phó Hội trưởng Thánh thất Bàu Sen, Đạo huynh Huệ Khải - phụ trách Chương trình chung tay ấn tống kinh sách Đại Đạo, Đạo huynh Cao Hoàng Phong - Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, tu sinh Hồ Thị Mộng Tuyền – Tập đoàn giáo sĩ Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý Đại Đạo.
Thoạt tiên, như đã hẹn trước, những đạo hữu trên đến gặp gỡ và tặng quà xuân cho Ban Mục vụ đối thoại liên tôn tại Văn phòng. Câu chuyện trà đàm của quý Đạo huynh và Ban hướng đến vài sinh hoạt liên tôn mà hai bên có thể hiệp tâm xây dựng trong năm mới. Thay lời chúc xuân, chị Ngọc Anh đã tái diễn ngâm bài thơ “Tăng Bạn” của Hòa Duyên, làm ấm lòng huynh đệ giữa những người bạn Cao Đài và Công giáo sáng 27 Tết.
Tiếp đến, anh chị em đã đến hội kiến với Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, tại phòng khách Trung Tâm Mục vụ TGP. Trong bầu khí thân tình, Đức Hồng y TGM đã chia sẻ những quan tâm đầu xuân của ngài khi gặp gỡ nhiều chính khách đến thăm và  đặc biệt nhấn mạnh đến “lòng đạo”. “Lòng đạo” đưa con người đến gần nhau và đồng thời thúc đẩy người có đạo phục vụ đồng bào và xã hội hữu hiệu. Truyền Trạng Thanh Căn, đại diện cho anh em đồng đạo hiện diện, đã mừng tuổi Đức Hồng y.
Nhân cuộc hội ngộ này, Đạo huynh Huệ Khải có cuộc phỏng vấn Đức Hồng y về tương giao giữa người Công giáo và Cao Đài tại thành phố. Cuộc trao đổi tuy bộc phát nhưng không kém phần sâu sắc, đồng thời khuyến khích đạo hữu hai bên tiếp tục phát triển tình bằng hữu trong những hoạt động cụ thể.
Hy vọng những mầm xuân ấp ủ trong tim những người bạn đạo hôm nay sẽ được đơm hoa kết trái phong nhiêu, không chỉ trong vài ngày tết mà cả năm Giáp Ngọ này.
PHÁI ĐOÀN CAO ĐÀI CHÚC TẾT ĐHY & BAN MVĐTLT

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Hướng dẫn: CẦU NGUYỆN GIA ĐÌNH ĐẦU NĂM MỚI


1. Thắp hương và làm dấu và hát kinh Chúa Thánh Thần
 
2. Đọc lời Chúa: Lời Chúa trong sách Huấn Ca
 
Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.  Ai yêu mến cha mình thì bù đắp lỗi lầm,  ai thảo kính mẹ mình thì như người tích trữ được kho báu. Ai thờ cha mình sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được nhậm lời.  Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.  Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân.  Hãy thảo kính cha mẹ bằng lời nói việc làm, để nhờ các ngài mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha mẹ con, khi các ngài đến tuổi già; bao lâu các ngài còn sống, chớ làm các ngài buồn tủi. Các ngài có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể các ngài. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.
 
Đó là lời Chúa.
 
3. Suy niệm (xin mời ngồi)
 
Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình, chấp nhận có cha, có mẹ, có những mối dây tình thâm huyết thống. Chúng ta đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Chúng ta tập làm người. Mái nhà là trường học đầu tiên. Thầy cô đầu tiên là ba mẹ. Gia đình đã trở thành trường huấn luyện chúng ta trở nên người biết sống cho người khác. Có biết bao bài học sống động ở dưới mái nhà thân thương này. Bài học yêu thương, cảm thông, tha thứ, bài học phục vụ, quên mình, khiêm hạ, xin vâng... Ước gì gia đình chúng ta trở thành một gia đình đạo đức, thánh thiện trong thế giới hôm nay.
 
Lạy Chúa, gia đình không phải là một quán trọ tình cờ bên đường, nhưng là nơi Chúa muốn chúng con yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Xin cho chúng con biết quý mến những người mà Chúa đã gởi đến ở bên chúng con trong gia đình này. Ước gì tình yêu của chúng con ở đời này thể hiện tình yêu thương mà chúng con được cùng nhau hưởng trên thiên đàng. Amen.
 
4. Cầu nguyện cho cha mẹ (dành cho gia đình mất cả cha lẫn mẹ)
 
Hát: Xin Chúa xót thương chúc lành, cho đời cha mẹ của con, công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn Trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau. Xin cho cha mẹ con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
Chủ sự: Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải thảo kính cha mẹ. Chung: Xin nhận lời chúng con khẩn cầu mà thương đến cha mẹ chúng con đã qua đời.
Chủ sự: Xin thứ tha mọi tội lỗi cha mẹ chúng con còn vướng mắc, Chung: và xin ban cho chúng con mai ngày được hân hoan gặp lại các ngài trên quê trời rực rỡ vinh quang.
Chủ sự: Xin Chúa vui lòng chấp nhận lời nguyện xin của chúng con, Chung: mà ban cho cha mẹ chúng con được mãi mãi hưởng niềm hoan lạc trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Chủ sự: Xin cho cha mẹ chúng con được an nghỉ ngàn thu và hưởng ánh vinh quang bất diệt. Chung: Xin cho chúng con cũng được cùng với các ngài dự tiệc vui muôn đời trong Nước Chúa.
Hát: Kim ô bóng đã khuất rồi, để lại ánh chiều mờ sương, than ôi mẹ cha mến thương, đã ra đi vĩnh biệt cõi đời. Con nay đã nên người, an vui hay phải u sầu, còn đâu tiếng cười hay lời cha mẹ dạy khuyên. Xin cho cha mẹ con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
Chủ sự: Lạy Chúa rất khoan nhân, xin thương nhận lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu Chung: mà ban cho cha mẹ chúng con đã lìa thế được chung hưởng hạnh phúc muôn đời.
Chủ sự: Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, Chung: xin cho cha mẹ chúng con được thoát vòng tội lỗi.
Chủ sự: Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, Chung: xin cho cha mẹ chúng con được đưa vào cõi phúc nơi vinh quang chiếu toả muôn đời.
Hát: Canh khuya tiếng khóc thâm tình, âm vọng với ngàn lời kinh, van xin cùng Đức Nữ Trinh, đưa mẹ cha thoát khỏi luyện hình. Con đền đáp ân tình, hy sinh như chuỗi hãm mình, cầu cho cha mẹ, sống tình Chúa Trời ngàn thu. Xin cho cha mẹ con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
 
5. Cầu nguyện cho cha đã qua đời (dành cho gia đình chỉ mất cha)
 
Hát: Xin Chúa xót thương chúc lành, cho đời cha hiền của con, công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn Trời, và ơn cha hiền suốt đời coi nhẹ khổ đau. Xin cho cha của con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
Chủ sự: Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải thảo kính cha mẹ. Chung: Xin nhận lời chúng con khẩn cầu mà thương đến cha chúng con đã qua đời.
Chủ sự: Xin thứ tha mọi tội lỗi cha chúng con còn vướng mắc, Chung: và xin ban cho chúng con mai ngày được hân hoan gặp lại người trên quê trời rực rỡ vinh quang.
Chủ sự: Xin Chúa vui lòng chấp nhận lời nguyện xin của chúng con, Chung: mà ban cho cha chúng con được mãi mãi hưởng niềm hoan lạc trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Chủ sự: Xin cho cha chúng con được an nghỉ ngàn thu và hưởng ánh vinh quang bất diệt. Chung: Xin cho chúng con cũng được cùng với người dự tiệc vui muôn đời trong Nước Chúa.
Hát: Kim ô bóng đã khuất rồi, để lại ánh chiều mờ sương, than ôi người cha mến thương, đã ra đi vĩnh biệt cõi đời. Con nay đã nên người, an vui hay phải u sầu, còn đâu tiếng cười hay lời khuyên dạy của cha. Xin cho cha của con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
Chủ sự: Lạy Chúa rất khoan nhân, xin thương nhận lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu Chung: mà ban cho cha chúng con đã lìa thế được chung hưởng hạnh phúc muôn đời.
Chủ sự: Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, Chung: xin cho cha chúng con được thoát vòng tội lỗi.
Chủ sự: Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, Chung: xin cho cha chúng con được đưa vào cõi phúc nơi vinh quang chiếu toả muôn đời.
Hát: Canh khuya tiếng khóc thâm tình, âm vọng với ngàn lời kinh, van xin cùng Đức Nữ Trinh, đưa cha con thoát khỏi luyện hình. Con đền đáp ân tình, hy sinh như chuỗi hãm mình, cầu cho cha mình, sống tình Chúa Trời ngàn thu. Xin cho cha của con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
 
6. Cầu nguyện cho mẹ đã qua đời (dành cho gia đình chỉ mất mẹ)
 
Hát: Xin Chúa xót thương chúc lành, cho đời mẹ hiền của con, công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn Trời, và ơn mẹ hiền suốt đời coi nhẹ khổ đau. Xin cho mẹ của con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
Chủ sự: Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải thảo kính cha mẹ. Chung: Xin nhận lời chúng con khẩn cầu mà thương đến mẹ chúng con đã qua đời.
Chủ sự: Xin thứ tha mọi tội lỗi mẹ chúng con còn vướng mắc, Chung: và xin ban cho chúng con mai ngày được hân hoan gặp lại người trên quê trời rực rỡ vinh quang.
Chủ sự: Xin Chúa vui lòng chấp nhận lời nguyện xin của chúng con, Chung: mà ban cho mẹ chúng con được mãi mãi hưởng niềm hoan lạc trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Chủ sự: Xin cho mẹ chúng con được an nghỉ ngàn thu và hưởng ánh vinh quang bất diệt. Chung: Xin cho chúng con cũng được cùng với người dự tiệc vui muôn đời trong Nước Chúa.
Hát: Kim ô bóng đã khuất rồi, để lại ánh chiều mờ sương, than ôi mẹ con mến thương, đã ra đi vĩnh biệt cõi đời. Con nay đã nên người, an vui hay phải u sầu, còn đâu mẹ hiền, suốt đời vất vả vì con. Xin cho mẹ của con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
Chủ sự: Lạy Chúa rất khoan nhân, xin thương nhận lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu Chung: mà ban cho mẹ chúng con đã lìa thế được chung hưởng hạnh phúc muôn đời.
Chủ sự: Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, Chung: xin cho mẹ chúng con được thoát vòng tội lỗi.
Chủ sự: Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, Chung: xin cho mẹ chúng con được đưa vào cõi phúc nơi vinh quang chiếu toả muôn đời.
Hát: Canh khuya tiếng khóc thâm tình, âm vọng với ngàn lời kinh, van xin cùng Đức Nữ Trinh, đưa mẹ con thoát khỏi luyện hình. Con đền đáp ân tình, hy sinh như chuỗi hãm mình, cầu cho mẹ mình, sống tình Chúa Trời ngàn thu. Xin cho mẹ của con thoát khỏi sầu vương lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.
 
7. Cầu nguyện cho gia đình trong năm mới
 
Hát: Ngày xuân xin dâng lên Cha đoá hoa hồng vườn xanh mới nở. Ngày xuân xin dâng lên Cha tiếng ca tràn đầy ý thơ. Ngày nắng héo hắt lúc mưa sa, ôi giờ này đã qua. Dâng Trời ngàn ước mơ nồng nàn, dâng tràn đầy giữa ngày xuân. Ngày xuân dâng lên là dâng lên. Chúa xuân ơi! xin nhận cho đời. Hương lòng trong những ngày xuân. Thiết tha lời yêu mến tạ ơn.
Chủ sự: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong suốt cả năm nay, Chúa đã thương ban ơn phù trợ cho hồn xác chúng con an toàn.
Chung: Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới.
Chủ sự: Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút đầu năm này, Chung: chúng con hướng tâm hồn lên Chúa.
Chủ sự: Cúi xin Chúa rộng ban cho gia đình chúng con một năm mới dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành, Chung: để tôn vinh Danh Thánh Chúa.
Chủ sự: Lạy Chúa, trong giờ phút đầu năm này, gia đình chúng con vui mừng quy tụ trước tôn nhan Chúa
Chung: Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, những lời nguyện xin của gia đình chúng con, mà ban cho gia đình chúng con, biết tận dụng năm tháng ngày giờ, để yêu mến phụng thờ Chúa và phục vụ anh em.
Chủ sự: Xin nhìn đến lòng tin của gia đình chúng con, Chung: mà luôn che chở gìn giữ, hầu suốt cả năm nay, gia đình chúng con được sống trong tình thương của Chúa.
Chủ sự: Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, trong ngày đầu năm mới gia đình chúng con họp nhau nơi đây để dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa.
Chung: Cúi xin Chúa mở lượng hải hà, mà ban cho hết mọi người trong gia đình chúng con, trong năm mới này được bình an, khỏe mạnh, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức, hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào.
Chủ sự: Xin Chúa thương thực hiện những lời mà gia đình chúng con cầu chúc cho nhau trong những ngày đầu năm mới, Chung: mà tuôn đổ trên gia đình chúng con muôn phúc lộc đầy tràn.
Chủ sự: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Chung: Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài.
Chủ sự: Xin Chúa tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, Chung: để chúng con cũng được thừa hưởng ân phúc của các ngài.
Chủ sự: Xin Chúa ban ơn để chúng con sống sao cho trọn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ, Chung: để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh.
Chủ sự: Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân, gia đình chúng con dâng lên Chúa mọi công việc của chúng con sẽ làm trong năm mới này.
Chung: Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và ban cho gia đình chúng con được cộng tác với Con Một Chúa, để thực hiện công trình cứu độ của Người.
Chủ sự: Con Một Chúa đã giáng trần, chia sẻ thân phận người lao động, Chung: để thực hiện chương trình cứu độ muôn dân.
Chủ sự: Con Một Chúa đã bắt chước Chúa hoạt động không ngừng, Chung: để nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Chúa, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế.
Hát: Mùa đông mênh mang trôi qua, cánh chim trời mùa xuân đã mở. Thời gian dâng trong tay Cha với bao mùa của lá hoa. Đời sống có lúc ngát muôn hương, có ngày đầy gió sương. Xin Trời dìu bước đi miệt mài, êm đềm nhịp sống ngày mai. Ngày xuân dâng lên là dâng lên. Chúa xuân ơi! xin nhận cho đời. Hương lòng trong những ngày xuân. Thiết tha lời yêu mến tạ ơn.
 
8. Dâng gia đình cho Đức Mẹ trong năm mới
 
Chủ sự: Lạy Mẹ Maria, trong giờ phút đầu năm này, chúng con xin dâng lên Mẹ từng người trong gia đình chúng con. Xin Mẹ ban cho gia đình chúng con, biết noi gương Thánh Gia Thất:
Chung: ăn ở theo lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái, hầu được vui hưởng niềm vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời.
Chủ sự: Xin Mẹ ban cho gia đình chúng con sống vững vàng trong ân nghĩa Chúa, Chung: và luôn trên thuận dưới hòa.
Chủ sự: Xin Mẹ ban cho gia đình chúng con hồn an xác mạnh, yêu mến Chúa hết dạ hết lòng, Chung: để có sức chu toàn thánh ý Chúa.
Chủ sự: Xin Mẹ ban cho gia đình chúng con luôn đồng tâm nhất trí phụng sự Chúa ở dưới thế này, Chung: để chúng con được vui mừng đoàn tụ trên thiên quốc.
Hát: Đông qua mau, trúc xinh nghiêng nghiêng đợi chờ. Xuân mới về hồn con say ngát ý thơ, hoa xinh tươi thắm xinh trong làn gió mới. Tiến dâng Mẹ, Nữ Vương mùa xuân yêu thương.
ĐK: Maria, chúng con kính dâng lên Mẹ, tim yêu thương dẫu ngàn khó nguy trăm đường. Mẹ hãy thương xuống muôn hồng ân chan chứa. Nguyện tháng ngày chúc khen tình Mẹ muôn phương.
CHUNG: Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.
Chủ sự: Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho linh hồn ông bà tổ tiên chúng con và các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, Chung: hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
Chủ sự: Nữ vương ban sự bình an, Chung: cầu cho chúng con (3 lần)
Chủ sự: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Chung: Amen.
(Nổ bong bóng)
 
9. Chúc tết và lì xì
 
10. Tiệc Giao Thừa
 
Sưu tầm